(Để nhớ ngày Nguyễn Lân Thắng bị kết án 6 năm tù 2 năm quản chế)
Khi cuộc cách mạng mang tính dây chuyền bùng nổ tại các nước Bắc Phi trong Mùa Xuân Á Rập (Arab Spring) hay Cách Mạng Hoa Lài (Jasmine Revolution) 2011, nhiều người Việt hy vọng một cuộc cách mạng tương tự sẽ bùng nổ ở Việt Nam.
Thật ra, cuộc vận động cách mạng dân chủ Việt Nam khác và khó khăn hơn nhiều so với cuộc vận động đã diễn ra tại Bắc Phi.
Điều kiện ra đời và tồn tại của chế độ độc tài CS tại Việt Nam không giống các chế độ độc tài cá nhân như Muammar Gaddafi tại Lybia, Ḥosnī Mubārak tại Ai Cập hay Ben Ali của Tunisia và cũng không giống các chế độ Cộng Sản chư hầu chùm gởi sống bám vào cây đại thụ Liên Xô một thời tồn tại ở Đông Âu.
Phần lớn các chế độ độc tài quân sự, dù cá nhân hay phe nhóm, hình thành do kết quả của các cuộc đảo chính, lật đổ các chính phủ tiền nhiệm, nhiều khi cũng rất độc tài. Cơ hội đã đưa một số sĩ quan từ những người lính trở thành những nhà chính trị. Ngoài lòng tham quyền lực và địa vị, họ không sở hữu một vốn liếng chính trị và không có một sự chuẩn bị đầy đủ để lãnh đạo quốc gia. Các quốc gia Libya, Ai Cập, Tunisia không trải qua cuộc chiến tranh ý thức hệ tàn khốc suốt mấy mươi năm và vai trò của các đế quốc Mỹ, Liên Xô cũng không mang tính quyết định như trong cuộc chiến Việt Nam.
Việt Nam thì khác. Giới lãnh đạo CSVN được đào tạo để hoạt động, tổ chức, lãnh đạo chuyên nghiệp, kiên quyết theo đuổi đến cùng các mục tiêu ngắn và dài hạn của đảng CS. Từ khi thành lập vào năm 1930 cho đến nay, tuy khác nhau về chiến lược của mỗi thời kỳ và hoạt động dưới nhiều tên gọi như Đảng Cộng sản Đông Dương (1929), Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương (1945), Đảng Lao động Việt Nam (1951), Đảng Nhân dân Cách mạng ở miền Nam (1962), Đảng Cộng sản Việt Nam (1976) nhưng hoàn toàn thống nhất về tư tưởng và mục tiêu.
Nạn sùng bái cá nhân dưới các chế độ độc tài không Cộng Sản có nhưng không tác hại trầm trọng đến nhận thức của người dân. Những viên chức phân phối Sách Xanh (Green Book) chứa đựng “tư tưởng Muammar Gaddafi” chỉ là những người thừa hành, làm việc, lãnh lương. Họ không quan tâm và cũng chưa chắc biết gì nhiều về nội dung cuốn sách. Việt Nam thì khác. Hình ảnh một “cha già dân tộc” Hồ Chí Minh một thời rất lâu đóng một lớp băng dày trong nhận thức của nhiều người. Không một dẫn chứng nào, tài liệu khoa học nào có thể làm tan chảy niềm tin mù quáng trong lòng những người Việt cuồng tín.
Khác với Gaddafi, đảng CSVN có cả kho lý luận, trong đó có những câu trả lời thích hợp cho từng lứa tuổi, từng ngành nghề, từng giới, từng trình độ học vấn. Hệ thống tuyên truyền phản khoa học như cây đinh đóng sâu vào ý thức của con người từ tuổi ấu thơ cho đến lúc trưởng thành. Không ít người Việt bị tẩy não mà không chịu thừa nhận hay không biết mình bị tẩy não.
Chế độ Cộng Sản tại Việt Nam cũng không giống như chế độ độc tài Cộng Sản tại các quốc gia Đông Âu. Nếu không có sự chiếm đóng của Hồng Quân Liên Xô và sự thỏa thuận của các cường quốc Anh, Mỹ, Liên Xô tại hội nghị Yalta 1945, đã không có một nhóm quốc gia Cộng Sản được gọi là Cộng Sản Đông Âu.
