Ông Thành xuất thân là một quân nhân, nhập ngũ từ năm mới hai mươi tuổi. Đất nước chiến tranh tuổi thanh niên đa số dấn thân vào con đường binh nghiệp, dù chẳng ham gì cảnh cốt nhục tương tàn, nhưng khổ thay cây muốn lặng mà gió chẳng chịu ngừng. Muốn hòa bình phải có chiến tranh, định mệnh đưa đẩy khiến toàn dân đều chịu chung số phận nghiệt ngã của một đất nước bị phân chia kéo dài 20 năm đằng đẵng. . .
- Hơn mười năm lính, bao lần xông pha trận mạc, trôi nổi sống chết với đồng đội chiến hữu của mình trên khắp các chiến trường miền Đông, rồi lại chuyển qua miền Tây. Mỗi nơi mỗi vẻ, nhưng in đậm trong trí nhớ của ông Thành là chiến trường miền đông, vùng chiến địa đôi khi lại là một cánh rừng thưa mà mỗi độ Xuân về, mai rừng nở hoa bát ngát mênh mông một màu vàng rực rỡ. Ông Trời trớ trêu đem cái đẹp của rừng mai lúc sang Xuân, lồng vào nỗi buồn ray rứt của khói lửa binh đao, khiến lòng người lính trận thắt lại mênh mang khi ngắm hoa nở trên đầu súng. .Những năm xa gia đình, ăn Tết trên rừng với hoa mai vàng óng ả đã ghi đậm trong lòng ông Thành một bức tranh tuyệt vời trong đời quân ngũ. Tết trên rừng nơi vùng hành quân nào có gì , nếu không nhờ những cánh mai vàng hồn nhiên rung rinh hé nở trong nắng sớm, và chút se sắt của gió Xuân làm thổn thức con tim người lính trận. Xa vợ con, xa gia đình, xa phố thị bình yên, những buổi chiều nơi vùng trú quân năm nào im tiếng súng, thân phận người lính trận có gì vui khi được lai rai ly rượu đế, món thịt rừng và con khô nướng, để nhớ về không khí ấm cúng của gia đình, và những buổi chiều Xuân nhộn nhịp, an bình nơi thành phố. Ông Thành đã có nhiều năm ăn Tết ở đơn vị với chiến hữu, đã quen dần với những mùa Xuân xa nhà, cho đến năm ấy sau một lần hành quân đụng nặng cấp tiểu đoàn, ông bị thương nặng ngất đi vì mảnh đạn pháo dập đứt lìa một chân, và bao nhiêu mảnh nhỏ ghim vào thân thể
- Thế là giã từ vũ khí, giã từ nếp sống nhà binh rày đây mai đó, ông làm người phế binh an phận bên lề cuộc chiến, đời sống tương đối được ổn định nhờ người vợ hiền tần tảo buôn bán nuôi con. Lúc nghĩ đến chuyện mua một căn nhà để có một chỗ ở cố định, ông Thành chống nạng đi lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm, mãi mới ưng ý một dẻo đất gần bờ sông, uốn cong theo thế đất để đi vào một con rạch nhỏ. Ông tính toán thú điền viên cho mình ở cái tuổi chưa già nhưng xem như đã phế thải với cuộc đời, thôi thì một căn nhà tôn vách ván, sân trước sân sau cũng rộng rãi thoáng mát, nuôi con heo con gà quanh quẩn với vườn rau, bù vào đồng lương khiêm nhượng của một thương phế binh, cộng thêm bà vợ tần tảo chăm làm đời sống cũng không đến nỗi.
- Tuy giã từ vũ khí, chấp nhận đời sống êm ả của một cảnh đời tàn phế vì chiến tranh, ông Thành thường nhiều lần trở lại trong mơ quãng đời của người lính trận, mỗi lần ngồi tần ngần nhìn dòng nước chảy ông miên man nhớ lại những khuôn mặt bạn bè, chiến hữu một thời của mình với nỗi nhớ nhung, thương yêu đằm thắm. Tuy đã xa rồi chiến trường xưa, bạn bè thời quân ngũ nhưng trong lòng ông vẫn vọng về những kỷ niệm in hằn trong trí nhớ, nhớ nôn nao chén rượu cay, con khô nướng, ly bia sủi bọt trong cái quán cóc ven đường có cô hàng xinh xinh ở vùng hậu cứ , tiếng cười ngất ngưởng của những Kinh Kha thời đại. Có đi vào chiến tranh, có chia xẻ tận tình với nhau những lần sống chết mới thấm thía được nỗi nhớ ấy như thế nào. Chẳng những thế còn in đậm trong ông nỗi nhớ cánh rừng mai vùng chiến địa năm xưa, khiến ông quyết định mua một dẻo đất vuông vức khá đẹp trong Xóm Hoa Mai để cất một căn nhà làm chỗ an cư lạc nghiệp.
