Bữa trước nói về phong thủy của chùa Tam Chúc mới và tay đại gia buôn thần bán thánh, với hồ nghi về việc bọn thầy phong thủy Tàu giả đồ diệc Quắc, mượn tay người Việt phá long mạch nước Việt, có nhắc tới Cao Biền.
Tất nhiên thời bây giờ không còn chuyện vua chúa gì nữa, nhưng cứ lấy học thuật cổ xưa để mà nói cho vui. Những chỗ thắng địa của nước mình mà bị người ta tự tung tự tác tàn phá thì cũng ấm ức lắm chớ, như thể nó động thổ trên đầu của mình vậy. Đâu nhứt thiết là chỗ đất trong ni ngoài nớ sẽ phát đế vương mới nói đúng không?
1. Cao Biền trong chính sử
Một cách vắn tắt, Cao Biền là một nhân vật có thật, sanh năm 821 tại vùng Bắc Kinh, dưới thời nhà Đường. Ông cha của Cao Biền là những kẻ có công trong cấm quân, nên Cao Biền cũng hưởng tập ấm mà có chức tước.
Cao Biền đầu óc thông sáng, từ nhỏ yêu thích Đạo giáo, tuy không xuất gia làm đạo sĩ nhưng hiểu thông lý khí, giỏi huyền môn, biết nhiều đạo thuật. Từ khi còn trẻ tuổi đã năng giao du với các đạo sĩ đương thời.
Cao Biền theo truyền thống gia đình, làm một tướng quân. Vì giỏi nên từng bước lập công và có vai trò lớn trong quân đội nhà Đường. Tuy bị đồng liêu hại đôi phen nhưng đều có thể hóa nguy thành an và lên chức cao hơn.
Nước ta khi này bị nhà Đường đô hộ, nhưng lại bị nước Nam Chiếu tấn công và chiếm đóng, đóng quân ở La Thành (là Hà Nội ngày nay chắc ai cũng biết). Cao Biền có công bao vây và đánh lui được Nam Chiếu, được vua Đường phong làm tiết độ sứ, trùm của vùng đất nước ta khi ấy.
Sau mấy năm, Cao Biền được cử đi đánh đấm ở vùng khác, và cũng trải nhiều cảnh lên voi xuống chó cho đến lúc chết ở Dương Châu (Giang Tô ngày nay). Vì sao mà chết thì đọc tới đoạn dưới sẽ rõ.
2. Cao Biền trong giai thoại
Giai thoại nước mình thì ôi thôi nhiều vô kể, có nhiều cái như thể người truyền giai thoại ở trong đầu của nhân vật mà viết ra vậy, nên sự thật trong đó không biết đường đâu mà lần. Riêng về Cao Biền cũng có năm bảy chuyện.
– Cao Biền thường cưỡi con diều giấy bay trên không trung để đi quan sát địa mạch của nước ta. Thấy chỗ nào có long mạch có thể phát đế vương thì liền đáp diều xuống và trấn yểm, thường là làm cách chôn đồ kim khí để cắt đứt long mạch. Một lần bay ngang Ninh Bình, thấy thế núi non như quần long hội tụ, là đất sẽ sinh vua, nên Cao Biền rắp tâm phá hoại. Chẳng ngờ, bị một vị cao nhân của người Việt ta ẩn cư nơi đó biết được, cũng dùng thần thông mà bắn tên mượn gió lốc, làm cho Cao Biền rớt xuống đất trọng thương. Chỗ đó gọi là núi Cánh Diều cho tới tận bây giờ. Cao Biền khi ấy biết rằng nước Việt còn cao nhân, nên không dám đi phá long mạch ở Ninh Bình nữa. Khoảng 50 năm sau, vua Đinh Tiên Hoàng sinh ra ở Ninh Bình, lớn lên dẹp loạn mười hai sứ quân, phục hồi quốc thống, xóa bỏ sự đô hộ của Tàu, lập ra nước Đại Cồ Việt, sự nghiệp công lao vô cùng hiển hách. Tuy nhà Đinh không dài, nhưng từ đây nước ta độc lập.
