(câu chuyện chỉ là để tôi gửi vào những tấm ảnh tôi chụp về Biển)
Từ khi gia đình đổ vỡ, Ngọc sống trong tâm trạng chán chường và buồn bã, đời sống mất hẳn ý nghĩa nếu như bên nàng không còn hai đứa con an ủi. Cho đến năm nay đứa con gái út đi học xa, căn nhà hình như bỗng rộng thênh thang, đầy ắp bóng tối khi Ngọc chỉ còn lại một mình. Ngoài giờ đi làm, Ngọc thường quanh quẩn ngoài khu vườn sau, vun bón, xới tỉa những luống hoa, rau cỏ trong vườn để tạm quên đi nỗi ngậm ngùi của người đàn bà cô đơn.
Lá thư của chị Hà gửi từ thành phố biển, mang cho Ngọc chút ấm áp, khi chị đề nghị mùa hè năm nay, Ngọc thu xếp tới chơi với gia đình chị ít lâu cho thanh thản tâm hồn. Hai đứa con còn đi học nhưng dường như cũng có cuộc đời riêng, bởi vậy dù nghỉ hè, mỗi đứa vẫn có những hẹn hò với bạn bè, vui với niềm vui tuổi trẻ. Ngọc tuy chưa gìa lắm, nhưng nàng vẫn cảm thấy giữa hai thế hệ đã có những khác biệt, nàng vẫn không thể hòa nhịp vào đời sống của con như khi chúng còn nhỏ, chính vì lẽ đó mà nàng quyết định tới chơi với gia đình của chị mình, để chị em có dịp sống lại những kỷ niệm ngày thơ ấu.
Đúng là mỗi con người đã có một số mệnh khác nhau, như bàn tay có ngón dài ngón ngắn. Ngọc chưa bao giờ hình dung được có ngày mình lại trở thành cô độc, và nàng cũng không hiểu nổi tại sao vợ chồng lại có thể không chịu nổi nhau, như nàng đã chịu đựng tính nết độc đoán và cố chấp của Huy trong suốt hai mươi năm ròng rã. Tất cả nguyên nhân làm đổ vỡ gia đình, khi giải pháp cuối cùng là chia tay, người ta thường quy tội cho người phụ nữ, và cho là chỉ có đàn bà hay thay đổi. Thực sự, đó chỉ là quan niệm ích kỷ theo lối nhìn một chiều Đông phương, khi cuộc đời thường hay gắn chặt vào người phụ nữ những đức tính như hy sinh, chịu đựng và chấp nhận sự lùi bước trước mọi nghịch cảnh.
Ngọc cũng thế, sau khi chia tay với chồng thì nàng cũng được người đời nhìn bằng những cặp mắt kỳ cục, khó thông cảm. Làm như chỉ có nàng hoàn toàn gây ra những đổ vỡ ấy, và Huy giờ này đã đóng vai một kẻ hoàn toàn chiến thắng, chứ có ai biết rằng : ” không ở trong chăn, đâu biết chăn có rận”.
Những ngày sau đó, Ngọc sống trong cô đơn với một sự êm ả tuyệt vời, vì dẫu có cô đơn, nàng vẫn cảm thấy tâm hồn mình hoàn toàn êm dịu để chịu đựng nỗi cô đơn. Đâu có ai biết được cái lầm lẫn ngây thơ của Ngọc khi gặp Huy thuở ban đầu, hình như chính vẻ độc đoán, lì lợm của chàng lại có sức thu hút Ngọc, khiến Ngọc tưởng nàng sẽ tìm được tình yêu trong sự che chở của chàng. Điều kỳ cục là càng sống với nhau lâu dài, Ngọc mới biết rằng Huy còn muốn kiểm soát luôn tư tưởng nàng để xem Ngọc hay nghĩ gì, cho ai trong bất cứ mọi sinh hoạt thường ngày của nàng. Đôi khi trong bóng tối, Ngọc vẫn bĩu môi cười một mình, và nghĩ rằng còn lâu lắm người ta mới biết được cái sâu thẳm của tâm hồn nhau, huống gì Huy lại yêu Ngọc bằng cái tâm ích kỷ như vậy. Hai đứa con hồi còn bé,thấy bố mẹ cãi nhau, nhìn mẹ khổ sở với những dòng nước mắt ngắn dài, những đay nghiến dằn vặt của bố, tiếng bấc tiếng chì của họ hàng bè bạn, chúng nó chỉ biết giương đôi mắt ngây thơ, sợ hãi rồi ôm lấy mẹ trong sự vỗ về rất trẻ con. Sau này, lúc lớn lên, chúng mới nhìn ra nỗi khổ tâm của mẹ, chính vì thế mà khi cuộc hôn nhân dẫn đến sự đổ vỡ, chỉ các con nàng mới hoàn toàn thông cảm nỗi đớn đau của mẹ.