- Vậy là may lắm rồi, khi còn biết bao nhiêu người vợ lính ẵm con thơ chạy theo chồng từng bước trên các nẻo đường chinh chiến với đồng lương cố định ít ỏi, những năm ấy ông rong ruổi một mình như con chiến mã trên dải đường xa, để một mình bà vợ lo toan nuôi đám con ăn học . Chẳng biết cái tên Xóm Hoa Mai có tự bao giờ, nhưng đặc điểm của xóm là nhà nào cũng trồng một, hai cây hoa mai ở sân trước, bên hiên nhà lẫn trong bóng của cây mận, cây dừa. Vì thế khi xuân về từ đầu xóm đến cuối xóm, nhà nào cũng có hoa mai vàng rực rỡ trên cây và thảm hoa rụng đầy trên mặt đất. Ông Thành đi kiếm đất cất nhà vào mùa Xuân năm ấy bỗng như lạc vào rừng hoa mai ở chiến trường xưa thuở nào. Người chủ đất biết được cái thích của ông Thành nên vì thế miếng đất khá cao giá hơn chỗ khác, ông cũng biết vậy nhưng nếu so với cái hạnh phúc của người tìm được điều mình thích thì giá ấy chưa phải là đắt.
- Khi cất xong ngôi nhà đơn sơ với số tiền do bà vợ đảm đang dành dụm trong nhiều năm buôn tần bán tảo, cả nhà cảm thấy đã an cư lạc nghiệp. Trên mảnh đất ấy đã có sẵn vài cây dừa và hai cây mận, đủ làm bóng mát ban đầu cho căn nhà ven sông thêm thơ mộng, và ở vườn sau thả thêm một đàn gà, nuôi hai con heo, cộng thêm vài con vịt xiêm ồn ào đi đi lại lại rồi nhảy xuống mương lặn lội cũng vui vui. Việc đầu tiên là ông Thành đi lùng mua một gốc mai quý để trồng ở sân trước. Chưa tìm được thì một sáng kia, đang loay hoay với cái hàng rào bông bụt trước sân ông nghe có tiếng gọi quen quen:
- – Ông thầy!
- Ông ngửng lên nhìn nhưng đôi mắt vì chói ánh mặt trời nên nhìn chưa rõ, để rồi khi nhìn ra, ông suýt làm rơi cái nạng xuống đất, mừng rỡ nhận ra tiếng nói quen thuộc của người lính đàn em cùng đơn vị năm xưa. Đôi con mắt nhìn nhau rươm rướm lệ, nhìn người đàn em về phép với bộ chinh y còn bám bụi đường xa, khuôn mặt hằn lên những gian khổ chiến trường khiến ông chỉ muốn khóc. Ông hỏi, ngỡ ngàng biết bao khi thốt lên mấy tiếng thân thương của một người đàn anh cùng đơn vị thuở nào:
- – Ôi! Chú mày! Sao biết anh ở đây mà tìm?
- Người lính trẻ toác miệng cười vô tư:
- – Em hỏi thăm thì biết. Sẵn dịp về phép, ghé thăm ông Thầy và mang về một món quà ở chiến trường xưa. Ông thầy có nhớ khu rừng mai hồi xưa mình đụng lớn ở đó không? Vừa rồi đi qua đó, thấy có loài mai quý em vội bứng cây mai này để dành tặng ông Thầy làm kỷ niệm. Cây này khỏe, xem nhỏ vậy nhưng cũng già rồi, em chăm nó kỹ lưỡng đợi khi có phép mới mang về được đây. Ông thầy chịu khó chăm nó độ mùa Xuân năm sau là hy vọng có bông chưng Tết.
