Hàm Nghi (1871-1944), tên thật Nguyễn Phúc Ưng Lịch, là vị hoàng đế thứ tám của nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Ưng Lịch từ nhỏ sống trong cảnh bần hàn, dân dã với mẹ chứ không như hai người anh ruột ở trong cung. Ngày 2 tháng 8 năm 1884, tại điện Thái Hoà, ông được các phụ chính đại thần chủ trương chống Pháp là Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đưa lên ngôi ở tuổi 13. Hàm Nghi là một người có đủ tư cách về dòng dõi, nhưng chưa bị cuộc sống giàu sang của kinh thành làm vẩn đục tinh thần tự tôn dân tộc, và điều quan trọng hơn hết là hai ông Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết có thể định hướng nhà vua về đại cuộc của đất nước một cách dễ dàng.
Tính khí khái của vị hoàng đế trẻ vừa lên ngôi vô tình khơi lại niềm kiêu hãnh dân tộc tự chủ, gióng lên tiếng chuông thức tỉnh thần dân. Bất kể lính Pháp đóng quân tại cố đô, vua Hàm Nghi và triều đình Huế vẫn tỏ thái độ đối đầu, không hèn…
Đầu tháng 7 năm 1885, sau trận tấn công giặc Pháp bất thành của quân triều Nguyễn ở đồn Mang Cá, tại rừng núi Tân Sở, vua Hàm Nghi tuyên hịch Cần Vương, kêu gọi sĩ phu và nông dân nổi dậy chống Pháp giành độc lập.
Dân chúng hưởng ứng phong trào rất đông. Trong cuốn “L’Empire de l’Annam”, Gosselin viết: “Tên của ông ấy đã trở thành ngọn cờ của nền độc lập quốc gia… Từ Bắc chí Nam, đâu đâu dân chúng cũng nổi lên theo lời gọi của ông vua xuất hạnh”. Tiếc thay vì lực lượng tản mát nên thế cô. Tháng 9 năm 1888, nhà vua bị bắt do nội phản, khi mới 17 tuổi.
Vào 4 giờ sáng ngày 25 tháng 11 năm 1888, vua Hàm Nghi bị đưa xuống tàu đi vào Lăng Cô. Chiều chủ nhật, 13 tháng 1 năm 1889, nhà vua đến thủ đô Alger của Algérie. Suốt cuộc đời lưu vong, cựu hoàng không bao giờ nguôi ngoai niềm thương nước cũ. Thời gian đầu ở Alger, ông từ chối học tiếng Pháp vì cho rằng đây là ngôn ngữ của kẻ xâm lăng.
Tuy nhiên, người Pháp khi đó muốn chứng minh một điều ngược lại, họ đã may các bộ đồ hoàng tử tại cửa hàng hoàng gia theo lối Pháp và ép ông chỉ được phép mặc các bộ đồ theo lối đó. Sau khi cho vua mặc Âu phục, họ chụp lại các bức ảnh vua Hàm Nghi mặc quần áo hoàng tử Pháp rồi gửi về An Nam. Chính phủ thực dân đương thời muốn qua bức ảnh họ có thể truyền thông điệp cho dân chúng trong nước thấy rằng vị vua mà họ tôn kính đã thực sự quy phục người Pháp.
***
Năm 1896, trong tình cảnh bị cưỡng bức đủ điều, vua Hàm Nghi đã đến với hội họa bằng tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc của một vị minh quân khi ông thực hiện hiện một bức chân dung tự họa bằng chì than đầu tiên. Bức chân dung tự họa này được vẽ theo ảnh chụp khi nhà vua mới lưu vong vài năm và trang phục trong ảnh vẫn là trang phục thuần túy của phong cách hoàng gia Việt Nam. Sau đó, ông đãin sao ra hàng loạt và tặng bức họa này cho những người ông gặp như tấm thẻ xã giao theo phong tục thời bấy giờ. Nhưng mục đích chính là muốn nói: “Tôi vẫn là vua của nước An Namvà người Pháp không thể khuất phục được lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc của vị vua như tôi”. Điều này có thể khẳng định thêm thông qua việc nhà vua gửi hai thẻ thăm viếng xã giao này về Đông Dương cho viên tướng Rheinartthường trú ở An Nam và cho Toàn quyền Đông Dương Richaud, trong thẻ thăm viếng đó ông đã tự ký và gọi mình là “Người chiến đấu chống lại người Pháp”.
