Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org)
Trong khi cuộc chiến Nga-Ukraine đang bùng phát dữ dội, hai bên đang say máu quân thù và Nga đã giáng những đòn chiến tranh tàn ác vượt ngoài sức tưởng tượng đạo đức của quy luật chiến tranh. Đến nỗi đánh nhau không biết Chúa Giêsu ra đời ngày nào! Họ không “ngừng chiến trong lễ Giáng Sinh 2022” để binh sĩ hai bên có một giây phút cầu nguyện cho bản thân và gia đình! Trong cơn say sưa trên chiến trường như thế thì trục tam giác đang nổi lên ngăn lối đi của Mỹ. Chính phủ Đức liên tục liên lạc thân thiện với Trung Cộng và cho Trung Cộng là nước duy nhất có thể đem lại hòa bình cho Ukraine. Điều này làm cho Trung Cộng lên mặt và Washington nổi giận!
Vào thứ Sáu, ngày 23/12/22, Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Antony Blinken có cuộc điện thoại với Bộ Trưởng Ngoại Giao Trung Cộng Vương Nghị để tìm hiểu một số vấn đề của Tổng Thống Đức Frank-Walter Steinmeier điện đàm với Tập Cận Bình và nhân vật thứ hai của Nga là cựu Tổng Thống Medvedev gặp Tập Cận Bình mục đích gì?
Không biết nội dung cuộc điện đàm ra sao mà Vương Nghị nổi giận đáp lại với những lời lẽ thiếu ngoại giao!
Theo báo chí ghi lại (1) Ngoại Tưởng Blinken có thái độ tự cho Hoa Kỳ giữ vai trò cảnh sát quốc tế, có quyền biết chuyện gì đang xảy ra giữa Đức, Nga và Trung Cộng. Vì thế cuộc điện đàm ngoại giao hóa ra thành cuộc đối đầu và Vương Nghị “hằn học” với Ngoại Trưởng Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ đã thực hiện sứ mệnh của mình trong cuộc điện đàm mở đầu đòi Vương Nghị cho biết về tình hình đại dịch virus Vũ Hán (Covid-19) hiện bùng phát ở Trung Cộng. Blinken muốn “tầm quan trọng của tính minh bạch của sự lan truyền đại dịch tại Trung Cộng đối với cộng đồng quốc tế” mà Trung Cộng cần thực hiện đúng. Đòi hỏi này rất chính đáng và hợp lý để thế giới cần biết mà chống dịch… mà Trung Cộng thì cứ dấu số liệu người nhiễm bệnh và người chết để tuyên truyền.
Có lẽ phát xuất từ những điều chạm nọc, cho nên Vương Nghị tuôn ra những lời hằn học với Ngoại Trưởng Blinken ở bên kia đường dây điện thoại rằng: “không được sử dụng chiêu trò cũ vừa đối thoại, vừa ngăn chặn” hoặc “nói chuyện hợp tác nhưng lại đâm sau lưng”. Vương Nghị nói tiếp: “Đây không phải là sự cạnh tranh hợp lý, mà là sự đàn áp phi lý. Nó không có nghĩa là để quản lý đúng đắn các tranh chấp, mà là để tăng thêm sự xung đột. Trên thực tế, nó vẫn là thói quen bắt nạt theo kiểu đơn phương cũ. Điều này không hiệu quả với Trung Cộng trong quá khứ và cũng sẽ không hiệu quả trong tương lai”.
Về vấn đề Ukraine, Vương Nghị nói: “Trung Cộng luôn đứng về phía hòa bình, dựa vào các mục đích của Hiến Chương Liên Hợp Quốc và quốc tế để thúc đẩy hòa bình và đàm phán. Trung Cộng sẽ tiếp tục đóng một vai trò xây dựng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng theo cách riêng của mình”.
Theo tài tài liệu của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thì cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Blinken và Vương Nghi thất bại trong việc muốn lôi kéo Vương Nghị vào một cuộc đối thoại có ý nghĩa về vấn đề chiến tranh Ukraine.
Mục đích cuộc gọi?
Mục đích của cuộc gọi của Ngoại Trưởng Mỹ đối với Trung Cộng là muốn thu nhận tin tức về hai cuộc trao đổi của Tập Cận Bình đã liên tiếp xảy ra trước đây với Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier và với cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev.
