Thân tặng các anh em Lôi Hổ và Lực Lượng Đặc Biệt…
Câu chuyện ngắn sau đây, tuy dựa trên những sự kiện của lịch sử, nhưng, ngoài Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, tất cả các nhân vật khác và chi tiết khác đều là một sản phẩm của tưởng tượng. Nếu có một sự trùng hợp ngẫu nhiên nào, đó là hoàn toàn ngoài ý muốn của tác giả.
Trân trọng.
Thiếu tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Quân Đoàn II và Quân Khu II rút điếu thuốc lá 3 con 5 ra khỏi cặp môi đen sạm, phà khói vào tấm bàn đồ trước mặt. Như thường lệ, mỗi khi có gì cần phải suy nghĩ, mặt ông tướng Phú nhăn lại một cách thảm hại…
Trước mặt ông ta là tấm bản đồ tình báo tối mật với những tin tức mới nhất của phòng II quân đoàn vừa trình lên cho ông, chi chít những hình vuông, tròn, tam giác và những mũi tên dấu xanh dấu đỏ vẻ bằng bút chì mở. Màu Xanh là biểu hiệu của phe mình, còn màu Đỏ là Việt Cộng. Đứng bên phải ông là ông là đại tá Vân, Tham mưu trưởng quân đoàn II. Bên trái ông là đại tá Phùng, Chiến Đoàn Trưởng Chiến Đoàn III Xung Kích Lực Lựơng Đặc Biệt. Bên cạnh ông đại tá Phùng là Trung Tá Khiếu, trưởng phòng II của quân đoàn, “tác giả” của tấm bản đồ bí mật.
Tất cả các cặp mắt đều đổ dồn vào cái hai đường gạch đỏ kẻ bằng bút chì mỡ rất đậm nét bắt đầu từ một mép ngoài bản đồ, phía bên kia của biên giới Việt Nam, trong khu cao nguyên Boleven của đất Lào. Xuất phát từ đây, một con đường bút mỡ đỏ bò ngoằn ngoèo, chạy xuống phía Bắc của Daksut rồi tẻ ra làm hai nhánh. Một nhánh đi xuống phía Bắc của Dakto, còn nhánh kia rẻ phải một chút, bò qua Thanh An, Thuần Mẫn và chấm dứt ở Băng Đôn, một quận lỵ nằm ở phía Bắc thành phố Ban Mê Thuột khoảng 50 cây số đường chim bay.
Con đường bút đỏ thứ hai chạy xuôi về phía Nam theo đường mòn Hồ Chí Minh ở bên kia biên giới rồi bất ngờ rẻ vào mật khu Bù Gia Mập. Tại đây con đường tẽ ra làm hai, một đi ngược lên phía bắc, xuyên qua quận lỵ Đức Lập rồi tiến về phía Nam Ban Mê Thuột, đường kia đi xa hơn lên phía Đông Bắc, xuyên qua Quảng Nhiêu và ngừng lại ở phía Tây Ban Mê Thuột.
Ở cuối con đường thứ nhất, có một hình vuông có “nhốt” một ngôi sao, dấu hiệu của sư đoàn bộ binh và con số 968. Ở cuối con đường thứ hai thì có tới ba hình vuông nhốt ba ngôi sao với những con số 316, 10 và 3…
Tướng Phú có vẻ không khoái những cái ngôi sao này nên mặt ông nhăn lại một cách khổ sở. Thỉnh thoảng, ông ho lên sù sụ. Bốn người đứng yên, nhìn chằm chằm vào tấm bản đồ một lúc, không ai nói với ai một lời nào. Cuối cùng, tướng Phú cầm cây gậy chỉ huy gõ nhẹ nhẹ vào cái con đường chỉ đỏ thứ hai trên tấm bản đồ:
– Pourquois? Ban Mê Thuột… Ban Mê Thuột… Merd… có lẽ nào chúng nó muốn đánh Ban Mê Thuột? Tôi biết tụi nó đang chuẩn bị tấn công mùa khô nhưng tại sao lại đánh Ban Mê Thuột? Qu’est ce que la raison… Merd…
Tướng Phú ít khi chửi thề, trừ những khi gặp những vấn đề gì quá rắc rối. Và ông không chửi tiếng Việt mà bằng tiếng Pháp. Tiếng “Merd” là ngôn ngữ nặng nhất của ông tướng.
Đại Tá Phùng và Trung Tá Khiếu liếc nhìn nhau trao đổi một cái nhìn bí mật. Trung Tá Khiếu tính nói gì đó nhưng tướng Phú đưa tay ngăn lại, rồi tướng Phú lại… nhăn mặt nói tiếp:
– Merd, không khéo là mình bị lừa. Tôi nghi là chúng nó muốn làm cho mình rối lên thôi… Chúng nó chỉ muốn kéo quân về đó để làm nghi binh. Coi chừng Ban Mê Thuột chỉ là diện, còn Pleiku mới thực là điểm. Dĩ nhiên Ban Mê Thuột dễ đánh hơn, nhưng, đánh Ban Mê Thuột thì chúng nó được lợi gì? Chỉ toàn cà phê không thôi chứ có mẹ gì… Merd…
Không có ai có thể trả lời nổi câu hỏi của tướng Phú. Phải, đánh Ban Mê Thuột thì chúng nó được lợi gì?
Tướng Phú xoay người ngồi xuống chiếc ghế tư lệnh rất đồ sộ bằng da cọp. Chiếc ghế đó là món quà tặng đặc biệt của ông Tư Lệnh Sư Đoàn 23 năm rồi. Đám Sĩ Quan liền đứng vây chung quanh bàn giấy ông. Ông dụi điếu thuốc, lý luận tiếp:
– Tôi nghĩ chúng nó chỉ đặt nghi binh để chia lực lượng của quân Khu II mình ra thôi. Cứ theo dõi những trận đánh mấy tháng gần đây, tôi thấy chiến dịch mùa khô năm nay chúng nó sẽ đánh như thế này: Trước hết, về phía Tây, chúng nó sẽ cắt quốc lộ 19 để chặt con đường tiếp viện duy nhất của mình với miền duyên hải và hải cảng Qui Nhơn. Đồng thời ở đây, chúng nó sẽ làm mọi cách để làm tê liệt Phi trường Phù Cát… Phía Bắc, Kon Tum sẽ bị đánh. Phía Nam, chúng sẽ cắt quốc lộ 14 nối liền với Ban Mê Thuột. Cũng có thể, một vài quận lỵ nhỏ ở đây sẽ bị tấn công như Buôn Hô, Thuần Mẫn v.v… Nếu chúng nó thực hiện được chuyện này mà mình không chia quân ra giữ thì Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn sẽ bị vây hãm. Còn nếu mình chia quân để tăng cường Ban Mê Thuột thì bộ tư lệnh sẽ bị tràn ngập trong vòng một đêm…
Nói đến đó đột nhiên Tướng Phú đưa mắt nhìn ông trung tá Khiếu, ngừng một chút rồi lại nói tiếp. Hình như cái chữ Ban Mê Thuột cứ trở về ám ảnh lấy ông:
– Tuy nhiên, nếu chúng nó xuất kỳ bất ý đánh Ban Mê Thuột, thì tôi thấy thành phố này khó mà đỡ nổi. Khó lắm, trừ phi mình có tiếp viện. Nhưng, chuyện… tận cùng, nếu mất Ban Mê Thuột, mình còn có thể gởi quân xuống lấy lại được. Còn để mất Pleiku là cả cái quân đoàn II này coi như mất. Anh Khiếu này, lúc nãy anh tính nói gì?
– Trình thiếu tướng, phòng II chúng tôi có thêm tin tức là một trung đoàn xe tăng và một trung đoàn cao xạ nặng cũng đã xuất hiện ở khu Bù Gia Mập.
– Như vậy thì chung quanh Ban Mê Thuột có tới 4 sư đoàn chính qui Bắc Việt và 1 trung đoàn cao xạ và 1 trung đoàn xe tăng?
– Thưa Thiếu Tướng, đúng vậy nhưng tôi chưa vẽ trên bản đồ vì chưa kiểm chứng được.
– Đó là chưa nói tới hai trung đoàn 95A và 95B vẫn thường xuyên quấy nhiễu vùng Kontum?
– Thưa thiếu tướng đúng như vậy.
Tướng Phú xoay chiếc ghế tư lệnh, nhìn vào tấm bản đồ nơi có cái ngón tay của ông Trung Tá Khiếu đang chỉ. Bố khỉ, ngón tay đó lại nằm ở phía bắc của Ban Mê Thuột nữa.
Tướng Phú chau mày, thò tay móc điếu thuốc lá, châm lửa, trán nhăn lại…
Ông không nói ra nhưng tướng Phú xưa nay có cái tật không tin… người Việt Nam lắm, nhất là những tin tức tình báo. Tướng Phú là một vị tướng thuộc vào hạng khá của QLVNCH, nhưng suốt quãng đời quân ngũ của ông, ông chỉ làm việc với người Pháp và Mỹ. Xuất thân là một sĩ quan nhảy dù Pháp, làm việc với Pháp, ông tập được lối đánh giặc và suy luận theo lối Pháp. Sau Điện Biên Phủ, ông Phú vào Nam. Quân đội VNCH bấy giờ được Mỹ tái huấn luyện và trang bị nên trong các chức vụ đơn vị trưởng, chung quanh ông luôn luôn có cố vấn Mỹ. Tất cả mọi chuyện, từ quân xa cho đến yểm trợ cho đến tin tức tình báo, ông luôn luôn nhờ người Mỹ lo liệu. Đến khi ông về nắm Tư Lệnh Lực Lựơng Đặc Biệt thì cái bịnh “tin Mỹ” của ông lại càng trở nên nặng vì đơn vị này do Mỹ thành lập và yểm trợ 100 %. Khi ông ra nắm Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh, bệnh này vẫn không thuyên giảm vì nếu không có sự yểm trợ ồ ạt và táo bạo của không quân Mỹ thì cái sư đoàn ở vùng địa đầu giới tuyến này chắc đã bị tràn ngập nhiều lần rồi. Bây giờ, không còn tin tức tình báo của Mỹ, là một vị tư lệnh quân đoàn, tướng Phú cảm thấy trách nhiệm của mình nặng nề và khó khăn vô cùng.
Nhìn ông Trung Tá Khiếu, tướng Phú phải công nhận rằng đây là một sĩ quan trẻ, rất có tài và làm việc rất tận tâm nhưng ông vẫn cho rằng khả năng và kiến thức của một ông Trung tá trưởng Phòng II của Quân Đoàn vẫn chưa đủ để phán đoán hay nhận xét về những cuộc điều binh cấp sư đoàn hay quân đoàn. Chỉ có ông. Phải, chỉ có ông hoặc là những sĩ quan cấp tướng như ông mới đủ khả năng để lượng định.
Tướng Phú nhìn quanh một lượt rồi hỏi trống không:
– Bon, các anh em ở đây, có ai có ý kiến gì không? Đừng quên một chuyện là chúng nó cũng có thể đánh Quảng Đức. Về chiến lược, Quảng Đức càng dễ đánh hơn nữa vì ở gần Phước Long hơn, gần quân đoàn III, gần Sài Gòn hơn.
Không có tiếng trả lời…
Ngay lúc đó, như một kẻ nhô ra từ trong bóng tối, ông đại úy sĩ quan tùy viên xuất hiện bên cạnh tướng Phú như muốn làm dấu nhắc nhở một điều gì đó. Tướng Phú hiểu ý, nhìn đồng hồ tay rồi dụi tắt điếu thuốc, đưa mắt làm dấu cho người sĩ quan tùy viên chuẩn bị cái cặp táp rồi nói:
– Cám ơn các anh em đến tham dự buổi giải trình hàng tuần của phòng II. Không ngờ hôm nay lại có chuyện quan trọng như vậy…
Nghe vậy thì tất cả các ông sĩ quan cấp tá trong phòng liền đứng thành một hàng ngang trước mặt tướng Phú để chờ lệnh. Tướng Phú nhìn quanh một lượt. Người đầu tiên được ông tướng Phú để ý tới là trung tá Khiếu. Ông nhìn trung tá Khiếu nói:
– Cám ơn anh Khiếu đã cho tôi những tin tức vô cùng quý giá. Anh tiếp tục theo dõi, bám sát, ghi nhận và nếu có thêm tin tức gì thì anh cho tôi biết liền. Sur tout, anh đưa báo cáo và bản giải trình của anh cho phòng truyền tin để họ chuyển sang mật mã gởi về Tổng Tham Mưu và dinh Độc Lập gấp cho tôi nội trong ngày hôm nay.
– Nhận rõ, thưa Thiếu tướng.
– Bon. Anh Vân, anh đánh công điện mời tất các Tiểu khu trưởng của Quân đoàn II về họp tại Nha Trang trong vòng 48 tiếng đồng hồ. Riêng hai ông Tiểu khu trưởng của Ban Mê Thuột và Quảng Đức, tôi muốn họ mang theo đầy đủ kế hoạch phòng thủ của tiểu khu họ. Tôi muốn tất cả các Tiểu khu trưởng phải có mặt trong buổi họp này.
– Trình thiếu tướng tôi nhận rõ.
Tướng Phú ngừng một chút. Người cuối cùng chưa nhận được lệnh lạc gì cả là đại tá Phùng, Chỉ huy trưởng chiến đoàn III xung kích Lôi Hổ.
– Anh Phùng…
Ông tướng Phú bỏ dở câu nói. Đại tá Phùng đứng thế nghiêm.
– Tôi nghe phòng Quân Cảnh và người ta than phiền mấy thằng lính của anh… ba gai, đánh lộn, phá quán tùm lum… Anh về coi lại chúng nó. Tôi sẽ không tha thứ những chuyện đó.
– Trình thiếu tướng tôi sẽ thi hành theo chỉ thị.
Tướng Phú lắc đầu:
– Chưa hết đâu…
Ông ta đứng lên, từ từ tiến tới tấm bản đồ ở phía sau lưng. Đại Tá Phùng thấy tim mình đập nhanh hơn.
Tướng Phú đứng yên ngắm cái bản đồ một lúc rồi đưa cây gậy chỉ huy chỉ vào một điểm phía bắc của quận Dakto, nơi một nhánh của con đường đỏ chấm dứt ở đó:
– Tôi muốn anh cho con cái anh nhảy vào đây cho tôi. Ít nhất là 2 toán. Tôi muốn tìm hiểu xem lực lượng của chúng nó ở đó có bao nhiêu quân? Bao nhiêu tăng? Nhà cửa và trang bị thế nào?
Đại tá Phùng ghi nhanh mấy cái tọa độ vào sổ tay rồi nói:
– Thưa thiếu tướng tôi nhận rõ.
– Còn nữa, chưa đã hết đâu…
Cái cây gậy chỉ huy của tướng Phú lại chỉ xuống cái chỗ tẻ hai của con đường bút đỏ thứ hai, trong khu Bùi Gia Mập. Ông gõ vào đấy mấy cái thật mạnh, giọng đanh lại:
– Đây là ổ tập trung quân an toàn nhất của tụi nó, anh cho 2 toán nữa nhảy xuống đây cho tôi. Ngay chỗ này này. Phải ráng làm sao bắt được vài thằng lính, nếu sĩ quan càng tốt của chúng nó đem về đây cho tôi. Đó là một bằng chứng xác đáng nhất về sự có mặt của chúng nó.
Đại Tá Phùng gật đầu:
– Nhận rõ, thưa thiếu tướng.
– Bon. Anh có 24 tiếng đồng hồ để chuẩn bị. Trễ lắm là tối mai, tôi muốn con cái anh phải nhảy xuống và có mặt ở vùng làm việc. Trong giai đoạn này, tôi chỉ muốn biết quân số cùng trang bị của chúng nó như thế nào thôi. Nhớ lấy điểm đó.
– Nhận rõ, thưa thiếu tướng.
Tướng Phú đội cái mũ lưỡi trai lên đầu, đeo giây súng vào người:
– Trung tá Khiếu!
– Thưa Thiếu tướng tôi nghe.
– Anh làm việc chung với ông đại tá Phùng, phối kiểm các tin tức tình báo của anh và tin của Lôi Hổ rồi làm cho tôi một tờ báo cáo. Đồng thời, làm việc đắc lực với Không quân, cho chụp càng nhiều không ảnh càng tốt. Tôi muốn anh chụp bất cứ cái gì mà anh có thể nghi ngờ. 3 ngày nữa, sau khi tôi đi họp ở Nha Trang về, tôi sẽ đọc báo cáo kế tiếp của anh.
– Tôi nhận rõ.
– Đại tá Văn!
– Tôi nghe.
– Anh cho mời 2 ông tư lệnh Sư đoàn, các ông Trung đoàn trưởng và Liên đoàn trưởng Biệt Động tối mai về họp tại đây lúc 18 giờ. Nhớ mời luôn ông tướng Nhân Không Quân và mấy ông Không đoàn trưởng qua luôn. Tôi có nhiều chuyện muốn bàn.
– Tôi nhận rõ.
Lúc này thì tướng Phú đã đứng ở cửa văn phòng mình. Ngoài sân, chiếc UH-1 có gắn bảng đỏ và hai ngôi sao bạc của tướng Phú bắt đầu quay máy. Hai người phi công đang bận rộn với mấy cái công tắc. Hai cánh quạt dài khẳng khiu đang chậm chạp liếm từng luồng gió một và từ từ tăng tốc độ…
– Ngoài ra có ai còn hỏi gì nữa không?
Không có tiếng trả lời.
– Bon, chào tất cả các anh.
– Tất cả… Nghiêmmm.
Đại tá tham mưu trưởng hô to và nghiêm trang dơ tay lên chào theo đúng thủ tục của quân đội. Tướng Phú gật đầu có vẻ hài lòng, dơ tay lên chào lại. Thì Đức Khổng Tử đã chẳng bảo là khi người nước nào còn biết được giữ được lễ nghĩa thì nước đó sẽ còn tồn tại được mà? Tướng Phú mỉm cười nhẹ nhàng khi nghĩ đến đó.
