DANH CA CHÂU HÀ- GIỌNG HÁT MẪU MỰC CỦA LÀNG NHẠC SÀI GÒN TRƯỚC 1975

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Trong làng nhạc miền Nam trước 1975, Châu Hà là một trong những danh ca tiêu biểu có giọng hát hát thiên phú được đánh giá là có kỹ thuật thượng thặng, chuẩn mực, chuyên trình diễn những bài ca đòi hỏi trình độ cao về nhạc thuật.
Danh ca Châu Hà tên thật là Trần Thị Hồng Tâm, sinh năm 1935 trong một gia đình trí thức khá giả ở Hải Phòng. Thuở nhỏ, khi mới 5 tuổi, vì ở nhà có máy phát nhạc loại đĩa đá, bà tự mở nghe nhạc suốt ngày đến nỗi thuộc hết nhạc của các ca sĩ Pháp lừng danh như Jeanette Macdonald, đặc biệt là Toni Rossi. 
Sau đó bà được cho đi học nhạc, tuy nhiên không được gia đình khuyến khích để trở thành ca sĩ. Bà cho biết là chỉ được đi học đàn, còn giọng hát thì hoàn toàn là trời cho, không được qua bất kỳ trường lớp nào, bà chỉ tự rèn luyện qua các dĩa nhạc nước ngoài. 
Sau này khi được nhận vào hát ở đài phát thanh, bà không dùng tên thật vì sợ gia đình biết mà tự chọn cho mình nghệ danh Châu Hà.

Băng nhạc Tơ Vàng – Châu Hà hát nhạc Văn Phụng trước 1975 

Năm 1952, Châu Hà lần đầu gặp nhạc sĩ Văn Phụng, khi đó bà chưa tròn 18 tuổi, và đó là lần gặp gỡ định mệnh.
Lúc đó cha của nhạc sĩ Văn Phụng thuê nhà của cha Châu Hà. Một lần Văn Phụng đến chơi, nghe loáng thoáng trên lầu có tiếng dương cầm. Vốn là một nghệ sĩ rất đam mê đàn, ông tò mò lên lầu thì biết rằng tiếng đàn đó phát ra từ phòng của cô tiểu thư con của chủ nhà. Từ cánh cửa không khép, ông nhìn thấy một người thiếu nữ tóc dài chấm đất, đang ngồi dạo đàn trong lúc hong tóc. Một hình ảnh thật đẹp và dễ dàng làm chao đảo trái tim của chàng nghệ sĩ trẻ.
Khi Châu Hà quay ra cửa và thấy có người trộm nhìn mình, Văn Phụng biết mình đã đường đột nên mở lời chào và tự giới thiệu.
Châu Hà kể lại khoảnh khắc đó như sau: “Anh hỏi tôi là cô đang dạo bài gì đó mà sao nghe hay thế. Tôi trả lời là của Eddy Duchin thì anh ấy mới bảo “Xin phép cô cho tôi dạo thử một tí được không?” Tôi bảo “Vâng, mời anh ngồi”. Anh ấy đàn thì tôi mới biết rằng tôi vừa mới múa rìu qua mắt thợ. Anh nhìn bản nhạc và đàn hay quá. Mặc dù lần đầu chơi cái bản nhạc này mà anh ấy đàn như mưa như gió, rất là hay! Thành đó là một cái kỷ niệm rất đẹp trong đời chúng tôi”.
Trong phút giây gặp gỡ định mệnh đó, nhạc sĩ Văn Phụng bị mất hồn bởi suối tóc tơ dài như nhung của người con gái lần đầu tiên gặp mặt, và ông đã sáng tác ngay ca khúc mang tên Suối Tóc, để kỷ niệm cho lần gặp gỡ:
Tôi muốn đưa em qua miền rừng núi xanh
Chúng ta cùng thăm con suối dịu êm
Nhưng thiên nhiên không êm như tóc huyền
Nhưng thu qua không trong như đôi mắt em