* * *
Ngọc có được hai tuần lễ để nghỉ ngơi nơi thành phố biển, sống với gia đình người chị.Vào mùa hè, mỗi sáng mai khi nắng lên rực rỡ, nhìn từ xa biển vẫn lao xao hát khi mặt trời lừng lững nhô lên, ánh sáng chan hòa trên mặt nước giống như những viên thủy tinh lung linh muôn màu sắc. Buổi sáng chị Hà còn bận bịu chuyện trong nhà, Ngọc vẫn một mình đi ra biển, thong thả đi trên mặt cát khô hay lội xuống mấp mé bờ nước, để cảm thấy những hạt cát đang lạo xạo dưới đôi bàn chân. Lúc ấy Ngọc hoàn toàn dễ chịu vì không khí của biển mỗi sớm mai, nó hoàn toàn trong lành và lắng đọng, chỉ có vài cánh chim hải âu dậy sớm đang chao lượn trên mặt sóng để tìm mồi.
Ước gì đời cứ được mãi như thế, hay ước gì trong lòng Ngọc, hoàn toàn rũ bỏ những nổi buồn của dĩ vãng, vẫn như những bóng ma quẩn quanh để nàng đôi lúc vẫn khó chịu vì sự ám ảnh đó. Nó đã tước đoạt mất nơi Ngọc sự tin yêu vào cuộc đời, vào lòng người, khiến đôi khi đối diện với một tâm hồn khác, trong cái vui của lần gặp gỡ, Ngọc liền liên tưởng đến sự chia lìa. Như vết sẹo của một vết thương đã lành da, lại có thể khiến Ngọc thà chấp nhận sự cô đơn thiếu vắng, còn hơn là một lần xôn xao rồi chuốc lấy nỗi khổ vào lòng.
Sáng hôm đó, khi ra biển Ngọc cầm theo một cuốn tiểu thuyết, vì lát nữa khi đi bộ đã mỏi chân, Ngọc có thể ngồi nghỉ chân nơi chiếc ghế đá dưới rặng thùy dương ven bờ biển, và đọc nốt câu truyện ngắn dở dang mà nàng thích. Từ chỗ này, Ngọc thích thú nhìn những rặng thùy dương lả ngọn về một phía, như mái tóc của người con gái, cuốn theo chiều gió để nghiêng cái bóng mềm mại vào bờ. Tất cả những cây trồng ven biển đều đứng theo chiều hướng ấy, khiến Ngọc hình dung ra cuộc đời của những người đàn bà, chắc cũng vẫn phải đi theo chiều hướng đó để làm thành cái bóng đẹp cho một người đàn ông, vì nó không thể cưỡng chống nổi với những oái oăm của định mệnh. Vậy mà khi bốn mươi tuổi, Ngọc vẫn dám can đảm cưỡng lại sự sắp đặt ấy, đi ngược lại với những cơn sóng đẩy vào bờ những xác chết vô hồn rệu rã, liệu rằng có ai đã thông cảm được với nàng sự đau khổ đó hay không?
Nắng đã mênh mông trên mặt biển, nhưng nắng không rạng rỡ như những hôm trước, không nghe tiếng chim hải âu xôn xao như mọi ngày. Từ xa, những lượn sóng đẩy vào bờ dữ dội hơn, những bọt nước trắng xóa liên tiếp cưỡi đầu lên nhau, từng lớp từng lớp theo chân sóng đẩy vào khiến những rặng phi lao cũng lả đi theo cơn gió từ đại dương thổi vào đất liền. Ngọc cảm thấy lạnh, nàng vội khoác thêm chiếc áo gió, rồi tìm một chỗ khuất bên một ghềnh đá đọc sách, nghe tiếng sóng biển vẫn rì rào dội vào bờ cát. Đó là tiếng kể lể của đại dương, từ khi Trời sinh ra biển có lẽ biển đã biết kể chuyện, và những câu chuyện của biển thì có lẽ chỉ có người tri âm, tri kỷ của nó mới hiểu hết mà thôi.
