Theo cách nhìn thực tiễn dân chủ chỉ là trò chơi nhằm phân chia quyền lực và quyền lợi giữa các nhóm có lợi ích khác nhau. Ở Việt Nam 70 năm qua vẫn là trò chơi kín giữa các thành viên trong Bộ Chính Trị.
Đại Hội 12 có phần khác hơn khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Bùi Quang Vinh phát biểu đảng Cộng sản cần nghiêm khắc đánh giá lại chính mình vì 70 năm qua đổi mới về chính trị hầu như chưa làm.
Truyền thông thì phổ biến hình ảnh từ Tổng Bí Thư đến đại biểu mệt mỏi ngủ gà ngủ gục ngay khi Đại Hội 12 khai mạc. Có thể thấy được phần nào luật chơi đang thay đổi.
“Dân chủ” hơn trước
Tại Hội Nghị 6 đã xảy ra vụ Bộ Chính Trị yêu cầu kỷ luật một thành viên nhưng khi đưa ra Hội Nghị đa số các Ủy viên Trung ương không tán thành. Thành viên này được Chủ tịch Trương Tấn Sang gọi là đồng chí X, dư luận cho rằng chính là Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Ông Dũng từng công khai cho biết trong vai trò Thủ Tướng ông chưa từng kỷ luật một ai. Ông là Thủ tướng nên cầm tiền và phân chia tiền cho cả guồng máy nhà nước lẫn guồng máy của đảng. Bởi thế đa số Ủy viên Trung Ương hay đại biểu Đại Hội dồn phiếu cho ông là chuyện thường.
Sang đến Hội nghị 7, các ủy viên trung ương bầu cho ông Nguyễn Thiện Nhân và bà Nguyễn Thị Kim Ngân vào Bộ Chính trị. Trong khi ông Nguyễn Bá Thanh và ông Vương Đình Huệ được chính Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng giới thiệu lại bị từ chối.
Hai người mới vào Bộ Chính Trị đều là người miền Nam và được cho là thân với ông Dũng. Bàn thắng thứ hai này buộc ông Trọng phải thay đổi chiến thuật không còn trực tiếp đối đầu với ông Dũng.
Hiệp ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP)
Trong vai trò Thủ Tướng ngay đầu năm 2014 ông Dũng đã đưa ra đường lối kinh tế khá sát với nền kinh tế thị trường nhưng ngầm cho biết thách thức lớn nhất mà ông phải đối đầu là việc “ổn định chính trị”.
Mặc dù con đường xã hội chủ nghĩa không còn thuyết phục như chính ông Trọng cho biết “…chủ nghĩa xã hội còn lâu dài lắm, đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa?” nhưng khai mạc Đại Hội ông Trọng vẫn ca ngợi chủ nghĩa Mác – Lênin và phát biểu: “Con đường đi lên Chủ nghĩa Xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử.”
Trong vai trò quản lý kinh tế, ông Dũng phải đẩy mạnh việc Việt Nam gia nhập Hiêp định TPP. Một mặt ông phải thương lượng và thỏa thuận với các quốc gia ký kết. Mặt khác ông phải thuyết phục Bộ Chính Trị thông qua các thương lượng đã ký kết.
Gia nhập TPP là phương cách tốt nhất giúp cho đảng Cộng sản thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế. TPP đã được Bộ Chính Trị thông qua để đưa ra Đại Hội đây là bàn cờ thứ ba ông Dũng đã thắng.
Các Đại Hội trước Dự Thảo Đại Hội được rầm rộ phổ biến, học tập, thảo luận, lấy ý kiến trước ngày khai mạc, lần này Dự Thảo phổ biến trễ và khá im lìm. Đến sát ngày Đại Hội, Hội Nghị 14 mới thông qua Hiệp Định TPP, và TPP lại là đề tài chính trong Đại Hội 12. Một thay đổi lớn ít được để ý.
Gia nhập TPP là gia nhập sân chơi quốc tế, sân chơi của các đại công ty, nếu không biết chơi Việt Nam sẽ chỉ là một khu gia công hàng hóa quốc tế nên không chắc đây là con đường tốt nhất cho Việt Nam.
TPP chỉ có lợi cho đất nước khi Việt Nam thực sự có tự do: kinh tế tự do, nghiệp đoàn tự do, báo chí tự do, bầu cử tự do, nói chung mọi thứ đều có khả năng cạnh tranh tự do và chỉ có tự do mới thúc đẩy được đất nước vươn lên đủ sức cạnh tranh với luật chơi của các đại công ty.
Biển Đông một vấn đề khác
Tình hình biển Đông ngày càng trở nên phức tạp. Trung cộng không che dấu tham vọng kiểm soát biển Đông, họ thường xuyên trái phép bay trên không phận Việt Nam, xây phi trường trên cả Hoàng Sa lẫn Trường Sa và thường xuyên cho tàu thuyền vi phạm lãnh hải Việt Nam.
Ngay trước ngày khai mạc Đại Hội 12 còn Trung cộng kéo dàn khoan 981 vào vùng biển của Việt Nam.
Trong tình trạng kinh tế suy giảm để giữ niềm tin, nhà cầm quyền Bắc Kinh phải định hướng dư luận đến an ninh, quân sự và Biển Đông. Mâu thuẫn giữa Việt Nam và Trung cộng sẽ càng ngày càng tăng và rất dễ bùng nổ chiến tranh.
