DUYÊN ANH – TỪ CẢM XÚC CHO ĐẾN TẬN CÙNG CỦA CON CHỮ (Đỗ Trường)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

May be an image of 1 person and text

Dường như, chẳng cứ thế hệ chúng tôi, mà cả miền Bắc rất ít người được đọc, và biết đến nhà văn Duyên Anh. Bởi, tuy sinh trưởng ở Thái Bình, nhưng tài năng văn thơ Duyên Anh chỉ được phát tiết từ năm 1960, sau khi ông di cư vào Nam. Sau biến cố 1975, thơ văn cũng như con người ông bị đốt bỏ, vùi dập. 

Trong cái hỗn tạp đó, rất may cũng có vài ba tác phẩm của ông lọt lưới ra đất Bắc, và được âm thầm chuyền tay nhau đọc. Rồi mãi đến những năm gần đây, hình như người ta mới dám (rón rén) hồi sức cấp cứu cho một vài tác phẩm của ông thoi thóp trở lại. Nhiều độc giả miền Bắc khoái, tìm Duyên Anh để đọc. Khoái đến độ họa sĩ Nguyễn Việt (cùng quê Thái Bình) dứt khoát phải lấy tên Duyên Anh để đặt cho con gái của mình. Có thể nói, Duyên Anh là một nghệ sĩ đa tài. Lĩnh vực nghệ thuật nào Duyên Anh cũng để lại những dấu ấn thật đâm nét trong lòng mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp người đọc, người nghe. Thật vậy, ở Duyên Anh ta có thể tìm thấy hai con người, hai tính khí đặc trưng: Một Duyên Anh chân chất, giàu cảm xúc của nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ và một Duyên Anh nhà báo sắc sảo đến cay nghiệt. 

Nhìn vào Văn học sử Việt đương đại, cùng với Tô Hoài, Võ Phiến, tôi đánh giá cao nội lực sáng tạo của Duyên Anh, qua (trên) bảy chục tác phẩm chính đã xuất bản trước và sau 1975. Viết nhiều, đủ mọi thể loại, làm cho người đọc tưởng chừng, Duyên Anh viết bằng bản năng, cùng cảm xúc của người nghệ sĩ, chứ không tuân thủ theo một thủ pháp nghệ thuật nhất định. Song không hẳn vậy. Cái giản dị đến hồn nhiên và chân thực ấy, đã đưa Duyên Anh đến gần với người đọc, nhất là tầng lớp bình dân, học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, với đặc tính này, truyện của ông có một số nhược điểm, tình tiết, hành động đôi khi bị trùng lặp, hoặc có những cái kết (khuôn mẫu) đã được biết trước, ít gây bất ngờ cho người đọc.   
Có thể nói, không chỉ hai mươi năm Văn học miền Nam, mà tiếp nối dòng chảy văn học nơi hải ngoại, Duyên Anh vẫn là một hiện tượng văn học rất đặc biệt. Sự đặc biệt ấy, không hẳn vì vốn sống, nội lực sáng tạo, mà do tư tưởng dân tộc của ông: “Dân tộc Việt Nam, một dân tộc phi Cộng Sản, phi Tư Bản, bị nhiễm cả hai thứ vi trùng chủ nghĩa…“ (Saigon ngày dài nhất). Nhận ra, thân phận bi thương của đất nước, dân tộc như vậy, nên sự phản kháng cường quyền, châm biếm cái ác cứ đầy ăm ắp trên trang văn, và xuyên suốt sự nghiệp sáng tạo của Duyên Anh. Khi chiến tranh đến giai đoạn khốc liệt, cái tư tưởng dân tộc đó trong thơ văn, dường như đã quá chật chội, nên buộc Duyên Anh phải rẽ sang ngạch báo chí. Với bút danh Thương Sinh (và hàng chục danh khác) cùng với Chu Tử, Duyên Anh đã chọc thẳng vào cái ung nhọt trong mọi lãnh vực, mọi tầng lớp của xã hội lúc đó. Sự phê phán, diễu cợt sâu cay ấy, đôi khi vỗ mặt, quá đà gây không ít sóng gió, và Duyên Anh buộc phải trả cái giá quá đắt cho tận đến những năm tháng cuối đời, bởi thù hận. Tuy không đọc nhiều về mảng báo chí của Duyên Anh, hay Chu Tử, nhưng kẻ hậu sinh như tôi rất cảm phục ngòi bút, cũng như bản lĩnh, sự kiên cường của hai nhà văn này. Thật ra, dù sống ở chế độ Cộng Hòa, hay Cộng Sản, một nhà văn đích thực luôn chĩa bút về phía cường quyền. Và đối lập với chính quyền là điều quan trọng bậc nhất của người cầm bút. Nó không chỉ nhằm vạch ra những yếu khuyết của chính quyền, thúc đẩy xã hội phát triển hơn, mà còn là thước đo nhân cách của một nhà văn vậy. Và tôi nghĩ, Duyên Anh, hay Chu Tử đã làm được điều đó. Tuy nhiên, ở khuôn khổ bài viết này, chân dung hồn vía Duyên Anh chỉ được soi rọi từ khía cạnh văn học, dưới cái nhìn chủ quan của (cá nhân) người viết mà thôi.
Duyên Anh tên thật là Vũ Mộng Long, sinh năm 1935 tại Thái Bình. Chiến tranh, đói khát đã phá nát tuổi thơ ông, thế hệ ông. Sự ám ảnh, và nghèo đói theo ông cùng gia đình lưu lạc khắp nơi. Do vậy, con đường học hành của ông bị gián đoạn, không được như ước vọng. Năm 1954, ông di cư vào Nam, và trải qua rất nhiều công việc, song cái nghèo, sự vất vưởng vẫn không chịu buông tha ông. Trong cái tận cùng gian khó ấy, ước mơ trở thành tác giả, người viết văn vẫn cháy bỏng trong ông. Và mãi đến những năm đầu thập nhiên sáu mươi, tài năng, tên tuổi Duyên Anh mới được khẳng định, và người đọc biết đến. Tập truyện Hoa Thiên Lý ra đời năm 1963 như một chiếc thẻ thông hành đưa Duyên Anh đến với làng văn vậy. Trên 50 tác phẩm được in ấn phát hành trước 1975, đã nói lên tài năng, trí tuệ, sức làm việc dẻo dai, phi thường của ông.

