GÀ MÁI ĐÁ GÀ CỒ (Peter Chánh Trần # Mười Lúa)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail
Năm gà, người ta tốn biết bao nhiêu giấy mực, hơi sức, viết về gà. Tôi cũng muốn viết về gà, nhưng hỏng biết viết cái gì bây giờ. Thôi thì viết vài chuyện tầm phèo cho bạn bè đọc chơi ba ngày Tết. Cũng có dính chữ gà chút chút trong bài viết này cho “hợp thời trang” với người ta.
1. Tư gà đá.
Lớp tôi có anh chàng học giỏi, thích làm thơ. Tôi không thích thơ, và nhất là hỏng có chút tâm hồn thi sĩ. Cho nên cũng hỏng biết thơ của anh ta hay cỡ nào, hoặc dở tới đâu. Anh ta còn một điểm nổi bật hơn hẳn bạn bè, là tật mê gái. Nói chung thì con trai nào mà hỏng mê gái. Hỏng mê gái mới là lạ, cần đi bác sĩ chữa bệnh. Nhưng anh ta phải nói là “cực kỳ” mê gái: Đụng ai cũng làm thơ gạ gẫm, cua còng, thả dê, đủ bốn phương tám hướng. Cũng hỏng lạ, vì dạng mê gái đó, dù ngoại 72, chống gậy, như đại gia Hoàng Kiều cũng chết giấc với gái 27, vừa đẹp, vừa rất tơ! Ngoại đứng thấp hơn con bé chân dài gần một cái đầu, cũng cua được, cũng “xứng đôi vừa lứa” như thường. Chưa chắc gì ông cụ cua gái giỏi hơn bạn tôi, vì trên đời này “có những thứ không mua được bằng tiền, thì sẽ mua được bằng rất rất rất nhiều tiền!” Thánh Năm Cam nói chẳng sai.
Lớp tôi “dương thịnh âm suy”. Con trai đông gấp mấy lần con gái. Trong đám con gái đó, có một “nàng út trong ống tre”. Đẹt ngắt! Bạn bè lén đặt cho nàng cái tên “gà che”. Tôi hỏng biết viết sao cho trúng, gà che, hay gà tre, vì bọn Nam kỳ giá sống chúng tôi đọc chữ R rất dở. Cá rô hay cá gô, người nghe đều hiểu, thì trúng sai cũng kệ con bà nó! Thôi, cứ nói gà che cho khỏi cong lưỡi, bẻ môi cho mệt.
Anh ta ra sức cua gà che. Tặng nàng nguyên một bó hoa cỏ cứt heo, và một bài thơ tình lãng mạng, ướt át hơn mùa mưa dầm cả tuần không dứt hột. Sau 75 làm gì có tiệm bán hoa hồng, một loại xa xí phẩm, mà anh ta cũng như bọn sinh viên chúng tôi, đói rả họng, tiền đâu mua hoa hồng để tặng người đẹp. Cho nên tôi đoán đại, (có thể trúng thiệt) là anh ta đi ra cánh đồng, sau sân ký túc xá của trường Đại Học, rồi ngắt bông cỏ cứt heo mọc tàng lang, để tặng nàng.
Nàng từ chối. Nói khó nghe một chút, là nàng giương cựa, đá chàng một phát, văng ra xa hơn 10 trượng, chết giấc cả mấy canh giờ mới tỉnh lại! Từ đó anh ta được thằng bạn thân cùng lớp đặt cho cái biệt danh Tư gà đá. Và bọn tôi cũng từ đó gọi anh ta là Tư gà đá. Đã nói là viết tầm phèo cho vui, chớ gà che lùn tè, nhỏ như hột mít, đá làm sao mà anh bạn tôi chết giấc cho được. Cường điệu một chút cho vui ba ngày Tết.
Con trai đi cua gái là chuyện thiên kinh địa nghĩa. Bị con gái từ chối cũng là chuyện thường ngày ở huyện. Động từ đá tôi dùng, hàm nghĩa lắc đầu, chớ hỏng phải phụ tình, vì tình đã tới tay đâu mà phụ.
Tôi kể chuyện Tư gà đá ở đây, vì nhớ tới bạn bè bao nhiêu năm cùng mài đít trên ghế nhà trường, với muôn vàn kỷ niệm khó quên. Hơn bốn chục năm trôi qua, cái tên Tư gà đá đã thành danh, và vẫn y nguyên không mai một. Nay đứa nào cũng sáu bó lẻ mấy que, nhưng chúng tôi vẫn thân thương gọi hắn bằng cái tên Tư gà đá như hồi mới đôi mươi. Tôi biết mỗi khi anh em gọi cái tên Tư gà đá, anh ta cũng quay mòng mòng, lòng lâng lâng nhớ lại cái thời trai trẻ tung hoành ngang dọc, mắt dáo dác tìm… gà mái! Thế nào hắn ta cũng chắc lưỡi thở dài, tiếc hùi hụi: “Ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu!”
