RA MẮT SÁCH NGHIÊN CỨU QUÝ GIÁ VỀ TỰ LỰC VĂN ĐOÀN TẠI LITTLE SAIGON (Lâm Hoài Thạch/NgườiViệt)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

WESTMINSTER, California (NV) – Nhiều đồng hương và hậu duệ của Tự Lực Văn Đoàn đến dự buổi ra mắt sách “Tự Lực Văn Đoàn Hậu Duệ và Thân Hữu” do Liên Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian tổ chức vào trưa Chủ Nhật, 25 Tháng Sáu, tại NT Studio, thành phố Westminster.

Ba tác phẩm trong buổi ra mắt sách. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt chụp lại)

Buổi ra mắt sách cũng là dịp tưởng niệm 60 năm ngày giỗ nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam (1963-2023). Nhất Linh thành lập Tự Lực Văn Đoàn và là một trong những cây bút chính của nhóm này. Cùng với nhiều người yêu nước thời bấy giờ, Tự Lực Văn Đoàn có công cổ xúy chữ Việt trong sáng và đóng góp rất nhiều cho bản sắc văn hóa Việt.

 

 

Nhà văn, thi sĩ Trần Việt Hải, cánh chim đầu đàn của Liên Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian, đại diện ban tổ chức ngỏ lời chào mừng và cám ơn mọi người đến dự. Ông cũng là một trong những người sáng lập ra nhóm này.

Từ trái, nhà văn Khánh Lan, Giáo Sư Phạm Thị Huê và Giáo Sư Trần Huy Bích. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Tác giả Khánh Lan chia sẻ với phóng viên nhật báo Người Việt: “Tôi mới bước vào làng văn chừng bốn năm nay, từ một cái duyên tôi gặp được anh Trần Việt Hải, anh đã dẫn dắt tôi đi vào nghề viết sách. ‘Tự Lực Văn Đoàn Hậu Duệ và Thân Hữu,’ quyển sách này tổng hợp nhiều nghiên cứu công phu của nhiều người như Bác Sĩ Ngô Thế Vinh, Trần Việt Hải, Kiều My, Thế Uyên, Khánh Lan, Giáo Sư Maria Strasakova, Giáo Sư Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tường Tâm…”

“Quyển thứ hai là ‘Tam Giáo Đồng Nguyên,’ nội dung ghi lại sự tương đồng giữa ba nguồn tư tưởng Nho Giáo, Lão Giáo, và Phật Giáo. Tuy tôi là đạo Công Giáo, nhưng tôi muốn tìm hiểu và nghiên cứu các đạo khác. Bởi vì đạo nào cũng dạy cho chúng ta nhân đức và hiếu nghĩa. Vì thế, tôi muốn tìm hiểu về chân lý của mỗi tôn giáo, và từ đó cuốn tôi vào dòng văn học này. Chính anh Việt Hải đã khuyến khích tôi viết quyển này,” bà giới thiệu.

Nhà văn-thi sĩ Trần Việt Hải phát biểu. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

“Về tác phẩm ‘Phân Tâm Học và Đời Sống,’ đây là một lý thuyết mà tôi được học từ nhiều trường lớp, và đây cũng là nghề của chúng tôi. Trong đó có môn Phân Tích Về Tâm Lý Nội Tâm của mọi người và làm sao để giải thích những uẩn khúc và tiềm thức ở trong cõi vô thức, mà chúng ta không biết được. Nhờ có Phân Tâm Học đã giúp cho chúng ta giải tỏa được những nỗi u sầu đó. Đồng thời cũng giúp cho chúng ta hiểu được, tại sao chúng ta lại hành động như thế,” bà Khánh Lan chia sẻ.

Nói về sách “Tự Lực Văn Đoàn Hậu Duệ và Thân Hữu,” diễn giả Ngọc Cường nói rõ thêm: “Đây là một tuyển tập gồm bài vở của nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu thân hữu ưu ái đến Tự Lực Văn Đoàn, và cộng thêm sự đóng góp của các cây bút tài tử, trong phía hậu duệ của các nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo và Thạch Lam.”

Tì Kheo Thích Liễu Nguyên phát biểu. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

“Qua tuyển tập này, chúng tôi không có ý lặp lại những ý tưởng cũ, những phê bình đã được dựa vào văn học sử. Nhưng thiết nghĩ, dựa theo căn bản là văn học sử không phải là một bản văn chết, mà cần luôn có sự đóng góp, có cái nhìn mới mẻ từ nhiều phía góc cạnh. Do đó, chúng tôi mạnh dạn cống hiến những nhận xét, phê bình mới,” nhà văn Ngọc Cường cho hay.

