Bước vào tuổi tám mươi, nhà văn Dương Viết Điền sức khỏe rất yếu, không còn ngồi được để thực hiện tiếp những tác phẩm còn dang dở nên nhờ Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời gian giúp anh thực hiện tuyển tập Thơ & Nhạc, ra mắt tác phẩm vào trưa Chủ Nhật 24/11/2024 tại VietLife Club, thành phố Westminster. Trong tuyển tập nầy có 3 bài viết của nhà văn Việt Hải, nhà văn Khánh Lan và tôi.
Dương Viết Điền là bạn văn và cũng là bạn cùng khóa (Khóa Nguyễn Trãi I Trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị, Đà Lạt) và cùng định cư tại Hoa Kỳ năm 1990 (Diện H.O). Khi ra trường, anh phục vụ tại Tiểu Đoàn 10 CTCT, sau đó biệt phái sang Phòng Báo Chí (phụ tá Trưởng Phòng), Khối CTCT Quân Đoàn I nên có cơ hội quen biết với giới cầm bút trong thời gian quân ngũ. Trong tình bạn tâm giao cố tri với nhau từ thời ở quân trường nên một số tác phẩm anh gợi ý tôi viết để chia sẻ cùng độc giả.
Trong ba thập niên qua, anh đã sáng tác hơn hai mươi tác phẩm, và một loạt tác phẩm Nhật Ký Lúc Chiều Tà (tập I năm 2014 đến tập VII năm 2019) ghi lại quãng đời của anh từ thời trai trẻ, trong quân ngũ, trong lao tù và năm tháng tị nạn ở Mỹ. Theo anh, muốn tiếp tục ấn hành với nhật ký nầy đánh dấu nửa thế kỷ mất nước và những tác phẩm khác nhưng vì bệnh tình nên đành dang dở.
Tác phẩm đầu tiên của Dương Viết Điền với Hồi Ký Trại Ái Tử & Bình Điền ấn hành năm 1993. Cộng Sản Việt Nam đã lập khuôn Cộng Sản Liên Xô với Quần Đảo Ngục Tù mà họ gọi “trại học tập cải tạo” để đánh lừa dư luận quốc tế. Trải qua gần hai thập niên sau tháng 4/1975, những tù nhân đã trải qua các trại tù từ Nam chí Bắc đã viết lại qua các tác phẩm (hồi ký):
Đáy Địa Ngục (Tạ Tỵ), Đại Học Máu (Hà Thúc Sinh), Cùm Đỏ (Phạm Quốc Bảo), Tầng Cuối Địa Ngục (Đỗ Văn Phúc), Hồi Ký Trại Ái Tử & Bình Điền (Dương Viết Điền) Vùng Đất Ngục Tù (Nguyễn Vạn Hùng), Những Người Tù Cuối Cùng (Phạm Gia Đại), Thép Đen (Đặng Chí Bình), Hối Ký Người Tù Cải Tạo của Đại Tá Nguyễn Huy Hùng, Trại Tập Trung của Duyên Anh, Tù Cải Tạo Hồi Ký (Nguyễn Đức Cung), Một Cuộc Đổi Đời KALE (Lê Anh Kiệt, Hồi Ký 17 năm trong các trại tù cải tạo của Cộng Sản), Vết Nám: Hồi Ký Tù Cải Tạo (Hoàng Long Hải), Đời Tù Một Thiên Nga, Biệt Đội Thiên Nga (Nguyễn Thanh Thủy), Đóa Hồng Gai (Nguyễn Thanh Nga), Hồi Ký Cải Tạo & Vượt Biên (Nguyễn Duy Chính), Lao Tù Cải Tạo & Những Phần Đời Của Định Mệnh (Nguyễn Kỳ Dzương, năm 2024)… Trong số tác phẩm bằng tiếng Việt, có hai tác phẩm của Đỗ Văn Phúc và Phạm Gia Đại do chính tác giả dịch ra tiếng Anh và hồi ký Nguyễn Thanh Thủy…
Các trại tù thuộc vùng I & II trước kia không bị đày ra Bắc vì cũng hắc ám trong quần đảo ngục tù (tác phẩm Arkhipelag Gulag của văn hào Solzhenitsyn, Quần Đảo Gulag hay Quần Đảo Ngục).