Tuổi trẻ hướng về tương lai; tuổi già quay về quá khứ. Chúng tôi thật sự già hết rồi, nhưng tình cảm dành cho nhau không bao giờ mai một theo thời gian. Sáu mấy, gặp nhau vẫn mày tao. Chúc Tư gà đá và gia đình một năm con gà vạn sự như ý.
2. Đùi gà nào thơm?
Tôi từ California bay sang Georgia thăm người bạn nối khố. Anh ta là chủ một trại gà công nghiệp rất lớn, có bốn chuồng. Mỗi chuồng có diện tích 100 feet X 200 feet (khoảng 30m X 60m), nuôi được 30,000 con gà. Bên trong chuồng, trang bị đầy đủ thiết bị tự động, từ điều chỉnh nhiệt độ, đến tự động cho thức ăn, nước uống. Mỗi chuồng chi phí trên $250,000USD để xây, chưa tính tiền mua đất.
Công ty cung cấp gà con và thức ăn, người nuôi chỉ việc chăm sóc, cho ăn theo định lượng. Sau sáu tuần, con gà đạt trọng lượng 6 pounds (khoảng 2,7 kg). Người nuôi được hưởng 36 cent/con, cứ thế mà nhân lên với số lượng gà xuất chuồng.
Hầu hết các chủ trại gà đều có rất ít nhân công. Anh bạn chỉ thuê mướn một hai người làm công, lo việc nhặt xác gà hoặc bẻ cổ những con gà còi cọc trong chuồng.
Anh ta thỉnh thoảng xách đít đi long nhong trong trại cho dãn gân cốt. Thường thì ngồi trong phòng, điều khiển các thiết bị đo nhiệt độ và điều chỉnh lượng thức ăn cho các chuồng gà, và dùng điện đàm nhắc nhở người làm công quan sát cẩn thận để phát hiện xác gà chết mà nhặt ra. Gà cho ăn thả dàn, lớn như thổi, mà không có không gian bay nhảy, nên yếu xìu, và khi ngã xuống thì không đứng lên được, bị giẫm đạp chết. Mỗi ngày số gà chết có thể lên đến ba, bốn chục con. Không phát hiện kịp thời, xác gà phân hủy dễ tạo mầm bệnh.
Gà đến ngày xuất chuồng, công ty sẽ cho người đến bắt, sau đó làm vệ sinh chuồng trại, phun thuốc khử trùng rồi mới chuẩn bị cho đợt nuôi khác. Riêng phân gà có một công ty chịu trách nhiệm xúc phân dọn sạch sàn chuồng. Tiền phân gà một năm có thể bán được hơn chục ngàn USD.
Người ta nói “muốn giàu nuôi gà, muốn khá làm nail”, không ngoa. Cứ làm một bài tính theo những dữ kiện này sẽ biết chủ trại gà hốt bạc và làm giàu ra sao: Mỗi chuồng nuôi 30,000 con. Mỗi ngày gà chết trung bình chừng 35 con/chuồng. Sau 42 ngày, chủ gà đến hốt gà, trả người nuôi 36 cents/con. Thấy con số 36 cent nhỏ xíu, nhưng nhân lên cho số lượng gần 30,000 con/chuồng, thì chẳng nhỏ chút nào. Trung bình một chuồng kiếm được trên $10,000USD. Bốn chuồng, thì tối thiểu cũng $40,000USD. Trừ tiền nhân công cho hai người. Trừ tiền điện nước, bảo hiểm, và những chi phí lỉnh kỉnh khác, chủ ôm gọn $30,000USD như chơi. Sáu tuần kiếm 30K còn mơ ước gì? Tiền đầu tư bạc triệu khá lớn, nhưng bất cứ khi nào hỏng còn muốn ngửi mùi cứt gà, thì bán đi, và vốn đó chỉ có tăng thêm chớ không teo hay mất đi đâu cả. Đại khái chuyện nuôi gà công nghiệp ở Mỹ nó như vậy. Muốn tìm hiểu kỹ hơn, cứ lên Net bấm một phát, thông tin nó nhảy ra tràn ngập, đọc mệt xỉu.
