GIỌNG CA TÂM VẤN (Thanh Trang)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Ca sỹ Tâm Vấn (1953). Ảnh: sankhaucailuong.com

(Nguồn: chương trình Ca Khúc Việt Nam do Thanh Trang phụ trách trên đài VOA Tiếng Việt)
Quý vị thân mến! Trong chương trình hôm nay chúng tôi xin nói về một giọng hát thuộc lớp đầu đàn đã đem những bài hát nổi tiếng đầu tiên của Tân Nhạc Việt Nam đến với người nghe từ thời cuối thập niên 40. Và đấy là giọng hát của nữ danh ca Tâm Vấn, một người mà thời cuối thập niên 40 ở Hà Nội, rồi từ thời đầu thập niên 50 ở trong Nam, mãi cho đến đầu thập niên 70, không những được khán thính giả của đài phát thanh và truyền hình thời ấy quen thuộc với giọng hát mà còn quen thuộc luôn với cả một vóc dáng xinh đẹp, khả ái. 
May be an image of 4 people and text


Giọng hát này là cùng thời, cùng trang lứa với Minh Đỗ khi xưa ở Hà Nội, Mộc Lan, Thanh Nhạn ở Huế, rồi sau đó ở Sàigòn với những tên tuổi khác trong giới ca sĩ giọng nữ như Ngọc Hà, Túy Hoa, v.v…Tưởng cũng cần mở dấu ngoặc để nói là thời nay e chẳng mấy ai nhớ đến giọng hát của Ngọc Hà, người đọat giải nhất cuộc thi tuyển lựa ca sĩ do đài phát thanh Quốc Gia tổ chức, và đặc biệt ở chỗ Ngọc Hà có một ưu điểm là khi hát thì hát theo giọng miền Nam thuần túy chứ không tìm cách bắt chước hát theo giọng Bắc! Có ai từng nghe nghệ sĩ tài danh Trần Văn Trạch khi xưa hát bài “Đêm khuya trên đường Catinat” của ông bằng giọng Nam thuần túy thì mới hiểu thế nào là giá trị của âm thanh thuần tính nơi giọng nói của con người ta khi chuyển qua thành lời ca tiếng hát!

Nhưng trước hết, đang vào Thu, xin mời quý vị ta cùng nhau nghe bài hát “Gửi gió cho mây ngàn bay” của Đòan Chuẩn và Từ Linh qua giọng ca Tâm Vấn.
 Vừa rồi là trích đọan bài “Gửi gió cho mây ngàn bay” của Đòan Chuẩn và Từ Linh qua giọng ca Tâm Vấn để không ít người trong số quý vị làm quen lại với giọng hát này, được ghi âm vào gần giữa thập niên 90 khi ở bên nhà một số ca khúc “Tiền Chiến” đã đuợc cho phép hát lại. Đây là một trong những trường hợp hiếm hoi và may mắn cho những người thích nghe ca nhạc biết trân trọng cái hay cái đẹp có giá trị còn tồn tại đuợc với thời gian chứ không coi bài hát hay giọng ca như những món hàng hôm nay mới mà ngày mai đã là cũ! Trong số vài chục ca khúc của thời trước được ghi âm với giọng ca Tâm Vấn trong giai đọan từ năm 93 đến năm 96 ở ngay tại bên nhà, còn có những bài như “Dứt đuờng tơ” của Văn Thủy khi xưa mà chúng tôi xin trích dẫn tiếp theo đây.
Vừa rồi là một lượt hát bài “Dứt đuờng tơ” của Văn Thủy qua giọng ca Tâm Vân, một người mà thuở mười bốn mười lăm tuổi, thời kỳ năm 45 ở Hà Nội đã tham gia ca múa, diễn kịch, rồi đến cuối thập niên 40 thì đã hát những bài như “Cánh bằng lướt gió” của Dương Thiệu Tước, “Gió xa khơi” của Dzõan Mẫn, v.v.. trên đài phát thanh Hà Nội.
Nữ ca sĩ Tâm Vấn, ảnh ghi ở Sài Gòn năm 1954. Ảnh: hhtdev.wordpress.com 
Lớp người thích nghe ca nhạc mà năm nay đã thuộc lứa tuổi năm mươi đổ lên thì khi nghe nhắc đến giọng hát Tâm Vấn khó mà không liên tưởng ngay đến bài hát “Chiến sĩ của lòng em” của Trịnh Văn Ngân khi xưa. Chúng tôi không thấy bài hát đó đuợc hát và ghi âm lại trong khỏang thời gian từ năm 93 đến năm 96 như đã nói ở trên. Tại sao một bài hát gắn liền với tên tuổi của mình như thế mà không đuợc hát và ghi âm lại thì một là có khi vì thời thế nó là như thế, tạm gọi như vậy; hai là có khi bài đó đã đuợc thực hiện ở đâu đấy rồi mà chúng tôi không biết, còn lý do thứ ba thì có lẽ – và điều này là do chúng tôi phỏng đóan: người hát chỉ thích hát bài hát đó trong bối cảnh của thời trước năm 75 chăng? Vậy thì, thay vì giọng hát tươi vui và nhí nhảnh của một Tâm Vấn khi xưa qua bài “Chiến sĩ của lòng em” của Trịnh Văn Ngân thì chúng tôi xin trích bài “Khúc ca mùa Hè” của Canh Thân mà cách thể hiện theo nhịp điệu “Fox” của bài này cũng chả khác gì cách người hát khi xưa hát bài “Chiến sĩ của lòng em”.

