Hắn vẫn thường đi dạo trên đoạn đường này từ khi người ta cho hắn về hưu trí
cách đây vài năm . Lâu ngày thành thói quen , hắn đâm ra thích thú với những lần cuốc bộ như thế : đầu óc không phải bận rộn suy nghĩ , được hít thở không khí trong lành và cơ thể được vận động nên ít bị rêm , bị rệu .
Trưa nay , trời quang tạnh sau cơn mưa rào ban sáng , hắn lại ra khỏi nhà . Đi
được 1 lúc , hắn bỗng trông thấy ở dưới đất có 1 vật xinh xắn bằng da màu nâu .
Nhìn kỹ lại thì ra đó là 1 cái bóp nhỏ – kiểu bóp đựng bạc cắc thường được dùng nơi các bà đầm già – nằm trơ trụi trong bãi cỏ sát cạnh lề đường . Ngó trước ngó sau không thấy ai , hắn tò mò lượm cái bóp đó lên và mở ra xem .
– Ồ ! có tới gần trăm bạc lận
Sau khi ngạc nhiên thốt lên câu nói đó , hắn gấp những tờ giấy bạc lại như cũ rồi bỏ vào bóp , đồng thời nhận thấy còn có 1 tấm giấy trắng cũng được xếp gấp gọn gàng . Mở nó ra xem thì đây là 1 cái toa cho thuốc của bác sĩ .
Nhớ lại lúc trước , có lần vợ hắn cũng đánh rơi mất bóp giấy tờ ngoài đường
nhưng may mắn được 1 người hảo tâm đem đến trả tận nhà , nên tự nhiên trong
đầu hắn cũng nảy ra 1 ý nghĩ làm chuyện tương tự , làm 1 cử chỉ đẹp cho người
sung sướng …. Nhưng làm sao để tìm ra “ khổ chủ “ của cái bóp này ?
Sẵn có số điện thoại của bác sĩ trong toa thuốc , sau ít phút đắn đo suy nghĩ hắn
bấm smartphone gọi đi . Hơi lúng túng để trình bày câu chuyện nhưng sau cùng
hắn cũng rất là hên được người bác sĩ cho cái hẹn ngay sau đó .
– Ông có biết công viên « les trois fontaines « ( 3 bồn phun nước ) không ?
– Dạ biết chớ , tôi vẫn thường đi dạo xuyên ngang qua đó mà .
– Tốt lắm , phòng mạch của tôi cách đó 2 ngã tư đèn đỏ , đi theo hướng xa lộ ,
nằm về bên phải . Số nhà có ghi trong toa . Ông đến ngay nhé , tôi chỉ có ít phút cho
ông thôi .
– Cám ơn bác sĩ , tôi đi ngay đây .
@@@@@@@@@@@@@@@@@@
Đó là 1 bà bác sĩ đã lớn tuổi , có nét sang trọng và các động tác còn nhanh nhẹn
lắm . Sau khi nghe hắn thuật lại câu chuyện lần thứ 2 , bà ta trầm ngâm 1 chút rồi nói :
– Đúng vậy , sáng nay người này có ghé phòng mạch của tôi . Trên nguyên tắc ,
tôi không thể cho ông địa chỉ thân chủ của mình , tuy nhiên đây là 1 trường hợp
khá đặc biệt nên chúng ta có thể du di : bà ta cần phải uống thuốc của tôi cho trong toa , nội trong chiều nay … và tôi nghĩ rằng cách tốt nhất là nhờ ông giao trả đến nhà , để cho bà ấy còn kịp đi mua thuốc . Bà ta cũng không ở xa khu này bao nhiêu, tôi sẽ chỉ đường cho ông sau . Xin ông vui lòng giúp dùm cho bà lão mù lòa này .
– Bà lão mù ?
Hắn lập lại mấy chữ này và trong đầu chợt hiện ra hình ảnh của 1 bà lão mù dẫn chó đi dạo mà hắn đã gặp nhiều lần trong lúc đi bách bộ .
– Thưa bác sĩ , có phải bà lão mù với cây gậy trắng và con chó Labrador vàng ( 1 giống chó rất được người Tây phương ưa chuộng ) dẫn đường bằng sợi dây xích cổ ? Hắn hỏi .
– Đúng rồi … ông đã từng thấy bà ta sao ?
– Dạ , tôi đã trông thấy bà ta vài lần trong khi đi dạo ở quanh đây .
Bà bác sĩ gật gù , có vẻ yên tâm khi thấy hắn tả đúng chóc thân chủ của mình . Bấm liên tục trên bàn phím của máy vi tính , bà tìm ra địa chỉ của bà lão mù , ghi lại trên 1 mảnh giấy rồi trao cho hắn .
