Người Pháp không chỉ tự hào về các công trình văn hóa – lịch sử như tháp Eiffel, nhà thờ Đức Bà Paris (Notre Dame), bảo tàng Louvre, cung điện Versailles … mà còn rất tự hào về Champs-Elysées, được mệnh danh là đại lộ đẹp nhất thế giới. Và cũng không quá lời nếu gọi Champs-Elysées là một biểu tượng của thủ đô Paris hoa lệ.
Nhưng không mấy ai biết rằng trước khi trở thành đại lộ Champs-Elysées sầm uất, một điểm du lịch thu hút vô vàn du khách từ bốn phương tới Kinh Đô Ánh Sáng, khu vực đó xưa kia chỉ là một bãi sình lầy, một cánh đồng được trồng lúa mì, yến mạch và bạt ngàn cây cối, thậm chí có cả một bãi chăn thả gia súc.
Năm 1667, theo ý tưởng của Vua Louis XIV, Bộ Trưởng Tài Chính Pháp thời bấy giờ là Jean-Baptiste Colbert cho mở một con đường nối từ cung điện Tuileries tới các nơi ở khác của nhà vua. Hai bên lối đi được trồng nhiều hàng cây. Công việc được giao cho người thợ làm vườn André Le Nôtre của Vua Louis XIV.
Con đường chỉ dành riêng cho các buổi dạo chơi của Hoàng Tộc. Ban đầu, con đường đó được gọi là «lối đi Roule» (Grande allée de Roule). Đến năm 1678, «lối đi Roule » được đổi tên thành «đại lộ Grille Royale» (Avenue de la Grille Royale), rồi lại được mang tên «đại lộ Cung điện Tuileries» (Avenue du Palais des Tuileries) từ năm 1680.
Cái tên «đại lộ Champs-Elysées» xuất hiện lần đầu vào năm 1694 nhưng phải đến năm 1709 thì mới thành tên gọi chính thức. Champs-Elysées, theo thần thoại Hy Lạp cổ đại, có nghĩa là thiên đường, là nơi yên nghỉ của những anh hùng, những người có đức hạnh ở bên kia thế giới. Nhưng từ «Champs», trong tiếng Pháp có nghĩa là cánh đồng, cũng gợi nhớ tới nguồn gốc nơi này xa xưa đã từng là cánh đồng lúa mì, yến mạch.
Đại lộ Champs-Elysées xưa kia …
Vào thời kỳ Cách Mạng Tư Sản Pháp (1789-1799), đại lộ Champs-Elysées, cụ thể là quảng trường Concorde, ghi dấu ấn là nơi đặt máy chém hành quyết Vua Louis XVI, Hoàng hậu Marie-Antoinette (1793), nhà lãnh đạo Cách Mạng Tư Sản Maximilien de Robespierre (1794), cũng như nhiều nhân vật nổi tiếng khác thời đó.
Cho đến những năm đầu thế kỷ XIX, đại lộ Champs-Elysées vẫn giữ nguyên dáng vẻ sơ khai, vẫn là một con đường rợp bóng cây xanh, mang dáng dấp yên ả nơi đồng quê. Năm 1806, Hoàng Đế Napoléon Đệ Nhất cho xây dựng Khải Hoàn Môn trên quảng trường Ngôi Sao (Place de l’Etoile), nay là quảng trường Charles de Gaulle, để vinh danh chiến công của quân đội Pháp. Khải Hoàn Môn được vua Louis Philippe khánh thành 20 năm sau đó, vào năm 1836. Tới năm 1896, Khải Hoàn Môn được xếp hạng di tích lịch sử của Pháp.
Vào những năm 1820-1830, đại lộ Champs-Elysées trở thành một địa điểm dạo chơi thanh lịch, quý phái bậc nhất kinh thành Paris. Các quán cà phê, nhà hàng, quán đồ uống chế biến từ sữa, khu chơi bóng … bắt đầu mọc lên dọc hai bên đại lộ. Từ năm 1835, vua Louis Philippe cho chỉnh trang, làm đẹp đại lộ. Dáng dấp hiện đại của đại lộ Champs-Elysées có được là nhờ công quy hoạch của kiến trúc sư Hittorff vào những năm 1836-1840, rồi sau đó là quy hoạch của bá tước Haussmann vào năm 1858.
Trong những năm nửa cuối thế kỷ XIX, cùng với sự phát triển kinh tế, nhiều khách sạn hạng sang, ngân hàng, cửa hiệu cao cấp, nhà hàng, quán sá, rạp hát, … mọc lên dọc đại lộ. Champs-Elysées trở thành một trung tâm thời thượng của giới quý tộc Paris.
Năm 1915, lần đầu tiên quân đội Pháp diễu hành trên đại lộ Champs-Elysées vào ngày Quốc Khánh để chuyển tro cốt của Rouget de Lisle, nhạc sĩ sáng tác bản Quốc Ca La Marseillaise, tới điện Invalides. Gây nhiều ấn tượng mạnh là lễ duyệt binh trong ngày Quốc Khánh 14/07/1919, sau khi Chiến Tranh Thế Giới lần thứ nhất kết thúc. Thống Chế Joseph Joffre, Thống Chế Philippe Pétain và Thống Chế Ferdinand Foch – những vị anh hùng dân tộc góp phần mang lại chiến thắng cho quân Đồng Minh trong Chiến Tranh Thế Giới lần thứ nhất dẫn đầu đoàn quân đại thắng diễu hành trên đại lộ.
