Luật sư chân chính, Luật sư bất chính

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail
Luật sư Võ An Đôn trong phiên xử vụ công an đánh chết anh Ngô Thanh Kiều.
Luật sư Võ An Đôn trong phiên xử vụ công an đánh chết anh Ngô Thanh Kiều.
11.10.2015
Luật sư chân chính, luật sư bất chính
Một luật sư trẻ nổi tiếng vì phục vụ người nghèo miễn phí kêu gọi một hệ thống tam quyền phân lập để lành mạnh hóa nền tư pháp, bảo vệ công lý tại Việt Nam và vực dậy lương tâm đạo đức nghề nghiệp của giới luật sư.
Luật sư Võ An Đôn ở Phú Yên, một luật sư nghèo được nhiều người biết đến từ sau vụ án của ông Ngô Thanh Kiều bị 5 công an Tuy Hòa đánh chết, vừa gây bão công luận sau loạt bài viết trên Facebook bàn về chuyện chạy án của giới luật sư trong nền pháp lý nhiều lỗ hổng và môi trường xã hội đầy tham nhũng tại Việt Nam. Trò chuyện với Tạp chí Thanh Niên VOA hôm nay, luật sư Đôn chia sẻ những trăn trở nghề nghiệp, về điều mà anh mô tả là ‘luật sư chân chính’ và ‘luật sư bất chính’  trong thông điệp kêu gọi mọi người góp phần làm trong sạch đội ngũ luật sư và ngành luật pháp còn nhiều bất cập trong nước.
Luật sư Đôn: Bài viết của tôi đã nói lên thực trạng của ngành luật sư hiện nay. Ai cũng biết tình trạng chạy án hiện nay là rầm rộ. Người ta sợ đụng chạm tới quyền lợi nên không ai dám nói. Mình nêu lên vấn đề thì xã hội rất quan tâm.
Trà Mi: Luật sư nêu lên vấn đề ‘chân chính’ và ‘bất chính’. Theo ông, vì sao có luật sư bất chính?
Luật sư Đôn: Trong giới luật sư tôi biết có nhiều nguyên nhân, nhưng cơ chế là yếu tố chính. Nhiều luật sư nhiều khi không muốn, nhưng cũng phải chạy án vì nếu làm luật sư chân chính thì rất nghèo, không đủ sống. Cho nên phải chạy án để tồn tại. Bởi lẽ các cơ quan tố tụng ở Việt Nam không độc lập, quyền lực nằm trong tay thẩm phán. Cho nên, luật sư ra tòa nói cũng như không. Án thì là án bỏ túi. Để đạt hiệu quả cho khách hàng, luật sư phải chạy án để có tiền, có khách. Nếu luật sư không chạy án, chả ai thèm nhờ. Cho nên việc hành nghề của luật sư chân chính rất là khó khăn. Luật sư phải chung chi, chạy chọt, liên kết với điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán. Nó như một thị trường, mức án bao nhiêu có giá bao nhiêu. Người ta mốc nối với nhau chứ luật sư mà ra nói không thì chẳng ai nghe hết.
Trà Mi: Nhưng ‘luật sư bất chính’ không chỉ do hệ thống hay mặt bằng chung, phải chăng đạo đức nghề nghiệp và lương tâm của người luật sư cũng góp phần cho việc đó?
Trong giới luật sư tôi biết có nhiều nguyên nhân, nhưng cơ chế là yếu tố chính. Nhiều luật sư nhiều khi không muốn, nhưng cũng phải chạy án vì nếu làm luật sư chân chính thì rất nghèo, không đủ sống. Cho nên phải chạy án để tồn tại…Nếu luật sư không chạy án, chả ai thèm nhờ. Cho nên việc hành nghề của luật sư chân chính rất là khó khăn.
Luật sư Võ An Đôn.
Luật sư Đôn: Nhưng cái lớn nhất vẫn là do cơ chế. Nó vận hành bộ máy tư pháp như vậy thì luật sư chân chính sống không được, phải vật vả, phải làm một nghề khác để tồn tại.
