(Viếng Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa)
“Anh nằm đó, nghìn thu giấc ngủ
Nhưng sao trong gió ta nghe có tiếng thì thào!! “
Kẻ tha hương không đủ thì giờ và tâm trí trong ngày trở về để đi suốt chiều dài đất nước như ước vọng cuối đời: tìm về nơi chôn nhau cắt rốn, nhìn lại ngôi trường xưa với những giấc mộng vàng thời niên thiếu, ghé thăm núi Ngự quấn khăn tang hay nhìn dòng Hương Giang khóc sướt mướt của những ngày chiến chinh máu lửa. Nỗi tự tình về quê hương đành nén lại trong lòng, bởi ngổn ngang bao điều thúc bách. Ô hay, đau thương từ quá khứ như còn đâu đây, thoảng trên con hẻm về khuya khua đôi nạng gỗ hay bên túp lều không đủ che nắng trú mưa. Và hơn hết mọi nẻo đường đất nước, một mảnh đất không xa phố thị bao nhiêu, nhưng xa hẳn thế giới đua chen, cần được những bước chân ghé thăm và những nén nhang lòng thắp lên.
Sau hơn một giờ, chiếc taxi mới thoát ra khỏi Sài Gòn. Xe đi vào xa lộ Biên Hòa, bỏ lại sau lưng một thành phố đầy khói và bụi. Hầu như mọi con đường đều chật ních xe hai bánh. Dòng xe cộ trên xa lộ vẫn thi nhau lao đi, như thể bị thúc đẩy bởi một lực vô hình phía sau. Nhà cửa ngoại ô cùng chung số phận với phố xá Sài Gòn, đua nhau mọc lên, phô trương hình dáng, khoe khoang mặt tiền tựa cô gái quê thích trang điểm, tạo nên một cảnh trí mất cân đối giữa những căn nhà lụp xụp và quán xá lấn chiếm bất cứ khoảng trống nào. Dân cư chia nhau những không gian nhỏ để tồn tại, còn lại những tòa nhà bề thế hay những căn nhà sang trọng nửa lộ diện nửa kín đáo, nhắc nhở sự xuất hiện của những chủ nhân mới.
Không thể nhận ra con đường dẫn vào nghĩa trang, tôi bảo anh tài xế trẻ tắp vào một quán nước. Bà chủ quán đứng tuổi chăm chú nhìn tôi.
– Ông hỏi nghĩa trang thành phố thì bên kia đường, còn nghĩa trang quân đội cũ thì đi tới ngã ba đằng kia.
Trước đây mỗi lần đi ngang khu vực nầy, tôi thường lái xe chậm lại để dán mắt vào kiến trúc quy mô và nghệ thuật của nghĩa trang, và khi nhìn tác phẩm Thương Tiếc, lúc nào tôi cũng thấy bức tượng người lính sống động. Người lính ngồi lặng lẽ bên đường như một nhân chứng âm thầm của cuộc chiến. Trong tư thế nuối tiếc đồng đội, anh như còn muốn nhắc nhở khách đi đường về một thế giới thầm lặng khuất sau ngọn đồi. Nhưng nay tác phẩm đầy huyền thoại đã biến mất không một dấu tích để lại. Tôi nghe nói, người cộng sản đã đổ hận thù lên cả người lính bằng đồng, một tác phẩm điêu khắc hiếm có, bằng cách đập phá bệ tượng, giật sập và kéo lê bức tượng qua nhiều nơi.
