CÒN ĐÂU VỚI “TIẾNG DÂN CHÀI” !!! (Vương Trùng Dương)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Tháng 5/2020, tôi viết bài Còn Đâu Với “Tiếng Dân Chài”! khi ngư dân Việt Nam gặp khó khăn và nguy hiểm lúc hành nghề đánh bắt cá dọc theo lãnh hải của đất nước vì bị Trung Cộng ngang nhiên cấm đoán! Không phải hiện nay mà đã trải qua hai thập niên!…

Nhìn lại lịch sử Vua Minh Mạng (1761-1841) đặt quốc hiệu là Đại Nam (trước đó Vua Gia Long đặt quốc hiệu là Việt Nam, đến tháng 3/1945 Vua Bảo Đại dùng lại tên nước Việt Nam) khẳng định chủ quyền biên cương hải đảo được ghi trong Đại Nam Nhất Thống Chí. Trong đó xác định chủ quyền lạnh hải của Việt Nam:

Đông Hải, vùng biển phía Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trong biển Đông có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Nam Hải, vùng biển phía Nam, có nhiều hòn đảo, như đảo Đại Kim, Mãnh Hỏa, Nội Trúc, Phú Quốc, Thổ Chu… Trên một số đảo này có nhiều cây mọc tự nhiên cho dược liệu quý.

Tây Hải, vùng biển nằm về phía Tây, có nhiều tài nguyên, nhất là những động vật sống dưới đáy biển.

Sau nầy Nam Hải và Tây Hải gọi là phía Nam và Tây Nam.

Như vậy  bờ biển Việt Nam dài trên 3.260km, trải dài từ Bắc xuống Nam, từ Móng Cái ở phía Bắc đến Hà Tiên ở phía Tây Nam… với lãnh hải nầy là nguồn sống cho ngư dân Việt Nam trải qua bao đời.

Hai năm trôi qua, ngư dân Việt Nam đã khốn đốn trong cuộc mưu sinh nầy nhưng chính quyền Việt Nam không có biện pháp cam cảm ngăn chận hành vi độc đoán, ngang ngược của Trung Cộng để bảo vệ người dân trong nước!

Theo bản tin của đài VOA ngày 4 tháng 5/2022 “Hội Nghề Cá Việt Nam phản đối lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc” cho biết:

Hội Nghề Cá Việt Nam vừa gửi công văn cho các cơ quan hữu trách Việt Nam để yêu cầu phản đối và có biện pháp đối phó với lệnh cấm đánh bắt cá kéo dài 3 tháng của Trung Quốc trên Biển Đông, bắt đầu từ ngày 1/5.

“Việc ban hành lệnh cấm lặp lại hằng năm và kéo dài thời gian cấm đánh bắt cá trên Biển Đông làm gia tăng nguy cơ đụng độ giữa tàu cá của ngư dân Việt Nam với lực lượng hải cảnh phía Trung Quốc, cản trở hoạt động bình thường của tàu cá và ngư dân Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam”, báo Tuổi Trẻ dẫn công văn do Phó chủ tịch thường trực Hội Nghề Cá Việt Nam Nguyễn Chu Hồi ký hôm 4/5 nói.

Theo Hội này, Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, trong khu vực bao gồm một phần vùng biển vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam có tuyên bố chủ quyền. Lệnh cấm bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/5 và dự kiến kéo dài 3 tháng.

Hội Nghề Cá Việt Nam nói lệnh cấm đơn phương của Trung Quốc là một hành động “sai trái, ngang ngược” và “vô giá trị”. Tổ chức này yêu cầu các cơ quan hữu trách Việt Nam phản đối mạnh mẽ và có những biện pháp quyết liệt, ngăn chặn lệnh cấm đánh bắt cá phi lý của Trung Quốc, nhằm bảo vệ tài nguyên và bảo vệ an toàn cho ngư dân Việt Nam.

Hội này cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tỉnh Hội thủy sản, Hội nghề cá địa phương và các đơn vị liên quan để tuyên truyền cho ngư dân chấp hành đúng luật khi đánh bắt trên biển và hỗ trợ, vận động ngư dân “ra khơi bám biển”, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Từ nhiều năm qua, Trung Quốc đã áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá hằng năm ở Biển Đông, kéo dài nhiều tháng với lý do bảo vệ nguồn lợi thuỷ hải trong mùa sinh sản. Tuy nhiên, các quốc gia láng giềng có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Trung Quốc ở Biển Đông cho rằng đây là một trong những biện pháp mà Bắc Kinh áp đặt nhằm khẳng định chủ quyền trong các khu vực trên, thông qua việc cấm ngư dân các quốc gia khác đánh bắt trong thời hạn mà Bắc Kinh đưa ra.

Tuần trước, khi được hỏi quan điểm của Việt Nam về lệnh cấm của Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói lập trường của Việt Nam là nhất quán và được khẳng định rõ trong những năm qua.

“Theo đó, một phần phạm vi của lệnh cấm đánh bắt cá đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam”, bà Hằng nói, và yêu cầu Trung Quốc “tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình khi triển khai các biện pháp bảo tồn nguồn tài nguyên sinh vật ở khu vực Biển Đông”.

