DÒNG SUỐI TỪ VẪN CHẢY (Trần Trung Đạo)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

May be an image of 2 people, flower and temple

(Ảnh: em Oanh Vũ Bảo Nghi)

“Cầu mong các con có đủ dũng mãnh để đi bằng đôi chân của mình, nhìn bằng đôi mắt của mình; tự xác định hướng đi cho chính mình. Thầy sẽ là người bạn đồng hành với các con trên đoạn đường bóng xế của đời mình.”
Đó là câu kết luận trong lá thư Hòa thượng Tuệ Sỹ gởi các tăng sinh Huế. Mặc dù Thầy viết cho các tăng sĩ trẻ còn đang tu học trong nước, lá thư đã làm xúc động hàng triệu trái tim người con Phật ở mọi nơi, mọi giới, trong đó có chúng tôi, những đoàn viên của GĐPTVN.
Vẫn biết rằng mai đây “ngọc đá cũng thành tro, lụa tre dần mục nát” như thi hào Vũ Hoàng Chương đã viết trong Lửa Từ Bi, nhưng những lời nhắn nhủ từ trái tim của một bậc thầy đáng kính sẽ mãi mãi như dòng Suối Từ, dài vô tận, rộng bao la, đã chảy hơn hai ngàn năm lịch sử và sẽ chảy qua nhiều thế hệ Phật Tử Việt Nam.
Cũng bên dòng Suối Từ ngọt ngào đó, chúng tôi, những đoàn viên Gia Đình Phật Tử Việt Nam (GĐPTVN), đã gặp nhau, đã từng chia nhau từng ngụm nước trong lành của tình thương và trí tuệ.
Đạo Phật không ban cho con người cứu cánh nhưng giúp cho con người những phương tiện cần thiết để tự đạt tới cứu cánh an lạc cho chính mình.
Đạo Phật dạy chúng tôi cách sống hòa mình vào tập thể, cho chúng tôi thấy được sự quan trọng và trách nhiệm của một con người trong cộng đồng xã hội, biết sống cho mình và sống cho người khác.
Đạo Phật là đạo của tình thương và tình thương chính là kỳ quan tinh thần vĩ đại nhất của văn minh nhân loại.
Vó ngựa của đạo quân Hồi Giáo đã san bằng trung tâm văn hóa Phật giáo Nalanda, tàn sát hàng triệu Phật Tử Ấn Độ nhưng đạo Phật vẫn tồn tại và phát triển. Lời Phật dạy sau hơn hai ngàn sáu trăm năm vẫn còn được nghe từ đỉnh Hy Mã Lạp Sơn cho đến tận vùng băng tuyết xa xôi của xứ Siberia, Tây Á.
Những lời kinh Phật được tụng từ tu viện đơn sơ ở cố đô Anuradhapura, Tích Lan, còn vang vọng đến giảng đường hiện đại của đại học Harvard, nước Mỹ.
Cây Bồ Đề đầu tiên nơi đức bổn sư thành đạo bị đốn ngã nhưng hàng trăm triệu hạt giống bồ đề khác đã mọc và lớn lên tươi tốt khắp thế gian. Niềm tin và chân lý bao giờ cũng mạnh hơn cường quyền và bạo lực.
Chúng tôi học cách mở mang sự hiểu biết trong tinh thần Phật giáo khoa học, khai phóng và dung hợp. Đạo Phật không những dạy chúng tôi làm người phải sống cho một mục đích hướng thiện và nhân bản nhưng cũng can đảm chấp nhận những khó khăn để đạt tới mục đích tốt đẹp đó.
Trong suốt dòng lịch sử, sinh mệnh Phật giáo Việt Nam bao giờ cũng gắn liền với sinh mệnh dân tộc, cùng vui với niềm vui của đất nước và cùng chia một nỗi đau chung của đất nước. Phật giáo không chủ trương độc tôn thống trị và cũng chưa bao giờ trong lịch sử Việt Nam, đã đóng một vai trò như thế.
Trong thời đại Lý Trần, thời đại vàng son của Phật giáo Việt Nam, nhiều nhà sư đã tham gia trực tiếp vào việc trị nước chăn dân, và hầu hết vua chúa không những đều là Phật tử mà còn là tổ của các Thiền tông lớn, nhưng không phải vì thế mà Phật giáo trở thành lực lượng thống trị xã hội. Trái lại, các tôn giáo khác tại Việt Nam vẫn tồn tại và có ảnh hưởng quan trọng trong mọi sinh hoạt văn hóa xã hội, thương yêu và gắn bó với nhau. Các nhà vua thời Lý, thời Trần với quyền hạn tuyệt đối, nhưng thay vì xây dựng những đền chùa nguy nga bằng mồ hôi nước mắt của nhân dân, các ngài đã để lại cho chúng ta ngày ngay những tổ đình uy nghiêm, tôn kính nhưng với một kiến trúc vô cùng khiêm nhượng.
Tại sao? Đơn giản bởi vì các ngài là những vì vua nhân từ, lãnh đạo một đất nước vừa nghèo khó, vừa phải lo chống đỡ các triều đại Bắc phương không ngừng xâm lấn. Các ngài đã biết đặt sự an lạc của dân tộc lên trên sự hưng thịnh riêng của tôn giáo mình. Nước và sữa còn có thể phân ly nhưng Đạo Phật Việt Nam và Dân Tộc Việt Nam không thể nào và cũng không ai có thể làm phân ly được. Câu thơ của Hòa thượng Mãn Giác “Mái chùa che chở hồn dân tộc, nếp sống muôn đời của tổ tông” mang ý nghĩa vô cùng thân thương và tha thiết như thế đấy.
Thế hệ của các em GĐPT lớn lên hôm nay không phải trải qua những ngày khốn khó. Nhiều trong số các em đang là những chuyên gia lỗi lạc trong nhiều ngành khoa học kỹ thuật, kinh tế xã hội ở nước ngoài. Nhưng trong tâm hồn các em, dòng Suối Từ vẫn chảy, và trái tim của các em vẫn hướng về nơi có bóng Từ Quang tỏa sáng. Các em, chứ không ai khác, phải có trách nhiệm xây dựng lại đoàn, đội của mình một cách thích hợp với môi trường mà các em đang sống.
Đừng sợ mất bởi vì mất để còn hơn là cố bám víu nhưng biết rằng sẽ mất vĩnh viễn. Các em, chứ không ai khác, phải biết tự làm vở chiếc vỏ dày bảo thủ trong tâm thức để những mầm xanh Bi Trí Dũng được có cơ hội lớn lên trên nền đất mới. Các em, chứ không ai khác, phải biết bay qua những ao tù nước đọng của quá khứ hoài nghi và định kiến, để phát huy tinh thần Bi Trí Dũng bằng thái độ khai phóng và dung hợp trong thời đại toàn cầu.
Được như thế, một ngày không xa, các em sẽ cùng với hàng trăm ngàn đoàn viên GĐPT trong nước mang ngọn lửa tình thương, tin yêu và hy vọng thắp sáng bầu trời đất mẹ Việt Nam. Đêm tối sẽ qua đi và bình minh sẽ đến.
Thị Nghĩa Trần Trung Đạo
(Trích trong Tiếng Vọng Của Suối Từ viết lần đầu cuối năm 2003 sau khi đọc Thư Gởi Tăng Sinh Huế của HT Thích Tuệ Sỹ ngày 28.10.2003, thời gian đó ngài là Phó Viện Trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN)