CHUYÊN GIA TRUNG CỘNG NGHĨ GÌ VỀ QUAN HỆ MỸ-VIỆT DƯỚI THỜI BIDEN

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Trọng và Biden khi thăm Mỹ 2015

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo, ngày 05/01/2021, có đăng bài “Liệu chính quyền Biden có thể giật dây Việt Nam để chống Trung Cộng?”, tác giả Lý Khải Sinh (Li Kaisheng): Phó giám đốc Viện Quan Hệ Quốc Tế, thuộc Viện Khoa Học Xã Hội Thượng Hải, Trung Cộng.

Nhận định đáng chú ý của chuyên gia Trung Cộng – cũng có thể hiểu như một lời cảnh báo – đảng Cộng Sản Việt Nam họp Đại Hội 13 vào cuối tháng Giêng 2021, chính quyền Biden có thể “chiều chuộng” Việt Nam hơn và nếu có một sự thay đổi lớn trong ban lãnh đạo tại Hà Nội thì Mỹ và Việt Nam sẽ nhích lại gần nhau hơn.

Joe Biden chuẩn bị vào Tòa Bạch Ốc với tư cách tân tổng thống Mỹ vào ngày 20/01/2021. Khi vấn đề Biển Đông đã trở thành điểm nóng trong quan hệ Trung Cộng – Hoa Kỳ và trong các vấn đề quốc tế, cộng đồng quốc tế đang tự hỏi Biden sẽ có chính sách như thế nào để giải quyết vấn đề Biển Đông.

Derek Grossman, chuyên viên phân tích cao cấp về quốc phòng, thuộc tổ chức tư vấn Mỹ RAND Corporation, có trụ sở tại Hoa Kỳ, ngày 04/01/2021, đã đăng một bài báo trên tạp chí The Diplomat (*). Grossman lập luận rằng khi chính quyền Biden xây dựng chiến lược Biển Đông, thì “một trong những đối tác khu vực có vị trí quan trọng là Việt Nam”. Ông nói rằng chính quyền Biden có thể muốn xem xét “tái hợp tác với Việt Nam để nâng ‘quan hệ đối tác toàn diện’ Việt – Mỹ thành ‘quan hệ đối tác chiến lược’”.

Chính phủ Donald Trump có chiến lược khôn khéo với Việt Nam. Một mặt, Washington dường như lôi kéo Hà Nội bằng cách tỏ thiện chí và nhấn mạnh ý nghĩa to lớn của việc gắn bó với Việt Nam. Ví dụ, Washington đã cử các nhà ngoại giao hàng đầu thăm Hà Nội trong hai tháng 10 và 11/2020. Vào tháng 11, một quan chức ngoại giao cao cấp của Mỹ đã tuyên bố sẽ ủng hộ Việt Nam trong các tranh chấp biển với Trung Cộng. Mặt khác, vào tháng 12, Washington lại gắn nhãn cho Hà Nội là nước thao túng tiền tệ. Điều này thể hiện chính sách đối ngoại “Nước Mỹ trên hết” của chính quyền Hoa Kỳ. Washington cố gắng thuyết phục Hà Nội kiềm chế Bắc Kinh bằng cách chấm dứt lập trường trung lập trong các tranh chấp hàng hải ở Biển Đông. Nhưng khi thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Việt Nam lên cao kỷ lục, chính quyền Trump đã cáo buộc Hà Nội can thiệp không xác đáng vào thị trường ngoại hối. Ngay cả đối với các đồng minh, chính quyền Trump đã có lúc áp đặt các biện pháp trừng phạt. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi thấy Washington có những hành động trái ngược như vậy đối với Hà Nội.

Châu Á có thể là nằm trong số những ưu tiên đối ngoại hàng đầu của chính quyền Biden. Việt Nam là quốc gia châu Á mới trỗi dậy, thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Việt Nam cũng có tranh chấp với Trung Cộng ở Biển Đông. Vì vậy, Hoa Kỳ đã lợi dụng Việt Nam như là một công cụ để chống Trung Cộng. Do đó, Việt Nam sẽ là một ưu tiên trong các chính sách châu Á của chính quyền Biden.