Qua bản tin trên cho thấy bà Nguyễn Thị Thu Hằng, phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao CSVN hình như lặp đi lặp lại những lời tuyên bố nầy, chỉ là nói suông cho có lệ như “nước đổ lá môn” mà thôi cón chính quyền thì “im ra bà rè”!

Nhân thời điểm nầy, tôi phổ biến bài viết nầy cho thấy thái độ của CSVN với Trung Cộng chỉ “hèn với giặc, ác với dân” trong lúc Ukraine, Tổng Thống Zelensky, chính quyền, quân, dân… quyết một lòng dũng cảm đối đầu với bạo chúa Putin khi xua đạo quân xâm lăng đất nước của họ.

Mọi người trong thế giới tự do ngưỡng mộ vị nguyên thủ quốc gia, quân dân Ukraine với tinh thần bất khuất, lòng yêu nước… quyết tâm “một mất một còn” với kẻ thù hùng mạnh. Chiến tranh tàn khốc đang xảy ra ở Ukraine chưa đến hồi kết thúc nhưng lời tuyên bố của TT Zelensky “Quyết bảo vệ từng tấc đất”, mà ngày xưa các bậc tiền nhân của nước ta như các các bậc anh thư Hai Bà Trưng từ thế kỷ thứ nhất chống quân Nam Hán, Triệu Nữ Vương (225-248) chống Đông Ngô (222-280) với câu nói bất hủ: “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người!”

Triệu Việt Vương (Triệu Quang Phục 524-571), lãnh đạo khởi nghĩa, giành tự chủ thời Bắc thuộc ở Việt Nam.

Ngô Quyền (898-944), vị vua đầu tiên của nhà Ngô (Ngô Vương) trong lịch sử Việt Nam. Năm 938, Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán trong trận Bạch Đằng, chính thức kết thúc gần một ngàn năm Bắc thuộc. Đây là một trong những trận thủy chiến lớn nhất trong lịch sử đã đánh bại quân xâm lược Bắc phương.

Lý Thường Kiệt (1019-1105) vào thời nhà Lý nước Đại Việt, đánh bại cuộc xâm lược của quân Tống.

Hưng Đạo Đại Vương (1266-1300) thời nhà Trần, đại phá quân Nguyên Mông. Ngài là Thánh Tổ Hải Quân QLVNCH.

Lê Thái Tổ (1428-1433) trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đánh bại quân nhà Minh. Câu nói bất hủ: “Ta cất quân đánh giặc, không phải là có lòng ham muốn phú quý, mà chính vì muốn để ngàn năm về sau, người đời biết ta không chịu làm tôi tớ cho bọn giặc tàn ngược”.

Ngài là Thánh Tổ Địa Phương Quân & Nghĩa Quân VNCH.

Quang Trung Đại Đế (1753-1792) đánh bại quân Thanh khi chiếm thành Thăng Long. Trong Lời Dụ của Ngài có câu: “Đánh cho sử tri nam quốc anh hùng chi hữu chủ”…

Đô Đốc Bùi Thị Xuân (1752-1802) là một trong Tây Sơn Ngũ Phụng Thư, được tôn vinh Thánh Tổ Nữ Quân Nhân QLVNCH.

Lịch sử oai hùng của dân tộc Việt Nam với Bắc phương xâm lược trải qua hai nghìn năm vẫn còn đó. Nay thì… Than ôi!

*****

Hằng năm vào dịp Hè, trời yên biển lặng, ngư dân Việt Nam có cơ hội đánh bắt cá trên Biển Đông từ xưa đến nay. Đó là sự sống còn của hàng triệu ngư dân và ngành hải sản của Việt Nam. Nhưng hơn một thập niên qua, Trung Cộng đã lộng hành ngăn cấm hoạt động đánh bắt cá trong hải phận quốc tế mà cả lãnh hải của Việt Nam. Điều đáng nói không thuần túy ở lãnh vực nầy mà Trung Cộng thể hiện chủ quyền của họ trên Biển Đông.

Kể từ khi Tập Cận Bình thực hiện “Nhất Đới Nhất Lộ” năm 2013 thì nhất lộ với con đường biển bắt nguồn từ Phúc Châu chạy dài từ Nam Thái Bình dương sang Ấn Độ Dương… nên Trung Cộng âm mưu dốc toàn lực thôn tính Biển Đông.

Nằm trong tầm ngắm trên lộ trình nầy, Trung Cộng coi Việt Nam như là chư hầu nên lần lượt lộng quyền chiếm đảo, xây dựng căn cứ, trấn áp nghề đánh bắt hải sản của ngư dân Việt Nam.

Ngày 18 tháng 4 năm 2020, Bắc Kinh thông báo về việc hai quần đảo Hoàng Sa và Trương Sa của Việt Nam trở thành huyện Nam Sa (Nansha dictrict) và huyện Tây Sa (Xisha dictrict), trực thuộc thành phố Tam Sa, tỉnh Hải Nam.

Hành động tuyên bố đơn phương của Bắc Kinh đã dấy lên sự phẫn nộ của người Việt trong nước và hải ngoại. Hà Nội đã lên tiếng phản đối nhưng nặng phần trình diễn của ngành ngoại giao, không áp dụng mạnh biện pháp theo pháp lý với Liên Hiệp Quốc.

