Hình phóng tác “Con Ma Phượng Hoàng” (Phoenix Ghost). Đây là đồ chơi bí mật mới phát minh sẽ viện trợ cho Ukraine.
Ra đa lưu động AN/TPQ-36 Firefinder dùng để tìm điểm bắn của pháo binh địch và điều chỉnh đạn pháo binh của phe ta.
Đại pháo M777 155 mm đời mới nhứt của Quân Lực Hoa Kỳ đã đến tay pháo thủ Ukraine.
Hệ thống nhắm màn hình dùng computer tính đạn đạo (digital fire-control system) như trong xe tăng, của đại bác M777 155 mm.
Sơ đồ pháo binh M777 và M109 dùng loại đạn M982 Excalibur được Drone và GPS hướng dẫn “đột nóc” mục tiêu có độ chính xác trong vòng 2 mét.
Sơ đồ đầu đạn M982 Excalibur. Khi bắn ra khỏi nòng thì có hai bộ cánh xòe ra. 4 cánh ở phần đầu trái đạn sẽ được GPS hướng dẫn lái bay tới đột nóc mục tiêu.
TT Joe Biden sốt sắng đề xuất gói viện trợ 33 tỷ đô la cho Ukraine làm nhiều người ngạc nhiên sửng sốt. Trong quá trình đằng đẵng hành nghề chánh khách nửa thế kỷ qua, ngài Joe là hiện thân của một con chim bồ câu hòa bình. Bỗng sớm chiều Joe trở thành con chim diều hâu thiệt lạ.
Ước gì VNCH cũng được Joe sốt sắng bỏ phiếu thuận viện trợ thì dân miền Nam đã ngang cơ với Nam Hàn lâu rồi chớ đâu phải đi làm thuê cho họ như bi giờ. Và ngày hôm nay đâu có cái ngày 30 tháng 04 tang thương của người miền Nam.
Cách đây hai tháng Joe cũng muốn di tản TT Volodymyr Zelensky ra nước ngoài để rắn mất đầu, dâng Ukraine cho Vladimir Putin. Zelensky kêu gào xin máy bay MIG-29 Joe cũng sốt sắng từ chối vì sợ Vladimir nổi sùng v.v.
Mà thôi, hiện tượng con chim bồ câu hóa thành diều hâu thì để các chuyên gia thuyết âm mưu phân tích giùm. Dù sao gói viện trợ 33 tỷ đô la cho Ukraine là điều cần thiết cho nền an ninh của Hoa Kỳ và thế giới tự do nói chung. Công tội của ngài Joe sẽ được lịch sử phán xét công bằng.
Ngân sách 33 tỷ đô la TT Joe Biden xin cho Ukraine là xài chỉ 5 tháng thôi đó nhe. Tài khóa của chính quyền Hoa Kỳ chấm dứt vào tháng 9 mỗi năm. Hy vọng sau đó Ukraine sẽ được tiếp tục chi cấp dồi dào cho đến khi quân Nga cuốn gói về nước. 33 tỷ đô la được chia ra như sau:
– 20.4 tỷ đô la chi phí quân sự.
– 8.5 tỷ đô la cho chi phí điều hành của chính quyền Ukraine và các dịch vụ của chính phủ sở tại.
– 3 tỷ đô la cho các chương trình nhân đạo, thực phẩm v.v.. Phần còn lại là các chương trình tỵ nạn và mua nông phẩm của Hoa Kỳ tiếp tế cho Ukraine vì chiến tranh đã tàn phá mùa màng của quốc gia này.
Như vậy quân viện sẽ là 20.4 tỷ đô la trong 5 tháng. Một số lớn thiết bị quân sự tồn kho ở Hoa Kỳ đã sạch bách nên kỹ nghệ chiến tranh của Hoa Kỳ sẽ rầm rập sản xuất cho chiến trường Ukraine trong nhiều tháng tới. Đây cũng là cơ hội tạo công ăn việc làm cho dân Mỹ rất có ý nghĩa.
Quân viện Hoa Kỳ bao gồm nhiều đồ chơi tối tân mới toanh lẫn quân cụ tồn kho như thiết vận xa M-113 đa năng rất tốt mà quân đội Hoa Kỳ không sử dụng nữa nên sẽ chuyển giao cho quân đội Ukraine.