Toàn cảnh đã đổi thay. Con đường dẫn vào nghĩa trang bị che khuất bởi hai dãy nhà mới cất, chỉ còn vài cây bạch đàn không biết sống sót từ ngày cũ hay ai đã trồng lên sau này. Khi chiếc xe chầm chậm đi vào con đường nhựa và bắt đầu lên dốc, thì khung cảnh quen thuộc bất ngờ hiện ra trước mắt tôi: Cổng Tam Quan và Ðền Tử Sĩ. Tôi nói với tài xế chạy thật chậm để thích thú thu vào ống kính con đường uy nghi thẳng tắp dẫn lên ngôi đền. Từ Cổng Tam Quan, hai con đường hai bên ôm lấy ngọn đồi theo mô hình con ong mà ngày xưa nhà thiết kế đã chọn lựa. Con ong không thờ hai chúa, người lính chỉ chết cho một ngọn cờ. Hai hàng chữ hai bên cổng đã tróc sơn, nhìn thật rõ mới đọc được: Vì Nước Hy Sinh ố Vì Dân Chiến Ðấu. Tôi bước lên từng bậc thang phủ đầy rêu phong mà tưởng như đi giữa những cặp mắt thật xa xưa mà rất gần gũi ở quanh đây đang nhìn tôi. Tôi đang gặp lại những đồng đội của mình. Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa ố Nghĩa Trang Của Những Người Lính Ðã Chết Cho Quê Hương Việt Nam.
Tôi sắp bước lên những bậc thang cuối cùng để đặt chân vào Ðền Tử Sĩ, ngự trên đỉnh đồi, ngày nào là nơi tôn nghiêm vị nguyên thủ quốc gia thường đến hành lễ trong các dịp lễ Chiến Sĩ Trận Vong, Lễ Vu Lan, ngày Quân Lực, ngày Quốc Khánh. Tôi ngẩn ngơ trước cảnh trời đất êm ả của buổi chiều lộng gió, chưa kịp đưa máy quay lên, bỗng từ trong một góc đền hai con chó nhảy ra sủa vang. Hai con chó đã báo động. Năm bảy người bật dậy khỏi nền nhà. Họ đứng hàng ngang trước mặt tôi, nhìn vào máy ảnh và máy quay phim lỉnh kỉnh trên vai tôi. Tôi nói với họ tôi từ xa đến, muốn thăm lại ngôi mộ người bạn ở nghĩa trang nầy nhưng không thể tìm ra vị trí và mong họ giúp đỡ. Toán lính cho biết toàn khu vực nghĩa trang do bộ đội quản lý, không cho phép người ngoài vào, không được chụp hình quay phim. Khu vực nầy không có mồ mả. Tôi cứ hỏi tới, làm thế nào tìm được ngôi mộ người bạn để cắm vài nén nhang. Thấy tôi tha thiết, một anh lính nói giọng Nam chỉ phần đất phía sau ngọn đồi.
– Chú vào đó, cứ hỏi khu vực mồ mả là người ta chỉ cho.
– Cám ơn cháu nhiều lắm.
Tôi chào toán lính, rồi bước nhanh xuống những bậc thang, e ngại họ có thể đổi ý tịch thu máy ảnh và máy quay phim. Tôi đến đây không có những thông tin chính xác về hiện tình nghĩa trang, ngoài những nguồn tin ít ỏi từ bạn bè. Tuy vậy toán lính đâu biết rằng, tôi đã quay xong khung cảnh mặt tiền nghĩa trang, chỉ còn cảnh mấy người lính ăn mặc lếch thếch nằm ngủ la liệt trên nền xi măng là tôi chưa thu được vào ống kính.
Từ trên cao nhìn bao quát cảnh trí chung quanh ngọn đồi, tôi hiểu tại sao người cộng sản muốn xóa tan một di tích lịch sử đã in đậm dấu ấn trong lòng mọi người. Ở hải ngoại, người Việt hay tin chính quyền cộng sản sẽ giao nghĩa trang cho một công ty ngoại quốc để khai thác du lịch. Cho đến nay, chẳng hiểu vì sao họ chưa cày nát nghĩa trang như đã làm ớ các nơi khác. Chung quanh Ðài Liệt Sĩ, người ta trồng bạch đàn, nhưng rừng bạch đàn không lớn nổi, sống thoi thóp giữa lớp cỏ ngập cả sườn đồi.
