CÂU CHUYỆN VỀ BỨC ẢNH LỊCH SỬ SANG TRANG (Trần Trung Đạo)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2019/12/1-60.jpg

Bức hình bên trái chụp đúng lúc Mikhail Gorbachev vừa đọc xong diễn văn từ chức Chủ tịch Liên Xô và đang khép lại bài diễn văn sau bảy giờ tối ngày 25 tháng 12, 1991.

Bức hình mang ý nghĩa một chế độ độc tài toàn trị kéo dài suốt 74 năm với 20 triệu người bị giết trong các cuộc thanh trừng đẫm máu, đấu tố và lao động khổ sai trong các trại tập trung vùng Siberia, vừa chấm dứt.

Liên Xô có đạo quân hiện dịch 4 triệu 9 trăm ngàn và 35 triệu quân dự bị trong tuổi từ 18 đến 35. Liên Xô có một ngân sách quốc phòng vào thời điểm 1990 đã lên đến 290 tỉ Mỹ kim. Liên Xô vào năm 1986 có tới 45 ngàn đầu đạn nguyên tử.

Trước đó vài năm, ai cũng có thể hình dung ngày Chủ tịch Liên Xô từ chức phải là ngày trọng đại, thu hút hàng ngàn phóng viên báo chí, nhiếp ảnh khắp nơi trên thế giới và hàng tỉ người hội hộp đợi chờ.

Nhưng không. Một phóng viên nhiếp ảnh Mỹ chính thức tham dự cũng không có. Một ngày trôi qua gần như không tiếng động lịch sử nào. Bức ảnh có được cũng gần như một tình cờ vì phái đoàn quay phim của hãng ABC từ Mỹ sang không có ai là phóng viên nhiếp ảnh.

Người chụp bức hình này là nhiếp ảnh gia người Mỹ sinh tại Hong Kong Liu Heung Shing. Ông là phóng viên của hãng AP tại Moscow.

Buổi sáng ngày lịch sử đó, Liu Heung Shing nghe ngóng tin tức và biết đó là ngày Mikhail Gorbachev từ chức nên tìm cách vô điện Kremlin. Mặc dù bị KGB ngăn cấm vào, Liu Heung Shing cũng đã xoay xở vào được.

Khi Mikhail Gorbachev đọc diễn văn, Liu và Tom Johnson của CNN là hai phóng viên duy nhất có mặt trong phòng.

Phóng viên Liu Heung Shing không được phép chụp hình nhưng ông ta biết lịch sử đang sang trang và bằng mọi cách phải ghi lại cho được hình ảnh đó. Ông đặt máy hình đúng vị trí, điều chỉnh khoảng cách, thông số của ống kính chính xác và kiên nhẫn chờ cơ hội.

Khi Mikhail Gorbachev đọc xong, khép lại bài diễn văn là lúc Liu Heung Shing bấm máy.

Bức ảnh độc đáo mang ý nghĩa khép lại một kỷ nguyên sắc máu đó là phần bộ ảnh của AP được trao giải Pulitzer Prize.

Được hỏi đặc điểm nào trong nhiếp ảnh làm ông quan tâm nhất, Liu Heung Shing cho rằng những bức ảnh đại diện cho tiếng nói của con người là ông quan tâm nhất.

Người viết kèm theo bức ảnh Tập Cận Bình vừa đọc xong diễn văn để thấy chế độ CS Trung Quốc cũng vậy, như tảng băng đang tan chảy và mỗi ngày một mỏng dần, yếu dần.

Lịch sử sự sụp đổ của các đế quốc từ thời La Mã đến hiện đại và nay Trung Cộng, đều diễn ra theo một con đường bành trướng và suy thoái giống nhau.

Nhật chiếm Triều Tiên, Mãn Châu hay Tập chiếm Biển Đông cũng học từ một sách bành trướng giống nhau.

Trung Cộng còn trầm trọng hơn vì không phải chỉ mâu thuẫn quyền lợi với thế giới bên ngoài mà còn mâu thuẫn đối kháng thuộc về bản chất bên trong của chế độ.

Giống như Liên Xô 1991, căn bịnh cơ chế của Trung Cộng không thể nào chữa trị bằng các biện pháp vá víu về kinh tế.

“Đổi mới” chỉ kéo dài thời gian tồn tại nhưng không chữa tuyệt được căn bịnh vì con người không chỉ cần ăn.

Không phải nước nhỏ nào cũng phụ thuộc vào các cường quốc. Mười lăm nước trong Liên bang Xô Viết tuyên bố độc lập trước khi Liên Xô chính thức cáo chung vào ngày 25 tháng 12, 1991.

Có những nước chỉ một hai triệu dân như ba quốc gia Baltics đã “thoát Nga” từ 1989.

Họ không nằm chờ trái sung Gorbachev rơi vào miệng. Họ không chờ Mỹ bật đèn xanh. Họ không sống theo chủ nghĩa số phận.

Tương tự, đừng chờ Trung Cộng sụp đổ mà phải nắm bắt mọi cơ hội quốc tế và tận dụng sự suy thoái của chế độ CSTQ để thoát ra khỏi ảnh hưởng của Trung Cộng.

Đảng CSVN vì quyền lợi và quyền lực sẽ tiếp tục bám theo và chết theo Trung Cộng, nhưng những hạt nhân tốt, chăc chắn đang có, trong 90 triệu người Việt Nam phải tìm cách vươn lên và ngày cáo chung của chế độ độc tài CSVN sẽ đến.

 Trần Trung Đạo