Đối với Biden, có thể dùng Việt Nam để kiểm soát Trung Cộng ở Biển Đông. Có thể dự đoán là chính quyền Biden sẽ có một chính sách đối với Việt Nam nhất quán hơn và sẽ khoan dung hơn đối với Hà Nội về mặt thương mại.

Chính quyền Biden có thể dự tính tăng cường quan hệ song phương của Hoa Kỳ với Việt Nam. Cho dù từ nhiều năm nay, Mỹ đã can thiệp vào Biển Đông, với tư cách là một thế lực bên ngoài, ảnh hưởng của sự can thiệp này là hạn chế. Trong tình hình đó, ve vãn các bên có tranh chấp và đào sâu hố ngăn cách giữa họ và Trung Cộng là một giải pháp tốt cho Mỹ.

Các vòng đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) đang bước vào thời điểm quan trọng. Việc ban hành một bộ Quy tắc mới (COC) là điều mà Washington không muốn thấy. Washington hiện có thể sử dụng các bên có tranh chấp ở Biển Đông để trì hoãn hoặc phá hoại các cuộc đàm phán. Philippines và Việt Nam là hai nước có tranh chấp chính. Philippines, mặc dù là đồng minh của Hoa Kỳ, nhưng đang duy trì quan hệ hữu nghị với Trung Cộng dưới thời tổng thống Rodrigo Duterte. Còn Việt Nam sẽ tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của đảng Cộng Sản Việt Nam vào cuối tháng Giêng 2021. Trong tình hình đó, chính quyền Biden sẽ chú ý hơn đến việc dụ dỗ Việt Nam.

Theo quan điểm của Hà Nội, Washington có thể sẽ hữu ích cho những nước có lập trường cứng rắn trong vấn đề Biển Đông. Một số người dường như nghĩ là có thể lợi dụng sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Biển Đông để kiềm chế các tuyên bố chủ quyền và sức mạnh ngày càng tăng của Trung Cộng trong khu vực. Nhưng quan hệ Trung Cộng – Việt Nam không chỉ có vấn đề Biển Đông. Ngày càng có nhiều người có xu hướng xem xét quan hệ Trung Cộng-Việt Nam trong một tình hình rộng lớn hơn. Thậm chí, họ còn cảnh giác trước những nỗ lực của Mỹ nhằm kích động “diễn biến hòa bình” ở Việt Nam và lo ngại Mỹ can thiệp quá mức vào vấn đề Biển Đông có thể khiến Trung Cộng tức giận và làm tổn hại các lợi ích của chính Việt Nam. Do vậy, những người này giữ thái độ thận trọng trước việc Mỹ can dự vào vấn đề Biển Đông.

Nhưng nhìn chung, Việt Nam ngầm ủng hộ Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ. Dưới thời tổng thống Biden, Mỹ sẽ tăng cường nỗ lực ve vãn Việt Nam. Trong trường hợp này, nếu Hà Nội có những thay đổi lớn trong ban lãnh đạo, thì có nhiều khả năng Việt Nam và Mỹ sẽ xích lại gần nhau hơn.

Hồi tháng 08/2020, một quan chức cao cấp của Mỹ nói rằng Mỹ muốn thấy Việt Nam tham gia bộ Tứ mở rộng, vốn là một nhóm nước hợp tác không chính thức về an ninh, bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ. Rõ ràng đây là một khối nhắm vào việc kiềm giữ Trung Cộng và là một chủ đề nhạy cảm đối với một số nước. Biden có thể hy vọng mở rộng bộ Tứ. Nhưng Việt Nam, gần gũi với Trung Cộng về địa chính trị, thương mại và ý thức hệ, sẽ cảnh giác khi tham gia cơ chế này. Việt Nam có thể mở rộng hợp tác chính trị và an ninh với chính quyền Biden một cách linh hoạt – nhưng sẽ không muốn bị ràng buộc hoàn toàn vào cơ chế này.

Ghi chú :

(*) What Does Vietnam Want from the US in the South China Sea? – Việt Nam muốn gì ở Mỹ tại Biển Đông – https://thediplomat.com/2021/01/what-does-vietnam-want-from-the-us-in-the-south-china-sea/