Buổi chiều một ngày cuối năm trong nghĩa trang, hai người lính một già, một trẻ, ngồi bên cạnh một nấm mộ hoang phế, đã mất mộ chí. Họ ngồi như đang chờ đợi một ai đó tới. Gió thỉnh thoảng thổi qua, những ngọn cỏ vàng úa khẽ lao xao, mái tóc bạc của người lính già vài sợi quá dài cũng bay ngơ ngác. Ông cất tiếng chuyện trò với anh lính trẻ:
Này cậu, sao mặt mũi buồn so vậy. Tết nhất tới nơi rồi, không nhiều thì ít thế nào chúng mình cũng được ngửi mùi hương mùi hoa.Biết rồi
Biết sao còn buồn
Bác có lòng tốt bác kéo tôi vào, nhưng tôi thấy những đồng đội của bác họ không có thiện cảm với tôi, vẫn nhìn tôi bằng cặp mắt ghẻ lạnh, nếu không nói là ghét bỏ.
Ừ, cậu cũng phải thông cảm cho họ chứ. Các cậu thuộc bên thắng trận, kéo vào giẫm nát cả thành phố của chúng tôi. Người tù đầy rừng sâu nước độc, kẻ đi vùng kinh tế. Rồi kẻ chết trong thành phố, kẻ chết ngoài biển khơi. Người của cậu đập phá, tước đoạt không bỏ sót một thứ gì, ngay cả bức tượng vô tri bằng đá ở nghĩa trang này cũng bị đập tan. Làm sao mà họ có cảm tình được với cậu.
Tôi biết chứ, tôi đâu có muốn vào đây. Cái hôm xác lính Cộng Hòa của các bác được hốt vào một đống, đem tới đây lấp vội lấp vàng, tôi tình cờ lạc đạn chết cạnh đó và xác bị bỏ rơi, nên cũng được hốt luôn một thể và nằm chung một huyệt. Tôi có được tự chọn đâu.
Nhưng bây giờ mọi người ở đây ai cũng biết lý lịch của cậu rồi, làm sao trách chúng tôi được.
Tôi biết, nhưng nếu ai cũng từ tâm như bác thì tôi đâu có cô đơn, chui rúc bao nhiêu năm nay một xó, chẳng dám làm bạn với ai.
Tôi sinh ra ở miền Bắc,
lớn lên bị gọi vào bộ đội
tôi đi dọc Trường Sơn năm mười sáu tuổi
tôi chưa hề có người yêu nên chết vẫn cô đơn
tôi có ba người anh đều chết trận
ở tuổi mười tám, hai mươi
cứ cách đôi năm mẹ tôi lại dán tờ Tổ Quốc Ghi Công trên vách
Tháng Tư năm 1975
mẹ ra đầu ngõ chờ tin thằng con út
về trong chiến thắng
tai mẹ điếc rồi không nghe thấy tiếng hò reo
mắt mẹ lòa rồi không thấy màu cờ đỏ
mẹ đi ra
rồi mẹ đi vào
tay mẹ vịn hoài lên cánh cửa
không có ai gõ cửa
không có ai báo tin
dù tin con mất tích
dù tin con hy sinh
Tờ “Tổ Quốc Ghi Công” thứ tư
cho đến khi nhắm mắt
mẹ chưa hề nhận
người ta mải chia nhau chiến thắng
ngoài người mẹ
không ai nhớ đến những người lính trẻ chết mất thây
không ai đi tìm tôi
không ai biết thân xác tôi lại nằm ở nơi đây
thân xác tôi
một xác lính mồ côi
hãy thương tôi đi
Ở phía nào tôi cũng chỉ là người lính
hãy thương tôi và cho tôi nằm cạnh
hãy ôm tôi như các anh đã ôm chính nước Việt mình.
Thôi, tôi hiểu rồi.
Cậu biết đấy, thấy cậu còn trẻ quá tôi cũng thương, mới qua tuổi mười tám, phải không? Các bạn tôi tuy nhìn cậu không mấy cảm tình nhưng cũng không ai nỡ đuổi cậu ra khỏi đây, vẫn cho cậu đi theo khi có hoa có hương. Khi chúng tôi được cúng vái chúng tôi cũng vẫn nhớ chia cho cậu chút đỉnh, đúng không? Cậu nhìn chung quanh nghĩa trang này đi.
