ĐỌC BÀI THƠ LÍNH CỦA DƯ THỊ DIỄM BUỒN (Đỗ Bình)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Trong số những bài thơ về đề tài: Tình yêu quê hương, Nỗi lòng người tha hương, Tình yêu người lính VNCH (trong đó có cả tình hoài niệm lứa đôi), được nhiều nhà thơ nữ ở hải ngoại sáng tác. Tùy theo tâm cảnh mỗi nhà thơ viết lên nỗi lòng của mình một cách chân thành để diễn tả tiếng lòng nên áng thơ đã rung cảm được tâm hồn người đọc như những đóa hoa muôn sắc làm đẹp cõi đời.

Nhà thơ Dư Thị Diễm Buồn đã ghép tên thật của mình và thêm chút buồn để cho “chút buồn đẹp” thi vị như thơ.

Hơn hai mươi năm trước tôi đã giới thiệu thơ Dư Thị Diễm Buồn ở Paris, thuở ấy giới mộ điệu thơ văn còn rất nhiều nên đã được nhiều người đến thưởng thức nghe thơ. Bước vào cõi thơ là bước vào cõi vô tận, tôi làm thơ nên cảm nhận và tôn trọng những rung cảm diễn tả của mỗi nhà thơ. Cũng như những nhà thơ khác, tình yêu quê hương đã có sẵn trong tâm hồn, hơi thở của mỗi nhà thơ. Đối với Dư Thị Diễm Buồn tình yêu quê hương được thể hiện qua người Lính kiêu hùng, mà phu quân của nhà thơ là một chiến sĩ đã từng hy sinh một phần ánh sáng nơi chiến trường An Lộc. Tôi qúy mến và trân trọng nhà thơ ở sự chung thủy này. Diễm Buồn luôn sát cánh, đã cùng chồng sóng bước vượt qua bao khó khăn gian khổ nơi xứ người để giữ gia đình luôn hạnh phúc đến lúc tuổi già. Trên đời có cái gì vĩnh cửu? Rồi đến một ngày nhà thơ đã tiễn đưa người bạn đời về nơi an lạc đời đời, và vẫn làm thơ viết về lính để ca ngợi một thời oai hùng của chồng, của những người lính anh hùng vô danh. Viết về lính để ngậm ngùi cho một thuở vàng son của những nguời lính nay sống kiếp ly hương.

Người xưa có thể bị thời gian quên lãng. Nhưng những sự cống hiến để bảo vệ cho Tự Do quê hương của người lính năm xưa sẽ bất tử, vì tình yêu của những người còn sống dành cho họ vẫn đọng lại với thời gian qua thơ văn âm nhạc, những tượng đài và các nghệ thuật.

Đỗ Bình

Paris 13 tháng 11 năm 2022

TRĂNG MUÔN ĐỜI VẪN SÁNG

Liễu rũ trăng nghiêng soi bóng cửa,

Trải dòng suối bạc ngỡ rừng xưa

Với tay mới biết làn hư ảo

Ðêm vẫn còn thơ mộng sớm thừa!

Ai nỡ kéo trăng xuống chốn này

Để màu trăng biếc nhạt chân mây!

Thích trăng ta đến bên bờ suối

Tìm chút nguồn thơ, phút đắm say.

Đêm khuya ta sợ trăng trôi mất

Sợ gió lên nhiều thổi trăng bay!

Viễn xứ ngàn trùng thương xóm cũ

Hạ về hoa đỏ rực quanh đây

Chợt nhớ phượng xưa trăng phố nhỏ

Áo em vàng lụa tưởng vần thơ

Phố trăng huyền diệu tình chung bước

Ôi mộng thần tiên thuở học trò!

Nửa đêm tỉnh giấc buồn tê tái

Đời tựa mây trôi cánh hoa phai

Lặng lẽ mùa đi nào có biết,

Phố xưa phảng phất nỗi u hoài!

Trăng muôn đời vẫn là trăng mộng

Tỏa ánh tơ vàng thắm khoảng không

Lộng lẫy trong đêm đầy diễm ảo

Sớm mai trăng lẫn cõi phiêu bồng.

Thế sự thăng trầm trăng vẫn sáng

Con thuyền xuôi ngược bến đò ngang.

Bóng trăng có lúc tròn trăng khuyết

Trăng của riêng ta mãi dịu dàng.

MỘT GIẤC MƠ

Chiều mưa nhợt sắc cầu vồng

Thuyền trôi theo ngọn sóng bồng xa quê

Đường đêm cô quạnh lối về,

Trăng khuya soi bước bóng thề xa xăm!

Không gian bàng bạc ánh rằm

Vầng trăng ảo mộng trăm năm cõi đời.

Biển xanh có lúc đầy vơi,

Bao xuân ta vẫn nhớ trời năm xưa

Nhớ con đường cũ, gốc dừa

Hàng cây đại học chiều mưa thuở nào.

Hồn mơ về phố năm nao,

Cảnh xưa thay đổi biết bao bùi ngùi!

Người cao ốc, kẻ rúc chui,

Vào con ngõ hẻm niềm vui bẽ bàng!

Góc đường kẻ sống lang thang

Đèn hoa lộng lẫy, xe sang khắp đường.

Có phải đây là quê hương?

Mà sao cay đắng sầu vương mấy bờ!

Chưa về đã cảm bơ vơ,

Nhìn dòng sông chảy ngẩn ngơ kiếp người!

Đỗ Bình