Đồ chơi xịn của Hoa Kỳ cung cấp cho Ukraine rất nhiều nhưng trong khuôn khổ giới hạn của bài nên chỉ giới thiệu một vài thiết bị căn bản liên kết với nhau trong một cuộc hành quân. Các chiến cụ này có thể dùng để tấn công giới hạn chớ không nhứt thiết chỉ phòng thủ.
Trong hai tuần qua gói quân viện trị giá 1.2 tỷ đô la đã bắt đầu đổ vào Ukraine. Tin tức hôm qua cho biết 60 khẩu đại pháo 155 mm đã qua biên giới và đang trên đường đến các đơn vị pháo binh Ukraine. Có khoảng 50 pháo thủ Ukraine đã được Hoa Kỳ huấn luyện khoảng một tuần bên ngoài biên giới. Những người lính pháo binh này sẽ về dạy lại đồng đội cách sử dụng đại bác 155 mm của Mỹ.
Hoa Kỳ viện trợ tổng cộng 90 khẩu đại bác 155 mm và khoảng 200 ngàn viên đạn cho pháo binh Ukraine. 18 khẩu đợt một và thêm 72 khẩu đợt hai. Mới đầu có nguồn tin là 18 khẩu đại bác 155 mm đợt một là mua lại của Pháo Binh Slovakia. Tuy nhiên tin tức cập nhật thì đây là loại pháo M777 mới nhứt của Lục Quân và Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đang sử dụng.
Đại pháo M777 155 mm làm bằng kim loại Titanium nên nhẹ hơn loại cũ M198 41%. M777 = 4200 kg, M198 = 7154 kg. M777 có nòng dài đạn đi với vận tốc nhanh (827 m/giây). Tùy theo loại đạn sẽ có tầm xa khác nhau từ 24 đến 37 km. Loại pháo 155 mm mà pháo binh VNCH sử dụng là M114 nặng 5800 kg, nòng ngắn bắn gần chỉ khoảng 15 km và đạn đi vận tốc chậm (563 m/giây) không chính xác lắm.
Đại bác M777 có hai ưu điểm mà pháo binh Nga không phải là đối thủ, là sử dụng loại đạn M982 Excalibur được định vị GPS hướng dẫn có tầm xa tối đa là 60 km và chạm nổ mục tiêu trong đường kính 4 mét. Loại đạn M982 Excalibur đời mới nhứt mới thử nghiệm năm 2020 với pháo có nòng dài hơn sẽ bắn xa 70 km và trúng mục tiêu trong vòng đường kính chỉ 2 mét.
Đạn M982 Excalibur khi ra khỏi nòng thì có hai bộ cánh đuôi và đầu xòe ra. Bộ phận “não” của M982 nhận tín hiệu của máy bay Drone và GPS sẽ điều khiển 4 cánh ở phần đầu trái đạn (4-axis canard actuation system for maneuverability) để lái viên đạn bay xa hơn và “đột nóc” thẳng góc xuống mục tiêu (hình đính kèm).
Mục đích của đạn M982 Excalibur là dùng để bắn thiết giáp địch hay các loại lô cốt. Một trái đạn lúc mới ra lò trị giá khoảng 200 ngàn đô la, nhưng hiện nay đã hạ xuống 68 ngàn đô la, vẫn còn lời nếu so với con cua T-90 giá 3 triệu đô la. Pháo thủ nhanh tay có thể bắn dồn dập một phút 7 viên.
Nếu dùng loại đạn thường thì phải bắn từ 10 cho đến 40 viên thì mới hy vọng trúng mục tiêu có kích thước nhỏ như con cua. Nhưng với đạn M982 Excalibur thì chỉ cần một viên và sẽ tránh gây thiệt hại nhân mạng và nhà cửa của dân chúng chung quanh. Hỏa tiễn hành trình được coi là tối tân của Nga hôm kia nhắm vào xưởng chế tạo võ khí ở Kyiv nhưng lại trúng vào một chung cư làm nhiều thường dân bị thương.
