Chuyện vãn: ÁI ÂN, ÂN ÁI QUA CA KHÚC (Vưng Trùng Dương)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Có những chữ coi như “cấm kỵ” khi đề cập (nói, viết) trong bàn dân thiên hạ vì quá lộ liễu, sống sượng, thiếu tế nhị… với hành động “chăn gối” xảy ra nhưng trong thi ca và âm nhạc đã sử dụng cùng ý nghĩa đó nhẹ nhàng và dễ cảm thông.

Thi hào Nguyễn Du (1765-1820) trong Truyện Kiều đã đề cập đến hai chữ ái ân, ân ái. Tố Như tiên sinh đã sử dụng nhiều ngôn từ đầy văn vẻ để nói đến hình ảnh “gặp gỡ” chăn gối với nhau:

“Còn nhiều ân ái với nhau

Cơ duyên nào đã hết đâu vội gì!”

“Bây giờ gương gãy gương tan

Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân”

Sau 15 Thúy Kiều lưu lạc trong chốn lầu xanh, trao thân cho hàng nghìn khách làng chơi nhưng gặp lại Kim Trọng, men tình vẫn say đắm:

“Còn nhiều ân ái chứa chan

Hay gì vầy cánh hoa tàn mà chơi.

“… Chừng xuân tơ liễu còn xanh,

Nghĩ rằng chưa thoát khỏi vành ái ân”

Cùng thời, trong truyện thơ chữ Nôm như Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự (1743-1790) đã đề cập đến mối tình hoa mộng, lãng mạn, ngang trái, khổ đau, hòa hợp giữa Lương Sinh với hai người đẹp Dao Tiên & Ngọc Khanh. Và, hình ảnh người con gái thuở đó đã vượt qua hàng rào lễ nghi, vụng trộm chăn gối với nỗi niềm:

“Bấy lâu chút mảnh riêng tây

Ái ân nầy đến đêm nầy là xong”

Thời kỳ lãng mạn trong văn chương vào cuối thập niên 1930, bài thơ Hai Sắc Hoa Ti Gôn của T.T.Kh đã gây tiếng vang, xôn xao về mối tình say đắm, nồng nàn nhưng trắc trở, dám thổ lộ tâm trạng người con gái khi đã dâng hiến cho tình yêu để rồi sống với chuổi ngày còn lại:

“Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời

Ái ân lạt lẽo của chồng tôi

Mà từng thu chết, từng thu chết

Vẫn giấu trong tim bóng một người”.

Bài thơ Hai Sắc Hoa Ti Gôn sau nầy được nhạc sĩ Trần Trịnh cảm tác với ca khúc cùng tên.

T.T.Kh còn nằm trong vòng bí ẩn, nữ sĩ Vân Đài xuất hiện với Hằng Phương, Anh Thơ, Mộng Tuyết trong thi phẩm Hương Xuân cũng dùng ngôn ngữ đó rất tự nhiên:

“Xin đừng nói đến ái ân chi

Ái ân lời suông có nghĩa gì!”.

“Ái ân giục giã gọi lên đường,

Nặng áo giang hồ bụi gió sương”.

Trong thời kỳ lãng mạn đó, Huy Thông du học ở Pháp, ảnh hưởng sâu đậm chất “lãng mạn trữ tình” nên trong những thi phẩm của ông bàng bạc ngôn ngữ ái ân; điển hình như Tần Ngọc xuất bản giữa thập niên 1930 với những bài như Tiếng Ái Ân, Chiều Hôm Qua, Trong Lúc Chia Tay, Gió Chiều, Mây Qua, Bấy Nhiêu Đêm, Gặp Gỡ… Có khi chỉ là mộng tưởng như:

“Niềm ái ân chưa được biết bao giờ,

Ta vừa biết phút giây trong giấc mộng”

Thế nhưng, đem mộng để tỏ bầy:

“Hứa cùng ta sẽ trăm năm ân ái,

Nỡ đi đâu để bạn đắng cay lòng?”.

Vào thập niên 1940, thi ca Vũ Hoàng Chương chất chứa cả khung trời lãng mạn, say đắm. Dù mang tựa Quên trong thi phẩm Mây, con tim vẫn dâng trào:

“Trên nẻo ấy, sẽ từ muôn đáy huyệt

Ái ân xưa vùng dậy níu chân anh”.

