[thơ: Chiều Xưa, bài bình: Nguyễn Cẩm Thy]
Chân Dung: Nguyễn Cẩm Thy
Một bận đưa người đến bến sông
Hoàng hôn trong mắt bỗng tơ chùng
Đường về sao thấy lòng hơi lạ
Người đã đi rồi sao vẫn mong
Em thắp cho anh dùm ngọn lửa
Khói lên mờ tỏa mắt em trong. *
Đã bấy nhiêu năm buồn chi nữa
Kẻ ở người đi thật não lòng
Đã trót mang thân kẻ không nhà
Đường về thăm thẳm hạt mưa sa
Có chi vướng víu bàn tay nắm
Giọt lệ từng đêm cũng nhạt nhoà
Có một mùa xuân sao chẳng vui
Hỏi lòng lữ khách, khách ngậm ngùi
Vườn xưa mây trắng về đâu nhỉ
Thôi đành chung rượu nhạt người ơi…
Chiều Xưa/Trần Thị Thiên Hương
April-1-2023
Ohio
* 2 câu này của nhà thơ SG/TTK
HÌNH NHƯ LÀ NỖI BUỒN có thể xem là một tiếng lòng mãi còn ai hoài, thương nhớ của nữ thi sĩ CX – Phu nhân cố thi sĩ Sa Giang/TTK. Mở đầu bài thơ là một cuộc tiễn đưa người ở bến sông vào một buổi chiều buồn. Giọng thơ trầm mặc nhẹ nhàng, lời thơ u hoài, khắc khoải. Phải chẳng đây là cuộc chia tay thường tình? Hay là cuộc đưa tiễn của tử sinh? Trước đôi bờ người đi kẻ ở, ta chỉ có thể tiễn chàng đến bến sông ly… và ta chỉ có thể đứng đấy nhìn vạt nắng chiều buông xuống. Ánh mắt ta gom hết cả buổi hoàng hôn não nề thê lương ấy… từng phím tơ lòng chùng xuống điệu tang thương…
“Một bận đưa người đến bến sông
Hoàng hôn trong mắt bỗng tơ chùng”
Tác giả CX chỉ khẽ bày giả tiếng lòng của mình bằng cảm giác khác lạ trên đường về và câu hỏi lòng ngậm ngùi quá đổi. Cách diễn đạt ý tình thật khiêm nhu và kín đáo. Qua đó cho thấy ngòi bút nho nhã tài tình và chuẩn mực của một người phụ nữ thủy chung và đức hạnh.
“Đường về sao thấy lòng hơi lạ
Người đã đi rồi sao vẫn mong”
Đến với khổ thơ thứ 2 là những kỉ niệm về Người. Kí ức chợt hiện về với câu nói người xưa “Em
“thắp cho anh dùm ngọn lửa
Khói lên mờ tỏa mắt em trong. *”
Nếu như năm xưa, người quân tử TTK ngồi bên trang viết, cạnh ông là bàn tay yêu kiều của người tài nữ, mài mực cho ông viết sách và thắp nên ngọn lửa tình lung linh sáng. Và giây phút ấy nhà thơ SG/TTK chợt bắt gặp ánh mắt biếc trong của người yêu qua làn khói tỏa mờ để viết nên những dòng trác tuyệt lưu đời… thì hôm nay, dẫu người xưa xa khuất, hình ảnh của chàng và nàng vẫn còn vẹn nguyên, tinh khôi giữa trang thơ của người tri kỷ cùng chàng se duyên kết tóc.
Sau những kỷ niệm ùa về, dường như tác giả không giấu được được nỗi lòng. Từng giọt buồn lăn dài trên câu chữ.
“Đã bấy nhiêu năm buồn chi nữa
Kẻ ở người đi thật não lòng”
Là một người đọc sách thấu rỏ đạo màu chánh pháp, nhìn đời thông tuệ lẽ hợp tan. CX luôn quán chiếu trong tâm thức về lẽ vô thường trần thế. Và vốn dĩ nhân sinh thì như giấc mộng phù trầm… Trong khổ thơ thứ 3 ta sẽ bắt gặp những giá trị về cảm quan, giác ngộ của một kiếp người từng trải.
