(Câu chuyện 30 Tháng Tư)
Tôi gặp lại Hải Quân Trung Tá Dương Hồng Võ, Hạm Trưởng Dương Vận Hạm HQ800 trong buổi họp mặt Chu Văn An tháng 2 năm 2018, cùng nhắc lại chuyện di tản trên HQ800, chiếc tàu đã cưu mang hơn 120 người vừa dân sự vừa quân nhân không thuộc lực lượng Hải Quân, trong đó có gia đình tôi trong đêm 29 tháng 4 năm 1975, từ kho xăng Shell Nhà Bè.
Tôi viết lại đôi giòng ký ức về những buồn tủi, xót thương của vận nước trên HQ800 và đặc biệt thay mặt những đồng bào có mặt trên HQ800, cám ơn Hạm Trưởng Dương Hồng Võ và toàn thể sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ Hải Quân trên HQ800, đã lo lắng cho những người có mặt trên tàu. Đặc biệt cám ơn Hải Quân Thiếu Tá Khánh, người bạn mới quen trong những lần hội tụ giải trí cuối tuần. Nhờ Thiếu Tá Khánh mà gia đình chúng tôi có mặt trên HQ800.
Hành Trình Di Tản
Cuối năm 1969, tôi được thuyên chuyển từ Sư Đoàn 25 Bộ Binh (Đức Hòa, Hậu Nghĩa) về phục vụ tại Khối Chiến Tranh Chính Trị Bộ Tư Lệnh Biết Khu Thủ Đô (Trại Lê Văn Duyệt, Sàigòn), sau khi tu nghiệp chiến tranh chính trị tại Hoa Kỳ (Ft. Bragg, NC và Ft. Gordon, Ga). Công việc của Khối CTCT/BKTĐ chẳng có gì bận bịu lắm và tôi bắt đầu vừa đi làm vừa đi học lại. Cuối tuần anh em bạn bè tụ với nhau để chắn cạ, tổ tôm giải trí. Nhờ vậy tôi mới quen được Hải Quân Thiếu Tá Khánh, người bạn mới, thật tốt và chân tình.
Ở Biệt Khu Thủ Đô, vào những tháng cuối cùng của Miền Nam, khi nghe tin Ban Mê Thuột thất thủ, chúng tôi vẫn tin rằng Miền Nam sẽ không mất, nhưng khi Nha Trang, Phan Rang, Đà Lạt và các tỉnh cao nguyên thất thủ thì anh em chúng tôi nhận ra rằng Miền Nam thật khó chống đỡ, khi người Mỹ đã buông tay. Khối CTCT/BKTD toàn là sĩ quan người Bắc di cư 1954. Anh em chúng tôi thảo luận và tự xếp mình vào thành phần rất khó sống với Cộng Sản, vì người Cộng Sản sẽ tự xếp chúng tôi vào loại Chính Uỷ, như hệ thống chỉ huy của họ. Do đó, anh em chúng tôi gồm Trung Tá Hoàng Thọ (Cựu Nhảy Dù, đã qua đời), Thiếu Tá Nguyễn Đình Ngạc (H.O qua Mỹ, đã qua đời), Thiếu Tá Trần Văn Thế và một số anh em sĩ quan cấp úy, tự xét mình là thành phần rất nguy hiểm đối người Cộng Sản và cương quyết không để lọt vào tay họ khi Miền Nam có mệnh hệ nào. Nói như vậy, bàn luận như vậy, nhưng phải làm gì? Có người đề nghị ra rừng chiến đấu, có người đề nghị rút xuống vùng 4 chiến thuật, có người đề nghị ra đi. Nhưng đi đâu? Và Làm gì? Cứ như thế, bàn luận tới bàn luận lui và đợi chờ cơn ác mộng sẽ ụp xuống toàn dân Miền Nam…
Tin tức ồ ạt đổ về Trung Tâm Hành Quân/BKTD và chiều 29 tháng Tư, lúc 2 giờ 30, một người bạn ở Trung Tâm Hành Quân điện thoại cho tôi biết là Căn Cứ Không Quân Tân Sơn Nhất đã bỏ ngỏ. Tôi hỏi sao biết? Anh bạn cho biết là lực lượng còn lại kêu cứu BTL/BKTD tăng cường lực lượng để phòng thủ. Tôi cấp tốc gọi cho Trung Tá Hoàng Thọ (về nghỉ trưa tại nhà) và khoác áo bước ra cửa văn phòng thì chứng kiến một chiếc trực thăng vừa đáp xuống sân cờ BTL/BKTĐ, trên máy bay có những chiếc va-li màu xanh đỏ và từ thang lầu Trung Tướng Tư Lệnh Nguyễn Văn Minh bước xuống, rồi trực thăng bay lên. Tôi nói với anh em là mất nước thật rồi và anh em tự giải tán, ai muốn đi đâu, làm gì tự do…
Hình ảnh người Thượng Sĩ già mới từ Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung thuyên chuyển về, thường ngày lo cho tôi như người cha lo cho con từ ly cà phê đến tách nước trà nóng, mặc dù tôi không muốn ông làm như thế. Ông đứng đó, nước mắt rưng rưng, rồi oà lên khóc, chúc tôi đi được bình an. Tôi có biết tôi phải đi đâu mà nhận lời chúc của ông. Tôi ôm ông thật chặt, còn chút tiền trong túi, tôi dúi vào túi ông và cùng Trung Tá Hoàng Thọ xuống xe Jeep ra đi, cứ đi mà không biết đi đâu.