Về “Tam Giáo Đồng Nguyên,” diễn giả Tì Kheo Thích Liễu Nguyên từ chùa Việt Nam, Los Angeles, nói: “Tam Giáo Đồng Nguyên nói về sự giao thoa cùng phát triển trong thời gian dài trên 20 thế kỷ của Phật Giáo, Nho Giáo và Lão Giáo tại các nước Trung Hoa, Việt Nam, Cao Ly, Nhật, Malaysia, Indonesia, Singapore, và nhiều vùng lãnh thổ cộng đồng khác trên thế giới trong thế kỷ 20 và 21 này.”

Nhà văn Ngọc Cường phát biểu. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

“Trải qua quá trình lịch sử lâu dài như vậy thì chắc chắn sẽ để lại nhiều nét tôn giáo, văn hóa, văn học nghệ thuật độc đáo khi được kết hợp với nhiều nền văn hóa của từng quốc gia ấy. Cuốn sách ‘Tam Giáo Đồng Nguyên’ của tác giả Khánh Lan đã bao quát nói lên được điều đó. Đây là một cuốn sách, một tác phẩm, một công trình sưu tầm và nghiên cứu đầy đủ về Tôn Giáo Đồng Nguyên, để các độc giả, học giả… làm tư liệu nghiên cứu và tham khảo rất nhiều bổ ích,” ông cho biết thêm.

Theo diễn giả Trần Kim Thoa: “Phân Tâm Học không những được sử dụng trong khoa học, xã hội và nhân văn mà còn ảnh hưởng rộng rãi trong lãnh vực văn chương, nghệ thuật, tôn giáo, nhân học, giáo dục, luật pháp, sử học, và ngay cả trong đời sống của con người.”

Nhạc sĩ Phan Đình Minh hát bài “Im Lặng,” thơ Nhất Linh, do ông sáng tác. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Trong số đồng hương đến dự, Giáo Sư Phạm Thị Huê nói: “Theo tinh thần quảng bá tiếng Việt cũng như học hỏi thêm về văn hóa của Việt Nam, trong đó có vấn đề tại sao có những tôn giáo ở Việt Nam, mà Khánh Lan đã đặt đề tựa là ‘Tam Giáo Đồng Nguyên.’ Đây là một ý tưởng rất hay để cho mọi người cần nghiên cứu, để được hiểu thêm tầm quan trọng của tôn giáo đối với dân tộc Việt Nam như thế nào. Tại vì dân tộc Việt Nam có tín ngưỡng, luôn để ý đến trời đất, không chỉ có một tôn giáo mà đến ba tôn giáo. Mong rằng, những quyển sách này sẽ đưa đến một ánh sáng, một sự hiểu biết cho chúng ta, nhất là cho giới trẻ tại hải ngoại.”

Giáo Sư Trần Huy Bích nhận định: “Đối với những nhà văn trẻ hiện nay, tôi thấy họ có tinh thần học hỏi và cầu tiến, nhân cơ hội có nhiều phương tiện để tìm hiểu thêm những tài liệu, và những gì quan trọng tại đất nước Hoa Kỳ trên Internet, hoặc thư viện. Vì thế, vấn đề viết sách xem như được dễ dàng hơn lúc trước rất nhiều. Tôi nghĩ rằng, những người viết sách trong tương lai sẽ có tiềm năng, và còn nhiều đường dài để tiến đến sự thành công trong vấn đề biên soạn.”

Đồng hương đến dự. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Nhà văn Trần Việt Hải tâm tình: “Tôi rất vui khi được hướng dẫn Khánh Lan trong lãnh vực biên soạn. Cô là người rất chịu khó sưu tầm những tài liệu quý giá để nghiên cứu, nhằm tạo dựng ra tác phẩm của mình, và trong tương lai, Khánh Lan còn cho ra đời nhiều tác tác phẩm có giá trị khác.”

Buổi tổ chức có yểm trợ chương trình văn nghệ, với sự điều hợp của Mộng Thủy và Hồng Quyên, qua các tiếng hát Hạ Lan, Ngọc Quỳnh, Kiều Loan, Phan Đình Minh, và Nhóm Tiếng Thời Gian. (Lâm Hoài Thạch) [qd]