Xin gửi câu hỏi này tới các bạn may mắn, suốt cuộc đời được sống an lành:
– Có chắc là “giữ mười giới là để đem lại cuộc sống an vui cho mình và cho người” không?
– Đối với cá nhân tôi thì khoảng cách giữa Đạo và Đời hình như cũng khá xa. Câu chuyện dưới đây, tôi đã kể cho vài người nghe rồi thôi, vì chỉ muốn quên đi… cho đến khi được đọc lời giảng:
Mười Giới hay Thập Thiện Giới:
Thiện là lành. Giới là ngăn ngừa, là giải thoát, nghĩa là giữ được giới nào thì giải thoát được giới đó. Mục đích giữ mười giới là để đem lại cuộc sống an vui cho mình và cho người.
Mười điều lành gồm:
1) Không sát sanh;
2) Không trộm cướp;
3) Không tà dâm;
4) Không nói dối;
5) Không nói lưỡi hai chiều
6) Không nói lời hung ác;
7) Không nói lời hoa mỹ để lừa gạt;
8) Không Tham dục;
9) Không sân hận; và
10) Không tà kiến.
********
Ngày còn học Y Khoa, tôi gặp khá nhiều rắc rối mỗi khi đi thực tập ở khu Sản Khoa, vì một lý do duy nhất:
Tự quyết định, nhất quyết không làm công việc “phá thai”, dù thời đó ở miền Nam Việt Nam chỉ cho phép làm “therapeutic abortion”, với sự đồng thuận có chữ ký của 3 vị Thầy (Bác Sĩ Trưởng Khoa, Bác Sĩ cố vấn chuyên khoa và Giám Đốc Bệnh Viện), đồng ý phải bỏ thai nhi để cứu mạng sản phụ. Sau đó phân công cho sinh viên trực thực hiện.
Mỗi khi “chẳng may” nhằm phiên trực, tôi lại phải “hầu hạ” và “hối lộ” một ông bạn không cùng ý nghĩ với mình giúp đỡ.
Thực ra vào thời đó, tôi không thích việc phá thai cũng chẳng phải do giữ giới “Không Sát Sanh” mà chỉ đơn giản vì cảm thấy không thoải mái, nên không làm.
Nhưng cũng vì tâm nguyện “nhất định không liên quan tới phá thai” mà hậu quả vẫn còn tới ngày hôm nay!
*******
Anh chị M., đối với tôi là một cặp vợ chồng có tư cách rất đáng quý, tôi luôn xem hai người như anh chị ruột của mình.
Anh M., một Phật tử thuần thành, lớn hơn tôi 10 tuổi, tốt nghiệp đại học bên Pháp, là một người sống nhiệt thành vì lý tưởng, lập gia đình trễ, từng giữ chức vụ khá lớn thời Việt Nam Cộng Hòa.
Năm 1980, khi mới ở tù cộng sản ra, tôi là người đưa chị M. đến nhà thương sanh con gái đầu lòng – cháu Phương Thanh (tên đã được thay đổi, không phải tên thật).
Từ đó cháu luôn gọi tôi là “bố nuôi”, vì sau khi ra đời, anh M., bố ruột của cháu bị việt cộng kết án 8 năm tù, do viết những tài liệu “phản cách mạng”. Anh được phóng thích năm 1988 và chết vì bệnh một năm sau đó (1989).
Câu chuyện chẳng có gì đáng nói, nếu năm 1985, sau một lần đi thăm nuôi chồng, chị M. đã đến nhờ tôi dẫn đi bệnh viện để phá thai, hậu quả của một vụ ‘cưỡng hiếp tập thể’ của bọn bộ đội việt cộng đóng trong khu rừng ở vòng đai trại giam chồng mình.
Tôi thật sự bối rối trước quyết định có nên ‘giúp đỡ’ (?) chị hay không. Dù việc phá thai thời đó chẳng khó khăn gì, tất cả các bệnh viện phụ sản: Từ Dũ, Hùng Vương, An Bình (BV Triều Châu cũ)… đều làm rất nhanh chóng và miễn phí, chỉ khoảng nửa giờ là xong, vì đó là “chính sách lớn” của nhà nước cộng sản, chẳng ai mất thì giờ tìm hỏi lý do.
Trong thâm tâm, tôi vẫn nghĩ quyết định phá thai của chị là đúng, vì hiểu hoàn cảnh khó khăn của một người phụ nữ mang thai lúc chồng đang ở tù (!) Và lại mang dòng máu của một thằng “súc sinh” nào đó!
Sự việc khá giản dị nếu lúc đó tôi đưa chị tới bệnh viện, giới thiệu cho một bác sĩ mà tôi rất thân.