Ái Tử vừa là tên làng thuộc huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Năm 1971 là Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 3 bộ binh. Bình Điền là địa danh nơi thung lũng thuộc tỉnh Thừa Thiên, căn cứ thuộc đơn vị của sư Đoàn 1 Bộ Binh. Cộng Sản dùng hai nơi nầy làm trại tù. Dương Viết Điền bị 10 năm tù đã ghi lại năm tháng nơi lao tù. Trong Hồi Ức Mùa Hè Đỏ Lửa, anh viết “Năm 1972, đại đội 102 Chiến Tranh Chính Trị, thuộc TĐ 10CTCT của tôi được tăng phái cho Sư Đoàn 3 Bộ Binh đóng tại căn cứ Ái Tử thuộc tỉnh Quảng Trị. Lúc bấy giờ đại đội trưởng là đại úy Trần Văn Hải, đại đội phó là tôi mang cấp bậc trung uý”. Rồi 3 năm sau, anh là người tù nơi địa danh nầy!
Trong quyển Trại Ái Tử & Bình Điền, nhạc sĩ Nguyễn Hiền viết Lời Giới Thiệu “… Đương nhiên sau ngày vận nước suy vong đó, chúng ta đã có một dòng văn học gồm những tù nhân chính trị viết lại sinh hoạt của họ trong các trại giam Cộng Sản. Và do vậy những cây bút ấy đã góp phần phong phú hóa cho vườn hoa văn học nghệ thuật hải ngoại thêm nhiều màu sắc. Trong số đó có văn hữu Dương Viết Điền đã viết hồi ký Trại Ái Tử & Bình Biền xuất bản năn 1993 và nay lại tái bản theo yêu cầu của độc giả hải ngoại.
Lối văn hồi ký ghi những kỷ niệm trong thời gian đi tù “cải tạo” như kể chuyện đã hấp dẫn người đọc tìm hiểu về tâm tư của tác giả cùng những bạn tù và chế độ các trại giam của Cộng Sản…”
Năm 2003, anh ấn hành quyển Những Anh Hùng Vị Quốc Vong Thân, trong quyển nầy anh liệt kê những vị anh hùng tuẫn tiết trong ngày 30/4/1975, dựa vào các bài viết, hồi ký người tù từ Bắc chí Nam trở thành tài liệu đáng nhớ. (Nhạc sĩ Nguyễn Hiền là người rất thận trọng và khó tính nhưng là người giới thiệu về hai quyển sách nầy. Trong những lần cùng uống cà phê với ông, có vài tác giả đến nhờ ông viết nhưng ông từ chối rất tế nhị).
Trong quyển sách nầy, Dương Viết Điền ghi lại hình ảnh như Thiếu Tá Võ Đằng Phương. Nói đến cuộc bạo động trong tù, chúng ta không thể quên được “Vụ 20 tháng 4 năm 1979” xảy ra tại phân trại 4 thuộc trại tù Bình Điền. tại tỉnh Thừa Thiên. Vụ này do một ban tham mưu gồm 9 Sĩ quan của QLVNCH chỉ huy toàn thể 500 tù nhân trong trại vùng dậy đòi cải tổ chế độ lao tù. Có 9 sĩ quan trong ban tham mưu can đảm nổi dậy trong trại tù. Dương Viết Điền cùng anh Võ Đằng Phương ở chung trại tù Bình Điền khi tị nạn ở Los Angeles thu thập thêm tin tức về người tù bất khuất VĐP.