Thấy anh bạn kiếm tiền phát ham. Những năm từ 2000 đến 2005, nhà Cali lên giá tận mây xanh. Tôi định bán nhà, bán tiệm, gom tiền, bỏ Cali, theo anh ta nuôi gà. Có điều, mùi cứt gà rất khó ngửi! Không biết ngửi bao lâu mới quen mũi? Tôi thật sự chịu hỏng nổi. Còn một lý do nữa là đã ở Cali cả 30 năm, dây mơ rễ má chằng chịt, nhất là không muốn xa con cái, cho nên bỏ ý định nuôi gà.
Trong bữa tiệc khoản đãi vợ chồng tôi, ông chủ trại gà chơi cắc cớ, cho tôi một câu đố, làm tôi suy nghĩ nát óc:
– Tui đố ông, khi ông gặm đùi gà, làm sao phân biệt được đùi nào là đùi gà trống, đùi nào là đùi gà mái?
Anh ta là chủ trại gà, anh ta “siêu” tới độ khi gặm đùi gà là biết đùi gà mái hay gà trống! Tui phục sát đất! Tui tay ngang, làm sao biết được, nên thua non. Anh ta cười hắc hắc trả lời một cách khoái trá:
– Đùi gà mái thơm hơn đùi gà trống!
Cả bàn tiệc cười ầm. Thì ra là đố mẹo! Đố đùi gà, đố gặm đùi gà nhưng thực sự hỏng phải gặm đùi gà, mà là “gặm” đùi khác! Cao thâm cho ông chủ trại gà, nuôi gà mà hỏng khoái gặm đùi gà, tối ngày mơ gặm đùi… chân dài Ngọc Trinh!
3. Gà mái đá gà cồ.
Cũng là chơi chữ, chớ gà mái làm gì có cựa mà đá! Định chuyển hướng, nói chuyện sợ vợ và bạo hành trong gia đình đây.
Nói chuyện sợ vợ, chắc ai cũng đã từng nghe kể đi kể lại câu chuyện này:
Có một người đàn ông vũ phu thường xuyên đánh vợ. Mỗi lần đánh vợ, anh ta không những đánh, mà miệng la hét rum trời, như để “thông báo” cho hàng xóm biết mình đang đánh vợ! Một hôm, hàng xóm nghe anh ta thoi vợ đùng đùng, và miệng thì la hét liên tu bất tận: “Tao đánh cho mày chết! Mày chết chưa? Mày chết chưa?…” Lần này tiếng đánh và tiếng la, nghe vang dội và dồn dập lạ thường. Hàng xóm sợ anh ta đánh chết vợ thiệt, nên họ hè nhau phá cửa xông vào can gián.
Mọi người thở phào nhẹ nhỏm và không ai có thể nín cười được khi thấy bà vợ to như cái thùng phi, đang ngồi trên mình chồng, còn ông chồng thì bị đè bẹp bởi cái thân xác vô cùng vĩ đại của vợ, y như chuột bị sập rập. Bả chẳng la, chẳng hét, nhưng hai tay cứ đấm liên tục trên thân thể ông ta, đấm không chừa chỗ nào, đấm còn kỹ hơn người ta đấm bóp! Cứ mỗi cú đấm bà vợ từ trên giáng xuống, thì ông chồng nằm dưới la lên: “Mày chết chưa?” Bị đấm nhừ tử, bầm dập, nhưng miệng vẫn không ngừng la. Cú đấm càng mạnh, thì tiếng la của ông càng lớn, và bà đấm càng nhanh thì ông càng la dồn dập. Đó là chuyện “gà mái đá gà cồ”.
Tại sao ông ta phải làm vậy? Ai cũng hiểu. Nghĩa là chuyện sợ vợ, chuyện “con gà mái đá con gà cồ”, là chuyện bất thường, không thể nào có trong xã hội Á Đông. Anh ta biết vậy, nên nếu hỏng đóng kịch, lỡ hàng xóm biết mình bị con mụ vợ nó “dần” mềm như cái mền, rồi đồn ầm lên, thì chỉ có nước độn thổ!
Giấy nào gói được lửa? Lần này anh ta đóng kịch quá sức nhập vai, la hét như thiệt, cho nên mới bể mánh! Đây mới đúng là sợ vợ chính hiệu con nòng nọc!
Đó là chuyện người ta đặt ra để giễu mấy anh chàng trên đầu có ba lỗ chân nhang, theo đạo “thờ bà”, chớ làm gì có thiệt ở VN. Cằn nhằn, la ó, đay nghiến,… thì có. Tới mức đè chồng xuống mà nện, thì chỉ có ở mấy xứ Tây phương như Mỹ, cái xứ “lady first”, đàn ông thua đàn bà rất xa, thua cả chó mèo.