Con đường đất nhựa chấm dứt khi chiếc xe rẻ bên trái, chuyển qua đường đất bụi lồi lõm dường như từ lâu không được sửa chữa. Bên phải là bức tường mỏng dang dở bám đầy bụi ngăn cách nghĩa trang với bên ngoài. Những xưởng làm gạch ngói kéo dài mấy trăm thước, vào lúc nầy không thấy cảnh hoạt động tấp nập. Chiếc xe lướt qua một bức tượng Phật Bà bên phải. Thấy một quán nhỏ bên đường, tôi ngừng lại hỏi. Tôi gặp ngay anh trưởng toán bảo vệ nghĩa trang. Anh ta hỏi tôi tên họ thân nhân, mất năm nào để dễ tìm kiếm. Tôi muốn nói, tôi đến đây không phải để thăm một người, mà thăm toàn nghĩa trang. Nhưng tôi đã có một tên người chết bịa ra lúc ngồi trên xe.
– Nguyễn Quốc Việt, chết khoảng năm 70 hay 71 gì đó.
– Nếu vậy, chú sẽ rất khó tìm. Ở đây chúng tôi quản lý trên mười ngàn ngôi mộ, người ta tìm mộ theo lô năm chết.
– Tôi hy vọng nhớ địa điểm, vì trước đây tôi có đến một lần. Anh ráng giúp tôi, người chết sẽ nhớ anh, người sống sẽ không quên ơn anh.
Anh chần chừ một lát rồi nói:
– Chú chờ cháu lấy xe gắn máy. Ở đây quy định xe hơi không được vào.
Tôi gặp may, nhưng không dám lộ niềm vui ra mặt. Tôi để gia đình ngồi tại quán nước, lén nhét máy ảnh vào túi jacket. Khi chiếc xe gắn máy chạy vào trung tâm nghĩa trang, tôi bảo anh dừng lại. Khuất sau những dãy nhà cửa và xưởng gạch ngoài kia, nghĩa trang như một thế giới lạc lõng nằm trong quên lãng. Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa, sẽ trở thành Nghĩa Trang Quốc Gia như kế hoạch của chính phủ trước đây, vẫn còn đó nhưng khắp nơi đều một cảnh làm se thắt lòng người viễn xứ.
Rừng bia mộ mênh mông nằm xen lẫn với cỏ cây um tùm, phân chia từng lô bởi những con đường đất. Nghĩa trang quá rộng lớn, tầm nhìn của tôi không thể thu hết toàn cảnh. Dân cư và các lò gạch đã lấn chiếm sát vòng đai nghĩa trang. Rải rác đó đây là những ụ đất, những hố sâu, những cây cao su mới trồng lẫn trong những đám cỏ đuôi chồn mọc cao. Một số ngôi mộ đã được dọn sạch sẽ, còn lại là những mồ hoang ngập trong cỏ dại không nhang không khói, có lẽ ba mươi năm nay, chưa một ai đến viếng. Ðã có những con người từ tâm đến đây sửa sang, nhưng vẫn chưa làm nghĩa trang bớt hoang phế. Tôi có cảm tưởng nghĩa trang đã bị lấy đi một lớp đất, để lộ những tấm đan trồi cao trên mặt đất. Có vẻ như người ta sắp làm một cái gì trên mảnh đất nầy. Hầu hết những ống cống trên đường bị lấy đi không được lấp đất lại, tựa như dấu đùn của thú rừng ăn đêm. Nhiều tấm bia bị đập bể. Có những phần mộ bị dời khỏi vị trí. Một sự phá hoại quy mô đầy tính thù hận. Ðột nhiên, đôi mắt tôi rưng rưng niềm phẫn uất.
Người cộng sản đang tìm mọi cách chiêu dụ người Việt hải ngoại về xây dựng đất nước, mời mọc đầu tư, cổ xúy hòa giải, vậy mà họ đang tiếp tục gieo rắc hận thù trên cả những kẻ đã nằm xuống. Người chết đã không được yên ổn dưới lòng đất. Nghĩa tử là nghĩa tận. Mồ mả các chiến binh cộng sản khắp nơi được sơn phết cẩn thận, mồ mả nơi đây bị dày xéo thật tàn nhẫn. Người cán binh cộng sản, người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa, họ là ai? Tất thảy họ là những người con dân Việt bất hạnh, là nạn nhân của một chủ thuyết điên cuồng, phải được chia sẻ từng mảnh đất chôn cất, chia sẻ từng nén nhang và cả lời nguyện cầu được bình an dưới lòng đất hay thanh thản nơi một thế giới nào đó không binh đao và oán thù.