Bỗng Trung Tá Thọ nói hay là xuống Đặc Khu Nhà Bè tìm Đại Tá Cổ Tấn Tinh Châu đang làm Đặc Khu Trưởng ở đó. Đại Tá Châu gốc Thủy Quân Lục Chiến, đã từng làm Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn Trâu Điên, rồi Tham Mưu Trưởng BTL/BKTĐ dưới thời Tư Lệnh Phó Đô Đốc Chung Tấn Cang, cuôi cùng là Đặc Khu Trưởng Đặc Khu Nhà Bè, sau khi Phó Đô Đốc Chung Tấn Cang về lại làm Tư Lệnh Hải Quân.
Sở sĩ có sự sắp xếp này vì sông Nhà Bè là cửa ngõ chính từ Bến Bạch Đằng đi ra biển nên Tư Lệnh Hải Quân đã cắt đặt người thân tín và có kinh nghiệm để chấn giữa cửa sông huyết mạch này.
Khó khăn lắm anh em chúng tôi mới gặp được Đại Tá Châu, ông vừa từ ngoài sông bước vào bến tàu. Ông ngạc nhiên nhìn chúng tôi thở dài. Tôi trình bày cho Đại Tá Châu biết Tân Sơn Nhất đã mất. Ông lại thở dài và cho chúng biết là hiện nay ông không nhận được bất cứ lệnh gì cũng như tin tức gì từ Bộ Tư Lệnh Hải Quân.
Ngần ngừ một lúc, trong lúc đó thì ngoài sông có hai chiếc tầu buôn đang cập bến. Đại Tá Châu nói với chúng tôi nếu muốn đi, ông sẽ gửi đi trên hai chiếc tàu kia, có lẽ tàu sẽ đi Hồng Kông hay Đài Loan.
Viết đến đây, xin chào và cám ơn Đại Tá Cổ Tấn Tinh Châu đã có lòng tốt và sự ưu ái với anh em chúng tôi. Tôi suy nghĩ hồi lâu rồi tôi nói với Trung Tá Hoàng Thọ là “vợ con Trung Tá đã đi rồi, ông có một mình đi đâu cũng được, tôi còn vợ con, tôi về rồi sẽ tính…” Trung Tá Thọ cũng không đi và lên xe cùng tôi trở về.
Trên đường về, tôi chợt nhớ ra HQ Thiếu Tá Khánh có lần đã nói với tôi là ông làm việc ở kho xăng Nhà Bè. Tôi tạt xe jeep vào cổng kho xăng Nhà Bè. Xe vừa ngừng lại cổng gác, tôi bước xuống, thì may mắn thay, một anh trung sĩ bước tới chào tôi và hỏi “Thiếu Tá nhớ em không, em ở đại đội của Thiếu Tá ở Tiểu Đoàn 1 Trung Đoàn 49, Sư Đoàn 25 đây. Trẻ quá mà đã lên Thiếu Tá?” Thú thực tôi không nhớ chú Trung Sĩ đó là ai, nhưng tôi hết lòng cám ơn chú đã nhận ra tôi. Tôi nói với chú tôi muốn liên lạc với Thiếu Tá Khánh, chú nhanh nhẹn quay máy và Khánh ở đầu giây bên kia rất mừng vui. Trong khi chờ đợi Khánh ra gặp, thì tôi thấy 2 chiếc GMC chở đầy ắp dân chúng đã đậu sẵn ở cổng căn cứ từ hồi nào.
