LỤC BÌNH (Mỹ Hiệp)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

(Viết để nhớ những ngày tháng Tư Đen 1975)

Tháng tư… gợi mảnh hồn phiêu bạt,
Một thuở long đong lắm bụi trần.
Kiếp ta chen giữa đời bão cát,
Để mãi nghìn sau nổi bâng khuâng…
 

 Bữa cơm chiều các con đã ăn xong. Nhẫn thu dọn chén đĩa, miệng hối thúc ba đứa nhỏ tắm rửa thay áo quần sạch sẽ để đón Ba đi làm về. Đứa con trai đầu lòng năm tuổi, tự lo cho nó được, đứa em gái kề ba tuổi không chịu buông chiếc khăn lông, nó ghì chặt hôn hôn hít hít như ghiền cái mùi quen thuộc của nó, lim dim hai mắt có vẻ mơ màng.
– Má ơi! Em Titi không chịu ôm chiếc khăn mới, nó đòi cho được chiếc khăn cũ của nó hà!” Thằng con lớn mách mẹ.
Nhẫn vừa tắm cho đứa con út mười bốn tháng, vừa nhìn đứa bé gái dỗ dành:
– Con bỏ chiếc khăn đó ra cho má giặt, ôm tạm chiếc khăn đẹp kia đi!
Con bé đôi mắt vẫn mơ màng nửa nhắm nửa mở, lắc đầu nhè nhẹ. Bà mẹ hối thúc dồn dập:
– Lẹ lên, thau nước của con đó, tắm lẹ lên! Má thay quần áo cho rồi còn đi đón Ba nữa!
oOo
Ba đứa bé không gặp được Ba. Mặt trời đã tắt nắng, bốn mẹ con lủi thủi về nhà. Màn đêm buông xuống, bóng tối càng làm tăng thêm nỗi lo lắng cho người đàn bà, vài ngày gần đây chị bắt gặp nỗi đăm chiêu trên gương mặt chồng, anh ấy cứ nhìn các con thở dài. Chị hỏi có gì lo nghĩ. Anh trả lời bằng một tiếng thở dài hơn, anh kể cho chị nghe về xác trẻ thơ trên những chiếc sà lan cặp bến Cam Ranh trên đường di tản từ miền Trung vào, chúng chết đói chết khát trên cánh tay cha mẹ. Thảm cảnh nào hơn!

Công tác của chồng chị suốt tháng trời nay là phân phát gạo cho đồng bào di tản. Chị tự giải thích để giải tỏa niềm lo lắng càng lúc càng lớn dần: “Có lẽ hôm nay nhiều đồng bào di tản đến, công việc nhiều nên anh ấy vế trễ” Các con chị tuy còn quá nhỏ, song hình như chúng cũng hiểu được sự vắng mặt bất thường này của Ba nên ôm cứng lấy mẹ. Nhẫn đưa con vào giường. Chị quan sát những nhà hàng xóm, người quen không thấy, trên vỉa hè xuất hiện nhiều người lạ mặt, họ mang theo những túi xách. Hôm nay có mẹ và hai em của chị từ Dục Mỹ vào cho biết Banmêthuột mất rồi. Dục Mỹ có ba quân trường Biệt Động Quân, Pháo Binh và Lam Sơn, lính tráng nhiều, sợ có đụng độ nên đưa mẹ vào. Gia đình chị đóng ở Pleiku vừa thuyên chuyển về Cam Ranh chưa tròn tháng. Vào khoảng mười một giờ đêm có tiếng gõ cửa cấp bách. Mẹ ra mở. Chồng Nhẫn về! Anh gởi gắm vợ và các con cho mẹ và ra đi vì có tin sau mười hai giờ đêm Cộng Sản sẽ chiếm Cam Ranh. Anh cho biết các quan lớn đã di tản trước hết rồi! Chị bình tĩnh mở tủ lấy tiền đưa cho chồng và bảo:
– Em chỉ lo cho anh. Có má và các em của em ở đây, em không sợ gì hết!
Chị nói cứng rắn cho chồng an tâm ra đi, chỉ còn một giờ, chị sợ anh không còn kịp để thoát khỏi nơi nầy. Hình ảnh mà chị thấy từ báo chí khi Cọng Sản chiếm Cố Đô Huế trong Tết Mậu Thân làm chị đâm hoảng. Chị mang hình ảnh có liên quan đến chồng đốt hết, kể cả quần áo quân đội. Trong nhà còn lại chỉ có đàn bà, lúc nầy mẹ già lại càng cuống cuồng, Bà Bảo: “Hột ngọc to bằng đầu gối còn dễ giữ hơn là mấy đứa đàn bà con gái thời buổi nầy!” Nhà chị cạnh Quận Nam cũng là mục tiêu pháo kích. Ở đây như ở giữa hai làn đạn, chị nghĩ là phải rời đây ngay!
