CÁI SÀNG (Peter C. Tran)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Có ai biết cái sàng là cái giống gì không? Dân nhà quê Nam Kỳ và phải cỡ tuổi gần đất xa trời như Mười Lúa, chắc rành cái sàng. Cái lứa sồn sồn loại “dừa cứng cạy”, chàng hảng giữa già và trẻ, nói văn hoa chút là cỡ tuổi “nửa chừng xuân”, tui nghĩ cũng cóc biết! Đám trẻ hậu sinh, chỉ tối ngày úp mặt vô phone chát chiết, biết cái sàng ra làm sao, tui chết liền! Dân thành thị, dù già, sồn sồn, hay con nít, biết cái sàng, thấy cái sàng, thua bao nhiêu Mười Lúa cũng thua!

Tình cờ đọc trên mạng chuyện “ba cái sàng” của triết gia Socrates, tui muốn viết về cái sàng.
Vậy cái sàng là cái gì? Nhớ là chữ sàng có g, chớ hỏng phải sàn, như “ăn trứng vịt chui xuống sàn” đâu! Khoan nói nhiều về cái sàng. Để cho có ngọn có ngành, Mười Lúa nói chuyện lòng vòng thứ khác một chút rồi mới quay về cái sàng.
Mười Lúa đố một câu chơi, coi có ai biết không nghe. Câu đố này dân nhà quê chắc biết. Mà cũng chưa chắc. Đố thử mới biết tay nhau. Câu đố vầy: “Ông nằm dưới. Bà nằm trên. Ông chỏ cu lên. Bà rên hì hì!” Đố là cái gì? Cấm nghĩ bẩn, cho dù chữ nghĩa chẳng thể nào không khiến người nghe không nghĩ bẩn! Dân gian gọi là “lời tục ý thanh”! Thanh lắm, bảo đảm. Cho quí vị 5 phút suy nghĩ.
Thua chưa? Dễ ợt! Đó là cái cối xay lúa! Cối xay lúa mới trúng, chớ cối xay bột cũng trật lất!
Mười Lúa hỏi con nhỏ xí xọn Google coi nó có cái hình của “cối xay lúa ngày xưa” hong? Nói trả lời Yes, Yes, Yes, có cả đống nè? Hơi thất vọng một chút, vì nó cho coi toàn hình những cái cối ở miệt ngoài kia vĩ tuyến, chớ cối trong Nam không thấy cái nào hết. Thôi, xài đỡ cũng được, vì cấu trúc của nó theo cùng một cách, chỉ khác dung mạo mà thôi. Cối ngoài đó nhìn thô, kịch cộm. Cối trong nầy mình dây, thon gọn, y như con gái miệt vườn Tây Đô vậy. Thôi, tả sơ vậy đủ rồi, kẻo người ta nói Mười Lúa thiên vị, hay kỳ thị này kia kia nọ.
Cái cối xay lúa dùng để xay lúa! Chớ có sai chỗ nào! Nó gồm một thớt dưới và một thớt trên, hình trụ, bên trong làm bằng đất rồi bện nan tre xung quanh. Trên mặt cả hai thớt có những rãnh song song làm từ những miếng ván mỏng dựng đứng, để bóc vỏ lúa khi xay. Thớt dưới được ví là “ông” trong câu đố, ngay chính giữa có một cái cọc gỗ cỡ ngón chưn cái chỉa thẳng lên trời gọi là cái ngỏng cối, được ví như “cu”! Thớt trên được ví là “bà”, thì chính giữa có khoét một cái lỗ vừa khít cho cái ngỏng cối đâm vô, giữ cho “bà” khỏi văng ra khi người ta dùng cần xay để quay mòng mòng “bà” theo vòng tròn…. Đại khái vậy đó.
Thời đó máy xay lúa chạy bằng động cơ, người miền Tây gọi là máy chà gạo, máy xay gạo, chưa có thịnh hành, cho nên người nông dân phải dùng cối để xay lúa thành gạo. Từ lúa thành gạo là cả một quá trình dài với nhiều công đoạn khá cực nhọc, như sàng gạo, bắt tấm, giã gạo, lấy cám…. Giã gạo, tấm, cám, thì thơ ca hay chuyện cổ tích, có đầy nhóc. Riêng sàng gạo thì dường như không thấy nhiều. Mười Lúa chỉ nhớ có một câu “lọt sàng xuống nia”, hàm nghĩa “chạy trời không khỏi nắng”.
