CHUYỆN VÃN: CẢM XÚC TRONG TIẾNG HÁT (Vương Trùng Dương)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Không có âm nhạc, cuộc sống là sự sai lầm”.

(Triết gia Friedrich Nietzsche)

Âm nhạc là nhà hòa giải giữa cuộc sống linh thần và cảm xúc trong cuộc sống”.

(Nhà soạn nhạc Ludwig van Beethoven)

*Bài viết của nhà thơ Ngu Yên ở Texas “Cảm Xúc Trong Tiếng Hát” có nhiều điều lý thú trong lãnh vực âm nhạc. Ngu Yên đã dấn thân trong hai lãnh vực Thơ, Nhạc… Ngoài các tập thơ đã được ấn hành, khoảng cuối năm 1995 ở Houston, Ngu Yên tổ chức những buổi ra mắt sách, băng nhạc, CD và tổ chức những buổi trình diễn ca nhạc. Năm 1998, Ngu Yên đứng ra thành lập nhóm Viet Art Productions để thỏa mãn sự ham vui theo sở thích cùng nhau vui chơi, tổ chức trên 50 buổi trình diễn như đại hội chợ, trong những dịp lễ, sinh hoạt cộng đồng… ngoài Texas còn có nhiều nơi khác. Vì vậy trong lãnh vực âm nhạc, Ngu Yên có kinh nghiệm và khả năng viết về đề tài nầy…

Qua bài viết của tác giả Ngu Yên tạo cho tôi cảm hứng góp phần chia sẻ với “lời bàn Mao Tôn Cương” tế nhị vì cũng ngại làm phật ý với “ca sĩ” trình diễn và góp ý thêm cho sinh động trong chuyện vãn. (Trong quyển Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung với lời bàn của Mao Tôn Cương trong việc luận bàn tác phẩm văn học làm thú vui, trở thành câu nói “lời bàn Mao Tôn Cương” rất quen thuộc trước năm 1975 ở miền Nam Việt Nam).

Chuyện hát hò rất thường tình trong cuộc sống từ những buổi đại nhạc hội, vũ trường, chương trình ca nhạc (bán vé, miễn phí), tiệc tùng, sinh hoạt cộng đồng, gây quỹ yểm trợ… cho đến hát cho nhau nghe trong vòng thân hữu nên tùy theo trường hợp để đề cập. Và, giữa ca sĩ chuyên nghiệp, ca sĩ tài tử (trong nước gọi là nghiệp dư) cũng khác nhau để nhận định khi trình diễn. Trong phạm vi nầy chỉ khái quát giữa tiếng hát và khán thính giả.

Trích bài viết của nhà thơ Ngu Yên và chia sẻ trong ngoặc đơn (… Italic):

“Hát gì mà giống như trả bài”. “Hát như ăn cơm nguội”. “Hát nghe không phê gì hết”. … Ngụ ý là hát không có cảm xúc.

“Hát gì mếu máo giống như khóc”. “Hát sao mà nhìn cái mặt ghê quá”… Ngụ ý là quá nhiều cảm xúc khi diễn tả.

Nhưng trước hết, cảm xúc là gì? Và cảm xúc ảnh hưởng tiếng hát như thế nào?

Cảm xúc là trạng thái tinh thần do những thay đổi sinh lý thần kinh gây ra, có liên quan khác nhau đến suy nghĩ, cảm giác, phản ứng hành vi, mức độ thích thú hoặc không hài lòng. Hiện tại không có sự đồng thuận khoa học về một định nghĩa cho cảm xúc, vì vậy nó hay bị lẫn lộn với tâm trạng, tính khí, tình tình (Wikipedia). Có lẽ, tạm đóng khung một cách đơn giản: “Cảm xúc là những phản ứng tinh thần có ý thức được trải nghiệm một cách chủ quan hướng đến đối tượng cụ thể, thường kèm theo những thay đổi sinh lý và hành vi”.

