DANIELLE NGÔ- PHỤ NỮ GỐC VIỆT CÓ QUÂN HÀM CAO NHẤT TRONG QUÂN ĐỘI MỸ

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

image.png

Tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Sài Gòn, Danielle Ngô, 3 tuổi, ngồi trong nhà ga cùng với mẹ và đứa em gái còn ẵm ngửa. Cả nhà đã đợi hàng giờ đồng hồ để lên chuyến bay ra khỏi Việt Nam.
Khi đó, họ nghe thấy tiếng ầm ầm.
Trần nhà bắt đầu bong tróc khi tòa nhà rung chuyển. Các mảnh vỡ rơi xuống khiến ai cũng khiếp sợ.
Quân đội Bắc Việt đã bắn đạn pháo vào sân bay vào ngày 29/4 năm 1975, một ngày trước khi Sài Gòn thất thủ.
Trước đó, mẹ của Danielle, bà Ngô Thái An, biết tin rằng quân cộng sản miền Bắc đang tiến sát thành phố. Một người bà con của bà vốn làm việc cho đại sứ quán Mỹ đã kiếm được vé cho họ sang Mỹ. Người mẹ trẻ biết mình cần phải dắt theo con đi ngay lập tức.
“Trong đầu tôi nghĩ đến là phải đưa bọn trẻ đến nơi an toàn,” bà Thái An nói.
Không lâu sau khi sân bay trúng đạn pháo, Danielle cùng em gái Lan Đình 1 tuổi và mẹ được hối hả đưa đến đường băng. Xa xa, bà Thái An nghe thêm nhiều tiếng đạn pháo rơi xuống phi trường khi họ xếp hàng lên máy bay quân sự. “Tôi không ngoái nhìn lại,” bà nói.
Thái An có thể họ nằm trong số những người tị nạn Việt Nam cuối cùng thoát khỏi sân bay, vốn là căn cứ quân sự cho máy bay của Việt Nam Cộng hòa và Mỹ. Họ và những người khác đã leo lên một trong những chiếc máy bay quân sự cuối cùng của Mỹ để rời khỏi đất nước đang bị chiến tranh tàn phá.
Cả nhà bà bỏ lại sau lưng cuộc chiến khi máy bay bay qua Biển Đông.
Trại tị nạn
Danielle, hiện là sỹ quan điều hành của Tổng thanh tra Quân đội Mỹ ở thủ đô Washington, D.C., còn nhớ rất ít về cái ngày khi cô và gia đình chạy khỏi quê hương cũng như cuộc chiến bao trùm đất nước. Cô chỉ biết những gì đã xảy ra qua lời kể của mẹ.
Chiếc máy bay quân sự cuối cùng cũng đã hạ cánh ở một trại tị nạn ở một lãnh thổ miền xa của Hoa Kỳ, đảo Wake, nằm cách Hawaii khoảng 2.300 dặm về phía tây. Họ đã chính thức là người tị nạn. Ở đó, Họ đã mất ba tháng để đợi một quốc gia chấp nhận họ. Cuối cùng, họ biết được nước Mỹ sẽ cưu mang họ, bà Thái An nói.
Chỉ với vài túi đồ đạc, họ lên máy bay đi đến các trại tị nạn ở Hawaii và sau đó là Arkansas.
Sau đó, họ đã ở vài tuần ở Dallas trước khi một người cậu đồng ý bảo lãnh. Trong suốt thời gian đó, người mẹ bảo cô ấy không được rời mắt khỏi em gái.
Cuối cùng, họ chuyển vào khu nhà do chính phủ bảo trợ ở Melrose, một vùng ngoại ô Boston với chủ yếu là người da trắng ngay phía bắc sông Mystic.
Vào lúc nhà bà Ngô di tản đến Mỹ, phần lớn người Mỹ vẫn có thái độ phản chiến và vẫn e ngại việc tiếp nhận người tị nạn Việt Nam.
Khi còn nhỏ, Danielle đã học cách chăm lo cho em gái và nghe theo lời dạy của mẹ. Qua sự kiên cường của mẹ, cô cho biết, cô đã học được phẩm chất để trở thành người lãnh đạo trong quân đội.