Một trong những bức vẽ như thế ông cũng đã tặng cho nhà điêu khắc, họa sĩ người Pháp Auguste Rodin. Dưới bức tranh vua Hàm Nghi đã ghi: “Gửi tới ngài Rodin/Mối giao cảm vạn cổ thân tình/Hoàng tử An Nam/ Ngày 21 tháng 7 năm 1899)” . Khi nhận được bức chân dung tự họa của vua Hàm Nghi, luật sư Louis Tirman, tỉnh trưởng của một số sở Toàn quyền Algeria thuộc Pháp không đánh giá về tính mỹ thuật của bức họa này, mà ông đánh giá cao về lòng dũng cảm và chắc chắn cho rằng đây là hành động được thúc đẩy bởi ý chí kháng Pháp của vị vua An Nam.
Vua Hàm Nghi đã đại diện cho chính mình, cho giới tinh hoa và tinh thần dân tộc Việt Nam qua những nét vẽ đầu tiên theo phong cách hiện thực như thế.
Người họa sĩ đã xen kẽ những phần rất chi tiết với những vùng được làm mờ để tạo ra bức chân dung tự họa này và ký tên bằng chữ Hán: Tử Xuân hoặc Xuân Tử. Trong một bức thư tâm sự với Georges Lahaye, nhà vua đã viết: “Tôi phải nói với bạn rằng, không phải người họa sĩ là kẻ thù của các bức ảnh”
Một số chữ ký bằng chữ Hán của vua Hàm Nghi
Ngoài chân dung tự họa, vua Hàm Nghi còn vẽ chân dung nhiều người thân và bạn bè. Trong bức thư khác gửi cho Lahaye vào ngày 29 tháng 8 năm 1899, nhà vua tâm sự “Tôi đã vẽ rất nhiều, tôi thậm chí còn vẽ chân dung những người bạn của tôi”. Về mảng tranh chân dung do nhà vua vẽ, đến nay chúng ta chỉ còn biết đến ba tác phẩm tiêu biểu là chân dung con gái Như Mây lúc một tuổi (1906), chân dung Marcelle vợ ngài (1905), và chân dung người làm vườn của ngài.
Vào những lúc thư nhàn, nhà vua cũng giết thời gian bằng vẽ tranh phong cảnh, mặc dù kỹ thuật hội họa còn hạn chế. Để nâng cao trình độ ngài đã theo học điêu khắc tại xưởng của Auguste Rodin và học hội họa mỗi tuần hai buổi tại xưởng của họa sĩ Marius Reynaud, một họa sĩ theo trường phái Á Đông, cũng như tham gia những tiết giảng dạy ở trường mỹ thuật. Mặc dù học vẽ nhưng nhà vua vẫn bị quản thúc thông qua trung gian là viên sĩ quan Pháp Henri de Vialar. Đáng tiếc rằng những tác phẩm trong bảy năm đầu đến với hội họa của vua Hàm Nghi không còn hoặc chưa được biết đến. Ông đã dành nhiều thời gian cho nghệ thuật hơn chính trị, giao lưu với nhiều họa sĩ và trí thức lớn của Pháp, như Charles Gosselin, Léon Fourquet, Pierre Loti, Louis Massignon, Pierre Roche, Georges Rochegrosse, Camille Saint-Saëns, và tất nhiên với Rodin và Reynaud… Trong số những nhân vật này thì mối liên hệ thân tình với nữ văn sĩ Judith Gautier qua những lần trao đổi về văn học nghệ thuật đáng kể hơn cả. Tờ họa báo Bắc Phi cũng đã đăng hình ảnh vua Hàm Nghi đang nói chuyện với họa sĩ Nhật Bản nổi tiếng thế giới Foujita, chứng tỏ nhà vua vẫn giữ thiên hướng Á Đông rất cao trong tư tưởng của mình thông qua học vẽ, tiếp xúc đàm đạo nghệ thuật với những họa sĩ thiên nhiều về phong cách Á Đông.