“Sau vụ này nhiều anh em tù nhân đã bị bọn công an đánh đập một cách bạo tàn đến gãy xương, trào máu, bầm gan tím ruột. Nhiều sĩ quan đã bị chết trong tù sau những trận đòn dã man vô nhân đạo… Còn tất cả 9 sĩ quan trong ban tham mưu nói trên đều bị cùm tay, cùm chân gần năm năm trời trong nhà biệt giam…”
Thiếu Tá Võ Đằng Phương thuộc Lữ Đoàn 258 TQLC sau thời gian bị biệt giam vẫn kiên cường bất khuất viết thư lên lên Thủ Tướng Phạm Đồng nêu lên cách đối xử tàn ác và “Đây là một hành động vi phạm trắng trợn hiệp định Paris năm 1973 mà chính các ông đã ký kết”. Trong bức thư, yêu cầu “Thả ngay lập tức tất cả sĩ quan và những nhân viên của chế độ cũ đang bị giam cầm trái phép và phải đối xử nhân đạo theo bản tuyên ngôn nhân quyền quốc tế. Hãy đối xử nhân đạo và bình đẳng với vợ con, gia đình của tất cả sĩ quan và những viên chức trong chế độ cũ trước đây…”. Ký tên Võ Đằng Phương…
Sau bức thư đó, Cộng Sản đưa anh Võ Đằng Phương ra toà xét xử, anh VĐP đã ở tù được 10 năm, bây giờ theo lệnh toà án, anh tiếp tục ở tù thêm 10 năm nữa là 20 năm!…
Anh VĐP sau đó chuyển về trại tù Hàm Tân. “Qua 20 năm lao tù, lúc trở lại quê nhà, anh bị bạo bệnh kéo dài và hành hạ do những trận đòn tra tấn dã man và ác độc qua những năm tháng quằn quại trong ngục tù để rồi sau đó, anh chưa kịp đi diện H.O đã vĩnh biệt cõi đời trong tức tưởi và uất nghẹn vì thù nhà chưa trả, nợ nước chưa đền”.
Tác phẩm Những Anh Hùng Vị Quốc Vong Thân năm 2003, nhạc sĩ Nguyễn Hiền viết lời Bạt. (Hai tác phẩm nầy khi tôi phụ trách Section B nhật báo Sài Gòn Nhỏ, bạn tôi gởi file Microsoft Word để trích đăng trên trang báo).
Trong hai quyển sách nầy, anh là nhân chứng và thu thập nguồn tin ghi lại những chiến sĩ VNCH trong lao tù đã gan dạ “uy vũ bất năng khuất” đã “Chấp nhận cái chết và tên tuổi từng tù nhân bị đọa đày với nhiều thủ đoạn rất dã man trước khi sát hại với danh sách rất dài hơn ba mươi trường hợp không chỉ hai trại tù nầy mà còn những trại tù khác…”. Rất tiếc, anh đủ trình độ Anh ngữ như người bạn cùng khóa Đỗ Văn Phúc để chuyển sang tiếng Anh (tôi đã gợi ý) nhưng anh cho biết sẽ mất nhiều thời gian.
Về thơ, Dương Viết Điền lấy bút hiệu Hạ Ái Khanh (tên của hai người con gái và con trai) theo anh, nếu chẳng may qua đời sớm thì tên tuổi ba người con gắn liền với cuộc đời anh. Ngậm Ngùi (thơ 1996), Speechless (thơ Anh ngữ 2000), Nghẹn Ngào & Speechless (thơ song ngữ 2003), Chạnh Lòng (thơ 2014)…
Với bốn bài viết về Xuân, Hạ, Thu, Đông qua thi ca Việt Nam của anh đã sưu tầm và tổng kết dẫn chứng rất phong phú dòng thi ca VN từ thời tiền chiến đến trước năm 1975 ở miền Nam Việt Nam. Và hai bài “Trăng…, Nhớ Mẹ Qua Thi Ca” với hình ảnh nơi cố hương.