- Ông Thành cảm động nói không nên lời, ôi tình huynh đệ chi binh tưởng chỉ có được thời gian còn tại ngũ, trong sách vở và mấy bản nhạc bốc thơm đời lính, hóa ra nó không phải là những lời hoa mỹ trên đầu môi chót lưỡi, uốn éo trên môi miệng nhũng cô ca sĩ. Chẳng có gì quý hơn khi mình tặng cho người khác món quà mà người ta đang mơ ước, mong đợi, cây mai rừng của người lính trẻ đối với ông Thành quý còn hơn vàng bạc. Lúc khề khà ly bia sủi bọt với người lính cũ, anh ta ngà ngà say chỉ vào dúm đất ôm lấy gốc mai xanh mướt, nói với ông Thành:
- – Cái nhúm đất ở gốc mai này có khi cũng đã nhuộm máu binh lửa đó ông thầy à. Hổng biết sao chứ em mơ hồ là nó sẽ gắn liền với ông thầy hết cuộc đời trong cái mảnh sân và căn nhà này đó. Hễ ngày nào đó thấy mai nở, ông thầy sẽ nhớ đến em, cho dù em còn sống hay chết…
- Ông Thành mắng yêu người lính trẻ mà đôi mắt ông sao ướt nhòa như trời mưa:
- – Bậy nà! Khi nào về phép nhớ ghé thăm anh nghe …
- Người lính trẻ giã từ ông thầy cũ của mình rồi trở ra đơn vị, để lại cây mai quý mọc lên từ cánh rừng khói lửa miền Đông. Cây mai cứ thế lớn nhanh như thổi, vì ông Thành chăm sóc nó còn hơn mẹ chăm con mọn. Không biết sao từ đấy, những lúc vui, buồn quanh quẩn bên cây mai với đôi nạng gỗ, ông Thành dường như thấy lòng mình ấm hẳn lại. Ông gửi lại chiến trường một phần thân thể của mình, có khi chính những dòng máu của ông và bao người lính đã loang chảy và thấm sâu xuống lòng đất ấy, để hội tụ vào những gốc mai trong cánh rừng thưa nở hoa vàng mỗi độ Xuân về, gom lại thành một thứ tình đồng đội khó nguôi ngoai.
- Những sớm mai khi thức dậy, những buổi chiều gió hiu hiu từ bến sông phả vào khu vườn nhỏ tiếng lá reo, đã thấy bóng ông lom khom với đôi nạng gỗ bên cây mai, lắm khi cao hứng ông còn hát một mình :
- – Người về, người về nay đã cụt chân Máu đào, máu đào đã thấm trên thây bao nhiêu quân thù …u ù, một ngày chinh chiến mùa thu…
- Cây mai lớn nhanh theo cái tình đằm thắm thương yêu của người thương phế binh đã một thời xả thân trên chiến trường cũ.
- Nó chẳng phụ công ông chăm sóc nên mùa Xuân năm sau cây đã đơm những bông hoa đầu tiên, tám cánh vàng tươi rung rung trong nắng sớm, khác nào nụ cười xinh xinh của các cô em gái hậu phương thuở ấy. Không có ngòi bút nào diễn tả hết được nỗi vui của người thương binh chống nạng đứng ngẩng nhìn những đóa mai vàng tám cánh rung rinh trong nắng sớm, nhìn nó ông Thành lại nghĩ đến hình ảnh người đàn em có cái miệng cười thật tươi khi đến thăm ông lần về phép năm trước.
- Để rồi vô tình có ngày ông Thành bỗng phát hiện ra mọi buồn, vui trong đời ông hình như đã được cây mai báo trước mà sau khi chuyện xảy ra, ông mới thấy được sự kỳ lạ ấy. Hai năm sau, một đêm mùa hè ông Thành không ngủ được, trời đêm ấy có trăng nhưng lặng gió, ông quanh quẩn thả ra gốc mai rồi lại quay vào ngồi trước hiên nhà hút thuốc.
- Đêm khuya rồi mà vẫn khó ngủ, ông vào nhà ghé mình lên chiếc phản gỗ nhưng vừa đặt mình xuống và lơ mơ đi vào giấc ngủ, ông nghe như từ cây mai có tiếng chuyển động của những bước chân, y hệt tiếng xê dịch của những gót giày nhà binh mỗi lần chuyển quân. Từ chỗ gốc mai tự nhiên gió nổi lên lồng lộng khiến cây lá rì rào, thì thào với nhau giữa canh trường. Không biết thức hay ngủ giữa cơn mộng mị, ông Thành nhác thấy người lính trẻ đàn em tặng mình cây mai năm nào đang đứng tựa cành mai, dưới ánh trăng mờ anh ta toác miệng cười với ông, nụ cười thân thương của người đàn em khiến ông mừng quá quơ đôi nạng định chạy ra ôm lấy người chiến hữu của mình. Ngay khi ấy ông chợt tỉnh, thì ra đấy chỉ là một giấc mộng. . .