Ký ức xa xăm
Một bức tranh sơn dầu màu nâu và đỏ treo phía trên lò sưởi ở tư gia Đại tá Danielle Ngô ở Fairfax, bang Virginia. Bức tranh vẽ người mẹ trẻ Thái An đang ẵm bé Danielle trên tay sau khi sinh tại thành phố Vũng Tàu.
Đã hơn 46 năm kể từ khi cả nhà bà Ngô rời bỏ Sài Gòn. Ký ức cô còn có thể nhớ lại là ông ngoại của cô đặt một tờ bạc xanh vào túi áo sơ mi màu xanh của cô, và cái tên mà ông đặt cho cô, Như Nguyện, có nghĩa là ‘nguyện ước thành hiện thực’ trong tiếng Việt. Cô đã quên hết cách đọc, nói tiếng Việt.
Cô không biết nhiều về cha, chỉ biết ông từng là sĩ quan trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa và được huấn luyện với Lực lượng Đặc nhiệm Hoa Kỳ. Quân đội miền Bắc đã bỏ tù ông sau khi gia đình ông di tản sang Mỹ. Cho đến nay, gia đình không biết tung tích của ông.
Ở Mỹ, họ sống trong khu nhà do nhà nước bảo trợ trong tám năm. Gia đình bà Ngô không có nhiều tiền để mua quần áo và đồ chơi mới cho con. Trong nhiều năm, Danielle đã chạy chiếc xe đạp nhỏ mà ghế ngồi không có bọc.
Khi Danielle lên lớp bảy, gia đình chuyển đến vùng ngoại ô Hingham giàu có phía nam Boston dọc theo Vịnh Massachusetts. Làm mẹ đơn thân, bà Thái An thường không thể ở nhà để chăm sóc con. Bà lấy chồng khi mới 17 tuổi và sinh ra Danielle khi 18 tuổi. Lúc đó bà Thái An mới trong độ tuổi 20, bà có nguyện vọng học đại học, xây dựng sự nghiệp và đời sống tốt đẹp hơn cho các con.
Trách nhiệm làm chị
Dù hai chị em chỉ cách nhau 15 tháng, nhưng trách nhiệm thường thuộc về người chị Danielle, vốn phải trông em Lan Đình. Cô dắt tay em đến trường hoặc đi học bơi và thể dục. Cô luôn đảm bảo rằng em cô có đồ ăn khi đói.
Ở trường trung học, Lan Đình lần đầu tiên chơi các môn thể thao có tổ chức, thi đấu bóng rổ và bóng đá trước khi quyết định tham gia lĩnh vực tổ chức dàn dựng các chương trình biểu diễn múa của nhà trường. Danielle tham gia dàn hợp xướng và các câu lạc bộ tiếng Pháp, thậm chí còn thành lập nhóm tình nguyện của riêng mình để phát bánh mì cho người vô gia cư ở Boston và chăm sóc người già.
“Thật tôi muốn noi theo chị khi chứng kiến chị làm những việc đó,” cô Lan Đình nói. “Tôi có thể nói rằng đó là lần đầu tiên chị ấy thực sự lãnh đạo và tổ chức gì đó.”
“Có lẽ hầu hết khả năng lãnh đạo mà chị ấy thực sự học được là ở trong quân đội, bởi vì trong gia đình châu Á, trẻ em không thực sự thể hiện khả năng lãnh đạo. Chúng rất vâng lời.”
Mẹ cô nhớ đã nhìn thấy đồng phục của những người lính Mỹ chào đón họ lên Đảo Wake. Tại mỗi trại tị nạn mà họ đi qua, họ đều thấy những người mặc đồ lính. Khi bé Lan Đình bị bệnh, các y tá Quân y đã điều trị cho Lan Đình tại bệnh viện quân y trên đảo và biết được cô dị ứng với sữa.
Danielle trân trọng cuộc sống của cô ở Mỹ, đến nỗi cô quyết định sẽ vào quân ngũ lúc 17 tuổi để trả món nợ mà cô cảm thấy mình mang ơn.