Gặp Khánh, tôi cho Khánh biết Tân Sơn Nhất mất rồi. Thay vì tôi cám ơn Khánh, thì Khánh lại cám ơn tôi đã cho biết tin tức và đưa chúng tôi vào Bộ Chỉ Huy căn cứ Nhà Bè. Lược qua tình hình và Khánh cho tôi biết ngoài khơi có chiếc HQ800 đậu túc trực để đón Bộ Tư Lệnh Hải Quân khi có triệt thoái, hiện trên tàu đang cắm trại 100%, Hạm Trưởng là HQ Trung Tá Dương Hồng Võ mới về thay thế hạm trưởng cũ (Ông Hạm Trưởng cũ đã mang vợ con lên tàu quá sớm nên Phó Đô Đốc Chung Tấn Cang thuyên chuyển đi nhiệm vụ khác). Khánh nói trong vòng vài tiếng đồng hồ các ông về đón vợ con, trong khi đó tôi liên lạc với anh Võ, đàn anh của tôi xem sao?
Quả thực, chúng tôi chỉ có vài tiếng đồng hồ về nhà đón vợ con. Trên đường về nhìn thấy cảnh Sàigòn náo loạn, cướp bóc mấy cơ sở dinh thự Mỹ bỏ lại, Nhân Dân Tự Vệ đang làm chủ các đường phố.
Tôi hẹn Trung Tá Thọ (đi xe Jeep) ở trước cửa Dòng Chúa Cứu Thế, đường Kỳ Đồng. Chúng tôi gặp nhau tại đây sau hơn một tiếng đồng hồ. Trung Tá Thọ lái xe Jeep đi trước, tôi theo sau bằng chiếc xe du lịch cũ nhỏ.
Trên đường phố Sàigòn lúc đó Nhân Dân Tự Vệ thỉnh thoảng nổ súng bừa bãi và họ đang làm chủ đường phố, làm khó dân chúng đi lại. Cũng may trên xe Jeep chúng tôi có máy truyền tin, cần câu ăng-ten ngất ngưởng, hơn nữa lại có bảng hiệu BKTĐ (Biệt Khu Thủ Đô).
Số là tại BKTĐ, trong lúc tình hình đất nước nghiêm trọng, Bộ Tư Lệnh trao trách nhiệm chỉ huy phòng thủ BKTĐ cho Khối Chiến Tranh Chính Tri, Trung Tá Thọ là chỉ huy trưởng phòng thủ, tôi phụ tá kiêm sĩ quan hành quân, vì Trung Tá Thọ là cựu Nhảy Dù, tôi là cựu sĩ quan chiến đấu Sư Đoàn 25BB. Nhờ vậy xe chúng tôi được trang bị như một xe chỉ huy hành quân, nên qua các đường phố dễ dàng.
Khi xe chúng tôi chạy ngang dinh Độc Lập vào khoảng 6 giờ chiều, những người lính Nhảy Dù vẫn đang cần cù xếp những bao cát phòng thủ, làm bổn phận chiến đấu, họ không biết những gì đang xảy ra cho đất nước, gia đình họ. Nhìn qua hàng rào Dinh Độc Lập, tôi thấy hai chiếc trực thăng đậu sẵn, trên máy bay có cắm cờ Việt Nam Cộng Hoà và cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Lòng buồn man mác và tự nhủ thầm “có phải chúng tôi là những thằng hèn chạy trốn không?!”