Từ chỗ này, Ngọc cũng có thể nhìn thấy nhiều chiếc tàu đánh cá đậu san sát bên kia bãi biển vắng. Khu bên này để dành cho du khách và người đi tắm biển, thỉnh thoảng có một chiếc tàu đánh cá từ khơi chạy vào bờ, đã thấy đàn chim hải âu bay theo con tàu để kiếm ăn. Đời sống nơi nào cũng vậy, con người biết tìm nơi kinh tế phát triển để tìm việc làm sinh sống, bầy chim cũng khôn ngoan bay theo những con tàu để được những con tôm, con cá nhỏ của người đánh cá bỏ đi.
Ngọc lấy cuốn tiểu thuyết đọc nốt câu chuyện viết về một người đàn ông sống ở một thành phố ven biển, sau khi vợ qua đời ông sống một mình với hai đứa con. Rồi một ngày những đứa con cũng phải đi xa vì nhu cầu việc làm, ông ta chỉ còn lại một mình trong căn nhà vắng lặng, ngày ngày người ta thấy ông đi ra bờ biển , đem theo một tập giấy và cây viết. Mỗi ngày trong cuộc sống hiu quạnh, ông đi tìm một cõi ấm áp cho riêng mình, bằng cách tạo nên một nhân vật trong quá khứ, và ngày ngày ông trở về với người trong cõi mộng của mình. Câu chuyện này đã làm Ngọc thú vị, nhưng đoạn kết thì buồn quá, khi nhân vật chạy theo những trang bản thảo bị gió thổi bay đi, và ông đã bị vấp ngã đến gẫy chân, để rồi sau đó ông ta không bao giờ có thể đi tìm nguồn thơ bên bờ biển vắng. Ngọc thấy mình phần nào giống với nhân vật trong truyện, giờ đây, tuy chưa già mà cũng không còn trẻ, tâm hồn Ngọc như cũng bị vấp ngã đến gãy chân, què quặt nhìn đời bằng lăng kính màu xám xịt.
Đang đọc dở dang cuốn truyện, Ngọc linh tính như đang bị ai nhìn trộm phía sau. Bất giác nàng quay lại, để thấy một người đàn ông Á Châu độ ngoài năm mươi tuổi, nước da mặn mòi như được tắm gội thường xuyên với nắng gió biển khơi. Ông ta ngồi ở ghềnh đá phía sau, thấy Ngọc quay lại bắt gặp cái nhìn của mình, vội mỉm cười như xin lỗi. Nhìn cuốn truyện trong tay nàng, ông ta làm quen:
“Cô là người Việt?”
Ngọc gật đầu, nhìn cuốn sách rồi hóm hỉnh trả lời:
“Ông biết rồi đấy.”
Vô tình cuốn sách lại làm hai người đồng hương dễ dàng làm quen với nhau để bắt đầu những mẩu chuyện tiếp theo. Người đàn ông cho Ngọc biết ông ta đang làm việc trên một chiếc tàu đánh cá, nhưng hôm nay biển động, tàu không ra khơi, ông loanh quanh nơi bờ biển trong những ngày nghỉ ngơi bất đắc dĩ như thế này. Ông ta nhìn cuốn sách trên tay Ngọc, rồi tâm sự:
“Thỉnh thoảng trong những giờ rảnh rỗi, tôi cũng thích đọc sách. Thuở nhỏ, nhà tôi ở ven biển, tôi cũng thường ra ngồi dưới bóng mát của rặng phi lao, và đã say mê ngấu nghiến không biết bao nhiêu cuốn sách vào đầu. Bây giờ quên mất nhiều, chỉ nhớ cốt truyện mà không nhớ nổi tên cuốn sách hay nhân vật của truyện. Đời đôi khi cũng phải quên bớt cho nhẹ lòng.”
Ngọc ngạc nhiên. Qua lối nói chuyện thì ông không phải là người quê mùa, chỉ biết ngày ngày ra khơi giăng lưới để tìm những mẻ cá, mẻ tôm làm nguồn sống. Nàng hỏi:
“Ông không đi chơi đâu sao? Sống hoài trên tàu, đi ra đi vào lúc nào cũng thấy biển, có lúc nào ông cảm thấy chán biển không?”