Về sách, nhạc, tuyển tập, ký sự, nhật ký với tên thật Dương Viết Điền.
Về tuyển tập Thơ Văn Nhạc ấn hành năm 2010, sách dày hơn 500 trang, thành công trong buổi ra mắt sách vào trưa Chủ Nhật 26 tháng Chạp, cuối năm 2010 tại Diamond Seafood Palace. Trong buổi RMS nầy có đông đủ quan khách, giới truyền thông Việt ngữ, các hội đoàn trong quân đội, thân hữu và được sự đóng góp cho chương trình văn nghệ phong phú với nhiều ca sĩ… (như đã đề cập ở trên, tác giả chọn lọc số bài thơ và nhạc phẩm ấn hành tuyển tập thơ & nhạc, trên giấy trắng, full color để RMS tại VietLife Club sau 14 năm, kỷ niệm tuổi tám mươi).
Năm 2022, Dương Viết Điền ấn hành tác phẩm Những Kỷ Niệm Với Các Nhạc Sĩ Việt Nam năm 2022.
Với tác phẩm nầy tôi được “vinh dự” thay anh viết Đôi Lời Phi Lộ (trang 5-8) vì trong 11 nhạc sĩ anh đề cập tôi quen biết nhiều nhạc sĩ và cảm nhận những gì anh đề cập đã viết bài.
Trích: “Tác phẩm Những Kỷ Niệm Với Các Nhạc Sĩ Việt Nam cảu nhà văn Dương Viết Điền là tuyển tập hồi ký mười một nhạc sĩ đã viết trong thời gian qua. Từ những nhạc sĩ đã quen nhau từ thời học sinh ở Đà Nẵng như Nhật Ngân, trong ngành Chiến Tranh Chính Trị như Nguyễn Đức Quang, trong trại tù Bình Điền như Đinh Miên đến những nhạc sĩ ở hải ngoại như Nguyễn Hiền, Anh Bằng, Lam Phương, Lê Văn Khoa, Tuấn Khanh, Lê Trọng Nguyễn, Lê Dinh, Hồ Xuân Mai…
Khi tham gia sinh hoạt văn học nghệ thuật Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ, Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian tạo thêm môi trường thuận lợi cho anh tiếp xúc với các nhạc sĩ được anh trang trải qua các bài viết…
Với nhóm NVNT & TTG, nhà văn Việt Hải được xem như “gạch nối” giữa bạn tôi với các văn nghệ sĩ. Hè năm 2005, tôi ra tờ Cali Weekly, cùng thời điểm đó Văn Đàn Đồng Tâm ở Texas do nhà văn Doãn Quốc Sỹ, GS Tạ Xuân Thạc, GS Lê Hữu Mục, GS Nguyễn Thanh Liêm… chủ trương nhằm mục đích vinh danh những tác giả, tác phẩm đã có công đóng góp cho nền văn học miền Nam VN và giới thiệu giới trẻ trong sinh hoạt văn học hải ngoại… Vì vậy trong những lần sinh hoạt, bạn tôi có cơ hội gặp gỡ các nhạc sĩ…
Nhà văn Dương Viết Điền qua những mẩu chuyện kể trong Những Kỷ Niệm Với Các Nhạc Sĩ Việt Nam. Tôi gọi là “mẩu chuyện” vì có sao viết vậy, không hư cấu, không cường điệu, màu mè… với bản chất thật thà, hiền lành ngay từ thuở ở quân trường”.
Tôi và Việt Hải, bạn văn đã lâu nhưng ở xa còn Dương Viết Điền và Việt Hải cùng ở Los Angeles nên mọi sinh hoạt văn học nghệ thuật đều có nhau. Tình bạn văn nghệ qua hai thập niên vẫn bên nhau, nhưng rất tiếc vì anh mang nhiều căn bệnh hiểm nghèo (hậu quả trong 10 năm tù) nên cuối đời bỏ cuộc.
