GIỚi THIỆU THƠ TRẦN HOÀI THƯ THỜI CHIẾN TRANH

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail
No photo description available.
Trần Hoài Thư tên thật Trấn Quí Sách, sinh năm 1942 tại Đà Lạt. Tuổi thơ thất lạc cha, theo mẹ sống khổ cực ở thành phố Nha Trang, có một thời gian sống trong cô nhi viện Hòn Chồng Bethlehem. Sau đoàn tụ với thân phụ mới theo học Quốc Học Huế, đại học Sài Gòn. Từ năm 1964-1966 là giáo sư trường trung học Trần Cao Vân tỉnh Quảng Tín (nay đã sát nhập lại vào Quảng Nam).
Năm 1967, nhập ngũ khóa 24 SQTB Thủ Đức. Phục vụ tại đại đội 405 Thám kích sư đoàn 22 bộ binh trong 4 năm. Sau đó về làm phóng viên chiến trường ở vùng IV trong 2 năm. Ông đã từng bị thương 3 lần.
Sau 30 tháng 4 năm 1975, đi học tập cải tạo hơn 4 năm.
Năm 1980 Trần Hoài Thư vượt biển, định cư tại Mỹ, sống ở nhiều nơi khác nhau và cuối cùng về sống ở tiểu bang New Jersey. Khi sang đến Mỹ, ông đi học trở lại, tốt nghiệp Cử Nhân Điện Toán và Cao Học Toán Ứng Dung. Ông được nhận vào làm cho công ty AT&T và sau đó chuyển sang làm cho công ty điện toán IBM. Chức vụ cuối cùng trước khi nghỉ hưu là Project Leader.
Khởi sự viết văn từ năm 1964. Truyện ngắn đầu tay Nước Mắt Tuổi Thơ đăng trên tạp chí Bách Khoa Sài Gòn. Ngoài Bách Khoa, còn cộng tác với Văn, Văn Học, Đời, Bộ Binh, Thời Tập, Vấn Đề, Khởi Hành, Ý Thức…
Sau khi nghỉ hưu vào năm 2004, ông cùng Phạm Văn Nhàn sáng lập tạp chí Thư Quán Bản và nhà xuất bản Thư Ấn Quán. Tủ sách DI SẢN VĂN CHƯƠNG MIỀN NAM của nhà xuất bản Thư Ấn Quán đã sưu tầm và in lại hàng trăm tác phẩm giá trị, đáng kể nhất là bộ THƠ MIỀN NAM gồm 5 tập với tổng cộng khoảng 3500 trang và bộ VĂN MIỀN NAM 4 tập với tổng cộng khoảng 2400 trang.