Người đàn ông đốt một điếu thuốc, bàn tay đen đủi đầy những sợi gân nổi hằn trên lưng bàn tay, chứng tỏ ông phải làm việc khá vất vả. Khói thuốc bay theo hướng gió, như một chút mây trắng bị kéo đi trên nền trời màu xám nhạt, ông ta thong thả hít những hơi thuốc dài rồi trả lời Ngọc:
“Thật ra tôi không phải là người sinh ra đã làm nghề chài lưới, nhưng tôi thích biển vì chỉ có biển mới cho tôi cảm giác mình là người tự do, không bị gò bó vào cái xã hội đầy những thứ kềm tỏa áp đặt trên con người. Cô nhìn xem, cái mênh mông của biển rộng lượng biết là dường nào, nó làm sạch buồng phổi, nở buồng tim, và quét sạch những rác rưởi trong con người mình.”
Ngọc mỉm cười thầm nghĩ: “Lại một gã khùng sắp sửa đem cuộc đời ra để mổ sẻ”. Tuy vậy, nàng vẫn thấy ông ta có những nhận xét rất hợp với sự suy nghĩ của nàng, vì chỉ một tuần lễ nghỉ ngơi với gia đình người chị, mỗi ngày đi ra biển, ngắm nhìn biển trong nhiều khía cạnh khác nhau, từ bình minh cho tới hoàng hôn, khi mặt trời mọc hay lúc nhìn trăng treo trên mặt sóng, Ngọc thấy cái thênh thang của biển đã làm lòng mình lắng đi nhiều nỗi ưu tư, ray rứt.
Người đàn ông ngó ra phía biển, nét mặt nghiêng tạo thành một đường viền của bức tượng đồng nghệ thuật, ông ta hỏi nàng, nhưng vẫn có vẻ nói với chính mình:
“Cô đã đọc cuốn “Ngư ông và biển cả” cùa Hemingway chưa? Chính vì tác phẩm này mà tôi lại càng thấy mình cần phải phấn đấu với biển, như phấn đấu với những nghiệt ngã trong cuộc đời. Lâu lắm rồi tôi không được nói chuyện với một người thích đọc sách, cho nên khi thấy cô đọc sách nơi bãi biển thì tôi chợt nhớ lại cái thời trẻ tuổi của mình, có lẽ mình khổ vì những cuốn sách cũng nên.”
Ngọc im lặng không nói, vì bỗng nhiên nàng phát hiện rằng không phải chỉ mình nàng mới cần trút đi những dằn vặt của tâm hồn . Ông ta lại đốt thêm một điếu thuốc, khiến Ngọc ái ngại kêu lên:
“Ông hút thuốc nhiều quá, không tốt đâu.”
Người đàn ông vội dụi tắt điếu thuốc, rồi nhìn nàng với cái nhìn thật biết ơn:
“Xin lỗi cô, lâu lắm không ngồi với một phụ nữ, tôi đã quên không xin phép khi hút thuốc.”
Ngọc vội lắc đầu, cải chính:
“Không phải vậy, nhưng tôi muốn lưu ý ông vì lý do sức khỏe, ông không sợ bị ung thư sao?”
Ông ta nhếch mép cười:
“Vậy ư? Thế mà đã có lúc tôi hút liên miên chỉ vì muốn chết quách đi cho rồi, mà nó lại không chết, còn có người chẳng hút một điếu thuốc nào, lại vẫn bị ung thư phổi. Đó chẳng qua là mệnh Trời, ai cũng phải có một con đường để đi về bên kia, không đi bằng kiểu này cũng đi bằng kiểu khác.”
Ngọc bật cười vì sự lý luận bất cần đời của ông ta, nàng đoán ông ta là một loại dở hơi, hay có khi cũng đồng bệnh với nàng, nhìn đâu cũng thấy nghi ngại. Hôm nay, tự nhiên run rủi hai kẻ chán đời gặp nhau, chắc cũng là chuyện ngẫu nhiên không tính trước. Nếu nàng không một mình lang thang ra biển, nếu biển không động để người đàn ông không theo tàu ra khơi đánh cá, nếu nàng không cầm theo cuốn sách để đọc, thì đã không có chuyện hai người đồng hương gặp nhau nói chuyện tầm phào như lúc này.
Cũng chẳng có chi mà ngại. Chỉ một vài ngày nữa, những ngày nghỉ sẽ qua, Ngọc lại trở về thành phố nàng cư ngụ, sẽ trở lại đời sống đơn độc của mình như bao lâu nàng đã dễ chịu chấp nhận nó. Vài ngày nữa biển lặng, người đàn ông cũng theo tàu ra khơi, những lưới cá nặng trĩu sẽ đem niềm vui cho ông ta và những bạn đồng hành, ông ta sẽ vui với cái vui của biển. Ông ta nheo mắt nhìn nàng:
” Cô đi biển có một mình?”