– Từ phòng mạch , ông trở ngược về công viên “ les trois fontaines “ . Qua khỏi
nơi này , ông rẽ ngay vào đường đầu tiên bên trái . Nhà bà ta ở đường thứ 2 hay
thứ 3 gì đó bên tay phải .
– Cám ơn bác sĩ . Hắn đáp
– Tôi sẽ gọi phôn báo tin ngay cho bà Anne để bà ấy khỏi bỡ ngỡ và lo ngại khi
ông đến . Tiện đây , xin ông cho tôi biết tên để tôi loan báo trước cho bà ta .
Hắn loáng thoáng nghe được trong điện thoại giọng tíu tít mừng rỡ của 1 người
đàn bà .
– Bà Anne đang mong được gặp ông để còn kịp đi mua thuốc đó .
Bà bác sĩ nói trong khi gác máy và nhìn hắn với chút ngại ngùng :
– Tôi có thể ghi lại số điện thoại của ông chứ ? Biết đâu tôi sẽ phải cần đến ?
Rời khỏi phòng mạch , hắn nghĩ thầm trong bụng :
– “ Bà đốc tờ này cẩn thận và làm việc chu đáo thiệt “ .@@@@@@@@@@@@@@@@@@@@@@@@@
Hắn nhớ lại có lần đối diện với bà lão mù nơi ngã tư để chờ băng qua đường . Đèn giao thông nơi đây có trang bị 1 hệ thống phát âm giúp người khiếm thị nhận biết lúc nào thì được phép đi qua đường : khi những tiếng bíp bíp phát ra vội vã cấp bách là lúc họ phải dừng chân , và khi nó phát ra 1 cách rời rạc ngắt quãng là lúc được băng qua lộ . Lúc ấy là những tiếng bíp liên tục nổi lên , nên bà lão mù dừng lại trên lề , hắn ngạc nhiên khi thấy con chó khôn ngoan tự động ngồi xuống bằng 2 chân sau … nó chỉ đứng dậy tiến lên trước khi bà này nghe tiếng bíp chậm rãi và băng qua đường với cây gậy trắng giơ cao .
Một lần khác đi xuyên qua công viên , hắn thấy bà lão mù ngồi nghỉ trên 1 băng ghế , con Labrador vàng ngồi nghiêm chỉnh dưới chân bà và đưa cặp mắt buồn vời vợi lơ đãng nhìn thế gian quanh nó . 1 thằng bé dẫn 1 cô chó berger chạy ngang , cô chó này xán lại gần anh chó Labrador nhưng anh chàng phớt lờ thản nhiên không bị “ khớp “ trước người đẹp và cũng không hề có thái độ cuống quýt , tiếc nuối khi giai nhân bị chủ nhỏ kéo đi chỗ khác . Khi đó hắn đã tủm tỉm cười và nghĩ trong lòng “ chó mà cũng có tư cách gớm “ .
@@@@@@@@@@@@@@@@@@@@
20 phút sau , hắn tìm đến được nhà bà lão mù : đó là 1 căn nhà trệt nhỏ bé khiêm tốn , với cái sân trước có ít bụi hoa tím mọc trên những phiến đá nhỏ màu trắng vân xám . Xuyên qua sân , đến tới cửa hắn bấm chuông điện và thấy bảng tên bên cạnh có ghi : Anne-Marie Dujardin .
– Đúng là bà cụ này mình đã mấy lần chạm mặt trên đường đi .
Hắn thầm nghĩ như thế khi bà già dẫn chó ra mở cửa . Con cẩu tinh khôn này sủa thật ồn ĩ khi thấy hắn là người lạ , bà lão mắng nó thật to :
– Cooki , tais toi , coucher ( Cooki , im mõm lại , nằm xuống ) .
Nó lập tức ngừng sủa , nhưng ư ử trong cổ họng như vẫn còn ấm ức vì chưa quát tháo được hả hê cho ra vẻ oai vệ của 1 chủ nhân ông . Sau đó nó ngoan ngoãn nằm phủ phục xuống ngay dưới chân bà cụ nhưng 2 mắt vẫn lom lom nhìn hắn với vẻ đe doạ , ý chừng như muốn nói “ liệu thần hồn đó nghe ông bạn “ .
– Chào ông , có phải ông là Nuy – En ?
– Dạ , tôi là Nguyễn thưa bà . Hắn cười thầm vì lối phát âm sai lệch giống hệt
như những người dân bản xứ ở đây .
Bà lão hắng giọng , có vẻ ngượng ngập :
– Xin lỗi ông nhé , tôi không biết làm sao để phát âm cho đúng cái tên của ông !
– Ô , không sao , không có gì quan trọng cả . Tôi đến đây để gởi trả lại cho bà cái bóp đó mà .