Ông bước từng bước một nhẹ nhàng ra khỏi phòng, tiến về phía chiếc phi cơ…
Lúc cánh quạt chiếc trực thăng tăng tốc độ để bốc máy bay lên, tướng Phú nhìn qua đám cuồng phong của bụi mù đất đỏ phía dưới con tàu và lại lẩm bẩm: “Ban Mê Thuột, Ban Mê Thuột… đất Buồn Muôn Thuở, xứ Bụi Mịt Trời…” Ông lẩm bẩm như vậy và mặt ông nhăn dúm lại một cách thảm hại…
° ° °
Tại Ban mê Thuột, trong căn gác nhỏ nhưng sạch sẽ và tươm tất ở số 74 B đường Lý Thường Kiệt, người đàn ông mặc quần đùi nhà binh và áo thun trắng nằm nghiêng mình trên chiếc giường nhỏ đọc say mê cuốn truyện. Trên đầu giường có treo bộ đồ rằn ri, một cây súng lục, một con dao đi rừng. Chiếc áo rằn ri có huy hiệu con cọp ở ngực và cặp lon đại úy màu đen nơi cổ. Dưới giường là một đôi giày bốt đờ sô tuy cũ nhưng được đánh bóng cẩn thận.
Bên cạnh giường, trên chiếc ghế làm bằng gỗ thùng đạn, một người đàn bà xinh đẹp ngồi vòng tay trước ngực tư lự nhìn ra ngoài. Hai người vừa làm tình với nhau xong. Mặt người đàn bà vừa như giận dỗi và vừa như còn luyến tiếc hương vị của cuộc ân ái vừa qua…
Một lúc sau, người đàn ông xoay người hỏi:
– Em có đói bụng không Diễm?
Diễm lắc đầu không nói gì.
– Em muốn đi ăn không?
Diễm cay đắng:
– Đi ăn với người đã có vợ, thiên hạ cười chết.
Người đàn ông vất cuốn sách xuống giường, nhăn mặt có dáng mệt mỏi và hơi khó chịu. Tuy vậy, giọng nói của anh ta rất dịu dàng:
– Em cứ đay nghiến anh mãi.
Rồi anh ta ngồi dậy, thò tay với lấy gói thuốc Capstan trong túi áo, châm lửa mồi thuốc rồi uể oải đứng lên.
Người đàn ông đã đứng sau lưng Diễm, vòng hai tay ôm lấy nàng. Diễm tính hất tay anh chàng ta ra nhưng nghĩ sao lại để yên. Nàng ngã người vào bộ ngực rắn chắc của người đàn ông, nói như qua hơi thở:
– Em khổ lắm anh Huân ơi, anh có biết không?
Huân gỡ điếu thuốc ra khỏi môi, hôn nhẹ vào má nàng:
– Anh hiểu. Anh xin lỗi em.
– Bây giờ anh tính sao đây?
Huân lắc đầu, bất lực:
– Anh ước muốn nếu mình có một quyền năng gì đó…
Vừa nói đến đó, Diễm gỡ tay anh ra rồi bất ngờ tát đến bốp một cái vào mặt Huân:
– Đồ đểu, đồ khốn nạn…
Rồi Diễm ôm mặt bật khóc. Huân đưa tay lên xoa mặt, nhưng không hề biểu lộ một sự giận dữ.
– Anh cút đi, anh đừng động đến tôi… Anh là đồ khốn nạn…
Huân ngồi xuống giường trở lại. Mặt u buồn. Đấu điếu thuốc lại lóe lên liên tiếp. Bên ngoài, trời đã chạng vạng tối.
– Tại sao hôm đó anh lại tán tôi?
Huân cảm thấy tim mình đau nhói, không trả lời nỗi. Ừ thì mình bậy thật, ai bảo mình tán tỉnh nàng làm chi để đến ra nông nỗi này? Nhưng mình là lính xa nhà, gặp con gái đẹp mà không tán thì biết làm gì? Chẳng lẽ chỉ đứng xa mà nhìn rồi tối về nhà thầm yêu trộm nhớ như hồi còn đi học ở trung học?
Hai người quen nhau cách đây gần năm. Hồi ấy Huân còn đeo lon Trung úy, từ Bộ Chỉ Huy ở Sài Gòn vừa được đổi lên Ban Mê Thuột. Buổi chiều đầu tiên nhậu ở căn cứ say túy lúy. Buổi chiều thứ hai, chàng phóng xe díp ra phố để mua vài thứ lặt vặt và cũng để rửa mắt, coi thử thành phố Ban Mê Thuột tròn méo thế nào, dân tình ra sao. Huân thấy thành phố dễ thương lắm. Và dân Ban Mê Thuột hình như có một vẻ đẹp đặc biệt.
Trong một tiệm tạp hóa, chàng chỉ cây bút máy Pilot trong tủ kính hỏi cô hàng trẻ tuổi đang ngồi mơ màng, không biết đang mơ mộng hay suy nghĩ chuyện gì:
– Xin phép cô, nếu được, cô làm ơn cho tôi xem cây viết pilot.
Đáng lẽ, Huân sẽ chẳng bao giờ thèm để ý đến nàng nếu nàng không ngước mặt lên nhìn chàng, rồi nhìn bộ đồ rằn ri như muốn hỏi tại sao một người mặt mũi lịch sự thanh tao như vậy lại có thể mặc được bộ đồ rằn ri dữ tợn. Lúc ấy, Huân mới để ý là cô nàng duyên dáng thật. Lại ăn bận lịch sự và đúng mốt, hợp thời trang nữa. Bộ quần áo của nàng đang mặc Huân nhìn thấy không nhiều ở đất cao nguyên này. Nhưng tất cả những cái đó không bằng cặp mắt. Ánh mắt của nàng như muốn nói cho Huân biết là nếu chàng chịu khó tán tỉnh, chàng sẽ chiếm đoạt được nàng. Đời Huân, Huân đã gặp ít nhất vài ba người đàn bà như vậy.
Diễm mở cửa tủ kính, lấy cây viết đưa cho Huân. Chàng cầm lấy, ngắm nghía rồi hỏi:
– Cô cho mượn lọ mực, tôi viết thử được không?
Diễm khoanh tay đứng nhìn Huân, ngần ngừ một lúc rồi xoay động đôi vai nói:
– Đúng ra thì lệ ở đây không cho khách thử viết nhưng với ông thì… đặc biệt.
Huân cười:
– Tiệm này cũng có chương trình đặc biệt dành cho quân nhân chăng?
– Không! Tại vì tôi thấy ông lịch sự và trang nhã.
Huân cười nhẹ:
– Riêng tôi, nói thật với cô hàng, tôi mua bút cũng đã nhiều nhưng chưa bao giờ muốn thử cả. Cô có biết vì sao tôi muốn thử cây bút này không?
Diễm cười lên khanh khách, hàm răng thật trắng vào đều đặn:
– Thôi đi, ông muốn nói tại vì tôi đẹp phải không?
– Cô lầm rồi. Tôi không có thói quen khen người khác phái là đẹp. Tôi nghĩ một người đàn bà đẹp luôn luôn biết rằng mình đẹp, tất cả những lời khen tặng đều là dư thừa cả.
Diễm mở nắp một bình mực, hút một tí mực vào bút. Nàng đưa cây bút cho Huân và để ý và nhìn thấy những ngón tay dài đầy lông măng của chàng không có đeo nhẫn cưới:
– Vậy thì tại sao, ông lính?
– Tại vì hồi nãy tôi để ý thấy cô cứ nhìn chằm chằm vào người tôi. Tôi biết cô có… cảm tình với tôi.
Diễm đỏ bừng mặt, cặp mắt “ngổ ngáo” lúc nãy bây giờ chẳng dám nhìn thẳng vào mặt người khách. Ông lính đẹp trai này quả là một nhà tâm lý tài tình, Diễm nói với lòng mình như thế. Một lúc sau đó, nàng mới lấy lại được bình tĩnh để nói:
– Hay nhỉ, có cảm tình với ông. Sao mà ông lại tự tin lắm vậy?
Huân cười, vẫn nụ cười ngạo nghễ, nửa như châm chọc, nửa như vuốt ve:
– Không phải tự tin mà là linh cảm. Linh cảm của một người lính cô đơn và xa nhà.
– Ông vừa mở máy tán?
– Tại sao lại không nhỉ? Thật là bất lịch sự và ngu xuẩn nếu đứng gần một người đẹp như cô mà không chịu tán. Cô, à, cô gì nhỉ?
– Diễm.
– Diễm, hay quá. Tôi tên Huân.
Diễm không nói gì, vòng tay lại nhìn Huân chờ đợi. Huân nhún vai, hỏi:
– Cô Diễm cho tôi xin miếng giấy.
– Ông tán gái hay lắm.
Huân lắc lắc cho cây bút xuống mực, cúi người trên tủ kính rồi gạch vài gạch vào miếng giấy trắng. Rồi chàng xuống hàng, ngón tay đầy nhựa thuốc lá nắn nót viết chữ… “CAPSTAN” thật đều và thật đậm nét. Viết xong, Huân thẳng lưng lên, nhìn ngắm chữ CAPSTAN mình vừa viết như một ông cụ đồ nho ngắm câu đối tết vừa vẽ xong. Chàng xoay người đưa tờ giấy cho Diễm coi, hóm hỉnh nói:
– Cô Diễm thấy chữ tôi viết có… đẹp không?
Diễm bật cười, gật đầu, bắt đầu cảm thấy thích anh chàng. Nàng chưa gặp được một người nào tự nhiên và lại tự tin đến như vậy:
– Kể ra thì đẹp thật. Nhưng trên đời này có thiếu gì chữ để viết, tại sao lại viết CAPSTAN là tên của một loại thuốc lá?
– Cô Diễm cho thử một câu đi để tôi viết?
Diễm cười:
– “Anh Là Lính Đa Tình, ” được không?
Huân cũng cười, nhưng nhún vai:
– Đó là đầu đề của một bài hát, nhưng nghe thấy ghê quá cô Diễm ạ.
– Vì sao thế?
– Vì lính là những người cô đơn nhất trên trần gian này. Lính chẳng bao giờ có thể đa tình được cả.
– Đáng buồn thật, thế mà Diễm cứ tưởng các anh lính đa tình lắm. Thế thì “Những Đồi Hoa Sim” được không?
– Nghe buồn quá.
– Thế “Xuân Này Con Không Về Mẹ Ơi” có được không? Nghe có vẻ … “hiền lành hiếu thảo” vô cùng.
– Nghe ủy mỵ và yếu quá. Cô Diễm cho câu khác đi.
Diễm suy nghĩ một lúc rồi lắc đầu, nhún vai:
– Tôi chịu!
– Thế thì để tôi thử lại xem. Tôi vừa nghĩ ra một câu.
Huân cười với ý nghĩ của mình. Chàng nhích người đứng sát bên nàng, rồi cúi đầu xuống, cố ý để ống tay áo rằn ri để cạnh tay áo màu xanh của Diễm. Diễm thấy hơi lạ nhưng để yên, coi thử ông khách hàng “âm mưu” gì. Huân nắn nót viết trên tờ giấy: “Chiếc Áo Phong Sương Tựa Áo Nàng.”
Huân lại đưa miếng giấy cho Diễm coi:
– CAPSTAN là ý nghĩa của câu này.
Diễm nhìn mảnh giấy rồi nhìn Huân và cười thích thú, bảo:
– Hay quá nhỉ? Rất đúng hoàn cảnh mà cũng hay nữa. Diễm không ngờ dân hút thuốc lá có nhiều thiên tài… thi sĩ đến như vậy? Ông đã tựa bao nhiêu chiếc áo nàng rồi?
Huân không trả lời, đóng nắp cây bút lại, mắt vẫn không rời tờ giấy:
– Cô Diễm biết xuất xứ cái câu này như thế nào không?
– Bắt chuyện hay lắm. Ông kể cho tôi nghe đi.
– Ngày xưa, có một ông Tây đi lính đánh trận sang Việt Nam…
Huân ngừng lại ở đó, đưa cây bút cho Diễm:
– Cô Diễm chọn cho tôi một màu khác đi, tôi không thích cái màu đỏ này. Nó hung dữ quá, không hợp với những người… có tâm hồn thi sĩ như tôi.
– Nhưng ông chưa kể hết chuyện mà. Ông phải kể thì tôi mới chọn màu hộ ông được.
– Chuyện hay lắm, nhưng kể trong không khí này mất cái hay đi. Tối nay, nếu Diễm có rãnh, mình gặp nhau ngoài công viên, tôi kể tiếp cho Diễm nghe…
Ánh mắt Diễm thoáng lên một ngọn lửa hoan lạc. Nàng mỉm cười sung sướng, đứng lặng một chút rồi nói:
– Dân nhà binh có khác. Đốt giai đoạn mau lắm. Tối nay thì không được nhưng chiều mai thì Diễm rảnh. Khoảng 2 giờ được không?
Vậy là hai người quen nhau buổi chiều hôm sau. Dễ dàng và thơ mộng. Đi với Huân lần đầu trong công viên, nàng thấy bên trong lớp áo rằn ri dữ tợn của chàng là một tâm hồn thật trẻ trung, vui tính và yêu đời. Dưới mắt chàng, hình như, chẳng có chuyện gì là quan trọng cả. Đi ngang đám trẻ đang đá banh, anh chàng ngứa giò, xin phép Diễm rồi cởi giày chạy ra sút vài quả bóng với bọn trẻ. Nàng đứng im nhìn Huân lừa bên này lách bên kia với đám trẻ và mỉm cười thích thú. Diễm không biết trên thế giới này có được bao nhiêu người đi chơi với đào lần đầu tiên mà lại xin phép cởi giày để đá bóng vài phút với bọn trẻ. Đi dưới những tàng cây to lớn có đến hàng trăm tuổi, chàng chỉ và đọc tên vanh vách cho Diễm nghe từng loại cây. Có vài con chim bay lướt trên cao, Huân ngước nhìn rồi nói rõ lai lịch chúng nó. Kể cả những loại tre loại trúc, Huân cũng biết rõ xuất xứ. Hình như, với chàng, rừng rậm là một thứ mà chàng biết rất nhiều. Hình như, rừng rậm và cây cối mới là quê hương, là nơi mà chàng có thể sống thoải mái được.
Diễm chỉ để ý đến một điều là anh chàng hút thuốc hơi nhiều. Một lần, Huân mồi thuốc và nói với Diễm:
– Mỗi lần mua bột bao thuốc lá mới, anh luôn luôn bị ám ảnh bởi câu “Chiếc Áo Phong Sương Tình Anh Nặng” của gói CAPSTAN.
– Nghe có vẻ buồn hơn “Chiếc Áo Phong Sương Tựa Áo Nàng.”
Huân phà khói thuốc, hỏi:
– Em có tin dị đoan không?
– Thỉnh thoảng.
– Hồi xưa, anh có một thằng bạn. Nó có đeo một cái nanh heo rừng trong người. Nó bảo anh là ngày nào nó còn mang nanh heo rừng thì súng đạn không đụng đến nó được…
Huân bỏ lửng câu nói. Diễm nhận ra là nàng thích cái lối nói chuyện này. Nó làm cho người ta trở nên hồi hộp:
– Rồi sao nữa?
Chàng nhìn ra xa xa:
– Một ngày nó đi nhảy toán, bị bắn chết, bạn bè đem xác về được. Anh liệm nó vào hòm, mò mẫm tìm cái nanh heo rừng nhưng không thấy.
Ngừng một chút, Huân tiếp:
– Em biết nó ở đâu không?
– Không?
– Anh cũng chẳng biết, cứ nghĩ là anh chàng nào đó đã lấy rồi. Chiều đó anh đi tắm, mới thấy cái nanh heo rừng nó bỏ quên, treo lơ lửng trên vòi nước.
Diễm rùng mình. Huân nói:
– Ở trên đời này, có nhiều chuyện mình không thể giải thích được mà nó vẫn xảy ra.
– Chuyện nanh heo rừng em đã nghe vài lần, nhưng cái câu gì đó thì dị đoan gì?
– Chính nó dạy cho anh. Nó bảo, khi mày yêu ai, đi mua thuốc lá đừng nói “Bán cho tôi gói Capstan mà phải nói bán cho tôi một “Chiếc Áo Phong Sương Tình Anh Nặng…”
Diễm cười:
– Nếu không thì sao?
– Tình yêu sẽ tan vỡ.
Diễm lắc đầu:
– Em không ngờ mấy ông nhà binh lại lẩm cẩm như vậy. Mà từ lúc gặp em, anh đã đi mua thuốc lá lần nào chưa?
– Rồi!
– Anh nói thế nào?
– Anh bảo cô hàng bán cho tôi một “Chiếc Áo Phong Sương Tình Anh Nặng.”
Diễm nhìn xuống đất, dấu nụ cười:
– Sao anh lại nói vậy? Anh đã yêu Diễm đâu? Mình mới quen nhau mà…
Huân cười:
– Gặp được một người như Diễm mà không yêu thì thật là bất lịch sự…
Diễm bật cười, nói theo với Huân:
– Và ngu xuẩn… Diễm hỏi thật anh, anh đã nói câu đó với bao nhiêu người đẹp rồi?
– Không nhiều lắm, chỉ với những người mà anh thật thích như là Diễm.
– Đơn giản thật. Anh nói chuyện hay lắm. Anh kể chuyện đời anh cho Diễm nghe đi?
– Chuyện đời anh nghe chán lắm, chỉ sợ em buồn ngủ.
Diễm đưa mắt liếc Huân:
– Xin anh chớ quên là từ chối lời yêu cầu của một người đàn bà trong hoàn cảnh này là bất lịch sự và ngu xuẩn đấy nhé.
Huân cười:
– Anh cũng định nói vậy. Thôi được, vậy em muốn bắt đầu từ lúc nào?
– Từ lúc anh còn bé.
– Xa quá, làm sao anh nhớ hết.
– Thế thì từ lúc anh đi học.
– Tuổi học trò anh chẳng có gì đáng nói. Từ lúc đi lính được không?
– Chuyện mấy ông lính nghe chán chết.
Tự nhiên, Huân xoay người đưa mắt nhìn Diễm. Ánh mắt người sĩ quan Lôi Hổ trẻ vừa lóe lên một tia nhìn đau khổ. Đau khổ nhưng tha thiết một cách lạ lùng. Diễm giật mình. Tia mắt đau khổ ấy trong mắt Huân dù rất nhỏ, dù rất tha thiết nhưng Diễm nhìn thấy được ngay. Nàng thấy xót xa và bối rối. Diễm cúi đầu, cấm lấy tay Huân:
– Anh Huân, Diễm xin lỗi anh.
Huân cười. Nhưng nụ cười hơi méo đi, đôi mắt vẫn còn đọng chút đau thương. Chàng búng điếu thuốc ra xa rồi đưa tay mình úp lên bàn tay của Diễm.