Vì đạn đạo do GPS hướng dẫn nên M982 Excalibur chỉ bắn được những mục tiêu cố định. Tuy nhiên một số máy bay không người lái Drone có phần mềm dùng tia laser IR lấy tọa độ rồi tính được vận tốc của con cua sắt đang di chuyển, biết trước vị trí của con cua sẽ ở điểm nào khi đạn chạm nổ.
Vấn đề là Hoa Kỳ sẽ cung cấp bao nhiêu loại đạn này cho Ukraine. Được biết Canada cũng đã gởi cho Ukraine mấy chục khẩu đại pháo M777 155 mm và rất nhiều đạn M982 Excalibur.
Ngoài ra, pháo M777 có hệ thống nhắm màn hình dùng computer tính đạn đạo (digital fire-control system) như trong xe tăng nên thủ tục nhắm rất mau. Chỉ cần mấy chiếc Drone bay lên lấy tọa độ là xong. Hỏng cần sỹ quan “đề lô” bò đến gần dùng ống dòm tìm mục tiêu rồi chấm bản đồ gọi máy vô tuyến đọc mấy con số tọa độ mà có khi đọc hay nghe sai nữa, rồi bắn trái khói để điều chỉnh như thời chiến tranh Việt Nam. Mà có khi bắn trật, trúng ngay đầu phe ta nữa chớ.
Bên cạnh hệ thống pháo binh M777 tối tân nhứt thế giới, Ukraine còn tiếp nhận nhiều hệ thống ra đa lưu động AN/TPQ-36 Firefinder dùng để tìm tọa độ chính xác của pháo binh và súng cối địch trong khoảng cách tối đa 24 km để phản pháo. Hệ thống ra đa này cũng có thể dùng để điều chỉnh đạn đạo pháo binh bạn. Quân đội Hoa Kỳ thường kéo ra đa này theo khi hành quân cấp tiểu đoàn hay bố trí trong căn cứ để bảo vệ binh sỹ của mình.
Ukraine còn tiếp nhận 121 máy bay không người lái Drone có tên rất rùng rợn là “Con Ma Phượng Hoàng” (Phoenix Ghost). Đây là đồ chơi bí mật mới phát minh dành cho Không Quân Hoa Kỳ. Những Con Ma Phượng Hoàng này chưa tham chiến ở đâu cả. Ukraine sẽ là nơi mà những con ma này sẽ thử nghiệm tuyệt chiêu của chúng.
Ma Phượng Hoàng có hành tung như đồng nghiệp “Con Dao Bật Ra” (switchblade) mà Hoa Kỳ đã cung cấp cho Ukraine những tháng trước, là một loại máy bay không người lái cảm tử “kamikaze” ra đi hỏng hẹn ngày dìa. Con đường tình một chiều. Ma Phượng Hoàng và Con Dao Bật ra có nhiệm vụ trinh sát gởi hình ảnh về cho chủ của nó và khi nó thấy cua sắt của ngài Vladimir, con ma sẽ lao xuống… “Bùm”.
Các chuyên gia quân sự cho biết binh sỹ Ukraine cần một vài tuần lễ để làm quen và kết hợp các chức năng của các loại đồ chơi xịn mà Hoa Kỳ và Tây Âu viện trợ. Sau giai đoạn này chúng ta sẽ thấy sự thay đổi trên chiến trường.
Đồ chơi của bộ binh Liên Bang Nga không có gì mới lạ, mà còn là cổ lỗ sĩ nữa. Bi giờ cả thế giới đều biết cách thiết kế cơ bản cua sắt Nga là sai lầm trầm trọng, chúng là những trái bom di động. Bắn trúng nó sẽ nổ tung văng mất pháo tháp.
Binh sỹ và sỹ quan Nga thiếu huấn luyện hay huấn luyện với những chương trình đã lỗi thời. Tinh thần chiến đấu và tác phong của họ lại yếu kém.
Những yếu điểm này đã ăn sâu vào quân đội Liên Bang Nga và không thể thay đổi sớm chiều được. Binh lính Nga bị bưng bít che giấu những gì về Ukraine, nên khi hăm hở tiến vào thì họ vỡ mộng khi đối diện với sự chiến đấu kiêu hùng của quân dân Ukraine. Họ đã thua từ trong tâm thức.