Vừa rồi là “Khúc ca mùa Hè” của Canh Thân qua giọng ca Tâm Vấn vào thời thập niên 90. Lúc ban nãy chúng tôi có nhắc đến bài “Chiến sĩ của lòng em” của Trinh Văn Ngân.

Tâm Vấn tên thật là Dương Thị Vân. Khi ra đời và được Bố Mẹ đặt tên như thế rồi thì người nhà mới sực phát hiện ra là tên Vân trùng với một bậc trưởng thượng bên họ ngoại; bởi thế mà ở nhà gọi trại ra là “Vấn”. Khi đi học thì các bạn học hay chọc ghẹo cô bé Vấn là tên gì mà nghe cứ như là người ta “vấn thuốc lá”. Cô bé Vấn bèn đề nghị bạn bè gọi tên mình là “Tâm”, một cái tên mà cô yêu thích. Thế rồi sau này khi chọn biệt danh cho nghiệp ca hát thì hai chữ Tâm và Vấn đã có sẵn đấy, mà rồi tên họ trên giấy tờ về sau cũng theo đó mà được cải sửa lại luôn.

Xin mời quý vị nghe tiếp đây bài hái “Bên sông đưa người” của Hòang Trọng, mà nếu như không được Tâm Vấn chọn để hát lại thì người đời cũng vẫn chỉ quen với những bài Tango kiểu như “Mộng ban đầu”, “Mộng lành”, “Phút chia ly”, v.v.. của người nhạc sĩ tài danh này!

Vừa rồi là một lượt hát bài “Bên sông đưa người” của Hòang Trọng qua giọng ca Tâm Vấn. Một giọng hát mà thời cuối thập niên 40, như đã nói lúc ban nãy, từng hát những bài hát do thính giả yêu cầu như “Em đến thăm anh một chiều mưa” của Tô Vũ trên đài phát thanh Hà Nội thì năm nay – 2010 – qúy thính giả cũng có thể hình dung ra đuợc cả một chặng đường dài với bao nhiêu đổi thay xoay quanh một đời người. Để nói lên phần nào cái ý đó, chúng tôi xin chọn bài “Bóng ngày qua” của Hòang Giác để mời quý vị cùng nghe qua giọng ca Tâm Vấn.
Quý vị thân mến; ta đang cùng nhau nghe bài hát “Bóng ngày qua” của Hòang Giác qua giọng ca Tâm Vấn, đuợc ghi âm trong thập niên vừa qua!
Đã có người hỏi bà xem với ngần ấy kinh nghiệm cũng như từng trải trong quá trình gắn bó với Tân Nhạc Việt Nam thì bà đã có nghĩ đến chuyện viết tự thuật hay hồi ký hay không. Bà trả lời theo cái ý là “Có viết rồi nhưng sau đấy tạm gác lại một bên”. Bà còn thêm cái ý là “Biết đâu có người biết rõ về mình mà họ viết thay cho mình thì có khi cũng là cái hay ?”
Giờ này mà ở phương xa nếu như chị Tâm Vấn tình cờ nghe đuợc buổi phát thanh này thì người thực hiện chương trình xin phép được thưa với Chị là : “Làm gì có ai biết rõ được về mình hơn chính mình, phải không, thưa Chị?”

Và đến đây thì cũng đã kết thúc chương trình “Ca khúc Việt Nam” do Thanh Trang thực hiện buổi nay! Xin gửi đến quý vị lời chào thân ái và xin hẹn nhau lại đến tuần sau!

*
*     *

Bóng Ngày Qua
Nhạc Hoàng Giác-Trình bày Tâm Vấn

Ngàn xa bốn bề sao im vắng
Sóng nước như say sưa khúc mơ màng
Lưu luyến reo lòng khách giang hồ
Qua bóng mây trôi êm đềm ngày mơ

Lòng ngậm ngùi buồn vắng cố hương
Tiếng đàn gió hòa tiếng mến thương
Thuyền đời còn nhiều lúc lênh đênh
Tình đời gần còn lúc có xa
Nhớ đâu hình bóng ngày qua

Một bóng đang lạnh lùng đi
Chìm đắm trong đêm
Đi không bờ bến
Đôi mắt đăm đăm nhìn cõi hư vô
Tìm lại ngày xa … vắng … xa

Mờ xa khuất đồi xanh êm ấm
Xa thế nhân say mơ giấc điên cuồng
Không biết chăng một bóng trong sương
Ngơ ngác đang đi tìm một ngày qua

Lời nhủ thầm đàn đứt dây tơ
Áí làm chi cuộc sống trong mơ
Cuộc đời còn nhiều lúc khắt khe
Lòng người còn nhiều lúc sắt se
Quên đi hình bóng ngày qua.

https://phailentieng.blogspot.com/2018/08/giong-ca-tam-van-thanh-trang.html?fbclid=IwAR3v4aGMnYCgiNX0qbQl2Hs6iFNqijKQ43E7M7rpzg7Iy5GSe2nFOVMb0Lg