“Mưa hoàng hôn, năm cửa ô sầu hắt hiu trong ngục tù
Tủi thân nhớ bao ngày qua
Mưa ngùi thương nhòa trên giòng sông Hồng Hà
Ôi còn đâu vàng son mùa thơ hiền hòa
Đau lòng Tháp Rùa, Thê Húc bơ vơ, Thành Đô xác xơ!
Cô liêu trong nỗi u hoài Lòng người sống lạc loài
Thê lương mềm vai gầy Bao oan trái dâng tê tái
Cho kiếp người héo mòn tháng ngày …”
*
* *
Hẳn không nhiều người biết ca khúc “Mưa Sài gòn mưa Hà nội” của Phạm Đình Chương là một ca khúc tâm lý chiến, cổ suý cho cuộc di dân vĩ đại 1954. Nó chứa chan hoài cảm và đầy lòng thương nhớ một đất Hà nội xưa.
Mà nó không bi luỵ, không rên rỉ kiểu nostalgia, nó tràn trể niềm cảm khái, hy vọng vào một quê hương mới tự do và no ấm. Nên nó được viết bằng pasodoble, điệu nhảy warm-up mở màn của bất kỳ bal de famille của mọi gia đình miền Nam thời ấy.
2 triệu đồng bào miền Bắc năm 1954 được cứu rỗi vào Nam, với ca khúc này trong tâm khảm.
“Mưa ngày nay, như lệ khóc phần đất quê hương tù đày”…
Như một lời tiên tri, một khúc luân vũ khác của Phạm Đình Chương, “Ly Rượu Mừng”, cũng đã bị giam cẩm suốt 40 năm. Nó bị cấm hát, chỉ vì trong những ca từ rất đẹp của nó có những từ “người lính”, “binh sĩ lên đàng”…
Với điệu luân vũ tuyệt vời của Ly Rượu Mừng, Phạm Đình Chương quả thực đã khai sinh nhạc dance của Việt Nam, cho đến ngày nay. Người đã đem những giai điệu luân vũ thành Vienne, thổi cho nó cái hồn Việt mà không hề gượng gạo:
“Rót thêm tràn, đây chén quan san*,
Chúc người binh sĩ lên đàng,
Chiến đấu công thành
Sống cuộc đời lành
Mừng người vì nước quên thân mình…”
(* “Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san” -(Kiều)
Nhưng “Ly Rượu Mừng” vẫn chưa bao giờ chết. Nó nằm trong ký ức, trong tâm khảm của rất nhiều thế hệ người miền Nam thuở trước. Nó tràn trề niềm cảm khái và hy vọng về một đất nước hoà bình:
“Chúc non sông hoà bình, hoà bình;
Ngày máu xương thôi tuôn rơi,
Ngày ấy quê hương yên vui…”
Thật trơ trẽn, chỉ khi người ta phóng thích Ly Rượu Mừng sau 40 năm tù hãm, VTV đã vội vã dựng ngay một màn ca múa nhạc kệch cỡm có tên Ly Rượu Mừng, dưới nhan đề “Tự hào Việt Nam” (?). Thật vậy, không thể nào chịu nổi cách người ta dàn dựng Ly Rượu Mừng theo kiểu ca múa công nhân ưỡn ngực tự hào, cô gái phất cờ chạy lui chạy tới kiểu Bắc Hàn (?). Ly Rượu Mừng là tình cảm gia đình, là tình yêu đôi lứa, là mơ ước no ấm, thái bình, nào phải là một khúc diễu hành kệch cỡm?
Rồi còn những giọng ca có số má nhưng hát LRM cứ luyến láy, chêm thêm những note trơn nhẫy kiểu MTV hay Sơn Tùng… Họ làm hỏng Ly Rượu Mừng, làm hỏng tiết tấu 3/4 dứt khoát của valse…
Nhưng tệ hại hơn, những tên nhạc phiệt và hệ thống của họ đã làm hỏng giấc mơ hoà bình, hạnh phúc của một nửa nước đã từng no ấm…
“Bạn hỡi, vang lên lời ước thiêng liêng
Chúc non sông hòa bình, hòa bình
Ngày máu xương thôi tuôn rơi
Ngày ấy quê hương yên vui
Đợi anh về trong chén tình đầy vơi.
* Nhấc cao ly này
Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do
Nước non thanh bình
Muôn lòng hạnh phúc chan hòa.
Ước mơ hạnh phúc nơi nơi
Hương thanh bình dâng phơi phới.”
Sau 40 năm bị giam cầm, hãy nghe lại Ly Rượu Mừng không phải để hy vọng, để lạc quan…, mà để ý thức được dân tộc này đã bị tước đoạt những gì: không chỉ là một nền âm nhạc rạng rỡ ngang tầm thế giới, mà là khát vọng no ấm, thanh bình… đã bị đánh cắp, huỷ diệt.
Dr. Nikonian
https://drnikonian.wordpress.com/2017/01/03/ly-ruou-mung-hay-mot-giac-mo-bi-danh-cap/
http://phailentieng.blogspot.com/search/label/ca%20nh%E1%BA%A1c%20s%C4%A9