Chính quyền yêu cầu gia đình Đỗ Đăng Dư rút đơn gửi LHQ

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail
Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2015-10-19
Mẹ, anh trai và chị gái của em Dư đang chờ kết quả khám nghiệm tử thi. Ảnh chụp tại tại sân nhà tang lễ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), trưa ngày 11/10/2015.

Mẹ, anh trai và chị gái của em Dư đang chờ kết quả khám nghiệm tử thi. Ảnh chụp tại tại sân nhà tang lễ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), trưa ngày 11/10/2015.

 Photo Nguyen Dinh Ha/luatkhoa.org
Vụ việc thiếu niên 17 tuổi Đỗ Đăng Dư bị đánh chết trong trại tạm giam Công an Hà Nội đang được nhóm hơn chục luật sư trong nước yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ những vi phạm pháp luật suốt quá trình bắt giữ, tạm giam cho đến khi chết. Ngoài ra vụ việc cũng được nói đã được trình đến cơ quan phụ trách vấn đề nhân quyền của Liên hiệp quốc.
Yêu cầu rút đơn?
Bà Đỗ thị Mai, mẹ của nạn nhân Đỗ Đăng Dư, vào sáng ngày 19 tháng 10 cho biết về việc có người đến gia đình yêu cầu rút đơn gửi đến cơ quan nhân quyền Liên hiệp quốc trình bày về cái chết của người con mà bà này cho là oan ức:
“ Ông ấy bên Hội đồng Nhân dân sang khuyên chứ không phải bên công an. Ông ấy sang bào nhà tôi rút tờ đơn không làm gì nữa để bên công an người ta sang bồi thường ít nhiều, lấy tiền ở nhà hay sang xã lấy. Tôi bảo bây giờ đã ủy quyền hết cho luật sư rồi thì phải tham khảo luật sư; chứ tôi không nói gì.”
Bà này nói rằng do bản thân cũng như gia đình không biết gì nhiều về luật pháp nên mọi việc đều phải hỏi ý kiến của luật sư giúp gia đình trong vụ việc này là luật sư Trần Thu Nam.
“ Pháp luật tôi không hiểu như thế nào do tôi ít học, không được học mấy nên về pháp luật nhờ luật sư giúp đỡ, chứ tôi không biết gì đâu.”
Chúng tôi cũng được luật sư Trần Thu Nam nói về thông tin gia đình hỏi ý kiến ông về việc tiếp xúc với cơ quan Liên hiệp quốc:
“ Việc họ liên lạc với bên Cao ủy Nhân quyền Liên hiệp quốc thì có một kênh khác có người bên Cao ủy Nhân quyền Liên hiệp quốc tiếp xúc với gia đình. Họ có hỏi tôi tư vấn gì không thì tôi nói nếu đúng người bên Cao ủy Nhân quyền Liên hiệp quốc nắm vụ việc thì sẽ được bảo vệ tốt hơn. Nếu có cơ quan quốc tế nhân quyền lên tiếng thì sẽ có tác động rất lớn đối với chính phủ Việt Nam. Tôi chỉ biết tư vấn cho họ về những vấn đề hợp tác với Cao ủy thôi; chứ còn việc tiếp xúc với Cao ủy như thế nào, ai là người đưa đến thì tôi cũng không được rõ lắm và tôi cũng không có tư vấn về việc đó.”
Còn về việc có người đến yêu cầu gia đình rút đơn gửi đến cơ quan Liên hiệp quốc thì luật sư Trần Thu Nam cho biết ông chưa được gia đình chính thức thông báo; và luật sư Trần Thu Nam đề nghị nên cẩn trọng về thông tin này:
“ Việc này thì tôi có nghe trên phương tiện thông tin đại chúng và facebook thôi. Thực ra gia đình chưa có ý kiến và chưa hỏi về vấn đề này với tôi. Thực ra mà nói đó chỉ là thông tin thôi, còn nó có thực sự hay không thì lại là vấn đề khác… Có thể người nào đó bắn tin, cho nên chúng ta không nên quá vội vàng khi đánh giá sự việc, kể cả thông tin của gia đình vì gia đình chưa thể đánh giá sự việc đó có đúng sự thật hay không, hay đối tượng nào đó gây nhiễu sự kiện này. Cho nên chúng ta phải hết sức tỉnh táo khi phán xét một sự việc mà theo luật sư là phải có chứng cứ.”
Hỗ trợ từ các tổ chức xã hội dân sự