“Đã trót mang thân kẻ không nhà
Đường về thăm thẳm hạt mưa sa
Có chi vướng víu bàn tay nắm
Giọt lệ từng đêm cũng nhạt nhoà”
Cứ ngỡ trong tâm có một chữ THIỀN, đời sẽ không còn buồn vương, khổ lụy bởi TÌNH. Nhưng không. Tình vẫn nặng tình và buồn vẫn cứ quẫn quanh, chỉ là buồn theo cách này, hoặc theo một cách khác. Buồn ồn ào, hay buồn lặng lẽ mà thôi. Có lẽ, đây là nỗi lòng chung cho rất nhiều người bởi lẽ: “trầm luân bởi một chữ tình/Tại mình không thắng nổi mình mà thôi.” Và tác giả CX của chúng ta cũng không ngoại lệ. Nhưng bằng ngòi bút tài hoa, lối viết trữ tình đằm thắm, nàng đã diễn tả nỗi buồn của mình một cách hết sức nhẹ nhàng mà sâu lắng ở đoạn thơ cuối…
“Có một mùa xuân sao chẳng vui
Hỏi lòng lữ khách, khách ngậm ngùi
Vườn xưa mây trắng về đâu nhỉ
Thôi đành chung rượu nhạt người ơi”
Bài thơ HNLNB của tác giả CX khép lại với 4 khổ thơ như một khúc nhạc trầm buồn, da diết. Để lại trong lòng người đọc những cảm xúc khó phai về cuộc tiễn đưa người bước qua cuộc trần thế phù trầm. Là tiếng lòng mãi còn khắc khoải chưa nguôi với nỗi buồn cách biệt tử sinh, tuy năm tháng xa rồi nhưng nó mãi còn bàng bạt chưa vơi trong lòng người. Ai rồi cũng đến lúc phải hóa thân làm cát bụi hoặc làm áng mây trôi bên trời vắng nhưng mấy ai còn được sống mãi trong lòng người ở lại. Thật may mắn và diễm phúc cho nhà thơ SG/TTK đã có được người tri kỷ đá vàng mãi giữ vẹn tình ông trong trái tim thổn thức. Và lưu giữ hình ảnh ông trong từng con chữ, hồn thơ…
ST, Ngày 12.4.2023
Nguyễn Cẩm Thy
* * * * * *
TRẦN TUẤN KIỆT / CHIỀU XƯA TTTH & NGUYỄN CẨM THY
[Bài viết của Phù Hư Dật Sĩ Võ Thạnh Văn].
Tuy nói là bạn bè, nhưng sâu thẳm tận lòng mình, tôi đãi Sa Giang TRẦN TUẤN KIỆT như một Thi Nhân Tiền Bối. Người lớn hơn tôi cả về tên lẫn tuổi. Và đối với Tài Nữ Chiều Xưa TRẦN THỊ THIÊN HƯƠNG, vì là Đệ Nhất HNTK của Tiền Bối SG/TTK, nên tôi gọi Nàng là TỶ TỶ, tuy Nàng nhỏ hơn tôi về tuổi đời. Bởi, xét về vai vế và đạo đức, Nàng đáng mặt là Đại Tỷ lắm vậy.
Qua bài thơ “Hình Như Là Nỗi Buồn,” và qua bài Bình Luận / Cảm Nghiệm của ngòi bút Nguyễn Cẩm Thy, ta thấy được những tâm hồn đồng điệu gặp nhau, dù không gian cách trở ½ quả địa cầu. Vì tình yêu thủy chung đối Phu Quân TTK mà CX/TTTH có “Hình Như Là Nỗi Buồn;” và vì đồng điệu mà NCT viết được bài Cảm Nghiệm vượt lên trên giá trị của chữ nghĩa.
Tâm hồn và tính thủy chung của Trần Thị Thiên Hương đã nở hoa, đã bay hương, đã sống với thời gian, và sẽ còn thơm mãi dài lâu. Vì Hồng Nhan mà thơ Sa Giang đã chắp cánh thăng hoa mấy tầng không. Vì thủy chung mà Hồng Nhan Tài Nữ TRẦN THỊ THIÊN HƯƠNG đã phong kín xuân thì. Vì đồng điệu mà ngòi bút Nguyễn Cẩm Thy trổ nụ tài hoa rớm lệ cảm thương.
“Hình Như Là Nỗi buồn,” của Tài Nữ Trần Thị Thiên Hương do tình yêu mà có, và nhớ thương ấy do thủy chung mà hiện hữu. Nỗi buồn “hình như” ấy là nỗi buồn thật. Nhưng, tình yêu và nỗi buồn nhớ thương ấy được gói ghém cẩn thận, kín đáo, sâu lắng, khiêm tốn. Vì cảm thông đồng điệu mà ngòi bút Nguyễn Cẩm Thy trút hết tinh hoa. Tài hoa gặp tài hoa.
TÌNH YÊU và TẤM LÒNG của Chiều Xưa TRẦN THỊ THIÊN HƯƠNG sáng vằng vặc như trăng rằm… Và, ngòi bút tài hoa Nguyễn Cẩm Thy đã thổ tận can tràng (mửa hết ruột gan: mật xanh, mật đỏ, mật vàng…) cho Người, cho bạn đồng điệu. Chắc hẳn hồn thiêng của Thi Nhân hào kiệt SA GIANG TTK sẽ ngậm cười chín suối, thỏa thích rong chơi nơi bồng lai tiên đảo đào nguyên.
Trân kính, võ thạnh văn, chấp bút.
https://www.facebook.com/van.vothanh.98/posts/pfbid0Xc8G2r9vwrkR2YNm9kfKZZQMuVNRihaMWLjbtsHcDpRhQGnqvwyQhz2rLEQJdTEHl