Ông Blinken đoán rằng cuộc điện thoại của Steinmeier với Tập Cận Bình vào thứ Ba ngày 20/12 và Medvedev bất ngờ đến Bắc Kinh vào thứ Tư ngày 21/12 không phải là chuyện ngẫu nhiên. Nhiệm vụ của Medvedev sẽ là chuyển một số thông điệp quan trọng từ Putin đến Tập Cận Bình nhằm chuẩn bị cuộc hội đàm giữa Tập và Putin vào ngày 30/12/2022.
Tổng Thống Steinmeier là một nhà ngoại giao dày dặn kinh nghiệm của Đức, một chính trị gia cao cấp thuộc Đảng Dân Chủ Xã Hội (SPD) cùng đảng với Thủ Tướng Olaf Scholz. Dưới thời bà cựu thủ tướng Angela Markel ông Steinmeier từng nắm Ngoại Trưởng nước Đức hai nhiệm kỳ 2005-2009 và 2013-2017, và cũng có thời gian giữ chức Phó Thủ Tướng. Bà Merkel ra đi, đã để lại di sản làm tăng quan hệ ngoại giao của Đức đối với Nga và Trung Cộng lên ngất ngưỡng…
Quan trọng nhất, Steinmeier đã đóng một vai trò then chốt trong việc đàm phán hai Thỏa Thuận Minsk (Minsk Agreement) vào năm 2014 và 2015, cung cấp các biện pháp chiến tranh ở vùng Donbass của Ukraine.
Khi các thỏa thuận Minsk bắt đầu thành công, vào năm 2016, Steinmeier đã tích cực tham gia mà sau này gọi là công thức Steinmeier được thực hiện theo trình tự các sự việc được nêu trong các bản thỏa thuận.
Một trong những điểm quan trọng của công thức Steinmeier là đề ra tổ chức bầu cử tại các lãnh thổ do phe ly khai thân Nga nắm giữ ở vùng Donbass (gồm hai tỉnh Donetsk và Luhansk) theo luật pháp Ukraine và sự giám sát của Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Châu Âu OSCE (Organization for Security and Co-operation in Europe). Nếu OSCE cho rằng việc bỏ phiếu là tự do và công bằng, thì quy chế tự trị đặc biệt cho các vùng lãnh thổ sẽ được bắt đầu thực hiện.
Tất cả điều đó có lợi cho Ukraine trong một giai đoạn, nay thuộc về lịch sử vì giá trị của nó không còn giá trị khi bà cựu thủ tướng Đức Angela Merkel gần đây đã trả lời như một “xác nhận” trong một cuộc phỏng vấn với tuần báo Die Zeit cho biết: “trên thực tế, thỏa thuận Minsk là một nỗ lực của phương Tây nhằm câu giờ để Ukraine tự tái trang bị vũ trang”.
Với tình hình phức tạp như vậy, Ngoại trưởng Mỹ Blinken hẳn cảm thấy có điều gì không ổn khi Steinmeier bất ngờ gọi điện cho Tập Cận Bình, rồi Medvedev bất ngờ xuất hiện ở Bắc Kinh vào ngày hôm sau và đã được Tập đón tiếp long trọng tại Bắc Kinh.
Qua những tin trên mặt báo, Tập Cận Bình đề xuất ba điểm cho Steinmeier về phát triển quan hệ Trung-Đức và tuyên bố rằng: “Trung Cộng và Đức luôn là đối tác đối thoại, phát triển và hợp tác cũng như đối tác giải quyết các thách thức toàn cầu”. (2)
Tương tự, trong cuộc gặp với Medvedev, Tập nhấn mạnh rằng: “Trung Cộng sẵn sàng hợp tác với Nga để không ngừng thúc đẩy quan hệ Trung-Nga trong kỷ nguyên mới và làm cho toàn cầu công bằng và bình đẳng hơn”.
Cả hai cuộc đối thoại với Tập Cận Bình đều đề cập đến Ukraine như một chủ đề thảo luận, với việc Tập nhấn mạnh rằng: “Trung Cộng luôn cam kết thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình” (với Steinmeier) và “tích cực thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình” (với Medvedev).