– Tuyệt vời …. tôi vừa mới được bà bác sĩ Audrey gọi báo tin rằng sẽ có
người … vâng , có người tên như thế … sẽ đem cái bóp lại nhà cho tôi . Rất cám
ơn ông … Ông thật là tử tế .
Nhận lại cái bóp nhỏ của mình và sau khi kiểm điểm , bà lão lắp bắp câu gì đó nghe không rõ rồi đằng hắng nói tiếp :
– Tôi chắc là đã làm rơi nó sáng nay trên đường từ phòng mạch bà Audrey trở
về nhà , lúc trời đổ mưa phải lấy dù ra che … Tôi có thể mời ông 1 tách cà phê
chứ ?
Hắn thoái thác lời mời , viện cớ rằng bà cụ còn phải đi mua thuốc cho kịp uống
chiều nay theo lời dặn của bác sĩ . Đôi mắt vô thần của bà cụ đột nhiên hấp háy :
– Tôi nghĩ là … tôi phải trả cho ông chút gì đó ?
Hắn trả lời 1 cách máy móc , 1 câu trả lời thật tình , từ đáy lòng mà ra :
– Á không thưa bà , xin bà đừng bận tâm : đây là chuyện đáng làm mà thôi . Tôi
rất vui khi chuyện nhỏ này giúp ích được cho bà .
Lần mò nắm lấy tay hắn , bàn tay gầy guộc xanh xao của bà Anne xiết nhẹ , run run vì cảm động . Bà gật gật cái đầu , ậm ừ muốn nói thêm gì đó nhưng lúng túng chưa nghĩ ra lời .
– Vậy thôi … xin chào bà , tôi phải đi đây . Hắn khẽ nói .
– Cám ơn ông thật nhiều … tôi sẽ không quên câu chuyện hôm nay . À … xin lỗi
chứ , ông là người nước nào vậy ?
– Dạ tôi là người Việt Nam – trong lòng hắn dâng lên chút thích thú – tôi hy vọng sẽ còn gặp lại bà trên đường đi dạo xuyên qua công viên “ les trois fontaines “ , bà nhé ?
– Ồ hay quá … ông cũng thường đi dạo trên đường đó hả ? – Bà cụ lộ vẻ vui
sướng với nụ cười thật tươi – Chắc chắn rồi , thế nào cũng sẽ gặp lại ông . Xin
tạm biệt nhé .
@@@@@@@@@@@@@@@@@@@@
Một ngày nọ , đang đi trên con đường quen thuộc , từ xa hắn trông thấy bà lão mù và con chó Cooki đang tiến ngược chiều về phía hắn . Lúc đến gần , hắn mở lời :
– Chào bà Anne .
Bà lão khựng lại giây lát , nhíu mày . Con chó thấy chủ dừng bước nên nó tự động ngồi xổm xuống . Hắn lâp lại lời chào , lần này bà cụ mỉm cười :
– Chào ông Nuy – En , ông vẫn mạnh khỏe chứ ?
– Cám ơn bà , tôi vẫn thường . Còn bà thế nào ? À sao mà bà còn nhớ được tên
tôi hay vậy ?
– Ông cũng có lối phát âm đặc biệt … hơn nữa thính giác của những người như
chúng tôi phát triển hơn người bình thường nên tôi nhận ngay ra ông … Còn sức khoẻ tôi thì dạo này sa sút lắm , hay bị mệt mỏi trong ngày dù không làm gì nặng nhọc cả !
Bà cụ bỗng nhiên đổi đề tài :
– Tôi có được bác sĩ Audrey kể cho nghe về đất nước của ông . 1 xứ sở có
nhiều danh lam thắng cảnh xinh đẹp , hùng vĩ và với những nụ cười luôn luôn nở trên môi của người dân .
Hắn thấy vui vui với những lời khen tặng ấy nhưng đồng thời 1 niềm chua chát
dâng lên trong lòng : “ vậy mà mình phải đánh đổi những thứ ấy để hít thở không khí tự do dân chủ ở đất nước người ! “
@@@@@@@@@@@@@@@@@@@
Rồi những lần đi dạo về sau , hắn vắn có ý trông mong gặp lại bà cụ Anne với con chó khôn ngoan … nhưng đã mấy mùa qua mà chẳng hề thấy bóng dáng bà ta đâu nữa ! Có lần nọ , hắn đánh vòng ngang qua nhà bà lão mù , thấy mành cửa sổ buông kín … hắn tò mò tiến lại gần cửa thì thấy bảng tên của bà lão không còn gắn cạnh nút chuông nữa ! Quay gót trở lui , hắn bùi ngùi nhớ đến 2 câu thơ của bậc thi sĩ tiền bối Vũ Đình Liên :
“ Những người muôn năm cũ ,
Hồn bây giờ ở đâu ? “
Trủy Thủ