Annie Miller nhận xét: “Bằng cách nhận ra và điều chỉnh cảm xúc của mình, chúng ta trở nên nhận thức hơn và lưu tâm hơn về bản thân, điều này cho phép chúng ta đưa ra quyết định sáng suốt và ứng phó với các tình huống hiệu quả hơn”…

Cảm xúc và âm nhạc liên quan với nhau ra sao?

Cảm xúc của ca hát bắt đầu từ cảm xúc của người sáng tác ca khúc. Cảm xúc của người hát rất đặc biệt vì nó được kích thích và xây dựng từ lời ca, ý nghĩa và tâm tư của nhạc sĩ. Từ đó, cảm xúc này hoà hợp với cảm xúc cá biệt của người hát thông qua lời ca và diễn đạt để chuyển đến người nghe, khuấy động, xáo trộn, chinh phục cảm xúc thưởng ngoạn.

Triết gia Nietzsche nói rằng đời sống không có âm nhạc thì đã chết khô lâu rồi. Hoàn toàn đúng. Tất cả những tâm trạng vui vẻ, giận hơn, sầu bi, buồn rầu, thương yêu, ham muốn, thất vọng, tuyệt tình, hữu tình… đều có âm nhạc đính kèm. Hoặc trạng thái tâm tình tạo ra âm nhạc, hoặc âm nhạc tạo ra trạng thái tâm tình. Một phản ứng hỗ tương kỳ lạ. Cảm xúc liên hệ mật thiết với âm nhạc sâu đậm hơn, khăng khít hơn, chúng ta tưởng.

Đặc biệt âm nhạc tạo ra sự tưởng tượng. Tưởng tượng tạo ra cảm xúc. Càng cảm xúc lại càng có cơ hội sáng tác âm nhạc hoặc trình diễn nó.

Đặc biệt hơn nữa, ca khúc với lời ca cùng giai điệu tạo ra sự đồng cảm và thông cảm. Không phải ai cũng thất tình, vậy mà nghe hát bài Ngăn Cách của nhạc sĩ Y Vân, dù có chồng ngồi cạnh bên, cũng thấy lòng thổn thức. Không phải ai cũng anh hùng, vậy mà nghe bài Xuất Quân của Phạm Duy, dù tình nhà lưu luyến cũng muốn xông ra trận chiến. Cảm xúc âm nhạc chẳng những trực tiếp mà còn dây chuyền, lây lan.

Hát theo cảm xúc.

Có lẽ, đây là một yếu tố chủ mà người nghe yêu thích người hát. Hát theo cảm xúc trong lòng. Cảm xúc chảy như một dòng nước, lúc nhanh lúc chậm, lúc êm đềm lúc sóng gió, tiếng hát theo sự xúc động đó mà khi thì thầm, khi gào thét, khi vỗ về, khi xô xát … Người nghe bơi lội trong dòng cảm xúc đó, từ từ… chìm. Và ca khúc cũng như người trình bày đã thành công. Hát theo cảm xúc, nghĩa là để cảm xúc dẫn đưa người hát mà sự kiểm soát kỹ thuật đã trở thành thói quen. Vô thức có nhiệm vụ điều chỉnh phẩm chất của tiếng hát. Tương tựa một người đã mặc áo phao nổi, nhảy xuống trôi sông. Trôi say sưa, trôi thoải mái, trôi sung sướng. Trôi sao cũng nổi, rồi sẽ đến bờ bên kia. Ngược lại, những người hát với chủ tâm kềm chế cảm xúc, giống như người mang phao nhảy xuống sông, nhưng bơi đạp, lèo lái, đến bờ bên kia theo ý mình muốn. Đây là phái cách tân trong âm nhạc trình diễn.

(Điều tối kỵ khi hát mà không thuộc lời, ca sĩ hát mà trước mặt để giá để bản nhạc (music stand) vừa hát vừa nhìn vào đó thì không thể thả hồn vào nội dung ca khúc. Với khán giả thưởng ngoạn bị che khuất hình ảnh ca sĩ trình bày, nhất là phái nữ sẽ không còn thú vị… nhưng cũng có sự thông cảm tùy theo trường hợp, không nên khắt khe, nghiêm khắc để có sự đồng cảm).

