HẢI VẬN HẠM LAM GIANG HQ 402 TRONG CHUYẾN RA KHƠI CUỐI CÙNG NGÀY 30 THÁNG 4 NĂM 1975

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Huy hiệu Hải Vận Hạm Lam Giang

HQ Trung Úy Nguyễn Văn Thước: Sĩ quan cơ hữu Hải Vận Hạm Lam Giang HQ-402.

Sau ba mươi bẩy năm xa quê hương, nay xin cùng các bạn hồi tưởng lại ngày chúng tôi rời Việt Nam ngày 30 tháng 4 năm 1975 trên con tàu mang tên Hải Vận Hạm Lam Giang HQ-402.

HVH Lam Giang HQ402..
Cuối năm 1974, tôi được thuyên chuyển về Hạm Đội, Hải Vận Hạm Lam Giang HQ-402. Sau những chuyến công tác Đà Nẵng vào dịp Giáng Sinh năm 1974, và chuyến công tác Năm Căn vào chiều ngày 28 Tết Âm Lịch đầu năm 1975, chiến hạm HQ-402 còn thêm một chuyến công tác ra Đà Nẵng vào khoảng gần cuối tháng 3 năm 1975. Trong chuyến công tác ra Đà Nẵng lần cuối cùng này, chiến hạm đã di tản Thủy Quân Lục Chiến ở bãi biển Sơn Trà nằm ở phía Nam Đà Nẵng về Cam Ranh. Trong lần đầu ủi bãi, nước cạn nên tàu đã không vào sát bờ được, và mọi người đã phải lội ra tàu, trong số đó có cả tướng Ngô Quang Trưởng.

Hai Van Ham Huong Giang HQ404.

Sau đó tàu đã ra khơi để chuyển người qua chiếc Hải Vận Hạm Hương Giang HQ-404 nằm ngoài khơi vì cửa đổ bộ của HQ-404 đã không thể mở được. Sau đó HQ-402 lại trở vào ủi bãi lần thứ hai để đón tiếp TQLC. VC từ trên núi pháo kích xuống bờ biển ồ ạt, đạn rơi lõm bõm chung quanh chiến hạm, nên chỉ vớt được một số quân TQLC bơi ra gần được chiến hạm thì đành phải rút lùi ra, và không dám ở lại để đón tiếp. Chiến hạm vận chuyển về đến Cam Ranh để đổ quân TQLC xuống. Sáng ngày hôm sau lại có lệnh cho chiến hạm ra đón gia đình Hải Quân thuộc Trung Tâm Huấn Luyện HQ Nha Trang về Sài Gòn. Từ Sài Gòn HQ-402 đã được lệnh công tác tiếp tế các đơn vị ngoài hải đảo vùng Trường Sa. Chuyến này thì tôi bị trễ tàu nên đã không có dịp theo chuyến hải hành, nhưng khi tàu mới ra tới Vũng Tàu thì máy móc lại bị hư nên đã được quay trở về Sài Gòn để vào đại kỳ.

Sáng ngày 28 tôi đi bờ về nhà ở vùng Xóm Mới, Gò Vấp để ăn cơm trưa, và bị kẹt lại luôn ở lại nhà vào đêm 28 tháng 4. Sáng sớm ngày 29, VC đào hố chôn súng cối ngay trước cửa nhà chúng tôi. Tờ mờ sáng, ba tôi đã đánh thức cả nhà dậy để đi lánh nạn. “Dắt díu” nhau, chúng tôi ra đến gần nhà thờ Xóm Mới thì bị đám Nhân Dân Tự Vệ súng ống lăm lăm, quát tháo: ”Giờ này mà còn đi đâu?” Chúng tôi chạy vào trong sân nhà thờ trú ẩn. Sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, sau lời kêu gọi quân nhân đi trình diện của tướng Minh trên đài phát thanh, tôi từ giã gia đình ra đi trình diện. Vì không có xe nên tôi ghé qua nhà anh bạn cùng khóa Nguyễn Văn Chừng, cũng ở gần nhà để mong qúa giang đi vào đơn vị. Nhưng nhà kế bên đã cho biết là cả gia đình bạn Nguyễn Văn Chừng đã đi từ hồi đêm. Tôi chắc mẩm là mình chỉ còn lại một con đường là ra đi trình diện mà thôi!
Từ nhà bạn Nguyễn Văn Chừng, tôi đã phải cuốc bộ ra đến bến xe lam và xe buýt gần nhà, nhưng bãi vắng hoe, và không còn một chiếc xe nào đón khách nữa! Tôi đã phải tiếp tục đi bộ ra đến tận Tổng Y Viện Cộng Hoà mới đón được chiếc xe Honda ôm chở tới ngã ba đường Cường Để và Hùng Vương. Tôi đi bộ vào chiến hạm, Hải Vận Hạm Lam Giang HQ-402 đang đậu ở cầu E, bên trong Hải Quân Công Xưởng. Khi đến nơi, một số nhân viên cơ hữu của chiến hạm còn lại đã cho tôi biết là Hạm trưởng đã ra đi hồi đêm. Mọi người đã yêu cầu tôi xuống phòng hạm trưởng, lấy qũy còn lại để chia cho anh em lấy làm lộ phí đi về. Sau khi chia đều ra, mỗi người còn lại được $6500. Vào lúc này, những vị trí canh gác Hải Quân tại cổng trên đường Cường Để vẫn còn nghiêm chỉnh và chặt chẽ.