Được “đằng chân lân đằng đầu”, Trung Cộng tiếp tục lộng quyền trấn áp trên Biển Đông với lệnh cấm đánh bắt cá!

Theo nguồn tin loan tải, tỉnh Hải Nam ra thông báo cho biết từ ngày 01/5 đến 16/8 trong năm 2020: “Mọi hoạt động đánh bắt cá không được phép trong những vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Cộng”. Khu vực trải dài từ phía bắc Biển Đông đến 12 vĩ độ Bắc, bao gồm một phần vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 8/5, phát ngôn Bộ Ngoại Giao VN bà Lê Thị Thu Hằng cho rằng ngư dân Việt Nam “hoàn toàn có quyền đánh bắt cá trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam”.

Ngáy 11/5, phát ngôn Bộ Ngoại Giao TC ông Triệu Lập Kiên tuyên bố rằng Việt Nam “Không có quyền bình luận về lệnh đánh bắt cá vào mùa hè này của Trung Quốc trên vùng Biển Nam Trung Hoa (Việt Nam gọi là Biển Đông) vì các biện pháp này thuộc quyền hành chính của Trung Quốc.”

Lệnh cấm của Bắc Kinh có hiệu lực trong vòng 3 tháng rưỡi, và lực lượng hải cảnh Trung Quốc tuyên bố “sẽ áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt nhất để ngăn chặn “mọi hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp”.

Trong khi các nước trên thế giới đang dốc toàn lực lo cho công việc đối phó với đại dịch Covid-19 hay dịch Vũ Hán, dịch Trung Cộng gây nên khoảng bốn triệu rưỡi người nhiễm bệnh (14/5) thì Bắc Kinh “thừa nước đục thả câu” nhằm trục lợi, khuấy động trên Biển Đông!

Với Việt Nam, hình như lời tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao từ trước đến nay đã lặp đi lặp lại nhiều lần như vậy, quá quen thuộc. Chỉ là màn trình diễn suông trong nước, không tiến hành về mặt pháp lý với Liên Hiệp Quốc, nói nôm na chỉ là “đánh trống bỏ dùi”!

Trong bao năm qua, người dân ta thán “Biết rồi, khổ lắm nói mãi” như lời cụ cố Hồng trong tác phẩm Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng cách nay hơn tám mươi năm!

***

Ca khúc Tiếng Dân Chài của nhạc sĩ Phạm Đình Chương:

“Đêm dâng với ngọn triều
Dô à dô kéo thuyền nhổ neo
Vi vu buồm lên cao
Dô à dô sóng reo dạt dào.
Trăng lên vừa nhô xa
Con thuyền trôi trong trời bao la.
Mái chèo này chèo xa tắp bến bờ.
Mau mau anh em ta …
… Ơ này anh em ơi!
Tôi nhớ một chiều ánh lửa hồng soi thân yêu
Đâu bóng tre xanh,
Đâu mắt mẹ hiền giọt lệ rưng rưng chờ mong bóng con.
Ơ này anh em ơi!
Hương khói gia đình bát ngát trong câu mong chờ!
Đêm khuya mơ hồ chan hòa bao tiếng ta hò.
… Hò ô hò, hò dô ta
Lẳng lặng mà nghe ơ ơ hò dô ta
Sóng ru đợt vỗ lênh đênh
Tiếng reo cơn gió bập bềnh thuyền ta”
.

Nhạc sĩ Phạm Đình Chương (1929-1991) cũng là ca sĩ Hoài Bắc, năm 1951 cùng với các anh em Hoài Trung, Thái Thanh, Thái Hằng & Phạm Duy (chồng Thái Hằng) lập ban hợp ca Thăng Long trình diễn khắp nơi vào thời điểm đó, sau nầy có thêm Khánh ngọc (vợ Phạm Đình Chương). Nhạc sĩ tài hoa Phạm Đình Chương với nhiều tình khúc nổi tiếng, nhạc phẩm Tiếng Dân Chài ra đời năm 1957.

Cuộc sống ngư dân tuy nhiều gian khổ nhưng ca khúc Tiếng Dân Chài đã làm thăng hoa hình ảnh rất đẹp với “Hò, hô… Tiếng reo cơn gió bập bềnh thuyền ta” quên đi nhọc nhằn để vui với kiếp mưu sinh.

Nào ngờ tiếng reo vui đó bị bức tử vì tiếng kêu thất thanh trên biển cả, tiếng than khóc hàng vạn gia đình nơi ben biển miền Trung vì Tàu Cộng xâm lăng vào hải phận đất nước, bắn phá tàu chuyền, sát hại ngư dân trong bao năm qua!

Thuở còn đi học nơi phổ cổ Hội An, và dịp Hè, lũ chúng tôi cỡi xe đạp trên quãng đường 5 km xuống nhà hai người bạn Nguyễn Thang, Nguyễn Dương ở Cửa Đại làng quê Cẩm Thanh với nhiều cồn, gò, sông rạch, rừng dừa nước xinh tươi tạo nên phong cảnh hữu tình, nên thơ.