Nhưng, một phần vì trung thành với tâm nguyện “không sát sinh” (dù chỉ là gián tiếp giúp người), một phần vì muốn biết quyết định của “người trong cuộc” để khỏi mang trách nhiệm về sau, nên tôi đã đi cùng chị M. lên tận trại giam, hỏi ý kiến ông chồng.
Và quyết định của anh M., tuy giúp tôi trút được gánh nặng, vì không muốn trực tiếp hay gián tiếp dính dấp tới việc phá thai, dù có hơi ngạc nhiên xen lẫn với một chút thán phục, khi nghe anh nói với vợ: “Anh sẽ bỏ qua mọi chuyện. Và dù thế nào vợ chồng mình vẫn nên giữ đứa nhỏ”.
Năm 1988, sau khi anh được phóng thích, thỉnh thoảng tôi cũng có ghé thăm anh chị. Chỉ ‘thỉnh thoảng’ thôi, vì không dễ chấp nhận thái độ có vẻ nhỏ nhen của mình, chẳng vui vẻ gì mỗi khi nhìn thấy “thằng con hoang”, dù thằng bé phát triển bình thường và vẫn nhận được sự đối xử tốt của cha (?) mẹ. Ít nhất là qua thái độ của anh.
Riêng với cháu Phương Thanh, tôi vẫn luôn xem cháu như con gái mình, còn với thằng bé này, tôi không hề muốn biết tên và cũng chưa một lần nhìn kỹ nó, chứ đừng nói là vuốt tóc hoặc cho quà.
Sau khi anh M. qua đời vài tháng, cuối năm 1990, trước khi sang Mỹ, tôi có ghé chào chị. Cháu Phương Thanh đã hơn 10 tuổi còn thằng nhóc khoảng 4 tuổi.
Việc liên lạc thưa dần cho tới năm 2001, qua người quen còn ở Sài gòn, tôi nhận được tin chị M. đã mất ở tuổi 56, không rõ lý do. Cháu Phương Thanh đang học Sư Phạm, sắp trở thành cô giáo.
Những tưởng mọi việc rồi sẽ qua đi. Nhưng đến năm 2003, lần đầu tiên tôi nhận được thư từ cháu Phương Thanh, đại ý:
“Cháu đã tự tử nhiều lần nhưng không chết vì còn nặng nợ. Cháu viết thư này cho chú, để bày tỏ sự oán hận cuộc đời vì quyết định dựa trên niềm tin sai lầm cuả chú ngày trước, đã không giúp mẹ cháu phá thai, để thằng X, em cháu sinh ra đời, đã làm tan nát gia đình cháu. Từ năm 15 tuổi, nó sa đà nghiện ngập, phá tan hết của cải, nhiều lần đánh đập mẹ cháu làm mẹ cháu phải chết trong đau buồn.
Sau khi mẹ cháu chết, không còn ai cản được nó, nên một lần trong cơn say thuốc, nó đã “làm hỗn” với cháu”..
(Chữ “làm hỗn” là chữ tôi viết cho nhẹ bớt câu chuyện đi, vì chữ dùng trong thư nghe “kinh hãi” quá!).
Tôi tự biết mình không bao giờ đủ chữ nghĩa để biện minh hay an ủi cháu nên đành giữ im lặng.
Nhưng qua bức thư đó, mới thấy là trong cuộc đời, việc gì cũng có ngoại lệ:
Không nhất thiết “Giữ mười giới để đem lại cuộc sống an vui cho mình và cho người”. Trong câu chuyện này, những người trong cuộc đã giữ giới “không sát sanh” để ai được an vui?
Giá ngày đó, mọi người đều đồng ý quyết định phá thai (sát sanh?) thì có lẽ cuộc sống gia đình anh chị M. tốt đẹp hơn nhiều.
Nhân chuyến về Việt Nam , tôi đã thu hết can đảm tìm thăm cháu Phương Thanh tại một ngôi chùa bên Gia Định.
Thật may mắn, “ni cô” Phương Thanh đã tiếp chuyện tôi với vẻ khoan hòa của một người tu hành. Phương Thanh cho biết, cô đã an tâm tha thứ và quên hết chuyện cũ kể từ khi biết tin thằng em bị công an bắn chết tại Vũng Tàu vì tội ăn cướp.
Có lẽ cho tới ngày hôm nay, tôi chưa từng tự tay giết một sinh vật nào dù nhỏ bé đến đâu.
Nhưng không hiểu sao khi nghe tin một người bị bắn chết mà lòng tôi lại vui đến thế?
Nghiêm Hữu Hùng