Tôi đã có dịp cầm chiếc nón sắt trên tay lúc 9-10 tuổi. Cậu tôi là Trung úy Dù thường để nón sắt, nón bê-rê Dù màu đỏ và hình ông cùng các bạn sĩ quan Dù trên đầu tủ, trong tủ là súng Colt, giày, bộ lễ phục Sĩ quan Đà Lạt. Tôi tò mò, hay mở tủ coi, đôi khi đội nón sắt, mang đôi giày đinh đi lộp cộp ra chơi với bạn hàng xóm, tụi nó rất thích, thường xin mang giày, đội nón…
Dân miền Nam chắc không bao giờ quên “chiếc nón sắt của những chiến sĩ VNCH”, một biểu tượng bất khuất của lòng yêu mến tự do.
Chiếc nón sắt là điều tự hào của gia đình tôi cho tới sau này, khi tôi đã là một sĩ quan cầm súng trực tiếp tham gia chiến tranh cho tới 1975.
Lật lại lịch sử, chiếc nón sắt M1 được sử dụng năm 1941, thay thế cho nón sắt M1917A1 từ thời thế chiến 1. Ðây là công trình của Thiếu tá Harold G. Sydenham và đã có hơn 22 triệu nón sắt M1 đã được các công ty McCord radiator, và Schlueter sản xuất suốt tháng 9-1945.
Ðợt sản xuất thứ hai của Mỹ vào khoảng 1 triệu nón sắt vào năm 1966-1967. Nón sắt cho chiến tranh Việt Nam khác với nón trong thế chiến 2 và chiến tranh tại Ðại Hàn vì có gắn thêm dây đeo, vải đeo hàm màu xanh ô liu.
Ðược biết, nón M1 gồm hai lớp nón và “vừa cho mọi cỡ”. Phần bên ngoài bằng sắt dày, đôi khi được gọi là “Nồi Thép”, bên trong là một nón cứng có thể điều chỉnh các dây lớn nhỏ và tháo ra được. Lưới ngụy trang bọc ngoài lớp thép, nón cứng được bỏ bên trong lớp nón sắt tạo an toàn cho quân nhân. Phần vỏ nón sắt bên ngoài không được đội riêng, nón cứng bên trong có thể đội như một nón bảo vệ. Lực lượng quân cảnh thường sử dụng nón này. Theo quy định, quân nhân khi sử dụng vũ khí đều phải đội nón sắt
Kích thước của nón sắt sâu 180 mm, rộng 240 mm, dài 280 mm, độ dày 3 mm, trọng lượng của nón sắt M1 thời thế chiến 2 là 1.29 kg.
Trên thực tế, nhiều chiến sĩ thả lỏng dây đeo cằm hoặc bắt vòng ra vành nón. Ðiều này có hai lý do: Thứ nhất, khi cuộc cận chiến tay đôi đã được dự tính trước, kẻ thù có thể tấn công từ sau lưng bạn, chụp lấy nón sắt, kéo mạnh. Nếu dây đeo cằm cài chặt, đầu sẽ bị giật lại, bạn mất thăng bằng, cổ và bụng bày ra, tạo điều kiện cho kẻ thù dùng dao đâm. Thứ hai, nhiều chiến sĩ tin rằng khi bom đạn nổ quá gần sẽ đẩy áp suất làm cho dây đeo cằm giật mạnh, có thể làm gãy cổ. Do đó, dây đeo nón sắt M1 được thay bằng nút bấm, dây đeo cằm sẽ tự động bung ra khi gặp những trường hợp trên.