– Diễm vô duyên quá, Diễm quên anh là lính.
– Anh không trách. Nhưng Diễm có biết ai là người giữ cho thành phố làng mạc được yên bình không?
– Mấy ông lính.
– Ai là người bỏ gia đình, bỏ vợ con, bỏ tất cả ra sống ngoài rừng ngoài rú, kề cận với tử thần hằng ngày?
– Cũng mấy ông lính.
– Ai là người chịu thiệt thòi nhất trong cuộc chiến này?
– Cũng mấy ông lính… Mà thôi, anh đừng hỏi nữa, Diễm hiểu rồi.
Huân im lặng một lúc rồi nói thật dịu dàng:
– Bây giờ để anh kể chuyện đời lính của anh cho Diễm nghe…
– Thôi anh ạ, để lúc khác đi, Diễm hết muốn nghe rồi.
Huân lại móc gói thuốc. Diễm cầm lấy điếu thuốc trong tay Huân, gõ gõ vào cái hộp quẹt Zippo một cách rất sành điệu. Huân nhìn nàng ngạc nhiên, không hiểu nhờ đâu mà Diễm lại gõ thuốc tài tình đến như vậy.
Nàng ngồi sát vào Huân, đưa điếu thuốc cho chàng và khẽ nói: “Chiếc áo phong sương tình anh nặng…”
Huân cắm điếu thuốc vào môi mình, nghiêng người xuống. Diễm đưa cái hộp quẹt Zippo của Huân lên, dùng ngón tay mở nắp rồi bật lửa cho chàng, tay kia đưa ra che gió.
Huân rít một hơi thuốc dài, nhả khói ra, hỏi:
– Em học ở đâu mà nhồi thuốc hay quá vậy?
– Ngày xưa, bố em làm biếng, mỗi lần hút thuốc mà không tìm ra hộp quẹt hay bắt em xuống bếp mồi thuốc cho bố.
– Ngoan quá nhỉ. Em kể chuyện đời em cho anh nghe đi.
Diễm cười:
– Bắt đầu từ lúc nào?
– Lúc nào em thấy dễ nhớ nhất.
Diễm ngước mắt nhìn lên trời, rồi lại cúi xuống, rồi lại nhìn lên:
– Đời Diễm buồn lắm…
Huân nghe vậy thì thấy xót xa trong lòng. Không hiểu sao, chàng đã mơ hồ đoán ra chuyện này.
– Nhà em ở Nha Trang. Mấy cha con em đang sống an bình vui vẻ bỗng một ngày, năm Diễm học đệ tứ, bố em bỏ mẹ con em đi đâu mất biệt. Mẹ bảo bố đi theo vợ bé vào miền Tây sinh sống. Có một điều mẹ em không nói là ngày bố đi, bố nghe lời vợ bé, bao nhiêu vàng bạc trong nhà bố vét sạch đem theo…
Huân hít thuốc lá liên tục. Diễm nhìn ra xa xa, tiếp, giọng đều đều:
– Thế là em phải nghỉ học để phụ giúp mẹ. Bố đi rồi, mình mẹ lo không nổi mọi chuyện. Tội nghiệp mẹ lắm anh ạ. Em thương mẹ ở chỗ, dù bị bỏ rơi như thế, mẹ không hề mở miệng ra than thân trách phận, không hề chửi bố lấy một lời, dù sau lưng bố. Điều làm cho em đau khổ nhất là mẹ vẫn còn hy vọng một ngày nào đó bố sẽ về. Em biết bố sẽ không bao giờ về nhưng mẹ thì vẫn muốn tin như thế…
– Sao em biết?
– Đàn bà có một linh tính đặc biệt của trời cho anh ạ. Hơn nữa, em gần gũi bố nhiều, em biết tính bố. Bố đã quyết định chuyện gì rồi là không bao giờ thay đổi ý kiến… Em nghĩ mẹ em cũng phần nào biết được như thế nhưng mẹ không muốn tin như vậy…
– Bản chất của con người. Trong cơn đau khổ hay nguy khốn, người người ta luôn luôn muốn tìm một cái gì đó để hy vọng, để tin vào…
Diễm tiếp:
– Buôn tần bán tảo mấy năm, để dành được ít vốn, mẹ em và bà dì hùn nhau lên Ban Mê Thuột mở cửa tiệm hàng xén. Ở đây làm ăn dễ quá anh ạ, người mua thì nhiều mà người bán thì ít. Em ở đây ba năm rồi, và cảm thấy thích cái thành phố nhỏ này.
Huân nhìn xa xa phía trước. Bên kia công viên, cách con đường quốc lộ là một cái nhà thờ nhỏ nhưng rất dễ thương với cái tháp chuông cao vút.
– Ở đây ba năm, em nhận xét thấy thành phố này như thế nào?
– Hồi mới lên đây Diễm thấy hình như ai cũng… ở dơ hết vì đất đỏ kinh khủng. Đi ra ngoài đường một vòng là bụi đỏ bám đầy đầu tóc. Nhưng ở lâu rồi mới biết dân Ban Mê Thuột là dân sạch sẽ nhất nước vì ở đất đỏ mà hai ngày không tắm thì sẽ biến thành mọi ngay.
Huân cười, hỏi:
– Em có nhớ biển không?
– Cũng nhớ nhưng không nhớ biển bằng nhớ bạn bè anh ạ. Hồi đó Diễm cô đơn và buồn kinh khủng, chẳng quen biết ai cả. Bạn bè cũng khó kiếm nữa. Nếu anh lên đây trước chừng… 3 năm thì Diễm đỡ khổ rồi…
Cả hai người cùng cười. Rồi Diễm bảo:
– Thôi mình đi về anh, chiều rồi…
Chiều thứ bảy đó, Diễm nhận lời mời đi tham dự buổi dạ vũ Giáng Sinh trong căn cứ của Chiến đoàn. Hai người quấn quít bên nhau như đôi chim nhỏ…
Tháng sau, Huân mướn căn gác số 74 B đường Lý Thường Kiệt để làm chỗ hẹn hò. Mới đầu Diễm còn giấu mẹ nhưng sau thì mẹ nàng biết. Bà cũng chẳng cấm cản gì, chỉ bảo: “Con lớn rồi, con đủ trí khôn để quyết định lấy chuyện mình làm. Mẹ chỉ khuyên con nên cẩn thận.”
Ba tháng sau, Diễm khám phá ra một chuyện động trời: Huân đã có vợ…
Tối đó, Huân đang nằm ngủ trên giường thì Diễm lôi anh dậy. Huân chưa kịp mở mắt thì đã thấy hơi thép lạnh băng của họng súng Colt .45 chĩa vào thái dương mình. Trong lúc chập chờn, Huân tưởng mình đang đi nhảy toán và bị Việt Cộng bắt. Chàng đang suy nghĩ tìm cách thoát thân thì giọng Diễm rít lên:
– Ngồi dậy đi! Anh là thằng khốn nạn.
Huân chưa mở mắt nhưng nghe giọng nói đó thì biết chuyện gì đã xảy ra. Từ lúc quen nhau, Huân đã âm thầm chờ đợi một ngày như ngày hôm nay. Cái giọng đay nghiến đó không làm chàng ngạc nhiên lắm. Đàn bà khi ghen thường trở thành những con người lạ lùng. Huân chỉ ngán cây .45 của chàng đang nằm trong tay Diễm. Đạn Colt .45 của Lôi Hổ mà nổ gần vậy và nhè nổ ngay vào chỗ thái dương thì nhất định chết rồi mà người bị bắn vẫn chưa biết mình chết.
Huân hít một hơi thở cho đầy lồng ngực rồi mở mắt ra. Chàng nhìn thấy Diễm đầu tóc rồi bù, nước mắt ràn rụa, cây Colt .45 trong tay nàng run lên từng hồi theo tiếng nấc.
– Dậy đi, sao anh dám lừa tôi?
Mồ hôi toát ra đầy trán nhưng Huân vẫn nằm im không cử động gì cả. Chàng biết Diễm chỉ muốn dọa chàng nhưng súng đạn là một thứ… rất dễ bị cướp cò bất tử. Nhất là khi nó lại nằm trong tay một người đàn bà chưa hề biết sử dụng súng và tâm hồn lại đang bị giao động mạnh như lúc này.
Huân xoay đầu từ từ, giọng rất bình tĩnh:
– Em cho anh hút điếu thuốc được không?
Diễm gầm lên, đau đớn pha lẫn phẫn nộ:
– Không có thuốc thang gì cả. Anh trả lời tôi đi, tại sao anh lại lừa tôi?
Huân đâu có cần nghe câu trả lời của nàng, chàng chỉ hỏi vậy để có cớ tránh cái họng súng quái ác đang chĩa vào ngay thái dương mình và coi thử coi cái khóa an toàn cây súng có mở không. Huân tái mặt khi nhìn thấy cái khóa an toàn đã mở sẵn. Đúng ra là lỗi ở chàng. Huân không bao giờ khóa an toàn cây súng của mình. Trường tình báo dạy cho chàng biết cây súng khi hữu sự mà bị khóa an toàn thì chỉ là một miếng thép vô dụng.
Huân nuốt nước bọt, cất giọng nhẹ nhàng:
– Coi kìa, em muốn anh dậy thì để anh ngồi dậy, nhưng phải nhích ra một chút chứ…
Diễm đang phân vân chưa biết phải làm gì thì trong một tích tắc đó, Huân đã chòm dậy nhanh như cắt, đưa tay chụp lấy cây súng trong tay nàng chĩa lên trời. Một tay chàng ôm Diễm, tay kia chàng lẹ làng gỡ cây súng ra thảy xuống một góc giường.
Hú hồn
Diễm gục đầu vào vai Huân và bắt đầu khóc. Mới đầu chỉ tấm tức nhưng trở thành nức nở chỉ trong vài giây đồng hồ. Huân ôm lấy Diễm, để những giọt nước mắt thấm ướt chiếc áo thun nhà binh. Chàng dỗ dành:
-Anh xin lỗi em. Lỗi của anh, lỗi của anh hoàn toàn.
Diễm lại khóc to hơn, đay nghiến:
– Em khổ quá! Đời một người con gái, anh phải biết chỉ có được một lần làm con gái… Tại sao anh lại lừa em?
Huân nhắm mắt lại, thấy đau đớn tận cõi lòng. Chàng vuốt ve lưng nàng:
– Lỗi của anh hoàn toàn.
– Tại sao anh lừa em?
– Đừng bắt anh trả lời Diễm ạ, anh xin em…
– Anh phải trả lời.
Huân thở dài:
– Anh đâu có lừa em, anh chỉ… chỉ… dấu em.
Đột nhiên nàng xô Huân ra:
– Đàn ông các anh chỉ rặt toàn là một bọn người khốn nạn. Tất cả đều khốn nạn…
Cứ như thế, từ 10 giờ tối cho đến quá nửa đêm, Diễm lúc thì khóc, lúc thì im, lúc thì đay nghiến Huân bằng những lời lẽ nặng nề. Diễm chỉ ngừng lại khi có vài tiếng gõ vào bức vách báo hiệu sự khó chịu của người hàng xóm ở ngay phòng bên cạnh.
Huân lắc đầu, đứng lên bước ra ngoài ban công, nhìn vào bóng đêm trước mặt. Diễm lưỡng lự một chút rồi bước theo. Hai người ngồi im lặng bên nhau trong bóng tối nhìn xuống con đường tối mù phía dưới. Xa xa, mãi gần đầu đường mới thấy ánh sáng vàng vọt hiu hắt của ngọn đèn đường. Tiếng côn trùng rên rỉ, tiếng gió thổi lồng lộng, phủ ngập cái khoảng không gian tối tăm bé nhỏ và u buồn của hai người. Huân đốt thuốc lá liên miên.
Nhìn Huân hút thuốc, chưa bao giờ Diễm thấy ghét cái câu “Chiếc áo phong sương tình anh nặng” bằng lúc này. Láo khoét. Rẻ tiền. Cải lương. Kịch.
Cơn bão đã đi qua và để lại sự tàn phá thê lương trong lòng Diễm. Diễm thấy đau đớn và chua xót vô cùng. Nàng chợt nhận ra rằng, dù biết rằng Huân đã có vợ, Diễm vẫn không thể bỏ chàng được. Nàng đã yêu Huân mất rồi, đã cho Huân hết rồi. Diễm lại khóc lên rưng rức trong bóng tối khi nghĩ mình chẳng còn gì cả. Không ngờ đời mình lại có lúc như thế này. Muốn nói gì thì nói, mình chỉ là một thứ vợ hai, vợ bé của người ta thôi.
Huân kéo ghế ngồi sát bên Diễm, tiếp tục dỗ dành và vuốt ve. Diễm nín khóc, hỏi:
– Trở lại thực tế đi, bây giờ anh tính thế nào?
– Anh sẵn sàng ra đi để cho em được hạnh phúc.
Diễm lắc đầu và thở dài, không nói gì. Một lúc, nàng cầm lấy tay Huân hỏi:
– Sao anh đã có vợ rồi mà còn cả gan đi tán tỉnh em?
Huân đau đớn:
– Anh chẳng biết nữa. Tại anh xa nhà, anh yếu đuối, anh vô liêm sỉ.
– Anh làm vậy lỡ ở nhà chị biết thì sao? Anh không sợ chị ấy buồn à?
– Không!
Diễm hất tay Huân ra:
– Diễm không tin đâu. Anh đừng nói những câu bạc tình nghĩa như thế.
Huân nghiến răng lại:
– Em khỏi cần phải tin nhưng anh nói thật. Anh không yêu vợ anh…
Diễm không nói gì. Huân lại thở dài, nhìn xuống đường, nơi xa xa có vùng ánh sáng mờ mờ của ngọn đèn nhỏ. Tiếng gió đêm miền cao nguyên thổi rì rào. Cây cối quanh căn gác nhỏ quặn mình trong bóng tối, kêu xào xạc.
– Mà thôi, anh có nói gì em cũng chẳng tin, anh nghĩ, hay nhất, vì tương lai của em, hai đứa mình nên chia tay nhau. Em còn trẻ, còn tương lai, thiếu gì người sẽ theo đuổi em…
Diễm vẫn không nói gì.
– Đời anh coi như xong rồi. Anh sẽ về để tập yêu thương lại vợ anh. Còn em, tương lai em còn sáng sủa lắm, đừng vì một lỗi lầm nhỏ của mình mà bỏ phí cuộc đời đi. Mình chia tay nhau nhé?
Huân im lặng chờ đợi nhưng chỉ có tiếng khóc thút thít trả lời cho chàng. Huân lại vỗ về, giọng nói và thái độ như người anh an ủi đứa em:
– Anh biết em yêu anh, nhưng em sẽ quên anh được. Em phải nghĩ đến tương lai của mình. Em phải tập quên anh và anh cũng phải tập để quên em.
– Anh nói thật hay anh chỉ làm bộ?
– Anh đau lòng lắm nhưng anh chưa bao giờ thật bằng lúc này.
Diễm lại bật khóc. Rồi, thật bất ngờ, nàng đưa hai tay ôm kín Huân vào lòng mình, xiết thật chặt, nghẹn ngào:
– Trễ quá rồi anh Huân ạ, Diễm không thể nào bỏ anh được nữa rồi.
– Diễm…
– Nói đi anh, nói đi.
– Nói gì?
– Chiếc Áo Phong Sương Tình Anh Nặng…
– Nhưng… nhưng… tụi mình…
– Quên chuyện đó đi anh. Anh nói với Diễm đi anh, nói đi, nói “Chiếc Áo Phong Sương Tình Anh Nặng”. Diễm năn nỉ anh. Nói để cho thần linh chứng giám chuyện tình của hai đứa mình, nói đi để cho chuyện tình của hai đứa mình sẽ không bị tan vỡ… Nói đi anh, nói mau đi… coi chừng thần linh sẽ giận.
Huân nói liền, giọng thẫn thờ như người chưa thoát ra khỏi sự dày vò của suy tư: “Chiếc Áo Phong Sương Tình Anh Nặng…”
Thế là, truyện tình với người đàn ông… có vợ của Diễm lại tiếp diễn. Buồn phiền cũng lắm mà say đắm cũng nhiều. Diễm không rời xa Huân được và ngược lại, Huân cũng không thể nào làm khác hơn. Cả hai sống như vậy và không ai dám nghĩ đến tương lai. Vợ Huân lạnh lùng, cả năm trời mới gởi được cái thư chữ viết rời rạc, vô nghĩa lý. Huân nhìn lá thư, nhớ đến con, nghĩ đến người vợ và lắc đầu.
Khoảng hai tháng trước lễ Giáng Sinh, Diễm thấy cơ thể khó chịu, ăn uống không được, ói mửa bất thường. Một chiều, Huân về nhà sau 15 ngày hành quân nơi vùng tam biên, chưa kịp cởi áo ra thì Diễm đã cho nổ một trái bom nguyên tử với sức mạnh cỡ 200 megaton ngay trước mặt chàng, trong căn gác số 74 B đường Lý Thường Kiệt. Diễm bảo: “Em có thai.”
Bom nguyên tử nổ thật là khủng khiếp. Huân thấy trời đất quay cuồng, vũ trụ đảo lộn. Chàng bị quật ngã xuống đất rồi lòm còm bò lên giường nằm bất động, không nói được một tiếng.
Không phải chỉ có Huân mới bị ảnh hưởng của bom nguyên tử, Diễm cũng bị lây. Nàng chết trong lòng khi thấy Huân không lộ một chút vui mừng nào. Dù sao, đó cũng là giọt máu của chàng. Diễm bỏ mặc Huân nằm trên giường rồi lẳng lặng mở cửa bước ra khỏi nhà.
Nàng khóa cửa, nước mắt trào ra, cổ họng nghẹn cứng. Diễm đứng không muốn vững. Nàng phải vịn vào thành cửa một lúc thật lâu mới lấy lại được sự thăng bằng. Diễm lắc lắc chùm chìa khóa nhỏ trong tay rồi mím môi ném nó tuốt ra phía sau vườn, thật xa, nơi có mấy khóm chuối hoang, mấy cây tầm duột chẳng bao giờ có trái và cỏ dại cao lên tới đầu.
Diễm nghẹn ngào nói nhỏ: “Vĩnh biệt anh Huân. Vĩnh biệt.”
Rồi nàng bước từng bước một xuống cầu thang, tự nhủ với lòng mình rằng mình sẽ chẳng bao giờ trở lại nơi này nữa. Nàng cũng tự nhủ sẽ chẳng bao giờ còn gặp Huân nữa. Không bao giờ.
