Người Chinh Phụ Trong Thơ & Nhạc
Chinh phụ ngâm (征婦吟, lời than vãn của người phụ nữ có chồng đi đánh trận), còn có tên khác là Chinh phụ ngâm khúc (征婦吟曲) là tác phẩm văn vần của Đặng Trần Côn, ra đời trong khoảng năm 1741 giai đoạn sơ kỳ Cảnh Hưng.
Có một vài giai thoại về Đặng Trần Côn. Tương truyền lúc ấy chúa Trịnh Giang cấm nhân dân Thăng Long ban đêm không được đốt lửa, để đèn sáng, ông phải đào hầm dưới đất, thắp đèn mà học. Khi mới làm thơ, Đặng Trần Côn có đem đến cho bà Đoàn Thị Điểm xem, Đoàn Thị Điểm cười nói: “nên học thêm sẽ làm thơ.”
Chinh Phụ Ngâm ra đời đã gây một tiếng vang lớn trong giới nho sĩ đương thời. Chinh Phụ Ngâm Khúc nói lên tâm sự của một người vợ có chồng đang dong ruổi nơi biên thùy trong thời loạn lạc. Cái hoài bão chờ chồng, cái cô đơn lạnh lẽo, cái lòng nhớ thương và mong chờ ngày trở về trong chiến thắng vinh quang được tác giả đưa vào một áng thơ làm rung động lòng người. Tác phẩm viết bằng chữ Hán giữa thời đại văn học chữ Nôm đang nở rộ cho nên nhiều người đã tìm cách dịch nó ra chữ Nôm.
Hiện nay, Chinh phụ ngâm có 7 bản dịch và phỏng dịch bằng các thể thơ lục bát (3 bản) hoặc song thất lục bát (4 bản) của các dịch giả Đoàn Thị Điểm, Phan Huy Ích, Nguyễn Khản, Bạch Liên am Nguyễn và hai tác giả khuyết danh. Bản dịch thành công nhất và phổ biến nhất xưa nay, theo thể song thất lục bát, có độ dài 412 câu (theo bản in chữ Nôm cũ hiện còn, ký hiệu 1902:AB.26) hoặc 408 câu (một bản in khác lưu tại Thư viện Paris) có người cho là Đoàn Thị Điểm, có người cho là của Phan Huy Ích và những phát hiện mới gần đây có xu hướng nghiêng về dịch giả Phan Huy Ích.
* *
* *
* *
* *
Xa Vắng – ý thơ: Đặng Trần Côn