Tưởng mọi chuyện êm đẹp, nhưng khi vào được bên trong Bộ Chỉ Huy căn cứ Nhà Bè thì lại gặp rắc rối giữa Hải Quân và Địa Phương Quân phòng thủ. Trong căn cứ Nhà Bè được phân chia rõ 2 thành phần: Thiếu Tá Khánh chỉ huy lực lượng hải quân trong căn cứ để lo những công tác của hải quân như chuyển chở, tiếp liệu… cho hải quân và diện địa là một tiểu đoàn Địa Phương Quân lo phòng thủ an ninh. Bình thường thì việc ai lực lượng ấy lo. Nhưng khi biến cố đến thì lực lượng phòng thủ khóa cửa cầu tàu không cho bất cứ ai có thể ra sông. Chúng tôi và Thiếu Tá Khánh cố gắng giải thích cho vị Tiểu Đoàn Trưởng về tình hình Sàigòn và cho ông biết nếu giờ di tản ai trong tiểu đoàn phòng thủ muốn ra đi với chúng tôi đều được hoan nghênh. Nhưng vị Tiểu Đoàn Trưởng vẫn làm ngơ (sau này được biết lúc đó vợ con của ông này còn đang kẹt ở Thủ Đức). Không khí thật căng thẳng. Đã hơn 8 giờ tối mà cửa cầu tàu vẫn chưa được mở. Chúng tôi bàn với Thiếu Tá Khánh là mời ông Tiểu Đoàn Trưởng vào họp kín và dùng võ lực để uy hiếp. Khánh đã chuẩn bị một số anh em thân tín. Thấy chúng tôi mặt có vẻ sát khí và nghiêm nghị, Khánh định ngỏ lời mời ông vào họp, thì như biết ý ông nói sẳng giọng ra lệnh cho vị đại úy phụ tá “mở cửa cầu tàu cho các ông ấy đi!”. Như thoát được một gánh nặng giữa sự sống và chết. (Trong đơn vị của Tiểu Đoàn Địa Phương Quân phòng thủ này đã có gia đ ình một Thiếu úy trẻ đi theo chúng tôi).
Chiếc tầu nhỏ của hải quân chuyển vận chúng tôi từng chuyến từ cầu tàu lên HQ800 ngoài sông. Tôi đi chuyến chót để lên tàu, chiếc tầu quá lớn, quá cao so với chiếc tàu thuyền nhỏ bé, khiến chúng tôi phải vất vả lắm và nhờ anh em hải quân giúp đỡ mới mang được gia đình lên tàu. Lên tàu mệt nhoài, tôi dựa vào thành tàu thở hổn hển, vợ tôi bắt đầu khóc, nước mắt tôi cũng tràn xuống hai gò má. Trời tối đen, tàu không được lệnh để đèn, phía xa bên kia sông, kho đạn Thành Tuy Hạ cháy đỏ rực một góc trời, tiếng đạn bom nổ đì đùng và tàu bắt đầu di chuyển trong đêm tối. Tôi nhìn đèn Saigòn xa dần, xa dần… rồi khuất dạng… Tất cả đều mệt nhoài và ngủ thiếp đi.
Lễ Hạ Kỳ Trên HQ800
Buổi sáng ngày 30 tháng Tư 1975, mặt trời bừng lên những tia nắng sớm trên đại dương. Vận mệnh đất nước đến đâu rồi? Mọi người lo lắng nhìn nhau, thì thầm to nhỏ về những điều bất hạnh cho đất nước Việt Nam. Rồi không lâu chúng tôi nghe được Ông Dương Văn Minh ra lệnh đầu hàng Cộng Sản Bắc Việt. Lòng chúng tôi đau điếng, những giọt nước mắt nhỏ xuống gò má những quân nhân trên tàu, ôm nhau để tìm sự an ủi cho nhau trong phút giây tận cùng, trời đất như đang sập xuống đầu chúng tôi. Thế là Việt Nam Công Hòa đã mất thật rồi!
Khi tin sét đánh này vừa đến thì Thiếu Tá Khánh báo tin cho tôi là nên thay đồ thường phục, nếu có. Tôi hỏi tại sao vậy? Khánh cho biết vì HQ800 bị cấm trại 100% để sẵn sàng đón Bộ Tư Lệnh khi có biến cố, nên thủy thủ đoàn không ai có cơ hội lên bờ và liên lạc được với gia đình của họ. Nay có lệnh đầu hàng và tầu bắt đầu ra đi. Đa số thủy thủ đoàn trên tàu đều bất mãn, do đó, một số quân nhân Hải Quân gồm những sĩ quan trẻ tức giận, họ đòi áp lực mang tàu trở về, viện cớ họ không thể đi một mình, bỏ lại vợ bỏ con mà không có liên lạc gì. Tôi thấy trên tàu những sĩ quan trẻ đi đi lại lại, tỏ thái độ rất bực tức. Chúng tôi hơn 100 người không phải hải quân đang ở trên tàu rất lo lắng.