Chọn bài hát. Một người hát hay phải biết chọn bài hát thích hợp trong bốn diện: 1- Thích hợp với chất giọng và phong cách hát của mình. 2- Thích hợp với thang âm của giọng hát, nghĩa là độ cao và độ thấp nằm ở trong mức độ xướng âm không bị quá ép. 3- Thích hợp với ý nghĩa để có thể chuyên chở đến người nghe. 4- Thích hợp với cảm xúc. Người hát chẳng những phải thuộc lời, mà còn nghiên cứu lời ca để phát âm, xử lý những chỗ khó khăn. Ví dụ như “Ngàn năm ôi ngàn năm còn đó, đá mòn mà tình có mòn đâu…”. Nếu bạn láy chữ “đá” sẽ thành “đã”. Câu hát sẽ có nghĩa khác. Khi tìm hiểu cặn kẽ lời ca, sẽ hiểu rõ ý tác giả, thì mới nắm bắt được cảm xúc của nhạc sĩ và người hát dễ nhập vào tâm tình tương tựa. Bạn khó diễn tả chân thật nếu hát một bài mà không hiểu tác giả muốn gửi gắm điều gì. Bạn khó hát hay khi vừa hát vừa nhìn iPhone, iPad, giấy in… hát như vậy cho vui thì được. Nối kết tâm tư của bạn vào lời ca và giai điệu để tạo cảm xúc là việc mà người hát hay phải thực hiện cho bằng được.

(Trong vài bài viết đề cập đến ca sĩ hát sai lời. Chẳng hạn như ca khúc Đà Lạt Hoàng Hôn của nhạc sĩ Minh Kỳ sử dụng chữ tương đối lạ, làm cho nhiều ca sĩ không hiểu và hát sai như “hoàng hôn thùa màn đêm” (khoảng thời gian chạng vạng, chuyển chiều sang tối) tự ý thay đổi “thua màn đêm” hay “khua màn đêm” đều vô nghĩa. Hay “Giờ đây hơi sương giá buốt” thành “Giờ đây đi trong giá buốt”.

Ca khúc Thành Phố Buồn của nhạc sĩ Lam Phương: “Rồi từ đó, trốn phong ba, em làm dâu nhà người” đổi thành “chốn phong ba”. Chữ “trốn phong ba” cuộc tình phong ba nhưng “chốn phong ba” lệch lạc ý nghĩa câu hát.

Ca khúc Xóm Đêm của nhạc sĩ Phạm Đình Chương: “qua phên vênh có hai mái đầu…” đổi thành “qua chênh vênh”. “Phên” là tấm che được đan bằng tre của những nhà nghèo, nhiều vách nhà được che bằng tấm phên, lâu ngày mưa nắng nó bị cong vênh lên tạo thành một khe hở, nhạc sĩ nhìn qua khe phên vênh ấy, thấy có hai mái đầu chụm lại dưới ánh đèn “hắt hiu vàng ánh điện câu”. Chênh vênh chỗ dựa chắc chắn, cảm giác trơ trọi, thiếu vững chãi như “đứng chênh vênh trên mỏm đá, nhịp cầu chênh vênh” nên làm mất đi ý nghĩa của nhạc sĩ muốn phác họa hình ảnh…)

Biểu cảm. Nối kết được rồi, cũng có nghĩa, bạn đã tích trữ hình bóng cảm xúc trong lòng và vô thức của bạn cần thời gian để tiêu hóa, bổ sung. Vì vậy, trình diễn một bài hát đã hát nhiều lần dễ hay hơn vì có thực tập và quen thuộc, gọi là bài tủ, nhưng tránh hát lại nhiều lần tại một chỗ, vì gây nhàm.

Khi trình diễn bài hát, biểu cảm trên khuôn mặt và bộ điệu phải tự nhiên. Nghĩa là để cảm xúc tự biểu lộ và dẫn dắt tay chân. Đừng giả bộ, đừng cố ý, sẽ bị nhận dạng. Khi người nghe đã mất cảm tình, làm sao họ cảm nhận là hay? Người hát hay trình diễn ở hai phương diện: 1- phẩm chất và phong cách của giọng, 2- biểu cảm. (Trong bài viết này, không bàn đến thể loại hát biểu diễn với vũ công).