Có khi hợp rồi tan để bày tỏ niềm đau và oán trách như những dòng thơ của Thái Can trong bài Anh biết Em Đi:

Em nhớ làm chi tiếng ái ân

 Đàn xưa đẽ lỡ khúc dương cầm.

 Dây loan chẳng đượm tình âu yếm

 Em nhớ làm chi tiếng ái ân”.

Trong kho tàng văn chương Việt Nam, hình ảnh ái ân, ân ái được đề cập rất nhiều. Đặc biệt trong âm nhạc, hình ảnh đó cũng được thể hiện từ thuở “bình minh” chạy dài cho dến nay ở khung trời hải ngoại. Trong tình yêu trai, gái… ái ân để lại vết tích mà thời gian khó xóa đi vết tích ấy, nhất là ở mối tình đầu như cái nhìn của nhà thơ Pháp Lamartine. Say đắm, cuồng nhiệt, ngất ngây và chết lịm trong cơn mê của “tột đỉnh yêu thương”. Cảnh tượng, hình ảnh ấy dấu kín trong tận đáy lòng, mấy ai tâm sự, bày tỏ. Thế nhưng, bằng nhiều cách gọi từ sống sượng đến tao nhã, từ hình ảnh tầm thường, đen tối đến thanh tao, ngôn ngữ âm nhạc trở thành hình ảnh thân thương, quen thuộc được thể hiện qua nhiều ca khúc cả nam giới và nữ giới sáng tác.

Thiên Thai, ca khúc bất hủ của Văn Cao đã hình dung hình ảnh chăn gối trong yêu đương giữa nơi tiên cảnh:

“Thiên Thai ánh trăng xanh mơ lan thành suối trần gian,

 Ái ân thiên tiên em ngờ phút mê cuồng có một lần”.

Trong ca khúc Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay, Đoàn Chuẩn mô tả qua lăng kính của màu sắc:

“Gửi gió cho mây ngàn bay

Gửi phím tơ đồng tìm duyên

Gửi thêm lá thư, màu xanh ái ân

Về đôi mắt như hồ thu”.

Với nhạc phẩm Lá Thư, Đoàn Chuẩn & Từ Linh than thở với nỗi niềm xa vắng khi đã “nếm mùi” luyến ái, giao hoan:

“Anh quay về đây, đốt tờ thư quên đi niềm ân ái ngàn xưa!

Ái ân theo tháng năm tàn,

Ái ân theo tháng năm vàng

Tình người nghệ sĩ phai rồi!”.

Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đề cập đến ái ân, ân ái với hình ảnh mơ hồ, lảng vảng với gió mây và cung bậc để tơ tưởng về hình ảnh giai nhân. Ca khúc Bóng Chiều Xưa, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước đề cập đến hình ảnh cụ thể trong giây phút đắm say:

“Một chiều ái ân

Say hồn ta bao lần

Một trời đắm duyên tơ

Cho đời bao phút ơ thờ”

Cùng trong điệu nhạc tango vừa dồn dập, vừa nóng bỏng, với mối tình đầu mà Lamartine bày tỏ không thể nào quên, nhạc sĩ Ngọc Bích thể hiện niềm cảm xúc dạt dào trong ca khúc Mộng Chiều Xuân:

“Mối tình đầu xuân ai thấu chăng?

Lòng tha thiết vương theo tiếng đàn,

Mơ nguồn ái ân, những ngày phong trần

Sống trong mộng đẹp ngày mai”…

“Anh còn mong chờ

Ái ân kẻo tàn ngày mơ”

Ca khúc Người Em Sầu Mộng của nhạc sĩ Y Vân được phỏng theo dòng thơ của Lưu Trọng Lư trong bài Một Mùa Đông:

“Hãy xếp lại muôn vàn ân ái;

 Đừng trách nhau, đừng ái ngại nhau”

Nói đến tình yêu, ngoài gió, trăng, mây, nước… có ái ân mới tạo “dấu ấn” và nhớ mãi… đâu đây, tìm gặp ở nhạc sĩ Văn Phụng đã tỏ bày trong ca khúc Yêu:

“Yêu là tình dâng cao, gió lao xao ngã hàng phi lao.