Châu Hà hát Suối Tóc

Sau lần gặp gỡ đó, dù đã phải lòng nhau, nhưng tình cảm của Văn Phụng và Châu Hà không thể tiến xa được cùng nhau, chủ yếu là do gia đình của bà danh giá, nên quyết liệt phản đối một chàng rể là nghệ sĩ vì quan niệm cũ “xướng ca vô loài” vẫn còn hằn sâu trong xã hội đương thời.
Thời gian sau đó, Châu Hà lấy chồng rồi vào Nam, và chàng nhạc sĩ Văn Phụng cũng cưới vợ theo ý muốn của gia đình. Mối tình nghệ sĩ đó tưởng như là khép lại vĩnh viễn. 
2 danh ca Châu Hà và Thái Thanh
Năm 1954, nhạc sĩ Văn Phụng di cư vào Nam, trở thành nhạc trưởng của Đài Phát thanh Quân đội và phụ trách chương trình ca nhạc trên Đài Phát thanh Sài Gòn. Cũng tại đây, vào năm 1955, Văn Phụng gặp lại Châu Hà, vốn trước đó cũng đã di cư vào Nam cùng gia đình, rồi trở thành một trong những ca sĩ hợp tác thường xuyên trên đài phát thanh. 
Chính Văn Phụng là người đề nghị kết hợp 3 giọng hát thượng thặng thành bộ ba Châu Hà, Kim Tước, Mộc Lan, sau đó trở thành ban tam ca Kim – Mộc – Châu nổi tiếng khắp miền Nam, đã hợp tác với nhau một thời gian rất dài trong các chương trình phát thanh và sau đó là truyền hình.

Kim – Mộc – Châu hát Người Về Trên Mây của Từ Công Phụng 

Ba giọng hát Kim Tước, Mộc Lan, Châu Hà có sắc thái khác nhau, nhưng kết hợp với nhau vô cùng ăn ý và đồng điệu. Danh ca Châu Hà cho biết họ gắn bó với nhau như chị em ruột, trình diễn cùng nhau trong các bài nhạc do chính Văn Phụng viết hòa âm để phát trên đài phát thanh.
Thời gian đó Châu Hà hát mỗi ngày 8 tiếng trên đài phát thanh trong các ban nhạc của Văn Phụng, Nguyễn Hiền, Hoàng Trọng, Võ Đức Tuyết, Võ Đức Thu, Xuân Lôi Xuân Tiên…