Cong truong Me Linh, tuong duc Thanh Tran, BTL HQVNCH.jpg
Cơ khí trưởng chiến hạm cũng là một người cùng khoá với tôi, bạn Cao Thế Hùng. Tôi lò mò leo xuống hầm máy, Hùng và một số nhân viên cơ khí đang ra sức lắp ráp lại máy tàu. Tôi hỏi Hùng “Sao, tàu có sửa được không?” Hùng lắc đầu chán nản! Đi ra ngoài, lính gác cổng không cho ra vì còn nghiêm lệnh! Tôi quay trở lại tàu, xuống phòng và thiếp ngủ được một chút. Tỉnh dậy, tôi leo lên boong tàu, gặp một anh bạn cũng ở khu Xóm Mới và thuộc khoá 21 đang chuẩn bị đi về. Hỏi tôi có đi về không? Tôi xin đi quá giang, và chạy vội xuống phòng để lấy cái túi xách cá nhân nhưng leo lên boong thì anh bạn khóa 21 đã đi mất! Tôi gặp lại cơ khí trưởng Cao Thế Hùng, quần áo, đầu tóc lem luốc dính đầy dầu mỡ, đang đứng thở trên boong. Tôi lại hỏi anh về tình trạng sửa chữa con tàu, và anh lại lắc đầu chán nản! Tôi gặp được hai sĩ quan cơ hữu chiến hạm thuộc khóa 25 đang định đi về vì tình hình chiến hạm không sửa được, còn các chiến hạm khiển dụng thì đã ra đi từ hồi đêm ngày 29 rồi! Tôi xin họ cho qúa giang ra đến khu Đa Kao. Lúc này là lúc Tướng Dương Văn Minh đã đầu hàng rồi nên cửa ra vào HQCX và bến Bạch Đằng đã bị bỏ ngỏ.
Tôi xuống xe, đi bộ qua cầu Bông, và lần theo đường Lê Văn Duyệt để về khu Xóm Mới. Khi đến khu Lăng Ông, gần chợ Bà Chiểu, tôi thấy có một chiếc xe GMC chở đầy gạo. Tôi hỏi tài xế, và họ nói phải chở về khu Gò Vấp. Tôi xin đi qúa giang. Xe chạy lòng vòng một hồi, và không biết vì lý do gì xe lại phải quay về chỗ cũ gần chợ Bà Chiểu. Tôi thấy mất thì giờ và không thể đi xa hơn được nên xuống xe và tiếp tục “cuốc” bộ về Gò Vấp. Trên đường đi, nhiều toán Nhân dân Tự Vệ đã quay đầu trở thành dân 30 tháng 4 với băng đỏ đeo ở cánh tay, và đứng chận đường xét người qua lại. Tôi lẩn vào trong một ngõ hẻm tìm chỗ vứt đi cây colt 45 nằm trong túi xách. Nhờ bộ đồ 4 túi màu tím, nên khi đi ngang qua thì bọn chúng không chận lại hạch hỏi lôi thôi. Khi tới bến xe lam và xe buýt ở Gò Vấp thì bất ngờ bắt gặp ba tôi đang chở mọi người trong gia đình trên chiếc xe nhà cũng vừa trờ tới. Tôi nhẩy lên ngồi cạnh ba tôi, và chúng tôi quyết định quay trở lại bến Bạch Đằng với một hy vọng mong manh là sẽ còn có một con đường thoát thân ra khỏi Việt Nam bằng bất kỳ một chiếc tàu hay chiếc ghe nào còn sót lại.