Làm thế nào tìm ra lô đất chôn theo năm, nói gì tìm ra tên người thân khi lạc vào đây? Tôi đến gần anh bảo vệ và dúi vào tay anh một số tiền:
– Anh nói đúng, có lẻ tôi cần phải đến đây ba bốn ngày liên tiếp mới mong tìm được mộ người bạn tôi. Rất tiếc, chỉ còn vài ngày nữa là tôi rời khỏi nơi nầy. Vậy anh cho tôi thắp hết bó nhang cho những ngôi mộ trong khu vực nầy. Ðó là cách tôi gởi lòng thành của mình cho người bạn và luôn thể đến những người khuất mặt ở đây.
– Vâng … chú làm thế cũng được.
– Cám ơn anh đã giúp tôi tận tình. Có lẽ không bao giờ tôi có dịp đến nghĩa trang lần nữa. Mong anh cho tôi chụp vài tấm hình kỷ niệm.
– Chú đã biết rồi đó. Họ cấm chụp hình. Nhưng cháu sẽ canh chừng cho chú.
Trước khi đưa máy hình cho anh bảo vệ, tôi chụp ngay vài tấm toàn cảnh nghĩa trang, nằm dưới ngôi tháp Nghĩa Dũng Ðài với Vành Khăn Tang quấn quanh xa xa. Tôi nghe anh nói, công trình ngôi tháp xây gần xong thì miền Nam mất. Tọa lạc trên một ngọn đồi, thêm mấy cần thu lôi làm tăng thêm chiều cao nổi bật trên rừng mộ bia, ngôi tháp dũng mãnh cao trên bốn mươi thước như thách thức thời gian, như đang chứng tỏ với con người sự hiện hữu của một thế giới vô hình. Kiến trúc uy nghi nầy làm tôi liên tưởng đến bao nhiêu người đã bỏ tim óc và sức lực vào việc xây dựng công trình lịch sử lớn lao nầy, để hơn ba mươi năm trôi qua, ngôi tháp vẫn còn đứng vững và tiềm tàng uy lực khó hiểu, đã làm chùng lại mọi mưu toan xóa bỏ nghĩa trang. Thấp thoáng vài bóng người trong khuôn viên ngôi tháp. Tôi ao ước được vào bên trong để nhìn công trình dang dở với thanh kiếm khổng lồ cắm xuống mặt đất và vành khăn tang rộng lớn quấn quanh ngôi tháp, nhưng không nghĩ ra cách nào, vì anh bảo vệ lắc đầu từ chối.
Trong cơn gió vi vu xô dạt hàng cây bạch đàn, tôi đến từng ngôi mộ, cắm từng nén nhang vào những tấm đan xiêu vẹo, đối diện với từng hình ảnh, tên họ, đơn vị, ngày sinh, ngày mất. Dù không còn ngay ngắn vị trí, những tấm đan vẫn còn nguyên vẹn. Anh bảo vệ có vẻ quen thuộc với máy chụp hình, bấm máy kịp thời mỗi lần tôi di chuyển qua từng ngôi mộ. Hình như anh đã thông cảm việc làm của tôi nên sau đó sẵn sàng dẫn tôi đi qua các khu vực khác.
Anh cho biết, có những gia đình đã đến đưa tiền nhờ bảo vệ dọn dẹp phần mộ thân nhân của họ. Hàng năm có một số thương phế binh và cựu quân nhân sống ở các khu vực lân cận thường đến đây vào dịp Tết để tảo mộ. Còn lại những ngôi mộ khác không ai chăm sóc, ẩn sâu dưới lớp cỏ rậm, bia mộ như cố vươn lên nhắn gởi một lời ghé thăm.