Sau này, cứ hai năm một lần vua lại đến Pháp ba tháng mỗi năm để vẽ tranh, và vẫn dùng bút danh ban đầu như đã ký trên bức chân dung tự họa là Tử Xuân hoặc Xuân Tử. “Tử Xuân, Xuân Tử” có nghĩa là Con trai của Mùa xuân, như một thông điệp ngầm phản kháng và tước bỏ danh vị “Hoàng tử An Nam” mà nước Pháp đã đặt cho ngài. Nữ sĩ Judith Gautier đã làm bài thơ tặng người bạn thân có bút danh Tử Xuân, trong đó có những câu thơ mang hàm ý thể hiện tinh thần phản kháng của nhà vua.
Tử Xuân ! ôi ! Những bông hoa của anh vừa mới nở
Đã rụng rời theo giông gió hung tàn
Đập tan, chỉ một lần, hy vọng và hoa hồng
Lật đổ cung điện vàng son dựng bằng gỗ đàn hương …
Bức tranh dầu trên vải đầu tiên của vua Hàm Nghi còn được lưu giữ đến nay là tác phẩm “Vô đề”, vẽ phong cảnh miền quê quanh Alger, ngày 19/5/1899. Từ 1899 đến 1903, nhà vua đã đi sâu vào các kỹ thuật của trường phái ấn tượng, với những nét bút kề nhau. Thời kỳ này, các tác phẩm chủ yếu là tranh phong cảnh. Ngài đã tâm sự với Lahaye:“Tôi và chính là tôi, người bỏ qua hầu hết mọi thứ, chỉ sở hữu chuyên môn là ngưỡng mộ và yêu vẻ đẹp của thiên nhiên”. Ngày 2 tháng 1 năm 1896, ngài viết thư cho người bạn Charles Gosselin, trong thư có câu: “Đây là những gì tôi muốn nói: Tôi chỉ thích tại thời điểm hiện tại trong trang phục đồng quê châu Phi”.
Theo Amandine Debat: “Tranh [Hàm Nghi] cấu trúc chặt chẽ, màu sắc chọn lọc, nội dung đi tìm cái đẹp của thiên nhiên, nhưng kín đáo, trầm buồn, u uẩn bởi nghệ thuật là phương tiện để thể hiện lòng hoài nhớ quê hương. Ông sáng tác nhiều tranh sơn dầu, phấn màu, điêu khắc đồng, thạch cao. Nếu như phần lớn chủ đề tranh là phong cảnh, thì trong điêu khắc, nhà vua thể hiện những khuôn mặt phụ nữ hay con người qua những bức tượng bán thân. Ngài luôn luôn như một nghệ sĩ phương Tây và một nghệ nhân Việt Nam”.
Từ 1895 đến 1902, vua Hàm Nghi đã sáng tác ít nhất 25 tranh sơn dầu trên vải, 9 tranh ký tên Xuân Tử, 2 tranh ký tên Tử Xuân, trong đó có 17 tranh phong cảnh. Bức lớn nhất kích thước 49×64,5cm, bức nhỏ nhất kích thước 24x35cm. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu cho rằng có ít nhất 45 tranh sơn dầu trên vải đã được thực hiện trong giai đoạn này khi nghiên cứu một số tác phẩm chưa xác định được niên đại cụ thể.