Thật vậy, những lời đề nghị gần đây của Đức với Bắc Kinh liên tiếp diễn ra nhanh chóng, chuyến thăm của Thủ tướng Scholz tới Bắc Kinh gặp Tập Cận Bình đầu tháng 11/2022 đi cùng với một phái đoàn gồm các CEO (Chief Executive Officer) của các công ty hàng đầu nước Đức và cuộc điện đàm của Steinmeier vào ngày 20/12 – là những dấu hiệu không mấy hài lòng ở Washington.
Chính quyền Mỹ kỳ vọng chính phủ Đức sẽ phối hợp với Washington trước khi nói chuyện với Tập Cận Bình, đằng này Đức tự ý thực hiện các sáng kiến của riêng mình đối với Trung Cộng. Điều này được Tập Cận Bình rất hoan nghênh cho rằng việc Đức duy trì quyền tự chủ chiến lược của mình như vậy là quá tốt. Nhưng Washington không hài lòng.
Ngoại trưởng của Đức hiện là bà Annalena Baerbock người được cho là thân Mỹ nên đã tránh xa chuyến thăm Trung Cộng của Thủ tướng Scholz. Rõ ràng, cuộc điện thoại của Steinmeier với Tập cận Bình và thủ tướng Scholz sang thăm Bắc Kinh là theo đuổi di sản của bà Angela Markel đã xây dựng ngoại giao hữu hảo với Trung Cộng trước đây, bất kể mối quan hệ của Mỹ-Trung hiện nay xảy ra ra sao!
Có thể nói rằng, thảo luận chuyện hòa bình ở Ukraine với Trung Cộng là một bước đi táo bạo của giới lãnh đạo Đức vào thời điểm hiện tại khi chính quyền của Joe Biden đang nhúng sâu vào cuộc chiến Ukraine và có mọi ý định hỗ trợ Ukraine.
Một số nghi ngờ của Đức đối với Washington gần đây!
Không biết sự thể ra sao? Hư thực như thế nào? Một số điểm đáng lưu ý về phía chính phủ Đức cho là họ đã kiềm chế sự tức giận của mình đối với Mỹ trong vài tháng qua như:
– Đức cảm thấy rằng họ đã bị kiềm chế như “chơi trò đếm ngược” đối với cuộc chiến ở Ukraine, một điều rất khó chịu và bực bội đối với một nước theo chủ nghĩa Đại Tây Dương để định hướng chính sách đối ngoại của mình.
– Các bộ trưởng Đức đã công khai bày tỏ sự bất bình đối với các công ty dầu khí của Hoa Kỳ đang khai thác khủng hoảng năng lượng hiện nay để kiếm lợi bằng cách bán khí đốt qua châu Âu ngang bằng với giá nội địa ở Mỹ cao gấp 3 đến 4 lần.
– Đức cũng lo ngại rằng Đạo Luật Giảm Lạm Phát của Mỹ năm 2022 (Inflation Reduction Act of 2022), dựa trên các khoản đầu tư cơ bản về khí hậu và năng lượng sạch, có thể dẫn đến việc ngành kỹ thuật công nghiệp Đức lần lượt di cư sang Mỹ.
– Có một điều mà Đức cho là tệ hại là việc phá hủy các đường ống dẫn khí đốt Nord Stream. Nước Đức biết khá rõ về các thế lực đứng sau hành động, nhưng Đức không thể nêu tên chúng và phải kìm nén cảm giác phẫn nộ.
– Việc phá hủy các đường ống Nord Stream khiến việc hồi sinh mối quan hệ Đức-Nga trở thành khó khăn. Đối với bất kỳ dân tộc nào có một lịch sử đáng tự hào, có một nền kinh tế vững mạnh thì việc chấp nhận làm một con tốt là hơi quá đáng.
– Khi nói đến cuộc chiến Ukraine, Đức đã trở thành quốc gia tuyến đầu, nhưng chính Washington mới là bên quyết định tất cả. Đức ước tính rằng Trung Cộng có vị trí duy nhất để trở thành một người kiến tạo hòa bình ở Ukraine. Mặt khác, có những dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh cũng đang tích cực với ý tưởng đó, muốn cùng Đức và Nga qua mặt Mỹ để chủ động dàn xếp cuộc chiến ở Ukraine.
