Thành Kính Phân Ưu
Được tin nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông vừa qua đời tại Sài Gòn tối Thứ Hai 26/2/2018 hưởng thọ 87 tuổi ( theo cách tính của truyền thống Việt Nam- ông sinh ngày 15-3- 1932 tại Sài Gòn ); lòng tôi bồi hồi nhớ tới người nhạc sĩ kính mến cùng những ký ức tuổi thơ của mình.
Lúc khoảng 10 tuổi, ôm cây ghi ta mò mẫm từng phím thì Chiều Mưa Biên Giới là một trong những bản nhạc đầu đời tôi khảy đàn. Bài nhạc có 2 dấu thăng, tông Re Trưởng, vừa khảy vừa hát theo lời ca. Thời đó đầu thập niên 60, Chiều Mưa Biên Giới nổi tiếng, nghe qua đài phát thanh Sài Gòn tiếp vận làn sóng cả nước, nghe các anh chị hát ngêu ngao và cho đến hôm nay lời ca và âm điệu của bài hát vẫn còn quen thuộc với nhiều người.
Xin ghi lại lời ca Chiều Mưa Biên Giới :
Chiều mưa biên giới anh đi về đâu? Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu
Kìa rừng chiều âm u rét mướt, Chờ người về vui trong giá buốt người về bơ vơ.
Tình anh theo đám mây trôi chiều hoang,Trăng còn khuyết mấy hoa không tàn
Cờ về chiều tung bay phất phới, Gợi lòng này thương thương nhớ nhớ, Bầu trời xanh lơ.
Điệp Khúc: Đêm đêm chiếc bóng bên trời,Vầng trăng xẻ đôi,Vẫn in hình bóng một người. Xa xôi cánh chim tung trời, Một vùng mây nước, Cho lòng ai thương nhớ ai.
Về đâu anh hỡi mưa rơi chiều nay, Lưng trời nhớ sắc mây pha hồng
Đường rừng chiều cô đơn chiếc bóng, người tìm về trong hơi áo ấm,Gợi niềm xa xăm.
Người đi khu chiến thương người hậu phương,Thương màu áo gởi ra sa trường
Lòng trần còn tơ vương khanh tướng,Thì đường trần mưa bay gió cuốn,Còn nhiều anh ơi.
Xét về nét nhạc ( melody ) thì dễ nghe, có duyên, nhưng về lời ca thì thật là đặc biệt. Tả cảnh biên giới một chiều mưa nơi người lính chiến đang ở. Nỗi nhớ người yêu phương xa nhẹ nhàng với từ ngữ bay bỗng, lãng mạn pha chất kiêu hùng của người chiến sĩ nơi trận mạc. Còn thêm một chút triết lý “ lòng trần còn tơ vương khanh tướng, thì đường trần mưa bay gió cuốn”.
Trong khi nhạc ở miền Bắc thời đó dùng chữ “ Chiến khu” thì Nguyễn Văn Đông đưa chữ “ Khu chiến” vào bài hát; cũng là một nét độc đáo của Chiều Mưa Biên Giới.
Mời nghe lại tiếng hát Trần Văn Trạch với Chiều Mưa Biên Giới để cảm nhận cái hay của bài nhạc
Nhà phê bình âm nhạc Phạm Văn Kỳ Thanh từng nói với tôi rằng các bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông có tư tưởng lớn.
Một bài khác là Hải Ngoại Thương Ca nét nhạc trong sáng và có những câu chan chứa nỗi ước mơ lớn mạnh của dân tộc Việt Nam :
Một mùa thương kết muôn hoa lòng. Người về đây nối câu tâm đồng.
Về cho thấy xuân hồng má em, Cho tình xưa thôi cách xa, Về chung mái nhà lá.
Người về đây giữa non sông này. Hội trùng dương hát câu sum vầy.
Về cho thấy con thuyền nước Nam, Đi vào mùa xuân mới sang, xa rồi ngày ấy ly tan.
Điệp khúc:
Tôi đi giữa trời bồi hồi, Cờ bay phấp phới vui ngày đoàn viên.
Vinh quang nước Việt đời đời, Anh dũng oai hùng vang danh thế giới. Mặc thời gian tóc pha đôi màu. Mặc đại dương sóng to mưa gào.
Đàn chim bé trong làn chớp xanh, Yêu trời tự do Á đông, thương về đồi núi xa xa.