(Điều nầy đã đề cập ở trên, ca sĩ hát đứng sau giá để bản nhạc thì khán giả không cảm nhận được biểu cảm trên khuôn mặt và ngay cả điệu bộVì vậy nên chọn những bài tủ mới dễ thể hiện biểu cảm. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã mổ xẻ, đánh giá thẳng thường về các ca sĩ, theo tôi, ông là người có khả năng trong lãnh vực nầy).

Chinh phục. Khi bắt đầu hát vài câu, bạn có thể cảm nhận được cảm xúc của người thưởng thức. Ở đây, bạn sẽ nghe ba chữ “hát bằng mắt”, nghĩa là phản ánh cảm giác của mọi người. Hát như chỉ hát cho họ. Kể cho họ nghe, dù nghe lại, một cách khác, ví dụ “Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà” của Phạm Duy qua một phiên bản không hoàn toàn giống các phiên bản đã được trình diễn. Phiên bản của bạn phải có cảm xúc và cá tính của bạn. Những ca sĩ lớn thường xuyên sáng tạo ngay trên sân khấu những biểu cảm bất ngờ, lạ lùng để chinh phục khán giả. Sáng tạo trong lúc hát thông thường là những ứng biến thông minh và tinh xảo.

Điểm này cũng quan trọng, bạn phải tận lực trình diễn để thỏa mãn cam kết với người nghe rằng bạn đã chuyển đưa (deliver) bài hát đến họ 100% tốt đẹp nhất mà bạn đã có thể.

(Chinh phục thường đề cập trong trong nhiều trường hợp, với ca sĩ thì gây thiện cảm, thu hút với phong cách trình diễn. Nhưng cũng có trường hợp chinh phục như danh ca Dalida khi trình diễn ở Sài Gòn vào tháng 7/1962, ký giả của báo Kịch Ảnh tường thuật: “Dalida mặc cái robe rất giản dị màu hoa cà, tóc để xõa và không có món trang sức nào cả. Với dàn nhạc 5 người, suốt 13 bài liền Dalida đã chiếm trọn lòng tôi, nắm lấy con tim tôi và dìu tôi đến những bến bờ rung cảm mới lạ… Dù chỉ đến biểu diễn tại Sài Gòn một lần, nhưng Dalida đã chinh phục được tình cảm của công chúng… Cái khía cạnh chân thực, tha thiết và nồng nàn, cộng với một niềm vui sống tràn đầy và một bản chất hồn nhiên, cởi mở của Dalida, tạo thành bí quyết thành công rực rỡ”. Danh ca Céline Dion với ca khúc bán cổ điển My Heart Will Go On, do James Horner và Will Jennings viết lời trong phim Titanic đã chinh phục trăm triệu trái tim trên thế giới. Với phong cách trình diễn (trên YouTube) dịu dàng và khả ái, rất cảm tình. Danh ca Whitney Houston với ca khúc I Will Always Love You, thả hồn trong từng lời ca, quá tuyệt).

Điểm nhấn: khi muốn chinh phục người nghe, có nhiều người hát cố ngân thật dài, biểu diễn hơi kẹo kéo. Hãy đề phòng, nếu làm quá sẽ có phản ứng ngược. Kéo dài nhưng phải thích hợp và hữu lý nếu không, sẽ bị phô. Có người hát thuyết phục người nghe bằng cách rung. Âm rung sẽ làm dịu dàng bớt tiếng ngân. Rung đúng chỗ sẽ rất gợi cảm. Rung sai chỗ hoặc quá độ khiến người nghe cũng run theo.

(Sau nầy nhiều ca sĩ trong nước “tự biên tự diễn” không theo giai điệu của bản nhạc, có khi gào thét (screaming) trong ca khúc trữ tình, bán cổ điển, êm dịu và bất chấp Trường độ (Duration) theo ý thích cá nhânNhư đã đề cập ở trên với vài danh ca quốc tế, nghĩ đến vài ca sĩ trong nước phá lệ, múa may quay cuồng dù không phải loại nhạc vui nhộn, kích động nên thấy ngượng).