Khi đi ngang qua toà Tỉnh trưởng Gia Định, chúng tôi thấy một đoàn xe chở đầy cán binh Việt Cộng, có cả thiết vận xa đi kèm đang đi về hướng Sài Gòn. Chúng tôi nhập vào đoàn và chạy theo. Đến ngã ba Cường Để và Hùng Vương, đoàn quân xa chở Việt Cộng đi thẳng còn chúng tôi thì quẹo trái vào đường Cường Để để vào trong khu Hải Quân Công Xưởng. Khi đến cầu E, trên chiếc Hải Vận Hạm HQ-402 người ta đã lên đông nghẹt. Tôi đưa gia đình tôi lên tàu, và vừa lên tàu xong thì tàu nổ máy, nên tôi vội vàng để gia đình và vợ con tự tìm lấy chỗ ở. Vì là một sĩ quan cơ hữu nên tôi đã biết chắc là hệ thống tình trạng tay lái điện trên tàu đã bị bất khiển dụng. Tàu đã bắt đầu nổ máy đều được. Tôi gặp người bạn cùng khóa là Lưu An Huê ở ngay dưới chân đài chỉ huy. Tôi bảo với Lưu An Huê là hãy tập họp một số thanh niên tình nguyện để lập một đường dây truyền lệnh miệng từ đài chỉ huy xuống tới cửa hầm lái tay cho tôi. Chúng tôi đã xoay tay lái theo lệnh truyền xuống từ đài chỉ huy. Tay lái tay của chiến hạm cũng hơi giống như tay lái trên phòng lái, nhưng nằm ở phía cuối chiến hạm, và trực tiếp được nối thẳng vào bánh lái tàu qua một hệ thống cơ và dây xích.Tôi ở dưới hầm lái tay miết đến khoảng 5 giờ chiều, thì bạn Lưu An Huê mới chợt nhớ đến là tôi vẫn còn đang phải lui cui ở dưới hầm lái tay, và anh cho kêu người thay thế. Bạn Lưu An Huê và tôi cho lập danh sách những thanh niên tình nguyện để chia ca lái tay theo lệnh của đài chỉ huy. Sau đó tôi leo lên boong tàu, thấy tàu đã ra đến khoảng ngã ba Nhà Bè, và thấy có một chiếc PGM, chiếc Tuần Duyên Hạm Tiên Mới HQ-601 đang từ hướng cửa biển chạy ngược vào. Mọi người trên chiếc PGM đang ở trong nhiệm sở tác chiến. Họ cho biết là sông Lòng Tào đã bị VC đóng chốt. Trong khoảng thời gian từ khi tàu rời cầu E cho đến Nhà Bè thì tôi đã không biết tình hình bên trên, hay tàu có dừng lại để vớt thêm những ai nữa hay không vì còn mải xoay tay lái trong hầm lái tay. Nhưng tại đây thì thấy có nhiều giang đỉnh và những ghe dân túa ra, cặp vào bên hông tàu để mọi người leo lên. Tàu chuyển hướng chạy về phía sông Soài Rạp.
Trời bắt đầu nhá nhem tối, tôi mò vào phòng radar, nằm phía dưới đài chỉ huy, và thử bật máy radar lên coi xem có còn hoạt động hay không? Dàn radar vẫn còn hoạt động bình thường, nên tôi tiếp tục theo dõi màn hình radar vì con tàu còn đang hải hành trên sông. Khoảng 12 giờ đêm thì tàu ra khỏi cửa Soài Rạp, không còn nguy hiểm nữa, nên tôi tắt máy radar và leo lên đài chỉ huy. Đại tá Dõng (?) đang nằm trên võng đong đưa, và theo dõi âm thoại liên lạc vô tuyến giữa những chiến hạm đang trên đường ra Côn Sơn bằng một máy truyền tin PRC-25. Vị sĩ quan đương ca mà tôi không nhớ mặt khi thấy tôi xuất hiện, bèn lẳng lặng leo xuống vì tưởng là tôi lên ca để thay thế! Bất đắc dĩ tôi lại phải đi “ca cách mạng”, và cũng chẳng thấy ai lên thay thế, nên tôi đã phải “gồng mình” tiếp tục đứng trên đài chỉ huy cho đến hừng sáng ngày hôm sau mới thấy có người lên thay thế. Trong thời gian ở trên đài chỉ huy, Đại tá Dõng lâu lâu vẫn nhắc lệnh cho tôi giữ hướng ra đảo Côn Sơn. Xuống ca tôi lại phải vội vàng ra boong lo lấy bạt cho mọi người chăng lên để che nắng. Xong chuyện rồi tôi mới vội vã lo đi tìm vợ con để đưa xuống phòng ngủ của tôi, xuống đến nơi thì chúng tôi thấy là đã có người khác chiếm mất rồi! Tôi đã yêu cầu họ nhường lại cho chúng tôi vì tôi là một sĩ quan cơ hữu của tàu và từ hôm qua cho tới giờ vì mải lo công việc để tàu chuyển vận được, và bây giờ mới có thì giờ đưa vợ con xuống phòng. Tôi yêu cầu một vị linh mục giúp tôi lập danh sách những người trên tàu để hỏa đầu vụ có thể cung cấp cơm cho họ, ưu tiên cho những người đã tình nguyện vận chuyển, và gia đình có con còn nhỏ. Vì trên chiến hạm qúa đông người nên việc này chắc cũng đã không thể nào thực thi cho chu toàn được, nhưng tôi đã làm cố hết sức những gì mà tôi đã có thể thực hiện được.