Ngọc buồn cười, vì câu hỏi của ông ta cứ như là câu trả lời. Nhưng hỏi để mà hỏi ông ta lại thao thao nói tiếp câu chuyện theo lối của ông, như ông đã nhìn thấu được tâm hồn nàng, mà mỗi chuyện lại là một lối giải quyết cho những u uẩn, khúc mắc của đời vậy:
“Hồi ấy, tôi cũng cứ hay khắc khoải một mình, rồi khi buồn chỉ biết lấy điếu thuốc và cuốn sách làm bạn. Những ngày biển lạnh không có điếu thuốc nó nhạt miệng lắm, cũng như khi buồn người ta vẫn cần có người để tâm sự. Nhưng cũng chỉ thế thôi, không đi sâu vào những thứ khác. Con người sẽ hư hỏng đi, nếu không biết kềm chế, nó sẽ trở thành đống rác thối trong đời mình, rồi không có cách gì đổ đi được.”
Ngọc lại buồn cười, cứ để ông ta đi lan man hết chuyện này sang chuyện kia, cũng không dò hỏi tên tuổi hay nỗi niềm của người đàn ông , vì nàng rất thông cảm với ông ta. Cứ xem như hai người cùng là con bệnh của nhau, và giờ đây nàng đang đóng vai một bác sĩ tâm lý học, để nghe bệnh nhân của mình trút ra những nỗi niềm mà ông ta cần phải tâm sự, để lấy lại sự quân bình cho nội tâm.
Buổi sáng nắng yếu ớt, mặt biển phản chiếu những áng mây xám, khiến toàn thể vùng biển trước mặt như trũng xuống một nỗi buồn. Nghe người đàn ông nói chuyện nàng cũng thấy vui vui, ít ra thì sau chuyến nghỉ hè này, nàng sẽ có thêm một người bạn, hay là cũng có một câu chuyện để nhớ. Người đàn ông lại tiếp tục câu chuyện, sau khi xin phép Ngọc hút thêm một điếu thuốc nữa. Ông ta nói rất buồn cười:
“Cô thấy chưa? Nếu hôm nay không gặp cô, tôi đã không phải xin phép ai khi đốt một điếu thuốc để hút. Mất tự do là ở chỗ đó, nhưng bù lại tôi vẫn cảm động, vì có người đã lo cho sức khỏe của tôi. Cám ơn cô nhiều, tôi sẽ ghi nhớ lần gặp gỡ này vào tâm khảm. Bây giờ tôi kể tiếp cho cô nghe, tại sao có những điều người ta cần phải quên, như đổ bớt đi những đống rác trong đời mình.”
Ngọc nhướng mắt nhìn ông ta, có phải ông ta đang định nói hộ nàng điều gì đó chăng? Hay giờ đây ông ta đóng vai người bác sĩ tâm lý, mà nàng thì trở lại vai bệnh nhân cần phải được giải tỏa vài khía cạnh tâm hồn. Tuy thế, nàng vẫn im lặng nghe ông ta nói:
“Hồi ấy, lúc vừa qua Mỹ, tôi “share” phòng với gia đình người bà con ở một khu phố khá đẹp. Thế nhưng mỗi tuần chỉ đổ rác có một lần vào ngày thứ năm. Thôi thì hôm ấy có bao nhiêu thứ rác rưởi trong nhà phải cố thu nhặt mà đem ra thùng rác, cứ sáng sớm đã phải dậy để xem có còn chút rác rưởi nào mà vứt đi, lỡ quên, phải một tuần sau mới có xe rác tới. Có những thứ bẩn thỉu và hôi hám, để tới một tuần sau thì chắc là không ai chịu được, bất tiện quá cô nhỉ? Cứ tới ngày đổ rác là cái nhà ấy ồn ào lên như cái chợ, bà mẹ lại phải tất bật đi thu dọn và la hét những đứa con, khiến mình cũng khó chịu. Lúc đầu tôi cảm thấy bực mình nhất ngày thứ năm trong tuần, nhưng sau hễ tới ngày ấy, tôi cũng tự nhiên như bị ai nhắc nhở cần phải thu dọn cho sạch sẽ nhà cửa. Sau từ chuyện ấy tôi lan man nghĩ tới chuyện khác, đôi khi mình vẫn phải thu dọn con người mình, cái gì không cần thì vứt đi cho sạch sẽ, cả những thứ dĩ vãng buồn phiền cũng là một thứ rác rưởi, ôm nó vào lòng thì khác gì ôm một mớ rác bẩn. Những thứ rác rưởi ấy, không hẳn là của người mang tới cho mình, có khi nó chính là của mình, của bản thân, mà muốn cho cuộc đời quang đãng thì cũng vẫn phải vứt nó đi, đừng nuối tiếc.”