Không khí. Nếu không khí của một bài nhạc từ đầu đến cuối giống nhau, thường không gây chú ý, khó gợi cảm, và không làm người nghe theo dõi. Người hát giỏi thường thay đổi không khí bài nhạc. Có một vài cách thay đổi: Thông thường là cách chuyển giọng hát, thay đổi cách hát, tự xử lý lúc nhanh lúc chậm lúc nối dài, lúc mạnh lúc nhẹ lúc im lặng. Cách đổi khác cũng hay thấy đó là đổi điệu nhạc, Bolero có thể thành Slow Surf. Slow có thể thành Bosanova… Nhưng muốn thay đổi điệu nhạc phải nghiên cứu cho kỷ lưỡng ý tác giả và phong cách bài nhạc. Khi đổi điệu phải có lý do và ý nghĩa, không phải đổi điệu vì “tui thích dzậy”.

Nhẹ nhàng. Ngoại trừ hát nhạc quân hành hoặc nhạc kích động, phần lớn nhạc Pop, nhạc Jazz, bán cổ điển, đều hát nhẹ nhàng nhưng với cùng một mức độ cảm xúc. Đôi khi bạn không cần phải gồng hết sức để thể hiện tình cảm. Một số ca sĩ thành công, chẳng hạn như Billie Eilish, hát rất nhỏ nhưng lại có thể truyền cảm xúc cho màn trình diễn của anh. Đây có thể là một kỹ năng khó học vì chúng ta có xu hướng gia tăng cường độ khẩu âm khi cảm xúc gia tăng. 

Kỹ thuật này loại bỏ sự rườm rà và cường độ. Để giọng nhẹ mà vẫn thể hiện được cảm xúc nhưng không làm người nghe mất tập trung bằng các kỹ thuật hoa mỹ. Chúng ta hãy nghe lại các bài hát của Duy Trác. Ông là người đã đạt được nghệ thuật này…

Ba giọng. Người hát hay kiểm soát và sử dụng thuần thục ba giọng: giọng ngực và bụng, giọng óc, và giọng giả thanh (falsetto).

Ca sĩ có thể thể hiện cảm xúc bằng cách sử dụng các giọng hát khác nhau một cách thích hợp. Giọng ngực dẫn đến âm sắc dày hơn vì nó có xu hướng được sử dụng cho các nốt thấp và độ động. Khi bạn hát ở quãng này, bạn sẽ có thể cảm nhận được sự rung động trong lồng ngực. Khi tăng lên một thang âm, giọng hát sẽ không vang nhiều trong lồng ngực. Bạn sẽ cảm thấy giọng hát vang lên cao thành giọng óc. Hai giọng này không nhất thiết phải tách biệt và hầu hết các ca sĩ có xu hướng sử dụng giọng hỗn hợp khi họ hòa trộn hai giọng này lại với nhau.

Giọng giả thanh sử dụng tạo nhiều không khí hơn và chỉ được cấu thành từ giọng óc, do đó loại bỏ hoàn toàn giọng ngực, như phong cách hát của ban nhạc Bee Gees. Điều quan trọng là học cách kiểm soát những âm thanh này và sử dụng chúng một cách thích hợp cho những cảm giác khác nhau. Giọng ngực của bạn sẽ phù hợp hơn với các biểu cảm trầm lắng và u ám, trong khi giọng hỗn hợp nên sử dụng cho các nốt cao mạnh mẽ. Giọng giả thanh mỏng hơn rất nhiều so với giọng bình thường nên áp dụng tốt cho những nốt cao không cần lực.

Một lời khuyên của mạng lưới Become Singers viết rằng: “Đừng khóc khi đang hát”. Dĩ nhiên đang khóc thì khó hát. Tuy vậy, câu nói này ngụ ý, đừng để cảm xúc tràn ngập, sẽ làm mất tự chủ. Nhiều ca sĩ thành danh cũng đồng ý rằng, nếu để cảm xúc chủ động, người hát có thể quên lời, có thể lạc ra ngoài lề lối đã tập luyện.