Theo một phóng sự trên đài truyền hình Pháp France 24, «Đại lộ Champs-Elysées là nơi chứng kiến những thời khắc quan trọng nhất, đôi khi là những sự kiện tồi tệ nhất trong lịch sử nước Pháp, như sự kiện Đức Quốc Xã chiếm đóng Paris. Tháng 07/1941, quân phát xít Đức đã rập gót giầy trên đại lộ đẹp nhất thế giới. Đây là thời khắc đen tối nhất của nước Pháp và ngay tại chính nước Pháp.
Nhưng cũng chính trên đại lộ Champs-Elysées, ngày 16/08/1944, Tướng Charles de Gaulle dẫn đầu đoàn quân chiến thắng đã phát biểu trước dân chúng. Paris được giải phóng khỏi Đức Quốc Xã. Hình ảnh về lòng tự hào dân tộc mà người Pháp mới giành lại được và tình đoàn kết dân tộc đã che khuất nỗi nhục nhã trong quá khứ».
Đại lộ Champs-Elysées ngày nay …
Qua hơn 300 năm tồn tại và phát triển, giờ đây, đại lộ Champs-Elysées đã được vinh danh là đại lộ đẹp nhất thế giới, một trong những biểu tượng du lịch của Paris. Với lượng du khách tăng không ngừng, năm 2016, Hội Đồng Thành Phố Paris đã quyết định đại lộ danh tiếng nhất hành tinh sẽ được dành cho người đi bộ vào Chủ Nhật đầu tiên hàng tháng, kể từ ngày 08/05/2016, mọi phương tiện giao thông đều bị cấm trên đại lộ Champs-Elsyées trong những ngày này.
Đại lộ dài hơn 2 km cũng là nơi tổ chức nhiều chương trình, lễ hội văn hóa, thể thao, xã hội, chính trị quan trọng của nước Pháp nói chung và Paris nói riêng.
Ngày Quốc Khánh Pháp 14/07, người dân nô nức đổ tới đại lộ ngắm duyệt binh và chào đón đoàn xe diễu hành của tổng thống Pháp. Hàng năm, cứ tới ngày 08/05, kỷ niệm Chiến Tranh Thế Giới lần thứ hai kết thúc, tổng thống Pháp và giới chính trị gia thường đến thăm đài tưởng niệm chiến tranh, đặt vòng hoa tưởng niệm những người lính Pháp hy sinh trong chiến tranh.
Năm 1998, đội tuyển bóng đá Pháp giành chức vô địch Cúp Bóng Đá Thế Giới. Hàng chục triệu người Pháp đã đổ tới Champs-Elysées hân hoan hò reo ăn mừng chiến thắng của «những chú gà trống Gaulois». Từ nhiều năm nay, Champs-Elysées là chặng đua cuối của «Tour de France» – cuộc đua xe đạp Vòng Quanh Nước Pháp nổi tiếng thế giới và là chặng đầu của giải đua chạy việt dã Marathon de Paris thu hút vài chục ngàn vận động viên đến từ hàng trăm quốc gia trên khắp thế giới.
Từ năm 1980, theo thông lệ, vào mùa Noel, thị trưởng thành phố Paris cùng một nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, giải trí của Pháp sẽ cùng bấm nút thắp đèn Giáng Sinh trang trí đại lộ Champs-Élysées. Trong những năm gần đây, vinh dự thắp đèn đã thuộc về diễn viên Marion Cotillard (2008), ca sĩ Charlotte Gainsbourg (2009), ca sĩ – diễn viên Mélanie Laurent (2010), diễn viên Audrey Tautou (2011), diễn viên Diane Kruger (2012), diễn viên – người mẫu Laetitia Casta (2013), diễn viên Omar Sy (2014), diễn viên Jean Dujardin (2015) và nhà vô địch nhu đạo Thế Giới Teddy Riner (2016). Với hàng ngàn ngàn dây đèn, chùm đèn nhấp nháy trên hai hàng cây chạy dọc đại lộ từ nửa cuối tháng 11 tới đầu tháng 01 năm sau, Champs-Elysées vốn đã lộng lẫy lại càng trở nên lung linh.
Từ năm 2007, mùa lễ hội cuối năm còn được ghi dấu ấn trên đại lộ Champs-Elysées với khu chợ Giáng Sinh vào hàng lớn nhất nước Pháp gồm hàng trăm gian hàng lưu niệm, quà tặng và đặc sản nhiều vùng miền của Pháp. Trong cái giá lạnh mùa đông, đi dạo bộ trên đại lộ danh tiếng nhất thế giới, ngắm chợ Noel dưới ánh đèn lung linh, với một ly rượu vang nóng hổi trên tay, đối với du khách, quả không còn gì thú vị bằng ! Và tới đêm 31/12, hàng triệu người dân thường đổ về đại lộ lộng lẫy nhất thế giới để ngắm pháo hoa, đón chào năm mới.
Đại lộ Champs-Elysées còn thu hút được nhiều tín đồ mua sắm trong nước và quốc tế nhờ các cửa hàng, cửa hiệu của các thương hiệu thời trang, kim hoàn, đồng hồ, mỹ phẩm … từ bình dân như Yves Rocher, H and M, Zara … tới sang trọng, đẳng cấp như Louis Vuitton, Hugo Boss, Cartier, Montblanc, Guerlain, …
Thật không ngoa khi gọi đại lộ Champs-Elysées là «thiên đường mua sắm» và nói rằng «dưới ánh mặt trời hay trong cơn mưa, vào ban trưa hay vào lúc nửa đêm, bất cứ thứ gì bạn muốn, bạn đều có thể tìm thấy, trên đại lộ Champs-Elysées» như lời bài hát nổi tiếng «Champs-Elysées».
*** Về cái tên “Paris”
Cái tên “Paris” bắt nguồn từ những cư dân đầu tiên của nó, bộ lạc Celtic Parisii. Tên thành phố này không liên quan gì đến thần thoại Paris của Hy Lạp. (Brian Vu)