Thế nào mới gọi là sợ vợ? Theo tôi, khi bị vợ “bạo hành” mà vẫn không dám đề kháng, như trường hợp cái ông nằm dưới vừa kể, thì mới gọi là sợ vợ. Còn nuông chìu vợ, giúp vợ nấu cơm, tiếp vợ rửa chén quét nhà, lau chùi toilet, chăm sóc con cái,… nhịn nhục chút đỉnh cho êm cửa êm nhà, không thể nào nói là sợ vợ. Đó là cưng vợ. Vợ mình mình cưng, đâu có cưng vợ người khác mà phải xấu hổ!
Thế nào là “bạo hành”? Để tôi mở ngoặc viết về chuyện bạo hành trong gia đình một hồi.
Bạo hành kiểu VN.
VN còn có cái quan niệm “chồng chúa, vợ tôi”, vô cùng lạc hậu và bất công, nếu không muốn nói là vô tâm và tàn nhẫn. Ra đường, vợ tay bồng con, tay xách đồ, còn thằng chồng to xác, cọp ăn ba ngày không hết, tỉnh bơ, thong dong đi đằng trước. Về nhà, cơm nước, bếp núc, heo gà, cho con ăn, dỗ con ngủ, thức sáng đêm lúc con ốm đau,… đều là chuyện của đàn bà, còn đàn ông sau khi đi làm về là… nhậu! Có nhiều người còn vô tâm, tàn nhẫn, mất nhân tính, mượn rượu làm nư, hễ say mèm là kiếm cớ đánh vợ, chửi con. Đó là “bạo hành”.
Tội nghiệp đàn bà VN vô cùng. Gia đình có lẽ là địa ngục đối với những người gặp phải “bến đục” như vậy. Mà “bến trong” thì khó tìm còn hơn cơ hội trúng số độc đắc. Những người đàn ông như vậy, lại thường vỗ ngực xưng anh hùng, cho rằng mình số dzách, chỉ có vợ sợ mình, chớ mình không hề biết sợ vợ. Một quan niệm hoàn toàn thiếu nhân tính, cần thay đổi cho đàn bà VN đỡ tội nghiệp. Đàn bà bao gồm luôn cả người đẻ ra những tên đàn ông vũ phu và vô tâm đó.
Bạo hành có nhiều hình thức, chớ không phải chỉ chuyện “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”, đấm đá, mới gọi là bạo hành. Đây là những hình thức bạo hành kiểu Mỹ, tôi trích từ bài viết của tác giả Trần Mỹ Duyệt:
1. Bạo hành thể lý: Là những hành động bao gồm đánh, đập, xiềng, xích, đấm, đá, cào, cấu, cắn, xé, đâm, chém, hoặc bắn bằng súng… Là những lần bỏ đói, bỏ khát không cho ăn, uống. Đau ốm không lo thuốc men. Không đưa đến bệnh viện. Những hành động này phần lớn gây đau đớn thể xác, đôi khi gây bệnh tật, thương tích, hoặc chết người.
2. Bạo hành Tâm lý: Là những thái độ lạnh nhạt, thờ ơ, bỏ rơi, kình chống, thiếu cộng tác. Là những cấm đoán chủ quan. Những hành vi theo dõi, dò xét, nghe lén. Những hành động ghen tương, giận hờn không tha thứ cho nhau. Là những khủng bố về mặt đạo đức, như cấm không được đọc kinh, cầu nguyện, tham dự các nghi lễ tôn giáo…
Cũng như những hành động bạo hành thể xác, những bạo hành tâm lý để lại trong người nạn nhân những dồn nén, uất ức, tủi nhục, đau đớn có khi trở thành tâm bệnh, hoặc những bệnh tật thể xác như nhức đầu, táo bón, mất ngủ, cao áp huyết, hay đột quỵ.
3. Bạo hành ngôn ngữ: Những lời nói khích bác, chọc ghẹo, nhục mạ, dọa nạt, la hét, chửi bới. Những lời nói vu khống. Những lời nói làm đau đớn, tủi nhục, coi thường và làm hạ phẩm giá của nhau.
4. Bạo hành Sinh lý: Là những hành động cưỡng ép, cưỡng chiếm nhằm thỏa mãn nhục dục mà từ ngữ chuyên môn gọi là bạo dâm, cuồng dâm. Những đòi hỏi nhằm thỏa mãn thú tính trong những hoàn cảnh nạn nhân mệt mỏi, đau yếu, hoặc bệnh tật. Hoặc ngược lại, những dồn nén sinh lý do việc luôn luôn bị từ chối hàng tuần, hàng tháng, hoặc hàng năm.