—————————–
1. Một ngày không hành quân
Xin cô hàng thêm một két bia
Hôm nay lãnh lương tôi dành đãi hết
Cô hàng ơi, một mai tôi chết
Ai tiêu dùm, ba tháng tiền lương
Hôm qua tôi dừng chợ Bồng Sơn
Mẹ thằng bạn ôm tôi mà khóc
Tôi nói làm sao qua giòng nước mắt
Thị trấn này vừa mất thằng con
Tôi quá buồn ra đứng bờ sông
Sông Lại Giang ráng chiều đỏ sậm
Nhớ nó ngã nhào trên bờ đá xám
Thấy cả ngọn đồi những xác Bắc Nam
Cô hàng ơi cho một ly không
Tôi rót mời một người lính Bắc
Hắn nằm banh thây dưới hầm bí mật
Trên người vẫn còn sót lại bài thơ
Trên đồi cao, mây vẫn xanh lơ
Có con bướm vàng dịu dàng dưới nắng
Tôi với hắn, đâu có gì thống hận
Bài thơ nào cũng viết để yêu em
Xin cô hàng thêm một chút từ tâm
Tôi quen đập đầu mỗi khi say rượu
Đừng sợ cô em, những thằng đánh giặc
Nhảy Diều Hâu nhưng thật yếu mềm
Em có đôi hàng lông mi thật đen
Tôi bỗng nhớ người tôi yêu, quá đỗi
Đôi mắt nàng cả một trời vô tội
Sao lòng nàng lại tàn nhẫn vô tâm
Khi tôi buồn tôi nói trăm năm
Có nghĩa là tôi vẫn còn muốn sống
Đừng nhắc cùng tôi người tôi yêu dấu
Kẻo tôi lại sầu, mửa hết mật xanh
2. Thế hệ chiến tranh
Thế hệ chúng tôi mang đầy vết sẹo
Vết sẹo ngoài thân và vết sẹo trong hồn
Không phạm tội mà ra toà chung thẩm
Treo án tử hình ở tuổi thanh xuân
Thế hệ chúng tôi loài ngựa thồ bị xích
Hai mắt buồn che bởi tấm da trâu
Quá khứ tương lai, tháng ngày mất tích
Đàn ngựa rũ bờm, không biết về đâu
Thế hệ chúng tôi chỉ thấy toàn lệ máu
Chưa bao giờ thấy được một ngày vui
Thời chiến giày saut, lao vào cõi chết
Hoà bình phận tù, trâu ngựa khổ sai
Thế hệ chúng tôi già như quả đất
Râu tóc mỗi ngày mọc những hoang mang
Ngoài phẫn nộ, trong chán chường ẩn khuất
Đếm những nỗi buồn bằng lời nhạc Trịnh Công Sơn…
3. Eo chết.
Địch cho trung đội qua eo chết
Hai bên sườn, đại liên đan nhau
Nổ. Nổ dòn.
Đất đá kêu đau
Sủi bọt,
Khói bốc lên,
Bốn bề dội vào vách xám
Một hai ba, lộn, nằm co quắp
Còn lại, vẫn ào lên, ào lên
Đừng bò! đừng bò!
Trung đội phó hét cuồng điên
Cỏ tranh bắt mồi cháy mạnh
Gió tạt, khói mù
Bốn bề khói rợp
Xé cay trên cặp mắt nổ tròng
Khắp bốn bề gào thét xung phong
Cao điểm chiếm rồi
Vui mừng quá độ
Mà sao, người truyền tin rơi lệ
Báo cáo trong tiếng mất tiếng còn
Về những thằng
bị kiến cắn ngủ yên (1)
(1): tử trận
4. Từ biệt núi rừng
Trở lại đồng bằng xa núi thẩm
Dầm mưa Đồng Tháp nhớ Trường Sơn
Qua sông điên điển vàng bên rạch
Lại nhớ về mùa hoa Đơn Dương
Từ biệt núi rừng, vùng đất khổ
Những ngày bùn đỏ bám giày saut
Mà sao lại nhớ, cơn mưa nhỏ
Ướt tóc mềm người em Buôn Hô
Trở lại đồng bằng, không dám nhớ
Những hầm những hố những đêm đen
Mà sao vẫn nhớ nồi cơm sống
Khói bốc cay nồng buổi đóng quân
Từ biệt núi rừng không dám nghĩ
Những rừng cháy đỏ, những đồi ma
Mà sao cứ nhớ chùm lan dại
Giữa bãi hoang tàn vẫn nở hoa
Thôi nhé Trường Sơn xin bỏ lại
Ta về châu thổ lội qua Miên
Bỏ lại trên vai hòn núi nặng
Cho những bạn bè đồng đội anh em
5. Trước giờ tiếp viện
Nửa đêm kẻng giục, quân ra trận
Kinh động cả lòng đêm tối bưng
Nhận lấy ba ngày cơm gạo sấy
Không buồn chỉ một chút bâng khuâng
Đời ta là con số không vô tận
May trên đầu còn chiếc mũ rừng
Mũ nhẹ nên coi đời cũng nhẹ
Chiến tranh. Thì cũng tựa phù vân
Người lính sao anh còn ngái ngủ
Anh có lo gì một chuyến đi
Anh có mang theo lòng thống hận
Hay là cái nghiệp buổi sinh ly
Anh có buồn không, giữa cõi đêm
Mỗi lần xuống núi, về mông mênh
Lên xe, bỏ lại đồi thiên cổ
Bỏ trại gia binh lạnh ánh đèn
Thì đi, lầm lủi đi vô định
Ở cuối trời kia, vẫn cuộc chơi
Hỏi ông thượng sĩ Nùng, xin rượu
Cổ lai chinh chiến, kỷ nhân hồi …
6. Quán sớm
Quán sớm cô hàng nhăn nếp lụa
Tóc còn vương vít lòng chiếu chăn
Nước sôi reo ấm gian nhà chật
Bếp lửa hồng. Gió tạt. Mùa đông
Gọi cốc cà phê un khói gió
Mấy thằng râu tóc chụm thanh xuân
Vách trống, sát vào nhau đỡ lạnh
Trời ngoài kia sương phủ mênh mông
Năm giờ. Thành phố còn im lặng
Những chuyến xe đầu run rẫy qua
Con đường sương khói hai hàng nến
Những nhánh cây đen đụng mái nhà
Năm giờ. Hết phép chờ xe hốt
Từ biệt cô từ biệt bạn bè
Từ biệt một ngày trai phóng đãng
Mai về trên ấy thiếu cà phê
* Trần Hoài Thư
Trích trong tập Ô CỬA, thơ Trần Hoài Thư,
NXB Thư Ấn Quán, Hoa Kỳ, 2005
Nguồn:Fb Hoài Nguyễn