LÍNH NGHĨ GÌ? (Châu Áp Tử)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Image may contain: one or more people

Image may contain: 1 person, hat, closeup and outdoor

Image may contain: one or more people and outdoor

Từ thưở ấu thơ, tôi sống và lớn lên với hình ảnh của người lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà qua những câu chuyện mẹ tôi kể cho chúng tôi nghe vì ba đã đi tù cộng sản. Khi ấy, tôi còn quá bé nhỏ nên không nhớ mặt ba tôi ra làm sao nữa. Nhưng nhờ vài tấm hình còn sót lại trong nhà nên tôi nhìn thấy ba trong quân phục và các đồng đội của ba. Mẹ tôi hay kể là hồi xưa lúc có những đại hội chiến sĩ thì các nữ sinh từ những trường Gia Long, trường Trưng Vưng và các trường nữ trung học khác đến để tiếp đón, chào hỏi những người sĩ quan và lính Việt Nam Cộng Hoà trong những tà áo dài trắng thướt tha. Hồi xưa thì các trường nam và nữ học riêng. Cho nên chỉ nói tới trường Gia Long hay Trưng Vương là người ta biết ngay toàn là nữ sinh học trường đó hay nói tới trường Petrus Ký hay Cao Thắng thì toàn là nam sinh vậy.
Rồi mẹ cũng kể khi mẹ phải dắt anh Hai tôi bay ra ngoài chiến trường mà thường là ở miền Trung như Huế và Quảng Trị, nơi ba tôi đang đóng quân và tác chiến để thăm ba. Mẹ nói khi mẹ muốn có em bé thì phải đi thăm Ba cho nên mới có anh Ba tôi ra đời. Bởi vì ba là một sĩ quan tác chiến của binh chủng Thủy Quân Lục Chiến. Vì vậy ba thường xuyên đi chiến đấu khắp nơi và thường là đi hàng mấy tháng trời mới về nhà thăm gia đình. Có khi ba về nhà giữa đêm khuya, tự động mở cửa vào nhà mà mẹ vẫn chưa hay biết. Ba cũng hay nhắc lại những việc này và còn nói là ba vào nhà nhìn thấy hai mẹ con nằm chèo queo ngủ thấy thương lắm.
Nhờ những mảnh chuyện từ ba và mẹ tôi kể về thời xưa nên tôi mới hiểu và nhìn thấy được bức tranh và tâm sự của người lính trẻ mà nhạc sĩ Trúc Phương muốn chuyển tải trong bài hát “Người xa về thành phố”. Tôi như được nhìn thấy hình ảnh của một người thanh niên có thể là là một anh lính tác chiến Việt Nam Cộng Hoà hay một người sĩ quan tác chiến Việt Nam Cộng Hoà khoác trên mình bộ quân phục phủ bụi phong sương trong một chuyến về phép. Anh lính trẻ ngơ ngác giữa chốn phồn hoa đô hội và nhất là chốn ăn chơi. Anh nhìn đâu đâu cũng thấy toàn những gương mặt lạ hoắc bởi vì anh suốt ngày chỉ làm bạn với súng đạn và rừng núi bên cạnh đồng đội của mình quanh năm. Nhưng thời gian cực khổ, gian lao cần phải được bù đắp với chút thời gian thư giản, nghĩ ngơi.
Tuy lạc lõng, bơ vơ giữa chốn thị thành nhưng ở nơi này có một người mà anh lính luôn mong mỏi được gặp hằng đêm. Tôi mường tượng đó là một cô nữ sinh áo trắng mà anh có dịp gặp tại một trong những cuộc tiếp xúc, gặp gỡ với các nữ sinh trung học. Người con gái đó và anh mới sơ giao đã trao vội thông tin liên lạc và rồi từ đó cả hai đã viết hàng trăm lá thư cho nhau gởi gắm những mơ ước ngày hội ngộ. Người con gái đó và anh dường như đều hoàn toàn không có chút kinh nghiệm trên tình trường.
Tuy nhiên, anh đã thú nhận rằng bản thân anh đã lạc lối vào tình yêu lúc nào mà chính anh cũng không hay biết mặc dù anh là người rất kinh nghiệm trên chiến trường. Tất cả đều chỉ diễn ra qua những lá thư làm nhịp cầu nuôi dưỡng và phát triển tình yêu ngày càng lớn dần lên giữa anh và người anh yêu. Tuy cả hai đã viết hàng trăm lá thư cho nhau mà hai người vẫn chưa hề nói lên tiếng yêu đương. Thế nhưng cả hai người đều đã tự biết lòng nhau và hôm nay đây, khi hai người được tao phùng thì ngọn lửa yêu đương đã lên đến đỉnh điểm. Và rồi thì việc gì giữa những người chân thành yêu nhau đến thì tự nhiên nó đến.