So với các thành viên Bộ Chính Trị, ông Dũng có những lời tuyên bố cứng rắn hơn, và ông có nỗ lực ngoại giao với các quốc gia như Hoa Kỳ, Phi, Ấn… nhằm bảo vệ quyền lợi chung trên biển Đông.
Nếu công khai chính sách ông Dũng dễ dàng ghi bàn thắng cho vấn đề Biển Đông.
“Dân chủ Tập Trung”
Thể thức bầu cử tại Đại Hội 12 sẽ dựa trên Quyết định 244 quy định nguyên tắc “dân chủ tập trung” theo đó những chức vụ cao nhất trong đảng Cộng sản sẽ do các Đại Biểu tham dự Đại Hội bình chọn.
Nguyên Thủ Tướng Võ văn Kiệt đã viết thư góp ý Đại Hội 10 muốn tồn tại đảng Cộng sản cần thay đổi từ “tập trung dân chủ” sang “dân chủ tập trung”.
Theo luật chơi “tập trung dân chủ” các chức vụ cao nhất đều đã được quyết định trước mang ra Đại Hội biểu quyết cho có. Chả thế dư luận cho rằng ông Nông Đức Mạnh và ông Nguyễn Phú Trọng được Trung cộng đưa lên Tổng Bí Thư.
Đại Hội 12 phần nào đã thay đổi luật chơi. Ông Dũng là người đã được ông Võ văn Kiệt đưa lên và giới thiệu vào Bộ Chính Trị. Ông Dũng cũng là người có lợi nhất dựa trên Quyết định 244. Đến đây có thể đoán được ai là người đã thúc đẩy sửa luật chơi có lợi cho mình.
Luật chơi mới này không phải là luật chơi thực sự dân chủ. Các đại biểu tham dự hay Ủy viên Trung Ương đều đã được thu xếp từ trước. Ông Dũng có hai người con trai là đại biểu Đại Hội. Người con lớn của ông là Ủy viên Dự Khuyết Trung Ương Đảng.
Các đảng viên không tham dự Đại Hội không có quyền quyết định, người dân mất quyền chọn lựa người lãnh đạo đất nước.
Kết quả Đại Hội không phải là vấn đề
Ông Dũng đã liên tiếp tạo bàn thắng và sửa luật chơi nên sẽ không có gì ngạc nhiên nếu ông được Đại Hội bầu vào vị trí cao nhất.
Nhưng cũng không có gì ngạc nhiên nếu ông Dũng bị loại vì trong 10 năm qua ông Dũng không làm được điều gì đáng kể. Nợ quốc tế đã tăng đến mức không thể vay mượn được nữa. Y tế, giáo dục, các phục vụ công cộng đã lâm vào tình trạng khủng hoảng.
Tất cả chỉ là trò chơi ông Dũng có cao tay nhưng chung quanh ông còn cao thủ luôn muốn loại ông.
Công bình nhận xét một hệ thống thiếu dân chủ như trên sẽ khó thu hút được nhân tài. Người tài trong đảng khó có thể thực hiện được các cải cách cần thiết và quan trọng. Một tổ chức như thế sẽ tồn tại trong suy thoái để cuối cùng sụp đổ.
Tạo luật chơi mới
Khi luật chơi đã bị thay đổi thì những người bên trong và bên trên đảng Cộng sản cũng đã phải tính đến xóa luật chơi cũ để ra luật chơi mới với hai hay nhiều đảng.
Khách quan nhận xét đến nay các đảng chính trị không cộng sản chưa có được đường lối rõ rệt, không có chiến lược, thiếu nhân sự và không có khả năng vận động người dân thay đổi ván cờ.
Các tổ chức dân sự độc lập thì ít, nhỏ, thiếu tổ chức, không thực lực và chưa được sự hỗ trợ của người dân.
Người dân đa số đã chán ngán cộng sản nhưng vẫn còn sợ. Người hết sợ thì chưa tin chính họ có thể thay đổi thể chế hoặc chưa có niềm tin vào thể chế tương lai.
Trường hợp xấu nhất là người dân chưa có niềm tin nhưng quá bất mãn nổi dậy bất chấp hậu quả. Xấu vì mọi người bị đặt trong thế bị động và chỉ phản ứng theo thời cuộc.
Dân chủ là điều tất yếu
Nói tóm lại Đại Hội 12 đảng Cộng sản không còn cách nào khác phải phá luật chơi cũ thay bằng luật chơi mới có “dân chủ” hơn.
Nhưng nếu muốn được chính danh đảng Cộng sản sẽ phải tiếp tục phá luật chơi bằng cách trả dân chủ cho đảng viên khi bầu Tổng Bí Thư.
Các chức như Chủ tịch nước, Thủ Tướng, và Chủ tịch Quốc Hội cũng phải trả cho người dân. Nếu không thay đổi đảng Cộng sản sẽ sụp đổ như đã xảy ra ở Liên Xô và Đông Âu trước đây.
Cuối cùng rồi Việt Nam cũng phải có một Hiến Pháp do một Quốc Hội Lập Hiến được người dân bầu ra, soạn thảo và ban hành. Hiến Pháp chính là luật chơi chung cho mọi đảng chính trị và mọi cá nhân muốn tham gia chính trị.
Con đường đi tới cho Việt Nam là con đường tự do dân chủ bất luận kết quả của Đại Hội 12.
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
23/1/2016