Bạo hành sinh lý có thể đưa đến nhiều chứng bệnh về cơ thể, cũng như tâm lý và tâm thần. Thông thường nhất là hội chứng lãnh cảm nơi đàn bà, bất lực, liệt dương nơi đàn ông… Với cái nhìn phân tâm học, việc thiếu dung hòa sinh lý còn có thể đưa đến tâm bệnh.
5. Bạo hành Kinh tế: Là lường gạt, gian dối hầu chiếm đoạt tài sản, gia tài của nhau. Keo kiệt, hà tiện trong chi tiêu khiến cho cuộc sống trở nên thiếu thốn và gò bó. Hoặc ngược lại, xài phí, cờ bạc, nghiện ngập… gây khủng hoảng cho kinh tế gia đình.
(Ngưng trích).
Ở Mỹ, cũng nên nói thêm, khi nói bạo hành, không có nghĩa là chỉ có đàn ông bạo hành đàn bà, mà ngược lại, có rất nhiều đàn ông bị đàn bà bạo hành. “Gà mái đá gà cồ”, không phải là chuyện lạ ở cái xứ này.
Cho nên nói chuyện “gà mái đá gà cồ”, tui muốn nói đến xã hội Mỹ nhiều hơn. Khi lâm vào những trường hợp bạo hành ở trên, mà không dám phản kháng, thì đúng là sợ vợ thứ thiệt rồi. Đó mới thực sự là sợ vợ.
Ở VN, chắc tìm người sợ vợ rất khó. Vũ phu thì đầy đường. Cho mấy tay đàn ông VN sang xứ này, bị cảnh sát còng tay, nhốt vô tù, cho mấy thằng Mỹ đen nó “lấp đít” một trận là tởn kinh hồn vía tới chết!
Luật California, những năm đầu thập niên 80: bấm 911 gọi cảnh sát khi bị vợ/chồng hành hung, cảnh sát đến liền. Thấy dấu vết bạo hành, như trầy xước, vết bầm trên thân thể,… cảnh sát đầu tiên là hỏi nạn nhân: Có muốn tôi bắt không? Nếu nạn nhân trả lời không, thì cảnh sát chỉ khuyên can, giảng hoà, khuyên hai người tránh mặt cho nguôi giận, rồi cảnh sát bỏ đi. Nhưng nay luật đã thay đổi: Khi có bạo hành, cảnh sát không cần hỏi nạn nhân nữa, mà tự động còng tay kẻ bạo hành đem nhốt liền, chờ ra toà.
Bạo hành là tội, và chính quyền sẽ can thiệp. Nhờ vậy, chuyện bạo hành trong gia đình không có trầm trọng như những nước khác.
VN chuyện nam nữ bình đẳng còn chưa có, thì chuyện “gà mái đá gà cồ” còn xa lắm. Còn bạo hành từ đàn ông thì dường như chỉ có tăng chớ không thấy giảm.
Chính quyền có bổn phận can thiệp, bỏ tù những kẻ bạo hành, thì nạn bạo hành mới hết được. Ngày nào chính quyền còn đứng nhìn như kẻ vô can, chờ đến khi có án mạng mới rớ vô, thì nạn bạo hành vẫn tồn tại, và rất nhiều gia đình vẫn là địa ngục trần gian đối với phụ nữ và trẻ em.
Chuyện xuất giá tòng phu nó đã xưa như trái đất rồi. Gặp phải thằng chồng vũ phu, mất nhân tính, vẫn “tòng” là nhu nhược, là ngu muội, là cam tâm làm nô lệ. Quan niệm chồng chúa vợ tôi, cũng là một quan niệm áp chế của kẻ có sức mạnh, mang tính dã man, và các nước văn minh đều quăng nó vô thùng rác. Martin Luther King không tranh đấu, không mất mạng, thì giờ này chưa chắc gì người da đen có thể đứng ngang hàng với người da trắng. Không tranh đấu thì mong gì có bình đẳng? Không có ân huệ từ trời rơi xuống. Giai cấp bị áp bức hãy vùng lên!
Năm con gà, tôi chúc quý bà ở VN trở nên hung dữ một chút, để đừng bị bạo hành. Các bà hãy vùng lên, dữ lên một chút. Thành bà chằng lửa cũng được, miễn là đừng bị cánh đàn ông hành hạ.
Mùa Xuân Đinh Dậu 2017