Qua các tranh phong cảnh của vua Hàm Nghi, chúng ta có thể thấy được nét văn hóa Việt Nam qua cách ngài xử lý bố cục, với vị trí các cây cổ thụ nổi bật bên trái của tranh. Cách phân bố này được lấy cảm hứng từ bố cục truyền thống quang cảnh Việt Nam, ví như vị trí các cây cổ thụ đơn độc giữa đồng làm nổi bật sự hiện diện các không gian linh thiêng hay những nơi thờ cúng. Amandine Dabat cho rằng, vua Hàm Nghi đã cố thể hiện mối liên hệ mật thiết với quê hương qua cách thể hiện phong cảnh Algérie hay Pháp lục địa theo những hình ảnh mà ngài còn lưu lại được về Việt Nam.
Một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của vua Hàm Nghi giai đoạn này là bức tranh “Phong cảnh Algérie”. Đây là tác phẩm cho thấy rõ nhất về khả năng thể hiện ánh sáng của nhà vua. Ánh sáng giữa trưa phá tan màu sắc của bầu trời và những ngọn núi đồi ở hậu cảnh, nó chiếu sáng cánh đồng với màu vàng rực rỡ, trong khi cái cây, chủ thể của bức tranh, lại có ánh sáng tương phản. Mảng tối của cây nổi bật trên nền sáng và bóng của tán lá trải dài đối xứng dưới gốc cây được chiếu sáng bởi các chi tiết hoa trên mặt đất với các sắc trắng, vàng, đỏ. Sự tương phản giữa mảng tối của bóng cây và vẻ đẹp của những bông hoa ở tiền cảnh đã mang đến nét thơ mộng cho bức tranh này. Một tác phẩm thể hiện chất nghệ sĩ của nhà vua nhưng phần nào vẫn phảng phất sự cô đơn, u uất của một người bị lưu đày tha hương xa xứ.
Khi họa sĩ đưa nhân vật vào trong tranh sẽ thường làm bức tranh thêm sống động. Trong tranh phong cảnh của vua Hàm Nghi, nhân vật lại càng làm cho sự cô đơn, u uất tăng thêm. Chỉ có hai tác phẩm vua Hàm Nghi vẽ phong cảnh có hình bóng con người. Phải chăng tác giả muốn vẽ chính mình và sự cô đơn của mình đang phải trải qua ?!
Amandine Dabat từng nhận xét: “Trong bối cảnh lưu đày, làm nghệ thuật đã tạo cơ hội cho vua Hàm Nghi lưu lại mối liên hệ với Đông Dương, và nghệ thuật là không gian tự do, qua đó ngài có thể thoải mái thể hiện sự gắn bó với quê hương mình”.
Có duy nhất một tác phẩm vẽ nghiên cứu về kiến trúc được nhà vua thực hiện. Nó thể hiện phần mái của một tòa biệt thự, có nhiều nét tương đồng với lối tranh trang trí của các họa sĩ phương Đông và theo bút pháp của trường phái ấn tượng, với những nét chấm phá của màu sắc đan xen.
Năm 1904 là một năm hết sức đặc biệt với nhà vua. Năm ấy, ngài kết hôn, và trong sáng tác hội họa cũng dễ nhận thấy sự thay đổi rõ rệt trong phong cách của ngài. Ngài đã nghiên cứu việc mở rộng bảng màu theo các dải màu đã được Gauguin sử dụng, cho thêm vào những màu sắc rực rỡ, sống động như hồng, cam, đỏ son, hoa cà… Hơn nữa, các mảng màu lì (aplat) cũng đã được áp dụng hết sức nhuần nhuyễn, những gượng ép trong mô phỏng hội họa, những câu nệ của lối vẽ hiện thực đã được xóa bỏ đáng kể. Kỹ thuật vẽ phấn màu của ngài rất điêu luyện qua các hiệu quả ánh sáng. Đặc biệt, việc nghiên cứu, diễn tả bầu trời và các sắc thái của nó đã tạo nên một cảm hứng mãnh liệt cho nhà vua. Trong một bức thư viết cho con gái, ngài đã viết: “Hoàng hôn, một bầu trời tráng lệ, vàng, đỏ, lục, hoa cà, cam; một ngọn lửa từ thiên đường…”.