Mời nghe Hải Ngoại Thương Ca với tiếng hát Hà Thanh:
Ngoài những bài tình ca chan chứa lý tưởng của một chàng trai theo nghiệp chiến binh như Sắc Hoa Màu Nhớ, Mấy Dặm Sơn Khê, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông với bút hiệu Phượng Linh viết ca khúc Đoạn Tuyệt, dòng nhạc ngọt ngào và lời ca u buồn của một kẻ thất tình:
Một mai em có đi lấy chồng. Vòng tay ân ái thay hình bóng.
Xác pháo tươi hồng như trái tim, Êm ái trao lòng tôi vết thương.
Em biết không em? Một mai đôi ngã xa cách rồi.
Người say duyên mới quên thề ước. Xin chiếc khăn nồng hương cố nhân, Đôi mắt em màu xanh ái ân để nhớ muôn đời.
Nước non còn đó, Người sao chóng quên bao lời thề xưa ước hẹn nhau.
Bốn phương trời mây còn đâu nửa ngày vui xưa hoà khúc ca sum vầy.
Nào ai lấy thước đo tấc lòng. Tình như mây khói trên làn sóng.
Anh sẽ đi tìm trong lãng quên, Nhưng cố quên lại càng nhớ thêm.
Vì trót yêu rồi.
Mời nghe bài Đoạn Tuyệt của Nguyễn Văn Đông với Thanh Tuyền:
Mấy năm trước, nhạc sĩ Phan Anh Dũng, chủ trương Nguyệt San Cỏ Thơm trên Internet có đăng những bài viết về nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông và một số bài hát mới của ông về tình hình đất nước Việt Nam trong nguy cơ bị Tàu xâm chiếm Biển Đông. Điều này chứng tỏ dù tuổi đã cao, đã trải qua mười năm tù Cộng Sản sau năm 1975 vì là sĩ quan cấp tá của quân đội Việt Nam Cộng Hòa, nhưng Đại Tá Nguyễn Văn Đông vẫn mãi mãi là người nhạc sĩ có tâm tình nồng nàn với dân tộc với đất nước.
Mời xem tiểu sử nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông rất đầy đủ do chính ông cung cấp cho đặc san Cỏ Thơm Magazine của nhạc sĩ Phan Anh Dũng ở Virginia.
http://cothommagazine.com/
Gọi phôn cho MC Trần Quốc Bảo, người có nhiều lần gặp gỡ nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông những năm sau này, thì anh nói rằng ngoài tài năng âm nhạc thì tác giả Chiều Mưa Biên Giới có một nhân cách đáng kính, nhất là trong thời gian 10 năm tù Cộng Sản 1975-1985. Khi ra tù về lại Sài Gòn thì nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông vẫn sống khép kín và sáng tác. Ông từ chối lời mời của các trung tâm băng nhạc hải ngoại và trong nước để xuất hiện trở lại trước công chúng.
Sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông có một chỗ đứng rực rỡ trong vườn hoa âm văn nghệ của Việt Nam. Nét oai hùng của một vị đại tá Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa bàng bạc trong nhiều tác phẩm ca nhạc lãng mạn của ông. Đó là nét đặc biệt của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông mà bài hát Chiều Mưa Biên Giới tiêu biểu.
Một thời ở chung với nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn ở Canada, được nghe kể lại câu chuyện thi ca trong tù Cộng Sản có một anh làm thơ 4 câu như sau:
Buồn quăng hòn đá xuống giòng sông.
Nó vẽ to dần con số không.
Như mảnh đời dần rồi tan biến.
Chiều mưa biên giới Nguyễn Văn Đông.
Câu cuối bài thơ vì bí vận cho nên anh chàng này dùng chữ như vậy, nói lên sự nổi tiếng của bài hát. Và cũng vì thế mà bài thơ trở thành giai thoại.
Tôi vẫn định xin số phôn của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông để hỏi thăm và tìm hiểu về sự nghiệp sáng tác của ông; nhưng dần dà thời gian qua mau và ông đã từ giã nhân thế.
Xin bày tỏ sự ngưỡng mộ và thương tiếc về người nhạc sĩ tôi kính mến: Nguyễn Văn Đông- Chiều Mưa Biên Giới
TRẦN CỦNG SƠN