(Trước đây trong bài viết của tôi đề cập đến giọng ca nam, nữ: Tenor (Nam cao), Baritone (Nam trung), Bass (Nam trầm). Soprano (Nữ cao), Mezzo Soprano (Nữ trung), Contralto (Nữ trầm)… Về kỹ thuật thanh nhạc cơ bản tùy theo khả năng của ca sĩ từ ngực, bụng và kết hợp bụng và ngực để có làn hơi phong phú)

Nhưng đôi khi ca sĩ xúc động nghẹn lời chảy nước mắt và không thể hát lại khiến cho khán giả cảm động theo và ủng hộ nồng nhiệt.

Hát hay theo khái niệm mới.

Muốn trở thành người hát hay không phải dễ. Có quá nhiều tiêu chuẩn, nhiều đòi hỏi khó thực hiện. Thôi đành, hát cho vui. Nếu không muốn thành ca sĩ chuyên nghiệp, thì hát cho vui là đúng. Tuy nhiên hát cho vui, vẫn có thể hát hay. Tuy không nổi cộm nhưng cũng nổi gồ ghề.

Chắc chắn trên trái đất này, người hát cho vui và muốn hát hay nhiều gấp triệu lần ca sĩ. Vì vậy, một khái niệm hát hay khác ra đời. Dr. Dan’s Voice, một người kinh nghiệm một đời ca hát và sản xuất dĩa nhạc cho biết: Không cần phải có chất giọng phẩm chất cao mới trở thành người hát hay, vì không một ai có chất giọng hoàn hảo. Điều này tháo gỡ một trở ngại lớn, vì chất giọng là bẩm sinh. Không có là không có. Bây giờ, biết được không có cũng không sao. Thật là được lời như cởi tấm lòng. Chỉ cần một giọng hát có phẩm chất tốt cộng thêm sự luyện tập cơ bản là đủ.

Dr. Dan còn cho biết, người nghe thấy bạn trước khi thưởng thức tài hát. Sự xuất hiện của bạn trước mặt họ có chiếm được cảm tình hay không. Một trong số điều bí mật của ca sĩ lớn là làm sao lấy được mối yêu thích từ mắt, sẽ chinh phục được sự hài lòng lỗ tai. Làm sao? Chắc chắn không phải giả vờ, ba hoa, lịch sự giả…

Một quan điểm nữa của Dr. Dan mà tôi đã từng nghĩ đến và quan sát các ca sĩ. Đó là sự kết hợp: người hát hay không chỉ có phẩm chất giọng tốt và căn cơ luyện tập thanh nhạc, họ còn có một trình độ văn hóa, văn học, nghệ thuật khá tròn trịa. Không cần phải chuyên môn nhưng trình độ cao đủ để cảm nhận đời sống và phản ứng sáng tạo trong nghệ thuật âm nhạc. Lấy trường hợp ca nhạc sĩ Leonard Cohen làm ví dụ. Ông không có chất giọng tuyệt diệu như các ca sĩ lớn, những ông có trình độ tri thức cao và từng theo học đạo Thiền. Trình độ đó nhập vào phẩm chất hát và phong cách biểu cảm đã cho ông một vị trí sáng trong lịch sử âm nhạc Hoa Kỳ.

Người hát hay cuối cùng vẫn là người hát tài tử, hát chơi, hát cho vui đời. Bình thường, họ có những công việc khác, vấn đề khác, khó khăn khác để lo lắng. Chính vì vậy, ca hát cần thiết trong đời của họ để giải tỏa những căng thẳng, những vết đau.