Chúng tôi hiểu được tâm tư của họ, nên tất cả đều giữ im lặng. Rồi buổi chiều cùng ngày Khánh cho tôi biết Hạm Trưởng Dương Hồng Võ đã liên lạc với Tư Lệnh Hải Quân và ông Tư Lệnh hứa khi đoàn tầu ra đến Côn Sơn sẽ sắp xếp lại đội hình và ai muốn trở về thì sẽ có tàu đưa về. Không khí căng thẳng tạm yên và chờ đợi.
Đoàn tàu gồm 23(?) chiếc đi rất chậm, có lúc ngừng lại cả tiếng đồng hồ, vì Tư Lệnh Hải Quân cho mọi người biết là Hải Quân Việt Nam Công Hòa rút quân chiến thuật, chứ không bỏ chạy nên đoàn tàu đang di chuyển theo đội hình hành quân.
Đúng như lời hứa của Tư Lệnh Hải Quân, đến Côn Sơn đã có một tàu thuyền nhỏ đi đón các quân nhân từ các tàu lớn. Riêng HQ800, khi tàu thuyền nhỏ cặp sát thành tàu lớn, một số quân nhân hải quân leo xuống, chúng tôi những người còn lại trên tàu đều ném những số tiền VNCH còn lại để họ mang về. Tôi chứng kiến một sự kiện hy hữu là có một vị Trung úy Hải Quân (còn trẻ nhưng đầu có những nhúm tóc bạc), người hăng say vận động đưa tàu về. Vị này leo xuống ngang chừng thì đổi ý, trở lại lên tàu và nói lớn: “Tao cứ đi, rồi tính sau. Biết đâu vợ tao ở trên tàu khác?” Qủa thực sau này được biết vợ ông Trung úy này đang ở một tầu hải quân khác.
Ngày hôm sau, Thiếu Tá Khánh cho biết chiếc tàu trở về đã gửi tín hiệu SOS khi về đến vùng biển Vũng Tàu. Số phận chiếc tàu và những người trở về không ai biết sẽ ra sao.
Đến Côn Sơn, sau khi sắp xếp lại đội hình và đã cho một tàu nhỏ trở về như đã hứa, những tàu không còn khả năng chiến đấu tốt đều được lệnh bỏ lại. Và cũng tại Côn Sơn, HQ800 cũng đã đón nhận rất nhiều sĩ quan cao cấp thuộc Bộ Tư Lệnh Hải Quân nên trên tàu bây giờ đã đông hơn lúc trước. Trên loa phóng thanh tôi thường nghe được những tiếng gọi như “anh em cơ hữu” để phân biệt quân nhân hải quân với đồng bào trên tàu.
Dù cơ hữu hay không cơ hữu, chúng tôi cũng được thủy thủ đoàn trên tàu lo lắng, bữa cơm bữa cháo, tạm đầy đủ. Chúng tôi và đồng bào đều che những tấm mền hoặc những miếng vải lớn để che nắng che mưa. Trời Phật thương vào những ngày Tháng Tư, biển bình yên và không có mưa lớn, và nhờ gió biển nên mọi người đều khoẻ mạnh bình yên. Riêng gia đình tôi gồm 3 cháu nhỏ (lớn nhất 5 tuổi), được Thiếu Tá Khánh cho một xị xì dầu để sống suốt hành trình trên HQ800.
Một sự kiện hy hữu nữa trên HQ800, như lời Hạm Trưởng Dương Hồng Võ thường nói mỗi khi gặp ông là “Tầu Ta Bắn Tàu Ta”. Số là khi đến Côn Sơn, có một chiếc tàu tương đối nhỏ (tôi không biết là HQ số mấy), không còn khả năng sử dụng hữu hiệu bị bỏ lại. Vì sợ lọt vào tay Cộng Sản nên HQ800 được lệnh bắn chìm chiếc tàu này. Những tiếng đại bác trên HQ800 nổ vang trời, nhắm vào chiếc tàu bị bỏ lại mà nã đạn, cho đến khi chiếc HQ này chìm dần vào lòng biển sâu.