Trà Mi: Về mặt pháp lý có những biện pháp chế tài nào đối với các hoạt động của luật sư bất chính?
Luật sư Đôn: Các cơ quan điều tra như công an, viện kiểm sát hay tòa án phải vào cuộc nhưng những cơ quan này lại liên kết với luật sư chạy án thì ai vào cuộc đây? Rất khó. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã không độc lập, còn liên kết chặt chẽ với luật sư chạy án thì khó mà phát hiện được lắm.
Trà Mi: Trước nay có những vụ án nào xét xử những luật sư bất chính để nêu gương cho xã hội, làm trong sạch hóa bộ máy pháp luật không?
Luật sư Đôn: Hiếm hoi lắm mới bắt được họ. Luật sư nhận tiền chạy án mà làm không được thì trả tiền lại, chẳng ai kiện. Trường hợp luật sư ăn quỵt luôn bị người ta kiện mới lộ. Có trường hợp xảy ra như nguyên đơn và bị đơn đều nhờ luật sư chạy án thì thẩm phán xử cho bên nào cũng có lợi một ích.
Trà Mi: Luật sư chân chính và luật sư bất chính sướng khổ ra sao?
Luật sư Đôn: Luật sư chân chính rất khổ, nghèo, không có thu nhập, thấy cảnh trái lương tâm-đạo đức rất đau lòng. Khổ cả vật chất lẫn nội tâm. Nhưng đổi lại, họ được người dân và đồng nghiệp ủng hộ, tôn trọng. Còn luật sư chạy án rất giàu có nhưng có nỗi khổ riêng như phải nịnh nọt, chung chi, quà cáp, ăn nhậu với quan tòa.
Trà Mi: Có ý kiến cho rằng trong đời sống vật chất ngày nay, không thể tồn tại bằng sự ngưỡng mộ của người khác mà tiền tài-danh vọng mới là cái giúp mình sinh tồn. Nếu mình đi ngược dòng, mình sẽ là người thiệt thòi nhất. Có bao giờ ông đắn đo cân nhắc điều này?
Luật sư Đôn: Đã đi theo con đường chân chính thì mình chấp nhận thiếu thốn vật chất nhưng cái được ở đây là toàn xã hội được, mình làm việc có ích cho nhiều người.
Trước vụ án Ngô Thanh Kiều thì mỗi tháng tôi nhận từ 5 đến 7 vụ án trợ giúp pháp lý. Những vụ này, Trung tâm Trợ giúp Pháp lý tỉnh Phú Yên hỗ trợ tôi từ 1 đến 1 triệu đồng/vụ từ đầu cho tới khi kết thúc vụ án. Sau ngày liên ngành công an và viện kiểm sát đề nghị thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư của tôi, không có ai tới nhờ tôi nữa. Họ tung tin đồn là tôi ‘phản động’ nên người ta sợ không dám tới tìm tôi, dù tôi giúp miễn phí. Gần năm nay tôi không có khách hàng.
Luật sư Đôn tâm sự.
Trà Mi: Dĩ nhiên muốn hướng tới sự thay đổi tốt hơn, phải có sự hy sinh. Nhưng sự hy sinh đó nếu chỉ từ một cá nhân đơn lẻ thì ‘một cánh én không làm nổi mùa xuân’. Có khi nào ông tự hỏi liệu mình có vươn tới được cái chân lý theo đuổi đó chăng hay trước sau gì cũng phải bó tay, thua cuộc mà thôi?
Luật sư Đôn: Mình phải theo dù có khó khăn để góp phần nhỏ bé của mình. Nếu ai cũng nghĩ mình nhỏ bé, không làm nên chuyện gì, không đóng góp được gì thì xã hội này làm sao phát triển được? Cho nên mình phải hy sinh, rồi hy vọng sau mình sẽ có nhiều người làm giống mình. Khi đó xã hội sẽ tốt đẹp hơn.
Trà Mi: Có người nói mình chịu cơ hàn, thiệt thòi quá cũng không có đủ điều kiện để có thể giúp người không công, mình sống không được bằng đồng lương của mình thì làm sao có thể giúp được những người khác khi họ cần nhờ tới mình? Luật sư nghĩ sao?