Đêm khắc khoải dị thường, sao không nghe tiếng gà gáy sang canh. Đêm cũng dần qua, bóng tối tan loãng, Chị hé cửa xem động tịnh và muốn hiểu hư thực về cái tin mà chồng chị nói đêm qua. Hai chân Nhẫn bỗng như quị xuống đứng không vững. Hai tay chị vịn thành cửa, hai mắt mở lớn nhìn chằm chặp vào lá cờ đỏ treo trên cột cờ quận Nam. Chị lẫm bẩm: ” Họ đi bằng cách nào mà không nghe chó sủa, cũng không nghe tiếng xe chạy?” Mấy mẹ con vội kiếm xe ra Nha Trang. Hành trang của chị giờ đây chỉ có túi xách vài bộ quần áo và ba đứa con dại. Một giờ sau khi rời Cam Ranh, người anh họ từ Ba Ngòi ra báo tin, cư xá Nhẫn vừa rời khỏi và cả Quân Nam đã bị bỏ bom! Thật ngậm ngùi cho số phận những người chưa kịp rời nơi đó.
Gia đình chị tá túc bên Cầu Bóng Tháp Bà. Gió biển thổi mát rười rượi. Mấy chị em Nhẫn muốn lên tháp xin xăm, cầu bình an cho chồng nhưng đã bị cấm vì trên đó đang có ổ súng phòng không của quân miền Bắc vừa mới chiếm! Chị trở ra cầu tàu, thuyền về chở đầy ắp cá đổ ngập cả bên ghe từng đống lớn to như trái núi. Bấy giờ là mùa cá nục. Cá nục Nha Trang có mùi thơm ngon giống mùi cá mòi hộp. Chọn loại cá suông thon dài, trên lưng không có lằn vảy, gọi là cá nục chuối. Chị mua một rổ lớn, lựa con to nhúng nước muối phơi khô, còn lại cho vào nồi kho với cà chua, kho liu riu cho đến khi cá mềm ăn được luôn xương. Đây là lương thực phòng hờ cho những ngày sắp tới. Nếu dân chài không ra biển được nữa thì gia đình cũng có tí thực phẩm ăn qua ngày. Ngay buổi chiều, cơm nước xong, Nhẫn đưa con lên giường, ôm con vào lòng, chị hôn đứa nầy đến đứa kia, chị cảm thấy hạnh phúc nầy mong manh quá, tưởng chừng phút chốc có thể biến mất. Chỉ mới một đêm mà chồng chị giờ đây chẳng biết nơi nào! Đoạn đường rừng lá bị đứt…
Bỗng chị kinh hãi la lớn: “Hình như có tiếng máy bay!”
Ầm ầm! Những tiếng nổ long trời lở đất. Tiếng súng phòng không trên Tháp Bà bắn liên hồi. Chị hốt hoảng bế thằng con nhỏ nhất đưa xuống gầm giường. Tiếng máy bay sát mái nhà. Một tiếng nổ hướng sau bếp, cách chỗ mẹ con chị nằm chỉ một bức vách. Tiếng nồi soong bát dĩa rơi loãng xoảng. Chị kéo thằng con ra khỏi giường bế xốc lên vai, tay kia nắm bé gái. Đứa con trai lớn sợ hãi khóc mếu máo: ” Má ơi đừng bỏ con!”
– ” Con nắm áo má cho khỏi bị lạc!”
Đèn điện tắt ngấm, lửa phát cháy từ dây điện đường; những nhà ven chân tháp phát hỏa vì trúng đạn. Toàn khu vực một màu đỏ lửa. Thoát ra khỏi nhà, mẹ con chị nghe tiếng khóc gọi cha gọi mẹ đuổi theo sau lưng, xoáy vào óc thật rùng rợn, bốn bề toàn lửa. Chị tưởng mình đang đi vào địa ngục! Lửa rọi đường đi, hai bên đường, người bị thương máu lai láng. Chạy ra đường lớn thì sợ máy bay, chị dẫn con xuyên qua ngả hẻm xuống bến tàu. Bỗng có một toán người chạy ngược chiều, họ la lên:
– “Đừng xuống đó! Bà Ba bánh mì bị bom chết rồi! Máy bay đang quần dưới đó!
– Bà Ba nào? Nhẫn hỏi lại.
– Bà Ba Quí!
Nhẫn bấn loạn tâm thần, chỉ cách khoảng hai giờ đồng hồ trước đây, Bà còn đến thăm an ủi mẹ con chị:
– “Mẹ con mầy đừng lo, nhà Bác còn cả chục bao gạo, đến ở nhà Bác không sợ đói đâu!”
Buổi chiêu, gặp Bác, trên gương mặt phúc hậu kia, đố ai đoán được nổi bạc mênh của Bà.
Gia đình Nhẫn chạy loanh quanh, chạy tới rồi chạy lui, ánh lửa đỏ chói nhưng không đủ soi rõ mặt người bị thương nằm dọc hai bên đường, quen hay lạ, trong giây phút nầy không ai có thể giúp gì cho nhau. Người đã chết, chưa chết, và sẽ chết đều chung định mệnh.