Thông tin về việc cháu Đỗ Đăng Dư bị đưa vào Bệnh Viện Bạch Mai trong tình trạng hôn mê, phù não được một thành viên của Hội Phụ nữ Nhân quyền là chị Trần Thị Nga đưa lên các trang mạng xã hội. Theo chị Trần Thị Nga thì chính gia đình đã chủ động liên lạc với hội để được công khai về vụ việc của cháu Đỗ Đăng Dư. Chị Trần Thị Nga nói:
“ Trường hợp cháu Đỗ Đăng Dư từ khi ngày nhập viện 4/10 đến ngày 6/10, họ qua người này, người kia mới biết đến những người đấu tranh, trong đó có Hội Phụ nữ Nhân quyền. Họ qua người này, người kia và đặc biệt những người quen của gia đình Đỗ Đăng Dư cũng biết tôi là người đẩy thông tin vụ án Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn Chưởng nên họ đã chủ động liên lạc với tôi để nhờ đưa tin vì tôi biết cách đưa tin và biết cách giúp đỡ gia đình họ, cũng như hướng dẫn về mặt pháp lý phải làm như thế nào. Chính họ là người chủ động liên lạc nhờ tôi làm việc đó.”
Ý thức luật pháp
Luật sư Trần Thu Nam thừa nhận tình trạng nhiều người dân Việt Nam, nhất là những người dân nghèo còn rất ít hiểu biết về luật pháp và các quyền lợi hợp pháp của bản thân họ. Dù rằng Việt Nam hiện có dịch vụ trợ lý pháp lý cho người nghèo; nhưng chẳng mấy người biết cách để mà sử dụng.
“ Có thể nói rằng hiểu biết pháp luật của người dân Việt Nam nói chung là một hạn chế. Họ hiểu biết pháp luật rất ít, có thể khẳng định như vậy, và họ không biết cách sử dụng hết các quyền lợi của mình đối với dịch vụ pháp lý. Hiện nay Nhà nước Việt Nam có dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo; thế nhưng người dân không quan tâm nhiều lắm, và hình như được phổ cập rất ít; cho nên họ không biết cách tiếp xúc thế nào và bày tỏ những vướng mắc pháp lý của mình như thế nào, và trợ giúp pháp lý cho những người nghèo, những người ở vùng sâu- vùng xa còn bị hạn chế.”
Trong trường hợp của gia đình nạn nhân Đỗ Đăng Dư, luật sư Trần Thu Nam cho biết sau khi vướng vào vụ việc thì trong mọi tình huống đều hỏi ý kiến của luật sư:
“ Đối với gia đình Đỗ Đăng Dư, qua sự việc này họ thấy vai trò của luật sư rất lớn và rất quan trọng trong quá trình đi tìm sự thật của vụ án cũng như bảo vệ tối đa quyền lợi cho mình theo qui định của pháp luật. Hiện nay họ nhận thức được điều đó, và mọi việc họ đều nhất nhất hỏi ý kiến của luật sư trước khi thực hiện.
Tôi cũng rất mừng khi người dân nhận ra vài trò của luật sư trong xã hội nói chung và trong vấn đề pháp lý nói riêng.”
Sau khi xác nạn nhân Đỗ Đăng Dư được đưa về quê chôn cất và một số nhà hoạt động xã hội đến thăm thì lực lượng công an đã vào ngay trong nhà hành hung những người đến phúng điếu. Một nạn nhân bị đánh nhiều nhất là nhà hoạt động Trương Văn Dũng ở Hà Nội.
Theo chị Trần Thị Nga thì dù gia đình nạn nhân Đỗ Đăng Dư vì cái chết oan ức của người thân trong trại giam công an số 3 Hà Nội mà đòi hỏi công lý cho người qua đời; nhưng hành xử mang tính trấn áp của công an và cơ quan chức năng địa phương có thể làm cho gia đình hoảng sợ. Trong tình thế đơn độc hiện nay của gia đình tại thôn Đông Cựu, xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội thì cần có thêm nhiều người quan tâm lên tiếng và đồng hành cùng gia đình trong quá trình đòi công lý.
Nhà hoạt động Trần Thị Nga cho rằng nếu mọi người không lên tiếng thì vừa qua là vụ việc của Đỗ Đăng Dư, có thể trong thời gian sắp tới sẽ có thêm nạn nhân chết vì bị tra tấn trong đồn công an mà người đó có thể là thân nhân của những người không lên tiếng đòi hỏi chấm dứt tình trạng này theo như Công ước chống tra tấn mà Việt Nam đã tham gia ký kết và Quốc hội phê chuẩn vào năm ngoái.