– Cao Biền có đạo thuật rất cao, nên thường lập đàn làm phép, mời sơn thần thổ địa nước ta tới giáng đàn rồi dùng đồ ô uế để trấn yểm hoặc trừ khử. Một lần Cao Biền không tự lượng sức, định trấn yểm Tản Viên Sơn Thánh. Thần cưỡi ngựa giáng đàn, mắng chửi rồi vật cho sùi cả bọt mép. Trong sách Phong Thủy của Cao Biền chấp bút cũng có viết lại chuyện này. Thực hư không dám lạm bàn. Nhưng thần Tản Viên là vị thần đứng đầu trong tứ thánh bất tử của thần thoại Việt Nam. Tin rằng thần có oai lực vô song, cai quản một trong tam đại long mạch của nước ta (ngu sao nói là tam đại long mạch nào hehe), nên sự tôn sùng thần đã có từ thời thượng cổ cho đến tận thời Lê Trung hưng vẫn còn. Thậm chí thời Hoàng Lê, đích thân vua tế lễ thần, toàn bộ dân cư ở Tản Viên Sơn được triều đình “thượng hiến” phụng thờ thần nên một hào thuế cũng không dám thu.
– Khi Cao Biền đánh lui quân Nam Chiếu khỏi thành La, mới đắp lại thành cho lớn hơn. Nhưng làm tới đâu thì sạt lở tới đó, không tài nào đắp được. Cao BIền cho là có chuyện chi thiêng liêng, mới lập đàn cầu đảo, xin thần linh chỉ dẫn. Tức thì, có một linh thần hiển thánh dưới hình hài ngựa trắng, chạy một vòng trên không trung và để lại dấu chân. Cao Biền y theo, đắp ra một thành lớn, chu vi 6600 mét, chân thành rộng 8.5 mét, tường thành cao 8.5 mét, có 55 lầu gác, 6 cửa, 3 vòng hào, 34 lối đi. Sau khi thành đắp xong, Cao Biền đi ra cửa Đông thành, lại gặp thần hiển linh, tự xưng là thần Long Đỗ, nói tới xem việc xây thành. Cao Biền sợ hãi, lại giở tà thuật ra trấn yểm. Chẳng ngờ sau một đêm, những thứ bùa chú pháp khí của Cao Biền đều cháy thành tro cả. Cao Biền sau đó đã lập đền thờ thần Bạch Mã, vẫn còn ở phố Hàng Buồm ngày ngay. Nhưng sau đó, Cao Biền cũng âm thầm dùng tru tiên đại trận bày bố xuống lòng sông Tô Lịch để trấn yểm, nhưng có vẻ không công hiệu. Thành La đắp lại to đẹp nên đổi thành Đại La, về sau trở thành kinh đô của nước ta từ thời Lý cho tới tận thời Lê Trung hưng mới gián đoạn. Điều này cũng có thể lý giải vì sao thần linh nước mình lại chỉ dẫn cho Biền xây thành, mượn tay giặc để làm hữu dụng cho người nước mình vậy.
– Tích Cao Biền dậy non, tích này thì đại khái nói Cao Biền giao việc luyện phép sái đậu thành binh cho một bà già bán hàng nước người Việt rồi bị bà này phá làm cho binh dậy khi chưa xong phép. Chuyện này nghe nó phi logic còn hơn cả chuyện cưỡi diều giấy đi coi đất, bởi khi đó Cao Biền là đương kim tiết độ sứ, dưới trướng có hàng vạn binh lính Tàu và nhiều người tin cậy, không lý gì ngáo ngơ giao việc quan trọng cho một bà già người Việt Nam để cho bà này phá hehe. Cho nên không ghi ra đây.
3. Thực hư việc Cao Biền trấn yểm phá địa mạch nước Việt
Cái này trước tiên cần phải nói, là có việc Cao Biền dùng kiến thức địa lý để xây đắp thành quách khắp nơi trên đất Việt ta sau khi đánh lui Nam Chiếu. Sau đó, Cao Biền còn làm thông thương đường thủy từ Đại La cho nối vô hệ thống giao thông Lĩnh Nam Đông Đạo, khiến cho việc giao thông giữa vùng Lưỡng Quảng và nước ta được thông thương rõ rệt. May thay, Cao Biền chưa kịp làm tới đường bộ thì được lệnh đổi về phương Bắc. Điều này là may mắn cho người Việt mình, bởi nếu đường bộ thông thương nữa thì sự sáp nhập vào nhà Đường sẽ càng diễn ra khốc liệt hơn và nguy cơ mất gốc có lẽ đã thành sự thực. Bởi khi này phía Tàu cực thịnh còn người Việt mình không có vị thủ lĩnh nào nổi bật.