Nơi đây có ngôi mộ tổ tộc Lê, vị hoàng thân của triều Hậu Lê – hậu duệ của vua Lê Thái Tổ – do bị thất thế đã theo dòng người di dân vào đây lập nghiệp, góp phần khai hoang lập làng Thanh Châu. Nay có người bạn thân Lê Hùng, tuy rời cố hương từ nhỏ vào Phan Thiết nhưng vẫn nhớ nhiều nơi quê cha đất tổ. Cúng tôi cũng thường trò chuyện với nhau về nơi chốn thân yêu.

Những đêm không trăng, chúng tôi ra bãi biển Cửa Đại ngắm ánh đèn của thuyền đánh cá như hàng nghìn vì sao nằm dọc theo đường chân trời ở ngoài khơi, đẹp tuyệt vời. Quê hương nghèo như vậy mà địa danh có hai chữ, được ghép chữ đầu với Thanh… như tên một số ca sĩ, dễ thương và thơ mộng.

Ban ngày với rừng thông chạy dài trên bãi cát trắng phau dọc theo Cửa Đại, thiên nhiên đã tạo nên “thiên đàng hạ giới” giữa quê hương nghèo khó “đất cày lên sỏi đá”, nhờ vậy đã tạo nguồn cảm hứng cho tâm hồn nghệ sĩ sáng tác. Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn (1926-2004) của quê tôi chia sẻ “Thật ra cái ý định viết một bài cho mối tình ở Hội An nó nhen nhúm lên trong lòng tôi đã từ lâu, nhưng phải chờ có một tia lửa thiệt âm ỉ ấy nó mới bốc lên được…”. Và, người em gái trong ca khúc Nắng Chiều cư ngụ tại thành phố cổ Hội An mà ông đã yêu từ năm 1945 khi ông vừa mới 19 tuổi. Đây được xem là nhạc phẩm thể điệu boléro đầu tiên ở VN, ra đời năm 1952. Không biết hình ảnh người tình trong ca khúc Cát Biển (cùng chung với Y Vân) cảm hứng từ đâu để viết nên lời ca:

“Kể từ một chiều… vắng
Tuổi mộng ước chưa… tròn
Một mình nhìn cồn… sóng
Hôn bờ cát hoang
Thường hay mơ ước… tìm người bạn đường
Bàn tay êm ái… nụ cười dịu dàng
Làm đẹp cuộc sống… của những ngày gió sương…
… Dã tràng ngoài biển… cát
Hồn mộng vẫn se… hoài
Tình người thường một… lối
Không hề thiếu ai
Thành xưa xây đắp… đổ một nụ cười
Bàn chân trên cát… thủy triều dập vùi
Xin trời một lối… riêng có em và tôi”.

Anh là thông gia với anh Thái Tú Hạp, rất tiếc khi gặp ông, tôi không hỏi cồn sóng, cát biển nào vậy.

(Với tôi, âm nhạc như là hơi thở, cuộc sống lang bạt, lãng mạn, hình như mỗi ca khúc là kỷ niệm trong “Thú Đau Thương” như thi phẩm đầu tay của Dương Kiền năm 1960… nên đã ảnh hưởng và “méo mó nghề nghiệp” vì thế khi viết thường nghe nhạc và dẫn vào ca khúc).

Tác phẩm Biển Thầm Lặng của Dương Kiền sáng tác năm 1965, sau năm 1975 chưa có ai viết tiếp Biển Thịnh Nộ, nhất là vào thời điểm nầy.

Quê hương thuở đó còn bình yên, cuộc sống êm ả, người dân quê đôn hậu, hiền lành và tâm hồn đầy nhân bản. Cuộc sống ngư dân khó khăn trong mùa biển động nhưng khi trời yên biển lặng, ra khơi vang vọng “Tiếng Dân Chài” trên đại dương. Chúng tôi tha hồ ăn hải sản do bà con ngư dân thu hoạch… tuy không bao nhiêu nhưng thể hiện tấm lòng thương yêu, “hiếu khách” với học trò trên phố.

Đã qua sáu thập niên, những ngư dân năm xưa đã ra người thiên cổ, nơi cõi vĩnh hằng đó tưởng chừng thanh thản nào ngờ nay phải ngậm ngùi cho con cháu trước thảm họa của giặc Tàu cộng!

Mỗi năm vào dịp tháng Năm nầy, tôi tìm những bài viết về thản cảnh vượt biên trong Biển Đông. Theo Wikipedia, “Tổng kết từ cuối năm 1975 đến năm 1995 trải qua 20 năm đã có 839.200 người dân Việt rời bỏ Việt Nam đến các trại tỵ nạn. Con số những người chết trong biển Ðông và núi rừng biên giới Thái – Miên là các số thống kê không bao giờ ghi lại được. Con số ước lượng là từ 400.000 đến 500.000 người”… Nhưng qua các bài viết cho thấy con số người vượt biển theo ước tính của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc không chính xác vì dựa vào số thuyền nhân tị nạn trên đảo, đất liền để thống kê, còn số người bị chết cả tàu thuyền trên biển vô số, không kiểm chứng được! CSVN không cho biết tổng kết chính thức số người bỏ nước ra đi tìm tự do vì không muốn “vạch áo cho người xem lưng” để lên án. Trường hợp cậu em vợ của tôi, trước khi tính đường vượt biển, thành lập đội bóng tròn để có cơ hội tụ tập, bàn tính vượt biển. Trưa Mồng Một Tết năm 1979, gặp nhau ở quán Gió Khơi trên bãi biển Nha Trang, ra đi trót lọt trên chiếc thuyền nhỏ nhưng rồi mất tích, dựa vào đâu để thống kê! Thành lúc đó mới 17 tuổi, giấu cả gia đình, chỉ nói với người chị cả về ăn Tết, em đi để giúp chị lo cho ba cháu.

