Trong tuần này tôi nhận được ba cái e mail của anh Lê Phú Nhuận từ Mỹ gửi cho tôi khá đầy đủ hình ảnh về buổi họp mặt của các anh chị em làm báo chí, truyền thanh, truyền hình, điện ảnh của VNCH thời xa xưa.
Quả thật tôi nhận được thông báo họp mặt này từ vài tháng trước, tôi đã quá vui mừng và… muốn mọc cánh bay đến hội ngộ cùng các bạn đồng nghiệp của tôi từ thuở xa xưa, có người tôi may mắn có dịp gặp lại ở Sài Gòn nhưng nhiều người tôi chưa hề gặp lại từ hơn 40 năm qua. Nhưng hầu như tất cả đều đã cùng tôi làm công tác truyền thông gần như suốt cuộc chiến hơn 40 năm cũ. Thời gian trôi đi và cơn chuyển mình của đất nước đã khiến anh em mỗi người một ngả, hầu hết là ra nước ngoài ở khắp các thành phố trên thế giới. Người ở Mỹ, người ở Pháp, ở Canada, Úc, Thuỵ Điển… rất ít có cơ hội gặp nhau.
Tôi vô cùng tâm đắc với sáng kiến tổ chức những buổi họp mặt như thế này. Mỗi năm một thưa vắng dần vì anh em cũng đã lọm khọm hết rồi, người trẻ nhất cũng trên 70 tuổi – gần 80. Một số không nhỏ đã thành người thiên cổ không bao giờ gặp lại được nữa, một số “cụ” khác tuy còn sống với con cháu nhưng không còn đủ sức về họp mặt cùng anh em. Cũng như tôi, có muốn lên máy bay cũng không bước lên nổi. Nhưng nhìn được hình ảnh các bạn tôi quây quần bên nhau cũng đủ vui rồi. Tuy vậy tôi không còn nhận ra được ông nào là ông nào nữa, tất cả đều đổi khác, thời gian không tha cho ai bao giờ.
Điểm danh qua ghi chú của anh Lê Phú Nhuận dưới những bức ảnh, tôi cố nhìn mãi những cái tên rất quen như Chu Mai, Nguyễn mạnh Tiến, Anh Tứ, anh Nam, ông Nguyễn Ngọc Linh, Lê Phú Nhuận, Nguyễn văn Anh, Pham Hoàng Thúc… tôi chịu không phân biệt được. Ngay cả một vài anh chị em cùng làm việc với tôi tại Phòng Báo Chí và Đài Phát Thanh Quân Đội như chị Yến Tuyết hoặc Đài Phát Thanh Sài Gòn từ 1963 đến 1975 tôi cũng chịu thua.
Ngoại trừ các anh Nguyễn Mạnh Tiến, dường như ông này không thay đổi gì nhiều ngoài mái tóc bạc. Cặp bài trùng Dương Phục – Vũ Thanh Thủy còn gia đình ở VN nên đã có lần về Saigon thăm tôi trên cái chung cư rách nát này. Tôi chợt nhớ tới vài kỷ niệm xưa. Xin nói ngay là không phải tôi không nhớ nhiều bạn đâu. Tất cả là vì bây giờ già yếu lẫn cẫn rồi nên thời gian không còn nhớ rõ và nhiều kỷ niệm xưa đi vào lãng quên trong cái bộ óc lão hóa hơn 60 năm chỉ sống bằng nghề cầm bút này.
Vài kỷ niệm xưa
Tôi nhớ là vào khoảng năm 1956-1957, anh Nguyễn Ngọc Linh từ Mỹ về VN mở trường dạy Anh văn và thành lập tờ báo Truyện Phim, sau khi anh Linh được lệnh động viên vào Trường SQ trừ bị Thủ Đức, anh Mai Châu mới đổi tên là báo Kịch Ảnh. Hồi đó có ba tên được xem là cây bút then chốt về phần Văn Nghệ của báo Truyện Phim là Thanh Nam chuyên viết truyện dài, Hoàng Hải Thủy phóng tác chuyện của “Tây” thành truyện của “Ta”, tôi viết tiểu thuyết phóng sự đầu tiên là “Những Ngày Hoa Mộng” sau mới đến “Sài Gòn tốc” đăng trên nhật báo Chính Luận.
