Đầu năm 1973, Nguyễn Xuân Tường, người bạn thân nhất của tôi, giới thiệu tôi đến ở trong nhà của người bà cô, cô ruột của mẹ cậu ấy, với lý do để dạy kèm cho các con của bà. Đáp lại, ông bà sẽ cho tôi ăn ở. Thực tế, tôi không kèm các em ngày nào vì các em tôi đều học giỏi và có thể tự lo lắng chuyện học hành.
Tết Âm Lịch năm 1973, má phát tiền Tết cho các con và tôi cũng được một phần. Đêm giao thừa, má ngồi coi anh em chúng tôi dùng tiền đó ăn thua xì-dách với nhau. Tôi cầm cái và rất ăn gian. Tiếng cười vang rộn rã. Má cũng cười nhiều. Một trong những ngày Tết năm đó tôi buộc miệng gọi “Má”.
Như giọt nước từ không gian bao la nhẹ nhàng rơi xuống dòng sông để tiếp tục cuộc vận hành, tôi gọi má một cách tự nhiên, không chuẩn bị và cũng chẳng lễ nghi gì. Má rất vui. Ba và các em cũng vậy.
Ra Tết, má hỏi tôi thích gì để mẹ mua cho một món quà. Má không nói nhưng tôi biết đó là quà đánh dấu ngày tôi làm con của má. Tôi thưa với má tôi thích một cây đàn guitar. Má cho tiền và hai đứa, tôi và Tường, xuống đường Hồ Văn Ngà mua đàn. Má cho tôi rất nhiều thứ khác nhưng cây đàn là kỷ vật đầu tiên của má dành cho tôi.
Tháng Sáu, 1981, tôi đi. Tạm biệt má, tạm biệt ba và các em, tạm biệt căn nhà có giàn hoa giấy đỏ ở Hòa Hưng. Giọt nước lại tiếp tục hành trình ra biển.
Đêm cuối ở Sài Gòn là một đêm mưa lớn. Tôi từ bến sông chỉ kịp chạy về để nói ba tiếng “Con đi nghe”.
Ba ngày sau khi đứng nhìn chiếc cầu dây do hải quân Mỹ thả xuống vớt chúng tôi, tôi biết đó là chiếc cầu ngăn cách giữa có quê hương và thiếu quê hương, giữa có mẹ và thiếu mẹ.
Các em tôi lớn, có gia đình và có em dọn ra riêng nhưng như trong bức hình, cây đàn vẫn được treo trên vách như ngày tôi còn ở với má. Má không cho ai và treo đó chỉ để nhìn. Chắc má mỗi ngày đều nhìn cây đàn và giống như tôi luôn trân trọng dấu tích của một nhân duyên huyền diệu giữa hai con người trên thế gian này.
Với nhân duyên, không có mẹ ruột hay mẹ nuôi, không có một khoảnh khắc hay một đời. Tất cả đều đến với nhau, ở lại với nhau và chia tay nhau theo một cuộc vận hành không cùng tận.
Hơn mười năm sau ở Mỹ, sau một lần điện thoại thăm má và nhớ lại tiếng cười của má, tôi viết bài thơ Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười. Tôi không viết để trả ơn. Tình mẹ con là tình thiêng liêng, vượt trên mọi giá trị có thể đo lường:
ĐỔI CẢ THIÊN THU TIẾNG MẸ CƯỜI
Nhấc chiếc phone lên bỗng lặng người
Tiếng ai như tiếng lá thu rơi
Mười năm mẹ nhỉ, mười năm lẻ
Chỉ biết âm thầm thương nhớ thôi
Buổi ấy con đi chẳng hẹn thề
Ngựa rừng xưa lạc dấu sơn khê
Mười năm tóc mẹ màu tang trắng
Trắng cả lòng con lúc nghĩ về
Mẹ vẫn ngồi đan một nỗi buồn
Bên đời gió tạt với mưa tuôn
Con đi góp lá ngàn phương lại
Đốt lửa cho đời tan khói sương
Tiếng mẹ nghe như tiếng nghẹn ngào
Tiếng Người hay chỉ tiếng chiêm bao
Mẹ xa xôi quá làm sao vói
Biết đến bao giờ trông thấy nhau
Đừng khóc mẹ ơi hãy ráng chờ
Ngậm ngùi con sẽ giấu trong thơ
Đau thương con viết vào trong lá
Hơi ấm con tìm trong giấc mơ
Nhấc chiếc phone lên bỗng lặng người
Giọng buồn hơn cả tiếng mưa rơi
Ví mà tôi đổi thời gian được
Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười.
Nhiều ca sĩ hát nhạc phẩm do nhạc sĩ Võ Tá Hân phổ bài thơ nhưng má không thích. Má chỉ thích tôi về hát má nghe.
Má không còn cơ hội để nghe. Má đã qua đời. Tôi sẽ không còn gặp lại má trong cuộc đời đầy trắc trở nhưng sợi nhân duyên không phải vì thế mà đứt đoạn. Thân tứ đại rồi sẽ trở về với tứ đại nhưng tình thương của má sẽ mãi sáng như vầng trăng tròn trên sông Thu Bồn vời vợi.
Tình thương đã, đang và sẽ giúp cho con người vượt qua mọi hố thẳm của hận thù để sống với nhau trong tình nhân loại. Và tôi cũng tin, trong cuộc tuần hoàn biến diệt không cùng, tôi sẽ gặp lại má lần nữa như đã một lần hạnh ngộ trên quê hương Việt Nam.
Trần Trung Đạo