Ông Thành tỉnh hẳn rồi không ngủ lại được, hoặc có ngủ thì cũng chỉ chập chờn nửa tỉnh nửa mê chờ sáng. Linh tính cho ông biết có chuyện gì …xảy đến với thằng đàn em dễ thương của mình, như câu dặn dò của hắn trước khi chia tay, trong lúc ngà ngà men rượu: - – Một ngày nào đó mai nở, ông thầy sẽ nhớ đến em, dù em còn sống hay đã chết…
- Từ hôm ấy sau giấc mộng kỳ lạ giữa đêm trăng, bóng hình người lính trẻ cứ mãi chập chờn trong tâm hồn người đàn anh khiến ông Thành khắc khoải một nỗi mong đợi khôn nguôi. Không chịu được nỗi buồn u uẩn đó, ông Thành viết thư thăm người bạn cũ cùng đơn vị năm xưa, hỏi thăm đàn em mới biết tin người lính trẻ tặng ông cây mai quý đã biền biệt ra đi đúng vào khoảng đêm trăng mùa hè hôm ấy.
- Từ ngày ấy người trong nhà thấy khi trời nhập nhoạng chiều, gió se sắt thổi từ bờ sông phả vào sân trước là ông Thành lặng lẽ cặm ba cây nhang dưới chân cội mai, nơi cái nhúm đất con con mà người lính đã mang về từ chiến trường xưa dưới gốc cây, đôi mắt ông đau đáu một nỗi buồn dịu vợi. . Hôm đầu tiên nghe tin người đàn em đã tử trận, ông Thành ngơ ngẩn suốt buổi chiều cạnh gốc mai lá xanh mươn mướt, lúc nào ông cũng chỉ muốn khóc. Khi cặm những cây nhang xuống đất, ông bật lên khóc rưng rức, rồi vu vơ mắng yêu vào cái khoảng không trống trải của hư vô:
- – Mồ tổ bây, còn trẻ vậy mà sao đi vội thế!
- Mùa Xuân tiếp nối mùa Xuân, người thương binh giờ đây già đi với mái tóc muối tiêu và khi gió trở mùa, những vết thương cũ ê ẩm làm ông khó ngủ hơn. Vẫn chỉ có cây mai làm bạn để ông hát vu vơ bản nhạc cũ:
- Người về, người về nay đã bị thương
Nhưng lòng vẫn nhớ, người ơi biên cương xa vời, ơ hờ
Người về nay đã bị thương…. - Cây mai bây giờ đã thành cội, tính theo tuổi đời kể từ ngày người lính đem về tặng ông đến nay thì nó đã được sáu tuổi, mỗi độ Xuân về hương sắc càng rực rỡ theo tuổi dậy thì của cô con gái ông Thành đang bước vào tuổi mộng mơ.
- Ông Thành có thêm niềm vui lúc Xuân sang, một lũ bạn học cùng lớp của con gái ríu rít chen nhau đứng chụp hình dưới gốc mai, cô nào cũng khoe nụ cười hàm tiếu. Chuyện ấy làm ông liên tưởng đến mỗi lần hành quân về thành phố, người hậu phương đến thăm lính trận từ chiến trường xa mới về choàng vòng hoa chiến thắng. Mấy thằng đàn em của ông khi xung trận lì lợm ghê, vậy mà khi đứng trước giai nhân, lúng túng vụng về chỉ biết nhe răng ra cười, đúng là ” chí lớn trong thiên hạ, không đựng đầy đôi mắt giai nhân”.