“Tôi muốn đền đáp một thứ gì đó cho nước Mỹ, đó là quê hương của tôi bây giờ,” Danielle nói. “Nước đã cứu tôi khỏi chiến tranh.”
Lúc đầu, mẹ cô chống đối. Bà không muốn mạo hiểm việc con gái lớn của bà đi tham chiến sau khi bà đã mất mát rất nhiều để trốn thoát khỏi cuộc chiến ở Việt Nam. Bà muốn Danielle vào đại học.
Danielle quyết tâm nhập ngũ và hứa với mẹ rằng cô ấy sẽ sử dụng những ưu đãi về giáo dục để đi học lại sau thời gian tại ngũ và cuối cùng đã thuyết phục được mẹ cô đồng ý. Với hy vọng làm bác sĩ, cô đã nhập ngũ để làm kỹ thuật viên phòng phẫu thuật vào năm 1989.
Giờ đây, cô khoác trên người đồng phục của những người lính đã giúp giữ cho gia đình cô được an toàn.
Người ông đáng kính
Năm 1991, Danielle quyết định trở về quê hương một mình sau khi nhập ngũ. Máy bay của cô hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất, cũng chính là sân bay nơi cô và gia đình tìm cách thoát ly để chạy trốn chiến tranh những năm trước.
Cô về nơi chôn nhau cắt rốn tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Và cuối cùng cô ngồi lại với ông ngoại trong xưởng nghệ thuật đầy bụi bặm của gia đình ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Mỗi ngày, ông ngoại cô đều đạp xe đến xưởng. Họ ngồi trong đó và nói chuyện với nhau bằng cách viết các câu hỏi và câu trả lời lên giấy. Ông ngoại của cô, ông Ngô Ngọc Tùng, đã tự học tiếng Anh, nhưng cảm thấy thoải mái hơn khi nói chuyện theo cách đó.
Ở đó, cô đã tìm hiểu về cuộc sống của ông ngoại ở Việt Nam, làm sao ông tự tay xây lên ngôi nhà mà không cần đến các công cụ hỗ trợ. Ông kể cho cô nghe ông đã dạy các con cách vẽ và tạo ra các tác phẩm nghệ thuật như thế nào. Ông đã cho cô xem những tác phẩm tuyệt đẹp mà gia đình đã làm ra trong suốt nhiều năm.
Khoảng một năm sau chuyến thăm đó, ông ngoại cô qua đời.
Bà Thái An nhảy hết việc này sang việc khác, trước hết là lấy bằng cao đẳng khi làm việc chăm sóc người già. Cuối cùng, bà lấy được cả bằng cử nhân và thạc sĩ trước khi tìm được công việc thủ thư.
Mẹ cô đã yêu cầu các con chỉ nói tiếng Anh trong nhà để bà có thể tự học qua các con. “Đó là khoảng thời gian rất vất vả và rất cố gắng đối với mẹ,” Danielle nói.
Chứng kiến những gian khổ của mẹ đã để lại tác động đến chị em cô.
“Mẹ tôi,” Danielle nói, “là một phụ nữ phi thường.”
Theo bước mẹ
Danielle đã sống trọn thời gian trong quân ngũ, nhưng vẫn nhớ đến lời hứa với mẹ. Cô rời quân ngũ một thời gian ngắn sau hai năm để theo học tại Đại học Massachusetts ở Boston vào cuối năm 1991 với học bổng để học ngành tài chính. Cô làm việc tại văn phòng Cựu chiến binh tại trường, đồng thời giúp trông đứa em gái út Stefanie ở nhà.
Lan Đình, học theo tấm gương của người chị Danielle, đã theo học tại Học viện Quân sự West Point.
Năm 1994, Danielle tốt nghiệp đại học và được biên chế làm sĩ quan công binh.