Máy bay quần thảo sát ngọn dừa trên đầu mẹ con chị. Sợ hãi chị đặt con xuống cạnh một nền giếng xi măng, nằm sấp lên che chở cho các con trong tư thế gà mẹ ấp trứng! Chị đọc kinh cầu nguyện và dặn dò các con, “các con niệm Nam Mô A Di Đà Phật !, đọc liên tục thì hết sợ, đừng khóc, máy bay nghe tiếng khóc, nó tới nữa. . .” Các con chị nghe lời đọc kinh và không dám khóc! Chị cũng cầu nguyện cho những phi công đang lái máy bay tránh được làn đạn phòng không và sớm rời khỏi nơi nầy….!
….Tiếng súng, tiếng máy bay cũng đã không còn. Không gian tỏa ra một ít ánh sáng lờ mờ, có tiếng xe đò chạy từ Ninh Hòa vào Nha Trang. Bằng gấp đôi giá thuê xe bình thường, mẹ con chị lên xe về quê ngoại, cách Nha Trang khoảng ba mươi lăm cây số. Quân lỵ Ninh Hòa nhỏ bé nằm trên trục lộ số Một ra miền Trung và đồng thời cũng là ngả ba quốc lộ hai mươi mốt, đường lên cao nguyên Banmêthuột .
Quê hương ôm ấp tình yêu mẹ,
Làng xóm đong đầy hơi ấm cha,
Con về nhìn bóng mình quạnh quẽ,
Bỏ lại sau lưng những xót xa…
Về lại quê ngoại, làng Mỹ Hiệp quen thuộc từ tấm bé. Nhẫn quen cả những con đường có tiếng xe bò chở rạ rơm từ ruộng đồng, những tiếng rao hàng trong lòng con phố nhỏ. Nhà Từ Đường phía Ngoại nằm sâu bên trong một khu vườn bao bọc bởi lũy tre là ngà rậm rạp và mấy chục cây me lâu niên to bằng hai người ôm! Trước cổng Từ Đường là một con mương dẫn nước thủy lợi, kề bên những thửa ruộng xanh, rì rào sóng lúa! Đó là cảnh như là thanh bình, người dân như không màng đến những dằn co thời cuộc và họ sống thật chất phát với ruộng đồng….!
Những tưởng về lại quê ngoại, nhờ sạp hàng quần áo của mẹ trong chợ Dục Mỹ, mẹ con sẽ buôn bán qua ngày. Nào ngờ chợ Dục Mỹ bị cướp và cũng theo thần hỏa từ hôm ba quân trường được lệnh “di tản chiến thuật”!
Khoảng tháng sau, chị nhận được tin chồng đã đến được Vũng Tàu và sau đó lên Sài Gòn đoàn tụ gia đình. Chị nhận được một số tiền do anh gởi ra nhắn chị hãy đưa con vào với anh. Chị theo dõi đài BBC, biết là nước sẽ mất không lâu nên nấn ná chưa đi. Sau ngày 30 tháng tư năm 75, ông Nội chồng ra Nha Trang đón mẹ con chị. Trên đường vào Nam, chị thấy hàng hàng lớp lớp xe tải xe đò chạy ngược chiều, trong thời gian nầy, chỉ có xe đò là hốt bạc! Xe chạy được vài giờ thì bị kẹt dồn đống vì tai nạn. Hàng quán không ai bán buôn, chị không dự đoán được nên mẹ con chị và cả ông Nội đều bị đói. Thàng út cứ ôm mẹ bú suốt ngày đến không còn giọt sữa nào! Hai đứa lớn thì gục đầu vào lòng mẹ đờ đẫn. . .
Ông nội lân la đến những đám người thổi lửa nấu cơm. Hồi lâu, ông đem về đưa cho chị một gói lá chuối xé trong rẩy, bên trong là một ít cơm xin được. Ba đưa nhỏ thấy cơm dùng tay bốc ăn ngấu nghiến. Ông nội nhìn Nhẫn nói: “Mầy cũng ăn vài hột với lũ nhỏ. Xe biết bao giờ mới chạy được đây! Tao già, để tao làm xấu đi xin cơm!” Ông nói rồi quay lưng đi. Nhẫn lấy tay bốc vài hột cơm bỏ vào miệng. Oâi! Sao nó hôi mùi gạo mốc và nước sình! Ấy thế mà bao tử có chút gì được cho vào là mấy phút sau người có vẻ tỉnh táo hơn trước. Khổ ải nào rồi cũng qua, đến tám giờ tối hôm đó ông cháu cũng về được nhà!
Tổ Quốc thôi đành như sương khói!
Non nước từ đây lắm đoạn trường
Mỹ Hiệp
https://phailentieng.blogspot.com/2015/03/luc-binh-my-hiep.html?fbclid=IwAR0YW2azljuaihhqVCEvEy4zrhrM01pJErB5z6GOcKINXIuJPsoP4mIH2HA