Những năm sau đó, vào dịp Hè, vợ tôi đem con từ Đà Lạt về Nha Trang, không dám ra biển vì bị ám ảnh đứa em thân yêu. Nơi đó đã một thời với bao kỷ niệm đẹp của cuộc tình được nửa thế kỷ và cũng là nơi tưởng niệm! Quá oan nghiệt. Sau đó, thỉnh thoảng vợ chống về Nha Trang, tuy không cô đơn như tâm trạng của Phạm Duy trong ca khúc Nha Trang Ngày Về, chúng tôi ngồi im lặng bên nhau, nhìn ra chân trời xa thẳm, từ địa ngục hướng về bên kìa là thiên đàng bị ngăn cách bởi biển máu, cõi lòng tan nát!

Thời đểm nầy, báo tạm ngưng phát hành vì nạn dịch Covid-19, đọc bài viết 45 Năm Thuyền Nhân, Vào Cõi Chết Tìm Đất Sống của nhà báo Huỳnh Kim Quang ghi lại khá dài cuộc hành trình bi thương đó. Phần kết trích trong thi tập Thủy Mộ Quan của nhà thơ Viên Linh, bài thơ Điếu Thi vô cùng cảm động:

“Trên Huyết Hải thuyền trôi về một chiếc
Chiều bầm đen trời rực rỡ đau thương
Thân chìm xuống băng tuyền giờ tận biệt
Sóng bạc đầu hối hả phủ trùng dương
… Hồn ơi dương thế xa dần
Hồn đi thôi nhé thủy âm là nhà
Hồn về trong cõi hà sa
Sống không trọn kiếp chết là hồi sinh.
… Hồn vẫn ở la đà Ðông Hải
Hồn còn trôi mê mải ngoài khơi
Hồn còn tầm tã mưa rơi
Tháng Tư máu chảy một trời sương tan.
… Thác rồi thân hóa phù sa
Mon men trở lại quê nhà mỗi đêm”.

Không một nấm mồ, không một lời từ giã! Một dân tộc quá bất hạnh, chia lìa, ngậm ngùi nỗi đau! Biển Đông bao la như vậy mà trở thành huyệt mộ không có hình hài!

Cha mẹ nào không hy sinh con, nhà thơ Trần Dạ Từ trong bài thơ Ném Con Cho Giông Tố viết trong trại tù Gia Trung của CS năm 1979, nói lên tâm trạng của người cha phải “nghiến răng, đành đoạn” để vợ đành xa con, cho con đi vượt biển, gửi con cho giông tố, cá mập, hải tặc:

“Em có lũ con thơ
Bị quê hương ruồng bỏ
Từ bóng tối hận thù
Em nghiến răng
Ném con cho giông tố…”

Biết bao bậc sinh thành biết rằng cho con cái ra đi, dữ nhiều lành ít nhưng đành đứt ruột bấm bụng chấp nhận tử sinh!

Hàng nghìn bài viết, hồi ức, thơ… nói lên thảm cảnh quá đau lòng của người còn sống, người chết trên biển khơi, chết trong vòng tay của người thân… máu nhuộm đỏ Biển Đông, không bút mực nào tả xiết!

***

Mẹ Việt Nam ơi! Biển Đông có tội tình gì mà xảy ra bao oan khiên lại ập tới. Biển Đông một thời êm đẹp như lời trong khúc Viễn Du của Phạm Duy:“Ra sông. Biết mặt trùng dương, biết trời mênh mông… Thấy lòng phơi phới, thấy tình thế giới. Thấy mộng ngày mai, thấy niềm tin mới”.

Sau cơn đại hồng thủy Biển Đông với thuyền nhân lại xảy ra tai họa cho ngư dân miền Trung qua tháng ngày cuồng nộ. Ra khơi để tìm kế sinh nhai cho hàng triệu gia đình được cha truyền con nối từ đời nầy sang đời khác. Ra khơi không phải mang mộng viễn du mà tìm miếng ăn cứu sống cho gia đình trong nỗi sợ, thấp thỏm… bởi ai hèn yếu và vì ai gian ác? Câu trả lời đó đã đề cập qua tin tức trong thập niên qua.

Từ vụ việc xảy ra vào ngày 8/1/2005 tại Vịnh Bắc Bộ. Hai tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam trong khi đang đánh cá tại vịnh Bắc Bộ đã bị  tàu cảnh sát biển của Trung Cộng bao vây và nổ súng tấn công làm chết 9 người, 7 người bị thương và bắt giữ 8 người. Một tàu đánh cá và xác những ngư dân đều bị phía Trung Cộng đưa về Hải Khẩu, Hải Nam. Tàu kia trốn thoát được trở về.

Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã yêu cầu phía Trung Cộng có các biện pháp nhằm ngăn chặn và chấm dứt ngay những hành động sai trái tương tự, cho điều tra và xử phạt những kẻ đã bắn chết người và trước mắt trả lại cho Việt Nam những người bị bắt và thi hài những người đã chết, giải quyết mọi hậu quả, bồi thường thiệt hại về người và của cho ngư dân VN nhưng TC cho rằng hai tàu đánh cá nầy xâm phạm chủ quyền, còn lên tiếng đe dọa nên chìm xuồng!

Kể từ đó, những lần tàu Trung Cộng tấn công, đâm chìm tàu, bắn giết ngư dân Việt Nam ngay trong lãnh hải kinh tế thì Hà Nội lên tiếng là “tàu lạ”. Hiện tượng chữ “tàu lạ” trở thành trò hề được ví von khi nhắc tời Trung Cộng.

Trên cao nguyên, đất đai và bến cảng bị Trung Cộng chiếm cứ, khai thác tài nguyên thiên nhiên, xây dựng căn cứ (dưới hình thức kinh tế) cũng ví von là “nước lạ” để tránh xúc phạm đến Bắc Kinh!.

Trong suốt thời gian qua, Trung Cộng đã âm mưu xâm lấn, đến năm 2015 với “nhất lộ”, Bắc Kinh đã ngang nhiên xây nhiều đảo nhân tạo và quân sự hóa các đảo này, đồng thời phát triển lực lượng hải cảnh và dân quân biển, và như vậy coi như kiểm soát phần lớn Biển Đông. Việt Nam đã hoàn toàn bất lực, không ngăn chặn được, thậm chí không “cực lực phản đối”  đà lấn lướt của Trung Cộng. Khi rêu rao “núi liền núi, sông liền sông” mà phản đối là phản động đấy nhé, Mấy chữ nầy nghe quen quá, hãi hùng quá, khiếp sợ quá, thảo nào nó nhập tâm vào kẻ thốt ra!

Trước năm 1975, ông Đoàn Thêm (1915-2005) công chức cao cấp VNCH, giữ chức vụ cao cấp tương đương với Đổng Lý Văn Phòng, trực thuộc các phủ Thủ Hiến, Thủ Tướng và Tổng Thống từ thời tiền chiến đến thời Đệ Nhị Công Hòa. Bộ sách của ông loại niên ký và ký sự ghi lại tất cả sự kiện xảy ra như Hai Mươi Năm Qua (1945-1964), Việc Từng Ngày 1965, 1966, 1967, 1968, 1969…  Những Ngày Chưa Quên (1939-1954), Những Ngày Chưa Quên (1954-1963)… Khi định cư tại Canada với Những Ngày Muốn Quên, ấn hành năm 1992. Bộ sách của ông là tài liệu quý báu giúp cho công việc tìm hiểu khách quan, chính xác trong giai đoạn lịch sử.

Trong bài viết nầy chỉ điểm qua vài sự kiện chính theo dòng thời gian cho nội tình ở Biển Đông.

Tuyên bố Cairo năm 1943, Tuyên Ngôn Hội Nghị Potsdam năm 1945, Hòa Ước San Francisco năm 1951 và Hội Nghị Genève năm 1954 đều đã thừa nhận chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa (Paracels Islands) ngoài khơi các tỉnh Quảng trị, Thừa Thiên, Quảng Nam. Quần đảo Trường Sa Trường Sa (Spratley Islands) ngoài khơi tỉnh Khánh Hòa, cách xa hơn 610 hải lý (1 hải lý bằng 1.852 m) hướng Nam của đảo Hải Nam.

Thời Việt Nam Công Hòa đã bảo vệ được chủ quyền của đất nước, như cuộc đụng trận với Trung Cộng trong trận Hải Chiến Hoàng Sa ngày 19/1 năm 1974.

Sau khi Cộng Sản chiếm miền Nam VN, xảy ra tình trạng bất hòa giữa hai nước nên xảy ra cuộc chiến biên giới Việt-Trung ngày 17 tháng 2 năm 1979. Đặng Tiểu Bình huênh hoang “dạy cho VN bài học” bị khiếp vía!

Sau đó, Trung Cộng âm mưu xâm chiếm các đảo đá bãi Cô Lin, Len Đao… và Gạc Ma của quần đảo Trường Sa. Ngày 14/3/1988 được phóng đại thành cuộc chiến Gạc Ma nhưng nội tình là cuộc chiến mà bên bị hại không được nổ súng. Trong trận nầy có 64 lính công binh và hải quân VN thiệt mạng nhưng VN đã bị sức ép của TC nên bỏ rơi số phận, cho đến thời gian gần đây trước sự lên tiếng của công luận mới làm lễ tưởng niệm.

Kể từ đó, TC trấn áp chủ quyền của VN, ngang nhiên xâm chiếm biển đảo, xây dựng căn cứ các đảo và ngày 23/6/2012, tổng công ty Dầu Khí Hải Dương công bố các lô dầu khí thuộc nội vùng biển của đường chín đoạn nhưng nằm sâu trên thềm lục địa của Việt Nam.

Sự kiện ngang ngược nhất của Trung Cộng đã thiết lập giàn khoan HD-981 và tàu khảo sát Hải Dương 8 (HD-8) ngay trong hải phận Việt Nam.

Giàn khoan HD-981, trị giá 952 triệu Mỹ kim, nó có thể khoan sâu tối đa 12.000 m.