L’image contient peut-être : 1 personne, joue d’un instrument de musique

Biến cố 1975, Duyên Anh bị bắt, với đằng đẵng sáu năm tù cải tạo. Chẳng biết có cải tạo, học tập được gì hay không, mà sau khi mãn khóa (tù), Duyên Anh chuồn ngay, và định cư tại Paris. Năm 1997, ông mất bởi căn bệnh xơ gan.
Cũng như các nhà văn cùng thời, cuộc sống, thơ văn của Duyên Anh được chia cắt theo vận mệnh, nỗi đau của đất nước, và con người. Với tôi, Hoa Thiên Lý, Điệu Ru Nước Mắt. Saigon Ngày Dài Nhất, và Nhìn Lại Những Bến Bờ cùng Nhà Tù, tuy không hẳn là những tác phẩm hay nhất, nhưng nó là những trang văn tiêu biểu về tư tưởng, tài năng bút pháp qua từng giai đoạn sáng tạo, cũng như cuộc sống của Duyên Anh. Có điều đặc biệt, một số tác phẩm như: Đồi FanTa, Một Người Nga Ở Sài Gòn của ông đã được dịch ra tiếng nước ngoài và dựng thành phim.
*Tình yêu- nơi bắt đầu về miền ký ức.
Nếu ta đã đọc Miền Thơ Ấu của Vũ Thư Hiên, thì sự xúc động sẽ được tiếp nối, và nhân lên trước nỗi buồn, thân phận, tình yêu khi đọc Hoa Thiên Lý của Duyên Anh. Có thể nói, Vũ Thư Hiên, và Duyên Anh là hai nhà văn cùng thế hệ, viết về tuổi thơ, về miền quê cho tôi nhiều cảm xúc nhất khi đọc. Có lẽ bởi, cái tình yêu, nơi bắt đầu trở về miền ký ức ấy của hai nhà văn này, không chỉ làm mê mẩn tuổi học trò, mà còn chinh phục đủ mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp người đọc trong xã hội. Ngoài sự hồn nhiên, trong sáng với những cảm xúc chân thực khi viết, ta còn thấy tài năng nắm bắt, miêu tả diễn biến tâm lý nhân vật của Vũ Thư Hiên, và Duyên Anh, không phải nhà văn nào cũng có được.
Tôi chưa thể tìm đọc hết toàn bộ trên bảy chục tác phẩm, nhưng có thể nói, Con sáo của em tôi là truyện hay, truyền cảm nhất của Duyên Anh. Dù nó nằm trong số truyện viết đầu tay của ông. Đọc truyện này, tôi không chỉ xúc động, và có một sự đồng cảm sâu sắc, mà còn bị ám ảnh suốt mấy ngày liền. Cả thiên truyện như một lời tự sự của nhân vật hay chính của tác giả vậy. Với phép so sánh, cùng hình ảnh ẩn dụ con sáo nhỏ không cha, nhà văn làm bật lên nỗi bất hạnh, đói khát cả vật chất, lẫn tình thương của anh em Hữu và Mai. Bị khinh bỉ, và hất hủi của người đời, hai đứa trẻ chỉ còn biết co mình lại, dành tình yêu, bầu bạn với con sáo nhỏ. Tuy nhiên, cuộc sống nghiệt ngã, buộc Hữu phải giết chim sáo, giết chết niềm vui của mình, của em mình. Đoạn trích lời tự sự dưới đây là sự giằng xé, mâu thuẫn nội tâm, hay một bi kịch làm người đọc không khỏi xót xa, bùi ngùi trước cái bi thương của một kiếp người:
“Lúc này đứng nhìn thiên hạ đón xuân, tôi nghĩ đến em gái tôi, nghĩ đến miếng thịt gà, thịt lợn hay thịt chim khi em tôi tỉnh dậy. Anh em tôi chỉ có mỗi con sáo. Con sáo nuôi bao nhiêu ngày mới biết nói. Chẳng lẽ tôi giết nó? Chẳng lẽ em tôi ăn cơm với muối ngày đầu năm? Năm nay em tôi mười tuổi, mười mùa xuân bay vụt qua, mười mùa xuân tẻ nhạt, buồn thảm chấp nối thành thời thơ ấu của em tôi. Mùa xuân trôi theo kỷ nhiệm, có khi nào níu lại được? Tôi không muốn em tôi lớn lên phải nghẹn ngào nhắc tới một trang chua chát, xiên lệch trong cuộc đời. Vậy thì tôi sẽ giết con sáo…Tôi len lén trở vào xách cái lồng sáo xuống bếp. Trời còn tối, sáo không nhận ra tôi. Nếu nó chết thì nó oán hờn sự nghèo khổ và bàn tay tàn ác nào đó. Vong hồn cha tôi sẽ phù hộ tôi. Giết nó, tôi đau đớn vô ngần nhưng tôi phải thương em tôi hơn. Em tôi phải được ăn thịt sáo nấu su hào ngày mồng một tháng giêng năm mới. Chỉ vì em, tôi quên tất cả.” (Con sáo của em tôi).
Tình yêu, nỗi nhớ nhà, nhớ quê luôn thường trực trong lòng người viễn xứ. Do vậy, ngay từ truyện ngắn đầu: Hoa Thiên Lý, Duyên Anh đã tìm về tuổi thơ, với một nỗi u hoài. Đọc tập truyện Hoa Thiên Lý, có thể thấy, văn thơ ông chín ngay từ những truyện ngắn đầu. Và một điều đặc biệt, mảng truyện này của Duyên Anh mang nặng hơi hướm hồi ký, tự truyện. Đôi lúc, tưởng chừng ông trộn tất tần tật các thể loại vào nhau vậy. Cũng với thủ pháp nghệ thuật này, có thể nói, nhà văn Đỗ Chu ở đất Bắc, hay sau 1975 nhà văn Phạm Tín An Ninh sử dụng rất thành công ở hải ngoại…Với từ ngữ mộc mạc, trong sáng giàu hình ảnh gợi cảm, mẹ, tâm hồn mẹ dưới ngòi bút Duyên Anh hiện lên rất nhẹ nhàng lãng mạn, song cũng rất cô độc. Tình thương và nỗi nhớ ấy, quả thực làm cho người đọc không khỏi bùi ngùi, xúc động. Không dừng lại ở đó, thông qua hình ảnh hoán dụ, nhà văn dường như muốn nâng nỗi đau, sự nhớ thương lên một nấc, rộng mở, và sâu sắc cao cả hơn. Vâng, đó là tự do – một nỗi đau còn (hay) mất của cả miền quê đất Bắc. Với thủ pháp này, cho ta thấy, Duyên Anh có trí tưởng tượng, liên tưởng rất phong phú. Đoạn trích lời tự sự, từ truyện Hoa Thiên Lý dưới đây, sẽ chứng minh rõ điều đó:
“Giàn thiên lý quê nhà giờ đây héo khô tàn tạ. Loài ve sầu không rủ rê mùa hạ sang nữa nên họ hàng nhà bọ ngựa cũng chết hết vì buồn. Ở ngoài ấy người ta ngăn cấm không cho ai buồn, không cho ai nhớ, không cho ai thương nhau thì dễ gì mẹ tôi đã được ngồi duới giàn hoa mà kể chuyện cho em tôi nghe. Thì dễ gì có phút giây mẹ nằm tưởng tượng bão táp ngoài trời thấy con chim nhỏ lạc bầy dạt trôi thảm hại. Tôi buồn, tôi muốn khóc khi nghĩ rằng chiều nào người ta bắt mẹ tôi nhổ hoa lý, phá giàn tre để trồng ngô khoai chẳng hạn. Mẹ tôi sẽ chết khô héo trên mảnh đất xác xơ đầy những oán thù…“
Tôi không dám nói, tất cả những hình ảnh, câu chuyện là hiện thân của tác giả, song ở đó chắc chắn ta tìm được sự chân thực của ngòi bút Duyên Anh. Và Đại Dương Trong Lòng Con Ốc Nhỏ, là một trong những truyện ngắn tiêu biểu như vậy của ông. Hình ảnh người cha nghèo đến độ phải ăn cắp chiếc áo ngoài chợ cho con, bị dày vò đến chết, là tột cùng của sự bi thương, làm cho người đọc phải xót xa, và ám ảnh. Tính chân thực ấy, như một thủ pháp nghệ thuật (một cái ngòi) dẫn đến sự cảm thông cho người đọc vậy. Thật vậy, đoạn văn tuyệt đẹp, đầy ăm ắp hình ảnh so sánh dưới đây, đã làm cho nước mắt tôi rơi ngay trên bàn phím, khi ngồi viết những dòng chữ này:
“Cha tôi nhìn mẹ con tôi. Mắt cha tôi long lanh. Bóng cha tôi gầy gò in hình trên bức tường vôi loang lở. Có ai ngờ cái thân thể gầy gò kia lại bọc nổi tình thương yêu rộng lớn như con ốc nhỏ thu gọn cả đại dương trong lòng mà vẫn câm nín. Câm nín suốt đời…Cha tôi chết, mẹ con tôi nheo nhóc bơ vơ. Mẹ tôi năm tháng ngồi đan nỗi buồn ở bến đò Đồng Đức. Anh em tôi nhìn đám trẻ thành thị rồi vội vàng cúi gầm mặt qua sân nhà ông ngoại, làm rơi mất tuổi thơ.“ (Đại dương trong lòng con ốc nhỏ)
Và không chỉ chiến tranh, mà cả cách mạng cũng giết chết tuổi thơ, bạn bè, thế hệ Duyên Anh. Những vết nứt đầu đời ấy, như nhát dao đâm xuyên qua cuộc sống, tâm hồn nhà văn. Và Khúc Rẽ Cuộc Đời là một truyện ngắn, hay là câu hỏi, lời tự vấn của Vĩnh đã ám ảnh suốt cuộc đời Duyên Anh. Cho nên, cả cuộc đời cầm bút, dường như ông cứ phải đi tìm lời giải đáp, và chống lại cường quyền, chống lại cái ác là vậy:  
“Phải chứng kiến lưởi kiếm đâm từ ngực xuyên qua lưng ba Vĩnh. Phải thấy ba Vĩnh dẫy dựa trên vũng máu, Phải thấy me Vĩnh chết ngất trên thây ba. Phải thấy xác chị Hiền trần truồng. Phải thấy mắt chị trợn trừng uất hận mới hiểu cách mạng và chiến tranh. Tại sao những người hiền lành lại phải chết khốn nạn thế nhỉ?“. (Khúc Rẽ Cuộc Đời)
Với tôi, những truyện ngắn, hồi ký của ngày đầu cầm bút này, là giai đoạn quan trọng nhất trong sự nghiệp sáng tạo của Duyên Anh, xét về cả nội dung, lẫn hình thức nghệ thuật. Có thể nói, đây là giai đoạn viết hồn nhiên, với những hình ảnh chân thực, sâu sắc, truyền cảm nhất của ông. Chính vì vậy, nó đi sâu và đọng lại trong lòng mọi tầng lớp người đọc. Và nhắc đến Duyên Anh, chắc chắc như một phản xạ tự nhiên: Hoa Thiên Lý tập truyện ngắn, được bật ra từ người đọc.  
*Bế tắc cuộc sống, mất niềm tin vào xã hội, và con người:
Sau 1954, nhát dao cắt đôi hình đất nước. Duyên Anh rời bỏ quê hương, theo dòng người di cư, trốn chạy. Tưởng rằng sẽ bình yên ở đất trời phương Nam, nhưng không phải vậy. Chiến tranh, và nỗi cô đơn cùng nghèo đói bủa vây lấy ông. Sự thất vọng ấy, đã làm cho Duyên Anh bất mãn trước một xã hội, mà ông cho rằng, giả dối và bất công. Vì vậy, ngòi bút của ông chọc thẳng vào ung nhọt đó. Sự can đảm ấy của ông luôn không vừa lòng với bất cứ chế độ, đảng phái, đoàn thể nào. Vâng, có thể nói, đây là tư tưởng dẫn đến hành động xuyên suốt sự nghiệp sáng tạo của Duyên Anh. Và đoạn văn rất sinh động: “Học chống cộng, để chống đói” có lời thoại mang tính mỉa mai, trào lộng, không chỉ chứng minh tư tưởng, hành động ấy của Duyên Anh, mà ta còn thấy được, cái sân khấu hề chèo của xã hội lúc đó:
“Mẹ ơi, Trần Học chỉ là Trần Văn Thông, thằng cán bộ thông tin, đệ tử ông Quốc Phong, bạn Hà Nội của tôi, từng thuê tôi làm thơ chống cộng ăn cơm ghi sổ. Nó nhìn thấy tôi. Nó khớp. Nó ngó tôi, mỉm cười. Vì nó có quyền, nó xin lỗi toàn thể học viên cho nó ngưng giây lát rồi ngoắc tay gọi tôi ra thật xa khỏi lớp học.
– Mày ngồi như mả ông tiên sư, tao làm ăn gì được, hả?
– Ông đâu biết mày trở thành lý thuyết gia chống cộng!
Nó móc ví xỉa cho tôi hai trăm:
– Cút mẹ mày đi cho ông dạy chống cộng!
Tôi nói:
– Khóa học 10 ngày, 5 bò lận.
Lý thuyết gia Trần Văn Thông, biệt danh chống cộng Trần Học dậm chân, nhăn nhó:
– Mày cút đi chơi, ông giảng bài xong sẽ về gặp mày. Ông cho mày ký tên vào tờ giấy xác nhận mày học đủ 10 ngày, cụ Ngô sẽ trả mày đủ 5 bò. Mày sẽ có bằng chống cộng. Từ chiều nay, ông không muốn nhìn mặt mày nữa. Cứ nằm nhà. Ngày mãn khóa nhớ đến liên hoan đớp hít, lĩnh tiền và bằng cấp.
– Thế thôi à?
– Muốn gì nữa?
– Tao muốn học chống cộng!
Lý thuyết gia chống cộng Trần Học xỉa thêm hai trăm nữa.
– Cấm mày tiết lộ vụ bán thơ.
Tôi phú lỉnh ngay.“   (Trích: Nhìn lại những bến bờ)
Trước một xã hội bất ổn, nạn bè phái, tướng tá khoái đảo chính hơn trận mạc, càng làm cho Duyên Anh chán nản, và khinh bỉ: “Với tôi, dù khát khao đổi mới, dù không ưa thái độ của Tổng giám mục Ngô Đình Thục, không chịu nổi ngôn ngữ của bà Trần Lệ Xuân, dù không chấp nhận sự thao túng của ông Ngô Đình Cẩn, tôi vẫn coi 1-11-1963 là một thoán nghịch đê tiện…“ (Nhìn lại những bến bờ). Và từ đó, ta thấy Duyên Anh xuất hiện trên cả hai diễn đàn báo chí và văn chương. Nếu trên báo chí Duyên Anh đào sâu, hạ nhục các tướng lãnh, những nhân vật cốt yếu… và cường quyền thối nát, thì ở diễn đàn văn chương ông đi tìm, xây dựng, ngợi ca du đãng, giang hồ. Và có thể nói, Điệu Ru Nước Mắt ra lò năm 1965, là một trong những cuốn tiểu thuyết điển hình như vậy của Duyên Anh ở giai đoạn này. Và sau đó, nó được chuyển thể thành kịch bản phim cùng tên do Hãng Phim Liên Ảnh thực hiện.
Từ nhận thức, tư tưởng như vậy, cho nên không chỉ ở Điệu Ru Nước Mắt, mà những tiểu thuyết cùng viết về đề tài này, Duyên Anh đều xây dựng tính cách nhân vật, với những bố cục truyện khá đồng nhất. Do vậy, thành thật mà nói, đọc đến cuốn tiểu thuyết thứ hai, thứ ba… của ông về đề tài này, cảm hứng của tôi cũng vơi dần đi ít nhiều.
Vẫn thông qua nghệ thuật đối thoại, thái độ nhân vật, Duyên Anh cài cắm ý thức tư tưởng của mình về xã hội, và con người vào đó. Tư tưởng, hồn vía ấy của Duyên Anh ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý người đọc, nhất là giới trẻ khi tương lai, và niềm tin đã mất. Thật vậy, đoạn trích lời thoại, như một lời tự sự đắng chát giữa hai tầng lớp trong xã hội (bác sỹ Niệm và gã giang hồ Trần Đại) dưới đây, chứng minh cho ta thấy sự đảo lộn giá trị đạo đức, giá trị con người. Buộc Duyên Anh phải làm sáng tỏ nó, và giải quyết nghịch lý ấy, trong tác phẩm này:
“Bác sĩ Niệm nói chưa dứt, Trần Đại chặn lại :
– Không đi hoang đâu bác sĩ ạ ! Đi tìm tương lai đấy. Gia đình bỏ rơi chúng tôi, xã hội hất hủi chúng tôi, tổ quốc khinh bỉ chúng tôi. Có ai nghĩ cho chúng tôi đâu. Vậy chúng tôi tự nghĩ lấy, tự tạo lấy con đường riêng của chúng tôi. Chúng tôi đi làm du đãng. Bác sĩ chơi với du đãng, bác sĩ sẽ hối hận đấy.
Bác sĩ Niệm đứng lên :
– Tôi không có mặc cảm gì cả, nhưng tôi nhận thấy, nếu du đãng như anh và cậu Hùng cả thì xã hội này đỡ bẩn hơn. Tôi thường nhìn lại cuộc đời mình, dĩ vãng và hiện tại, tôi nói thật, nó dáng “buồn nôn” lắm. Những mẫu người mà cuộc đời đang công kênh lên, đặt vào chiếu tri thức, giá tâm hồn họ bỗng được một phần nhỏ tâm hồn anh, tôi chắc tổ quốc này đỡ tủi nhục nhiều. Khốn nỗi, họ đê hèn hơn cả những người vô học đê hèn, họ sống ích kỹ và rỗng tuếch. Chính tôi, tôi cũng thấy mình rỗng tuếch đáng phỉ nhổ. (Điệu Ru Nước Mắt)
Khác hẳn với những truyện ngắn, bút ký về quê hương thuở ấu thơ, tiểu thuyết ở giai đoạn này Duyên Anh ít đi sâu vào miêu tả diễn biến tâm lý. Nhưng ông dành nhiều trang không chỉ thi vị hóa, mà còn còn (phóng đại) cường điệu hóa (hình ảnh, hành động) nhân vật: “Anh Trần Đại được làm tướng đi đánh nhau với cộng sản, chắc chắn anh ấy thương lính của anh ấy như thương chúng mình, anh ấy lại cừ nữa, cộng sản cứ gọi là hết ngáp…” (Điệu Ru Nước Mắt). Có thể nói, Duyên Anh đề cao nhân cách giới du đãng, giang hồ, (hay nói cách khác mượn họ) để bóc trần bộ mặt thật, giả dối lưu manh của giới chính trị, tầng lớp ăn trên ngồi trốc. Với những hình ảnh so sánh, đoạn trích dưới đây, cho ta thấy rõ điều đó:    
“Nó đã làm đủ nghề. “Thổi nghẽo, đi hiu”, gác khách cho “phỉnh cấc” và ma cạo. Nhưng nó anh dũng hơn nhiều thằng khác trong cái xã hội bẩn thỉu này là nó dám nhận nó là ăn cắp xe đạp… Tôi yêu nó. Chúng tôi yêu nó. Không hiểu bác sĩ nghĩ thế nào, chứ theo ý tôi, những thằng đang vỗ ngực nhận mình là chính khách là cách mạng chưa thằng nào có can đảm như Năm Hòa Hưng. Tôi khinh chúng nó bác sĩ ạ!” (Điệu Ru Nước Mắt).