Mười sáu ngàn ngôi mộ
theo thời gian bị bỏ phế, không người viếng thăm.
hoang tàn đổ nát
bốn mươi năm dâu bể, kẻ khóc người cười
những ngôi mộ trong nghĩa trang này cũng thăng trầm theo vận nước.
ai cũng phải lo cho người sống trước
mộ bia như bìa sách rách tan
những hàng chữ mất tên mất ngày mất tháng
có những ngôi mộ lún sâu rồi mất hẳn
cỏ dại mọc như chăn đắp
“trăm năm nào có gì đâu
chẳng qua một nắm cỏ khâu xanh rì”
như én không để lại vết cánh trên bầu trời
vợ con thất lạc
trôi dạt về chốn chẳng định nơi
mong chi về cố quận
Bác vẫn sướng hơn tôi, trách làm gì. Dẫu sao các bác bây giờ cũng thỉnh thoảng có người ghé thăm vào những ngày cuối năm, cũng có hương, có hoa, có xôi, có dăm ba điếu thuốc. Có những bác còn may mắn, được vợ con, cháu nội, cháu ngoại tìm về. Kẻ lo tu chỉnh mộ phần, kẻ lo cải táng mang đi. Tôi đã mồ côi còn lạc chỗ. Sống đã khổ, chết tủi thân chẳng ai an ủi hồn vô xứ.
Mà này bác, nếu được trở lại làm người bác còn muốn làm người Việt Nam nữa không? Sao tôi sợ thế, sợ lại phải đi vào chiến tranh từ năm mười sáu, sợ có bao nhiêu anh em cùng theo nhau tử trận, sợ mẹ mình lại suốt đời sống với mấy mảnh giấy “Tổ Quốc Ghi Công” và sợ nhất phải làm một cái hồn lính mồ côi.
Tôi à, tôi vẫn muốn làm người Việt Nam, vẫn yêu mảnh đất này, khi chết vẫn muốn được an táng trong nghĩa trang quân đội của chúng tôi. Tôi biết cậu tủi thân vì lạc chỗ. Nhưng phần đất nào cũng là đất Việt, dù Bắc hay Nam. Khi cậu lạc vào nghĩa trang này, dù những người của Việt Nam Cộng Hòa chẳng thích, chẳng tiếp đón nồng hậu. Nhưng có ai xúm lại đánh đập cậu đâu, có ai ném đá vào cậu khi cậu đi qua chỗ họ không? Cậu chết trẻ chắc hồn thiêng lắm. Cậu đã biết những người “Lính ngụy” chúng tôi ngoài kia phải chịu những hình phạt gì.
Kìa, họ đang tới rủ mình đi ăn Tất Niên. Mấy hôm nay hương hoa, bánh trái nhiều lắm. Mấy cháu nội, cháu ngoại của chúng tôi ở nước ngoài về còn mang theo cả thuốc lá.
Họ đến khá đông, khoác vai nhau vừa đi vừa hát, anh lính Bắc Việt cũng được nhập bọn. Không ai nhìn anh với ánh mắt lạnh lùng nữa. Họ cùng hát những bài ca của mọi binh chủng Việt Nam Cộng Hòa, anh lính lạc chỗ chỉ biết im lặng lắng tai nghe.
Một bài hát mới được cất lên, với những lời ca tụng quê hương gấm vóc, ca tụng tiền nhân, ca tụng tình thương đồng loại, ca tụng hòa bình, tự do, công bình, bác ái… Một bài hát không có sinh Bắc tử Nam, không có hận thù đằng đằng. Họ vừa hát với môi cười nhưng mắt đẫm lệ.
Anh lính lạc chỗ thấy mình không còn xa lạ nữa, không còn là anh lính Bắc Việt mồ côi trong nghĩa trang quân đội miền Nam. Anh ý thức được mình chỉ là một người lính trong muôn vàn người lính của cả hai miền cùng chết cho cuộc chiến Huynh Ðệ Tương Tàn.
Buổi chiều xuống thật thấp, một năm cũ sắp hết. Anh lính lạc chỗ giơ cánh tay lên gạt ngang những giọt lệ đang lã chã rơi, nhưng trên môi anh nở khẽ một nụ cười.
Tôi đặt niềm tin từ trái tim nhỏ bé của tôi
vào tình thương yêu của loài người
tình thương yêu đó có thật
thật như mặt trăng
thật như mặt trời
thật như những bông lúa trên cánh đồng
thật như chạm tay vào núi
thật như chạm tay vào biển
tình thương biến chó sói thành cừu
tình thương nở hoa trên những bụi gai
tình thương chữa lành những sỉ nhục vô hình
tình thương âm thầm như những hạt cải
đang vươn mầm chờ một bình minh.