Việt Nam thì khác. Đảng CSVN bám sâu vào cây đại thụ Việt Nam, sinh sôi nẩy nở bằng nhựa nguyên và nhựa luyện Việt Nam. Quá trình hình thành và phát triển của đảng CSVN là một quá trình đầy ngộ nhận lịch sử và họ tồn tại đến ngày nay, một phần lớn cũng nhờ vào những ngộ nhận đó. Chiến thắng của đảng CSVN ngày 30-4-1975 là kết quả của một cuộc lừa gạt lớn nhất trong lịch sử Việt Nam.
Nhưng cục diện thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Ánh sáng tin học đã soi rọi vào mọi ngõ ngách của xã hội và đời sống con người. Sau 48 năm mài tới mài lui, lưỡi gươm tuyên truyền của đảng đã ngắn gần tới cán.
Những bản án dài hạn chụp lên đầu những người yêu nước khi họ chỉ vừa cất lên tiếng nói trước những bất công xã hội như trường hợp Nguyễn Lân Thắng cho thấy ngoài nhà tù đảng không có vũ khí gì khác hay phương tiện nào khác.
Nhưng nhà tù đang mất dần tác dụng và không còn làm nhiều người sợ hãi vì cả nước Việt Nam thực chất cũng chỉ là một nhà tù. Nguyễn Lân Thắng, Phạm Đoan Trang khác với những người sống bên ngoài cổng sắt là không gian rộng hay hẹp chứ không phải có tự do hay mất tự do. Tự do quan trọng nhất của con người là tự do ngôn luận nhưng tự do ngôn luận không tồn tại dưới chế độ CS.
Một số người lo lắng vì phong trào dân chủ tại Việt Nam quá ít oi, rời rạc. Quan tâm đúng nhưng đó là một thực tế không tránh khỏi của mọi cuộc cách mạng. Không chỉ Việt Nam mà các cuộc cách mạng tại Đông Âu, Baltics đều bắt đầu từ những nhóm nhỏ. Cách mạng dân chủ tại Mông Cổ bắt đầu chỉ với vỏn vẹn với 13 người trong mùa đông 1989.
Cuộc vận động dân chủ cho Việt Nam cũng bắt đầu từ những nhóm nhỏ nhưng đang lớn dần.Từng giọt nước đã và đang được rót vào ly. Không ai biết giọt nước nào làm sẽ làm tràn ly và khi nào sẽ rót xuống nhưng chắc chắn một điều mọi người đều biết, sẽ rót xuống từ lòng dân tộc Việt Nam và thời điểm không còn xa xôi nữa.
Năm 2002, Bác sĩ Phạm Hồng Sơn dịch bài Thế Nào Là Dân Chủ trích từ website của Tòa Đại Sứ Mỹ tại Việt Nam. Năm 2014, Nguyễn Lân Thắng viết Thư Gởi Bé Đậu, con gái của anh. Khoảng cách giữa hai bài viết là 12 năm. Hai người chưa hẳn đã biết nhau nhưng có một khát vọng giống nhau về tương lai đất nước.
Khi được hỏi lý do dịch bài viết, Bs Phạm Hồng Sơn trả lời vì “khao khát Tự do, Hòa bình và mưu cầu một cuộc sống đầy đủ trên đất nước Việt Nam.” Tương tự, Nguyễn Lân Thắng viết cho Bé Đậu: “Bố ước gì con được sống trong một tương lai tốt đẹp hơn bố. Con được sống trong tình thân ái, trong niềm tin, niềm hân hoan và những thứ mà một con người đáng được hưởng.”
Khát vọng giống nhau đó phát xuất từ nội lực của dân tộc Việt, một dân tộc trong suốt dòng lịch sử luôn tìm mọi cách để vươn lên, tìm mọi cách để vượt qua thử thách.
Khát vọng tự do như ngọn lửa không bao giờ tàn. Bản án của đảng CSVN dành cho những người yêu nước càng nặng chỉ làm ngọn lửa càng bốc cao hơn và đốt cháy chế độ nhanh hơn.
Trần Trung Đạo