CHUYỆN TẦM PHÀO (Quan Dương)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

May be an image of mourning dove

Sáng nay ở phía sau vườn con chim đực đang rượt con chim mái đè xuống để chứng tỏ mình là nam nhi bị tôi dùng I phone chụp được . Đem khoe mẫu hậu phán cho một câu “ anh đúng là tầm phào “

Khi còn trẻ tôi rất đẹp trai . Má tôi bảo người nào tự khen mình là một người không biết tự trọng và thiếu đức tánh khiêm nhường. Nhưng nhiều khi tôi lại nghĩ ngược lại . Người nào không biết tự khen mình là người ích kỷ , là người tàn nhẫn với bản thân vì tự mình không biết khen mình thì lấy lượng bao dung ở đâu ra mà khen thiên hạ . Những người như vầy thiếu tự tin dễ vấp ngã trên trường đời.
Tôi dư dã đẹp trai nhưng vô cùng thiếu thốn lãng mạn. Thời đại chúng tôi chìm trong khói lửa cho nên thanh niên thiếu nữ lớn lên thảy đều lãng mạn. Họ đem lãng mạn trộn vào thơ . Tôi không biết tôi giỏi về môn gì nhưng tôi biết tôi rất dốt về thơ. Thơ đôi với bạn bè tôi là những cuộc tình và những chia ly đẫm lệ còn đối với tôi thì chẳng khác nào nồi chè nêm nước mắm
Tôi cứ vô tư như vậy dù dòng đời nhiều khúc khuỷu . Đang êm xuôi tưởng đâu yên lành thì bỗng tự nhiên tôi biết làm thơ hồi nào không hay . Không biết tự lúc nào tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng mỗi khi trong tâm thức xuất hiện những câu ăn ý. Thơ âm thầm dìu tôi ngụp lặn trong những triền miên . Tôi mê thơ đến nổi quên cả sự đẹp trai của mình . Từ một người làm thơ dở trở thành một người làm thơ hay lúc nào tôi cũng không biết luôn . Cho đến một hôm tình cờ tôi đứng trước gương và thật hãi hùng khi cái gã trong gương đứng nhìn tôi lạ hoắc. Khuôn mặt gã vừa nhăn nheo vừa xấu xí. Tôi chưa kịp hỏi gã là ai thì giật mình vì biết rằng đó chính là tôi. Tôi tự hỏi tại sao xuống sắc như vầy . Tự hỏi xong tôi mới biết rằng đó là hậu quả của một người làm thơ hay. Ban đầu thơ còn dở thi chuyển sang xấu trai in ít một chút đến khi thơ trở thành hay thì sự xấu kia mới trở thành hết đường chống lại
Những năm còn đi học tôi thầm thương một cô nàng sống cùng thành phố . Cô nàng không biết làm thơ do đó có một nhan sắc vô cùng xinh đẹp . Tôi chôn cây si giấu kín trong lòng không dám nói ra . Rồi tôi vào quân đội bỏ lại thành phố với mối u tình chôn chặt , còn nàng thì có chồng và có con. Chuyện đời đương nhiên phải xảy ra như vậy. Rồi chiến tranh chấm dứt, tiếng súng ngưng cũng là lúc bạn bè lưu lạc thất tán khắp nơi. Chúng tôi như những lông chim rụng bay chao đảo lạc hướng khắp bốn phương trời, những tưởng cơ hồ muôn thu không còn biết tin tức với nhau nữa.
Vậy mà giống như một câu truyện tiểu thuyết của Quỳnh Dao ở hải ngoại tình cờ tôi thấy tên nàng trên những tạp chí văn học nổi tiếng . Nàng là tác giả những bài thơ làm não lòng người đọc khiến tôi muốn được diện kiến dung nhan . Nhờ quen biết với anh chủ biên của những tờ tạp chí đó nên tôi liên lạc lại được với cố nhân . Nàng ở cách tiểu bang tôi định cư 5 giờ bay. Dù gì chúng tôi cũng là đồng hương , cùng nhau lớn lên trong cùng thành phố thuở nhỏ nên nàng đồng ý gặp lại nhau . Mấy mươi năm trước dù có cho tôi ăn nguyên thùng kẹo cũng chưa chắc đã ngọt ngào bằng khi tôi được nàng cho gặp.
Sự nôn nao háo hức tắt ngúm ngay khi tôi mang hành lý bước ra cổng phi trường. Thay vì cô tiên nữ ngày nào là một phụ nữ vô cùng bình thường với những vết nhăn nheo co cúm trên khuôn mặt dày vết xước của thời gian. Tôi căng hai con mắt mở to để tìm xem chút gì ngày xưa còn phảng phất nhưng tuyệt nhiên là không? Tôi ngước cổ lên hỏi nhỏ ông trời (cũng có thể tự hỏi mình) tại sao trước kia đẹp đến thế mà giờ xấu đến thế? Cuối cùng tôi cũng tìm ra được câu trả lời. Đó là bởi vì trở thành nhà thơ quá hay nên nhan sắc của nàng trở thành xấu xí. Chẳng lẽ hễ ai trở thành nhà thơ hay thì trở thành xấu xí hết sao? Thế là tôi lặng lẽ truy tìm cho ra lý lẽ.
