Hôm nay, bác Nguyễn Công Tiến ở Halle gửi tặng cho tập truyện ngắn: Đất Khách, do nhà xuất bản Dân Trí ấn hành. Sách dày trên 200 trang. Có một vài truyện tôi đã được đọc trước đây. Nguyễn Công Tiến chủ yếu viết về đồng quê, người thân, những câu chuyện xảy ra xung quanh mình. Hoặc những câu chuyện về bạn bè, nước Đức quê hương thứ hai, mà Nguyễn Công Tiến đã sống và làm việc suốt 30 năm qua. Truyện đơn giản, lời văn mộc mạc đi vào lòng người.
Nguyễn Công Tiến người Hà Tây, tốt nghiệp Đại học tổng hợp Hà Nội, làm giảng viên trường sỹ quan quân đội, rồi trở thành người (công nhân) cày thuê cuốc mướn ở Đức. Do vậy, văn của bác cũng mang một chuẩn mực nhất định. Chính cái sự phân biệt rạch ròi thể loại khi viết làm cho văn của bác có một chút thiệt thòi, hạn chế. Khi bác đang có cảm xúc viết bị cái thằng thể loại căn me. Sợ phạm “niêm luật“ nên bác tự trói tay mình, không thể múa bút được. Cũng giống như một số bác làm thơ ở Đức vậy, cứ tự ép vào niêm luật một cách quá chặt chẽ. Cho nên, khi bật ra được một câu, một tứ thơ hay nhưng sợ phạm húy, cố gò ép, đâm ra lại trở thành câu thơ dở. Đúng thể loại, đúng niêm luật thì tuyệt vời, nhưng đôi khi không nhất thiết phải như vậy, để có câu thơ hay và nhiều cảm xúc. Với tôi, thơ văn đọc trước hết phải hay cái đã, dù thơ tự do, hay phá luật, rồi mới tính đến niêm luật. Do vậy, một số nhà thơ, văn, phê bình không coi trọng, nặng nề việc phá cách (niêm luật) nữa, miễn thơ văn hay.
Người Việt xuất thân từ dân (lao động) cày thuê ở Đức làm thơ thì nhiều, nhưng viết văn chỉ có vài, ba người, như: Thế Dũng, Nguyễn Văn Thọ (Thọ muối) Nguyễn Công Tiến. Ngoài ra còn mấy bác ở Berlin và một vài nơi nữa cũng viết. Văn chỉ dạng báo tường, ấy vậy vừa đái vừa run. Cho nên, mọi người cứ đùa có thơ phường thơ xóm, chứ có hội văn làng, văn xóm đâu. Thế Dũng chủ yếu làm thơ, còn văn viết lai rai. Nghe nói bác đang viết cuốn tiểu thuyết Con Chữ Thiên Di đồ sộ lắm, nhưng chưa biết chất lượng thế nào. Bác Thọ muối viết cũng khá nhiều, nhưng chỉ có thể gọi là thứ văn cúng cụ, vừa lòng. Bác này cũng không tính đến nữa, vì đã về hẳn Việt Nam để ôm Quyên của mình. Còn văn bác Nguyễn Công Tiến cứ chân chất đúng như con người của bác vậy. Bác không đao to búa lớn, cứ lầm lì, đâm tỉa dần vào lòng người đọc. Bác cứ luồn lách chả động chạm đến bố con thằng nào. Phương châm của bác thâm nho ra phết: Nước sông không phạm nước giếng, ấy vậy rồi cũng đến đích. Mấy cuốn sách của bác có lẽ phải ra lò từ lâu rồi, chẳng hiểu sao bây giờ mới xuất chuồng. Tuổi đã cao, từ đó bệnh tật kéo theo, làm việc nhiều, ở Đức viết được như thế này đáng bái phục bác lắm rồi. Bởi, bác viết là tự giác, chứ có như mấy bố ở VN được đài thọ tiền bạc, rồi o bế vào các trại sáng tác, sáng teo, phạm vào tiền thuế của dân đâu.
Chúc bác Nguyễn Công Tiến sức khỏe để chiến đấu tiếp, và mong đọc được nhiều truyện ngắn, hay tâm bút, tùy bút của bác. Khi nào rảnh em sẽ quay lại bàn luận thơ văn bác cho vui. Cảm ơn bác. Và em đã nhận được cả sách bác gửi cho Nam Võ. Em viết vội trên tàu đi chơi xa, nên chưa được kỹ cho lắm.
ĐỖ TRƯỜNG