Gần chiều Huân giật mình tỉnh giấc và khám phá ra Diễm đã đi đâu mất rồi. Chàng ra ngoài ban công ngồi chờ. Chiều, Diễm cũng không về. Tối, 8 giờ nàng cũng không về. Huân thay quần áo, ra cái quán cóc đầu phố ngồi kêu bia uống để chờ. Uống đến chai bia thứ tám, đồng hồ trên tường gõ mười tiếng dài não ruột. Huân biết Diễm sẽ không đến vì đã tới giờ giới nghiêm.
Chàng lắc đầu, thở dài một tiếng…
Bà chủ quán đi ra đi vào, không dám than phiền nhưng dáng điệu rất khổ sở. Bia uống hết ngon, Huân liền kêu tính tiền rồi lạng quạng bước ra. Thành phố Ban Mê Thuột giờ giới nghiêm vắng ngắt như một bãi tha ma. Gió đêm thổi lên từng cơn rùng rợn. Huân lủi thủi bước về lại căn gác, lên lầu lấy cây Colt .45 nhét vào bụng rồi xuống đường mở máy chiếc xe díp. Chàng lái xe xuống nhà Diễm.
Chiếc xe díp của Chiến Đoàn III Lôi Hổ phóng băng băng giữa thành phố vắng người…
Đèn trong nhà Diễm tự nhiên tắt ngấm khi Huân vừa thắng chiếc xe. Huân lắc đầu ngao ngán. Chàng biết có vào gõ cửa cũng bằng thừa nhưng quyết định vào.
Huân gõ đến lần thứ tư thì cánh cửa bật mở. Má Diễm ló đầu ra bảo: “Cháu về đi. Diễm nó mệt.”
Huân chưa kịp nói thì cánh cửa đã đóng sầm một cái. Chàng đứng yên trong bóng tối một lúc rồi ngồi ngay xuống thềm nhà Diễm, dựa lưng vào vách đốt thuốc. Đàn muỗi đói xông tới tới công. Huân nới ống tay áo và kéo cao cổ áo lên. Muỗi vẫn tấn công tới tấp. Chàng bỏ mặt. Cứ coi như trực thăng đến trễ một ngày. Cứ coi như tối nay mình còn nằm trong rừng.
Một lúc nào đó, Huân cảm thấy mệt nhoài. Sự mệt mỏi của gần tuần lễ trong rừng thẳm, sự tàn phá của trái bom nguyên tử và men rượu của tám chai bia lớn đẩy chàng nằm xuống. Huân ngủ thiếp đi trước thềm nhà Diễm, một tay thọc sâu vào bụng nắm chặt lấy cán cây súng Colt .45. Tay kia để ngược ra sau trong tư thế chuẩn bị. Đàn muỗi đói vẫn bay vo ve nhưng đối với Huân bây giờ chúng chẳng còn có nghĩa lý gì nữa. Lính Lôi Hổ muốn ngủ là ngủ được, dù ở bất cứ chỗ nào.
Huân ngủ rất ngon, không một tiếng gáy, không một lần trở mình như chàng vẫn thường ngủ ở trong rừng mỗi khi đi nhảy toán.
Bỗng, trong một khoảng thời gian nào đó trong đêm, tai người sĩ quan Biệt Kích nghe được tiếng động lạ. Huân tỉnh giấc liền và nhận ra ngay đó là tiếng mở cửa. Ngón tay đang bám cứng vào cò súng của chàng liền nới lỏng ra. Nhưng Huân vẫn nằm im, chờ đợi. Rồi tiếng dép khua lẹp kẹp. Huân nhận ra bước chân của Diễm. Chàng vẫn nằm im, miệng lại nở lên một nụ cười.
Diễm xách cây đèn dầu đến bên Huân, cúi nhìn người lính mặc đồ rằn ri đang nằm ngủ trên thềm nhà. Rồi nàng để cây đèn dầu xuống bên cạnh, ngồi xuống bên cạnh Huân, nâng đầu chàng lên để lên đùi mình…
Trong một khoảnh khắc, nàng quên hết. Quên những gì vừa xảy ra chiều nay, quên giọt máu của Huân trong bụng mình, quên cái tương lai đầy bất trắc trước mặt để chỉ biết một điều: Nàng đã yêu đắm đuối cái con người đang nằm trong vòng tay nàng đây và không thể nào bỏ chàng được…
Rồi chuyện đâu cũng vào đấy. Diễm lại trở về với Huân. Trở về với cái bào thai đang từ từ lớn dần trong bụng mình và chờ đợi. Cuộc sống hai người không còn như xưa nữa. Diễm vui buồn bất chợt. Có lúc vừa cười xong thì lại khóc ngay sau đó. Vừa mới âu yếm nhau thì lại gây gổ liền. Mỗi lần Diễm phản ứng như vậy Huân thấy đau đớn tận đáy lòng.
Chiều nay cũng vậy, Huân nhói trong người không phải vì cái tát mà vì sự thay đổi tính tình bất thường của Diễm. Đàn bà có thai mà bị xúc động nhiều quá không tốt. Chàng nghĩ đến đứa con trong bụng mình và cảm thấy lo sợ…
Rồi hai người lại làm lành với nhau. Diễm đã thôi khóc, thôi đay nghiến. Huân đang ngồi vuốt ve an ủi Diễm thì có tiếng xe díp thắng trước nhà. Huân nhóm người lên nhìn xuống và nhận ra đó là xe của Chiến Đoàn. Người trung sĩ tài xế trên xe phóng xuống như bay, chạy lên gác.
Huân lắc đầu toan đứng lên nhưng Diễm đã ghì chặt lấy chàng, úp mặt vào ngực chàng, nói nhỏ:
– Anh cứ ngồi đây với em, chừng nào ông ấy lên thì đứng dậy cũng chưa muộn…
° ° °
Đám sĩ quan Lôi Hổ quay quần bên tấm bản đồ để trên bàn. Đại tá Phùng chấm dứt phần nói chuyện:
– Còn ai có ý kiến hay thắc mắc gì nữa không?
Không ai nói gì. Thực ra, người đáng lý ra phải có ý kiến nhiều nhất là Huân vì tất cả các sĩ quan có mặt đều được giao một công tác ngoại trừ chàng. Nhưng Huân không thèm mở miệng. Chàng biết, đã được gọi vào đây để tham dự phiên họp này thì trước sau gì tên mình cũng được nhắc đến, khỏi cần “mua việc” hay thắc mắc làm chi cho mất công.
Đại tá Phùng đứng lên:
– Vậy cứ theo kế hoạch mà làm. Ý của ông tướng Phú rất đơn giản. Ổng muốn xác nhận sự có mặt của sư đoàn 10 và sư đoàn 316 trong các khu vực đó. Anh em chỉ cần tóm một vài thằng đem về đây là xong công tác. Bây giờ anh em có thể giải tán được…
Mọi người dơ tay lên chào, Huân cũng bình thản tính dơ tay lên chào để đi ra nhưng đại tá Phùng lại nói:
– Khoan, Đại úy Huân ở lại chờ tôi một chút.
Đã chuẩn bị từ trước, Huân thản nhiên bỏ tay xuống chờ đợi. Còn hai người trong phòng, Đại tá Phùng chỉ cái ghế gần mình. Huân ngồi xuống. Ông chiến đoàn trưởng nhìn Huân, giọng thân mật:
– Gia đình anh lúc này thế nào?
Huân hơi ngạc nhiên vì câu hỏi:
– Cám ơn đại tá, vẫn thường thôi.
– Vợ anh thế nào?
Huân bối rối:
– Cám ơn đại tá, cũng thường, nhưng lâu quá chưa liên lạc được.
– Sao lâu lắm rồi không thấy anh đi phép về Sài gòn?
– Tôi có nhiều việc làm ở Ban Mê Thuột quá…
Huân không muốn nói nhiều hơn. Hai người im lặng. Đại tá Phùng tính nói một câu gì đó nhưng lại thôi. Cả hai đều đột nhiên cảm thấy là bầu không khí trong phòng đang trở nên ngột ngạt.
Ông đại tá liền đổi đề tài:
– Anh biết tại sao tôi mời anh ở lại đây không?
– Tôi có linh cảm một chuyện đặc biệt nhưng không biết đặc biệt… cỡ nào.
– Anh có một nhiệm vụ quan trọng hơn. Xác nhận sự có mặt của chúng nó chỉ là chuyện phụ… Tôi và ông Trung tá Khiếu phòng II biết rất rõ và có bằng chứng là chúng nó đã tập trung 4 sư đoàn ở mặt trận cao nguyên này…
– Nếu biết vậy thì mình còn cho người đi bắt lính chúng nó về đây làm gì?
Ông Phùng lắc đầu:
– Để trình diện Quân đoàn, để làm đẹp lòng tướng Phú, khổ là như vậy. Ông tướng này có vẻ không mấy tin tưởng vào các tin tức tình báo của bọn mình đưa lên. Ổng muốn chứng minh, ổng muốn mình phải bắt được vài thằng lính của chúng nó làm bằng chứng. Nhưng chuyện này chẳng có gì khó, nghề của bọn mình mà. Xưa này mình đã làm bao nhiêu vố rồi, làm thêm một vố đâu có sao. Nhưng mà…
Huân chờ đợi. Chàng biết những gì chàng sắp nghe quan trọng vô cùng.
– Anh Huân, cái chuyện chính, chuyện tôi muốn nói với anh là cái chiến trường cao nguyên, đúng hơn, cái mặt trận B3 theo lời gọi của chúng nó sẽ bùng nổ rất lớn sau tết. Chúng nó sẽ đánh. Đánh cú chót cạn láng. Chúng nó sẽ ta pi mình một lần nữa như cái kiểu mùa hè năm 72…
Đại tá Phùng ngừng nói. Ông nhìn xuống tấm bản đồ để trên bàn, lắc lắc cái đầu:
– Chấp tụi nó. Biết nó đánh thì mình chuẩn bị, nó đánh lớn thì mình chuẩn bị lớn, đánh nhỏ thì chuẩn bị nhỏ, chuyện này cũng chẳng có gì đáng nói. Cái đáng nói nhất, chuyện quan trọng nhất đang làm ông tướng Phú và toàn ban tham mưu mất ăn mất ngủ là không biết chúng nó sẽ đánh chỗ nào. Ban mê thuột hay Pleiku?
– Ban Mê Thuột hay Pleiku?
Huân lập lại như người chưa tỉnh cơn mộng và thấy đau nhói trong tim mình. Ban Mê Thuột, thành phố nhỏ bé hiền hòa này không phải là thành phố của chiến tranh. Người dân Ban Mê Thuột chưa sẵn sàng để hứng đạn đại pháo. Dân quân Ban Mê Thuột chưa được trang bị đầy đủ để chống tăng. Quan trọng nhất, Diễm và đứa con trong bụng nàng chưa chuẩn bị đầy đủ cho một cuộc chạy loạn.
– Như tôi đã nói, ông tướng muốn bắt sống vài thằng tù binh, mình sẽ bắt đem về cho ông tướng đẹp lòng, nhưng đồng thời, lợi dụng việc đó, tôi cũng vừa nghĩ ra một cách để giải quyết mối lo trong gan ruột ông tướng…
Ông ngừng nói, nhìn Huân như muốn ước lượng xem thử người sĩ quan thuộc quyền có thể đoán được những gì mình muốn nói. Đại tá Phùng kéo ghế ngồi gần sát Huân:
– Sở dĩ tôi giữ anh lại đây là vì tôi muốn dùng anh vào việc này. Trong chiến đoàn của mình, nếu không có anh thì không ai có thể làm được việc này. Anh muốn giúp tôi không?
Huân gật đầu liền. Đại tá Phùng khoái cái lối gật đầu kiểu này. Nó không điếu đóm, không kịch, và chắc chắn như một lưỡi dao chém sâu xuống mặt bàn.
– Mình có bắt được một trăm thằng lính bộ đội ông Hồ cũng không biết được mấy thằng chóp bu của chúng nó đang âm mưu cái gì. Chắc anh cũng biết, Cộng sản làm gì cũng có chuẩn bị, có kế hoạch, có học tập, có nghị quyết v.v… Nếu chúng nó muốn đánh Ban Mê Thuột hay Pleiku, chắc chắn mấy thằng Sư trưởng của chúng nó không thể nổi hứng rồi quyết định đánh khơi khơi được. Lệnh phải xuống từ Bắc Bộ Phủ cho mấy mấy thằng này thi hành. Rồi tiếp theo, các Trung đoàn trưởng phải biết, đúng không?
Huân phần nào hiểu được công tác mình sắp được giao phó.
– Đúng.
– Rồi chúng nó phải học tập, phải thiết lập sa bàn, phải tập trận v.v… Vậy thì, nếu mình gài được con mắt mình ở trong “hậu phương” của chúng nó trong một thời gian dài, mình sẽ biết được ý đồ của chúng nó, đúng không?
– Đúng, tôi đồng ý với đại tá.
– Tốt. Anh nói vậy thì anh… biết công tác của anh rồi. Tôi muốn anh “Đặc Biệt” nhảy xuống mật khu Bù Gia Mập, nơi dưỡng quân của sư đoàn 316 rồi nằm trong đó chừng hai tuần lễ để quan sát và theo dõi. Anh sẽ theo dõi và điều tra thật kỹ cho đến khi nào anh nắm được trong tay một vài bằng chứng gì về ý đồ của chúng nó. Ví dụ một vài tài liệu về vấn đề di chuyển, hay những công điện truyền tin hoặc cái sa bàn tập trận hoặc là bất cứ một cái gì có thể nói cho mình biết về âm mưu của chúng. Công tác của anh tới đó là hết… Cũng có thể, nếu cần thiết, nếu không tìm được bằng chứng gì, anh phải tìm cách tóm cổ một thằng Trung Đoàn Trưởng hay tiểu đoàn trưởng đem về đây để khai thác.
Ngừng một chút cho Huân thấm ý , ông tiếp:
– Anh nên nhớ, việc tóm cổ một thằng trung đoàn trưởng hay tiểu đoàn trưởng chưa chắc phải là chuyện quan trọng. Bắt được chúng nó đem về đây mà không khai thác được thì cũng thành công cốc. Cái quan trọng là làm sao tìm biết được chúng nó sẽ đánh ở đâu, Ban Mê Thuột hay Pleiku. Anh phải biết cái tầm quan trọng của công tác này. Quan trọng vô cùng. Nếu mình biết được chúng nó đánh đâu, mình có thể dàn quân sẵn để chờ. Nếu chúng nó bị thảm bại thêm một cú nữa vào mùa xuân năm nay, chúng nó sẽ hết xíu quách. Cũng như mùa hè năm 72, chúng nó phải mất cỡ 3 năm nữa mới âm mưu chuyện khác được. 3 năm, biết đâu chính quyền mình sẽ đổi khác, biết đâu lòng người sẽ đổi khác, biết đâu cục diện thế giới sẽ thay đổi, biết đâu dân tộc mình rồi sẽ được ít nhất cũng sống được như nước Đại Hàn. Nhưng, ngược lại, mùa Xuân năm nay, nếu mình mắc mưu chúng để bố trí quân tầm bậy thì hậu quả sẽ không thể nào lường được…
Ông đại tá ngừng nói ở đó, nhíu mày tư lự. Huân nói đỡ lời:
– Nếu mình biết nó đánh đâu, mình có đỡ nổi cú này không?
Cặp mắt đại tá Phùng rạng lên một ánh lửa:
– Chẳng những đỡ mà mình còn dập chúng nó tan nát ra. 4 sư đoàn vào đây thì mình sẽ nướng hết cả 4.
Huân thấy vui lây cái niềm vui của ông. Ông tiếp:
– Vậy thì, anh Huân, sau khi nghe giải thích, anh có thể giúp tôi được không?
– Xin Đại tá cho biết kế hoạch của chuyến công tác.
Đại tá Phùng chỉ và mấy điểm trên tấm bản đồ:
– Như sau đây, và tôi có bàn với ông trung tá Khiếu phòng II rồi… Chiều hôm nay, theo lệnh của ông tướng, tôi sẽ thả xuống mấy toán xuống khu Bù Gia Mập. Tôi sẽ cho chúng nó quậy nát một cách thật ồn ào rồi chụp vài thằng tù binh đem về…
Đại tá Phùng mồi điếu thuốc rồi tự nhiên đổi đề tài, nhìn Huân hỏi:
– Lôi Hổ xưa nay chuyên môn nhảy Trực Thăng, nhưng anh có bao giờ nghe Lôi Hổ nhảy… xe Lam chưa?
Huân cười:
– Trình đại tá là nhảy xe Lam thì lính tôi nhảy hoài, lúc nào về phép hết tiền mà chúng nó chẳng nhảy…
Đại tá Phùng không để ý đến câu pha trò, ông đưa ngón tay chỉ xuống quận lỵ Đức Lập, một quận lỵ nằm giữa Ban Mê Thuột và Quảng Đức, phía Đông Bắc của mật khu Bù Gia Mập khoảng vài chục cây số:
– Trong khi mấy toán ban nãy lục soát ở Bù Gia Mập, anh lẳng lặng dẫn toán của anh nhảy… xe Lam xuống chỗ này cho tôi.
Huân nhìn vị chỉ huy:
– Nhảy xe Lam? Lúc nãy tôi tưởng đại tá nói đùa.
– Không đùa! Anh cho cả toán mặc đồ dân sự đón xe lam lên Đức Lập rồi tập trung tại đây cho tôi. Ở đây một một cái rẩy nhỏ có thể chứa các anh được, chi tiết sẽ cho anh biết sau.
Huân sửa lại thế ngồi, chăm chú theo dõi.
– Mình phải nhảy xe Lam bởi vì cái tầm quan trọng vô cùng của công tác. Việt cộng xưa nay biết biệt kích nhảy trực thăng, nhảy C-130 nhưng nó chẳng bao giờ ngờ là mình còn biết nhảy… xe Lam nữa. Vì chẳng ngờ cho nên chúng nó mới không đề cao cảnh giác, không chuẩn bị, không đề phòng. Các anh cứ nằm im trong cái rẩy này trong lúc các toán kia lục soát ở gần mé ngoài mật khu. Lúc rút các toán này về, tôi sẽ đình chỉ tất cả mọi hoạt động thám thính, kể cả của Không Quân. Sau khi không nghe thấy trực thăng của mình trong vòng 5 ngày, chúng nó sẽ yên chí lớn. Đó là lúc mà cái tài quyền biến của anh mới được đem ra áp dụng.