Là một đại úy trẻ, cô đã chứng kiến cuộc chiến ngoài mặt trận khác hẳn với cuộc chiến mà cô đã bỏ chạy khi còn nhỏ. Cô đến Bosnia vào năm 1998 với tư cách là một sĩ quan điều hành đại đội. Sau đó, 18 tháng sau khi tòa tháp đôi sụp đổ tại New York, cô đã được điều đến Iraq để hỗ trợ Chiến dịch Tự do Iraq.
Là người phụ nữ đơn độc trong các đơn vị toàn là đàn ông có những thách thức, nhưng đã thúc đẩy cô ấy huấn luyện nhiều hơn. Khi leo lên cấp bậc sĩ quan, cô giữ được sự chuyên nghiệp ở mức độ nghiêm khắc nhưng vẫn khiêm tốn.
Con đường binh nghiệp của hai chị em giao thoa khi cả hai cùng nhận nhiệm vụ tại Fort Hood, Texas, vào năm 1998. Họ sống cùng nhau trong ba năm cho đến khi Lan Đình giải ngũ vào năm 2001. Trong bữa ăn tối của đơn vị, Lan Đình đã thấy chị mình đã có tác động như thế nào với binh lính dưới quyền. Danielle thậm chí còn mời những người lính đến nhà cô ăn tối trong Lễ Tạ ơn.
“Tôi chỉ biết họ quý mến chị ấy,” Lan Đình nói. “Khi họ đến đó cùng gia đình… Bạn có thể thấy họ hết sức tôn trọng chị ấy.”
Danielle lắng nghe mối quan tâm của binh lính. Lan Đình cho biết cô ấy coi trọng ý kiến của các hạ sĩ quan dưới quyền.
Danielle đã chọn trở thành nữ kỹ sư, một phần vì cô ấy cảm thấy công việc đó là thử thách khó khăn nhất đối với một nữ quân nhân.
Hồi năm 2001, trước vụ khủng bố ngày 11/9, cô trở thành đại đội trưởng nữ đầu tiên trong tiểu đoàn công binh trực tiếp được phân về một lữ đoàn chiến đấu là Lữ đoàn 1 của Sư đoàn 4 Bộ binh. Năm 2003, lữ đoàn đã theo Sư đoàn 3 bộ binh tiến vào Iraq qua ngả Kuwait.
Chiến đấu gian khổ
Cô đã trải qua sáu tháng đầu tiên làm sĩ quan hậu cần của lữ đoàn để giúp trang bị cho một lữ đoàn chiến đấu để nó có thể di chuyển từ Kuwait đến Tikrit, Iraq. Chiều dài của đoàn xe kéo dài hơn 800 km. Đơn vị của cô thường phải ứng biến vì quân đội Mỹ chưa thiết lập bất kỳ cơ sở nào và phải chiến đấu trong điều kiện khắc nghiệt.
Họ làm vòi tắm dã chiến và đào hố để đốt lửa. Vào ban ngày, cô phải chịu cái nóng oi bức trong khi luôn cảnh giác trước hỏa lực của quân thù. “Gần như không thể ngủ được vào ban ngày,” Danielle nói. “Nó quá là nóng”.
Các quan chức Mỹ sau đó đã ghi nhận đơn vị của cô, Sư đoàn 4 Bộ binh, là một trong đơn vị đã giúp bắt được Saddam Hussein. Danielle tiếp tục được triển khai đến Afghanistan để giúp cho kế hoạch gia tăng quân số, chỉ huy một tiểu đoàn công binh tại Fort Carson, Colorado, và làm trợ lý quân sự cho Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO.
Cuối cùng, cô trở thành tư lệnh Lữ đoàn Công binh 130 tại Fort Shafter, Hawaii. Tại đây, cô đã hỗ trợ chiến đấu và xây dựng trên khắp Thái Bình Dương, triển khai binh lính đến 17 quốc gia. Chẳng hạn, đơn vị của cô đã giúp điều phối thỏa thuận dịch vụ dân sự giữa Mỹ và chính phủ Palau để đưa các đội thợ và lao động của Quân đội đến các dự án xây dựng quan trọng ở đảo quốc Thái Bình Dương xa xôi này.
