Tôi vốn người miền Bắc, quê quán ở xứ lụa La Phù, Hoài Đức, Hà Đông, được thấm đẫm những lời ru “Ạ ơi ơi, Ạ ời ời” đầy tình tự quê hương từ thuở nhỏ. Tình cảm đối với điệu ru ấy là trường cửu, là vĩnh viễn, là bất diệt.
Điệu ru con (Tranh minh họa qua vovworld.vn)
Thế rồi, cuộc đời đưa đẩy, mười năm lăn lóc ở Vĩnh Long, và Trà Vinh giúp tôi biết đến và yêu mến vô cùng những câu hát “Ầu ơ”. Sau này, dù đi đâu, về đâu, ở đâu thì những câu hát điệu hò ấy vẫn mãi mãi còn nguyên trong ký ức. Đây là vài câu hát tiêu biểu của điệu ru “Ầu ơ” phương Nam ấy:
Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẻo, gập ghềnh khó đi
Khó đi, mẹ dắt con đi
Con đi trường học, mẹ đi trường đời
Má ơi đừng gả con xa
Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu
Bước ngang qua nhà má
Tay tui xá
Cẳng tui quỳ
Vì thương con má sá gì thân tui
Chiều chiều ong nữ đi đăng
Cá tôm nhảy hết nhăn răng cười hoài
Má ơi con vịt chết chìm,
Con thò tay con vớt,
Con cá lìm kìm nó đớp tay con!…
Một điều lạ lùng là nội dung những câu hát ấy nhiều khi đơn sơ lắm, thậm chí… vô nghĩa nữa… nhưng hiệu quả thấm nhuần của chúng vẫn là vô cùng vô tận: mãi mãi đi sâu vào lòng người, nghe một lần rồi không thể nào mà quên đi cho được!
“Má ơi! Con vịt chết chìm”
Lại nói về mấy câu hát:
“Má ơi! Con vịt chết chìm
Con thò tay con vớt,
Con cá lìm kìm nó đớp tay con”
Tôi tách ra thành ba dòng, nhưng thật ra xét về mặt hình thức, chỉ có hai câu thuộc thể loại “Lục bát MORE” (Lục bát thêm vào):
Má ơi ! Con vịt chết chìm
(Con thò tay con vớt) Con cá lìm kìm nó đớp tay con
Vần được gieo ở chữ thứ tư trong câu bát chính thể (chìm – kìm).
Lời thơ thì vô cùng đơn sơ, với những hình ảnh chân quê “con vịt, con cá lìm kìm” . Thật là bình dị thế thôi, không có văn chương, hoa hoè, hoa sói chi hết!
Về mặt nội dung, khởi đầu bằng tiếng gọi “Má ơi!” ngọt ngào, dễ thương. Tiếp ngay theo đó là cái hình ảnh ngược đời “Con vịt chết chìm”, “Cá lìm kìm đớp tay con”. Vịt thì có chết chìm bao giờ? Cá lìm kìm cũng vậy nữa, con cá nhỏ xíu chuyên bơi lội trên mặt nước này hễ thấy nước xao động là… nhảy, là lặn mất tăm luôn, nó có bao giờ cắn, đớp, hoặc chích ai đâu!
Nhưng chính từ những cái ngược đời ấy mà thể hiện được hình ảnh một cô gái bé nhỏ rõ là thơ ngây, đang nhõng nhẽo mẹ!
Đọc lời thơ chân quê ấy đã thấy hay, nghe ru “Ầu ơ” mấy câu ấy lại càng thấm thía, nhớ đời vậy. Cái ngày mà tôi được nghe ru Ầu ơ mấy câu ấy cách nay đã lâu lắm rồi, chính xác là 29 năm. Hai mươi chín năm ròng, các bạn ạ! Hai mươi chín năm nhưng “Con vịt chết chìm” và “Con cá lìm kìm đớp tay” vẫn như còn quanh quất đâu đây!
Gặp Lại “Con cá lìm kìm”
Ngày đó, trong một lúc buồn tênh, thả lòng vòng trong trang thơ Trinh Nữ, tôi tình cờ gặp lại những hình ảnh thân thương ấy trong bài thơ “Hát về con mương nhỏ” của tác giả Thu Nguyệt do thi sĩ Huyền Lâm giới thiệu.
Với mật độ mỗi ngày đăng hơn 50 bài thơ mới, một bài thơ nào đó dù vừa mới ra lò, cũng nhanh chóng bị các bài đăng sau đẩy lùi xuống tận… trang 5. Do đó, có rất nhiều bài thơ hay chưa kịp xem đã… mất hút ! Người đọc nếu bận rộn một chút, sẽ dễ dàng bỏ lỡ những bài ấy.
Bài thơ “Hát về con mương nhỏ” này cũng vậy, nó được anh Huyền Lâm giới thiệu, đăng ngày 26/9, và nửa tháng sau, khi tôi tình cờ xem được thì nó đã ở tuốt tận trang thứ 78!
Xin mời các bạn cùng đọc lại bài thơ ấy:
Hát về con mương nhỏ
Thu Nguyệt
“Má ơi! Con vịt nó chết chìm…
Con thò tay xuống vớt cá lìm kìm nó cắn tay con”
Con mương nhỏ mỗi chiều tôi nghịch nước
Chú cá lìm kìm đang cắn khúc Ca Dao
Mười năm qua không ai đắp ai đào
Lá tre rụng con mương sâu thành cạn!
Chú cá lìm kìm giờ đây bỏ bạn.
Trôi dạt phương nào theo lời mới dân ca?
Chiều nay buồn tôi trở lại quê nhà
Tay khỏa nước gọi lìm kìm đâu hỡi?!
Mười năm nữa con mương thành lộ mới
Mẹ tôi rồi phải quét lá tre rơi!
Tôi trở về nhớ mãi nước mương vơi
Những mắt cá lìm kìm đầy cơn khát.
Con vịt có chết đâu mà tôi buồn tôi hát?
Để cá lìm kìm cắn mãi trái tim tôi!
Thu Nguyệt & Huyền Lâm giới thiệu để nhớ về Tố Quyên – BN – Th.Nguyệt
Một luồng cảm xúc bất chợt nổi dậy trong tôi, chẳng khác nào một luồng điện xẹt ngang qua vậy!
Mở đầu vẫn là những hình ảnh “Con vịt chết chìm” và “Con cá lìm kìm” thân quen, xa xưa ấy, nhưng tác giả không nói về một cô bé nhõng nhẽo mẹ, mà khéo léo dùng chúng như một cách “nhập đề ngẩu hứng”, để nói về một hình ảnh, một câu chuyện khác: Hình ảnh một con mương xưa đầy nước, với những chú cá lìm kìm bơi lội nhởn nhơ, mơ màng… cắn khúc ca dao (!). Ý tưởng cá lìm kìm mê ca dao thật là đặc sắc vậy!
Con mương nhỏ mỗi chiều tôi nghịch nước
Chú cá lìm kìm đang cắn khúc Ca Dao
Bất chợt, mạch thơ chuyển gắt sang “chuyện đời tang thương, dâu bể”, do quy luật của tự nhiên (lá tre rụng) hoặc do sự vô tâm, hoặc thiếu quan tâm của con người mà giờ đây con mương nhỏ nên thơ ấy đã dần dần cạn nước.
Mười năm qua không ai đắp ai đào
Lá tre rụng con mương sâu thành cạn!
Hậu quả là những con cá lìm kìm ngày xưa ấy giờ đã đi xa, không về con mương ấy nữa.
Chú cá lìm kìm giờ đây bỏ bạn
Trôi giạt phương nào theo lời mới dân ca
Chuyện tang thương dâu bể nào cũng buồn cả, đặc biệt với những tâm hồn sâu lắng, thì cái buồn sẽ mênh mang vô tận, dẫu chỉ là cái hình ảnh tượng trưng “con mương đầy, khô cạn”. Tâm sự của người trở về đứng trước con mương cạn, vắng bóng cá lìm kìm mới thắt lòng làm sao:
Chiều nay buồn tôi trở lại quê nhà
Tay khỏa nước gọi lìm kìm đâu hỡi?!
Mười năm nữa con mương thành lộ mới
Mẹ tôi rồi phải quét lá tre rơi!
Đưa được hình ảnh người mẹ già còng lưng quét lá tre rơi vào đây thật là tinh xảo! Chính câu này đã làm sâu lắng thêm, gợi cảm hơn cho toàn bài thơ vậy!
Đặc biệt, nỗi buồn mênh mang của tác giả hiện hữu không chỉ lúc đối diện con mương, mà sau này, khi đi xa rồi, nỗi buồn ấy vẫn trầm trầm đeo đẳng:
Tôi trở về nhớ mãi nước mương vơi
Những mắt cá lìm kìm đầy cơn khát.
Đến 2 câu kết lại càng ảo diệu hơn, tác giả trở lại với hình ảnh con vịt, và cá lìm kìm nhập đề, để kết một cách độc đáo:
Con vịt có chết đâu mà tôi buồn tôi hát?
Để cá lìm kìm cắn mãi trái tim tôi!
Hàn Sĩ Nguyên