KỶ NIỆM NGÀY QL/ VNCH 19-6-2024: NGHE BĐT/ BIỆT ĐỘI THIÊN NGA NGUYỄN THANH THỦY KỂ CHUYỆN TÙ.

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

“Mặc dù miền Nam Việt Nam, tính luôn cả chính quyền Quốc Gia Việt Nam cùng hai nền Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa, chỉ tồn tại có 21 năm ngắn ngủi, tức là từ 1954 tới 1975, nhưng chế độ VNCH đã để lại những thành tích trị quốc, an dân dài lâu trong lòng người dân Việt Nam mà không thời kỳ nào trong lịch sử cận đại và hiện đại của nước nhà có thể sánh được. Nhưng đã là công dân VNCH trong suốt thời kỳ lịch sử đó, không ai lại không biết rằng cuộc sinh tồn của đất nước luôn luôn phải được đánh đổi bằng xương máu của chính người dân miền Nam Việt Nam, trong đó các chiến sĩ QLVNCH, mà tiền thân là Quân Đội Quốc Gia Việt Nam và Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, luôn phải đứng mũi, chịu sào. Đó là vì miền Nam Việt Nam không hề có được cái may mắn như Nam Hàn, là nước luôn được Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc hỗ trợ trong cuộc Chiến Tranh Triều Tiên (1950-1953) và dài dài cho đến ngày nay nên không hề bị Cộng Sản Bắc Hàn thôn tính, hoặc Tây Đức, là nước có được sự đồng tâm nhất trí che chở và bảo bọc của ba cường quốc Tây Phương – Hoa Kỳ, Anh, và Pháp – cho đến ngày Cộng Sản Đông Đức sụp đổ và sát nhập vào Cộng Hòa Liên Bang Tây Đức để trở thành Cộng Hòa Liên Bang Đức ngày nay.

Mặc dù cuối cùng rồi thì QLVNCH đã phải buông súng tan hàng vì xui xẻo bị người bạn Đồng Minh Mỹ bỏ rơi nửa chừng, người lính VNCH đã kiên cường chiến đấu trong suốt thời gian đất nước tồn tại, với những chiến thắng lẫy lừng từ Trận Mậu Thân 1968, cuộc hành quân Toàn Thắng 43 sang Cambodia năm 1970, cuộc chiến đấu tại An Lộc, Kon Tum, và Cổ Thành Quảng Trị hồi Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972, trận chiếm lại ngọn đồi Thường Đức từ tay Cộng Quân năm 1973, và chiến thắng Xuân Lộc vào mùa Xuân 1975, mùa Xuân cuối cùng của dân tộc Việt Nam. Ngay cả lúc chiến bại, người lính VNCH lúc nào cũng anh dũng, hiên ngang, như một Nguyễn Đình Bảo tại Charlie năm 1970, một Nguyễn Văn Đương trên ngọn Đồi Máu Hạ Lào năm 1971, và một Ngụy Văn Thà anh dũng ở lại chết theo tàu trong trận hải chiến chống các lực lượng Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974. Đó là chưa kể những cuộc tuẫn tiết của các Thiếu Tướng Phạm Văn Phú và Nguyễn Khoa Nam cùng các Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, Trần Văn Hai, và Lê Nguyên Vỹ, cùng với Trung Tá Cảnh Sát Nguyễn Văn Long vào ngày 30 Tháng Tư, 1975, cũng như cuộc chiến đấu kiên cường cho đến lúc phải hy sinh của Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn và Trung Tá Cảnh Sát Lê Phó sau đó. Rồi khi cuộc chiến chấm dứt, các chiến sĩ QLVNCH kẻ thì hy sinh ngoài mặt trận, người thì mất đi một phần thân thể, kẻ thì chịu cảnh tù đày, người thì chết thảm trên đường vượt biên, vượt biển đi tìm tự do, để rồi tất cả ngày nay ai cũng đều cùng chung số phận của những kẻ đánh mất quê hương, sống đời lưu vong nơi quê hương thứ hai và luôn mang tâm trạng “nhớ nước đau lòng con quốc quốc, thương nhà mỏi miệng cái gia gia…”

Văn Phan/NguoiViet