Ngày 02/5/2014, giàn khoan HD-981 di chuyển đến đảo Tri Tôn (cách Hải Nam 180 hải lý về phía Nam), đến bám trụ ở vùng biển tỉnh Quảng Ngãi cách đảo Lý Sơn khoảng 130 hải lý, ở vị trí này, HD-981 hoàn toàn nằm trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế EEZ (Exclusive Economic Zone) của Việt Nam.

Ngày 21/11/2015, tại Hội Nghị Thượng Đỉnh ASEAN (kể từ năm 1976 nhưng nhiều lần không thành) lần nầy tại Kuala Lumpur, Malaysia, CSVN lên tiếng đề nghị ASEAN cùng Trung Cộng cam kết không theo đuổi, không có hành động quân sự hoá ở Biển Đông nhưng chỉ là tiếng nói trong vô vọng! Và, các cuộc hội nghị tiếp theo cũng không giải quyết được gì với hành động ngang ngược của TC.

Cùng lúc với giàn khoan HD-981, Trung Cộng ngang nhiên cho tàu khảo sát Hải Dương 8 (HD-8) vào hải phận Việt Nam, để trấn áp khi xử dụng tàu hải cảnh xua đuổi tàu hải cảnh CSVN, bắn giết, bắt bớ tàu thuyền ngư dân miền Trung… bất chấp luật lệ.

Từ ngày 03/7/2019, HD-8 xâm phạm bãi Tư Chính – vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam – quân sự hóa các đảo nhân tạo, lập căn cứ để khống chế. Việt Nam đã xây dựng số giàn khoan ở khu vực như bãi Tư Chính, Phúc Tần, Phúc Nguyên, Quế Đường, Huyền Trân và về phía xa hơn là ngoài bãi Ba Kè. Bây giờ Trung Cộng muốn chiếm những khu vực này, lấn áp không cho VN được quyền xử dụng.

Trung Cộng bất chấp Công Ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển Quốc Tế (UNCLOS) năm 1982 (*). Mỗi lần Bắc Kinh xâm lược như vậy, Hà Nội lên tiếng cho có lệ cho qua sự kiện rồi nhường bước. TC đã dụng ý xây dựng các đảo tân tạo thành cứ điểm quân sự, có phi trường, có cảng sâu, có cơ sở hạ tầng, và có trại gia binh…

Ngày 05/4/2020, HD-8 xuất hiện ở vùng biển ngoài khơi miển Trung Việt tính từ Cam Ranh tới Đà Nẵng cùng với số tàu hải cảnh và tàu cá trong âm mưu khai thác dầu mỏ và tăng cường thế lực. Như đã dẫn chứng ở trên, TC hành động và VN chỉ nói… và nói.

Trong những năm qua, truyền thông trong nước đã đăng tải tin tức, hình ảnh tàu hải cảnh của TC xâm phạm hải phận VN, lộng hành vây hãm tàu thuyền ngư dân VN, đâm chìm tàu, sát hại, bắt giam ngư dân. Có lúc hành động mọi rợ tàn nhẫn khi đâm chìm tàu thuyền rồi bỏ đi, bỏ mặc nạn nhân.

Không có nước nào có hành động tán tận lương tâm như Trung Cộng nhưng vì “hèn với giặc, ác với dân” nên không dám nêu đích danh thủ phạm mà chỉ nói “tàu lạ”… mà ngáy xưa gọi là phạm húy, king6 kỵ gọi tên ai trùng tên nhà vua. Nếu ngư dân phẫn nộ biểu bình lên án Trung Cộng thì bị dẹp ngay vì xúc phạm đến thiên triều.

Những cuộc tấn công của tàu hải cảnh TC như vậy kéo dài cho đến ngày 2/4/2020, tàu hải cảnh TC đâm chìm tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi ở vùng biển gần đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bắt 8 ngư dân, 4 ngư dân khác được tàu cá vớt đưa về Quảng Ngãi.

Theo báo cáo của Hội Nghề Cá Quảng Ngãi, sau khi nhận được tin, 3 tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi đã đi tìm kiếm, cứu nạn, nhưng bị tàu của Trung Cộng ngăn cản, xua đuổi, làm mất mát, hư hỏng nhiều tài sản trên tàu, buộc tàu cá phải quay về bờ.

Sau đó, phía Trung Cộng mới trao trả 8 thuyền viên trên tàu cá bị chìm cho 2 tàu cá của VN và truy đuổi họ nhiều giờ trong đêm 2/4.

Hội Nghề Cá Quảng Ngãi đã kiến nghị Hội Nghề Cá Việt Nam lên án những hành vi phi pháp, gây tổn hại cho ngư dân Việt Nam, yêu cầu phía Trung Cộng điều tra làm rõ vụ việc, bồi thường thỏa đáng cho ngư dân Việt Nam. Nhưng trong thời gian qua TC phớt lờ vì kiến nghị chỉ là “con kiến mà kiện củ khoai” mà gặp loại khoai sùng nhiều độc tố thì con kiến chết luôn!

Ngày 1/5/2020, tàu cá hành nghề lưới, gồm 6 ngư phủ đang hành nghề trên vùng biển cách cửa biển thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận khoảng 13 hải lý về hướng Đông – Đông Bắc thì bị một tàu (dạng tàu vận tải, hành trình theo hướng Nam-Bắc) đâm chìm tại chỗ. Toàn bộ lao động đã được tàu cá gần đó cứu vớt, đưa vào bờ.