Phút ái ân đắm say tâm hồn,

Nhớ mãi đêm nào bên nhau”

Từ nhẹ nhàng, mơn trớn đến dồn dập như những thể điệu trong âm nhạc. Nếu âm điệu dồn dập của nhạc sĩ Lam Phương rất khích động, tôn thờ giây phút, hình ảnh đó thể hiện trong Thiên Đường Tình Ái:

“Đường nào vào thiên đường ái ân

Là đường vào nhịp thở lâng lâng.

Mùa xuân đang đi trong lời yêu mới

Có hoa vàng phủ đường mòn gót chân mềm”

Có lẽ Y Vân chỉ nhìn thấy màu đen cuộc tình dù đã trao thân cho nhau, qua điệu boston, chậm và buồn. Thể điệu nầy phù hợp với nỗi bi thương trong ca khúc Buồn:

“Đôi ta như bước lên đỉnh sầu

Mà đời luôn cao ngất thương đau.

Bao lâu ân ái chưa đậm màu

Toàn là cay đắng giết thương yêu!”.

Ái ân, ân ái trong phút giây nồng nàn không hoàn toàn ngọt lịm, có lúc giăng mắc sự cách biệt làm thấm vị đắng cay như bản nhạc Lời Đắng Trong Cuộc Tình của Hà Nguyên:

“Những ngày còn nồng nàn ân ái

Giữa đôi ta, giữa đôi ta

Có người thì mộng một trời mây bay

Người thì còn mãi trắng đôi tay”

Trữ tình, tha thiết, da diết khi đã chăn gối, tạo “dấu ấn tình yêu” trong đời ở Dạ Khúc Cho Tình Nhân của nhạc sĩ Lê Uyên Phương. Ở đây, bắt gặp niềm đau của cuộc tình từ hình ảnh thân thương, gắn bó tận khung trời Đà Lạt đến cảnh chia tay trong cuộc sống, rồi tái hợp trên sân khấu nơi hải ngoại như định mệnh khắc nghiệt, trớ trêu:

“Ái ân ơi, đừng phụ lòng ta,

Nhớ thương sau xin gửi người xa

Khóc nhau trong cuộc đời”

Một thoáng mê ly, ngất ngây, một thoáng ngậm ngùi khắc khoải ở lời ca của Lê Uyên Phương thấp thoáng trong lời thơ Đinh Hùng trong bài thơ Hương Trinh Bạch ở thi tập Mê Hồn Ca:

Ta không biết, em ơi! ta không biết,

Ai hững hờ, ai mộng với ai say?

Những ai kề môi ân ái vơi đầy

Những ai nói, ai cười như hứa hẹn?”

Mang tâm trạng của người con gái khi yêu, trao thân cho người tình, không tiếc gì “cái giá nghìn vàng” mà nhạc sĩ Ngọc Trọng tỏ bày qua  ca khúc Em Vẫn Cần Anh:

“Dù mai xa cách chỉ biết yêu anh

Một lần ân ái, ngàn đời nhớ nhau hoài

Anh về bên ấy từng chiều có nghe ê chề

Tiếc nhau chi mảnh đời lúc xuân thì”.

Trong tình yêu với “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy. Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên” (Thế Lữ), chỉ trong giây phút, nhớ nhau trọn đời. Đôi khi tận cùng của tình yêu bằng sự chiếm đoạt hay mong đợi sự đòi hỏi chỉ ái ân, ân ái mới có biến chuyển lớn lao trong cuộc đời, nhất là nữ giới – chữ trinh – chỉ một lần trong đời thay đổi cả cuộc đời, chỉ một phút giây để thay đổi danh xưng, bước từ lằn ranh nầy sang lằn ranh khác; và, vết tích đó luôn luôn xâm chiếm.

Đôi khi bắt gặp nỗi xót xa, hờn dỗi bởi rơi vào tâm trạng chờ mong như dòng thơ Hồ Dzếnh:

“Em tôi ơi, tình nghĩa có gì đâu

Nếu là không lưu luyến buổi ban đầu

Thuở ân ái mong manh hơn nắng lụa”

Trong  ca khúc Bão Tình, Hoàng Trọng đã đề cập đến “thuở lưu luyến” khó quên:

“Từ khi xa anh, lạnh xâm lấn tâm hồn em

Tìm trong đơn côi luyến mơ xưa đêm từng đêm

Mộng tình ân ái lúc ban đầu

Tìm đâu thấy đam mê nào về ray rứt thêm tâm tư ngày nối ngày”.