Câu “Cái tài quyền biến” mà ông chỉ huy trưởng dùng làm Huân thích thú mỉm cười. Ông tư lệnh này cũng biết khích tướng đấy chứ.
– Tại đây, Khi thời tiết tình thế cho phép, anh sẽ nhận được đồ tiếp tế và trang bị rồi xâm nhập bằng đường bộ vào vùng làm việc. Tại đây, anh cứ nằm yên một chỗ để quan sát tất cả những sinh hoạt của chúng nó. Theo sự suy nghĩ của tôi, nếu chúng nó sắp đánh lớn thì thế nào chúng cũng cho tập trận. Anh cứ nằm yên đó quan sát cho đến khi nào nắm vững được vấn đề. Tôi nghĩ, nếu chúng muốn đánh Ban Mê Thuột thì chúng sẽ thiết lập sa bàn. Nếu thấy sa bàn của chúng nó, chụp thật nhiều hình đem về đây cho tôi. Có được những tấm hình đó trong tay, mình có thể giải quyết mối lo trong ruột gan tướng Phú được. Mà anh có chuẩn bị được một chuyến đi dài không?
Huân đốt điếu thuốc lá đầu tiên kể từ khi bước vào phòng họp:
– Khoảng 3 tuần lễ?
– Ừ.
Đối với Lôi Hổ, 3 tuần lễ là quá dài so với những lần nhảy trung bình từ 3 hay 4 ngày nhưng Huân biết thời gian công tác không phải là một vấn đề có thể mặc cả trong trường hợp này. Chỉ có đồng ý đi hay không thôi. Chàng nhún vai:
– Cũng phải chịu vậy.
– Một điểm nữa là mình sẽ áp dụng “Im Lặng Vô Tuyến” tối đa để bảo mật. Mỗi ngày một lần, L-19 sẽ bao vùng cách chỗ anh khoảng… 100 cây số. Từ 8 giờ đến 9 giờ, anh chỉ cần mở máy theo phương thức số 3 của mình. L-19 cũng chẳng biết anh ở đâu nhưng sẽ thông báo tín hiệu về chiến đoàn để chúng tôi theo dõi.
Huân gật gù cái đầu. Phương thức số 3 của Lôi Hổ là một trong những phương thức tối mật. Đúng vào giờ hẹn trước, thường thì trong khoảng thời gian một tiếng đồng hồ, người ở dưới chỉ mở máy lên đúng tần số, bấm hai cái vào ống liên hợp. Sau đó chờ đúng năm phút lại bấm thêm mấy cái nữa, tùy theo công điện mình muốn chuyển. Sau đó, lại bấm thêm nữa. Người nhận được vô tuyến sẽ giở cái “khóa” âm thoại truyền tin ra để dịch tin theo những cái bấm. Những tin này phát đi rất giới hạn, thường thì chỉ cho biết là tình trạng an toàn hay có những chuyện gì quan trọng xảy ra không. Nếu có chuyện gì quan trọng, người gởi điện sẽ sắp xếp một cuộc nói chuyện trong thời gian kế.
– Tôi dự đoán là công tác rất nguy hiểm nhưng cũng có thể không. Cực chẳng đã, nếu không tìm thấy gì thì mới bắt cóc người của chúng nó. Tôi muốn cứ để cho chúng nó tưởng rằng mình không biết gì thì tốt hơn bởi vì nếu chúng có nghi ngờ thì chúng sẽ chuẩn bị kỹ càng hơn.
– Nếu tôi hoàn thành công tác hoặc nếu nhận được hàng tốt (bắt được tù binh như ý muốn) thì kế hoạch du lu (dọt) sẽ như thế nào?
– Nếu anh lấy được tài liệu và bằng chứng về cuộc tấn công của chúng hay nếu tóm được giá chót là Tiểu đoàn trưởng của chúng nó thì mình break, gọi L-19 thẳng kêu chuồn chuồn lên bốc anh về. Mười ngày sau kể từ ngày hôm nay, chúng tôi sẽ có sẵn một hợp đoàn và một L-19 để chuẩn bị cho việc này.
– Còn hàng xấu?
Đại tá Phùng lắc đầu:
– Không có vấn đề hàng xấu ở đây đại úy Huân ạ. Nếu anh muốn đi, anh phải tìm được bằng chứng hay đem được hàng tốt về, còn không thì anh có quyền ở nhà. Chuồn chuồn sẽ không lên để chở hàng xấu đâu. Anh biết được vấn đề sinh tử của công tác này mà.
– Đại tá nói vậy có nghĩa là tôi có quyền chọn lựa để… không đi?
– Đúng. Như những công tác thông thường thì anh không có quyền nhưng chuyến này rất đặc biệt, rất nguy hiểm và đòi hỏi một thời gian khá lâu nên tôi chỉ muốn chọn những người tình nguyện… Tình nguyện và có khả năng, dĩ nhiên.
Huân dụi điếu thuốc, đầu óc chìm trong sự suy tư. Ở “hậu phương” thì đào có thai, chưa biết phải giải quyết như thế nào. Công tác sắp phải thi hành thì rặt toàn là những thứ tin mà mình không muốn nghe: Kéo dài 3 tuần lễ, xâm nhập bằng… xe Lam rồi bằng đường bộ, phải lấy được hàng tốt, không tốt thì không về v.v…
Đại tá Phùng nhìn thấy Huân như vậy bèn đứng lên đi đi lại lại trong phòng như muốn tôn trọng sự suy nghĩ của chàng. Huân đốt một điếu thuốc khác. Tuy đang vận hết sức để suy nghĩ nhưng chàng có suy tư gì nổi đâu? Cứ nghĩ đến Diễm là mấy sợi thần kinh như cứng đơ lại, hết co giãn nổi.
Đại tá Phùng đã đứng bên Huân, vỗ vai chàng:
– Anh Huân, anh có muốn tình nguyện đi chuyến này không?
Ngừng một chút, ông tiếp, dù giọng nói rất là… khó khăn:
– Tôi lập lại là anh có quyền từ chối. Nhưng anh nên nhớ, ngoài anh ra, tôi không còn thấy ai ở trong chiến đoàn mình có thể làm được việc này.
Huân vẫn trầm ngâm không nói gì. Trước một cái quyết định quan trọng như vậy thì người ta phải suy nghĩ và đắn đo. Người mà. Mà đã là người thì ai chẳng sợ chết?
Đại tá Phùng nhìn đồng hồ rồi nói:
– Tôi phải đi. Những gì cần nói tôi đã nói hết. Buổi họp đến đây coi như chấm dứt. Tôi cho anh suy nghĩ tới sáng mai để quyết định. Nếu anh không muốn đi cũng không sao cả, tôi sẽ tìm một phương cách khác. Còn bây giờ, chúc anh… về nhà vui vẻ.
Ông đại tá chìa tay ra. Huân đứng lên dơ tay chào rồi bắt tay ông ta. Ông lại nói:
– Nếu anh quyết định nhận công tác, tôi cần có cái danh sách 5 người đi chung với anh để trên bàn giấy tôi trễ nhất là 800 giờ sáng mai. Tôi sẽ đích thân đi gặp từng người để nói chuyện. À, còn chuyện này nữa, tôi có bảo phòng lương bổng ứng trước cho anh hai tháng lương, lát nữa nhớ ghé lấy về, cũng sắp đến Noel rồi… Thôi, vui vẻ nhé…
Huân đứng nghiêm chào vị Đại tá. Nhưng ra tới cửa phòng, ông dừng lại, suy nghĩ giây lát rồi cúi đầu bước trở lại, đến gần Huân vỗ vai nói:
– Anh Huân này, những gì tôi sắp nói không phải là của một Đại tá mà của một người anh em, một người lính nói với một người lính…
Huân không biết ông muốn nói gì. Đây là lần thứ hai ông vỗ vai Huân, một việc mà ông ít khi làm.
– Đất nước mình chiến tranh đã gần hai mươi năm rồi. Riêng tôi, đời tôi cũng gần 20 năm quân ngũ. Tôi biết, đứng trên cương vị và với danh dự của một người sĩ quan, mình luôn luôn cảm thấy khó khăn khi phải từ chối một trách nhiệm được giao phó. Nhưng, là một con người, mình có quyền thắc mắc. Cái thắc mắc đơn giản và thường nhất vẫn là: Tại sao lại tôi? Tại sao tôi phải hy sinh? Hy sinh cho ai và để làm gì? Hoặc giả, tôi hy sinh mà không biết có ai hy sinh chung với tôi không?
Ông ngước mặt nhìn lên cái lá cờ vàng ba sọc đỏ vĩ đại treo ở giữa phòng, nói tiếp:
– Ai cũng biết chiến tranh là tàn khốc nhưng ai cũng quên một điều quan trọng khác của chiến tranh là sự bất công. Bất công vô cùng. Đừng kiếm đâu xa, anh cứ ra trước cổng trại thì nhìn thấy ngay liền. Tại sao có những thằng sống phè phỡn ăn chơi và làm giàu nhờ cuộc chiến và lại có những thằng sống cực khổ như anh và tôi? Tại sao lúc nãy tôi ngồi đây để thuyết phục anh mà không chịu thuyết phục bao nhiêu người khác hy sinh?
Ông đại tá nhìn Huân, giọng rất thành thực:
– Ý tôi muốn nói, là một người chiến hữu, tôi khuyên anh đừng ngại ngùng nếu cần phải từ chối nhiệm vụ. Người ta luôn luôn có những lý do chính đáng để từ chối như vì chuyện gia đình, chuyện vợ con v.v… Mong anh đừng quên những điều ấy.
Rồi ông cúi đầu bước ra. Bước thật mau như sợ người ta nhìn thấy mình vừa nói chuyện với Huân vậy…
Xế trưa một chút ngày hôm đó, Diễm đang bán hàng ở tiệm thì giật mình khi nhìn thấy chiếc xe díp của Huân đỗ xịch lại trước cửa. Nàng đã tính ít nhất thì phải ba bốn ngày Huân mới về được. Huân bước vào, đi rất mau, mặt mày nửa rạng rỡ nửa lo buồn.
– Sao anh về sớm vậy? Không đi công tác hả?
– Anh được rảnh chiều nay. Em giao cửa hàng lại cho mẹ, đi với anh có được không?
– Em tưởng anh phải mấy ngày mới về chứ.
– Chuyện dài lắm, lát anh nói. Anh mới lãnh lương, mình đi bát phố, đi uống cà phê nghe nhạc, đi sắm đồ, đi coi xi nê rồi anh kể cho nghe…
Diễm thấy lòng mình rộn lên một niềm vui khó tả. Niềm vui của cô học trò nhìn người tình đến chở đi chơi vào một buổi chiều thứ bảy.
Xong ngay. 15 phút sau, hai người đã ngồi trong quán cà phê Tường Vân. Thành phố Ban Mê Thuột vào tháng 12 thì trời đã lạnh từ lâu. Diễm đẹp sắc sảo trong chiếc áo len tím. Đôi má nàng hồng lên tự nhiên. Hai người cười nói huyên thuyên.
Từ ngày quen Huân, Diễm nhớ, đã lâu lắm rồi mình chưa có một buổi chiều thơ mộng ấm cúng như chiều hôm nay. Với Huân thì cà phê Ban Mê Thuột pha đậm, uống chung với… khói thuốc lá Capstan, bên cạnh người tình bé bỏng thì chẳng còn gì thú bằng.
Rồi Huân chở Diễm đi chợ sắm một ít quần áo cho đứa đứa bé. Đi chợ ra đói bụng, hai người ghé vào tiệm tàu ăn mì, rồi chui vào rạp chiếu bóng LoDo xem phim “Tình chàng mãi mãi” của David Lean. Buổi tối, khi Huân dìu Diễm bước trở lên căn gác nhỏ thân thuộc thì chàng đã có quyết định: Ngày mai, chàng sẽ đi.
Huân chờ cho đến lúc hai người lên giường ngủ, chàng mới nói, cố làm cho giọng mình thật tự nhiên:
– Diễm ạ, ngày mai anh đi sớm.
Diễm đã buồn ngủ, mắt ríu lại, rúc đầu vào ngực Huân, hỏi rời rạc:
– Đi.. công… tác?
– Ừ.
– Chừng… nào… về…
Huân không trả lời liền. Biết Diễm sắp chìm vào sắp ngủ, chàng không muốn phá giấc. Huân vòng tay ôm lấy vai nàng, và chờ đợi. Quả như ý chàng nghĩ, nhịp thở của Diễm trở nên đều hòa rồi nhỏ dần. Một buổi chiều giải trí vui vẻ làm người đàn bà có thai mệt nhoài.
Huân ngắm người yêu ngủ một lúc rồi nhẹ nhàng đỡ đầu nàng lên gối. Chàng tốc mùng ngồi dậy, ra ngồi nơi chiếc bàn con bật đèn lên, lấy cây bút ra hí hoáy viết vào tập vở học trò:
Ban Mê Thuột Thứ hai ngày 2 tháng 12 năm 1974,
Diễm yêu dấu,
Lúc em đọc những dòng chữ của lá thư này thì anh đang ở một nơi nào đó trên đường đi thi hành công tác. Anh ra đi nhưng để lại lòng anh ở đây. Chuyến đi này khá lâu, khoảng 3 tuần lễ hoặc hơn và không biết anh có về kịp vào lễ Giáng Sinh hay không. Em đừng buồn, đừng trách anh vì sao đi lâu vậy mà không nói cho em biết. Lúc chiều, anh không dám nói vì anh sợ buổi chiều cuối cùng của hai đứa mình sẽ trở nên buồn tẻ. Anh tính chờ khi lên giường rồi nói nhưng nhìn thấy em ngủ ngon lành như một đứa trẻ, anh lại đổi ý vì sợ em lại giật mình lo lắng suốt đêm. Anh đã làm khổ em quá nhiều, cho nên, anh muốn em có được một buổi tối an bình bên anh trước khi anh ra đi. Đừng buồn anh nhé, ráng hiểu cho anh.
Và đừng khóc, Diễm ạ. Cũng đừng đay nghiến anh, tội nghiệp anh.
Diễm ạ, lý do anh viết lá thư này vì có một chuyện rất quan trọng anh muốn nói từ khi hai đứa mình mới quen nhau nhưng anh chưa hề dám. Bây giờ, nếu em cho phép, anh xin mượn trang giấy này để giãi bày: Đó là chuyện đời anh…
Từ hồi còn nhỏ đi học, đọc các bài thơ của các thi sĩ ca ngợi tình yêu, anh thấy tình yêu đẹp thật và thường ngồi mơ mộng hàng giờ. Anh mơ ước sau này lớn lên anh sẽ yêu và sẽ nếm được mùi vị của tình yêu.
Chuyện đó bình thường quá phải không em, ai lớn lên mà chẳng mơ ước được như vậy? Nhưng để anh kể tiếp…
Thế mà lớn lên, khi anh bắt đầu biết chải đầu cho láng, biết ủi quần áo cho thẳng để đi học thì lệnh đôn quân, lệnh bắt lính, lệnh gọi nhập ngũ ào ào đổ xuống đầu bọn anh. Bọn anh học ngày học đêm, học phờ cả mặt mày để đuổi theo cái tờ giấy hoãn dịch cứ lơ lửng ở trước mặt vào mỗi dịp bãi trường. Học ở trường ban ngày xong ra lại lọc cọc đạp xe đi học cour thêm, rồi về nhà chong đèn đến khuya để làm bài. Vừa học vừa đập muỗi chí chóe…
Nhiều đêm, học mệt đừ, nằm vắt tay trên trán, anh cũng không thể tránh khỏi những thèm muốn rạo rực, những đòi hỏi thầm kín của người con trai ở tuổi mới lớn. Anh thèm xiết bao một bàn tay, một đôi môi, một giọng nói ngọt ngào, một lá thư với dòng chữ mềm mại nghiêng nghiêng… Nếu đất nước mình thanh bình, nếu nhân loại không bị họa Cộng sản, thì những mơ ước ấy thật là đơn giản và dễ dàng, nhưng, với bọn anh lúc đó, những chuyện tự nhiên ấy đã trở thành khó khăn diệu vợi.
Bây giờ nghĩ lại anh mới thấy giựt mình. Thật chưa có một thệ hệ tuổi trẻ nào bị thiệt thòi nhiều bằng tuổi trẻ Việt Nam thời ấy. Chẳng ai có một tí thì giờ nào để dành cho tình yêu cả.
Bọn anh học đến sì khói ra như thế mà cứ mỗi độ hè về thì thấy lớp học cứ vơi đi một cách đáng ngại. Thằng khoác áo đi Thủ Đức, đứa hành trang ra Nha Trang Đồng Đế. Bạn bè anh, có khi từng đứa, có khi từng nhóm một, lẳng lặng lên đường ra đi đáp lời sông núi. Tuy thân thiết nhau lắm nhưng những thằng ở lại không có thì giờ để nghĩ đến những kẻ ra đi. Bọn anh còn hàng trăm thứ khác phải lo nếu không muốn “noi gương” chúng nó vào mùa hè năm sau. Anh nhớ, ngày coi bảng đậu trung học xong thì bọn anh còn nghỉ được một tháng để vi vút nhưng coi bảng Tú Tài I xong thì chẳng có được một ngày nghỉ, phải lo mượn sách Đệ Nhất để gạo và chuẩn bị thi tú tài 2 ngay từ mùa hè năm ấy liền.
Nhờ cần cù học ngày học đêm, anh lọt qua nhiều cửa ải cho đến năm Đệ Nhất…
Ôi cuộc đời mình thật có nhiều cái bất ngờ. Năm đó, vào lúc anh tưởng mình là một trong những người may mắn nhất còn lại thì tấm bi kịch của đời anh mới bắt đầu. Em đừng cười. Anh bị gia đình bắt đi… lấy vợ. Chuyện thật là khó tin nhưng nó đã xảy ra ở thế kỷ 20 này.
Một buổi sáng thứ bảy, ông nội dắt anh đi ăn sáng. Ngồi trong tiệm phở, ông anh đưa cho anh coi một tấm hình của một người con gái… xấu ỉn. Rồi ông bảo hai gia đình đã đồng ý cho bọn anh lấy nhau, ăn xong chở ông đi may quần áo cưới rồi lên nhà đàng gái để hai đứa làm quen nhau.
