NKLT: Ca sĩ Bạch Yến đã phát biểu: “Bạn nghe nhé Ví dầu cầu ván long đinh, cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi…, nhiều người hát “đóng đinh”, không phải đâu. Đó, không hiểu cặn kẽ dễ sai, dễ lầm và làm sao hát bằng cả cái tâm được.” Theo ca sĩ Bạch Yến, cầu ván phải long đinh và cầu tre phải lắc lẻo nên mới “gập ghềnh khó đi”, thật ra, câu ca dao này đã được nhiều người biết đến: Ví dầu cầu ván đóng đinh.
“Cầu ván đóng đinh” là cây cầu ván bằng phẳng chắc chắn, còn “cầu tre lắc lẻo” là cây cầu “gập ghềnh khó đi” và dù cầu tre gập ghềnh khó đi nhưng mẹ cũng sẽ cố gắng đi trên đường đời đó để mưu sinh cho con được đi học trên cây cầu ván đóng đinh bằng phẳng, vững chắc. Câu ca dao này nói lên lòng mẹ thiêng liêng, hy sinh không nài gian khổ để cho con được ăn học đầy đủ, nếu đổi thành cầu ván “long đinh” đã làm mất đi ý nghĩa hy sinh cao đẹp của người mẹ trong câu ca dao này. |
Danh ca Bạch Yến biểu diễn tại VN, tháng 10-2009.
Nguồn: http://ngoisao.vnexpress.net/danh-ca-bach-yen-ve-nuoc-bieu-dien-2545759.html
Dân ca, mình thích mình yêu thì hát thôi
* Điều đầu tiên bà muốn nói khi trở về quê nhà là…
– Tôi yêu VN! Đó không phải câu nói giao đãi mà là kết quả của cả một quá trình tìm kiếm, học tập. Thuở còn ở nhà mọi thứ luôn sẵn. Cải lương muốn nghe lúc nào cũng được. Phố xá mình nhìn thấy mỗi ngày. Trang phục, tiếng nói, dáng người, thức ăn… quá đỗi quen thuộc nên nhiều khi không để ý. Đến khi ra nước ngoài mới nhớ, mới mong, mới ráng đi tìm. Càng tìm càng thấy thương. Càng hiểu càng thấy yêu. Cái cảm giác đó tôi tin là mọi người con xa xứ đều thấu hiểu.
* Nhưng bà đã rất nổi bật ở khả năng hát nhạc Tây?
– Hát tân nhạc thời nào cũng kiếm được nhiều tiền hơn, mà ở cái thuở 14, 15 tuổi đó tôi lại rất cần tiền để phụ giúp gia đình. Tôi đi học cũng là học hát tân nhạc. Sang Hollywood, để cạnh tranh với những ca sĩ Hàn Quốc, Nhật Bản… ai cũng biết hát tiếng Anh nên tôi phải đi học tiếng Tây Ban Nha, học luôn cả tiếng Ý, rồi hát tiếng Do Thái. Tôi được mời hát trong phim The green berets (Mũ nồi xanh) là hát bằng tiếng Pháp và Anh. Hát trong các show truyền hình cũng đều là nhạc Tây cả.
* Vậy bà đến với nhạc dân tộc do “càng tìm càng thấy thương” hay do ảnh hưởng từ gia đình chồng?