Dong dài chơi một hồi, giờ mới vô đề cái sàng. Cái sàng thì hình đầy trên Google, khỏi tả chi cho mệt! Cái sàng là một vật quen thuộc trong nhóm: rổ rá nong nia sịa mẹt,… người dân quê rất quen thuộc. Ai hỏng biết, chưa từng thấy cái sàng, thọt lét cô Google bằng một cái click nhẹ, có liền, ML khỏi tả chi cho mệt.
Lúa sau khi xay, thì lúa bị tróc vỏ, thành ra gạo lứt. Gạo lứt chưa nấu cơm được, vì vẫn còn lẫn lộn lúa, tấm, và trấu trong đó. Sàng cho tấm rới xuống nia, đồng thời để lấy lúa còn sót ra khỏi gạo lứt. Những hột lúa nầy vẫn là lúa, nhưng lúc này lại được gọi là thóc (dân ngoài kia dường như luôn gọi là thóc, trước sau gì cũng thóc)! Sàng, chủ yếu là để lấy thóc ra khỏi gạo vừa xay.
Má tui sàng rất điệu nghệ. Hai tay bà vừa lắc, vừa xoay theo một quỹ đạo bí mật, nhịp điệu gì cũng hỏng biết, mà tất cả thóc sẽ gom hết vô trung tâm của cái sàng. Sau khi nó gom gọn vô một chỗ, thì chừng đó mới lựa thóc bỏ ra ngoài. Mấy chị tui sàng dở, thóc vẫn còn lộn trong gạo, nên bọn trẻ được huy động bươi gạo lên lượm ra từng hột thóc. Phải lượm hết thóc mới bỏ gạo lứt vô cối giã gạo cho thành gạo trắng được.
Tóm lại, sàng là lọc, là loại bỏ, là phân loại.
Nếu chỉ muốn viết chuyện cái sàng để nhắc nhớ chuyện nhà quê ngày xửa ngày xưa, thì tới đây có thể chấm, gạch chéo, chấm (./.) là hết chuyện. Tiếng Tây tiếng u gọi là un point final!
Mười Lúa muốn mượn cái sàng, chuyện cái sàng để viết chuyện khác. Luôn luôn một công hai ba chuyện cho nó tiện vậy mà.
Chắc nhiều người biết câu chuyện “Ba cái sàng” của Socrates, một triết gia Hy Lạp? Để tui tóm lược:
Ngày kia có một người bạn đến gặp Socrates để báo một tin “giựt gân”. Ông ta hớn hở lắm, nghĩ rằng Socrates cũng sẽ “hồ hởi phấn khởi” ngóng cổ lên nghe câu chuyện của mình. Đại khái là chuyện “tò le đôi mách”, tức là nói xấu đệ tam nhân vắng mặt.
Socrates khoát tay ngăn người bạn lại:
– Khoan đã! Những lời bạn sắp kể, bạn có sàng lọc ba lần hay chưa vậy?
– Là sao? Là sao? Sàng kiểu gì?
Socrates từ tốn nói:
– Khi bạn muốn kể cho ai nghe chuyện gì đó, nhứt là có liên quan đến kẻ vắng mặt, ít nhứt phải dùng “ba cái sàng”, lọc ba lần, rồi mới kể. Thứ nhứt, gọi là SỰ THẬT. Bạn có chắc chuyện bạn sắp kể cho tôi nghe là chuyện có thật 100% không?
– Tôi chỉ nghe mọi người đều nói vậy, chớ hỏng biết có đúng sự thật hay không!
– Nếu bạn không chắc nó là sự thật, vậy thì đừng tin, và đừng kể!
– Còn cái sàng thứ hai? Anh bạn hỏi Socrates.
– Chuyện bạn sắp kể tôi nghe, TỐT hay XẤU?
– Không tốt chút nào! Thậm chí là ngược lại! Anh nghe xong có thể bứt gân máu!
– Vậy thì đừng kể tôi nghe chi!
Anh bạn hơi bối rối, cụt hứng, pha chút xấu hỗ. Socrates nói tiếp:
– Cái sàng thứ ba, là câu chuyện anh sắp kể, có HỮU ÍCH gì cho tôi hay cho ai không?
– Cũng không HỮU ÍCH, mà tôi e còn ngược lại!