Tuy có phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc Tế (International Court of Arbitration) năm 2016, và vấn đề vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) được xác định rất rõ ràng, không một thực thể nào trong quần đảo Trường Sa có được vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Như vậy vùng biển hiện nay, nơi đang có đụng độ giữa Việt Nam và Trung Cộng, điển hình bãi Tư Chính, hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Và về mặt luật pháp quốc tế, không thể gọi là vùng tranh chấp được. Nhưng TC lố bịch cho đó thuộc lãnh hải của đường lưỡi bò tự vạch ra năm 2009.

Hành động khốn nạn nhất của TC trong lúc gặp thiên tai như trường hợp ngày 18/6/2018, có 20 tàu cá với 100 ngư dân của tỉnh Quảng Ngãi vào tránh trú sóng to, gió lớn ở đảo Bạch Quy (quần đảo Hoàng Sa) đã bị tàu của Trung Cộng xua đuổi.

Về việc tàu cá TC vi phạm đánh bắt cá trên lãnh hải VN, trước đó chưa cho biết rõ số lượng. Trong sáu tháng đầu năm 2015, lực lượng kiểm ngư VN đã phát hiện có 1.944 tàu cá Trung Cộng vi phạm trên vùng biển Việt Nam, tăng 944 tàu so với cùng kỳ năm 2015”. Ông Lưu Văn Huy, Cục trưởng Cục Kiểm Ngư cho biết ngư dân VN bị TC bắt, rồi ép ký vào biên bản, giấy tờ công nhận Hoàng Sa, Trường Sa là của TC thời gian qua là có.

Ông Huy cho rằng ngư dân VN tham gia đánh bắt trên vùng biển chủ quyền của VN cần cảnh giác với chiêu trò này. Đặc biệt, không ký bất cứ giấy tờ nào mà họ yêu cầu khi mình không đọc được hoặc không rõ nội dung. “Nước ta có hơn 1 triệu lao động cùng hơn 120.000 tàu thuyền đánh bắt ngoài biển. Chúng ta có đầy đủ bằng chứng để khẳng định về chủ quyền vùng biển, quyền tài phán của VN trên Biển Đông”.

Theo nhận định của các nhà phân tích thời sự thì TC trang bị tàu cá của họ như lực lượng bán quân sự. Vừa uy hiếp tàu cá VN vừa là lá chắn nếu xảy ra cuộc chiến quy mô trên biển thì TC cho xua đạo quân nầy ở phía trước để làm bia đỡ đạn! Thủ doạn, trò láu cá, hèn hạ nầy chỉ có TC, không có nước nào trên thế giới đem sinh mạng của ngư dân làm con vật hy sinh.

Tập Cận Bình học thủ đoạn của Thành Cát Tư Hãn. Khwarezm khi ấy rộng lớn, bao gồm toàn cõi Trung Á ngày nay, đội quân hùng hậu thường trực. Thành Cát Tư Hãn đã huy động toàn bộ lực lượng của Mông Cổ, mang theo cả bốn người con trai, các dũng tướng trong cuộc xâm lăng nầy. Tháng 3 năm 1220, Mông Cổ tiến quân vào kinh đô Samarkand của Khwarezm được tổ chức phòng thủ với khoảng 100.000 quân. Thành Cát Tư Hãn bắt đầu vây thành, xử dụng chính những tù binh trong các trận chiến trước làm lá chắn, bắt họ đi lên hàng đầu… Sau khi Samarkand thất thủ, Thành Cát Tư Hãn dắt các tù binh ra một khu đất trống ngoài thành phố, ở đó đầu của họ được chất thành một hình kim tự tháp như là biểu tượng chiến thắng của người Mông Cổ. Đúng là cá mè một lứa.

Than ôi! Ngư dân VN đang lâm nguy trong “một cổ ba tròng”, một là tàu hải cảnh, hai là tàu cá TC và ba là “nhà nước CSVN” không quyết tâm bảo vệ ngư dân, không dám đương đầu với tàu đối phương khi dùng vũ lực! Ngư dân lãnh đạn từ chết đến bị thương!

Thương cho ngư dân VN trong cảnh khốn cùng. Còn đâu với “Tiếng Dân Chài” mỗi khi ra khơi vang vọng “Sóng ru đợt vỗ lênh đênh. Tiếng reo cơn gió bập bềnh thuyền ta”.

Nhìn tấm hình vào đầu tháng 5/2020, Hàn Quốc và Bộ Tư Lệnh Liên Hiệp Quốc đã gửi binh sĩ tới trấn áp các tàu đánh bất cá hợp pháp của Trung Cộng ở vùng biển trung lập cửa sông Hàn giữa hai miền Triều Tiên.

Thấy sự dũng cảm của Hàn Quốc (diện tích 97.235 km2 và dân số 51. 256.000 người, ít hơn VN) nghĩ đến nước ta, thật xót xa!

Vương Trùng Dương
Little Saigon, 14/5/2020

(*) Công Ứớc Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS – United Nations Convention on Law of the Sea) ký ngày 10/12/1982).