Mỗi lần gặp lại Hạm Trưởng Võ, nhắc lại cuộc di tản trên HQ800, ông thường than thở: “Bây giờ nghĩ lại tôi thấy xót xa. Lẽ ra những viên đạn đại bác đó phải bắn vào tàu địch mới phải. Đất nước điêu linh đổi đời, để tôi phải thực hiện một mệnh lệnh không mấy tốt đẹp và không bao giờ quên trong đời binh nghiệp của tôi…”
Một sự kiện cuối cùng trước khi trao trả HQ800 cho quân đội Hoa Kỳ. Đó là LỄ HẠ KỲ VNCH TRÊN HQ800.
Khi đoàn tàu gần đến căn cứ Hải Quân Mỹ ở Subic Bay (Phi Luật Tân), tất cả đều ngừng lại khoảng nửa ngày. Sau đó có lệnh hạ cờ VNCH, chính phủ Phi Luật Tân cho rằng đất nước ta đã bị Cộng Sản chiếm, chúng ta không còn chủ quyền, nên sẽ không có cờ. Nghe sao đau xót quá! Trên phương diện quốc tế thì đúng như vậy, nhưng trên tình cảm con người Việt Nam, nhất là những quân nhân như chúng tôi, thì lệnh này như cắt từng khúc ruột của mọi người. Cuối cùng, lệnh hạ kỳ cũng được thực hiện.
Giữa ban ngày, dưới ánh mặt trời chói chang, đồng bào và tất cả quân nhân có mặt trên tàu, cơ hữu hay không cơ hữu, đều tập họp đông đảo trên boong tầu. Biển Thái Bình Dương vẫn mênh mông êm đềm, xanh mát, gió vẫn hiu hiu hiu thổi, như vô tình không biết đến chúng tôi đang buồn cắt ruột.
Trên máy phóng thanh, tiếng Hạm Trưởng Dương Hồng Võ nghẹn ngào, ông muốn giải thích cho mọi người biết lý do phải hạ kỳ. Nhưng nói được vài lời, giọng ông nghẹn lại, có lẽ ông đã khóc và không nói nên lời. Một sĩ quan nào đó đã thay ông hô nghiêm và mời mọi người cùng hát quốc ca Viêt Nam Cộng Hòa. Tất cả đứng nghiêm, người bỏ nón xuống, người đặt tay lên ngực, người chào tay. Tất cả cùng hát thật to quốc ca VNCH và quốc kỳ VNCH trên kỳ đài của HQ800 từ từ được hạ xuống, trong nỗi ngậm ngùi của những người có mặt trên tàu.
Khi lá quốc kỳ đã hạ xuống, mọi người ôm nhau ngậm ngùi, nước mắt vòng quanh, có người khóc lên thành tiếng, có vài anh em quân nhân uất ức chửi thề, nguyền rủa Cộng Sản, nguyền rủa Dương Văn Minh. Lá quốc kỳ VNCH được gấp lại và bây giờ ở đâu tôi thực sự cũng muốn biết?! Trước khi tàu vào Subic Bay, Khánh đến thăm, chúng tôi ôm nhau và cùng nói “Thế là hết!”
Vào đến Subic Bay, mọi người lần lượt được chuyển qua tàu cargo của Mỹ để đến trung tâm tạm cư Guam…
Đã hơn 40 năm, ở vùng Virginia, mỗi lần tôi gặp lại Hạm Trưởng Dương Hồng Võ, Hạm Trưởng Bùi Cửu Viên (HQ801) và các anh em bạn bè Hải Quân thì những ký ức về HQ800 và Lễ Hạ Kỳ lại gợi cho tôi bao kỷ niệm đau buồn trong hành trình đi tìm tự do.
Hình ảnh những người lính Nhảy Dù xếp bao cát chung quanh Dinh Độc Lập, hình ảnh Lễ Hạ Kỳ và những giọt nước mắt cay đắng trên HQ800 vẫn ám ảnh trong tôi. Có lúc tôi phân vân tự hỏi không biết việc bỏ nước ra đi của mình vào đêm 29 tháng 4 năm 1975 đúng hay sai? Chúng tôi có phải là những thằng hèn không? Thôi thì dù đúng hay sai, chúng tôi xin gửi lời tạ lỗi với quê hương, với đồng đội…
(Tôi viết lên những gì tôi nhớ được và chứng kiến, nếu có những thiếu sót xin niệm tình)
Trần Văn Thế