Bó nhang trong tay đã hết sạch. Anh bảo vệ cho biết các khu vực khác cũng tình trạng tương tự, nghĩa là có những ngôi mộ đã được chăm sóc xen lẫn với những ngôi mộ ngập cỏ. Tôi muốn đi xa hơn, nhưng anh ta bảo, không nên đến gần toán bộ đội đóng rải rác quanh nghĩa trang. Ðành nhủ với lòng mình, dù sao tôi đã thăm lại được nghĩa trang, một việc hằng ấp ủ trước đây. Tôi lại ngồi sau chiếc xe gắn máy lao đi trên những đoạn đường bụi đỏ, chạy quanh một vòng qua các con đường bị đào xới, để ngậm ngùi thấy mọi nơi của nghĩa trang đều hoang tàn giống nhau.
Ra khỏi bức tường thành hoen ố, tôi trở lại quán nước. Tôi chưa kịp nói chuyện với gia đình về những bức ảnh vừa chụp được, thì anh tài xế nói nhỏ bên tai nên cho thêm tiền người bảo vệ để được quay phim. Tôi kéo anh bảo vệ ngồi riêng một bàn. Tôi đưa cho anh thêm mộầt sốÔ tiền Việt và ngỏ ý muốn trở lại quay vài đoạn phim. Anh ta không phản đối nhưng khuyến cáo không nên đi quá xa khu vực ấn định. Uống chưa xong ly nước, chúng tôi trở lại nghĩa trang.
Chiều xuống, nghĩa trang không một bóng người, chỉ nghe tiếng chim kêu áo não trên một cành cây gần đó và tiếng đa đa khàn khàn từ những lùm cây trên sườn đồi khiến cảnh chiều thêm quạnh hiu. Xa xa, một làn khói xám xịt lên cao từ một lò gạch, uốn éo theo chiều gió, ngập ngừng không biết tan về đâu. Những bia mộ như hớn hở đi vào ống kính, cả cỏ dại cũng lắc lư nhảy múa hưởng ứng công việc của tôi. Tôi cẩn thận thu cận cảnh vài tấm bia. Khi quay ống kính về phía ngôi tháp Nghĩa Dũng Ðài sừng sững trước mặt, tôi thực sự xúc động, cảm thấy mọi thứ trong nghĩa trang đều sống động như đang đồng cảm với tôi về cuộc viếng thăm bất ngờ nầy. Nhìn rõ những hình ảnh trên màn hình, tôi bỗng rùng mình. Nghĩa trang đang thở từ lòng đất. Từng tấm bia lướt qua trong máy đang gởi lời chào thân ái. Tôi tin những cặp mắt vô hình đang đồng loạt nhìn tôi. Phải chăng đây là khoảnh khắc giao cảm hiếm có với những người lính vô danh ngày xưa đã hy sinh mạng sống của mình, ngày nay họ đã trở thành những vị anh hùng trong lòng dân tộc.
Ðâu đây như có tiếng chân đều nhịp của những tháng ngày thao trường đổ mồ hôi để chiến trường bớt đổ máu. Chúng ta đang sống lại trong hàng ngũ? Những ngày xưa thân ái, anh đã gởi lại nơi đây. Anh về qua xóm nhỏ. Tình quê hương đậm đà. Anh về thủ đô. Lòng em rộn rã. Những địa danh bỗng hiện ra, những trận đánh như còn sôi động đâu đây. Máu ai nhuộm thấm ngọn đồi chiến lược? Bàn tay nào giương cao lá cờ tung bay trên cổ thành? Anh đã hiến trọn tuổi thanh xuân của mình để bảo vệ mảnh đất miền Nam. Thế rồi anh ngã xuống, thế rồi tôi buông súng. Anh cô đơn nơi hoang địa, tôi lầm lũi cảnh tha hương.
Bao nhiêu năm chiến tranh, chỉ có một ngày đáng nhớ. Chỉ có một ngày đáng nhớ, nhưng không thể viết hết thành lời. Không thể viết hết thành lời, bởi vì thảm kịch phân ly đã vượt khỏi biển khơi.