Anh Nguyễn Ngọc Linh là anh ruột của các ông cũng rất nổi danh như ông Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Ngọc Phách… Ông Linh đúng là “công tử đẹp trai học giỏi, con nhà giàu”. Nhưng hình ành mà tôi thích nhất là ông Linh đỗ đầu trong khoá SQ Trừ Bị Thủ Đức. Khi làm lễ tuyên thệ mãn khoá, người thủ khoa Nguyễn Ngọc Linh cầm cái kiếm dài vung lên trời cao thề Trung Thành với đất nước. Một hình ảnh đại diện cho ý chí quật cường của tất cả các SQ VN. Ý chí ấy ngàn năm còn sống mãi.
Sau này ông Linh giải ngũ và vẫn đam mê với truyền thông, có thời ông làm Giám đốc Việt Tấn Xã (TTX) đào tạo được một loạt phóng viên rất xuất sắc đi khắp các chiến trường sôi động nhất, cung cấp tin tức hình ảnh sớm nhất cho các cơ quan truyền thông tại VN, các hãng tin nước ngoài cũng thường trích dịch những thông tin đó cho các tờ báo quốc tế.
Câu chuyện Hải Lùn bắt đầu từ đâu
Người thứ hai tôi nhớ đến là vợ chồng Dương Phục – Vũ Thanh Thuỷ. Hồi đó Dương Phục là phóng viên của Đài Phát Thanh Quân Đội. Anh là người đi nhiều nhất, chiến trường nào nguy hiểm gian khổ nhất đều có anh và Vũ Thanh Thủy.
Có lần trên đường bay vào chiến trường An Lộc đang bị bao vây chặt, anh đi trên chuyến trực thăng, giữa đường bị súng phòng không của địch bắn trúng. Trong lúc thập tử nhất sinh, máy bay đang rơi, anh vẫn cầm máy ghi âm tường thuật chi tiết “máy bay của chúng tôi bị bắn cháy, đang rơi, phi công VN vẫn cố tìm nơi bằng phẳng đáp xuống, nhưng không thành, máy bay của chúng tôi rơi xuống cánh rừng, tôi bị văng ra ngoài cùng với Nguyễn Thế Tuất Hải của đài Tiếng Nói Tự Do (VOF).”
May được hai chiếc trực thăng khác của KQVN đáp xuống quốc lộ 13 giải cứu. Mấy anh phóng viên lại tiếp tục xin vào chiến trường An Lộc. Nhận được băng ghi âm của Dương Phục, tôi cho phát thanh ngay, rất nhiều thính giả gọi điện thoại và gửi thư tới Đài tỏ lòng kính phục.
Sau này khi viết sách Dương Phục gọi đúng cái nick name anh em vẫn gọi là ông Hải Lùn. Tôi gửi cho ông Hải xem đoạn đó và ông Hải cãi lại, “Tôi có lùn đâu, chỉ thấp hơn chúng nó thôi và tại chúng nó cao chứ đâu phải tôi lùn.” Chuyện của chúng tôi sau này vẫn vui vẻ và hấp dẫn như thế làm sao quên được.
Câu chuyện sau ngày 30-4-1975
Ngày 30 tháng 4, 1975, ngày đau buồn nhất của cả VNCH hay nói cho đúng là ngày đau buồn cho cả nước, nhất là với các đồng đội của tôi, những người lính VNCH. Giờ phút cuối cùng tôi và một số anh em còn ở lại Đài PTQĐ, tôi nhớ có cả Nhật Bằng, Nguyễn Triệu Nam, Dương Phục, ngơ ngác đau buồn nhìn chiếc xe tăng Cộng Sản đi qua cầu Thị Nghè, hung hăng bò qua cổng Cục Tâm Lý Chiến, trong đó có Đài Phát Thanh thân yêu của chúng tôi.