Mới đầu, anh tưởng ông nội anh đùa. Anh là con trai, có học thức và lại đang sống ở thế kỷ 20, đâu phải là cô Loan trong Đoạn Tuyệt của thế Kỷ 19? Ông anh lắc đầu bảo chuyện thật đấy, không đùa đâu. Anh phản đối dữ dội. Ông anh chẳng nói chẳng rằng, bỏ đũa đứng lên bảo: “Con cháu bất hiếu như thế thì tao đâm đầu vào xe tao chết đi chứ sống làm gì.” Rồi ông bỏ chạy ra ngoài, cứ đòi đâm đầu vào cái dòng xe cộ đang đi lại như mắc cửi ở đường Trương Minh Giảng. Anh phải can mãi mới được.
Tối về nhà, anh nói chuyện với bố, bố anh bảo: “Tao cực khổ suốt một đời nuôi mày khôn lớn, mày chưa làm gì đền đáp bây giờ lại cãi tao à? Nhà người ta cũng là chỗ môn đăng hộ đối chứ có phải cùi hủi gì đâu.” Anh bảo: “Con không dám cãi thầy nhưng con còn đang đi học, con chưa nghĩ đến chuyện ấy.” Bố anh lại bảo: “Lấy vợ về học cũng được. Ý tao đã quyết mày đừng có gàn dở.”
Mãi sau này anh mới biết là anh được “gả” để trừ đi số nợ nhà còn thiếu người ta hồi ở miền Bắc.
Anh buồn khổ đến sinh bệnh nhưng chẳng tìm được một lối thoát nào cho mình cả. Anh đành phải “vâng lệnh song thân” mà lấy vợ như người ta thường đề trong mấy cái thiệp cưới.
Lúc đứng làm lễ tế gia tiên, anh dâng hương mà không làm sao ngăn được hai dòng nước mắt cứ trào ra, anh sụt sùi khóc. (Vợ anh thấy thế liền bắt chước khóc theo, và còn khóc to hơn cả anh nữa.) Anh khấn rằng: “Ông bà tổ tiên linh thiêng về đây chứng giám cho con. Đạo làm trai của người Việt là Trung và Hiếu. Con đã vâng lệnh song thân lấy vợ để làm tròn chữ Hiếu. Lấy vợ xong, con sẽ đi lính để giữ trọn chữ Trung.”
Tiệc cưới to lớn, ai nấy mặt mày hả hê sung sướng. Riêng anh, anh có cảm giác như bài thơ của đời mình mới làm được hai câu, chưa kịp đọc lại thì bị một bàn tay vô hình nào xé toạc mảnh giấy ấy vất đi. Anh nhìn hai họ vui cười mà mơ ước được vui vẻ như họ. Tàn tiệc, bố anh đến bên anh, vỗ vai anh bảo: “Rồi mày sẽ quen đi con ạ.” Cho đến bây giờ, anh vẫn không thể nào quên được câu nói ấy.
Rồi anh đi lính. Rồi anh gặp em…
Mới đầu, gặp em, anh chỉ muốn đùa một tí với em nhưng không ngờ anh yêu em thật. Đây là lần đầu tiên anh khám phá ra sự tuyệt vời của tình yêu. Nhờ tình yêu mà thế giới này tồn tại được, thi sĩ làm thơ được, người thợ mộc đóng bàn ghế được, thầy giáo dạy học được v.v… Anh biết yêu trễ đến hơn 10 năm nhưng anh cảm ơn trời đã cho anh biết được mùi vị của tình yêu. Tuyệt vời lắm. Mỗi lần nhìn em, anh quên hết. Quên chiến tranh, quên hận thù, quên luôn cả tấm bi kịch của đời mình nữa để chỉ nghĩ đến em.
Diễm yêu dấu,
Bây giờ là 2 giờ sáng rồi. Anh vừa kể lại chuyện đời mình cho em nghe, không phải để chạy tội, không phải để em thương xót mà để chứng tỏ tấm lòng của. Dù tốt hay dù xấu thì anh cũng là nạn nhân. Anh hiểu trách nhiệm nặng nề của mình đối với em và anh đã có một quyết định dứt khoát: Xong chuyến công tác này trở về, anh sẽ dắt em về nhà nói với bố mẹ anh là anh là đã yêu em, đã có con với em và sẽ ly dị vợ anh để cưới em.
Em có tin không? Nếu bố mẹ anh không chịu, anh vẫn cưới em như thường. Sau 6 năm ở lính, anh học được một điều quan trọng: Con người ta chỉ sống có một lần, cho nên, đừng để bố mẹ hay bất kỳ ai sống giùm mình cuộc đời mình.
Thôi, anh dừng bút. Nhớ đừng khóc, đừng buồn và ráng ăn thật nhiều. Anh đi chuyến này là để kiếm một món quà vô giá tặng thành phố Ban Mê Thuột. Anh không tiện nói ra bây giờ nhưng anh sẽ nói khi anh trở về. Và anh sẽ về trước lễ Giáng Sinh. Anh hứa.
Yêu em,
Anh…
° ° °
Thiếu Tướng Phạm Văn Phú gấp tập hồ sơ lại để trên bàn họp rồi đứng lên tiếng gần tới tấm bản đồ sau lưng. Ngồi dài theo hai bên dãy bàn họp trước mặt ông là 4 ông tướng: Tư lệnh phó Quân đoàn, Tư lệnh Sư đoàn 22 và 23 bộ binh, ông tướng Tư lệnh Sư đoàn 6 Không Quân và khoảng 25 ông tá, toàn là sĩ quan tham mưu của quân đoàn II. Ai nấy nghiêm trọng nhìn lên chờ nghe tướng Phú.
Tướng Phú vỗ cây gậy chỉ huy trong tay rồi nói:
– Cách đây hơn tuần, tôi được thông báo của phòng II quân đoàn là họ phát hiện được một lực lượng khá đông quân số của các sư đoàn 320 và 968 ở phía Tây và phía Nam Pleiku, sư đoàn 10, sư đoàn 316 và sư đoàn 968 chính quy Bắc Việt ở mật khu Bù Gia Mập. Thêm vào đó, còn trung đoàn 3 cao xạ nặng, 1 trung đoàn pháo nặng và 1 trung đoàn xe tăng cũng ở khu Bù Gia Mập.
Cả phòng họp… nín thở. Nét ưu tư hiện rõ trên từng khuôn mặt của mỗi vị sĩ quan. Tướng Phú liếc nhìn đại tá Phùng rồi tiếp:
– Để xác nhận tất cả chuyện này, tuần trước, tôi cho Lôi Hổ mình nhảy xuống phía bắc của KonTum và xuống Bù Gia Mập để “tìm hiểu.” Anh em Lôi Hổ đã bắt được nhiều tù binh và đã xác nhận được tất cả chuyện này. Những tin tình báo mới nhất của phòng II cũng tái xác nhận chuyện này, và không ảnh của Không quân cũng xác nhận. Đây là một bất ngờ đối với tôi…
Tướng Phú ngừng nói và nhăn mặt lại. Rồi ông chỉ cây gậy vào mật khu Bù Gia Mập:
– Điều khó hiểu hơn cả là tại sao chúng nó lại ở đây?
Ông lại… nhăn mặt, lắc đầu nói tiếp:
– Đây là câu hỏi nằm trong gan trong ruột tôi suốt tuần lễ qua. Chúng nó muốn đánh Ban Mê Thuột hay đánh Quảng Đức? Hay chúng nó không đánh cả hai mà chỉ muốn lừa mình để đánh Pleiku? Nói về sự kiện thì chúng nó sẽ đánh Ban Mê Thuột hay Quảng Đức, còn theo sự suy luận của tôi thì Ban Mê Thuột hay Quảng Đức chỉ là diện, còn Pleiku mới là điểm…
Tướng phú tiến trở lại bàn họp, bỏ cây can lên bàn, ngồi xuống mồi điếu thuốc:
– Bon. Tôi mời anh em tới đây để thảo luận vấn đề này. Vậy thì, anh em có ý kiến gì, cứ tự nhiên trình bày…
Chỉ chờ có thế là cả phòng họp có nhiều bàn tay dơ lên xin phát biểu liền. Ai cũng muốn cho tướng Phú thấy cái tài kinh luân của mình. Tướng Phú chỉ từng người một để cho ý kiến. Ai nói sao ông cũng gật đầu nhưng chỉ trả lời rất ít.
Khoảng một tiếng sau, tướng Phú dơ tay làm dấu cho mọi người im lặng. Ông đứng lên bục gỗ:
– Cám ơn các anh em đã bàn thảo thật sôi nổi và hào hứng. Bây giờ tôi quyết định như thế này. Trước hết, tôi nhờ Tham mưu trưởng quân đoàn gọi điện thoại cho tỉnh trưởng Ban Mê Thuột, và tỉnh trưởng Quảng Đức bảo hai ông này ngày mai đem hết sơ đồ cùng kế hoạch phòng thủ mới nhất của tiểu khu mình lên đây gặp tôi. Tôi muốn biết rõ chi tiết từng viên đạn và từng trái mìn, từng vị trí của các đơn vị phòng thủ.
– Nhận rõ thiếu tướng.
Tướng Phú chỉ cây gậy vào bản đồ:
– Anh Thịnh, anh cho một thành phần của thằng 45 (Trung đoàn 45, sư đoàn 23 bộ binh) của anh hành quân lục soát từ chỗ này, phía Nam của Đức Lập về tới phía Bắc của Quảng Đức cho tôi. Đồng thời, cho một thành phần của thằng 53 (Tr/Đ 53/SĐ 23 BB) cũng hành quân lục soát từ Ban Mê Thuột về hướng Nam. Tướng Nhân Không Quân lo đầy đủ trực thăng để vận chuyện hai toán quân này nội trong ngày mai.
– Nhận rõ Thiếu tướng
– Nhận rõ.
– Anh Tài, anh cho thằng 21 Biệt Động của anh di chuyển gấp về án ngữ ở phía Nam Ban Mê Thuột, ngay chỗ này để làm trừ bị cho tụi 23 bộ binh.
– Nhận rõ…
– Anh Viễn, về phía Bắc KonTum, anh cho thằng…
Tướng Phú ra lệnh và chỉ thị một thôi không ngừng nghĩ. Đại tá Phùng nhìn ông Khiếu trao đổi một cái nhìn thỏa mãn. Cuối cùng, ông tướng có vẻ bắt đầu nghĩ tới Ban Mê Thuột rồi. Tuy nhiên, đại tá Phùng biết, ông tướng vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng. Ở địa vị ông, ông phải thận trọng để điều quân đi thăm dò như vậy. Tướng Phú ra lệnh “một phần của trung đoàn” tức là 1 hoặc 2 tiểu đoàn. Phần còn lại ông vẫn còn muốn bố trí để giữ Pleiku. Theo ông, chỉ có Pleiku mới quan trọng thôi, còn ngoài ra đều có thể cứu được hết. Kể cả Ban Mê Thuột, kể cả Quảng Đức. Tuy nhiên, Đại tá Phùng cùng Trung Tá Khiếu đã liệu trước việc này. Hai người sẽ có trưng bằng chứng cho tướng Phú biết về ý đồ của Cộng Sản.
Và tất cả chuyện quan trọng này đều nằm trong tay một sĩ quan Biệt Kích tài giỏi của ông: Đại Úy Huân. Phải, chỉ có Đại úy Huân mới cứu Ban Mê Thuột được.
° ° °
Khi chiếc trực thăng chở toán của Huân đáp xuống bãi đậu của Chiến đoàn, chàng chẳng ngạc nhiên chút nào khi nhìn thấy, ngoài đại tá Phùng cùng toàn bộ ban tham mưu của chiến đoàn ra đón còn có cả có cả Thiếu Tướng Khấn, Tư lệnh phò Quân đoàn II và ít nhất là 3 ông Đại tá khác của Quân đoàn. Huân hiểu những gì nằm trong chiếc máy hình và những gì chàng ghi nhận được suốt 20 ngày qua trong mật khu Bù Gia Mập sẽ có một giá trị to lớn mà không ai có thể ước lượng được. Nhưng Huân không có thì giờ để suy nghĩ nhiều. Đầu óc chàng đang bận rộn để chuẩn bị cho bài thuyết trình về chuyến công tác vừa qua của chàng.
Huân thò tay ra bắt hai người phi công trực thăng rồi nhảy xuống. Đại Tá Phùng dơ tay đáp lễ cái chào của Huân rồi giới thiệu chàng với ông tướng và mấy sĩ quan cấp tá của Quân Đoàn. Huân chào họ và đón nhận những cái bắt tay vồn vã và những cái nhìn thán phục.
Một tay bắt tay Huân, tay kia nắm lấy vai chàng, Đại tá Phùng nói:
– Chúc mừng anh. Kết quả sơ khởi mà tôi nghe được rất là khích lệ, lát nữa mình nói nhiều.
Đại tá Phùng quay nhìn ông tướng Tư Lệnh Phó:
– Kính mời Thiếu tướng cùng phái đoàn vào Câu Lạc Bộ dùng cơm trưa, chừng nửa tiếng nữa chúng tôi sẽ có mặt ở phòng họp Chiến đoàn để thuyết trình cho Thiếu tướng cùng quý vị.
Phái đoàn ông tướng bước về phía Câu Lạc Bộ. Đại tá Phùng phóng lên chiếc xe díp, Huân leo lên ngồi bên cạnh, ông Trung tá Khiếu cũng leo lên ngồi phía sau. Đại tá Phùng chưa kịp đề máy xe thì Huân đã hỏi liền:
– Đại tá… cho xin điếu thuốc.
– À, xin lỗi, tôi quên… Anh giữ nguyên cả gói mà hút.
Huân nhận gói CAPSTAN còn đầy từ tay người chỉ huy trưởng, kẹp một điếu vào môi rồi chẳng cần khách sáo, thản nhiên bỏ nguyên gói thuốc vào túi áo mình. 20 ngày qua trong rừng rậm, không biết bao nhiêu lần Huân mơ ước chỉ được cầm một điếu thuốc lá trong tay như thế này.
Đại tá Phùng đưa thêm cho chàng cái bật lửa. Chiếc xe phóng vút đi. Ông Phùng cố gắng để giữ cho giọng mình được bình tĩnh để hỏi câu hỏi quan trọng nhất của chuyến công tác:
– Ban Mê Thuột hay Pleiku?
Huân mỉm cười, chưa thèm trả lời vội. Chàng hít thêm một hơi thuốc lá cho đầy hai buồng phổi, rồi mới đủng đỉnh trả lời qua làn khói:
– Ban Mê Thuột!
Đại tá Phùng nghiến răng sang số xe thật mạnh như muốn bộc lộ một sự giận dữ nào đó:
– Chắc không?
– Chắc như bắp Đại tá. Không trúng tôi nghĩ ăn lương chính phủ.
Đại tá Phùng tiếp tục nhăn mặt lại nhưng Trung tá Khiếu lại gật gù cái đầu:
– Quả đúng y như bọn mình dự đoán.
Chiếc xe díp thắng lại trước ban II của Chiến đoàn. Một người sĩ quan chạy vội ra như đã chờ đợi sẵn từ lâu. Huân đưa cho anh ta hai cái máy hình và cái túi đựng tài liệu cùng phim ảnh của chuyến công tác. Đại tá Phùng hỏi người sĩ quan:
– Nửa tiếng xong không?
Vị sĩ quan gật đầu:
– Thưa hình thì chúng tôi sẽ rửa được nhưng sẽ còn hơi ướt. Về tài liệu thì chúng tôi chỉ phối kiểm những tin quan trọng trước thôi.
– Tốt. Hình ướt cũng được. Phần tin tức thì giải trình được bao nhiêu đem hết sang tôi liền.
Chiếc xe lại lao vút đi. Huân mồi điếu thuốc thứ hai. Ba người sĩ quan bước vào phòng giải trình của Chiến đoàn. Đại tá Huân mở tủ lạnh, khui cho mỗi người một chai bia 33:
– Ăn mừng. Phải ăn mừng chuyến công tác này mới được.
Huân ngửa cổ tu một hớp bia. Tiên sư, trên đời sao lại có những thứ thức uống ngon đến như vậy nhỉ? Âu đây cũng là một phần thưởng trời dành cho những người lính như chàng. Ở trong rừng gần một tháng không được uống bia, không được hút thuốc, lúc cầm lại điếu thuốc hay chai bia mới thấy giá trị của nó và mới thấy được làm người, được… uống bia hút thuốc, được hít thở khí trời tự do quả thật là thú. Chàng lắc lắc chai bia trong tay rồi lại đưa lên cao. Lần này Huân uống hết sạch. Đại tá Phùng đưa thêm cho chàng một chai nữa.
“Cám ơn Đại tá” Huân nói rồi từ từ tiến tới tấm bản đồ treo trên tường, cầm cây thước trong tay để chuẩn bị phần giải trình nhưng ông Phùng đã gạt đi:
– Khỏi, cứ ngồi xuống đây, chờ lát nữa sang thuyết trình với ông Tướng anh trình bày cặn kẽ luôn cũng được.
Xong ngay, đại tá muốn vậy thì đỡ mất thì giờ với phần thủ tục. Ông chiến đoàn trưởng đi thẳng vào vấn đề:
– Tóm tắt, chuyện gì làm anh quả quyết là chúng nó sẽ đánh Ban Mê Thuột?
– Sa bàn.
– Sa bàn thành phố Ban Mê Thuột?
– Đúng. Chỗ chúng tôi nằm là khu tập trung không phải của tụi 316 mà của trung đoàn 95 B.
Đại tá Phùng nhìn Trung tá Khiếu. Ông Khiếu gật đầu như xác nhận sự xuất hiện đó là đúng.
– Chúng nó tập trận liên miên cả tuần lễ. Riêng tiểu đoàn gần tôi nhất thì chúng nó thực tập đánh cổng trước Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh.
– Sao anh biết đó là cổng trước của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23?
– Tôi ở Ban Mê Thuột này gần năm rồi. Đường đi vào Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 có cái cái công viên, bên cạnh công viên là cái nhà thờ Quân Đội… Chúng nó có cả hình dáng cái nhà thờ này. Lát nữa hình rửa xong đại tá sẽ thấy…
– Về cái sa bàn của thành phố, anh thấy ở đâu?
– Trong phòng họp của bộ chỉ huy Trung Đoàn. Tôi chụp được hình ảnh đầy đủ, lát nữa đại tá sẽ thấy.
– Ngoài ra anh còn biết gì nữa không?