Ngày nay, cô được xem là phụ nữ gốc Việt tại ngũ cấp cao nhất trong Quân đội Mỹ và cao thứ hai chỉ sau Thiếu tướng Lương Xuân Việt. Cô có ba người con mà cô đã dạy dỗ bằng những giá trị học được từ mẹ và ông ngoại quá cố.
“Là một hình mẫu cho những người khác. Cô ấy tự hào nhất về vai trò của mình làm vợ, làm mẹ, con gái và người bạn đối với người xung quanh,” Trung tướng Leslie Smith, Tổng thanh tra của Quân đội viết. “Điều đó thể hiện trong hành động của cô ấy mỗi ngày.”
Ai trong gia đình cô cũng xuất sắc. Sau khi Lan Đình tốt nghiệp trường West Point và phục vụ bảy năm tại ngũ, cô đã có 18 năm làm việc tại Ngân hàng Bank of America và nghỉ hưu với tư cách là phó chủ tịch. Hiện cô đang dạy tiếng Anh ở Thái Lan với tư cách là giám đốc trung tâm Point Avenue, ở Bangkok, một công ty do các cựu sinh viên West Point thành lập.
Cậu của Danielle, ông Ngô Vĩnh Long, người đã bảo lãnh cả gia đình để họ có thể đến sống ở Massachusetts, là sinh viên Việt Nam đầu tiên theo học Đại học Harvard trực tiếp. Ông đã tự học tiếng Anh trước khi đến Mỹ bằng cách học thuộc lòng các tiểu thuyết Anh.
Danielle hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho những người Mỹ gốc Á khác gia nhập quân ngũ bằng tấm gương của cô. Cô cho biết các gia đình châu Á ưu tiên giáo dục, vốn có lẽ là một phần lý do tại sao họ ít có đại diện trong quân đội Hoa Kỳ.
“Con đường của nhiều người châu Á là vào đại học, học hành, làm nên điều gì đó thành đạt hơn cha mẹ,” Danielle nói. “Điều đó khá mạnh mẽ trong văn hóa châu Á. Và trên hết, nếu nhìn xung quanh trong quân ngũ, bạn sẽ không thấy nhiều người giống mình.”
“Chúng ta nên có nhiều tướng lĩnh người Mỹ gốc Phi hơn trong quân đội, để những người Mỹ gốc Phi khác có người để ngưỡng vọng và phấn đấu theo. Nhưng họ đang bỏ qua các cộng đồng gốc Á và gốc Tây Ban Nha. Bằng cách nào đó, chúng ta ‘phải thuyết phục cộng đồng gốc Á rằng đáng để gia nhập quân đội,” cô nói.
‘Rất hãnh diện’
Từ Maine, nơi ông đang dạy đại học, Giáo sư Ngô Vĩnh Long, nói ông ‘rất hãnh diện’ về hai người cháu gái của mình.
“Hai chị em chúng nó không có sự giúp đỡ gì hết ngoài sự giúp đỡ của gia đình là tôi mà lúc đó tôi cũng rất khó khăn về tài chính,” ông Long nói và cho biết cả ba mẹ con bà An ‘đã phấn đấu không để không chỉ đi học lấy bằng mà còn có thể làm những việc giúp ích cho an ninh nước Mỹ’.
“Cả ba mẹ con rất gian khổ. Khi mẹ đi làm thì phải gửi con nhà trẻ rất tốn tiền hay phải gửi hàng xóm,” ông kể.
Khi hỏi về động lực để cô Danielle và cô Lan Đình vào quân ngũ, ông Long nói: “Hai cháu muốn làm cái gì khác với mọi người. Thay vì đi làm có tiền, tụi nó vào quân đội để đóng góp cho an ninh nước Mỹ.”
“Đi lính không phải là để làm giàu mà là để cảm thấy mình có trách nhiệm với đất nước,” ông Long giải thích.
“Hai cháu đã tranh đấu như vậy thì tôi cũng hãnh diện cho người Việt Nam chứ không phải hãnh diện riêng cho gia đình tôi,” Giáo sư Long nói với VOA.
“Trong gia đình tôi mọi người đều tranh đấu, cố gắng hết sức,” ông cho biết thêm.