Vào thập niên 1940, Nguyễn Bính vang danh với nhiều thi phẩm, nhiều bài thơ được phổ nhạc rất được ái mộ. Bài thơ Hôn Nhau Lần Cuối:

“Ta sẽ là vợ chồng

Sẽ yêu nhau mãi mãi

Sẽ se sợi chỉ hồng,

Sẽ hát câu ân ái”

Bài thơ nầy được Văn Phụng sáng tác thành ca khúc vào thập niên 50.

Nhạc sĩ Lam Phương mang nỗi bi thương, tan nát khi người yêu trở thành “Tình Như Mây Khói”:

“Lời xưa âu yếm trao người như mây như khói tan rồi

Tựa kề vai em, sầu dâng muôn lối để nghe ái ân xa rời, tan nát lòng tôi!”.

Nhạc sĩ Trịnh Nam Sơn tha thiết, cuồng si với tâm tư tình cảm của người tình đã dâng hiến cho nhau còn ngất ngây cám dỗ qua ca khúc Về Đây Anh:

“Em yêu anh trong giấc mơ nầy

Em yêu anh trong những mê say

Một trời ân ái mình hãy sống buông lơi thời gian”

Trong ngôn ngữ thường dùng, chữ ái ân, ân ái ít khi nhắc nhở, nhất là nữ giới, nhưng trong âm nhạc đều có sự cảm nhận qua sáng tác để trang trải qua lời hát.

Ca khúc Thao Thức nhạc Trần Đình Quân phổ theo thơ của Bùi Bích Hà:

“Chưa cùng em ngày tháng tới nhọc nhằn

Gối ân ái ru sợi buồn tóc rối

Người xa rồi, nghe lạ chiếu chăn

Giấc ngủ đêm qua anh về với nắng”.

Ca sĩ Lưu Bích (ái nữ của nhạc sĩ Lữ Liên) mặn nồng, tình tứ, chứa chan… rồi lại xót xa với nhạc phẩm Hãy Nói Yêu Em Đêm Nay:

“Tình nồng say… anh đã hứa trên môi

Ngày sau đôi ta thề không rời.

Vòng tay yêu thương ân ái đêm nao

Vì đâu nay bỗng xa nhau?”.

Nhạc phẩm Mối Tình Si của ca sĩ Mỹ Huyền (ái nữ của nhạc sĩ Thu Hồ) nói lên nỗi niềm “tận cùng đắng cay” bởi đã dâng trọn trái tim và thân xác “giữa lúc tình say” để rồi:

“Bao nhiêu niềm ái ân dâng tràn khắp nơi

Bao nhiêu niềm chua xót chất ngất hồn ta

Lang thang lòng tê tái bước hoang trên đời

Kêu than tình nhân thế giới giết chết niềm tin”.

Nhạc sĩ Khúc Lan (em ruột nhạc sĩ Phượng Vũ) viết lời ở ca khúc ngoại quốc vương vấn nỗi niềm tiếc nuối bởi Trái Tim Lầm Lỡ khi đã dâng hiến thân xác:

“Hởi trái tim lầm lỡ, hãy sống trong dại khờ,

Những ái ân rồi sẽ chìm vào thương nhớ;

Có nổi đau nào vẫn hoài niệm nhân gian,

Nước mắt đêm mồ côi sẽ không còn mang!”.

Nhạc phẩm Khi Mộng Tàn, nhạc ngoại quốc, lời Khúc Lan bầy tỏ nỗi niềm bi thương của cuộc tình đã “trao nhau” để rồi còn lại hình ảnh não nề lúc xa nhau:

“Có lúc nước mắt sao mặn môi

Vòng tay ân ái nay đâu rồi!”