http://forums.kirk1087.org/gallery/image.php?mode=medium&album_id=2&image_id=45

Khi ra đến gần Côn Sơn thì có chiếc PCE Hộ Tống Hạm Đống Đa HQ-07 (tôi không nhớ rõ đã là chiếc này hay chiếc khác) được lệnh quay trở lại để kéo tiếp sức tàu chúng tôi. Cơ khí trưởng Cao Thế Hùng và một số nhân viên cơ khí vẫn tiếp tục sửa chiếc máy điện, và qua ngày hôm sau, ngày 2 tháng 5 năm 1975 thì sửa xong được một máy phát điện. Vì tình trạng tàu qúa hư hỏng và được sự khuyến cáo của ban cơ khí Hoa Kỳ khi qua giám sát tình trạng máy móc, nên BTL/Hải Quân đã quyết định bỏ chiếc HQ-402 lại. Mọi người đã được chuyển qua những chiến hạm khác của Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà. Gia đình tôi và một số người khác đã được chuyển qua chiếc WHEC, Tuần Dương Hạm Trần Quang Khải HQ-02. Chiếc Hải Vận Hạm Lam Giang HQ-402 đã được tháo valve (Lỗ Lù) hầm máy để cho nước biển vào, và trước khi có lẽ đã được dùng làm vị trí tác xạ cho những chiến hạm khác. Hải Vận Hạm Lam Giang HQ-402 đã được đánh chìm và bỏ xác lại trong hải phận Việt Nam, gần đảo Côn Sơn. Sau khi lên Subic Bay, gia đình chúng tôi đã được chuyển đi trại tỵ nạn trên đảo Wake trước khi được đưa sang Camp Pendleton, và đã được bảo trợ về Texas.
Theo nhận xét cá nhân và đức tin của tôi thì việc chúng tôi đã đào thoát được ra khỏi Việt Nam trên chiếc Hải Vận Hạm Lam Giang HQ-402 là phải do ơn trên sắp đặt. Chúng tôi tạ ơn Thiên Chúa đã xếp đặt đưa gia đình chúng tôi tới đất Mỹ này một cách huyền diệu mà không ai có thể hiểu được sự huyền nhiệm này, và chỉ có những người trong cuộc như chúng tôi thì mới cảm nhận được cái sự sắp xếp của ơn trên này. Gia đình chúng tôi khi ra đi chỉ có 13 người, nay con số này đã được nâng lên đến tổng số là 44 người.

5a483-hq402

Sau đây là đặc tính của chiếc Hải Vận Hạm Lam Giang HQ-402: Tiền thân là chiếc USS LSM-226 (Landing Ship Medium) thuộc Hải Quân Hoa Kỳ, đóng bởi hãng Dravo Corp. DE. Chiến hạm được đưa vào hoạt động từ ngày 30 tháng 9 năm 1944 tại chiến trường Thái Bình Dương. Chiến hạm đã được chuyển giao cho HQ Pháp mượn từ ngày 7 tháng 4 năm 1954, và chiến hạm đã có tham gia vào cuộc di cư vĩ đại đưa người miền Bắc vào miền Nam Việt Nam để trốn chạy Cộng Sản năm 1954. Chiến hạm đã được chuyển giao cho HQ Việt Nam vào tháng 10 năm 1956, và được thủy táng ngoài khơi bờ biển Việt Nam ngày 2 tháng 5 năm 1975.
Hải Vận Hạm Lam Giang HQ-402 có chiều dài khoảng 62 thước, chiều ngang khoảng 10 thước rưỡi, trọng tải 743 tấn và tối đa là 1095 tấn. Hai máy chánh với hai chân vịt ba cánh, và bốn máy điện. Trong ngày đào thoát ra khỏi Việt Nam, chiến hạm đã chở theo trên hai ngàn người. Con số này chỉ là phỏng đoán, vì đã không có một ai đếm nhân số, nhưng trên sàn tàu, trên boong, người ta nằm ngồi la liệt cho đến nỗi không còn có chỗ để chen chân.
Vì thời gian đã qúa lâu nên có thể có một vài chi tiết tôi đã không nhớ rõ, và đó là tất cả những điều tôi còn nhớ được về chuyến ra khơi sau cùng của Hải Vận Hạm Lam Giang HQ-402.

http://www.denhihocap.com/ds2012/hq402.html