Người nằm đó không buồn lên tiếng. Những kẻ bạc mệnh đã hiến cho lịch sử những giọt máu đào quý giá. Một thế giới câm lặng nhưng lại cho ta bao điều suy nghĩ về sinh ký tử quy của con người, về tình tự dân tộc muôn thuở của quê hương. Thế mà con người lại điên cuồng sáng chế ra những chủ thuyết để sát hại ngay chính đồng bào mình. Thế giới vô sản được hô hào đoàn kết lại để chết cho một số người. Sự dối trá và tàn ác được vinh danh như một tiêu chuẩn của đạo đức. Ôi quê hương, ta không dám hồi tưởng lại quá khứ, e không còn nước mắt để khóc cho những đau thương của dân tộc. Ta không dám mơ một ngày mai rạng rỡ, khi vẫn còn những ngày hôm nay đen tối.
Kẻ nơi cõi âm, người còn dương thế, không còn khoác chiến y, nhưng nỗi lòng về đất nước vẫn còn trong mạch sống. Mạch sống vẫn còn tuôn chảy, dù những năm tháng cuối đời có thể đếm được rồi, bởi mạch sống vẫn trung thành với quá khứ, phải lan rộng ra như một dòng nước thủy chung cho thế hệ mai ngày. Lịch sử đang phơi bày trước mắt, không cầu kỳ hay bóp méo, như dấu tích đập phá trên bia mộ cùng khắp nghĩa trang, như ngôi tháp Nghĩa Dũng Ðài hùng vĩ đứng giữa trời kia, như ngôi Ðền Tử Sĩ chứng nhân trên đồi cao, như bầu trời lồng lộng, như cỏ cây đang lay động theo nhịp thở của anh từ lòng đất.
Anh nằm đó, nghìn thu giấc ngủ, nhưng sao trong gió ta nghe có tiếng thì thào.
Ðột nhiên, trời tối sầm lại. Giờ của hoàng hôn đã vãn. Mặt trời đã thu về những ánh tà dương lộng lẫy, để lại một vùng ánh sáng yếu ớt sau ngọn đồi. Tiếng sấm xa xa dội lại vu vơ. Những đám mây đen ùn ùn kéo tới. Mặt trời thực sự biến mất.
Nhưng dấu hiệu báo cơn mưa chỉ diễn ra trong chốc lát, có lẻ mưa một nơi nào đó. Trời mây trở lại yên tĩnh, trống trải, hoang vu. Những con chim én như những nốt nhạc lẻ loi trên mấy hàng dây điện, bỗng vụt bay lên không. Chúng chao lượn vài vòng rồi rủ nhau bay về bên kia nghĩa trang, lúc nầy trông như bức tường thành ngăn cách hai thế giới. Một cõi âm đấy bí ẩn và một cõi trần u uất sắp vùi vào bóng tối của đêm đen gần kề.
Tôi rời khỏi nghĩa trang, thoảng như vừa trải qua một giấc mơ.
Trong phòng nha sĩ, chiều cuối năm. Tôi nhìn đồng hồ.
– Còn những mười phút nữa, bác sĩ mới đến, chú cứ nói chuyện tiếp.
Cô sinh viên thực tập đã không ngần ngại trao đổi với người lạ về cái nhìn của tuổi trẻ hiện nay đối với đất nước. Theo cô, khá nhiều sinh viên và giới trẻ không quan tâm lắm về tương lai đất nước, họ chỉ biết kiếm tiền bằng mọi cách, nhưng cũng không ít người cùng quan điểm với cô.
– Cám ơn cô về buổi nói chuyện rất thú vị. Tôi để dành một câu hỏi rất lý thú, hy vọng có thể kết luận đề tài bổ ích nầy trước khi bác sĩ đến. Giả thử cô là một đảng viên cộng sản có thẩm quyền, cô sẽ làm gì với những nghĩa trang chôn cất quân nhân, nhân viên chế độ trước đây?