Với ca khúc ngoại quốc, vào thập niên 1960, nhạc phẩm Histoire d’un Amour của nhạc sĩ Carlos Almaran đã trở thành bài ca bất hủ loan rộng khắp thế giới, giới trẻ Việt Nam đã một thời say đắm, Nguyễn Đình Toàn chuyển ngữ từ lời Pháp của Francis Blanch với cơn mê tình yêu chất ngất:

“Tình là cơn mơ khi ta còn thức chẳng cần ngủ say

Tình là cây cao vươn mình đứng lên

Nhựa đời căng da mềm ái ân

Đợi ngày đang về tới sau đêm”.

Đơn cử những ca khúc tiêu biểu đề cập đến ngôn từ quen thuộc được gọi bằng nhiều cách khác nhau nhưng chọn chữ có vẻ thanh tao để đưa vào ngôn ngữ âm nhạc, phổ thông, tự nhiên khi nghe và hát bất luận tuổi tác… để mô tả đến hình ảnh, động tác, giây phút riêng tư, kín đáo, cấm kỵ… như vô tình được hợp thức hóa trong đời sống, kể cả mặt đạo đức. Có khi lạm dụng ngôn từ nầy quá trớn như ở ca khúc Màu Xanh Noel với câu “Cho em gửi lại màu xanh ái ân”?.

Vẫn màu xanh ấy với nhạc sĩ Đỗ Thu qua ca khúc Gửi Về Anh tơ vương hình ảnh dễ thương, thân quen của thuở học trò:

“Thư xanh màu xanh ân ái

Em vẫn lạnh lùng vì vắng anh”.

Ca khúc Anh Không Chết Đâu Enh của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh có câu: “Trên khăn tang cô phụ còn lóng lánh dấu ái ân. Giọt nước mắt nóng bây giờ và còn hằng đêm cho anh cho anh” đã có nhiều ý kiến cho rằng dùng chữ ái ân trong tang lễ đau thương không phù hợp, nếu thay vào “lóng lánh bóng dáng anh” trân trọng, yêu quý hơn. Vì vậy khi viết lời ca khi nói về hình ảnh ái ân, ân ái phải phù hợp với môi trường, hoàn cảnh… Khi trình bày ca khúc với ca sĩ mọi lứa tuổi nam nữ cảm thấy tự nhiên, không có gì trần tục nên phù hợp. Và chứng tỏ độc giả, thính giả cũng không dễ dãi trong lời ca.

Trên đây, dẫn chứng qua thi ca và âm nhạc với bốn chữ “ái ân, ân ái” của các nhà thơ, nhạc sĩ tên tuổi để tạo nguồn cảm hứng khi viết.

Ca khúc I’ll Make Love to You của Mỹ năm 1994 với giai điệu nhẹ nhàng với lời ca: “I’ll make love to you. Like you want me to. And I’ll hold you tight. Baby all through the night” nhưng chữ make love tuy khác với have sex, go to bed with, sexual intercourse… nhưng không có vẻ văn chương như lời Việt ái ân, ân ái (?).

Về địa danh, ở Đà Lạt có rừng Ái Ân, cuối con đường lên viện Pasteur, gần dinh Bảo Đại, là một trong những nơi hẹn hò của tình nhân. Tác phẩm văn chương Rừng Ái Ân của nhà thơ Hà Huyền Chi, xuất bản năm 1970 ở Sài Gòn đã chọn địa danh nầy làm đề tài, gợi sự tò mò với độc giả.

Nói đến ái ân, ân ái để ngàn đời nhớ nhau, để tìm phút giây say đắm… là nói đến “nghệ thuật yêu đương, nghệ thuật chăn gối” mà từ nghìn xưa, ở Phương Đông khép kín đã từng đề cập. Hơn năm nghìn năm trước công nguyên ở Trung Hoa đã có những tập cổ thư đề cập đến nghệ thuật ái ân. Trong  quyển Tố Nữ Kinh nói về hình ảnh Hoàng Đế và Tố Nữ song luyện theo âm dương, ngũ hành, dưỡng sinh luyện khí, từ điểm nóng đến huyệt đạo… Hoàng Đế là một trong Tam Hoàng, Ngũ Đế từ Phục Hy (4480-4365 trước công nguyên) đến Thần Nông (3220-3080) và Hoàng Đế (1700-2600 trước công nguyên). Với 9 cách ái ân (cửu pháp) được gọi bởi danh từ hoa mỹ của 9 loại cầm thú như Rồng, Hổ, Vượn, Ve, Rùa, Phượng, Thỏ, Cá, Hạc… để mường tượng hình ảnh yêu đương. Vấn đề quan hệ luyến ái giữa Phục Hy & Nữ Oa đã trở thành đề tài cho giới cầm bút hằng nghìn năm nay. Ngoài ra, phương pháp “tu luyện” nhằm tạo cảm giác lâu dài để “cho dài tiếc thương” còn là phương cách điều trị suy nhược tình dục, thoạt nghe có vẻ cấm kỵ nhưng cũng là niềm ước mong của người trần.

