Đêm đêm hương ngọc lan ngào ngạt gối chăn.
Mà chẳng cứ ban đêm, ban ngày ngọc lan cũng toả hương trong nhà khắp nơi khắp chốn: bàn thờ, phòng khách, phòng gia đình, phòng ăn, phòng làm việc, phòng ngủ, phòng đọc sách… Từ nụ hoa hé nở như nụ cười gái đồng trinh thở ra hương thơm vô cùng dịu dàng và tinh khiết. Hình như có kẻ muốn hôn.
Đang mùa ngọc lan nở, mỗi sáng hái vào nhà từng vốc hoa hai, ba chục nụ… và thế là ngọc lan có mặt ở khắp mọi nơi.
Hương ngọc lan làm nhớ tới mối tình vừa dịu dàng vừa dữ dội, vừa thoát trần vừa tục luỵ trong Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng.
Hương ngọc lan làm tai như nghe văng vẳng tiếng hát Thái Thanh với bài Ngọc Lan của công tử Hà thành Dương Thiệu Tước.
Hương ngọc lan làm hồi tưởng những hôm Sài Gòn mưa vừa tạnh, thành phố sạch và mát, đi trên con đường Tú Xương hướng về cư xá Phục Hưng và nhà nguyện Mai Khôi, trong không khí trong lành, hương ngọc lan vướng víu từ sợi tóc đến gót chân nàng thiếu nữ.
Hương ngọc lan khiến nhớ đến cô nữ sinh ngày ấy vào lớp với nụ ngọc lan giấu trong tóc mây. Ngọc lan toả hương làm xao xuyến tâm hồn các bạn nam sinh cùng lớp, xao xuyến cả trái tim ông thầy còn dáng dấp thư sinh mà chả bao giờ ông dám thú nhận trái tim mình đã đập nhiều nhịp lỡ. Ôi, con gái, sao cứ làm xao xuyến hồn người? Bây giờ tự hỏi: ngày ấy ta xao xuyến vì hương ngọc lan hay vì hương trinh nữ?
Hương ngọc lan làm nhớ toà soạn tiên khởi báo Ngàn Thông, đặt trong con ngõ êm đềm trên đường Công Lý, mảnh sân nhỏ trước nhà có cây ngọc lan cho hoa thơm ngát, mà Ngọc Lan cũng lại là phương danh của nữ chủ nhân.
Hương ngọc lan làm trái tim già nua như trẻ lại, làm cuộc sống thực tế thành mộng mộng mơ mơ.
Và, đêm nay, biết chắc rằng hương ngọc lan sẽ len lỏi vào tận giấc ngủ chập chờn, để dắt gã đàn ông già nua tìm về quá khứ.
QUYÊN DI.