Châu Hà hát Từ Giọng Hát Em trước 1975

Tại Sài Gòn, Văn Phụng và Châu Hà cùng muốn nối lại tình xưa nghĩa cũ, bất chấp hoàn cảnh gia đình và những lời dị nghị xã hội để đến với nhau. Để vượt qua những rào cản to lớn đó, họ phải chờ đến 8 năm kể từ sau ngày gặp lại, để rồi cuối cùng Văn Phụng – Châu Hà cũng trở thành đôi bạn đời vào năm 1963.
Đó cũng là thời gian mà nhạc sĩ Văn Phụng đã sáng tác rất nhiều bài tình ca tặng cho danh ca Châu Hà, ngoài bài Suối Tóc đã được sáng tác từ 10 năm trước đó, thì sau này còn có thêm các ca khúc bất tử là Tiếng Dương Cầm, Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn, Yêu Và Mơ, Yêu, Tình, Tiếng Hát Với Cung Đàn… 
 Theo lời kể của những người trong giới văn nghệ, thì dù sống với nhau giữa đất Sài Gòn nhưng Văn Phụng và Châu Hà vẫn giữ thói quen và cách sinh hoạt của người Bắc. Hai vợ chồng luôn “tương kính như tân” khiến ai gặp một lần cũng ngưỡng mộ. Khi đã lớn tuổi, họ vẫn giữ cách nói chuyện của người Bắc xưa, hai vợ chồng trân trọng nhau như khách quý. Đây không phải cách cư xử xã giao, mà là sự văn minh hiểu biết của một cặp vợ chồng nghệ sĩ luôn yêu thương và giúp đỡ nhau suốt bao năm. Cả hai luôn dành những từ ngữ trân quý khi nói về nhau.
Ca sĩ Phương Dung đã kể về mối tình của họ như sau:
“Tôi có một thời gian làm việc với nhạc sĩ Văn Phụng. Lúc đó tôi còn bé lắm, đi lên đài phát thanh thì tôi thấy anh Văn Phụng và chị Châu Hà, hai bên đã có gia đình nhưng họ có ánh mắt nhìn nhau đắm đuối, là mình biết họ có tình yêu với nhau. Giữa anh chị em nghệ sĩ, người nào cũng thông cảm cho mối tình này. Sau vài năm, hai bên mới có thể đi đến cuộc sống hạnh phúc.
Lúc đó, tôi làm việc với anh Văn Phụng trong một cuốn phim. Mỗi lần đi quay, tôi thấy hai anh chị dắt theo một bé gái chừng 5, 6 tuổi mà hai người cưng lắm. Đó là kết quả cuộc tình qua nhiều tháng năm gian truân, chờ đợi, yêu nhau và cuối cùng được sống với nhau. Anh Văn Phụng là người rất đẹp trai, thân thiện, lần nào đi cùng đoàn cũng pha trò rất vui để mọi người cười”.
Sau năm 1975, gia đình Văn Phụng – Châu Hà có chuyến vượt biển bão táp để cuối cùng được định cư tại Virginia, Hoa Kỳ. Họ chung sống với nhau hạnh phúc cho đến khi nhạc sĩ Văn Phụng ra đi vào năm 1999. Trước khi qua đời, Văn Phụng biết là ông sắp ra đi nên viết ra 3 ca khúc gửi lại vợ là “Vĩnh Biệt Châu Hà”, “Em ở Lại” và “Anh Đi”… 
 Trên bia mộ của chồng, danh ca Châu Hà đã khắc tên bài hát nổi tiếng là Tiếng Hát Với Cung Đàn, với ý nghĩa là tiếng hát Châu Hà cùng với cung đàn Văn Phụng, đồng thời cũng khắc tên của chính mình lên bia mộ. Lúc đó nhiều người đã nói với bà đó là điềm gở, nhưng bà mặc kệ, nói rằng nếu thật là điềm gở thì lại là niềm may mắn đối với bà, vì bà cũng muốn sớm được đi theo chồng. Trong vòng 10 năm sau đó, Châu Hà không đi đâu, chỉ ở nhà trong niềm nhớ thương. Mất đi người chồng yêu dấu, cuộc đời của bà như là không còn ý nghĩa gì nữa.
Tuy nhiên thời gian sau đó, nhờ lời khuyên của cha xứ, Châu Hà mới nhận ra rằng mình cần tiếp tục sống cuộc đời của mình, và ở cõi vĩnh hằng, người chồng quá cố cũng không thể vui nếu biết vợ của mình phải chịu nhiều đau khổ như vậy suốt 10 năm. Từ đó cho đến năm 2021, dù vẫn luôn sẵn sàng cho một ngày được tái ngộ cùng với chồng, nhưng Châu Hà đã biết tận hưởng niềm vui tuổi già và vui vầy bên con cháu.

Danh ca Châu Hà qua đời vào ngày 15/8/2021, hưởng thọ 86 tuổi.

Đông Kha (nhacxua.vn)

https://phailentieng.blogspot.com/2021/08/danh-ca-chau-ha-giong-hat-mau-muc-cua.html?fbclid=IwAR21-Xi7Yk_vT68-nOUYNLIlPZcVf9V2rnDy2XtYYaEpuWuY1iumiBjYaeA