Và trong cái xã hội trắng đen đảo lộn ấy, hình ảnh chính trực của nhà văn Thiên Chương can đảm, dám đi đến tận cùng của công lý, và sự thật, như một ngọn lửa chợt lóe lên giữa đêm đen vậy. Và phải chăng hình ảnh đó, chính là hiện thân của tác giả Duyên Anh? Đây là nhân vật đặc biệt, bất ngờ đã mở ra lối thoát cho xã hội, con người, và gieo niềm tin vào lòng người đọc. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, như (đại ý) Duyên Anh đã nói ở đâu đó, viết để giải tỏa uất ức bấy lâu. Song tôi nghĩ, chưa đủ, ông viết trên hết vì cuộc sống, cơm áo gạo tiền. Do vậy, lối viết của ông róng riết, không còn hồn nhiên, trong sáng như những năm tháng đầu.
*Biến cố 1975, với những năm tháng tù đày.
Tôi đã đọc khá nhiều hồi ký, bút ký về những ngày Saigon hấp hối của các nhà văn, tướng sĩ cả hai miền Nam Bắc. Tuy nhiên, đến lúc này, chưa có cuốn sách nào cho tôi nhiều cảm xúc như: Saigon thất thủ của Komori Yoshihisa, và Saigon ngày dài nhất của Duyên Anh. Nếu Komori Yoshihisa đi sâu vào tìm hiểu, phân tích nguyên nhân Saigon thất thủ, với những nhân vật chóp bu, thượng tầng, thì Duyên Anh đi sâu vào cái không khí đặc đến nghẹt thở, và hình ảnh cuối của người lính, cũng như tâm trạng người Saigon lúc đó. Saigon ngày dài nhất được Duyên Anh viết vào năm 1988 tại Paris. Với độ lùi của thời gian như vậy, dường như đã ủ chín những suy nghĩ, nhận định của Duyên Anh. Thật vậy, bằng kỹ năng quan sát của người làm báo, tư duy liên tưởng viết của một nhà văn, giờ phút hấp hối ấy, Saigon hiện lên rất đau thương, với hình ảnh rất chân thực, sinh động.
Trong cái mớ bòng bong, hỗn loạn ấy, nhà văn vẫn còn nhận ra sự bình tĩnh đến lạ thường của người lính. Trách nhiệm với non sông đất nước, như là một biểu tượng tự nhiên của người lính vậy. Có điều đặc biệt, không chỉ tác phẩm Saigon ngày dài nhất này, mà tác phẩm nào cũng vậy, nếu Duyên Anh đề cao, hãnh diện bởi người lính VNCH, thì bên cạnh đó, kiểu gì cũng là những lời tổng sỉ vả về sự hèn nhát, vô trách nhiệm của tướng lĩnh, và tầng lớp lãnh đạo cao nhất. Cái tư tưởng, tình cảm này xuyên suốt những trang viết của Duyên Anh. Có lẽ, đây cũng là một trong những hạn chế, mang tính cực đoan của ông chăng?
Và nếu hình ảnh bi thảm, chán chường ở người lính thất trận trong Tháng Ba Gãy Súng của Cao Xuân Huy cho người đọc nỗi cảm thông, thì vẫn hình ảnh người lính ấy, còn đọng lại ở cây viết của Duyên Anh một sự điềm tĩnh đầy tự tin:
“Người lính xe tăng mở nắp, cầm cái búa lớn nhẩy xuống đường. Chiếc tăng bị trục trặc. Bình tĩnh, người lính giáng những nhát búa. Chắc chắn, anh không nghe tướng Vĩnh Lộc hài tội tập đoàn Nguyễn Văn Thiệu và kêu gọi tiếp tục chiến đấu. Người lính ấy, biểu tượng rực rỡ và đích thực của quân đội, còn nguyên vẹn danh dự và trách nhiệm. Anh thừa hiểu bọn tướng lãnh đầu sỏ đã chạy trốn hết. Bọn thống trị bù nhìn đã chạy trốn hết. Nhưng là lính, dù thoi thóp một phút chiến đấu, anh vẫn bảo vệ danh dự quân đội, vẫn chứng tỏ trách nhiệm với tổ quốc, dân tộc. Người lính im lặng làm công việc của anh. Hẳn nhiên, anh không hò hét. Nên, anh vẫn còn đây, trước cổng nhà tôi số 225 Bis đường Công Lý, sửa xích xe tăng một cách thản nhiên. Sự thản nhiên của người lính, tôi đã không tìm thấy ở tướng Vĩnh Lộc trên vô tuyến truyền hình.” (Saigon ngày dài nhất)
Và chứng kiến sự tuẫn tiết của người sĩ quan cảnh sát, ngòi bút của Duyên Anh càng sắc bén và sâu cay. Vẫn hình ảnh so sánh đề cao khí tiết của người sĩ quan, và nhằm bóc trần bộ mặt đê hèn (trốn chạy) của các tướng lĩnh, Đô trưởng Saigon. Cùng đó, sự liên tưởng về cái giả dối, hão huyền của con người, hay của chính chúng ta nơi hải ngoại này, đã được Duyên Anh đưa tuốt tuồn tuột lên trang sách của mình. Và một đoạn văn, hay một câu hỏi tu từ dưới đây, Duyên Anh làm cho người đọc uất uất nghèn nghẹn, đắng chát không chỉ nơi cổ họng:
“Trung Tá Long đã chọn đúng chỗ để tuẫn tiết. Tướng giữ thành Sàigòn là Tổng Trấn Sàigòn đã đào ngũ… Không có Hoàng Diệu, ở những trạng lịch sử chó đẻ của thời đại chúng ta. Và trên những tiểu thuyết đấu tranh, những hồi ký chiến đấu của những con người tự nhận sống hùng mọi hoàn cảnh, người ta không thấy một dòng nào viết về cái chết tuyệt vời của Trung tá cảnh sát tên Long…Ở những cuộc đấu thầu anh hùng, liệt sĩ quốc gia tại hải ngoại, chưa thấy một nén tâm hương tưởng mộ Trung tá Long. Có lẽ, liệt sĩ đích thật không lãi lớn bằng liệt sĩ giả vờ thế thì thời đại chúng ta đang sống là cái thời đại gì nhỉ?” (Saigon ngày dài nhất)