– Đó là cái duyên! Như mọi người đều biết, anh Hải (giáo sư Trần Quang Hải, bạn đời Bạch Yến) là người chuyên nghiên cứu về âm nhạc cổ truyền VN và đã đi biểu diễn nhiều nơi. Anh cần một người biểu diễn minh họa nhưng không tìm được ai nên tôi lại phải học. Suốt 15 năm trời tôi không nghe bất cứ bài hát nào ngoài dân ca VN để không bị nhiễu, để tập trung học cho kỳ được. Nhờ đó tôi được biết về âm nhạc nước nhà, biết cái hay, cái đẹp của ngũ cung, của những cách luyến láy trong điệu hát ru con miền Nam, miền Trung, miền Bắc… Những điều đó tiếp thêm cho tôi tình yêu để tôi theo đuổi con đường hát dân ca, muốn được giới thiệu dân ca nước mình cho thế giới. Nhiều người bảo là tôi giúp quảng bá âm nhạc VN ra bên ngoài, nhưng tôi chỉ nghĩ đơn giản là mình được hát cái mình thích thôi. Mình thích, mình yêu thì hát dẫu hát dân ca chẳng kiếm được bao nhiêu tiền.
* Và trong những lần mang dân ca VN đến với khán giả thế giới, phản hồi của họ ra sao, thưa bà?
– Ở các trường tiểu học nước ngoài trẻ con không chỉ được tìm hiểu về âm nhạc dân tộc mình mà còn tìm hiểu âm nhạc các nước khác. Tất nhiên với kiến thức của các cháu thì những tiết mục biểu diễn của mình phải điều chỉnh nhẹ nhàng hơn, kết hợp một chút hài hước để các cháu dễ tiếp cận. Những khán giả lớn tuổi thường là những người có hiểu biết. Khi nghe mình hát, họ không chỉ nghe bài hát mà còn xem cả cách hát, nghe cách mình luyến láy. Nhiều lần sau buổi diễn họ đã tìm đến bắt tay tôi và nói rằng rất thích dân ca VN với những đặc trưng riêng không tìm thấy ở dân ca của nước khác. Như trong buổi sinh hoạt văn nghệ giới thiệu đàn tranh tại nhà giáo sư Trần Văn Khê (21-10) vừa rồi, bạn cũng được nghe ông Jean Louis Beydon (giám đốc Học viện Âm nhạc Vanves – Pháp) nói đó. Ông ấn tượng không chỉ vì cây đàn mà vì cách chúng ta chơi đàn – rất nhẹ nhàng, khoan thai chứ không như Nhật hay Hàn Quốc – chơi như thể đang đay nghiến cây đàn. Điều mà thế giới thích ở chúng ta đó là hồn Việt trong nhạc cụ, trong tác phẩm, trong cả cách trình tấu, biểu diễn.
Sự lai tạp thiếu hiểu biết là không tôn trọng khán giả.
* Với tư cách là một trưởng bối, bà có nhận xét gì về các nghệ sĩ trẻ trong nước hôm nay?
– Tôi rất vui khi thấy các em ngày nay được học hành đầy đủ hơn, hát có kỹ thuật hơn. Nhưng cũng chính điều đó lại khiến tôi lo ngại khi các em chỉ lo tập trung vào kỹ thuật mà đôi khi bỏ quên cái hồn bài hát. Một điều nữa cũng đáng lo là sự pha tạp giữa nhạc Việt và nhạc phương Tây không đúng cách. Nhạc cụ thì Việt, tác phẩm cũng Việt nhưng lại chơi theo kiểu Tây. Ai đó có thể nói rằng chơi nhạc như thế là để khán giả nước ngoài dễ nghe, dễ hiểu nhưng theo kinh nghiệm tôi đi biểu diễn ở mấy chục nước thì cái mà khán giả thật sự muốn nghe là nhạc Việt tinh tuyền chứ không phải kiểu pha trộn cho vui tai. Không, họ không vui! Trái lại những người biết nghe sẽ rất khó chịu với kiểu làm nhạc đó. Họ xem đó là một tội lớn của người làm âm nhạc. Sự lai tạp thiếu hiểu biết là không tôn trọng khán giả.
* Nhưng chính bà cũng đã phải mất nhiều thời gian để nắm bắt được “nhạc Việt tinh tuyền” đấy thôi!