Đến lúc đó mọi người mới rưng rưng nước mắt chia tay, mỗi người một ngả.
Cho đến khi bị đưa vào các trại gọi là “trại cải tạo”, tôi ở Sơn La, Vĩnh Phú một thời gian dài, không biết Dương Phục ở trại nào. Bỗng một hôm nhận được tin Dương Phục đã “trốn trại”, sau đó là Mai Bá Trác cũng vượt ngục tù về Sài Gòn rồi không biết bằng cách nào, cả hai người bạn của tôi đều đi thoát.
Anh em chúng tôi còn ở trong tù râm ran bàn tán, thích thú truyền tai nhau về sự can đảm của hai anh em này. Từ đó tôi không còn nhận được tin tức gì của Dương Phục và Vũ Thanh Thủy nữa.
Hơn 12 năm sau, ở trại tù ra, tôi mới lại được tin của Dương Phục. Sau này tôi biết anh và Vũ Thanh Thủy làm chủ một hệ thống truyền thông ở Houston và họ rất thành công.
Dương Phục lại cố lần mò ra địa chỉ của tôi ở Sài Gòn, anh đề nghị tôi viết hàng tuần cho Đài Phát Thanh Houston của anh. Tôi viết cho Radio Saigon Houston hàng tuần và hẹn nhân viên từ đài Houston gọi điện thoại về nhà tôi thu thanh.
Cho đến khi tôi bị Công An quận 3 đến tịch thu hết máy móc, cắt hết đường internet, thu hết điện thoại cùng mọi tài liệu. Hôm tôi bị thẩm vấn, anh phó CA quận kết tôi đủ thứ tội và đưa ra một lá thư của một tên nằm vùng nào đó ở Houston viết về cho Công An thành phố kết tội tôi nói trên đài phát thanh Houston làm mất uy tín của chính phủ Cộng Hòa Xã Hội CNVN.
Tôi phải ngưng viết một thời gian khá dài, không còn có dịp liên lạc lại với Dương Phục nữa, song tôi vẫn biết Radio Saigon Houston rất thành công.
Còn ông Nguyễn Mạnh Tiến là phóng viên của Đài Phát Thanh Sài Gòn, ông này cũng là tay săn tin nhanh nhạy nhất. Tôi coi ông như bạn bè, thường ngồi cà phê 44 trước cửa Đài PT Sài Gòn 44 đấu láo với nhau. Trước khi ông đi định cư ở Mỹ, tôi không nhớ rõ vào năm nào, ông mời anh em một chầu cà phê linh đình có ca nhạc đàng hoàng. Sau này ở Mỹ, ông làm ở Đài Phát Thanh RFA cũng rất thành công. Tôi không rõ hiện nay ông còn hành nghề nữa hay đã nghỉ hưu, gần 8 bó rồi còn gì nữa.
Lan man chỉ vài chuyện cũ cũng thấy được cả một thời xưa cũ với bạn bè. Cuộc hội ngộ lần này rồi còn bao giờ nữa?
Xin gửi đến các bạn làm truyền thông VN một thời xưa cũ lòng tưởng nhớ của tôi đến tất cả các bạn. Và tôi tin rằng nhiều đọc giả lớn tuổi ở khắp nơi vẫn nhớ đến các bạn.
Văn Quang, 23 tháng 5, 2016 (Viết từ Sài Gòn)
Họp mặt truyền thông hải ngoại. (Lê Phú Nhuận)
Nguyễn Văn anh và Thầy Linh – Nguyễn Ngọc Linh. (Lê Phú Nhuận)
Từ trái Chu Mai THVN- bà Oanh Oanh và ông Thiên Ân , Ngô Yến Tuyết, Cô Yến và chồng Hoàng Hà –VTVN. (Lê Phú Nhuận)
Thiên Ân, Hoàng Hà, Nguyễn Tuyển, Thầy Linh, Lê Phú Nhuận, và Nguyễn mạnh Tiến.
Tuyết Mai, Minh Ngọc, cô Thủy, Hòa Đào, Thanh Diệp, Kim Phú, chị Hằng. (Lê Phú Nhuận)