Từ chỗ tuẫn tiết của Trung tá Long, Duyên Anh băng sang nhà thờ Đức Bà. Nơi vừa xảy ra trận chiến quyết tử của một trung đội nhảy dù. Một trận chiến không hề cân sức. Và Saigon đã không thành Leningrad, nhưng dưới ngòi bút Duyên Anh, tinh thần người lính đi vào bất tử:“…Đánh lấy chết. Chết vinh. Tôi vừa mới khô nước mắt. Trung đội nhẩy dù chết hết. Giặc cũng chết bộn. Xác quân ta và xác giặc đã được mang đi. Chiến trường đã rửa sạch vết máu. Ông ra mà xem, đường còn ướt mèm.” (Saigon ngày dài nhất). Hình ảnh đẫm máu, và nước mắt ấy, có thể là trận chiến cuối ngay trên đường phố Saigon. Nhưng chắc chắn từ đây bắt đầu một trận chiến mới trong lòng Duyên Anh, trong lòng thành phố. Và bên cạnh những người lính đi vào bất tử ấy, Duyên Anh cũng cho người đọc nhận ra, chân dung những người cách mạng mới. Có thể nói, với những biện pháp tu từ như vậy, làm cho văn của Duyên Anh sinh động, đầy ăm ắp những hình ảnh so sánh: ”A, những người này tôi đều biết. Họ ở dưới chợ Xóm Lách. Họ đã là nhân dân tự vệ chọc chó, hái trộm khế nhà tôi và gây phiền nhiễu cho dân lương thiện. Họ đã là những tên sống cù bơ, cù bất ngoài vòng pháp luật. Họ đã là ông thợ may hiền lành, bà chạp phô dễ tính. Họ đeo băng đỏ chờ đợi hoan hô cách mang…” (Saigon ngày dài nhất)
Có mặt ở thời khắc đó, do vậy Duyên Anh có một cái nhìn chân thực, sống động. Tuy nhiên, với nỗi đau cùng tâm trạng ê chề đó: Nhìn lá cờ không sinh khí? Hay hồn vía Duyên Anh cũng rũ rượi như một ngày thiếu nắng, thiếu gió. Đoạn trích sau đây, không chỉ cho ta thấy rõ điều đó, mà còn vạch trần những cái giả dối, lưu manh của lịch sử bấy lâu nay che đậy. Vâng, chẳng có cái xe quái nào ủi sập cái cổng Dinh Độc Lập, như sân khấu hề chèo trình diễn suốt gần nửa thế kỷ qua. Cảm ơn Duyên Anh, một nhân chứng sống: “Chúng tôi đã đến Dinh Độc Lập. Lá cờ Mặt trận giải phóng miền Nam đã thay thế cờ vàng ba sọc đỏ. Nó không phất phới bay theo khí thế giải phóng. Nó rũ rượi trong ngày thiếu nắng, thiếu gió. Chiếc xe tăng thứ nhất theo ngả Thị Nghè, Hồng Thập Tự, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Thống Nhất đã vào khuôn viên Dinh Độc Lập ngon lành. Cổng mở rộng sẵn. Không hề bị T-54 ủi sập như báo chí Cộng Sản tường thuật…Cộng Sản vào Dinh Độc Lập lúc 11 giờ 30 phút.“(Saigon ngày dài nhất).
Sau tháng 4-1975, cùng với quân cán VNCH, các nhà văn đều lần lượt chui vào rọ cả. Không bị lên thớt như Nguyễn Mạnh Côn, Dương Hùng Cường hay Vũ Hoàng Chương…bác nào may mắn còn trở về cũng trầy vi tróc vảy. Tuy nhiên, những năm tháng dày vò, hành hạ về cả thể xác lẫn tinh thần ấy, chưa hẳn đã là điều đáng sợ đối với họ. Mà nỗi lo sợ cho vợ con, gia đình ở một cái xã hội đảo lộn tùng phèo về đạo đức, luật pháp mới là nỗi đắng cay nhất trong lòng văn nhân tù đày. Thật vậy, tác phẩm Nhà Tù, Duyên Anh đã dành nhiều trang văn cảm động, súc tích nhất để nói về nỗi đớn đau này. Có thể nói, Duyên Anh là một trong những nhà văn hàng đầu của Việt Nam viết về tâm lý, nỗi đau, thân phận con người: “Con gái tôi, Vũ Nguyễn Thiên Hương, tức con Ki…giỏi môn văn, được ra Hà Nội thi, đậu cao sẽ sang Moscow, thương bố bị tù, thương anh bị đuổi học đã xin nghỉ học luôn. Con trai út tôi, Vũ Nguyễn Thiên Sơn, tức thằng Đốm, bị cấm đến trường. Vợ tôi bệnh hoạn dài dài, bị lừa gạt vượt biên, bị hăm dọa thủ tiêu nếu không rời căn nhà đường Công Lý. Thư hăm dọa trình công an. Công an lờ tít. Vợ con tôi bỏ nhà…lưu vong. Con chim đại bàng đã không đến ăn khế vườn nhà tôi. Và cổ tích của thằng Đốm là thất học.” (Nhà Tù)
Không như những sĩ quan, người lính cùng cảnh lao tù, cải tạo, mà dường như Duyên Anh ngơ ngác với những “nỗi khổ thật mới”. Không giấy mực, ông vận nỗi thống khổ ấy vào thơ. Những cái chết bất ngờ, rẻ mạt của người tù cải tạo làm cho Duyên Anh giật mình, kinh hãi. Lời thơ cho vợ, hay là lời tuyên án cho những kẻ giết người giấu mặt, ẩn tên này. Tôi đã đọc rất nhiều trang văn xuôi kinh hoàng về những năm tháng cải tạo tù đày sau 1975, song về thơ dường như không được nhiều. Ngoài thơ Tô Thùy Yên, thì quả thực bài “Về nỗi khổ thật mới” Duyên Anh đã làm cho tôi xúc động. Có thể nói, đây là bài thơ hay, với những hình ảnh, sự liên tưởng độc đáo, một cảm giác chờn chờn, rợn rợn, khi đọc: “Lưỡi cưa cùn cưa gỗ cưa cây thật ớn/ Đã cưa xương cưa thịt con người/ Bạn anh thét kinh âm hưởng vút lên trời/ Bạn anh giẫy giụa đất nứt tung cục cựa/…Mắt cài then kín cửa”. Hình ảnh chân thực, nỗi đau tận cùng trời đất ấy, đã đọc nhiều lần, song tôi không đủ can đảm nhắm mắt để tưởng tượng, nên đôi lúc có tính hoài nghi… Vâng! Có lẽ, chỉ có người tù cải tạo mới thấu cảm hết những điều đó mà thôi:

“Báo tin cho em biết
Bạn anh vừa cuốc đất trúng mìn
Mìn nào đó, ôi trái mìn xảo quyệt
Ai cũng được quyền gài và quyền lớn tiếng thanh minh…
Lưỡi cưa cùn cưa gỗ cưa cây thật ớn
Đã cưa xương cưa thịt con người
Bạn anh thét kinh âm hưởng vút lên trời
Bạn anh giẫy giụa đất nứt tung cục cựa
Anh ghì tay bạn anh
Mắt cài then kín cửa
Hồn đi xa khỏi thế giới lầm than
Nỗi đau đóng đinh thập giá có đâu bằng
Bạn anh bị cưa chân bởi thứ cưa cưa gỗ
Nhân loại có nhiều nỗi khổ
Nhưng chưa có nỗi khổ nào giống nỗi khổ bạn anh…” (Về nỗi khổ thật mới)

Nếu ta đã đọc Ở Cuối Hai Con Đường của nhà văn Phạm Tín An Ninh, thì sẽ có sự đồng cảm hơn khi đọc Nhà Tù của Duy Anh. Cả hai nhà nhà văn cùng đi sâu vào khía cạnh tình người. Với cái nhìn chân thực của nhà văn, hơn hết là một người tù: Không phải tất cả những người quản giáo đều tàn nhẫn, và mất hết tình người. Ở họ, nhà văn vẫn tìm thấy sự đồng cảm, sự sẻ chia. Vâng, có lẽ đây là một trong những giá trị chân thực nhất mà tôi đã tìm được ở những tác phẩm này: “Các anh nhà văn, nhà báo, các anh có tội với Đảng chứ không có tội với ai hết. Các anh lao động đầu óc, khác mấy anh tư sản mại bản. Tôi kính trọng các anh với tư cách cá nhân. Tôi là bộ đội, đang là công an tạm thời, chờ chuyển ngành hoặc giải ngũ…” (Nhà Tù)
Không chỉ người quản giáo, mà ở người cán bộ kiểm sát cấp cao, nhà văn may mắn gặp được cái tình người còn sót lại. Thành thật mà nói, đây là lần đầu tôi bắt gặp chi tiết này, trên trang văn của các cựu tù cải tạo. Có thể nói, đây là chi tiết, tư tưởng hành động khá thú vị. Nó không chỉ cho người đọc cảm được sự trung thực, mà còn làm dịu mát đi tác phẩm vốn dĩ đã nóng bỏng, và chua cay này. Hồi ký, bút bút thường mang tính chủ quan, các sự kiện được kể lại, theo thứ tự thời gian tác giả trải qua, chứng kiến. Do vậy, lời văn chậm, khó gây cảm hứng cho người đọc, nhất là giới trẻ. Tuy nhiên, cũng ở thể loại này, Duyên Anh sử dụng nhiều, và rất tinh tế nghệ thuật đối thoại, làm cho lời văn ngắn gọn, sinh động, buộc người đọc phải đi đến tận cùng trang viết. Thật vậy, lời thoại dưới đây, cho chúng ta thấy rõ điều đó:
“Buổi sáng ngày thứ ba, ông ta đưa tôi gói cà-phê:
– Tôi đã qua nhà anh rồi ngại không dám vào. Một cán bộ vào nhà một nhà văn bị tam giữ sẽ xẩy ra nhiều dị nghị cho cả hai. Tôi mua tặng anh hai lạng.
Tôi nói:
– Tôi xin phép gửi lại tiền anh.
Ông ta lắc đầu:
– Anh quên tôi là cán bộ và anh là người bị tạm giữ. Trên tất cả vẫn là con người…
Lúc quản giáo dẫn tôi về phòng, ông ta chỉ thị: “Tôi cho phép anh Vũ Mộng Long đem cà-phê vào”. Buổi chiều, tôi chấm dứt bản tự khai. Ông ta không đọc, không chấp pháp mà cất vào ba-lô…
Ông ta đứng dậy, bắt tay tôi:
– Giữ gìn sức khoẻ.
Tôi bắt tay ông ta. Lần đầu tiên và là lần duy nhất người của Đảng bắt tay tù nhân, chúc sức khoẻ tù nhân…” (Nhà Tù)
Đọc Duyên Anh ta có thế thấy, chưa khi nào giá trị, thân phận con người rẻ mạt như những năm tháng sau 1975. Có thể nói, đó là nỗi đau khó có thể đóng thành sẹo của một dân tộc bất hạnh. Một dân tộc sợ hãi chiến tranh, và sợ hãi ngay cả khi hòa bình, nhưng vẫn phải chấp nhận cả hai. Như một lần ông đã nói (đại ý) như vậy.
*Nỗi cô đơn, bất hạnh với những năm tháng
tha hương.
Cũng như nhà văn Trần Hoài Thư, hay Lữ Quỳnh, đến được bến bờ tự do Duyên Anh càng thấy lẻ loi, và cô đơn. Do vậy, ông trở lại với thi ca nhiều hơn. Và dường như, chỉ có thi ca mới phần nào giải tỏa được nỗi u uất trong lòng văn nhân. Chính sự cô đọng ấy, thi ca cũng như hồn vía Duyên anh ở giai đoạn này, để lại sự đồng cảm sâu sắc trong lòng người đọc. Dù văn xuôi vẫn giữ vị trí quan trọng nhất trong quỹ thời gian sáng tạo của ông. Ta Và Ta là một bài thơ thất ngôn như vậy của Duyên Anh. Có thể nói, đây là bài thơ hay về nỗi cô đơn tột cùng trong tâm hồn người thi sĩ. Sự khó khăn, buồn phiền không người sẻ chia, cảm thông và bế tắc ấy của Duyên Anh, chợt làm tôi nhớ đến: Sắt Thép Đau. Một bài thơ đau đớn, oan nghiệt của linh hồn, đọc lên ai cũng phải chờn chờn, rợn rợn, được ông viết vào khoảng năm 1975. Như vậy, có thể thấy cái tâm hồn cô quạnh, đa cảm này, không phải khi Duyên Anh phải trốn chạy, lạc lõng nơi xứ người mới có: “Hồn ta thanh sắt đường rầy/ Con tàu oan nghiệt tháng ngày nghiến lên/ Cường toan nhỏ giọt đêm đen/ Lặng thinh ta đếm ưu phiền rụng rơi”. Khác hẳn với văn xuôi, thơ Duyên Anh sử dụng nhiều hình ảnh, điển tích và cổ ngữ. Do vậy, nhiều bài rất hay, sâu sắc, song không hẳn đã dễ đọc. Với đặc điểm này, thơ ông kén người đọc, nhất là giới trẻ. Và cũng chính bài “Ta Và Ta” sẽ cho ta thấy rõ điều đó:
“…Ta đến một mình không có ai
Gập ghềnh địa nạn, dốc thiên tai
Thế gian vùi ngủ uên hồng thuỷ
Thuyền vắng Noé, nước ngập đầy
Ta đến một mình ta với ta
Bỗng dưng thương ngục đá đêm già.
Cuối đường hiu hắt chiều giăng mắc
Thấp thoáng hồ ly đóm lửa xa.”
Không hề nghèo đói, không thiếu bạn bè, người thân và gia đình, nhưng Duyên Anh vẫn cảm thấy bơ vơ, đói khát trên hè phố Paris. Nhớ lại quá khứ, mà ông cứ ngỡ, mình đang ăn mày dĩ vãng, gặm nhấm linh hồn vậy. Cái cảm giác, với những bước chân lỡ nhịp đó của Duyên Anh không chỉ dừng lại ở bài Cái Bang, mà dưới hình thức này, hay cách bộc lộ khác, xuất hiện ở khá nhiều lần trong thi tập “Em Tôi Saigon Và Paris“. Có thể nói, Duyên Anh có tài làm thơ Lục bát, bởi đọc khá kỹ tập “Thơ Tù“ và “Em Tôi Saigon Và Paris“, không có bài dở, hầu như bài nào cũng cảm động cho tôi những cảm xúc khác nhau. Và bài Cái Bang dưới đây chưa hẳn đã nằm trong số những bài hay của Duyên Anh, song nó cho tôi sự đồng cảm của những kẻ xa quê, xa Tổ Quốc trên dưới bốn chục năm (như chúng tôi):
“Bị đeo tưởng đã lệch vai
Vỉa hè đất khách rạc rài bước hoang
Ăn mày chỗ đứng nhân gian
Vì chưng thiếu gậy, cái bang lỡ thời”
Nếu ta gặp hồn vía cổ thi ở những Phạm Ngọc Lư, hay Vũ Hoàng Chương, thì đọc Duyên Anh sẽ thấy, dường như ông đang thổi hồn cổ phong vào thơ lục bát vậy. Đây là một trong những đặc trưng khá tiêu biểu của thi ca Duyên Anh. Khai Bút được ông viết ngày đầu xuân Ất Sửu 1985. Bài thơ không chỉ là nỗi đớn đau, thất bại của người nghệ sĩ tài hoa lỡ vận, mà còn như một lời dự báo về nỗi đau tàn phế và cô đơn bất hạnh mà Duyên Anh thực sự phải gánh chịu vào những năm cuối đời:

“…Ngựa về vết chém ngang lưng
Ủ ê chiến tích rưng rưng chiến bào.
Tài hoa mối gặm hư hao
Tủi thân nhan sắc, nghẹn ngào phấn son.
Đường xa rêu lấp xanh buồn
Hồ ly rình rập hớp hồn tinh anh
Rượu xuân mừng chén lênh đênh
Nghìn năm sau vẫn một mình mình thôi“

Duyên Anh làm khá nhiều thơ có tính thời sự, nhưng “Trót Quên“ viết tặng Huy Cận (người rất yêu thơ về Paris của ông), đã mang đến cho tôi nhiều cảm xúc nhất. Vẫn thể lục bát, viết về một thời lầm lỡ của thi nhân như thể răn đời, và răn mình vậy: “…Vòng tay ôm lãnh tụ hèn/ Vòng tay ôm ý thức điên rối bời/ Vòng tay ôm rã ôm rời/ Đã quên ôm chặt một người mình yêu“. Nếu được phép tuyển chọn, với tôi bài thơ trữ tình: “Bấy Giờ, Em Ơi“ là bài thơ hay nhất trong thi tập Em Tôi Saigon Và Paris của Duyên Anh. Và hơn thế nữa, cùng với Em Đi Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp, Khi Chưa Có Mùa Thu của Trần Mạnh Hảo, Tình Ca Ban Mai của Chế Lan Viên… Bấy Giờ, Em Ơi là một bài thơ trữ tình hay nhất ở thể ngũ ngôn của thi ca đất Việt. Trích đoạn có lời thơ, hình ảnh tuyệt đẹp, và nhẹ nhàng dưới đây chứng minh thêm tài năng thi ca của nhà văn Duyên Anh:

“…Có bao giờ em nói
Lời tình tự ca dao
Có bao giờ em gọi
Hồn ta về với nhau
Mùi hương nào gợi nhớ
Vườn trăng thoảng hương cau
Con diều nâu đòi gió
Gửi nhạc sáo lên cao
Nhịp võng trưa mùa hạ
Ngày xưa ru ngày sau
Thi ca trong sữa lúa
Tiểu thuyết trên lụa đào…“

Có thể nói, cuộc đời Duyên Anh là một cuốn tiểu thuyết đầy biến cố, và bi kịch. Nhưng bằng tài năng, lòng vị tha, và nghị lực sống đã giúp ông vượt qua những bất hạnh đó, nhất là những năm tháng cuối đời. Cuộc đời và trang viết của ông đi qua nhiều thế hệ người đọc, bởi cái tư tưởng dân tộc, sự can đảm nói, viết những điều không ai dám nói. Vâng, chỉ có sự thật mới cảm hóa được lòng người. Và sự can đảm, tính nhân bản này, là một đặc tính, một nhân cách rất cần cho một nhà văn.
Leipzig ngày 9- 8-2021

(Mục chân dung nhà văn- Đỗ Trường)
Đỗ Trường 
*
*     *

Duyên Anh và Những Tác Phẩm
*
*     *

Julie Quang hát nhạc Duyên Anh (1984)

Đầu năm 1984, Julie và Duyên Anh đã có một buổi họp mặt tại nhàTrần Quang Hải- Bạch Yến.. Duyên Anh đã ghi âm lại buổi văn nghệ bỏ túi với 3 người – Duyên Anh, Trần Quang Hải, Julie. Trần Quang Hải đệm đàn guitar, Julie hát, Duyên Anh bấm nút thu âm, rót rượu kiêm dẫn nghĩa. Những nhạc phẩm sau đây của Duyên Anh đã được Julie hát hôm ấy: 
1- Ru đời phù ảo 
2- Chuyện tình 
3- Nghìn sau lơ lửng 
4- Ngồi gần anh chút nữa 
5- Quên em phiền muộn 
6- Tưởng chừng như 
*
*     *

Sài Gòn Ra Đường – Thơ Duyên Anh – Nhạc Vũ Trung Hiền – Tiếng hát Bạch Yến 

Sài Gòn Ra Đường
Sài gòn ra đường không áo dài
Em sợ đang mùa gió chướng bay
Gió bay cuốn hút mùi hương cũ
Chỉ để riêng mình ta ngất ngây
Sài gòn ra đường không phấn son
Em sợ rừng sâu gỗ giận hờn
Chinh phu gió cát nghìn phương lạnh
Chinh phụ nào ham chuyện lược gương
Sài gòn ra đường không thích cười
Em sợ đèo cao lệ đá rơi
Nên đã mùa đông về tạm trú
Đã về sương tuyết phủ niềm vui
Sài gòn ra đường không líu lo
Em sợ âm vang động cõi hờ
Hãy nghe hơi thở còn xao xuyến
Trong đáy hồn nhau gọi ước mơ
Sài gòn ra đường không giống ai
Tóc mây lớp lớp khói u hoài
Mắt chim khuyên đã diều hâu hết
Cúi xuống nhìn lên vẫn ngậm ngùi.
Duyên Anh
*
*     *

Có bao giờ Em hỏi ? – Thơ Duyên Anh – Nhạc Phạm Duy 

Tiếng hát Hạt Sương Khuya 
Có bao giờ em hỏi
Quê hương mình ở đâu
Có bao giờ em đợi
Tháng mấy trời mưa ngâu.
Có bao giờ em nói
Câu tình tự ca dao
Có bao giờ em gọi
Hồn ta về với nhau!
[ĐK1:]
Mùi hương nào gợi nhớ
Vừơn trăng thoảng hương cau
Con diều nâu theo gió
Gởi nhạc sáo lên cao.
Nhịp võng trưa mùa hạ
Ngày xưa ru ngày sau
Thi ca trong sữa lúa
Tiểu thuyết trên lụa đào.
[ĐK2:]
Em, bao giờ em khóc
Có Bao Giờ Em Hỏi
Ngơ ngác vì chiêm bao
Chưa kịp mê Tam Cúc
Xuân hồng đã trôi mau.
Chưa kịp hôn môi tết
Tháng giêng son phấn sầu
Bây giờ em mới biết
Em đã chết từ lâu
Em đã chết từ lâu.
Có bao giờ em hỏi quê hương mình ở đâu?
Có bao giờ em đợi tháng mấy trời mưa ngâu?
Có bao giờ em nói câu tình tự ca dao
Có bao giờ em gọi hồn ta về với nhau
Mùi hương nào gợi nhớ vườn trăng thoảng hương cau
Con diều nâu theo gió gợi nhạc sáo lên cao
Nhịp võng trưa mùa hạ ngày xưa ru ngày sau
Thi ca trong sữa lúa tiểu thuyết trên lụa đào.
Có bao giờ em hỏi quê hương mình ở đâu?
Có bao giờ em đợi tháng mấy trời mưa ngâu?
Có bao giờ em nói câu tình tự ca dao
Có bao giờ em gọi hồn ta về với nhau
Em bao giờ em khóc, ngơ ngác chuyện chiêm bao
Chưa kịp mê tam cúc, xuân hồng đã trôi mau
Chưa kịp hôn môi Tết, tháng Giêng son phấn sầu
Bây giờ em đã biết, em đã chết từ lâu.
Chết từ lâu ….. 
*
*     *
         

Album: Ru Đời Phù Ảo – Tình Khúc Duyên Anh 

Chỉ Còn Vậy Thôi Sao – Quốc Anh
Có Bao Giờ Em Hỏi – Quốc Anh
Chuyện Tình – Tấn Phát
Ru Đời Phù Ảo – Ngọc Hải
Ru Em Phiền Muộn – Ngọc Hải
Ru Người Mê Hoặc – Ngọc Hải
Ru Ta Ru Đời – Ngọc Hải
Em, Anh Đã Tới Paris – Tấn Phát
Tổng hợp
VNX (06/02/2023) 
https://phailentieng.blogspot.com/2023/02/duyen-anh-tu-cam-xuc-cho-en-tan-cung.html?fbclid=IwAR3nddA8OtdB8VpJI8JkHBYlys0L-diwyhsKDYmKlamEHJYXW6C6sQ43Mgo