Luật sư Đôn: Cho nên mình phải cố gắng làm một việc gì đó có thu nhập ngoài nghề luật sư để hoạt động nghề nghiệp của mình được tốt hơn.

Trà Mi: Nói như vậy có nghĩa là một luật sư chân chính không thể sống được bằng nghề, phải có một nghề phụ?

Luật sư Đôn: Dạ đúng rồi chị ạ.
Trà Mi: Xin hỏi về lượng khách hàng tìm đến ông?
Luật sư Đôn: Trước vụ án Ngô Thanh Kiều thì mỗi tháng tôi nhận từ 5 đến 7 vụ án trợ giúp pháp lý. Những vụ này, Trung tâm Trợ giúp Pháp lý tỉnh Phú Yên hỗ trợ tôi từ 1 đến 1 triệu đồng/vụ từ đầu cho tới khi kết thúc vụ án. Sau ngày liên ngành công an và viện kiểm sát đề nghị thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư của tôi, không có ai tới nhờ tôi nữa. Họ tung tin đồn là tôi ‘phản động’ nên người ta sợ không dám tới tìm tôi, dù tôi giúp miễn phí. Gần năm nay tôi không có khách hàng.
Trà Mi: Làm thế nào có thể chấm dứt tình trạng luật sư bất chính, chạy án?
Luật sư Đôn: Phải có tam quyền phân lập. Các cơ quan tiến hành tố tụng phải độc lập lẫn nhau. Chứ như thế này thì khó lắm, không bao giờ làm được.
Trà Mi: Làm sao để vươn tới đó?
Luật sư Đôn: Cái này những người lãnh đạo phải quan tâm. Người luật sư chỉ có thể nói lên những điều uẩn khúc, sai trái để những nhà làm luật điều chỉnh, chứ không có cách nào. Mình tác động, kiến nghị, phản ánh cho nhiều người biết. Hiện giờ trong giới luật sư chân chính thì ít mà không chân chính thì nhiều. Để đồng lòng nói lên một tiếng nói chung hầu dẫn tới một sự thay đổi thì rất khó. Tôi muốn mình là luật sư chân chính giúp ích cho đời,  cho xã hội, cho người dân. Tâm nguyện của tôi là giúp được gì cho người dân, tôi sẽ làm hết khả năng của mình. Tôi mong muốn các cơ quan tiến hành tố tụng cải cách được độc lập để môi trường pháp lý được minh bạch, để hoạt động nghề nghiệp luật sư được tốt hơn, xã hội được công bằng hơn. Khi nào các cơ quan điều tra và tòa án được độc lập thì khi đó mới có sự minh bạch và hoạt động luật sư mới được chân chính. Chứ còn như môi trường hiện nay thì mọi việc rất khó. Thường ai cũng mong cho mình được giàu sang, phú quý. Nhưng trong hoàn cảnh xã hội hiện tại, dân thì khổ cực, bất công xã hội thì nhiều mà mình cứ chạy theo vật chất thì lương tâm mình cắn rứt, đánh mất vai trò luật sư, nên tôi không bao giờ so bì lợi ích hơn thua.
Tâm nguyện của tôi là giúp được gì cho người dân, tôi sẽ làm hết khả năng của mình. Tôi mong muốn các cơ quan tiến hành tố tụng cải cách được độc lập để môi trường pháp lý được minh bạch, để hoạt động nghề nghiệp luật sư được tốt hơn, xã hội được công bằng hơn. Khi nào các cơ quan điều tra và tòa án được độc lập thì khi đó mới có sự minh bạch và hoạt động luật sư mới được chân chính. Chứ còn như môi trường hiện nay thì mọi việc rất khó.
Luật sư Đôn nói.
Trà Mi: Nếu quay trở lại, ông có sẽ chọn nghề luật sư?

Luật sư Đôn: Tôi vẫn chọn vì môi trường xã hội ở đây lĩnh vực nào cũng có sự bất chính từ giáo dục tới y tế, hành chính. Ngành nghề nào cũng có tình trạng chung chi, chạy chọt, mua bằng cấp.

Trà Mi: Với những người nghèo, những người chưa mấy có niềm tin vào pháp lý, ông muốn nói gì với họ?

Luật sư Đôn: Người nghèo, cô thân yếu thế khi đụng chuyện tới luật pháp tốt nhất nên tìm tới các Trung tâm Trợ giúp Pháp lý , nhưng tốt nhất nên chọn một người luật sư có tâm để bảo vệ cho mình.
Trà Mi: Tỷ lệ thành công của luật sư trước nay trong các trường hợp bảo vệ không công cho người nghèo thế nào?
Luật sư Đôn:  Nếu ra tòa mà hai bên nguyên đơn , bị đơn đều nghèo, đều không thân thế thì thẩm phán xử đúng luật pháp. Còn một bên nghèo không thân thế mà bên kia thế lực thì đương nhiên cán cân công lý sẽ ngã về bên có tiền, có quyền.
Trà Mi: Cảm ơn luật sư Đôn rất nhiều vì thời gian dành cho cuộc trò chuyện này.