Ðiều thú vị là nhà sản xuất đã thiết kế nón sắt giống cái nồi. Phần nón sắt bên ngoài có nhiều công dụng thực tế khác như làm chậu rửa mặt, búa, nồi, ghế ngồi hoặc nấu nướng…
Tôi đã thấy mẹ cô bạn gái người Bắc di cư, dùng nón sắt giã cua đồng, nấu món bún riêu cua hoặc canh rau đay trứ danh tại xóm đạo Tân Sa Châu, Trương Minh Giảng năm nào. Tôi cũng đã thấy cậu tôi ngồi ôm chiếc nón sắt ngậm ngùi, trước khi đi tù cải tạo 13 năm, sau 1975
Như đã nói ở trên, phần nón bên trong của nón sắt M1 được làm như một nón bảo vệ cứng, ôm sát lớp sắt bên ngoài. Lúc đầu, nón được sản xuất bằng giấy nén, tẩm nhựa hóa học Phenolic với sợi vải cotton. Nhưng, từ năm 1942, vì hư hao lẹ khi gặp nhiệt độ và độ ẩm quá cao, được thay thế bằng nón nhựa, làm bằng vải nhúng chất Phenolic và bồi từng mảnh theo hình ngôi sao trên khuôn đúc của nón, sau đó được hấp với áp suất cao. Vào năm 1944, các công ty Westinghouse, Firestone, Mine Safety Appliances, Seaman Paper Company, và International Molded Plastics, Inc đã thiết kế nón bên trong chịu được áp lực cao trong thế chiến 2. Mẫu mới này đã được Micarta of Westinghouse and CAPAC Manufacturing sản xuất vào năm 1951-1954 và được dùng trong chiến tranh Ðại Hàn. Cho đến năm 1960, phần bên trong nón sắt M1 đã được tái thiết kế, bỏ dây hàm, dây sau đầu và phần dây lưới trên đầu mới bằng dây dệt sợi cotton.
Theo thời gian và thực tế chiến trường đã khiến các hãng sản xuất thay đổi kiểu vải ngụy trang bọc ngoài nón sắt. Từ năm 1960-1970, quân đội và Thủy quân lục chiến Mỹ thường dùng loại vải bọc in hai mặt tên là Mitchell, với màu xanh một bên và màu cam một bên. Kiểu này bắt đầu có tại chiến tranh Việt Nam, và cũng là lần đầu tiên quân đội Mỹ mặc quân phục in hình ngụy trang như nón sắt.
Riêng trong chiến tranh VN, phần vải màu xanh lá rừng ngụy trang của nón sắt được bọc ngoài cùng. Nón sắt tại Châu Âu ngụy trang với vải in lá rừng được thiết kế cho chiến tranh vùng núi của NATO, sau đó trở thành vải bọc ngụy trang nón sắt của quân đội Mỹ tại VN vào những năm 1970 cho đến 1975. Lớp vải bọc ngụy trang này là 2 mảnh vải bán nguyệt may nối lại nhau như một mái tròn, chỉ cần bọc lên nón sắt, kéo hết phần dưới vô nón và đặt nón cứng vào bên trong, đè lên lớp vải ngụy trang. Một sợi vải cao su màu xanh lá bọc vòng ngay sát viền nón để giữ lại và giúp lớp vải ngụy trang ôm sát vô nón sắt.
Tuy nhiên, đến năm 1980, nón sắt M1 bị thay thế bằng loại nón sắt mới PASGT (nón bảo hiểm cá nhân cho bộ binh), có khả năng cao khi làm việc và chống đạn. Ðây là loại nón sắt chiến đấu đã được quân đội Mỹ sử dụng từ đầu những năm 1980 cho đến giữa năm 2000. Sau đó, nón sắt PASGT được thay thế bằng nón LWH (nón sắt nhẹ) và nón MICH (nón sắt có hệ thống liên lạc).
Chiếc nón sắt gợi nhớ lại Sài Gòn năm 1971, khi rạp Rex chiếu phim “Người tình không chân dung” của đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc. Cảnh mở đầu của phim thật quạnh hiu, bờ lau sậy và chiếc nón sắt nằm trơ trọi trên nền cỏ dại với lời hát mộc mạc: “Hỡi người chiến sĩ đã để lại chiếc nón sắt bên bờ lau sậy này…”.
– Phim buồn quá anh.
Cô bạn gái đi cùng, than.
Tôi thở dài:
– Chiến tranh!
Hồ Đắc Vũ