– Chúng tôi phát giác và nghe lóm được đường dây điện thoại giữa trung đoàn và sư đoàn, tôi có ghi lại nhiều chi tiết. Lát nữa phòng II đưa qua trung tá sẽ thấy…
Đại tá Phùng thở dài, mồi điếu thuốc. Ông quay sang Trung Tá Khiếu:
– Anh Khiếu có gì hỏi không?
– Thưa có!
– Mời Trung Tá tự nhiên…
– Trước hết, tôi xin cám ơn và chúc mình anh về chuyến công tác đầy cam go. Chiều nay tôi và đại tá Phùng sẽ tháp tùng tướng Khấn về Pleiku để gặp tướng Phú liền. Thực ra bọn tôi đã nghi ngờ chuyện này từ lâu, nhưng kẹt một cái là ông tướng Phú… Anh biết, ông Tướng có vẻ không tin tưởng những tin tức tình báo của chúng ta đưa lên lắm… Ngoài những gì anh nói, anh nghĩ anh có tấm hình hay bằng chứng nào để tôi có thể thuyết phục được tướng Phú không?
Tự nhiên, Huân bỗng nỗi giận. Mình và lính vừa lội vừa nằm gần đúng 20 ngày trong lòng đất địch, sự sống như treo chỉ mành hằng ngày để khám phá ra cái tin tức quý giá này đem về. Nhưng như vậy chưa đủ, ở trên còn muốn mình phải tìm cách chứng mình hay thuyết phục họ. Chuyện đánh Việt Cộng là chuyện của ai nhỉ? Khôi hài thật. Chẳng khác gì một nhà buôn ngọc, sau khi tìm ra viên ngọc quý, không đem bán mà lại đem cho, nhưng trước khi cho người ta còn phải mất công thuyết phục người nhận ngọc đó là viên ngọc thật…
Chàng nhìn Trung Tá Khiếu:
– Thưa Trung tá, tôi được giao một bổn phận và đã làm xong, những gì còn lại như vấn đề ở trên có tin hay không không thuộc thẩm quyền của tôi.
Trung tá Khiếu gật gù cái đầu ra dấu thông cảm.
Ngay lúc ấy có tiếng gõ cửa rồi vị sĩ quan phòng phim ảnh của Chiến đoàn xuất hiện với một núi hình ảnh trên tay. Mặt mày anh ta vừa hớn hở vừa… tái mét, nhìn đại tá Phùng nói nhưng giọng lạc đi vì xúc động:
– Tụi mình phải cho vợ con đi khỏi Ban Mê Thuột này càng sớm càng tốt Đại Tá ơi. Em coi mấy tấm hình chụp em muốn lạnh gáy…
° ° °
Huân và Diễm tối hôm ấy lại trở về ngồi trên chiếc ghế đá công viên của thành phố Ban Mê Thuột. Ngay trên chiếc ghế cũ mà hai người đã ngồi ngày mới quen nhau. Chỉ khác hơn là, lần này họ ngồi sát nhau, cùng nhìn về hướng ánh đèn sao chổi sáng lừng từ cái tháp chuông của Nhà Thờ Quân Đội ở bên kia đường chiếu ra…
Tự nhiên, Huân hỏi:
– Em biết nhà thờ đó tên là gì không?
– Không!
– Vậy là em thua anh rồi. Đó gọi là nhà thờ Quân Đội.
– Ừ. Anh đi đạo lúc nào mà rành quá vậy?
– Không đi nhưng anh biết. Em biết đằng sau ánh đèn sao chổi đó là gì không?
Diễm co ro vì lạnh, áp người thật chặt vào lưng Huân:
– Không…
Huân lại nhớ đến cái sa bàn của Việt Cộng ở trong mật khu Bù Gia Mập. Theo đúng kế hoạch, khu vực này được giao cho trung đoàn 95 B và một đại đội xe tăng. Sau cỡ 5 ngàn trái pháo, chúng nó sẽ đi diễn hành trên quốc lộ mà vào, làm một mũi dùi chính đánh thẳng vào đây để nuốt gọn Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn. Huân nhăn mặt:
– Là Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh.
Diễm cười rất vô tư:
– Tưởng chuyện gì, anh thì lúc nào cũng hết Bộ Tư Lệnh rồi đến Bộ Chỉ Huy… Ở bên em anh tạm quên mấy thứ đó đi có được không?
Huân đốt điếu thuốc lá, lòng se lại khi nghĩ đến vùng đất hiền hòa này sẽ trở thành một bãi chiến trường đẫm máu nay mai. Chàng thấy thương cho Diễm cũng như cho tất cả những người dân của cái thành phố này.
Diễm cầm tay Huân:
– Quên chuyện đó đi anh, anh viết thư hay lắm, cứ như văn sĩ.
Huân cười:
– Ở gần một người đẹp như em mà không trở thành văn sĩ thì thật là bất lịch sự và ngu xuẩn. Mà này, nói thật đi, sáng hôm ấy em có khóc không?
– Có.
– Anh cũng đoán vậy.
Rồi Huân đứng lên:
– Em muốn đi bách bộ một lát không?
– Đi thì đi.
Hai người đi bên cạnh nhau. Diễm cúi đầu đến bước, quàng hai tay qua tay Huân. Huân thọc hai tay vào túi, cứ ngước mặt lên nhìn cái sao chổi làm bằng mấy trăm cái bóng đèn chạy dài từ trên tháp chuông xuống. Tới cuối công viên, Huân rủ:
– Mình đi bộ qua nhà thờ chơi..
– Ý kiến hay!
Vừa băng qua đường, Huân nghe được tiếng tập hát từ trong nhà thờ vọng ra: “Cao cung lên, khúc nhạc Thiên Thần Chúa…” Huân hỏi:
– Mau quá, tối ngày mốt là Noel rồi nhỉ?
Huân dừng bước trước hang đá Đức Mẹ trước nhà thờ, hỏi Diễm:
– Em biết cầu kinh không?
Diễm lắc đầu:
– Không nhưng trông bà ấy đẹp và hiền hậu ghê nhỉ? Em nghĩ ai đến cầu bà này điều gì bà ấy cũng cho hết. Bả hiền quá.
– Vậy thì em cầu thử đi.
– Anh phải cầu với em.
– Ừ. Nhưng phải bỏ tay anh ra và đứng nghiêm trang lại, chắp lên ngực như cái ông đang đứng đàng trước em kia kìa.
Hai người chấp tay. Diễm lẩm bẩm mấy lời cầu rồi cúi đầu vái mấy cái. Huân cười, bảo:
– Đừng có vái, người ta cười. Ở đây em thấy có ai vái đâu?
Diễm vẫn tiếp tục vái và nói:
– Ai cười mặc họ, Diễm muốn tỏ lòng tôn kính. Cầu mà không vái thì mất linh đi.
Hai người đi dạo một vòng rồi trở về công viên. Huân hỏi:
– Lúc nãy em cầu gì vậy?
– Cầu cho hai đứa mình được nên duyên vợ chồng. Em lo quá.
Huân cười:
– Muốn nên duyên vợ chồng thì em phải cầu cho vợ anh nó… trúng gió chết.
– Anh chỉ nói bậy. Những gì anh nói trong thư có thật không anh?
– Thật, thật lắm.
– Còn anh, lúc nãy anh cầu gì vậy?
– Cũng cầu như em nhưng anh có thêm một lời cầu đặc biệt…
Huân bỏ lửng câu nói, đứng lại cầm tay Diễm:
– Diễm, em nghe cho kỹ đây. Sau Noel, anh muốn em và má dọn hết đồ đạc về Nha Trang ở tạm một thời gian…
Diễm sững sờ:
– Sao vậy anh?
Huân kéo Diễm ngồi xuống ghế, nói thật chậm, thật rõ ràng và thật tha thiết:
– Những gì anh sắp nói, em phải thề giữ tuyệt đối bí mật.
– Mà chuyện gì vậy… rồi, em hứa
– Em có biết chuyến đi công tác 20 ngày vừa rồi của anh không?
– Sao?
– Anh biết được một chuyện rất quan trọng. Việt Cộng đã đem 4 sư đoàn vào đây để chuẩn bị đánh Ban Mê Thuột.
Một cái tin động trời như vậy, cái tin làm cho cả quân đoàn II từ ông tướng Phú xuống đến anh lính hạng bét mất ăn mất ngủ mà với Diễm thì chẳng có nghĩa lý gì. Đánh nhau thì hai bên ngày nào lại chẳng đánh, sao lại lo sợ vậy nhỉ? Giọng Diễm vẫn tỉnh bơ, chẳng có chút gì hốt hoảng hay sợ hãi:
– 4 sư đoàn là nhiều lính không anh?
Huân lắc đầu chán nản. Hình như lúc trời sinh ra đàn bà, ngài quên nhét vào đó một chút óc nhà binh. Huân kiên nhẫn giải thích:
– 4 sư đoàn là cỡ vài chục ngàn thằng lính bộ đội. Mỗi thằng một cây AK. Khi vào đây rồi, chúng nó sẽ tàn phá, sẽ bắn giết, sẽ cày nát cái thành phố thơ -ộng này ra như cám hoặc trước tết hoặc sau tết.
Diễm tròn mắt:
– Anh nói thật?
À, thế này thì có ép phê rồi. Huân tiếp tục:
– Chưa bao giờ thật bằng. Em tưởng tượng đi, hai chục ngàn thằng lính vào đây, mỗi thằng chỉ cần bắn một phát thôi thì Ban Mê Thuột cũng đủ tan hoang. Đó là chưa nói tới xe tăng, chưa nói tới đại pháo… Vì vậy cho nên lời cầu đặc biệt của anh lúc nãy là cầu cho Ban Mê Thuột, cầu cho thành phố yêu dấu này. Cầu cho ông tướng Phú được sáng suốt để đỡ trận này. Nhưng quan trọng nhất là em và mẹ phải đi khỏi nơi đây. Đi liền càng sớm cáng tốt. Đang thai nghén như em, ở lại đây không tiện chút nào hết.
Giọng của Diễm trở nên hơi gay gắt, nhưng Huân chưa để ý đến:
– Anh muốn em đi. Nhưng còn chuyện thành hôn của hai đứa mình như anh nói trong thư thì thế nào?
– Mình không còn thì giờ nữa! Nội trong tuần tới, em và má phải thu xếp cho xong đồ đạc và dọn đi liền.
Nói xong thì Huân đọc ngay được vẻ bất mãn trong đôi mắt Diễm. Hình như đã có chút nước mắt trong đó rồi. Giọng nàng như cố giấu một nỗi chua xót trong lòng:
– Em thì sao cũng được, nhưng má em chắc không chịu đi đâu…
Huân nắm tay Diễm:
– Em phải bắt má đi.
Diễm hất tay Huân ra, quay nhìn đi nơi khác để che giấu một giọt nước mắt:
– Má em cứng đầu lắm…
Huân lại nắm tay Diễm. Diễm lại hất tay chàng ra. Rồi quay lại nhìn Huân, hai hàng nước mắt chảy dài trên má:
– Anh Huân, nếu anh đổi ý, không muốn cưới Diễm nữa thì cũng được, anh cần gì phải bày vẽ 3 sư đoàn với 4 sư đoàn Việt Cộng làm gì. Chẳng thà anh nói thật đi, Diễm thông cảm anh. Diễm tha thứ cho anh. Dù sao, Diễm cũng chỉ là người đến sau… Diễm biết thân phận mình, Diễm không có quyền…
Huân tròn cặp mắt lại:
– Diễm, em nói gì vậy?
Diễm nghẹn ngào, vừa nói vừa khóc:
– Diễm nói anh muốn cưới Diễm thì cưới, còn không thì cứ việc đi đi, không ai giữ anh đâu. Làm gì phải đem Việt Cộng vào đây mà dọa nhau…
Rồi nàng đứng dậy bỏ đi mau như chạy. Huân bước mau theo và thấy cổ họng mình muốn tắt nghẹn. Trời cao có mắt về đây chứng giám cho thằng Huân này.
Huân bắt kịp Diễm, níu lấy tay nàng. Diễm lại hất ra. Nước mắt tiếp tục chảy đầm đìa trên mặt nàng. Huân khổ sở:
– Diễm, em phải hiểu. Anh thương em nhất trên đời này.
– Tôi không cần. Anh về với vợ anh đi. Anh đi đi, và đừng bao giờ trở lại đây gặp tôi nữa. Con tôi, tôi sẽ nuôi được. Nếu tôi đẻ con gái, tôi sẽ cấm nó tuyệt đối không được quen với lính, không được yêu lính, nhất là thứ lính… Lôi Hổ… con cọp bạc tình bạc nghĩa như anh…
– Diễm, anh năn nỉ em… Em nghĩ lại, lòng anh, em biết…
-Tôi không cần thứ lòng đó. Anh bảo anh đi công tác 20 ngày. Anh về Sài Gòn với vợ anh 20 ngày chứ công tác gì. Anh sợ trách nhiệm, sợ nuôi con, muốn dứt tình thì cứ nói, việc gì phải đem Việt Cộng vào tận Ban Mê Thuột để dọa mẹ con tôi…
Huân thấy trời đất quay cuồng chung quanh mình. Chàng đứng sững người lại làm như nếu bước thêm một bước nữa thì sẽ nhào xuống liền tức thì. Rồi đột nhiên, chàng nổi giận. 20 ngày công tác đói rét nguy hiểm trong rừng, một trái tim rướm máu vì tình yêu, một tuổi thơ đầy dẫy bi kịch và chưa hề được yêu, được sống như một người bỗng bùng dậy trong lòng người đại úy Lôi Hổ trẻ tuổi…
Huân chạy theo nắm lấy tay Diễm kéo lại thật mạnh. Diễm mất đà khựng người lại, cả cánh tay đau nhói lên vì bị cú kéo ngược bất ngờ quá đau. Nàng kêu lên một tiếng kêu đau đớn, loạng choạng mất thăng bằng. Huân đỡ được nàng ngã vào lòng mình. Chàng giữ chặt lấy Diễm.
Nhìn những giọt nước mắt trên mặt Diễm, lòng Huân lại mềm ra. Diễm dùng hết sức để xô Huân ra và đay nghiến:
– Anh cứ việc giết tôi đi. Sao anh không giết tôi đi? Anh giết người quen rồi, anh cứ việc giết tôi đi…
Rồi Diễm khóc lên nức nở. Huân ghì chặt lấy Diễm, lắp bắp:
– Không, Diễm, anh yêu em, anh yêu em… Em đừng nói thế… anh yêu em… Anh xin lỗi…
Diễm toan đay nghiến nữa nhưng bỗng im bặt khi nhìn thấy những giọt nước mắt long lanh trong mắt và trên má chàng. Nàng ngạc nhiên lắm. Không ngờ ông đại úy dày dạn phong sương này cũng khóc được.
Huân ôm lấy Diễm, tha thiết nói như một người trong tận cùng của sự thống khổ:
– Diễm, anh yêu em… Anh yêu em… Anh xin lỗi…
Diễm không trả lời, luồn tay vào tóc Huân, kéo đầu chàng xuống, đặt lên đôi mắt u buồn ướt lệ ấy một cái hôn.
Nàng biết, biết từ lâu rằng Huân yêu mình thật…
° ° °
Tướng Phú ngừng nói. Phòng họp Bộ Tham Mưu Quân Đoàn im lặng như tờ. Ông nhìn cả phòng họp một lúc rồi tiếp tục:
– Như vậy, tất cả những thắc mắc của tôi đã được giải đáp thỏa đáng… Và câu trả lời đã trở nên rõ ràng như ban ngày: Chúng nó sẽ đánh Ban Mê Thuột…
Đến đó, tướng Phú ngừng nói và bỗng bật lên một cơn ho sụ sụ. Lát sau, Tướng Phú lại hỏi khi dứt cơn ho:
– Có ai thắc mắc gì hay có điểm gì không đồng ý với tôi không…
Không có tiếng trả lời.
– Bon, bây giờ tôi có thể an tâm để dồn hết sức lực chuẩn bị cho chiến trường Ban Mê Thuột. Tôi muốn phòng III trình cho tôi một kế hoạch phòng thủ toàn diện thành phố Ban Mê Thuột trong vòng 24 giờ đồng hồ. Kế hoạch các anh em làm, phải trả lời và đi sâu những chi tiết sau đây cho tôi:
Thứ nhất, mình có cách nào để ngăn chặn cuộc tổng tấn công điên cuồng này trước khi nó bắt đầu hay không? Hãy nghĩ đến lực lượng và những ưu điểm mà mình có trong tay, hoặc bằng Không quân, hoặc bằng bộ binh, hoặc bằng Pháo v.v… Hoặc giả, mình có thể kiếm một cái vùng giao tranh nào khác ngoài Ban Mê Thuột để ép chúng nó nhận làm chiến trường không?
Thứ hai, nếu không ngăn chặn được, mình phải bố trí lực lượng như thế nào để chuẩn bị đón đánh và tiêu diệt được 4 sư đoàn bộ, 2 trung đoàn địa phương, 1 trung đoàn pháo, 1 trung đoàn cao xạ nặng, 1 trung đoàn xe tăng và một tiểu đoàn đặc công của chúng. Anh em chớ quên một yếu tố quan trọng là bây giờ lá bài nằm trong tay mình. Mình đã biết đâu là điểm đâu là diện. Yếu tố bất ngờ đã mất, chúng nó đưa vào bao nhiêu thì mình sẽ nướng hết mấy nhiêu.
Thứ ba, tôi sẽ xin tăng viện từ Sài Gòn, anh em nghiên cứu cho tôi mình bao nhiêu lực lượng. Theo tôi nghĩ, mình phải được tăng cường ít nhất là 4 lữ đoàn Dù hoặc TQLC đang nằm nghỉ mát ở miền Trung. Các lực lượng trừ bị tinh nhuệ này hoặc sẽ làm búa tấn công chúng nó trước, hoặc sẽ làm đe để chận đường rút của chúng. Về Không Quân, tôi sẽ xin tăng cường 2 phi đoàn trực thăng và 2 phi đoàn khu trục. Tướng Nhân lo chỗ ăn ở cho 4 phi đoàn này và trình cho tôi một kế hoạch để sử dụng những lực lượng tăng phái này.