Scholz và Steinmeier là những chính trị gia dày dạn kinh nghiệm và biết khi nào nên vươn ra và thu mình lại. Trong mọi trường hợp, Trung Cộng là một đối tượng quan trọng về việc phục hồi nền kinh tế của Đức. Do đó, Đức khó có thể để Hoa Kỳ phá hủy quan hệ hữu hảo với Trung Cộng và biến nước này thành một nước chư hầu.
Đức và Hoa Kỳ có mối quan hệ lịch sử giữa hai nước từ ngoại giao, đồng minh, an ninh quốc gia, kinh tế thương mại và đầu tư, nhân khẩu học và di cư, cùng sự giao thiệp văn hóa và tư tưởng từ những năm 1680, đã hơn ba thế kỷ qua.
Ngày nay, Đức là đồng minh thân thiết nhất của Mỹ trong khối NATO. Người dân hai nước coi nhau là đồng minh đáng tin cậy nhất. Quân đội Mỹ có nhiều căn cứ ở nước Đức để làm cột trụ cho khối NATO.
Lịch sử Đức-Hoa Kỳ cũng không thiếu những bất đồng trong một số vấn đề chính sách. Có lúc hai nước thành kẻ thù của nhau như thời Đệ II Thế Chiến… Vào thời điểm đó, không một làng nào ở Đức mà thiếu bom đạn của oanh tạc cơ Hoa Kỳ ném xuống. Và Mỹ là nước chủ trương cắt nước Đức làm hai bởi bức tường ô nhục trong suốt mấy thập niên.
Nghịch lý thay, Mỹ cũng là nước bỏ tiền ra viện trợ cho nước Đức phục hồi kinh tế bị khánh kiệt sau Đệ II thế chiến. Cũng nhờ Mỹ viện trợ tái thiết sau chiến tranh mà Đức được giàu mạnh như hôm nay. Và cũng do Mỹ mà bức tường Bá Linh sụp đổ, nước Đức thống nhất.
Nước Đức cũng như Nhật bị Liên Hiệp Quốc chế tài không có phát triển quốc phòng hùng mạnh, nên Đức phải núp dưới cái dù của Mỹ để được che chở an ninh quốc gia từ sau Đệ II Thế Chiến.
Nước Đức giờ đây là nước có nền kinh tế đứng đầu châu Âu, thành viên trong khối G7. Do đó, họ muốn có một chỗ đứng mới trên chính trường quốc tế là điều hợp lý. Nhưng dù Đức chọn chỗ đứng ở vị trí nào đi nữa phải là chỗ đứng có ý nghĩa bảo vệ tự do dân chủ và hòa bình cho nhân loại. Nếu Đức chọn chỗ đứng nghiêng về Trung Cộng và Nga thì đó là một sai lầm lớn hơn Hitler đã sai lầm trước đây, sẽ có tội vối dân Đức nói riêng và thế giới nói chung.
Ở điểm này, một nhà nghiên cứu người Đức Edward Lucas, của Trung Tâm Phân Tích Chính Sách Châu Âu có bài viết trên tờ “Foreign Poilicy” rất ý nghĩa rằng: “Tại Sao Đức Đã Học Sai Bài Học Từ Lịch Sử / (Why Germany Has Learned the Wrong Lessons From History)” (3)
Nhìn thấy hiện Đức và Mỹ đang có vấn đề trầm trọng và những những hiểu lầm lẫn nhau rất nguy hiểm… có thể dẫn đến nguy hiểm ngoại giao giữa hai nước.
Hoa Kỳ và Đức phải sớm tìm cách san bằng những dị biệt và tôn trọng lẫn nhau, để cùng nhau xây dựng một thế giới tự do dân chủ chống lại thế lực độc tài đang sửa soạn áo mão để soán ngôi siêu cường của Hoa Kỳ và nhấn chìm nhân loại trong địa ngục đỏ.
Hoa Kỳ ngày 31 tháng 12 năm 2022
Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org)
Chú thích:
(1) https://asiatimes.com/author/m-k-bhadrakumar/
(2) https://www.globaltimes.cn/page/202212/1282308.shtml
(3) https://foreignpolicy.com/2022/12/27/germany-russia-ukraine-war-sholz- zeitenwende-history-geopolitics/