Dương Viết Điền có chí ham học, anh kể cho tôi nghe, sau những năm lao tù, sức khỏe yếu nên được làm chăn trâu. Vợ anh thăm nuôi, giấu trong thức ăn khô cuốn tự điến Anh Việt bỏ túi, anh xé ra từng trang, bọc nylon, chôn cạnh chuồng trâu, mỗi ngày cố gắng học thuộc 2 trang… cho đến khi hết cuốn tự điển. Cũng nhờ chú tâm học thuộc và ôn lại nên quên bớt những nỗi đau của người tù. Vì vậy anh đã thực hiện hai tập thơ Anh Ngữ Speechless năm 2000 và song ngữ Nghẹn Ngào (Speechless) năm 2009.
Khi bước vào tuổi bảy mươi, Dương Viết Điền dành hết thời gian để thực hiện Nhật Ký Lúc Chiều Tà gồm 7 quyển khoảng hai nghìn trang ghi lại quãng đời từ thời trai trẻ, trong quân trường, ngoài đơn vị, trong lao tù, ở hải ngoại với nhiều lần hội ngộ cùng bạn bè gần xa… Anh có trí nhớ rất tốt để hồi tưởng và viết rất chân tình. Anh còn dẫn chứng qua tất cả emails (nguyên văn) trao đổi với nhau… Nếu viết về anh qua nhật ký ghi lại, có lẽ vài chục trang cũng chưa nói hết.
Với tuyển tập Thơ, Nhạc nầy chỉ là những sáng tác tượng trưng trong toàn bộ tác phẩm của anh. Và có lẽ ở tuổi tám mươi, tuổi hoàng hôn của cuộc đời, có thêm đứa con tinh thần lưu niệm. Khi anh gọi cho tôi, “Mầy ngày nào cũng cà phê, thuốc lá liên miên nhưng vẫn còn khỏe, minh mẫn, viết văn phụ trách tờ báo. Tao bây giờ quá yếu, chờ ngày…” Tôi thạt xúc động.
Tôi rất thích bài viết Mày – Tao của nhà văn Song Thao: “Ngày nay, tuổi đã… hạc, tôi và anh bạn tiểu học ngày xưa vẫn không bỏ được lối xưng hô mày – tao. Khi xưng hô với nhau như vậy, chúng tôi như sống lại tình bạn chân thật ngày còn nhỏ nhít. Chẳng ai cảm thấy bị khinh miệt hay nhục mạ. Chỉ có tình bạn thời lòng còn trong trắng, chẳng có chút tính toán nào, mới làm cho mày – tao trở nên hết sức hồn nhiên…
Thời chiến mày – tao là ngôn ngữ của dân nhà binh, chẳng họ hàng hang hốc chi mà sống với nhau như anh em một nhà, cùng chia nhau bom đạn, che chở nhau như tình nhân. Rồi khi chinh chiến tàn lụi, mang thân kẻ thua trận, cùng nhau hứng sự thù hận trong các trại tù, đám chiến bại lại chia nhau tủi nhục, lại nảy sinh ra tình mày – tao. Mày – tao trong sinh hoạt hàng ngày vun những người tù cam chịu tủi nhục thành một gia đình.
Mày – tao là sản phẩm dịu dàng của thời học trò, thời lính hoặc thời tù đày”.
Tôi nhớ bài viết của nhà báo Nguyễn Ngọc Chấn khi viết về mầy – tao nghe rất thú vị và “sướng” vô cùng khi chuyện trò với bằng hữu cùng lớp ở Chu Văn An tha hồ tán phét vì khi giao tiếp ngoài đời với anh – tôi, ông – tôi… ít thân thiện và cởi mở.