Thứ tư, quan trọng nhất, Việt cộng đã biết đánh nghi binh suốt mấy tháng qua để dụ mình thì mình cứ để cho nó… dụ. Đại tá Long Công binh cho tăng cường xây thật nhiều công sự phòng thủ ở Kontum, và anh Tài, anh cho 2 liên đoàn Biệt Động của anh cứ tiếp tục hành quân lục soát dữ dội ở phía bắc Dakto để cho chúng nó tưởng rằng nó dụ được mình. Tất cả các lực lượng đang hành quân lục soát ở phía Nam Ban Mê Thuột của Sư Đoàn 23 cho rút về hết để chờ lệnh mới.
Thứ năm, trong vòng một tuần lễ, các tiểu đoàn Địa Phương Quân của các tiểu khu Pleiku, Bình Định, Ninh Thuận và Bình Thuận sẽ trở thành lực lượng chính để bảo vệ lãnh thổ mình. Tôi sẽ đưa tất cả quân số của hai sư đoàn 22 và 23 và các liên đoàn Biệt Động Quân lên Ban Mê Thuột để chuẩn bị cho trận đánh sắp tới.
Thứ sáu, anh Vân cho bí mật thiết lập một bộ chỉ huy tiền phương của Quân Đoàn tại thành phố Ban Mê Thuột cho tôi. Chính tôi sẽ về đó để chỉ huy trận này…
Tướng Phú dừng lại ở đây một chút, rồi ông tiếp tục, mắt long lên:
– Mình sẽ thiết lập một lò thịt sống để chờ chúng nó. Mất 20 năm nhưng cuối cùng tôi vẫn trả thù được trận Điện Biên Phủ…
Ngồi xen lẫn với khoảng chừng 30 ông tá và 4 ông tướng ở phía dưới, mặt mũi Đại tá Phùng cùng Trung tá Khiếu trở nên rạng rỡ. Riêng đại tá Phùng, trong đầu ông vừa nẩy ra một ý nghĩ táo bạo khác. Khi lập kế hoạch, ông sẽ đề nghị tướng Phú cho Lôi Hổ nhảy xuống phía sau khu tập trung quân để hướng dẫn phi cơ oanh kích. Chỉ có Lôi Hổ bám sát chúng nó thì mới oanh kích chính xác được. Và không phải oanh kích ngay bây giờ mà chờ cho đến khi chúng nó sắp sửa tấn công, khi chúng nó tập trung quân số lại mới làm. Một trái bom thả ở giờ phút này có giá trị bằng mười trái bom lúc bình thường…
Buổi họp hôm ấy chấm dứt vào lúc 7 giờ chiều ngày 24 tháng 12 năm 1974. Sau buổi họp là buổi dạ tiệc và khiêu vũ Giáng Sinh do Quân Đoàn II khoản đãi. Tất cả mọi người,từ ông tướng Phú cho đến ông đại úy Quận Trưởng, ai nấy đều hả hê vui vẻ. Riêng Tướng Phú thì khỏi nói. Ông không ở lâu trong một nơi ngộp khói thuốc được nhưng chưa bao giờ có ai nhìn thấy ông vui vẻ như vậy kể từ lúc về nắm Quân Đoàn II. Trước khi ra về, ông đến vỗ vai đại tá Phùng:
– Toa hay lắm, moa cám ơn toa rất nhiều.
– Thưa Thiếu Tướng, tôi chỉ làm bổn phận.
– Très bien, xong trận này thì công của toa nhiều nhất đấy. À, đại úy Huân, moa định móc Thiếu Tá cho nó, toa nghĩ thế nào?
– Trình thiếu tướng, tôi cũng tính đề nghị với thiếu tướng như vậy. Nếu Thiếu tướng móc Thiếu tá cho Đại úy Huân, đề nghị thiếu tướng cho mỗi người trong toán lên một cấp luôn.
– Coi như xong, moa sẽ nhớ chuyện này. Thôi ở lại chơi vui vẻ… Joyeux Noel…
– Joyeux Noel Mon Général…
Đại tá Phùng đứng nghiêm chào. Tướng Phú cùng người sĩ quan tùy viên bước ra khỏi phòng. Cây gây chỉ huy trong tay ông ta đánh lên đánh xuống một cách trẻ trung và vui vẻ…
° ° °
Sau chuyến công tác thành công, Huân được thưởng một tuần phép vào dịp lễ Giáng Sinh. Trước khi chia tay lên đường đi Pleiku họp với tướng Phú, đại tá Phùng gọi Huân vào văn phòng chúc mừng, vẻ mặt ông hân hoan, phấn khởi:
– Tướng Phú đã đồng ý với tụi mình rồi. Như vậy là Ban Mê Thuột sẽ giữ được. Công của anh trong vụ này sẽ không nhỏ.
Huân cũng không giấu được vẻ vui sướng trên nét mặt:
– Đó là công chung của chiến đoàn chứ đâu phải riêng gì tôi Đại tá. Nhưng nếu trời còn thương nước mình thì Ban Mê Thuột sẽ vững như bàn thạch…
Đại tá Phùng chợt nhìn Huân đăm đăm. Làm gì mà Huân không nhận ra được ánh mắt này? Chàng cười:
– Đại tá sắp có công tác mới cho tôi?
– Anh đeo đại úy mấy năm rồi?
– Hơn một năm nhưng thực thụ thì mới 6 tháng. Đại tá muốn thay lon cho tôi?
– Anh… dám đeo lon Thiếu tá không?
– Tôi nhát lắm nhưng nếu có ai gắn cho mình thì cũng làm gan đeo thử.
Hai người bật cười lên. Đại tá Phùng lại tiến tới tấm bản đồ, chỉ vào khu Bù Gia Mập:
– Đi phép về, anh cùng với đại úy Tú trưởng ban III Chiến Đoàn soạn cho tôi một kế hoạch nhảy liên tục, bám thật sát vào chúng nó. Nếu biết được vị trí đóng quân chính xác, Không Quân có thể tiêu diệt gọn một nửa lực lượng của chúng trước khi chúng bắn được một phát súng. Phần còn lại để dành cho bộ binh mình. Ông tướng Phú đang nấu sẵn một cái chảo nước sôi lớn để chờ chúng nó vào. Mình sẽ luộc sống không còn một mạng.
Huân gật đầu phấn khởi:
– Coi như xong đại tá, nghề của bọn tôi mà.
– Tốt. Bây giờ, anh về nghỉ Noel cho vui vẻ… Có lẽ tôi sẽ bị kẹt khoảng 1 tuần lễ ở Pleiku để thiết lập kế hoạch phòng thủ Ban Mê Thuột, khi anh hết phép trở về chắc tôi cũng về tới, vào văn phòng gặp tôi để nhận chỉ thị liền. Mình không có nhiều thì giờ.
Huân gật gù cái đầu.
– Anh ráng lợi dụng kỳ phép này để dưỡng sức vì khi trở lại, chúng mình sẽ có rất nhiều việc để làm. Cho đến khi nào dập xong tụi nó, mình ngủ chưa nhắm mắt được.
– Tôi hiểu Đại tá!
Đại tá Phùng lờ luôn cái vụ thay lon và Huân cũng chẳng muốn nhắc đến. Không phải Huân… chê cái bông mai bạc nhưng đầu óc chàng lúc ấy đang bị xâm chiếm bởi một chuyện quan trọng hơn: Làm thế nào để bám sát chúng nó và chỉ điểm chính xác cho Không quân tiêu diệt. Tiêu diệt trước khi chúng mò được tới Ban Mê Thuột…
Một tuần lễ phép nhân ngày Giáng Sinh trôi qua êm ả. Huân và Diễm sống với nhau những ngày thật đầm ấm, hạnh phúc. Cuối cùng thì chàng cũng thuyết phục được Diễm rời khỏi Ban Mê Thuột sau lễ Giáng Sinh để tránh cuộc binh đao sắp sửa xảy ra. Diễm chịu đi nhưng mẹ nàng nhất định ở lại. Diễm có nhiều bạn bè ở Nha Trang nên việc “tị nạn” cũng coi như một cuộc nghỉ mát nhỏ…
Sáng hôm hết phép, Huân lái xe díp vào trại. Diễm ở nhà lo sắp xếp và dọn dẹp đồ đạc. Hai người sẽ sống với nhau một đêm cuối cùng trước khi Huân đưa Diễm lên trực thăng về Nha Trang.
Buổi sáng, Diễm về ở nhà với mẹ nàng. Mẹ đưa cho Diễm mấy lượng vàng để phòng thân. Buổi chiều, Diễm về nhà tiếp tục lo thu dọn đồ đạc…
3 giờ chiều, Diễm vừa nhét xong bức hình của Huân vào vali thì có tiếng xe thắng gấp ngoài cửa. Diễm ngạc nhiên nhìn ra và thấy Huân cùng một người sĩ quan Lôi Hổ khác từ trên xe bước xuống…
Nhìn hai người, Diễm ngạc nhiên đến độ sợ hãi vì nàng chưa bao giờ thấy Huân hung dữ như vậy. Cả người bạn chàng cũng vậy. Mắt chàng ngầu đỏ, tóc tai rối bù.
Như thường lệ, Diễm đứng trên gác nhìn xuống, mỉm cười và vẫy tay chào nhưng Huân nhìn thấy mà không thèm đáp lễ. Diễm mơ hồ đoán ra rằng người yêu mình đang bị một chuyện gì bực mình lắm…
Lúc hai người xuống xe bước vào thì có con mèo đen phóng lên chiếc xe díp ngồi. Con mèo này vẫn đến như thường lệ nhưng không hiểu sao hôm nay Huân lại thấy ngứa mắt. Chàng nhìn thấy thì liền đứng lại, chửi thề, bảo:
– Đù mẹ cái giống mèo đen này thật là xúi quẩy, không bắn mày thì để làm gì?
Huân quay lui. Nhanh như cắt, một tay chàng chụp cổ con mèo đưa lên cao, tay kia móc cây Colt .45 trong bụng ra kê vào giữa hai con mắt xanh lè của con vật bóp cò oành một phát. Máu óc và sọ con mèo đen bay tuốt lên cao rồi rớt lả tả xuống đường.
Từ trên lầu, Diễm rú lên một tiếng thảm thiết…
Hai ba người hàng xóm nghe tiếng súng nổ, bung cửa chạy ra. Một trong những người đó là một gã cảnh sát, mặt mày coi khó chịu thấy rõ. Gã đang mặc áo thun liền quay trở vào khoác chiếc áo cảnh sát vào rồi hùng hổ xông ra, tay chỉ, miệng nói:
– Anh… Đại úy kia, sao lại nổ súng bừa bãi thế? Anh tưởng đây là đâu? Tôi phải gọi Quân Cảnh mới được…
Người bạn của Huân rít lên một tiếng, toan xông tới nhưng Huân làm dấu cản hắn lại. Chàng xoay người đưa mắt nhìn người cảnh sát.
Cái nhìn của một ông Đại Úy Lôi Hổ, một tay còn cầm con mèo đen máu nhỏ từng giọt, tay kia còn thủ cây Colt .45 quả có thần lực đặc biệt. Chỉ một cái nhìn đơn giản vậy thôi mà gã cảnh sát đã mất hết hồn vía, mặt mày tái mét.
Dưới cặp mắt thất thần của gã, chàng lù lù tiến tới phía gã, chẳng nói chẳng rằng. Gã cảnh sát lúc ấy mới biết mình vừa hơi… quá lời, đưa cặp mắt tuyệt vọng nhìn Huân như chờ đợi hình phạt sắp đổ xuống đầu mình.
Cũng chẳng thèm nói năng, Huân nhét con mèo đẫm máu vào tay gã ta rồi đứng yên… nhìn. Gã kia sợ quá, không nói năng gì được, mặt méo đi thảm hại. Huân đưa nguyên cái bàn tay còn dính đầy máu mèo chùi vào ngực gã, rồi quẹt mấy cái lên mặt:
– Tập ăn thịt mèo cho quen đi là vừa, mai mốt Việt Cộng nó vào đây thì cả thành phố này phải ăn thịt mèo.
Rồi Huân quay gót, nhét cây súng vào bụng mình, bình thản tới chỗ rô bi nê rửa tay.
Huân mở cửa phòng bước vào. Diễm đứng nhìn sững Huân và không biết phải nói gì. Từ ngày quen nhau, nàng chưa bao giờ nhìn thấy Huân hung dữ như vậy. Nhưng nhìn ánh mắt ngầu đỏ đầy uất hận của hai người sĩ quan trẻ, Diễm biết họ vừa gặp phải một chuyện gì rất bực mình hay đau đớn.
Huân chỉ nhìn Diễm chứ không cười, không chạy đến hôn nàng như mọi lần:
– Đây là Tú, bạn anh.
– Xin chào chị.
– Không dám, chào anh.
Rồi hai người ngồi xuống bàn. Đại úy Tú lấy chai Martel cầm theo ra, mở nắp. Huân lật ngửa hai cái ly.
Hai người lính trẻ uống rượu trong im lặng, bốn con mắt ngầu đỏ, bắn ra những tia lửa tuyệt vọng và uất hận. Hết ly này đến ly kia, không ai nói với ai một lời nào.
Diễm ngồi nhìn hai người một lúc, đứng lên bảo “Để em đi mua khô mực” rồi bỏ xuống nhà. Huân không thèm nói năng gì. Nàng xin lỗi người cảnh sát lúc nãy rồi ra đầu hẻm mua mấy con khô, một ít nước đá.
Lúc Diễm trở về thì chai rượu đã gần cạn. Diễm nướng mấy con khô mực. Tự nhiên, nước mắt nàng ứa ra. Nàng đưa vạt áo lên chùi nước mắt rồi bảo “Khói quá”.
Diễm lấy cán dao đập mấy con khô rồi bỏ vào đĩa, để trên bàn. Lúc ấy Huân mới chịu mở miệng, nhìn nàng:
– Em ngồi đây, anh có chuyện muốn nói.
Nhà chỉ có hai cái ghế, Diễm đành ngồi trên giường.
– Ngày mai em đi?
– Vâng.
– Em có quen ai ở Sài Gòn không?
– Có, bên nội. Sao anh hỏi vậy?
Huân thở dài:
– Anh nghĩ em về Nha Trang rồi phải tìm đường về Sài Gòn luôn.
Diễm hốt hoảng:
– Sao vậy anh?
Huân lắc đầu, nói như khóc:
– Ông tướng Phú hủy bỏ kế hoạch phòng thủ Ban Mê Thuột rồi. Vậy là xong. Thành phố này sẽ chìm trong cơn Đại Hồng Thủy của máu lửa và bom đạn. Ban Mê Thuột sẽ chẳng bao giờ còn như xưa nữa.
– Nhưng tại sao lại hủy bỏ? Hủy bỏ hồi nào?
Huân lắc đầu tính không nói nhưng không hiểu sao lại trả lời:
– Hai ngày sau Noel… Một phái đoàn của dinh Độc Lập gồm báo chí và chuyên viên tình báo Mỹ của DOA lên Pleiku thăm ông Phú. Nhà báo Phạm Xuân Ẩn, “cố vấn đặc biệt” của Tổng Thống và các “thiên tài tình báo” Mỹ thuyết phục được tướng Phú là Việt cộng sẽ không đánh Ban Mê Thuột mà đánh Pleiku…
Rồi Huân lại lắc đầu, nâng ly rượu lên uống cạn. Tú rót thêm rượu vào ly. Diễm còn muốn hỏi nữa nhưng hình như Huân không còn muốn nhắc đến chuyện ấy nữa. Chàng bảo:
– Em phải về Sài Gòn. Nếu mẹ không đi thì em về một mình. Đây là cái địa chỉ nhà anh, em nhớ lấy.
Diễm đứng dậy tới sát bên Huân:
– Còn anh thì sao?
– Nếu trời còn thương, mình sẽ gặp nhau…
Diễm gào lên, đau đớn:
– Anh nói vậy nghĩa là sao?
– Đừng bắt anh nói gì nữa Diễm ạ. Anh cũng chẳng hứa hẹn được gì. Đừng quên một điều quan trọng là anh là một người lính. Anh còn có bổn phận của anh.
Diễm thẫn thờ, đứng nghệt mặt ra. Hạnh phúc mới vừa đó mà đã bay vút đi. Huân đưa tay nắm tay Diễm, vuốt ve gò bàn tay, cúi đầu xuống. Giọng chàng thật mềm mại và thật ấm:
– Anh chỉ nói được một điều trong lúc này là anh yêu em, anh sẽ yêu em mãi mãi…
Kể từ khi quen nhau, Diễm chưa bao giờ thấy mình thật gần Huân mà lại thật xa Huân như lúc này. Nàng mơ hồ mường tượng ra rằng, chia tay lần này, chắc sẽ không còn bao giờ còn gặp nhau nữa. Diễm nhẹ nhàng rút tay ra khỏi tay Huân, gạt nước mắt rồi bỏ ra ngoài ban công đứng nhìn xuống đường. Huân nhìn theo, cặp mắt như ngây dại. Chàng lắc đầu, nghĩ thầm rằng trời sinh mình ra để bị đàn bà làm khổ và làm khổ đàn bà. Ai gặp mình rồi cũng khổ cả, dù có tình yêu hay không.
Huân quay mặt lại, mồi lửa một điếu thuốc, nói với Tú:
– Thôi uống đi mày! Phần số nước mình nó như vậy rồi, có lo lắng cũng chẳng làm được gì. Bọn mình phải chuẩn bị để chết. Nhưng dù có chết đi nữa thì mình cũng tự an ủi được một điều là mình đã làm hết bổn phận mình… Xuống dưới suối vàng, thằng nào lạng quạng mình… đá thấy mẹ.
Nụ cười nở nhạt trên môi Tú rồi tắt đi ngay. Chàng nâng ly nhưng lại bỏ xuống, cất giọng buồn buồn hỏi:
– Mày nhớ bọn thằng Thành thằng Xú không?
– Nhớ, chết trận An Lộc. Sao mày hỏi vậy?
– Không ngờ rằng rốt cục, tụi nó chết trước mà lại sướng hơn mình. Chúng nó còn được thiên hạ lập mộ chí và được nhân dân miền Nam nhớ đến qua hai câu thơ: “An Lộc Địa Sử Ghi Chiến Tích, Biệt Kích Dù Vị Quốc Vong Thân”… Riêng bọn mình, sau trận Ban Mê Thuột này thì chỉ mong mỗi đứa có được một nấm mộ cho đỡ tủi thân mà thôi…
– Nhằm nhò gì, chết là hết. Uống đi mày, “Túy ngọa sa trường quân mặc tiếu, Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi…”
Trường sơn Lê Xuân Nhị