Ngày 31 tháng 10 (1904), Petit Palais đã dành riêng một phòng tranh cho ngài; tháng 11, Ambroise Vollard cũng đã tổ chức cho ngài một cuộc triển lãm. Nhưng phải đợi đến ngày 6 tháng 12, tại Salon d’Automne, lần đầu tiên hai tranh phong cảnh “aplat” theo phong cách Nabis của nhà vua mới được trình làng. Các thể nghiệm này đã vượt ra kiểu cách giáo dục nghệ thuật hàn lâm thuần túy
Trong khi Nhóm Nabis tập trung vào vẽ cuộc sống, sinh hoạt nơi đô thị hoặc nghiên cứu hình nhân vật thì vua Hàm Nghi hầu như chỉ vẽ tranh phong cảnh theo lối này. “Trong hoàn cảnh lưu đày, […] nghệ thuật như là một khoảng trời tự do, mà nhà vua có thể thoải mái diễn tả tình cảm gắn bó với quê hương của mình.”
Đến năm 1915, một số tranh theo trào lưu Hậu Ấn tượng đã được nhà vua thực hiện, với một màu xanh lam rất riêng.
Từ năm 1916 đến năm 1926, tranh của ngài lại có phong cách dần dần hướng đến trừu tượng. Qua bức “Cây thông”, chúng ta phần nào cảm nhận được xu hướng này.
Theo Amandine Dabat, nhà vua không vẽ cho người khác mà cho chính mình. Vì vậy, quan điểm nghệ thuật của vua Hàm Nghi có những nét rất riêng, cho dù có thời gian chịu ảnh hưởng Gauguin, Nabis, khuynh hướng Ấn tượng hay Hậu Ấn tượng.
Đối với vua Hàm Nghi, hội họa, nghệ thuật không chỉ là một khoảng trời tự do, mà còn là cái gì đó rất riêng để ngài có thể thoải mái thực hiện trong đời tư mà không phải lo lắng. Nghệ thuật, hội họa là chiếc cầu nối để ngài biểu lộ tình cảm gắn bó đối với quê hương Việt Nam. Một điều thú vị khác, ngài chỉ chủ yếu vẽ tranh phong cảnh, một vài tranh chân dung, một vài lính thủy, nhưng tuyệt đối không vẽ chủ đề chính trị.
***
Vua Hàm Nghi là một nạn nhân của các sự kiện chính trị, không lúc nào nhà vua không khao khát tự do, và ngài đã tìm sự tự do cho tâm hồn theo cách rất riêng. Nghệ thuật, chính xác hơn là hội họa và điêu khắc, đã mở ra chân trời tự do đó.“Đó là những môn nghệ thuật rất tuyệt vời và hấp dẫn, mang lại những niềm vui không thể tả xiết. Tôi có thể nói với bạn rằng: không có gì đẹp hơn đường nét, bố cục. Nhưng để biết thưởng thức loại vẻ đẹp này cần phải sống để biết cảm thụ đầy đủ nghệ thuật vẽ” (thư viết cho người bạn Georges Lahaye, ngày 10 tháng 5 năm 1903).
Trong cuộc đời bị lưu vong, vua Hàm Nghi đã dành phần nhiều thời gian để vẽ tranh, tạc tượng và chưa bao giờ kể cho ai nghe những tháng ngày kháng chiến thời Cần Vương hay những bí mật về suy nghĩ của mình. Một vụ hỏa hoạn xảy ra vào những năm 1960 đã thiêu rụi tất cả những ghi chép bằng chữ Hán của ngài. Do vậy, đời sống nội tâm của một vị vua yêu nước đến với nghệ thuật bằng tinh thần tự tôn dân tộc vẫn còn là một bí ẩn, một bí ẩn mà bất kỳ người dân Việt Nam nào khi nhắc đến đều tỏ rõ lòng kính ngưỡng.
Nhã Khai