- Mùa Xuân năm ấy ông Thành vẫn lắng nghe trong đêm tiếng đại bác ì ầm từ xa vọng về thành phố, ánh hỏa châu lơ lửng giữa đêm đen, chiếc máy bay trực thăng bắn ra những tia lửa đỏ rực ở vùng ngoại ô, và bản tin mỗi ngày đọc sao nghe nặng nề hơn trong lòng người lính cũ. Ông thầm nghĩ, mình an phận rồi dù có gửi lại chiến trường cái chân và những mảnh đạn ghim vào người vẫn còn ê ẩm lạ, nhưng sao chưa thấy năm nào mùa Xuân sắp đến mà trời đất lại buồn như năm nay. Trước Tết ông Thành đã chọn ngày lặt lá mai, pha mấy chậu nước ấm tưới vào gốc mai để thúc cho hoa nở đúng kỳ hạn. Chẳng bao giờ ông Thành cắt một cành mai để chưng trong nhà hay tặng cho bằng hữu anh em dù thân tình cách mấy.
- Ông quan niệm phải giữ trọn vẹn tất cả những gì của cành mai, như lúc nào ông cũng trân trọng linh hồn của người đàn em, mà chẳng những thế cả cái nhúm đất con con mang theo gốc mai của người lính trẻ đã chết đem về, ông cũng muốn nó còn tồn tại mãi trong mảnh sân này, chỉ ở mảnh sân này mà thôi . . .Cũng như mọi năm cây mai ra nụ rất nhiều, nụ lớn nụ bé chen nhau trên cành chỉ còn thưa thớt ít lá đẹp làm màu xanh cho cây, cả nhà ai cũng tấm tắc mong đợi khi chiều ba mươi Tết các nụ hoa đã mơn mởn lên chúm chím chờ hé nhụy. Hình như đối với ông Thành thì chỉ có cây mai này mới hoàn toàn đem mùa Xuân đến cho ông, với một nỗi niềm riêng gửi gấm vào đó mà không cần ai hiểu, chiều ba mươi Tết cây mai vẫn hứa hẹn một vẻ đẹp mãn khai cho ngày đầu Xuân đầy hy vọng.
- Nhưng không thể ngờ, định mệnh như một bàn tay tai quái thổi cơn gió hung tàn vào cái đêm cuối cùng của một Năm, giờ giao thừa đã qua mà gió ở đâu ào ào thổi qua vườn làm ông Thành lo lắng thắc thỏm không yên. Chẳng lẽ không khí chiến tranh hiện diện trong nỗi thống khổ của dân tộc, đã hơn hai mươi năm lại gom thành cơn gió oan nghiệt thổi thốc vào cây mai báo hiệu một mùa Xuân Khổ chia xa , trong gia đình đang bình yên của ông. Cả nhà đã yên giấc khi nửa đêm về sáng, ông Thành lại trằn trọc hồi tưởng đến mùa Xuân trên cánh rừng miền Đông khi ông còn là lính trận, chợt tiếng xào xạc của cây mai sân trước bị gió xoáy vào trong đêm trừ tịch, nghe như âm vang của từng bước chuyển quân năm xưa làm ông rùng mình.
- Chợt nhớ đến khuôn mặt của người đàn em hiện về trong giấc chiêm bao, cũng đêm đó gió ở đâu lồng lộng quay cuồng nơi gốc mai sân trước, ông Thành hình dung ra một sự đổ vỡ mà không định nghĩa được là cho mình hay cho ai. . .Sáng hôm sau ông dậy sớm, vợ ông đã sửa soạn bữa cơm cúng đầu năm trên bàn thờ ông bà tổ tiên, khói hương nghi ngút và trầm trầm một sự tưởng nhớ rất thiêng liêng. Ông Thành đốt mấy nén nhang cắm trên bàn thờ ông bà, rồi đốt thêm ba nén nhang đem ra cây mai để gọi là mừng tuổi đất trời và để tưởng nhớ bạn bè, gọi thầm những hình xưa bóng cũ.
- Từ trong nhà bà Thành nghe có tiếng rơi của chiếc nạng gỗ và tiếng kêu thảng thốt như tiếng khóc khô khốc của ông Thành vọng lên trong buổi sáng đầu Xuân còn mờ hơi sương:
- – Trời ơi!
- Bà Thành chạy ra sân rồi không tin vào mắt mình. Bao nhiêu nụ và hoa đều rụng xuống tả tơi như một tấm thảm trên mặt sân lát gạch đỏ, còn ông Thành thì ngã lăn ra dưới gốc cây lịm đi như một xác chết. Mùa Xuân ấy là mùa xuân năm một chín bảy lăm . . .
- Nguyên Nhung