Theo Y sư Giang Hán Thanh, phương pháp Mật Tông trong vấn đề ái ân không phải là điều cấm kỵ mà chỉ là nguyên tắc “dĩ dục chế dục” nhằm điều hợp tính dục của con người. Phương pháp Mật Tông với nghi thức đơn luyện nam, nữ & song luyện để tạo năng lực khai mở luân xa (chakra) nhằm vấn đề “yêu đương” có được sự thông cảm tột cùng, sâu xa cho “say hồn… nhịp thở lâng lâng… ngàn đời nhớ nhau…” như lời ca của Dương Thiệu Tước, Lam Phương, Ngọc Trọng…

Theo sự nghiên cứu của Viện Y Học Đài Bắc, công cuộc khám phá, khai quật ở Tứ Xuyên, Trường An, Giang Tô, Tân Cương… cho thấy hình ảnh ái ân “ngoại giao, tọa giao, lập giao…” bằng hội họa và điêu khắc có từ thời Tây Hán & Đông Hán từ thế kỷ thứ II trước công nguyên đến thế kỷ thứ II sau công nguyên. Sau nầy được vẽ lại trong nhiều bức tranh cổ của Trung Hoa & Nhật Bản cách nay cũng vài thế kỷ.

Nghệ thuật ái ân của Ấn Độ cũng được hướng dẫn cách đây hơn hai nghìn năm nhưng trở thành “giáo khoa thư” vào thế kỷ XVI với danh xưng Kama Sutra với “bát thức”. Nghệ thuật nầy được giới điện ảnh Hollywood đưa vào nghệ thuật thứ bảy với hình ảnh của Declan, âm thanh của Michael Danna hư thực, thực hư thu hút hàng triệu triệu khán giả khắp thế giới. “Bát thức” của Kama Sutra “The Art of Making Love” từ “opening flower” đến “suspended” đã bắt gặp ở thi ca của Tố Như tiên sinh trong Truyện Kiều với bài học “vành trong tám nghề” từ “kích cổ thôi hoa” đến “nhiếp thần nhiệm tỏa” mà thuở học trò chỉ biết biết khái quát Tú Bà dạy cho Thúy Kiều.

linga và yoni là biểu tượng của tín ngưỡng phồn thực

Ấn Độ Giáo thờ Linga và Yoni (bộ phận sinh dục của nam và nữ) trong các đền tháp, nhiều khối điêu khắc với hình tượng này. Linga và yoni được xem như là cội nguồn của sự sáng tạo, vị thần tối cao – thần Shiva – phổ nhiều nhất Đông Nam Á.  Với nền văn hóa, truyền thống và thuần phong mỹ tục xa xưa của Việt Nam, không phổ biến hình tượng nầy, chỉ có vài nơi trong tháp của người Champa.  Phương Tây thời xa xưa các nhà điêu khắc đã tạc hình ảnh ái ân ở nhiều nơi. Âu Mỹ dựa vào “nghệ thuật” hình tượng đó thời rồi sáng tạo thêm, phổ biến bừa bãi qua phim ảnh, video… tạo thành mối nguy đầu độc cho cả trẻ vị thành niên bị tiêm nhiệm, sa ngã vào con đường trụy lạc.

Với nước Nhật tôn trọng văn hóa truyền thống cao đẹp nhưng dựng những hình ảnh công khai về bộ phận sinh dục đàn ông, đàn bà và còn cả lễ hội (!).