Để đánh dấu buổi hội ngộ sau bao nhiêu năm, bạn tôi tổ chức một buổi họp mặt để giới thiệu tôi với một số thi văn hữu đang sinh sống tại nơi nàng ở. Để xác quyết lại những hồ nghi còn mắc míu trong thâm tâm, tôi âm thầm quan sát. Chúng tôi ngồi chung với nhau trò chuyện đủ thứ chuyện trên đời, cuối cùng mục tiêu của những câu chuyện của những người yêu văn nghệ cũng đến. Đó là chuyện thơ văn. Khi tất cả mọi người cùng xoay quanh bàn đến phạm trù này tôi phải thú nhận họ giống như kỳ lân gặp pháo. So với họ sự biết về văn chương của tôi không thấm vào đâu. Giống như đang ngứa ở một nơi nào đó trên cơ thể bỗng được một bàn tay sần sù nhám rô thò lên gãi, tôi phê đến rợn người. Kiến thức cùng đam mê về thơ văn của những người này quả là đáng khâm phục. Cuối cùng thì cái mục đọc hoặc diễn ngâm bài thơ nào tự mình sáng tác mà mình ưng ý nhất cũng đến. Thế là tôi lại được một dịp say sưa thưởng thức những tinh túy của đất trời cùng nhau về hội tụ trên những áng thơ hay mà tác giả bằng xương bằng thịt hiện diện trước mắt khỏi phải mơ tưởng trông mong. Tôi tự vừa là khán giả vừa âm thầm một mình chấm điểm. Không biết trong cái đầu rắc rối của tôi có vấn đề không bình thường gì hay không, chứ hễ mỗi lần đến phiên một người nào đó mà lời thơ của họ làm tâm hồn tôi rúng động bấn loạn thì y như là cặp mắt tôi tự động quan sát vào khuôn mặt, và lần nào cũng vậy tác giả của những lời thơ não ruột này quả là thiếu nhan sắc. Có lẽ ấn tượng hễ ai làm thơ hay thì nhan sắc bị phản ngược đã ăn sâu thành gốc rễ vào trí óc, cho nên sự tò mò cứ thôi thúc. Và cái lý lẽ những bài thơ hay chưa bao giờ được làm ra từ một người có nhan sắc cứ thế mỗi một ngày sự khẳng định càng được tăng cao. Tôi biết có một điều gì đó vô cùng phi lý, vô cùng không thuyết phục trong cái lý lẽ này, nhưng sự thực chưa có điều gì chứng minh để phản bác lại.
Tôi lục tung lịch sử văn học để truy tìm dung nhan của những nữ thi sĩ Việt Nam . Bà Huyện Thanh Quan, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, gần đây hơn là Lệ Khánh, TTKH và trong nền thơ văn đương đại sau này rất nhiều nhà thơ nữ mà sáng tác của họ đã làm tôi khâm phục . Không thấy họ lưu lại cho đời hình ảnh cũng như dung nhan của mình , Nhưng sự việc xảy ra trên cuộc sống đâu có gì tuyệt đối, tôi vẫn kiên nhẫn tò mò dựa theo lý lẽ kia . Cuối cùng hoạ hoằm lắm tôi thấy chỉ một số ít tác giả đạt được nhan sắc bình thường chứ tuyệt đối chưa hề thấy được ai có nhan sắc tuyệt trần mà để lại cho đời một áng thơ bất hủ.
Trong những lúc trà dư tửu hậu tôi đem điều này bày tỏ với một người bạn thân tâm giao. Anh bạn cười ngất
– mày đúng là một đứa dở hơi, Thúy Kiều của Nguyễn Du chẳng phải là một người có nhan sắc tuyệt trần lại vừa cầm kỳ thi họa là gì
Nhưng khi tôi đặt nghi vấn
– Thúy Kiêù đồng ý là đẹp, nhưng bài thơ nào mà Thúy Kiều để lại bất hủ cho đời đâu? Thi hào Nguyễn Du ban cho Thuý Kiều nhan sắc nhưng lại thiếu sót không lưu lại một bài thơ nào chứng minh do Thuý Kiều làm ra . Do đó Thuý Kiều không biết làm thơ bởi vì nàng quá đẹp
Anh bạn tức quá
– Tao biết rất nhiều nhà thơ hay lại có nhan sắc, để tao tìm lại và chứng minh cho mày xem
Khi tôi hỏi tới tấp thì anh bạn xin có một thời gian truy tìm. Sau đó anh bạn ôm tới một chồng tác phẩm của những nhà thơ nữ hải ngoại cũng như trong nước. Anh chỉ tôi xem hình những nhà thơ có nhan sắc, nhưng khi đọc vào sáng tác của họ thì rõ ràng không thể gọi là hay. Điều này lại củng cố thêm một điều là phụ nữ có nhan sắc làm thơ rất nhiều, nhưng thơ không hay. Mãi đến tận bây giờ anh bạn tôi vẫn chưa tìm ra được nhân vật nữ nào vừa đẹp vừa làm thơ hay
Hiện tại tôi rất sợ gặp những nhà thơ nữ . Đối với phụ nữ không khen họ đẹp là thiếu xã giao, là không biết nịnh đầm, là thiếu lịch sự, nhưng nếu khen đẹp thì có nghĩa là chê thơ họ dở . Còn nếu khen họ làm thơ hay thì cũng có nghĩa là chê họ xấu. Còn nếu im lặng thì thiếu thật tình, là giả dối. Đúng là rối rắm.
Cái đau khổ nhất của con người khi mình tin rằng đó là sự không thật cho đến khi mình biết sự không thật đó chính là sự thật. Đúng là lý lẽ rất tầm phào nhưng suy cho cùng thì chẳng tầm phào . Có thể sau bài viết phiếm này sẽ có nhiều ý kiến phản biện lại cho tôi là đứa dở hơi. Nói tôi dở hơi hay gì gì cũng được miễn chỉ cho tôi biết nhà thơ nữ Việt Nam nào vừa đẹp vừa làm thơ hay có tên trong nền văn học nước nhà thì tôi sẳn sàng đưa đầu cho chặt
Quan Dương