Socrates kết luận: Một chuyện chẳng hay ho gì, chẳng ích lợi gì cho ai, hơn nữa, anh chưa biết nó có thật hay không, vậy anh kể tôi nghe làm chi?
Có thể đây chỉ là một truyền thuyết người ta dùng tên tuổi của nhà hiền triết này để dạy đời, cách riêng những kẻ thích buôn dưa, thích ngồi lê đôi mách nói chuyện thiên hạ. Câu chuyện này tôi thấy người ta thuật lại nhiều cách khác nhau. Đọc ở chỗ khác, thay vì ba cái sàng là Sự Thật, Tốt Xấu, và Hữu Ích, thì nó được thay bằng Sự Thật, Quan Trọng, và Thiện Ý.
Socrates còn rất nhiều chuỵện thú vị, như chuyện ông rất sợ bà chằn lửa nhà ông.
Ông là một triết gia lớn mọi thời đại, nhưng về mặt gia đình, ông là một “thằng đàn ông vô dụng” và rất sợ vợ! Ông vô dụng không thua gì Karl Marx, tổ sư của môn triết học dạy giết người cướp của! Marx cả đời chưa từng đi làm, chưa từng bị bọn tư bản ác ôn bóc lột hút máu ngày nào. Marx cả đời ăn bám thằng bạn đại tư bản giàu có là Friedrick Engels! Nhờ vậy mới hỏng chết đói, và nhờ vậy mới có giờ ngồi viết ra môn triết quái đản, hại hỏng biết bao nhiêu trăm triệu mạng người trên thế giới! Socrates tối ngày tụ tập nói chuyện triết lý, chuyện trên mây, trong khi bà vợ thì một tay tần tảo nuôi bầy con! Hỏng quạu, hỏng xé xác thằng chồng vô dụng như vậy mới là lạ! Cũng may, triết lý của Socrates là là loại triết lý giúp chính mình, giúp đời, chớ hỏng phải hại ai! Ít nhất nó cũng giúp bọn đàn ông “thờ bà” thấy bớt đau khổ mà sống hết kiếp!
Có hai câu nổi tiếng nhứt thấy người ta kể hoài về Socrates, hỏng biết có thật hay cũng là truyền thuyết.
Câu đầu ông phán, khi bà vợ hết chịu nổi cái cảnh cả ngày khùng khùng điên điên, đầu óc ông đi trên mây, tụ tập đệ tử ăn nhậu, bàn chuyện “trời ơi đất hởi” mà bà không thể nào hiểu được. Bà la hét, chửi mắng ông trước mặt bạn bè và đệ tử của ông cho đã, rồi bưng cả một thau nước tạt lên đầu ông. Ông không hề nóng giận hay tỏ vẻ gì xấu hổ, và tỉnh bơ nói với mọi người có mặt: “Sau cơn sấm sét, lúc nào trời cũng đổ mưa”.
Câu thứ hai, cũng là lúc ông bị bà vợ nổi cơn tam bành lục tặc, mạt sát ông trước bàn nhậu: “Nếu lấy được người vợ hiền thục bạn sẽ có một cuộc hôn nhân viên mãn. Nếu lấy nhằm người vợ dữ như chằn, bạn sẽ trở thành triết gia!”.
Nói cái vụ sợ vợ, lại nhớ đến hai danh nhân khác.
Người ta nói “có tật có tài”, hỏng biết trúng tới đâu. Mười Lúa thấy cũng có phần trúng. Tổng Thống đại tài Abraham Lincoln, nổi tiếng khắp hoàn cầu, cũng có cái tật sợ vợ. Bà chằn của ông, một lần trong quán trọ, cũng đã từng giữa đám đông, tạt cả một ly cà phê nóng lên người ông. Gặp tay đàn ông xứ Lỗ, là mụ chằn này thác không kịp trăn trối!
Trước khi làm TT, ông là một luật sư, ngày ngày ông và các đồng nghiệp cỡi ngựa đi từ tỉnh này sang tỉnh khác để cãi mướn kiếm sống. Đồng nghiệp của ông, ai cũng chờ tới cuối tuần để phi ngựa nước đại về nhà ôm vợ. Còn ông thì thà ngủ quán trọ, nằm chèo queo mình ên, hai tay kẹp bánh lái ngáy khò khò, chớ không muốn về gặp mụ chằn của mình! Tội nghiệp hết biết!
