LÀM CÁCH NÀO LẬT ĐỔ NHỮNG ÔNG VUA GIÁO DỤC ?

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail
Lật đổ các bạo chúa độc tài, nhân loại và dân Việt đã làm. Làm bằng máu. Các ông vua đứng trên đầu thiên hạ không còn nữa. Nếu còn chỉ là tượng trưng. Được dân kính trọng, yêu mến như Nhật hoàng, ông vẫn bình dị cúi đầu trước dân.
Nhưng những ông vua trong giáo dục trên đất nước này thì có lẽ một ngàn năm nữa, tốn cả tỷ xương máu cũng khó lật đổ.
Tôi chưa bao giờ khoe con. Viết bài này, đừng hiểu là nhân cơ hội khoe con. Tôi chỉ mượn một hình thức là bảo vệ luận án, trao bằng ở Pháp, làm một đối chiếu với hình thức bảo vệ luận án và trao bằng tại Việt Nam, để thấy rõ, ta đánh đổ thực dân để phục hưng phong kiến. Đặc sệt phong kiến độc tài, từ giáo dục.
Năm vừa rồi, tôi tham dự (qua online) bảo vệ luận án tiến sỹ của con tôi tại Đại học Paris. Con tôi trình bày kết quả luận án, hiển nhiên được ngồi phía trên. Toàn bộ hội đồng ngồi dưới các bàn học, lắng nghe nghiên cứu sinh báo cáo. Sau khi báo cáo xong, mỗi thành viên hội đồng có đến vài ba mươi phút hỏi và nghiên cứu sinh trả lời. Không thấy ai đọc bài gọi là phản biện để phán như thánh phán. Điều gì chưa rõ thì nghiên cứu sinh phải làm rõ và trao đổi bình đẳng. Chủ tịch hội đồng làm nhiệm vụ tổng kết, đánh giá cuối cùng sau khi nghe các bên trao đổi.
Kết thúc, người hướng dẫn và chủ tịch hội đồng thay mặt nhóm nghiên cứu và thay mặt hội đồng tặng quà cho nghiên cứu sinh.
Trong khi ở Việt Nam, ngày tôi bảo vệ luận án, ghế hội đồng chễm chệ trên bục cao, gọi đúng là đứng tréo nhìn sang cái màn hình đặt ở góc và nhìn nghiên cứu sinh như là đứa học trò khốn khổ thấp bé đang bị tra tấn. Mỗi thành viên của hội đồng đọc bài phản biện, phán như thánh phán. Tôi dám tranh luận, chứ đa phần nghiên cứu sinh chỉ biết cúi đầu “tuân chỉ”. Đó là chưa nói, nghiên cứu sinh còn phải tặng hoa, tặng quà và cả phong bì lẫn nhậu nhẹt để… tạ ơn, thực chất là mua chuộc hội đồng.
Xin nói rõ để không bị hiểu nhầm tôi cay cú gì đó mà viết. Rằng tôi gặp may, vì dù nghi lễ tôn ti, nhưng các thành viên hội đồng chấm luận án của tôi lại dân chủ, tôn trọng ý kiến của tôi, không vì tôi cãi mà không cho phiếu xuất sắc. Nếu là một hội đồng nào đó, dễ bị trượt vỏ chuối khi quyền sinh quyền sát trong tay chỉ vài người.
Tháng trước, con tôi nhận bằng và có chuyển cho xem cái video quay lại toàn cảnh. Hội trường có cái sân khấu, nhưng rất thấp, người trao bằng cũng mặc quần áo như người được trao bằng (chỉ phân biệt vài tiểu tiết) đứng ngang hàng. Diễn văn cực ngắn, ca ngợi thành quả và đóng góp cho khoa học của nghiên cứu sinh, không tự ngợi ca công lao của đảng và nhà nước hay ngợi ca công lao của lãnh đạo nào, mặc dù nghiên cứu sinh được trao học bổng cao gấp 10 lần lương tiến sỹ của tôi. Đại diện nghiên cứu sinh đáp lại lời cảm ơn và cùng các giáo sư tung mũ lên để thể hiện sự vui mừng. Quần áo nhà trường tặng luôn cho nghiên cứu sinh. Không thu bất cứ loại phí nào, cả phí in bằng. Buổi liên hoan cũng do nhà trường chi 100%.
Trong khi bất cứ cuộc trao bằng nào ở Việt Nam, một buổi lễ trao bằng là cơ hội để các ông vua leo lên bục cao, phát biểu về công lao của đảng và nhà nước, khoe thành tích của lãnh đạo. Khi trao bằng thì lãnh đạo mặc áo hoàng bào của vua để phân biệt với các học sỹ, đứng trên bục cao hơn ba cái đầu người học để cúi xuống ban phát tấm bằng như ban phát ân huệ. Quần áo thì cho thuê để kiếm lãi. Đến tấm bằng thì còn thu thêm tiền để… nuôi vua!
Nay thấy Trường Đại học Kinh tế – Đại học quốc gia Hà Nội tổ chức lễ trao bằng còn lạ hơn nữa. Hiệu trưởng mặc áo vua lâu nay chưa đủ thỏa cái ý chí quyền lực, mặc cả quần áo của Giáo hoàng, tay cầm vương trượng vừa giống giáo hoàng La Mã, vừa giống Đường Tăng. Khốn khổ cho các học sỹ, suốt đời phải đeo cái vòng kim cô trên đầu!
Tóm lại là nhà trường của nước văn minh không có vua. Còn nhà trường Việt Nam thì mỗi lãnh đạo là vua, là giáo hoàng, là thánh tăng. Ngày con tôi đi “tị nạn giáo dục”, tôi nói, con đừng về Việt Nam khi nào còn sự thống trị của các ông vua. Ở cái nền giáo dục mà có vua hay giáo hoàng hay thánh tăng đang thống trị thì con không thể cất đầu lên được!
Tôi không khen chê trạng phục đẹp xấu mà chỉ nói về thứ tinh thần trong hình thức. Đừng nói, quần áo và nghi thức chỉ là hình thức. K. Marx nói, không có hình thức nào trống rỗng, tất cả những hình thức con người làm ra đều mang tinh thần, ý chí của nó. Hình thức của Tây tạo ra tinh thần dân chủ trong học thuật của Tây. Còn hình thức của Việt Nam là hình thức mang tinh thần độc tài, học phiệt, tinh thần của các bạo chúa, của đế chế Rome khét tiếng, và cả tinh thần Phật giáo Bắc tông đầy dị đoan và cuồng tín. Tinh thần ấy chỉ có thể giết chết các nhân tài để tạo ra hàng loạt các nô tài.
Chu Mộng Long