Quyển Shunga dày khoảng 800 trang của Nhật, sưu tầm bức tranh từ đầu thế kỷ 18 về nghệ thuật hoa tình (erotic).  Đầu tiên, Shunga xuất bản như những chỉ dẫn cho giới kỹ nữ (giống như Tú Bà dạy cho Kiều trong thi phẩm của cụ Nguyễn Du). Nhưng dần dà các kỹ viện phát tiển nhiều ở Edo (cố đô Tokyo). Các cửa tiệm trong “quận đèn đỏ” ở Edo, gọi là Yoshiwara, bày bán tranh và sách Shunga làm quà lưu niệm…

Đài Loan trước đây phản đối Nhật đã dựng những bức tường nô lệ tình dục, phụ nữ mua vui nơi công cộng! Nhưng khi Hàn Quốc vẫn mang mối hận với quân phiệt Nhật khi xâm chiếm lãnh thổ có hơn có cả trăm nghìn phụ nữ bị buộc phải làm việc trong các nhà thổ quân sự của Nhật trong Đệ Nhị Thế Chiến! Tháng 6/2017, Nhật triệu đại sứ tại Hàn Quốc về nước vì một bức tượng “phụ nữ mua vui” bị đặt bên ngoài lãnh sự quán Nhật tại thành phố Busan. Một bức tượng tương tự cũng bị đặt ngoài sứ quán Nhật tại Seoul và Tokyo muốn di dời cả hai bức tượng này.

Vào thời điểm cuối thế kỷ XX, môn thuốc được xem như “thần dược” được phổ biến khắp nơi trên trái đất để kéo dai giây phút ái ân. Thuốc Viagra của hãng bào chế Pfizer được tung ra trong thị trường Hoa Ky vào tháng 4-1988 như một hiện tượng làm rùm beng trong ngành truyền thông. Ba nhà nghiên cứu bào chế thuốc Viagra là GS R.F. Furchgott thuộc Viện đại học New York, GS Louis J. Ingarro thuộc Viện đại học Los Angeles, GS Ferid Murad thuộc Viện đại học Y Khoa Texas được trao giải Nobel về Y Khoa năm 1998.

Hình ảnh ái ân, ân ái qua điêu khắc, hội họa, phim ảnh không có tính cách trong sáng nếu gợi hình cụ thể, sống sượng kích thích tính dục… Tuy cho rằng nó mang tính chất nghệ thuật, lãng mạn khi thể hiện góc cạnh nào đó để cảm nhận. Nhưng với giới trẻ bị thành niên tạo hình ảnh sai trái!

Với ngôn ngữ âm nhạc vừa tượng thanh vừa tượng hình, có vẻ nhẹ nhàng, êm ái, thấp thoáng giây phút yêu đương như tơ vương giăng mắc mối giao hòa, giao cảm mà người nghệ sĩ ghi lại qua cung bậc bằng nhiều thể loại khác nhau. Hãy thả hồn vào cõi mộng mơ để “tìm lại hình ảnh đã qua” trong lời ca, tiếng nhạc để con tim rung động, ngất ngây cho cuộc tình “thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt” có còn hơn không, khỏi tiếc nuối, khỏi ân hận vì thời gian là tên đồ tể với trái tim.

Với tên gọi ái ân, ân ái hay hai chữ khác có vẻ thoát tục nhưng với chỉ một tên gọi đa dạng (khoảng mười chữ) không được hay go, tục tĩu chỉ sử dụng ở phần tử hạ cấp, thiếu văn hóa. Với người đứng đắn, đường hoàng nghe cũng chói ta đừng nói gì nhắc đến trong văn chương, âm nhạc.

Nói về dục vọng có thanh dục và trọc dục (tham dục) và chữ nghĩa cũng vậy, điều đáng nói tùy theo đầu óc suy nghĩ ở mẩu người trong cuộc sống tốt hay xấu.

Vào thời kỳ đại chiến thứ II, trong chiến tranh Erich Maria Remarque đã viết tác phẩm văn chương lừng danh Le Temps d’Aimer et Le Temps de Mourir (Một Thời Để Yêu & Một Thời Để Chết). Trong tình yêu của mỗi người làm sao mãi mãi trong êm đềm, “thà một phút huy hoàng” để yêu, nhỡ rơi vào “một thời để chết” thì cũng còn chút gì để nhớ.

Little Saigon. January 2025

Vương Trùng Dương