Làm trai thời loạn lạc cho nên anh lính Việt Nam Cộng Hoà phải gánh vác trách nhiệm quốc gia, dân tộc trên vai. Mặc dù bén hơi men yêu đương quá ngọt ngào nhưng anh lính vẫn vòng về đơn vị sau khi hết kỳ nghỉ phép. Anh mạnh dạn bước đi vào chiến trường tuy tâm tư rất luyến tiếc vì không muốn rời xa người mình yêu và cũng có thể đây là lần cuối hai người được gặp nhau. Nhạc sĩ Trúc Phương dùng đại danh từ “mình” trong suốt tác phẩm của ông kết hợp với giọng hát da diết, truyền cảm của nam ca sĩ Trường Vũ, tôi như được nghe trực tiếp những lời tâm sự của anh lính Việt Nam Cộng Hoà đang thủ thỉ kể chuyện yêu đương thầm kín của mình với một người đồng đội bênh cạnh mình trong chiến hào vào lúc giữa đêm khuya. Đó cũng là những lúc anh nhớ đến người yêu nhiều nhất hằng đêm.
Tôi nhìn thấy hình ảnh của anh lính Việt Nam Cộng Hoà thật là sống động, đáng yêu, đáng ngưỡng mộ và cũng thật là đáng thương làm sao. Không những anh là một người sống có lý tưởng sẵn sàng hy sinh tính mạng hay một phần thân thể vì quốc gia, vì dân tộc. Anh lại còn là người sống có đạo đức, người có tâm hồn cao thượng với phong cách đầy lòng tự trọng, nhẹ nhàng, sâu lắng trong tình yêu giữa người và người. Tuy có thể sống nay chết mai trên chiến trường nhưng anh không vì thế mà cố gắng sống chụp giựt. Anh không tham sống sợ chết, không chỉ biết nghĩ đến hạnh phúc riêng tư của bản thân và gia đình. Anh sống rất hiên ngang, có kỷ luật bản thân, rất thanh cao và cũng rất tình cảm.
Thời thanh niên thì ai ai cũng có những ước mơ, nhu cầu cho bản thân nhưng thanh niên thời trước 1975 ở miền Nam đa số là những người sống có lý tưởng thật sự. Điều này đã được chứng minh khi đa số lực lượng Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đã chiến đấu tới giây phút cuối cùng để bảo vệ miền Nam Việt Nam mặc dù một số các Tướng lãnh đã di tản. Những người lính và sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà lại tiếp tục trả giá cho lối sống có lý tưởng của mình sau khi cộng sản Bắc Việt cướp nước tháng 4 năm 1975. Không riêng gì bản thân họ bị hành hạ trong ngục tù của cộng sản mà gia đình, vợ con của họ cũng cùng trả giá cho lối sống có lý tưởng này.
Nếu như chính phủ Việt Nam Cộng Hoà thắng cuộc tại Việt Nam thì tôi tin chắc rằng những chân giá trị làm người sống có lý tưởng như vầy sẽ được tiếp tục truyền bá khắp Việt Nam chứ không như thời nay. Nhắc đến công ơn của những chiến sĩ đã hy sinh cho quốc gia, cho dân tộc trong các trận chiến chống giặc Tàu phương Bắc cũng không được phép từ sách giáo khoa tới thực tế ngoài đời. Vậy hệ thống giáo dục xã hội chủ nghĩa ủa đảng cộng sản Việt Nam đang đào tạo ra những con cừu non chỉ biết xôi thịt ăn chơi thôi hay sao? Chẳng biết nghĩ gì tới trách nhiệm của bản thân đối với quốc gia, với dân tộc? Ca dao Việt Nam có câu:
“Làm trai cho đáng nên trai,
Xuống Đông, Đông tĩnh, lên Đoài, Đoài yên”.
Nếu sống đời trai mà không “đáng nên trai” thì làm cái gì đây?
Châu Áp Tử
New Hampshire, Wednesday March 22, 2017