Trong nhóm NVNT & Tiếng Thời gian, chỉ có Dương Viết Điền và tôi với “mày – tao”. Có lẽ từ thuở quân trường, chúng tôi thường gọi nhau như vậy. Điền ơi! Nếu chẳng may, lỡ dại mày “bỏ” tao trong cuộc chơi nầy. Buồn vô cùng… Ngày xưa cụ Nguyễn Khuyến khóc cụ Dương Khuê “Bác Dương thôi đã thôi rồi. Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta… Tuổi già hạt lệ như sương. Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan”. Nay chưa biết được ai khóc ai, là họ mày hay tên ta! Thôi thì đứa còn lại khóc tiễn người đi…”.
Hơn ba thập niên Dương Viết Điền trong lãnh vực Văn Học Nghệ Thuật với cuộc hành trình văn-thơ-nhạc đã đóng góp trong dòng văn học hải ngoại qua những sáng tác, tác phẩm, CD nhưng rất tiếc không được phổ biến nhiều trên những trang webs và blogs để độc giả, thính giả xa gần biết nhiều và thưởng ngoạn.
Trở lại với tuyển tập Văn, Thơ & Nhạc ấn hành và ra mắt sách năm 2010, nhà văn Trần Phong Vũ đã viết:
“… Khách đến đông đảo, ngồi kín các chiếc bàn tròn phủ khăn trắng và các chiếc ghế có thắt chiếc nơ hồng to tướng. Có gần hai trăm khách mời tham dự…
Cử hành nghi lễ chào quốc kỳ, quốc ca thân yêu của miền Nam khi trước. Mọi người cùng cất tiếng hát bài quốc ca VNCH trong nỗi xúc cảm dâng trào. Lan Hương cất tiếng hát quốc ca Hoa Kỳ thật long trọng. Phút mặc niệm cũng là giây phút thiêng liêng để mọi người cùng nhớ đến sự hy sinh của chiến sĩ VNCH bỏ mình vì nước…
Với thành phần tham dự, nhà văn Trần Phong Vũ ghi lại rất đông… với những khuôn mặt điều khiển chương trình quen thuộc trong cộng đồng người Việt tị nạn và nhiều ca sĩ góp mặt trong buổi RMS..
“Theo như các phóng viên và ký giả báo chí có mặt tại chỗ thì buổi ra mắt sách hôm nay của nhà văn Dương Viết Điền đã thành công về phẩm lẫn lượng. Số khách tham dự đông đảo. Nhà văn Dương Điền ngồi ký tặng sách mỏi cả tay, trong lúc khách vẫn đứng xếp hàng chờ mua sách”.
Tuyển tập tái bản Thơ & Nhạc, ra mắt tác phẩm vào trưa Chủ Nhật 24/11/2024 tại VietLife Club, theo nhà văn Việt Hải “Tác giả Dương Viết Điền vào năm 2013, ban tổ chức giải thi tuyển âm nhạc Trung Tâm Asia, bài hát Thương Em đã được chọn chấm giải nhạc hay. Hai nhạc sĩ cổ thụ Lam Phương & Anh Bằng khen ngợi hai bài Thương Em và Tóc Bay của Dương Viết Điền”. Nhà văn Khánh Lan cùng Dương Viết Điền chăm sóc phần kỹ thuật đã chia sẻ trong bài viết: “Qua 49 năm sống tha hương, thời gian như vô tình làm lu mờ hình ảnh những ngày đau thương của đất nước, những thảm cảnh tang thương, thương tâm xảy ra cho những người ở lại trong ký ức của những người con viễn xứ. Tuyển Tập Thơ & Nhạc của nhà thơ, nhà văn Dương Viết Điền đã làm sống dậy tâm tư của một thế hệ ‘nửa vời’ tỉnh giấc trong đó có tôi”.