(Trước năm 1975 ở Sài Gòn, khi nhạc sĩ sáng tác nhạc phẩm mới thường mời ca sĩ thành danh trình bày trên làn sóng phát thanh, truyền hình… Dĩ nhiên ca khúc được hòa âm và cùng ban nhạc mới tăng giá trị của nhạc phẩm. Ca sĩ cũng xem ca khúc đó có phù hợp với giọng ca mới đồng ý. Nay ở hải ngoại cũng có vài trường hợp lại khác. Khi nhạc phẩm mới ra đời, tác giả mời ca sĩ trình bày, không hiểu vì cả nễ hay lý do nào đó (?) ca khúc được trình diễn trong các buổi tiệc tùng, hội ngộ… khi hát thì khán thính giả đang ăn uống nên ít quan tâm đến ca khúc lạ hoắc chỉ cây đàn organ, keyboard. Đó cũng là sự sai lầm với “người hát tài tử, hát chơi, hát cho vui đời” dễ bị hiểu nhầm như “đơn đặt hàng” và dễ bị mai một vì ít người hát chấp nhận lời mời đó. Nếu trong những lần ra mắt tuyển tập ca khúc thì rất tốt, vì vậy hai trường hợp xảy ra khác nhau).

*

Trở lại với “Cảm Xúc Trong Tiếng Hát” đề cập ở trên. Khi tiếng hát được trình bày phải thích nghi tùy theo môi trường, khung cảnh và khán thính giả. Nếu không thích nghi thì trở thành lạ lẫm, lạc điệu!

Nhà soạn nhạc Camille Saint Saens cho rằng “Không có gì khó hơn là nói về âm nhạc” vì âm nhạc bao quát nhiều khía cạnh từ nghệ thuật đến cuộc sống. Vì vậy ở đây chỉ lạm bàn khái quát về cảm xúc với nhau giữa người hát và người nghe. Khi cho rằng “Âm nhạc là ngôn ngữ của tâm hồn” thì ngôn ngữ đó phải được truyền đạt với nhau trong tâm hồn đồng điệu.

Tôi thích nhận xét của Ngu Yên: “Người hát hay cuối cùng vẫn là người hát tài tử, hát chơi, hát cho vui đời. Bình thường, họ có những công việc khác, vấn đề khác, khó khăn khác để lo lắng. Chính vì vậy, ca hát cần thiết trong đời của họ để giải tỏa những căng thẳng, những vết đau”. Sau hai thập niên với nghề báo đã tham dự rất nhiều với công việc cũng cảm thấy nhàm chán. Những năm sau này ở tuổi già, tôi không thích tham gia sinh hoạt văn nghệ đông đúc, ồn ào mà chỉ trong vòng thân hữu với người hát tài tử phù hợp với nhau. Hay, dở không thành vấn đề, tặng cho nhau cành hoa, nụ cười thân thiện trong bầu không khí ấm cúng, thân thiện. Ở tuổi già không còn tha thiết với danh vọng, cuộc sống có ý nghĩa khi chọn cách sống phù hợp với tâm hồn.

Nhạc sĩ Phạm Anh Dũng chia sẻ: “Nhiều người tưởng tên nguyên thủy của bài hát Ánh Đèn Mầu là Limelight. Bài hát chính trong phim Limelight, nhưng tên nhạc phẩm này do vua hề Charlie Chaplin sáng tác là Eternally (Vĩnh Viễn hay Mãi Mãi).

Nhiều người tưởng lời Việt của bài hát do nhạc sĩ Phạm Duy đặt đầu tiên. Tuy Phạm Duy mãi về sau này có đặt lời cho bài hát với tựa đề Ánh Đèn Sân Khấu, nhưng thật ra Nguyễn Xuân Mỹ là người đầu tiên đặt lời Việt cho bài hát và có tên Ánh Đèn Mầu. Trước Phạm Duy và sau Nguyễn Xuân Mỹ còn có Nguyễn Huy Hiển và Anh Hoa cũng có đặt lời Việt cho bản nhạc. Bài của Anh Hoa có tựa là Tình Tôi. Chắc chắn còn có ít ra là vài người khác nữa cũng có đặt lời Việt cho bản nhạc”. Trích hai câu trong ca khúc nầy: “Đời ca hát ngày tháng cho người mua vui… Buồn trong tiếng nhạc lắng cho đời mê say” nên ca hát cho người mua vui và cho đời mê say cũng đủ lãng quên trong cuộc sống.

Little Saigon, January 2025

Vương Trùng Dương