Nói ra ngoài lề một chút, việc này cũng giống như hai bài học trong quá khứ, bài học thứ nhất là khi Triệu Đà theo lệnh Doanh Chính đánh Âu Lạc ta, trầy trật mãi không xong, nhưng sau đó nhờ đào được Linh Cừ là một cái kênh đào đi xuyên rừng núi, giao thông thông suốt, mà đã thay đổi được cục diện. Nếu khi đó không có ông Cao Lỗ chế ra được nỏ liên châu bắn một lần được nhiều tên thì có lẽ nhà Âu Lạc đã chìm trong biển máu. Hay bài học thứ hai là việc thứ sử Giao Chỉ bộ là Phàn Diễn tấu về kinh đô nhà Hán để xin chế độ hành chính cho Giao Chỉ bộ được giống như ở Kinh châu, Từ châu… là chín châu trong thiên hạ nhà Hán. Nhưng vì triều đình trung ương nhà Hán khi ấy hơi mê tín chút xíu, muốn thiên hạ thịnh trị thì phải giữ thế cửu châu như thời cổ đại, nên các vùng lãnh thổ chiếm đóng được của những nước khác thì đều không coi ra gì, vì vậy bác yêu cầu của Phàn Diễn. Nếu khi đó lời tâu của Phàn Diễn được chuẩn thuận, có lẽ bây giờ trên thế giới đã không có bản đồ Việt Nam.
Trở lại với Cao Biền, nếu ta coi phong thủy như một môn học thuật về địa lý kết hợp với lý khí Đông phương thì quả thật Cao BIền đã điều chỉnh thô bạo vào địa mạch nước ta để cho sự lệ thuộc vào Tàu của nước ta ngày càng mật thiết. Gọi là phong thủy cũng được, chính trị cũng được, nhưng bàn tay can thiệp đó của Cao Biền với người Tàu là có công, nhưng với người Việt ta thì đáng bị băm thành ngàn mảnh.
Một di chỉ khác mà người ta cho là tru tiên trận của Cao Biền năm xưa, chính là bãi cọc trấn yểm dưới sông Tô Lịch. Vụ này thì báo chí đã đào xới dao đãi thành tám chương mười hai hồi, dông dài hơn truyện Thủy Hử nên thôi không nói nữa.
4. Kết cục của Cao Biền
Cao Biền làm tướng một thời gian nữa thì bắt đầu già nua lú lẫn, càng lúc càng mê mệt với đạo thuật. Mỗi lần xuất binh đi đánh ở đâu đều bày trò cúng yếm linh tinh lâu lắc, binh sĩ trở nên nản lòng và chúng tướng không còn vâng phục nữa. Cao Biền cũng trở nên đa nghi và độc ác khi tru di hàng vạn người từ tướng tới lính có công và gia đình của họ, gây thù oán khắp nơi.
Sau đó, Cao Biền bị thủ hạ bắt giam và giết chết cùng với hết tất cả đàn ông con trai trong dòng họ, thi hài chôn chung một lỗ ở Dương Châu. Giai thoại nói mả Cao Biền ở Việt Nam là nói mò. Vợ con thê thiếp của y ở nơi khác cũng tự tử hoặc bị ép chết theo, gia đình tan nát hoàn toàn. Cho tới tận ngày nay, bên cạnh những dòng sử trung dung về y, vẫn có nhiều sử gia kết tội y là yêu ma thời loạn, thằng giặc của nhà Đường (乱世妖孽大唐贼子 – loạn thế yêu nghiệt, Đại Đường tặc tử).
5. Kết luận
Đừng đụng chạm tới oai linh sông núi nước Việt, không có kết quả tốt đâu!
2019/3
hình: phục dựng hình ảnh một đạo sĩ thời Đường
—
Tham khảo:
– Tư Trị Thông Giám
– Tân Đường Thư
– Cựu Đường Thư
– Lĩnh Nam Chích Quái
– Việt Điện U Linh
– Phong Thủy
Kì tới có rảnh cùng tám về phong thủy khám Chí Hòa nghe Anh Em.
Hải lê