Trong buổi RMS nầy ca sĩ Thụy Lan trình bày ca khúc Thương Em với điệu Slow (tôi đã nghe ca khúc nầy vài lần) nhưng lần nầy cảm thấy rất tuyệt qua tiếng hát với làn hơi phong phú, nhẹ nhàng, mượt mà mang âm hưởng giọng Huế đưa tâm hồn thính giả trở về trong lời ca và giai điệu mang nỗi buồn xa thẳm:
“Thương em qua những lúc cười. Nhìn em đắm đuối trên môi. Thương em thương mãi suốt đời. Dù rằng không nói một lời… Tình chiều chấp cánh bay rồi. Ôi buồn thương nhớ đầy vơi!”. Và tiếp đến với ca khúc Chạnh Lòng “Ngày đó tôi vẫn mãi yêu người nhưng nghẹn ngào không không nói lên lời đành thôi, tình yêu như không mở lối, còn chi đâu em mà nói, chuyện tình nầy rồi cũng đã xa xôi”.
Có nhiều bài thơ với hai chữ Chạnh Lòng, trong đó có bài thơ Giây Phút Chạnh Lòng của nhà thơ Thế Lữ năm 1937:
“Ta muốn lòng ta cứ lạnh lùng
Gác tình duyên cũ chẳng đường trông.
Song le hương khói yêu đương vẫn
Phảng phất còn vương vấn cạnh lòng”.
Nhà thơ Thế Lữ khi đọc tiểu thuyết Đoạn Tuyệt của nhà văn Nhất Linh, cuộc tình Dũng & Loan rất đẹp nhưng rồi kẻ ở người đi!
Trong ca kúc Đường Xưa Lối Cũ của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ “Chạnh lòng thương nhớ những phút xưa, phút xưa qua qua rồi. Lạnh lùng tưởng nhớ bóng dáng ai in sâu trong lòng tôi”. Với Dương Viết Điền thì chạnh lòng bởi “Ôi! Kỷ niệm buồn còn vương vấn trong tôi”.
Qua mười tám ca khúc trong tuyển tập nầy (có ba bài phổ thơ của Thế Lữ, Thinh Quang, Việt Hải), nhạc sĩ Dương Viết Điền có lẽ ảnh hưởng dòng nhạc bán cổ điển (classical music) và trong bài viết 5 Bản Nhạc Cổ Điển Tây Phương của anh đã tìm hiểu về nên âm nhạc cổ điển nên hầu hết các ca khúc với giai điệu (melody) nhẹ nhàng, khoan thai hợp với lời ca mang nỗi buồn man mác, xa vắng.
Tôi thường gọi bạn tôi “nghệ sĩ trầm lặng” vì biết bản tính anh từ ngày ở quân trường trên Đà Lạt, cách nay gần sáu thập niên. Khi anh bước vào con đường văn học nghệ thuật coi như “người bạn tri kỷ” và sự giải trí thanh tao trong cuộc sống nơi xứ người. Đức tính khiêm nhường và trầm lặng của anh, với tôi, rất quý vì phù hợp với tâm hồn. Câu nói của triết gia Pháp cho rằng những người thường khoe khoang, khoác lác thường với tâm hồn rỗng tuếch vì đầu óc họ chỉ có vậy. Và câu nói nhà bác học Blaise Pascal từ thế kỷ XVII “Le moi est haïssable” (Cái tôi đáng ghét) chứng minh cho điều đó.
Vì tình trạng sức khỏe không cho phép nên Dương Viết Điền không tiếp tục những tác phẩm còn dang dở như nỗi niểm của anh trong tập cuối Nhật Ký Lúc Chiều Tà!
“Nhạc chiều của chúng ta
Là câu ân ái muôn đời
Bóng đã xế rồi
Hãy nép trong lòng cõi đời.
Tình yêu mãi mãi…)
(Ca khúc Sérénata của Enrico Toselli – Lời Việt của Phạm Duy)
Nay tuổi đời vào bóng xế sắp khuất bóng hoàng hôn, chia sẻ với nhau thay cho “điếu văn” người ra đi, kẻ còn lại.
Little Saigon, February 2025
Vương Trùng Dương