Gần như Ngọc muốn ngồi sững dậy khi nghe ông ta nói tới đây. Người đàn ông nói với Ngọc điều gì vậy? Sao ông ta có thể hiểu nổi những điều nàng đang mang trong lòng để bình thản nói một câu chuyện đời đơn giản mà lại sâu sắc như vậy. Thốt nhiên, không kềm chế được, Ngọc bật lên hỏi ông ta:
“Sao ông lại nói với tôi chuyện đó?”
Ông ngơ ngác hỏi lại Ngọc:
“Tôi đang nói chuyện của tôi mà, chẳng lẽ cô cũng đang mang trong lòng những đống rác của dĩ vãng? “
Rồi ông ta cười, nụ cười hiền của một tâm hồn đầy bao dung và độ lượng:
“Tôi tên Niệm, cô có thể cho tôi biết tên của cô không?”
Tự nhiên, Ngọc thấy mình như một con nai ngờ nghệch, hay là Ngọc đã lấy lại được phần nào tự tin để nhìn đời một cách khoan dung hơn:
“Tôi là Ngọc, không phải cư dân ở thành phố này, nhưng khi nào trở lại, tôi sẽ tới đây để được nói chuyện với ông.”
Hai người trao đổi thêm vài câu chuyện vui cho không khí một ngày biển mưa đỡ ảm đạm. Sau đó, Ngọc đứng dậy ra về, vì trời hình như sắp mưa, cơn mưa buổi sáng khiến những cánh chim hải âu không bay theo những con tàu ngoài bến đậu. Hai người chia tay nhau, chỉ trao nhau vỏn vẹn một cái tên,nhưng lạ lùng là hình như nhiều lắm cho một buổi sáng nơi bãi biển vắng người. Nhìn theo bóng người đàn ông đi xiêu xiêu về phía những con tàu bên kia bãi đậu, vai ông ta như oằn đi vì những trăn trở của đời, Ngọc cứ thấy nao nao trong dạ. Một cánh chim cô đơn trong dòng đời đầy bão tố, có lẽ biển đã giúp ông ta quên đi phần nào nỗi đau khổ, như đã đổ xuống dòng nước những đống rác bẩn mang theo trong dòng đời, cho nhẹ đi nỗi buồn mà vươn vai đứng dậy.
* * *
Mấy ngày sau đó biển mưa hoài, Ngọc không thể đi ra biển mỗi buổi sáng. Trong không khí ấm áp của gia đình chị Hà, Ngọc gần như lấy lại được sự tin yêu vào cuộc đời, vào lòng người, nhất là khi Ngọc kể cho chị Hà nghe về người đánh cá nàng tình cờ gặp trên bãi biển. Chỉ đến hôm cuối cùng khi trời hết bão, biển lại chan hòa nắng mai, lung linh những viên thủy tinh trên mặt nước xanh biếc, Ngọc cũng chỉ còn một hôm là phải trở về nhà. Lúc đó, tự nhiên nàng cảm thấy có cái ao ước được gặp lại người đánh cá một lần nữa, để nhìn lại khuôn mặt trầm tư và nghe lại lối kể chuyện ngộ nghĩnh của ông ta, có lẽ đã có được từ khi ông ta làm quen với đời sống của biển, cảm được cái bao la của nó mà quên đi những vướng mắc nhỏ nhoi trong cuộc sống.
Khi hướng mắt về bãi đậu của những chiếc tàu đánh cá, Ngọc thấy chỉ còn lại một bãi cát vắng hoe. Những con tàu đã ra khơi, để lại một khoảng trống trên bờ biển. Không biết bao giờ tàu sẽ về bến, mang theo niềm vui của những người thủy thủ, và những khoang cá tôm đầy ắp từ biển khơi. Những con chim hải âu xếp thành hàng trên bờ đá, mắt hướng về phía biển trông chờ những chiếc tàu đánh cá trở lại. Ngọc có cảm tưởng mình cũng là một cánh chim cô đơn đậu trên hàng cây, bên bờ biển vắng.
Nguyên Nhung.