– Nói ngay với chú, cháu không muốn trở thành đảng viên cộng sản. Cháu thấy hiện nay thanh niên vào đảng, chẳng vì lý tưởng mà chỉ để tìm một chỗ dựa và dễ kiếm việc làm hơn người ngoài đảng.
Về câu hỏi của chú, cháu trả lời với cả lòng thành của mình. Cháu đoán chú muốn nói về những nghĩa trang đã bị chính quyền giải tỏa phải không? Theo cháu nghĩ, người Việt Nam theo bất cứ tôn giáo nào, Tin Lành, Công Giáo, Phật Giáo hay thờ cúng ông bà đều tôn trọng người chết và có bổn phận phải chăm sóc mồ mả. Nếu là người có quyền quyết định, cháu sẽ cho tu bổ lại tất cả những nghĩa trang đã bị hư hỏng, bất cứ nghĩa trang của chế độ nào. Cháu không mê tín, nhưng cháu tin rằng nếu không tôn trọng hay bất kính với người chết, gia đình hay đất nước sẽ không khá được.
– Tôi sẽ phổ biến thật rộng rãi câu trả lời nầy khi về lại bên đó. Chúc cô trở thành một trong những người xây dựng đất nước. Trước khi nói đến chuyện xây dựng đất nước, phải nói đến chuyện xây dựng tình dân tộc – nghĩa đồng bào trước đã. Bất hạnh thay cho dân tộc chúng ta, gần ba mươi năm nay, người cộng sản đã không làm điều đó. Tương lai Việt Nam phải được nằm trong tay lớp người biết dùng lương tri và kiến thức để kiến tạo đất nước, hầu tránh được những thảm kịch dân tộc như đã xảy ra.
Ông bác sĩ trẻ bước vào, vừa lúc chúng tôi kết thúc câu chuyện. Suốt buổi điều trị, chúng tôi không nói thêm điều gì. Tôi tự hỏi, ngày hôm nay, có bao nhiêu thanh niên băn khoăn về tương lai đất nước như cô sinh viên này.
Chúng tôi không trao đổi địa chỉ. Nhưng tôi tin rằng sẽ có ngày chúng tôi gặp lại nhau, tin chắc ngày đó Việt Nam sẽ tốt đẹp hơn hôm nay. Tôi sẽ mời cô lên Biên Hòa, ghé thăm Nghĩa Trang Quân Ðội bên nầy, đến Nghĩa Trang Liệt Sĩ bên kia xa lộ, thắp những nén nhang từ tấm lòng thành của cô cho những người lính đã nằm xuống, bất luận họ đã ở chiến tuyến nào khi còn sống, nhưng chắc chắn họ đã chết không phải cho một số người, một chủ thuyết nào, mà chết cho quê hương Việt Nam đã có trong tim họ từ tiếng khóc chào đời.
Tin mừng từ cơ quan Immigrant Resettlement & Cultural Center, Inc. cho biết, trong năm 2003, họ đã công bố dự án Bảo Tàng Thuyền Nhân Việt Nam và mô hình Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa sẽ được dựng lại tại Viện Bảo Tàng nầy. Những tiếng nói trước công luận thế giới để ngăn chận mọi mưu toan của chính quyền cộng sản nhằm xóa bỏ Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa và những đóng góp của người Việt khắp nơi để duy trì, bảo tồn di tích nầy hết sức khẩn thiết, bởi vì Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa đã thuộc về lịch sử dân tộc.
Ngôi Ðền Tử Sĩ, ngọn tháp Nghĩa Dũng Ðài, Vành Khăn Tang, rừng bia mộ, những con đường đất đỏ còn đó. Nghĩa trang vẫn còn đó, dù trong hoang tàn. Những người lính Việt Nam Cộng Hòa đã nằm xuống, nhưng mãi mãi vẫn sống trong tim những người Việt Nam hằng yêu thương đất nước và giống nòi.
Hoa Thịnh Đốn, đầu năm Giáp Thân 2004
Chu Lynh