Leo Tolstoi, đại văn hào Nga, tác giả đại tác phẩm “Chiến Tranh và Hoà Bình” và vô số sách khác, cũng có tật sợ vợ. Bà chằn này còn dữ tợn hơn bà Lincoln nhiều bậc.
Không thể nào chịu nổi con ác phụ giày vò ông ngày đêm, nên một đại văn hào tiếng tăm vang lừng bốn biển, một tay giàu có hàng cự phú như ông, đã cuốn gói bỏ nhà đi bụi. Sau cùng, ông “chết bờ chết bụi” thiệt, chết ở một sân ga xe lửa vào một mùa đông lạnh cóng, với lời trăn trối: “làm ơn làm phước đừng cho tôi gặp lại mụ ấy trước khi tui nhắm mắt!”. Gặp đàn ông xứ Lỗ anh hùng, nó cắt viện trợ, nó tống vô lãnh cung, rồi nó thong dong đi kiếm phòng nhì, phòng ba, phòng thứ n luôn, chớ ở đó mà cuốn gói đi bụi!
Tui kể chuyên cận đại, chuyện có thiệt, chớ hỏng phải truyền thuyết về hai người đàn ông vĩ đại có cùng một đặc điểm: “trên đầu ông nào cũng có ba lỗ chưn nhang”! Hỏng tin, tìm tài liệu mà đọc (trong Đắc Nhân Tâm, Dale Carnegie kể, chớ Mười Lúa hỏng có bịa đâu).
Lạc đề khá xa! Thôi, kết luận mấy câu cho có lệ rồi nghỉ.
* Đọc chuyện ba cái sàng trên mạng, làm tui nhớ nhà kinh khủng! Nhớ hình ảnh má tui ngồi sàng gạo năm xưa. Nhớ những lúc “bị” má kêu ngồi lượm thóc sau khi má sàng, tức muốn chết, vì bị bà già cắt ngang cuộc chơi với mấy thằng bạn. Nhớ các chị tui đứng đẩy càng xay, để cái cối xoay tròn đều đều với những tiếng kêu hù hù (như rên) và những hột gạo lứt văng ra đều đặn trên cái đệm. Nhớ hai anh tui giã gạo chày đôi, nhịp nhàng, chưa hề lạc nhịp để tai nạn xảy ra. Ôi! Một trời quê hương thời thơ dại! Không phải chỉ cách ngăn bởi một đại dương, mà còn ngăn cách bởi nhiều thứ khác, khiến tôi khó còn cơ hội quay về một vùng trời thanh bình, yêu dấu ngày xửa ngày xưa!
* Đọc chuyện ba cái sàng, cũng là cơ hội để mình xét mình. Mình có trưởng thành đủ để nhận định chuyện gì nên nghe, chuyện gì nên bỏ ngoài tai? Mình có còn minh mẫn, để phán đoán chuyện gì trúng, chuyện gì sai, chuyện gì có lợi, chuyện gì hại, chuyện gì nên phát tán chuyện gì nên tẩy chay? Mỗi lần nói cái gì đó, mình có đánh lưỡi đủ 7 lần không? Viết cái gì, phổ biến cái gì, có sàng đi sàng lại, không phải ba lần như hiền triết Socrates thôi, mà sàng cho tới khi tất cả thóc gom hết lại ở giữa, như má mình sàng gạo ngày xưa không?
* Nói cái gì không có lợi cho ai hết, thà làm người câm! Người câm người ta thương. Người nói toàn chuyện thọc gậy bánh xe, nói chuyện đâm hơi, chúng ghét!
* Viết cái gì không lợi cho ai, thà ngồi đọc người khác viết. Người không biết viết, không ai chê dở. Người biết viết mà viết bậy bạ, dùng ngòi bút làm đao kiếm, đời sẽ nguyền rủa!
* Nếu sợ vợ mà nổi tiếng như Socrates, Lincoln, hay Tolstoi, Mười Lúa cũng muốn sợ vợ thử, coi có thể thành triết gia, thành Tổng Thống, hay thành đại văn hào được không!
* “Ăn bám” vợ như Socrates, cũng để cho nhân loại một kho triết học vô giá! Tên râu xồm “ăn bám” kia, chỉ để tai hoạ cho loài người! Ước gì hắn đừng được sinh ra, bởi vì hắn được sinh ra, khiến hằng trăm triệu mạng người bị cướp đi bởi bàn tay của những tên đệ tử ác ôn tôn thờ hắn!
Peter Tran