– Cuộc đời ca hát của tôi gắn liền với những chuyến lưu diễn. Nhưng xài dần những cái sẵn có thì sẽ cạn, nghệ thuật là ngành lao động nghiêm túc, nhất là cần trân trọng hết mình khi hát tiếng dân mình. Tôi đã phải tìm hiểu cặn kẽ từ những câu tục ngữ, ca dao đến từng điệu hát ru con. Bạn nghe nhé Ví dầu cầu ván long đinh, cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi…, nhiều người hát “đóng đinh”, không phải đâu. Đó, không hiểu cặn kẽ dễ sai, dễ lầm và làm sao hát bằng cả cái tâm được.
* Xin lỗi bà, trong buổi trò chuyện này đôi khi có một số ý muốn diễn đạt bà vẫn phải dùng tiếng Pháp, khó lắm không để cân bằng sự chênh vênh giữa hội nhập và sự tinh truyền trong cuộc sống, ngoài âm nhạc?
– Những người tha hương thường gặp một số vấn đề về ngôn ngữ như bạn nói. Nhưng thẳm sâu trong tâm hồn mình, gọi là gì nhỉ, ừ… bản ngã, tôi hoàn toàn là người VN. Lên sân khấu trang phục thường xuyên của tôi là áo dài, đó là bộ “váy” luôn luôn đẹp nhất. Vườn nhà tôi trồng rau Việt, con gái tôi từ nhỏ mẹ nhờ ra vườn hái mấy cọng hành, lá rau thơm không hái lầm loại nào đâu nhé. Nghe điện thoại người đồng hương, cháu biết phân biệt xưng chú, bác, cậu, nói câu tiếng Việt tròn trịa khiến người lớn giật mình, vì chính họ không còn nhớ cách nói như vậy nữa. Khi làm việc với người nước ngoài, sự chuyên nghiệp và tài chính là vấn đề đương nhiên, nhưng họ cũng quý cái tình lắm vì điều đó thật hiếm hoi trong thế giới cạnh tranh. Khi theo tôi về VN lần này, ban đầu có vài lý do khiến ông Beydon ngần ngại, tôi tha thiết: “Anh ơi, anh đi với tôi biểu diễn khắp nơi rồi, nhưng chưa một lần về hát trên chính quê hương tôi. Nhà tôi đó, nhớ lắm!”. Bạn thấy tôi năn nỉ “ngọt” như VN không?
Trong bộ áo tứ thân, Bạch Yến đã trình bày Cò lả, Hái hoa, Hò hụi, Ru con ba miền… trong chương trình “Âm nhạc truyền thống Việt Nam với Trần Quang Hải và Bạch Yến” cho học sinh tiểu học Bergen (Na Uy) năm 2004 do Cơ quan Giáo dục âm nhạc Rikskonsertene tổ chức. Chương trình đã giành được sự yêu thích đặc biệt của trẻ em Na Uy. – Ảnh: Trần Quang Hải. Danh ca Bạch Yến, phu nhân của giáo sư Trần Quang Hải, con dâu giáo sư Trần Văn Khê, là một trong những niềm tự hào của âm nhạc VN với những chuyến lưu diễn qua hơn 70 quốc gia, góp mặt trên các đài truyền hình Hoa Kỳ, Venezuela, Colombia, Panama, Curaçao. Cùng với chồng, Bạch Yến đã cho ra đời hơn chục đĩa hát, băng cassette dân ca, trong số đó đĩa Vietnam: Tran Quang Hai & Bach Yen vinh dự giành giải thưởng Grand Prix du disque de l’Académie Charles Cros của Hàn lâm viện đĩa hát Charles Cros (Pháp) vào năm 1983. Trong chuyến về nước biểu diễn lần này, Bạch Yến đã có bảy đêm nhạc tại phòng trà Văn Nghệ (TP.HCM) từ 18 đến 31-10. Vào ngày 9-11 bà sẽ cùng biểu diễn với giáo sư Trần Quang Hải tại tư gia của bố chồng (giáo sư Trần Văn Khê). |